Người ta thường cho rằng người trẻ sẽ có tài năng hơn những người đi trước, nghĩa là những người sinh sau học được nhiều kinh nghiệm của người đi trước, sẽ có tài đức giỏi hơn, nên tục ngữ có câu nói “Hậu sanh khả úy” (后生可畏).
Hôm qua tôi nhận được 2 tập sách từ bên nhà gửi sang, một tập Đình và Làng Bnìh Thủy của tác giả Vĩnh Thông gửi biếu cho tôi, còn tập sách kia là Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình thần Bnìh Thủy do Huỳnh Thị Mỹ Thanh biên soạn và do Tổ chức biên soạn: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Châu phú, Ban Quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật đình thần Bình Thủy và Ban Quý tế di tích kiến trúc nghệ thuật đình thần Bình Thủy.
Sách in trên giấy láng có in nền trống đồng, trình bày trang nhã và hình ảnh phụ họa chẳng những đẹp mà còn rõ ràng sắc nét.
Nội dung trình bày xúc tích, người đọc theo đó biết được lịch sử của làng cũng như ngôi đình thần.
Tôi không nhớ rõ đình xây cất lại vào năm nào, vì lúc đó tôi còn nhỏ nhưng nhớ được là nhà Võ Ca có xây một bàn thờ tổ quốc bằng xi măng, để ngay chính giữa, nhằm mục đích không cho hát xướng và cúng đình các lệ tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chạp đều cúng chay. Đó là theo chủ trương của ông Hương Chủ Phan Hòa Huỡn, một tín đồ thuần thành và có uy tín theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo.
Mặc dù Ban Hội Tê cũ đồng loạt từ chức vào mùa thu năm 1945, trừ có Hương Quản Nguyễn Văn Bổn vẫn làm việc, vì gia đình ông ở tại xóm đạo, gần nhà thờ Năng Gù, nên rất bình yên. Từ những năm cúng chay đó, để tránh sát sanh theo đạo Phật, trong làng xảy ra dịch bệnh và thất mùa, dân chúng bàn tán, kêu rêu, Ban Quý tế họp lại và quyết định cúng mặn trở lại như xưa, vì cho rằng ông Thần là vị ăn mặn chớ không phải Phật hay Bồ Tát ăn chay, đa số trong Ban Quý tế tán đồng, ông cựu Hương Chủ phải theo đa số nên ông từ chức Chánh bái. Ông thân tôi là Hương sư, trong Ban Hộ Tề cũ là người có chức vị đứng kế Hương chủ, nên đương nhiên trở thành Chánh Bái, Bồi bái có Dương Văn Cừ và Lâm Văn Chẩn. Còn Hương Cả Lê Bửu Linh, cũng như Hương Quản Nguyễn Văn Bổn là hai người theo Thiên Chúa giáo, nên không có cúng đình và cũng vì vậy nên Ban Hội Tề đồng ý mời vị Hương Cả tiền nhiệm làm cố vấn với danh nghĩa là Đại Hương Cả. Đó là ông hương cả Phạm Tứ Thể.
Tôi còn nhớ, vào năm 1945 có gánh hát bội về làng, Ban Hội Tề cũ được mời xem hát, ông thân tôi không đi, nên anh Hai tôi dẫn tôi đi xem hát, dưới ánh đèn manchon chói chang, tôi thấy có nhiều người gắn huy hiệu trên ngực áo lấp lánh cờ đỏ sao vàng, sau nầy tôi mới biết đó là những người theo Thanh niên tiền phong. Chứng tỏ lúc đó đình chưa xây cất lại, nhà Võ ca cũ vẫn còn đó.
Khi các lệ cúng đình trở lại như xưa, cái bàn thờ tổ quốc dẹp bỏ để cho các gánh hát bội có thể trình diễn. Tôi nhớ khi Đình xây cất lại, nhà Võ Qui và nhà Võ Ca xây cất mới, còn Chánh điện và nhà họp bên cạnh vẫn giữ nguyên.
Nhà Võ qui (nằm giữa Chánh điện và Võ Ca), ông thân tôi phải làm giàn giá leo lên trên đó, để vẽ những bức tranh theo sự tích Tam Quốc Chí hay Lục Vân Tiên. Ông thân tôi vẽ cũng như đắp nổi bức bình phong ở ngoài đường để che bàn thờ cúng Thần Nông. Tôi nhớ để có mắt Nai hay mắt Cọp, ông thân tôi phải xin chị Ba Chuông con của bác Hương Sư Lâm Văn Nguyện, vì ngày trước lúc chưa lập gia dình, chị học thêu, chị phải đặt hàng mua từ bên Pháp, phải nói là nhờ chị Lâm Thị Chuông mới có được mắt Nai, mắt Cọp bằng thủy tinh rất đẹp.
Ông thân tôi đắp bức bình phong hay vẽ trang trí trong đình, đều làm thí công mấy tháng hay cả năm, cũng là ông thân tôi muốn bày tỏ sự biết ân đối với thần hoàng, vì có người vu oan cho ông thân tôi ăn hối lộ của nhà thầu cung cấp cát để xây dưng đình, ông thân tôi đến bàn thờ thần kêu oan, xin thần linh phò hộ cho tai qua nạn khỏi, rồi ông thân tôi xin quẻ, quẻ cho biết “tiền hung, hậu kiết”, trong khi chờ đợi quan trên xử kiện thì cách mạng mùa thu xảy ra, nên việc thưa kiện bỏ luôn.
Lần nữa người ta định băt ông thân tôi cho “mò tôm” vì cái tội trong nhà không treo trần điều, chống đối những người thờ cúng, đọc sấm giảng. Họ định đêm đó sẽ thi hành, có người nghe được tin ấy, liền báo cho ông thân tôi lúc gần tối. Ông thân tôi tức tốc xuống đình, vào nằm dưới bàn thờ thần, cầu nguyện ông thần phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Ngày hôm sau, ông thân tôi nhờ người nhà đi sang làng Mỹ Hội Đông nhờ gia tộc họ Huỳnh ở đó, sang làng Hòa Hảo báo cáo sự việc nói rõ ông thân tôi không có bài bác sự việc đọc sấm giảng, thờ cúng ở bàn thông thiên. Nhất là ông thân tôi theo đạo Phật, cũng họ Huỳnh với giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.
Sau có những người thân đến nhà thăm hỏi hay uống trà, ông thân tôi giải thích cho biết trên bàn thờ có ảnh Phật Thích Ca, ông thân tôi theo đạo Phật, trước kia đã trường trai 10 năm, sau đau phổi bị bác sĩ cấm ăn chay. Còn chuyện bài bác đọc Sấm Giảng, trẻ con thay vì lúc đưa em hát những bài ru em, có đứa đọc Sấm giảng, nên ông thân tôi khuyên đừng nên làm như vậy. Có người cột bò ở chỗ bàn thông thiên, chúng đái đọng vũng, ông thân tôi cũng khuyên không nên cột trâu bò gần bàn thông thiên sẽ ô uế nơi thờ cúng. Vì thế người ta hiểu lầm, quy kết sai. Do vậy ông thân tôi làm thí công, để trả ân thần hoàng đã phò hộ ông thân tôi tai qua, nạn khỏi.
Trong chánh điện ông thân tôi có làm đôi liễn bằng xi-măng, một đôi làm cho ông Hương Chủ và một đôi làm cho ông Hương Sư, lúc đó có 2 ông Hương Chủ, tôi không biết là ông nào: Hương chủ Phan Hòa Huỡn và cựu Hương chủ Hồ Văn Ổn, cũng có 2 ông Hương Sư là cựu Hương sư Lâm Văn Nguyện và ông thân tôi, nhưng chắc chắn là ông thân tôi làm cho Bác Lâm Văn Nguyện, làm cho ai thì người đó phải trả tiền vật liệu gồm có cốt sắt, cát, xi-mang và nước sơn, xem lạc khoản trên liễn thì biết ngay là của ai tiến cúng.
Năm 1945, Ban Hội Tề làng Bình Thủy huy động dân đào con kênh xuyên qua cù lao nối liền Xép Năng Gù và con sông Hậu. Đó là quyền hạn sau cùng của Ban Hội Tề làng Bình Thủy.
Trước đó, từ Rạch Cát ở đầu cù lao chạy dài xuống cuối cù lao ra phía sông Hậu, đất của ai cũng bị sung công thành Công điền làng cho mướn thu lúa ruộng bán lấy tiền bỏ vào Công nho. Đình xây cất lại, gặp lúc vận nước nổi trôi nên công nho khó khăn, việc xây cất, tu bổ kéo dài đến vài năm.
Tôi muốn nhắc lại những chi ông thân tôi đã làm cho đình làng, nay vẫn còn di tích về nghệ thuật. Tiếc rằng soạn giả Huỳnh Thị Mỹ Thanh chắc có học, có bằng cấp cao, nhưng ít hiểu biết nên tự động tỏ ra người học rộng hiểu nhiều, do sau tên ông thân của tôi lại thêm chữ ĐAN. Trong quyển Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình thần Bình Thủy, Ở trang 11: “…. Năm 1949, ông Huỳnh Văn Đoan (Đan) trực tiếp đắp, vẽ mặt trước và mặt sau bức bình phong phía trước đình…”
Thú thật tôi không biết cô ta nghĩ gì ? Nghĩ ông bà tôi dốt nên Đan viết thành Đoan, hoặc giả Chánh lục bộ ít học nên viết sai chánh tả. Tôi muốn nói thêm là khi ông thân tôi sinh ra năm 1895, lúc đó ông phủ hồi hưu Nguyễn Bá Thanh vẫn còn sinh tiền, ông ấy là ông nội của bà tôi, nhà của ông phủ và nhà của ông bà tôi sát vách nhau ở nhà quê, lúc đó có khi ông bà nội tôi đặt tên cho con, còn phải xin ý kiến ông Phủ. Chữ Đoan 端 đây có nghĩa là ngay thẳng, giềng mối, còn Đan có nghĩa là đan rổ rá hoặc đọc trại của chữ “cao đơn hoàn tán”. Mà đọc trại giống như mấy anh nhà quê thay vì đọc một trăm, hai trăm lại đọc một “chăm”, hai “chăm”, đi ra đi vô, đi “ga” đi vô !!!
Người cầm bút, nhà văn viết sai tên một người là một lầm lỗi đáng trách, còn sửa tên người ta lại càng đáng trách hơn.
866417082022
No comments:
Post a Comment