Pages

Wednesday, May 15, 2013

Sinh nhật của tôi



Tôi có người chú thứ Chín, cho đến ngày chú nhắm mắt lìa đời, chú vẫn còn ấm ức nói với con cháu, lúc đó có tôi:

- Trong nhà, ai ông nội cũng ghi ngày sanh tháng đẻ, chỉ có tao không thấy ghi chi hết, cho nên ngày ghi trong khai sanh, không phải là ngày tao được sanh ra.

Về sau, người chú thứ Tám nói với tôi rằng:  “Ngày xưa ông nội tôi có ghi ngày tháng năm sinh tất cả các con trong quyển sách thuốc, có người mượn rồi không trả, nhà cũng không nhớ ai mượn để đòi lại, nên quyển sách ấy mất luôn.”

Năm hai chú nói, tôi vào tuổi 12 hay 13 tôi nhớ đến trường hợp ông thân tôi cũng ghi ngày giờ sanh của tất cả anh chị em tôi trong quyển Kim Vân Kiều, nhưng cũng không có ghi cho tôi. Căn cứ vào khai sanh, trong đó ghi tôi sanh ngày 13 tháng Năm năm 1941, thuộc tuổi Tân Tỵ.

Năm 1946 hay 1947, tôi đã đi học rồi thời buổi loạn lạc, thôn quê có trường nhưng không có thầy giáo dạy, vì trước đó các thầy đều tham gia Thanh niên tiền phong, bỏ trường, bỏ dạy theo kháng chiến chống Pháp, giành độc lập cho nước nhà, tôi đi học tư. Năm 1950 đỗ bằng Sơ đẳng Tiểu học, đáng lẽ được xuống tỉnh vào học lớp Nhì, nhưng anh tôi đang học lớp Nhứt, nhà không thể lo cho hai anh em cùng đi học ở tỉnh. Cho nên tôi không được đi học tiếp. Đến năm 1954, ông thân tôi mất, chú và anh tôi mới thu xếp cho tôi lên tỉnh học tiếp lớp Nhì. Năm 1956, tôi lên lớp Nhất, học cũng khá nhưng sẽ quá tuổi thi vào Đệ Thất, nên bác tôi lại phải ra tòa án tỉnh làm Thế vì khai sanh cho tôi. Không biết bác ấy nghĩ thế nào khai cho tôi sanh ngày 15 tháng Năm năm 1943 nhờ thế tuổi tôi nhỏ hơn, đủ để dự thi vào lớp Đệ Thất năm đó.

Cho nên, căn cứ vào khai sanh năm 1941 ngày 13 cũng chưa chắc là đúng mà ngày 15 n ăm 1943 thì lại càng không đúng nữa.

Mấy năm trước, tôi có trang Facebook, trang này thường thông báo ngày sanh nhật cho những người bạn, có lẽ vì vậy mà năm nay, có những người bạn hay cựu học sinh gửi lời chúc mừng sinh nhật của tôi như Lâm Khương Tiến, Trần Thị Kim Mỹ, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Nở, Ngô Amy, Đoàn Hải, Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Tăng Cường Bảo, Phạm Mỹ Dung, Phạm Thị Minh Nguyệt, Trần Đình Hùng và đặc biệt có cô Ngọc Liên ở Thủ Dầu Một, tôi không nhớ là ai, cũng chúc mừng sinh nhật – Xin cám ơn tất cả.

Hôm nay, 15-5-2013, con gái tôi nghỉ làm một buổi đưa tôi đi ăn nhân dịp sinh nhật, tôi chọn đi ăn cửa hàng California Pizzas ở Jefferson Mall, hôm nay ngày thứ Tư lại vào buổi trưa, nhưng khách ăn đầy nhà hàng, họ ngồi cả mấy bàn ở ngoài trời cho được thoải mái hơn.

California Pizza

Ăn xong về nhà về nhà, được ông bạn Phúc An gửi cho một bài viết về Chân không diệu hữu của Chân Nguyên Nguyễn Tường Bách.

Vì có tới 2 ông Nguyễn Tường Bách, nên tôi gửi ra một bài Nguyễn Tường Bách để mọi người cùng đọc.
Nguyễn Tường Bách

1.- Bác sĩ Nguyễn Tường Bách


 Viễn Sơn - Nguyễn Tường Bách (1916-2013)

Nguyễn Tường Bách sinh năm 1916 tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Con út trong một gia đình 7 người con trong đó có Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và Nguyễn Thị Thế, định cư và qua đời ở Hoa kỳ. Hai anh Tam và Long từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến VN thời Hồ Chí Minh. Anh Hai Nguyễn Tường Cẩm bị Việt Minh thủ tiêu khi mới 44 tuổi tại Bắc Việt mặc dù không từng tham gia đảng phái nào.

Sau khi xong tiểu học tại Hải Dương và Thái Bình, ông về Hà Nội, đường Hàng Vôi, để tiếp tục chương trình sơ học. Thi vào trường Bưởi, tức Chu Văn An, để luyện thi Tú tài nhưng sau một thời gian, xin thôi, về nhà mua sách để tự học vì không thích không khí giáo dục bảo hộ.

Khoảng năm 1930, đổ Tú tài 1 Pháp. Ông vào học trường Albert Sarraut, ban Triết, thi rớt Tú tài 2,  được Giáo sư Bourguignon chú ý giúp đỡ, vì ông nhận thấy Nguyễn Tường Bách có kiến thức Triết khá vững nhờ nghiên cứu riêng, nên sau đó thi đậu Tú Tài 2 hạng ưu, ông ghi tên vào Trường Y khoa Hà Nội. Mặc dù ông văn chương hơn, nhưng gia đình khuyên nên có một chọn lựa thực tế, bảo đảm đời sống tương lai.

Ông học Đại học Y khoa Hà Nội trong bảy năm, gồm có một năm chuẩn bị PCB, nạp luận án năm 1943 và qua năm sau lãnh cấp bằng bác sĩ, trước ngày 3.9.1945 Nhựt đảo chính Pháp. Trong lúc học y khoa cũng như sau  khi ra trường, ông hoạt động hội kín trong Đảng Đại Việt Dân chính, làm thơ, viết báo với nhóm Tự lực Văn đoàn và phụ trách - trong cương vị hoặc chủ nhiệm, hoặc chủ bút - các tờ báo Ngày Nay Tập mới, Bình Minh, Việt Nam Thời báo và sau hết, tờ Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam Quốc Dân Đảng.

Tháng 8.1945, Việt Minh cướp chính quyền. Cùng với VN Cách Mệnh Đồng Minh Hội, VN Quốc Dân Đảng xuất hiện đấu tranh công khai. Nguyễn Tường Bách là ủy viên trung ương, phụ trách tờ Việt Nam để tuyên truyền chống CS. Mặt khác, ông tổ chức Quốc gia Thanh niên Đoàn.

Tháng 6.1946, Việt Minh tăng cường áp lực. Sau khi cầm cự lối nửa năm, đảng trưởng Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Bách và Lê Khang, trong Bộ Chỉ huy. Ông là Chỉ huy trưởng Đệ tam chiến khu của Quốc Dân Đảng (gồm từ Vĩnh Yên tới Lào Kay),  phải rút lên Việt Trì, rồi Yên Báy và Lào Kay. Lực lượng Đệ tam khu lúc đó gồm có lối một nghìn người: hai, ba trăm chí nguyện quân từ Trung Hoa về, cọng với một số cựu lính khố xanh của Pháp, võ trang khá thô sơ. Thành phần kể sau không có ý chí tranh đấu mạnh. Phía VNQDĐ không có đài phát thanh, thiếu phương tiện quảng bá, chỉ có tờ báo Việt Nam. Quân đội VNQDĐ đóng chốt tại các tỉnh lỵ nên bị Việt Minh bao vây.

Việt Minh không đông nhưng ảnh hưởng mạnh quần chúng vi họ có tổ chức, biết đọat thời cơ, tuyên truyền sâu rộng và lôi cuốn đồng bào với các chiêu bài ăn khách như đả thực, chống đế quốc và áp bức. Phiá quốc gia xích mích nội bộ, chủ quan, coi thường đảng CS và đặt hết niềm tin vào sự hỗ trợ của quân đội Trung hoa nên thua là phải.

Tháng 7.1946, khi hay tin Việt Minh nhóm đại hội tại Thái Nguyên và Nhật bản sắp đầu hàng, cánh quốc gia đã không tổng hành động kịp thời, tiến tới khởi nghĩa. Bị kẹt giữa Pháp và Việt Minh, các đảng quốc gia không chiếm được địa bàn đủ rộng và không có đủ sức chống lại hai thế lực đó từ Nam ra Bắc.

Một ngày cuối tháng 7.1946, toán VNQDĐ gồm có 8 người, trong đó có Nguyễn Tường Bách vượt qua cầu sắt Lào Kai - Hà khẩu để sang Trung hoa. Khi ấy Nguyễn Tường Tam đã có mặt tại Côn Minh. Như Nam Ninh và Quảng châu, Côn Minh là nơi ẩn thân của nhiều nhà đấu tranh Việt Nam. Hội nghị đảng viên VNQDĐ bầu một Hải ngoại Bộ để tiến hành công tác ngoại vận và gây lại các cơ sở địa phương. Thành phần lãnh đạo gồm có Nguyễn Tường Tam (chủ nhiệm), Nguyễn Tường Long (ngoại vụ) và Xuân Tùng (kinh tài). Tâm trạng chung lúc đó khá bối rối, phức tạp, có người tỏ ra thất vọng nhưng phần đông thông cảm tình thế khó khăn.

Vào giữa năm 1947, Nguyễn Tường Bách kết hôn với cô Hứa Bảo Liên, người Việt gốc Hoa có Pháp tịch, trước 1945 cô l àm y tá ở bệnh viện Phủ Doãn, nơi mà Nguyễn Tường Bách, Trần Đình Đệ, Phạm Biểu Tâm thực tập tại đây. Cô Hứa Bảo Liên cũng có hợp tác viết lách và phiên dịch trong các tờ báo do Nguyễn Tường Bách phụ trách, vì thế cô quen nhiều với gia đình Nguyễn Tường. Cô là một phụ nữ có tinh thần phóng khoáng, tự lập và dấn thân. Năm 1945, cô cũng đã sang  Trung hoa và học môn văn chương tại Đại học Côn Minh.

Những người VNQDĐ lánh nạn ở Côn Minh rút kinh nghiệm, nghiên cứu tại chỗ một con đường đấu tranh mới trong thế bí của các phái quốc gia. Tháng 3.1949, Nguyễn Tường Bách thoát ly Quốc Dân Đảng và thành lập nhóm "Cách Mệnh Xã hội" với chủ trương chống chuyên chính vô sản và tư bản bốc lột; thực hiện một chế độ "xã hội chủ nghĩa" nhưng không độc tài theo lối Bắc Âu. Tờ báo Cách Mệnh Xã hội ra được vài số rồi ngưng xuất bản.

Tháng 2.1950, ông được nhận làm việc tại Đệ tam Y viện tỉnh Quảng Đông. Trước dó, năm 1948, vợ ông được tuyển dạy văn hoá và toán ở một trường tiểu học Phật Sơn, lương trả bằng gạo. Quy chế của họ là ngoại kiều cư trú, phải đi học tập chính trị. Đời sống chật vật vì đông con. Ông đã chứng kiến tận mắt tất cả các trận bão táp của chế độ Mao: cải cách ruộng đất, kế hoạch đấu tố tư sản, phong trào học sinh lên núi xuống đồng, cuộc vận động "ba chống, năm chống", Đại hội 8 của Trung cộng, Cách mạng văn hóa 1968, Đại Nhảy vọt về nông nghiệp, nạn đói kinh khủng, sự phản đối khuynh hướng "hữu khuynh, xét lại" ...

Tháng 3.1988, sau 40 năm sinh sống tại Trung Quốc, vợ chồng chúng tôi quyết định di cư qua Mỹ để đoàn tụ với hai con Hứa Anh và Hứa Chân. Lưu vong đâu nữa cũng là lưu vong.

Tôi bắt đầu viết lách lại và xuất bản được trong các năm 1995, 1999 và 2000 ba sáng tác kể ở phiá trên: một quyển tiểu thuyết và hai hồi ký. Ngoài ra, tôi hợp tác với nhiều báo Việt ngữ dưới bút hiệu Viễn Sơn. Tôi cũng tiếp xúc với nhiều hội đoàn và tổ chức người Việt. Ngày 12 và 13 tháng chạp 1988, một Đại hội đảng phái quốc gia nhóm sơ bộ tại Santa Ana, Californie, chỉ định tôi trình bày mục tiêu. Một Văn phòng phối hợp ra đời để nghiên cứu và thảo kế hoạch. Ngày 16.9.1989, một Đại hội chính thức được triệu tâp, tôi đọc diễn từ khai mạc, Nguyễn Long Thành Nam thuyết trình về mô thức kết hợp, Trần Đức Thanh Phong về lập trường chính trị và nội quy, Phạm Đình Đệ về kế hoạch công tác. Ngày hôm sau, Đại hội biểu quyết lấy danh xưng là "Uỷ ban Điều hợp các tổ chức đấu tranh cho VN tự do". Văn phòng điều hợp Trung ương được thiết lập và một Thông cáo chung được thông qua. Ngày 25.5.1991, cũng tại Santa Ana, Mặt trận Dân tộc Dân chủ Việt Nam, gồm có 8 đảng và một số nhân sĩ, ra mắt quần chúng. Cơ quan ngôn luận của Mặt trận là tờ Tiếng Dân.

Các tổ chức đã tham gia Mặt Trận Dân Tộc, Dân chủ cho Việt Nam  là VN Quốc Dân Đảng, Mặt trận VN Tự do, VN Dân chủ Xã hội Đảng, Liên Minh Dân chủ VN, Lực lượng VN Tự do, Liên Minh Toàn Dân VN Quốc gia, Tổ chức Phục Hưng, Cơ sở Dân quyền Canada, Tổ chức Phục Việt Âu châu... Đại diện đảng và nhân sĩ gồm có Hà Thúc Ký, Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Diễm, Lê Duy Việt, Lê Phước Sang, Trần Minh Công, Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Trần, Nguyễn Long Thành Nam, Hà Thế Ruyệt, Hoa Thế Nhân, Trần Huỳnh Châu, Phạm Ngọc Lũy, Lưu Trung Khảo, Trần Đức Thanh Phong, Nguyễn Văn Tại..v..v..

Sau khi Gs Nguyễn Ngọc Huy qua đời, Liên Minh Dân chủ VN vỡ làm đôi. Cánh Stephen Young tiếp xúc với Hà Nội để tìm giải pháp thoả hiệp. Để tránh những xung đột vô ý nghiã giữa các thành viên, Mặt trận đã ngưng họat động vào năm 1995. Một lần nữa, giấc mơ kết hợp gây thất vọng.

 Tôi tin tưởng CS không tồn tại lâu ở VN vì chủ nghĩa Mác Lê đầy mâu thuẫn, tự diệt và xa dần quần chúng. Đấu tranh cho Nhân quyền có thể dấy động đại chúng và thúc đẩy áp lực của quốc tế đối với Hà Nội. Bởi thế từ 1996, tôi nhiệt liệt cổ động việc thành lập "Mạng Lưới Nhân Quyền VN". Tổ chức này được hợp thức hóa trong Đại hội thế giới triệu tập vào tháng 10.1997 tại Californie và đang hoạt động hữu hiệu

Bác sĩ Nguyễn Tường  Bách và gia đình định cư ở California, ông vẫn tiếp tục dấn thân đấu tranh cho tự do, dân chủ của Việt Nam. Ông mất ngày 11-5-2013 tại California, thọ 97 tuổi.


2. Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách



Chân Nguyên - Nguyễn Tường Bách (1948-    )

Sinh năm 1948 tại Bao Vinh, Thành phố Huế.

Năm 1967 – 1971, Du học ở Đức quốc, ngành xây dựng.

Năm 1975 – 1979, Nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành vật lý tại Đại Học Stuttgart, Đức.

Năm 1979 – 1992, Giám đốc kinh doanh tập đoàn ABB chuyên sản xuất từ thiết bị phát điện.

Năm 1992 - đầu 2008, Giám đốc điều hành một công ty thương mại chuyên xuất khẩu các thiết bị công nghiệp.

Ông thường về Việt Nam, sinh hoạt trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam như Tiến sĩ Thái Kim Lan. Họ là những Việt kiều yêu nước.

Tác phẩm dịch:

- Con đường mây trắng
- Đạo của vật lý
- Đối diện cuộc đời
- Sư tử tuyết bờm xanh.
- Thiền trong nghệ thuật bắn cung

Tác phẩm:

- Từ điển Phật học
- Đêm qua sân trước một cành mai
- Lưới trời ai dệt
- Mùi hương trầm.
- Mộng đời bất tuyệt

Trích văn:
Chân không diệu hữu
Từ một tình trạng không có gì, phi thời gian không gian, không cần một nguyên nhân ngoại lai, có một sự bùng nổ, phát ra năng lượng và vật chất. Đó là hiệu ứng được mệnh danh là “hiệu ứng lượng tử”, xuất phát từ sự tăng giảm không đều của năng lượng. Nói tóm gọn, vũ trụ là kết quả của một sự sáng tạo mà không có người sáng tạo.

Trong năm 2010 có hai biến cố đặc biệt thu hút sự chú ý của giới khoa học. Tháng 9.2010, nhà vật lý học lừng danh Stephen Hawking luận giải một cách chung cuộc rằng vũ trụ xuất phát từ chân không, vũ trụ phát sinh không cần đến một đấng sáng tạo. Tháng 12.2010, Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian NASA thông báo phát hiện của bà Felisa Wolfe-Simon, trong đó người ta tìm thấy một hình thái mới của sự sống, không giống với cấu trúc mà con người biết đến.

Hai biến cố khoa học này làm những ai quan tâm không thể không liên tưởng đến những luận đề cơ bản của Phật giáo trong vũ trụ và thế giới hiện tượng.

Trong tác phẩm mới xuất bản The Grand Design, nhà vật lý 68 tuổi Stephen Hawking viết rằng, các lý thuyết vật lý mới nhất cho thấy vũ trụ của chúng ta đã tự hình thành. Trước khi vũ trụ thành hình thì chỉ là một sự trống rỗng, nhưng tính sáng tạo nội tại trong cái “Không” đó đã hình thành vũ trụ. Hawking thấy “không cần thiết” phải có một Thượng đế, một đấng sáng tạo để tạo dựng nên vũ trụ.

Từ một tình trạng không có gì, phi thời gian không gian, không cần một nguyên nhân ngoại lai, có một sự bùng nổ, phát ra năng lượng và vật chất. Đó là hiệu ứng được mệnh danh là “hiệu ứng lượng tử”, xuất phát từ sự tăng giảm không đều của năng lượng. Nói tóm gọn, vũ trụ là kết quả của một sự sáng tạo mà không có người sáng tạo.

Với nhận thức này, Hawking đã từ chối có một đấng sáng tạo vũ trụ. Nhận thức này không dễ chấp nhận tại phương Tây, kể cả trong giới khoa học vật lý. Lý do không phải là các nhà vật lý kia tin mù quáng nơi một Thượng đế toàn năng mà họ có những lý lẽ hết sức vững chắc khác. Đó là thế giới của chúng ta quá kỳ diệu, rõ rệt là vũ trụ được cấu tạo dường như có chủ đích là sẽ có ý thức tồn tại trong đó. Người ta đã xác định một loạt các thông số trong Thái dương hệ và thấy rằng chỉ cần một thông số lệch đi một chút là đã không thể có đời sống loài người trên trái đất. Mặt trời chỉ cần lớn hơn một chút, thành phần của các hành tinh chỉ khác đi một chút, không có sự hiện diện của mặt trăng… là không thể có loài người. Xác suất để ý thức xuất hiện là quá nhỏ, gần như bằng không. Thế mà vẫn có ý thức cao cấp xuất hiện để chiêm nghiệm ngược lại về vũ trụ.

Một khi đã có một vũ trụ vân hành hoàn hảo như thế, khi có một sự sáng tạo tuyệt diệu thì cần phải có người sáng tạo có ý thức, hay phải có “Thượng đế”. Thế nhưng cũng chính các nhà khoa học theo quan niệm sáng tạo cũng phân vân, nếu có Thượng đế toàn năng thì làm sao lý giải được những cảnh tàn bạo, bất công trong thế giới của con người. Đó là một nan đề của môn bản thể học trong vật lý hiện đại.

Nhận thức của Hawking cho rằng vũ trụ xuất phát từ chân không bằng một sự vận động tự thể. Có sự sáng tạo nhưng không có người sáng tạo. Nhận thức này phần nào lý giải tính chất kỳ diệu của vũ trụ nhưng không dễ hiểu. Nó khó hiểu ở chỗ là nhận thức này từ chối một tự ngã làm chủ cho một hành động. Có hành động nhưng không có người hành động. Nhận thức này tuy xa lạ với phương Tây nhưng nó là một cách phát biểu của thuyết vô ngã trong đạo Phật.

Biến cố thứ hai trong năm 2010 là bài báo cáo của bà Felisa Wolfe-Simon1 (NASA Astrobiology Institude, USA) và cộng sự về một cái nhìn khác về hình thái của sự sống, nhân dịp khám phá một loại vi sinh vật được cấu tạo hoàn toàn khác với quan niệm hiện nay. Theo các lý thuyết sinh học hiện nay, mọi hình thái hữu cơ trên trái đất và cả ngoài trái đất chỉ được xây dựng với 6 nguyên tố: carbon, hydro, nitrogen, oxy, sulfur (lưu huỳnh) và phosphorus (phốt pho). Từ những tế bào giản đơn nhất, đơn bào, sống trong môi trường hiếm khí hay không có ánh sáng cho đến chủng loại cao cấp loài người đều chỉ gồm 6 nguyên tố đó mà thôi. Nay Wolfe-Simon chứng minh rằng đã có sinh vật không chứa phosphorus mà chứa arsenic (thạch tín).Với arsenic, vi sinh vật này cũng tăng trưởng tương tự như các vi sinh vật khác.

Phát hiện này xem ra không quan trọng trong đời sống bình thường, nhưng trong ngành sinh vật học địa cầu và ngoài địa cầu, nó gây “chấn động mãnh liệt”. Người ta bừng tỉnh thấy rằng lâu nay ngành sinh học quan niệm về sự sống một cách hạn hẹp, tự đưa ra hạn chế trong định nghĩa về hình thái của sự sống. Người ta thấy rằng phải từ bỏ hạn chế đó và cần tìm hiểu lại sự sống ngay trên trái đất này. Khi đó, với nghiên cứu về sự sống ngoài hành tinh, người ta hy vọng sẽ mở rộng hơn tầm nhìn và khám phá những hình thái sống không thể ngờ tới. Thực tế là arsenic hiện hữu nhiều trong những môi trường cực lạnh, “linh động” hơn phosphorus và vì vậy dễ sinh ra sự sống hơn. Do đó khi xem arsenic là một nguyên tố của sự sống hữu cơ, người ta có nhiều hy vọng hơn sẽ tìm thấy sự sống khác trong vũ trụ.

Bài báo cáo về vi sinh vật này tuy có tính chất rất chuyên môn nhưng thật ra đã tạo nên một niềm triển vọng và phấn khích mới. Đó là con người chỉ thấy rằng mình chỉ là một hình thái trong vô số hình thái của sự sống. Điều này làm ta nhớ tới khái niệm “Diệu hữu” trong đạo Phật. Sự tồn tại (hữu) là vô tận, số lượng của thế giới và của các loài sinh vật, từ đơn giản đến cao cấp, là vô tận. Có thể con người một ngày kia sẽ đến chỗ thừa nhận là sự sống có những hình thái hoàn toàn khác hẳn, không phải chỉ gồm 6 nguyên tố mà nhiều hơn hẳn. Cũng có thể người ta sẽ đến với nhận thức là tư tưởng và tình cảm cũng là một dạng của sự sống mà “thân” của chúng không phải là các yếu tố “vật chất” mà là những sóng tương tự như những sóng điện từ. Cuối cùng khi con người nhận thấy đời sống là nhất thể, và mọi hình thái của nó, từ vật chất đến phi vật chất, đều là những “pháp” vô ngã, vô thường, khi đó khoa học tạm gọi là sẽ đồng quy với Phật giáo.

Đồng chủ biên cuộc khảo cứu, giáo sư Paul Davies thuộc Arizona State University và Viện Sinh học Không gian của NASA, nói với BBC News2: “Vào lúc này chúng ta không biết sự sống chỉ là một tai nạn ngẫu nhiên xảy ra trên trái đất, hay đó là một phần của một tiến trình sinh hóa tự nhiên qua đó sự sống xuất hiện ở bất kỳ đâu có điều kiện trên trái đất”. Davies ủng hộ quan niệm “… sự sống xuất hiện ở bất kỳ đâu có điều kiện như trái đất” và điều này rất phù hợp với quan niệm Duyên khởi của đạo Phật, tức là cho rằng hễ có điều kiện như nhau thì sự sống phát sinh như nhau chứ một hiện tượng không thể xuất hiện “ngẫu nhiên” một lần rồi thôi.

Hai biến cố kể trên, một bên thuộc phạm vi vật lý lý thuyết, bên kia của vi sinh vật, có một ý nghĩa thú vị ở đây. Nhận thức của Hawking trùng hợp với thuyết “Chân không” và Vô ngã, còn phát hiện của Wolfe-Simon làm ta liên tưởng đến tính “Diệu hữu” và duyên khởi của đạo Phật.

Chân không - Diệu hữu vốn là vấn đề của vũ trụ quan của Phật giáo. Theo đó, mọi hiện tượng đều xuất phát một cách nội tại từ “Không”, không do tác nhân bên ngoài. Chúng xuất hiện trong thế gian và tuân thủ nguyên lý Duyên khởi, đủ điều kiện thì sinh, đủ điều kiện thì diệt. Các hiện tượng đó không ai làm chủ nhân, chúng làm tiền đề cho nhau để sinh và diệt. Khi sinh thì sinh từ chân không, khi diệt thì không còn chút bóng hình lưu lại. Các hiện tượng, mà trong đạo Phật gọi là “pháp”, không chịu sự hạn chế nào cả, không có ai lèo lái chúng cả. Khi đủ điều kiện thì mọi hình thái của sự sống đều khả dĩ, khả năng xuất hiện của chúng là vô tận, “bất khả tư nghì”. Diệu hữu bao trùm mọi hiện tượng, vật lý cũng như tâm lý, nằm ngoài khả năng suy luận của con người chúng ta. Cụ thể, khi nói về con người thì đó là một tổng thể gồm hai mặt tâm lý và vật lý với năm yếu tố mà ta gọi là Ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức). Năm yếu tố đó vận hành vô chủ.

Những phát hiện của khoa học làm chúng ta kinh ngạc về tri kiến của Phật và các vị Tổ. Các vị đã phát hiện những quy luật của vũ trụ không bằng phép nghiên cứu thực nghiệm mà bằng trực giác trong một dạng tâm thức phi thường của thiền định. Qua thời gian, thực tế cho thấy các phát hiện của khoa học không hề bác bỏ vũ trụ quan Phật giáo mà ngược lại, chúng trùng hợp một cách kỳ lạ. Tuy nhiên chúng ta cần tránh một thái độ, đó là xem khoa học như thước đo đúng sai đối với nhận thức luận Phật giáo. Lý do là Phật giáo chủ yếu nhận thức về hoạt động của tâm, trong lúc khoa học vật lý hay sinh học thiên về vật chất. Tất nhiên Phật giáo xem tâm-vật nằm chung trong một thể thống nhất và mặt khác, khoa học vật lý hiện đại cũng phải thừa nhận vai trò của người quan sát (tức là vai trò của tâm) trong mọi thí nghiệm. Nhưng phải nói phạm vi nhận thức giữa khoa học và Phật giáo rất khác nhau. Một điều mà ta không quên nữa là Phật giáo nhận thức thế giới với mục đích thoát khổ, thoát khỏi sự ràng buộc của nó bằng các phương pháp tu dưỡng tâm. Còn nhà vật lý hay sinh học chỉ nhận lại ở sự nhận thức. Vì vậy, khi so sánh Phật giáo và khoa học, tuy có nhiều thú vị và hứng khởi, ta cần biết giới hạn của nó.

Chân không - Diệu hữu là một chìa khóa để hiểu nhận thức luận về bản thể và hiện tượng của Phật giáo. Vì mọi hiện tượng xuất phát từ “Không” nên nó không có một bản chất trường tồn và riêng biệt, đó là thuyết Vô ngã. Chỉ có Ngũ uẩn đang vận hành, không có người vận hành chúng. Tương tự, Hawking cho rằng có sự sáng tạo nhưng không có ai sáng tạo cả. Thuyết Vô ngã khó hiểu cho những ai mới làm quen với đạo Phật. Cũng thế, vũ trụ tự sáng tạo và sáng tạo một cách tuyệt diệu, nhưng không có đấng sáng tạo. Đó là điều cũng khó hiểu cho nhiều người phương Tây.

Hawking chứng minh vũ trụ xuất phát từ cái “Không”, ông bác bỏ sự cần thiết của một Thượng đế nhưng có lẽ ông không biết “Không” là gì. Là một nhà vật lý, ông khó có thể biết hơn. Thế nhưng lại đến phiên ta kinh ngạc về khoa học vật lý. Dù tự hạn chế mình trong lĩnh vực vật chất, vật lý đã đi đến tận cùng biên giới của vật chất, gõ cửa ngành bản thể học và gần như chạm đến “chân lý tuyệt đối” của đạo Phật. Vị trí của Hawking làm ta nghĩ đến luận sư Long Thọ, cả hai vị đều cho rằng “Không” là nguồn gốc của muôn vật, nhưng cả hai đến từ hai chân trời khác nhau.

Phật và các vị Tổ Phật giáo biết “Không” là gì bằng trực quan nhưng không miêu tả nhận biết của mình.Tính Không thuộc về một lĩnh vực mà ngôn ngữ không diễn bày được. Cũng như thế trong vật lý lượng tử, người ta thấy ngôn ngữ và cách suy luận thông thường không còn thích hợp. Giữa Phật giáo và khoa học, sự trùng hợp rất lớn mà sự khác biệt cũng rất lớn.

Nhà vật lý tin rằng có một vụ “nổ ban đầu” (Big Bang) cách đây khoảng 14 tỉ năm để sinh ra vũ trụ vật lý. Thiền giả thấy có một sự “bùng nổ” trong tâm xảy ra trong từng sát-na. Đó là cách nói gọn nhất về sự khác biệt giữa Phật giáo và khoa học.

*
*   *

Con gái thứ ba đang ở Jackson County thuộc Tennessee, viết trên Facebook mấy dòng thơ mừng sinh nhật và báo tin chồng, đang xin chuyển về Lexington thuộc Kentucky, cách nhà tôi chừng 45 phút lái xe.

Cuối cùng con trai và hai cháu nội đến chúc mừng sinh nhật của tôi. Quà gồm một hộp giấy Canon in hình 4”x6” với 400 tấm, 2 lô mực in màu và một cái card SD cho máy ảnh với 64 GB. Tôi cho các cháu ăn bánh sinh nhật Cheesecake.

Năm nay, sinh nhật thứ 72, một ngày sinh nhật thật là hạnh phúc

PT. 15-5-2013

No comments:

Post a Comment