Pages

Saturday, September 3, 2022

Gợi nhớ kỷ niệm xưa

 Trong những ngày gần đây, tôi xem những Video clip Hồi Ký Miền Nam, lần đầu tự nhiên có Video Clip Mối tình thời chinh chiến của tác giả Phạm Văn Sanh hiện ra trong máy tôi, tôi bắt đầu xem từ đó và những Video clip khác như Chuyện tình thế kỷtrước tác giả Huy Văn Trương, rồi những Video khác trong đó có Trong 5 ngày cuối cùng của tác giả Chuẩn tướng Trần Quang Khôi…

Chuẩn tướng Trần Quang Khôi

Nhờ Video Clip Mối tình thời chinh chiến, tôi biết phần nào về Trường Võ Bị Đà Lạt mà tôi có 2 người bạn học đã tình nguyện vào quân ngũ. Đó là Trần Thanh Quang và Huỳnh Văn Dân. Từ năm 1960 cho tới năm 1962 tôi làm Trưởng lớp Đệ Tam A, đệ Nhị A và cuối năm học tôi thi rớt Tú Tài 1 nên ở lại lớp, còn các bạn khác đa số thi đỗ rồi học tiếp Tú Tài 2, Quang và Dân sau khi đỗ Tú Tài 2 đã tình nguyện vào học trường Võ Bị Đà Lạt hình như là khóa 20. Sau đó Quang đi binh chủng Nhảy Dù, bị thương cụt hết cánh tay trước Tết Mậu Thân.

Lúc Mậu Thân Quang đang ở Mỹ tập sử dụng cánh tay giả, sau đó Quang về Việt Nam trở thành cựu chiến binh, rồi ghi danh đi học Khoa Báo Chí và Văn Chương Anh Mỹ tại Đại học Vạn Hạnh, có đôi giờ Quang và tôi cùng học chung giờ, tốt nghiệp cùng năm 1973. Đến năm 1974 Quang được bổ nhiệm giáo sư dạy tại Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng ở Sàigòn, vài tháng sau Quang được học bổng đi Mỹ du học, hiện Quang sinh sống tại thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri, còn Dân ở Denver, Colorado. Xem Vido Clip làm cho tôi nhớ bạn thuở tuổi học trò.

Lớp Đệ Nhị A KTCT năm 1962 Hàng ngồi từ Trái: 1. Trần Thanh Quang, 2. Chi, 3. Chính, 4. Huỳnh Văn Dân

Còn Chuyện tình thế kỷ trước làm cho tôi nhớ tới Banmêthuộc rất nhiều. Anh chàng sinh viên sĩ quan Đà Lạt  sau khi ra trường, được phân bổ về Banmêthuộc, anh đi máy bay Air Việt Nam từ Đà Lạt sang Banmêthuộc, được xe đưa về trạm vé ở đường Lý Thường Kiệt, rồi đi xe Cyclo đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, làm cho tôi nhớ đến năm 1966, từ Sàigòn lên Banmêthuột chỉ có phương tiện duy nhất là Air Việt Nam.

Sau 45 phút bay, phi cơ đáp xuống phi trường Phụng Dục, chung quanh đất đỏ bao trùm, rồi cũng đi bộ vào nhà ga, sau đó được xe của hãng Air Việt Nam đưa về trụ sở ở đường Lý Thường Kiệt, ngay trung tâm thành phố, tôi cũng gọi Cyclo về Trường Kỹ Thuật Banmêthuộc. Cyclo chạy qua ngã sáu, quẹo phải, qua trạm Điện Lực, qua Bưu Điện bên tay phải, còn bên tay trái là biệt thự của cụ Tôn Thất Hối, thân phụ của bác sĩ Tôn Thất Niệm đương nhiệm Giám Đốc Bệnh Viện Banmêthuộc, kế đó là Tiểu khu rồi Tòa Hành Chánh, qua khỏi Tòa Hành Chánh là Ty Ngân Khố, tại đây xe quẹo phải gặp ngay Ty Tiểu học, bên cạnh là Trường Tiểu học, bên tay trái là đường đi tới Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, kế đó là bệnh viện, đi tiếp nữa là dẫn vào kho đạn. Còn Trường Kỹ Thuật Banmêthuộc nằm cạnh Trường Tiểu học, đối diện với Nhà Xác của Bệnh viện.

Trong truyện, anh Sĩ quan mới ra trường đi tìm đơn vị để trình diện, hỏi thăm một cô nữ sinh bị cô ta phang cho một câu: “Vô duyên”, bởi vì ở Banmêthuộc trẻ con lên 6 lên 7 ai cũng biết Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, còn anh nầy hỏi tức là chọc ghẹo cô ta. Nhưng sau đó cô ta đã hối hận vì mình lỡ lời.

Rồi anh tân sĩ quan được phân bổ về Trung Đoàn 45, đóng quân tại cây số 5, tức là cách thị xã 5 cây số, thỉnh thoảng anh ra phố mua tạp chí hay báo để đọc. Tại cửa hàng sách báo, anh sĩ quan gặp lại cô gái đã sẳn giọng khi anh hỏi đường đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, anh nhìn rõ cô gái bán sách cũng đẹp, còn cô gái ấy là cô Luận đã hối hận vì mình lỡ lời trước đây, nên nay gặp lại anh sĩ quan tiếp đón anh ân cần, họ dần dần làm quen, có cảm tình và yêu nhau.

Tôi nhớ hồi đó lên Banmêthuộc không có ai quen, may nhờ anh Giám học giới thiệu cho tôi ăn cơm tháng ở nhà ông Giáo sư, kiêm Thủ kho, còn ở thì sống chung phòng với anh Giám học và anh Trưởng phòng hành chánh, tất cả chúng tôi đều độc than, nên được ở một phòng trong Trường thuộc Ký túc xá.

Banmêthuộc người ta cho nó cái biệt danh Bụi Mịt Trời, Buồn Muôn Thuở cũng như thuốc lá Pallmall được gán biệt danh Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu. Đối với tôi Banmêthuộc là nắng bụi, mưa bùn. Nơi chốn nầy buồn quá chỉ có một rạp chiếu bóng Lodo, có một rạp hát cải lương Thống Nhất năm khi mười họa mới có gánh hát cải lương đến hát, còn rạp chiếu bóng tôi chưa đi xem lần nào, nên chẳng biết ra sao. Mỗi chiều ăn cơm xong, chúng tôi thả bộ ra chợ, có thì giờ thì đi đến chùa Khải Đoan lễ Phật, hoặc đến quán sách báo gần cuối chợ.

Cinéma LODO đầu chợ Banmêthuộc vào thập niên 1960

Nơi quán sách báo nầy tôi không còn nhớ tên, ông bà chủ trên 60 nhà ở Sàigòn lên đây kinh doanh, họ có 2 cô con gái chị Phượng và cô Phi, cả 2 đều có nét da trắng, gương mặt hồng hào dễ nhìn, nói năng nhỏ nhẹ để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Khách đến quán nầy đa số là sĩ quan. Trong số họ có ai trồng cây si tôi không biết.

Đầu năm 1968, tôi được lệnh nhập ngũ đi khóa 27 Thủ Đức, tháng 8 ra Trường, tiếp tục theo học chuyên môn ở Trường Quân Cụ Gò Vấp, đến tháng 4 năm 1969 ra Trường được phân bổ đến Đại Đội Bảo Toàn, Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, Tại đây tôi được phân bổ làm Trung Đội Trưởng Sửa Chữa, đồn trú bên cạnh Trung Đoàn 32 đóng tại Trung tâm Thị xã Cà Mau, chừng một tháng, tôi được thuyên chuyển về hậu cứ làm Trung Đội Trưởng Hậu Cứ thuộc Đại Đội Bảo Toàn của Tiểu oàn 21 Tiếp Vận đóng quân tại Thị xã Sóc Trăng, trên đường đi Bãi Xào, cách Đài Phát Thanh Ba Xuyên chừng nửa cây số. Đến gần cuối tháng 9 tôi được biệt phái, lên phi cơ Air Việt Nam về Sàigòn từ giả đơn vị nầy.

Tháng 10 năm 1969, tôi trở lại Banmêthuộc, vài hôm đi ra quán sách báo, vẫn còn đó hai chị em chị Phượng, cô Phi nhưng không như ngày nào, trên gương mặt họ có nét buồn phiền hay là tôi suy bụng ta ra bụng người.

Tôi vẫn xem mấy cái Video Clip Hồi ký Miền Nam, nhất là những trận đánh oai hùng, những ngày tù cải tạo gian nan, xót xa cho kiếp tù đày, xót xa cho thân phận nhược tiểu, bị cường quốc bỏ rơi không hề thương tiếc.


Một anh lính dù ngồi nghỉ bên đường

Chuyện anh chàng sĩ quan có mối tình với cô Luận, làm cho tôi liên tưởng tới cô Phi và ngày tôi mới đặt chân lên xứ Buồn Muôn Thuở nầy. Tôi nghĩ sẽ có một ngày tôi trở lại đó, để nhơi lại kỷ niệm xưa.

866403092022







No comments:

Post a Comment