Kinh chào thầy,
Hôm rồi Bảo đến chơi. Anh em nói chuyện về các thầy các bạn Nguyễn Trường Tộ năm xưa. Em rất mừng biết được thầy Thuận, thầy Phấn và thầy Tông khỏe mạnh. Ký ức không có tuổi và cái cũ trong hoài niệm không già. Dễ thương quá.
Em trích gửi các thầy mấy bài viết ngớ ngẩn của em trong lúc lòng có chút ngập ngừng. Đọc cho thấy tâm sự của học trò thầy.
Chúc thầy an khang và hẹn gặp.
Học trò Hải
Ngày 11 tháng 7 năm 2022
Một khi phải đi tìm quê hương khi quê hương còn đó hoặc đi tìm quê hương trên quê hương mình đang sống, cảm giác bị bỏ rơi hay sự lạc lỏng không còn đơn thuần là hiện tượng tản mạng. Có nhiều lý do cho những hoàn cảnh khác nhau đưa ta vào con đường đó. Có thể là một cân nhắc chọn lựa hay một quyết định nhất thời tình huống. Dù với lý do gì, ta cũng đã mất đi hoặc bỏ lại hoặc không thể cùng chung sống người ta đã sống và chia sẻ buồn vui hạnh ngộ, để lại sau lưng con đường tới trường, công viên chiều mưa hẹn hò ...
Với những ai sống qua thời bao cấp con người phải chia nhau từng kí gạo kí bột vài trăm gram đường đôi khi thử thách khắc nghiệt hơn làm lý trí ta nhỏ lại đạo nghĩa con người tuột dốc đến thảm thương. Nhưng khi qua đi, dù muốn hay không, chỗ trú của hoài niệm vẫn rộng lượng đón nhận chúng như một mặc nhiên. Và như thế trong ta mở sẳn ra một vô thức quay về ở phía trước, đôi khi đi xa hơn là một tâm thức, chiêm nghiệm, phân tích có cả cười khóc và tự trách ở đây với một số người là một bài học với một số khác là lịch sử chôn vùi muốn quên.
Người mất quê hương ngay trên quê hương mình đang sống chọn cho mình: một là quên đi cái ưu tư thực tại xã hội dấu đi bất đồng về nguyên nhân của thực tại, hai là tích cực tìm cách tỏ bày phản biện với chính quyền đương cục về thực tại xã hội, đất nước. Tâm khổ của cả hai cơ bản giống nhưng thân khổ cụ thể dành cho họ thường khác nhau. Khung cảnh của bài viết ở đoạn này không cho phép mở rộng thêm.
Người mất quê hương ngoài quê hương sẽ bơi mãi giữa dòng chổ xa nhất của cả hai bờ - bờ ta và bờ tây, bên lở và bên bồi - chổ sâu nhất của dòng sông họ bơi. Quay về bờ ta ư? Ngổn ngang khác biệt trong suy nghĩ và lề lối làm việc của cả hai bên làm họ khó chấp nhận nhau đó là chưa nói đến sự nghi kỵ cố hữu lịch sử mà ta dường như chưa hoặc không vượt qua được. Có ở mãi bờ tây thì mình cũng vẫn là ta dù cố gắng ổn định đời sống và gặt hái chút thành tựu nào đó. Nói một cách thậm xưng, họ là người mất trinh tiết quê hương. Quê hương với họ giờ đây là hoài tưởng, là hướng về bờ ta trong thụ động. Quê hương với họ bây giờ là sự ký gởi chốn dung thân trong sự hội nhập đầy miễn cưởng khập khễnh và ôm ấp nguyện vọng "hy sinh đời cha cũng cố đời con" ở bên bờ tây. Tất nhiên con đường thực hiện cái nguyện vọng này ở bờ ta và ở bờ tây không giống nhau.
Nước mắt Người Mẹ Việt Nam dù ở bên nào cũng khô dần theo khói lửa chiến tranh. Những đứa con Lạc Hồng của mẹ, đã chạy trên cái bánh vẻ thiên đường ảo tưởng ngoại lai, hy sinh dân tộc để dành lấy cái vinh quang dối trá. Nước mắt cạn dần từng ngày của mẹ không lay tỉnh được con mình. Chút tàn lực của mẹ già sau tíếng súng tiếng bom cũng vẫn dành cho con trên con đường tìm xác nhặt xương con mình trên cánh đồng tan hoang miền Tây, trong rừng núi heo hút Trường Sơn, trong đống gạch vụn gây ra trong các đợt giải thảm B52 ở Khâm Thiên Bạch Mai, ... . Cười hay khóc, thắng hay bại cũng thế thôi - vẫn là nước mắt của mẹ.
Đôi khi tức cảnh sinh tình
Nhìn xem thiên hạ có nhìn mình không
Lắm khi đi lại về không
Nhìn đâu cũng thẩy người không nhìn mình.
Tỉnh Mê
Ngày đi trên giọt sương tan
Nắng trong mấy chốc chiều tàn về ngang
Tối về ngẫm nghĩ vô vàng
Vu vơ vớ vẫn nhập nhằng đau thương
Đêm qua giấc ngủ vô thường
Kiến Phật diện Chúa yêu thương vô cùng
Sáng ra tỉnh giấc mông lung
Dường như chưa ngộ đoạn trường hư vô
Vui Buồn
Vui khi nâng chén cụng ly
Buồn khi lật tẩy buông bài đứng lên
Vui buồn chẳng phải mình nên
Thế nên đời có nhiều tên như mình
Vui khi nắng sớm bình minh
Buồn trong đêm vắng một mình thở than
Vui buồn vì mãi lỡ làng
Nhìn quanh ai cũng dở dang một lần
Vui khi họp bạn xa gần
Buồn như tiệc rượu vừa tàn tối qua
Vui buồn cũng phải về nhà
Giường đơn gối chíếc là cha trên đời.
Ví bằng chẳng có cuộc chơi
Làm sao lên được cổng trời thiên thu
Nếu như “con ta còn ngu” (? Cu ta còn ngon)
Đời ta vẫn phải chu du ngao bồng.
Cõi Đi Về
Làm thơ trao đổi cùng bạn cũ
Để cõi đi về chút thảnh thơi
Lời “không” sắc nhưng tình thấm đậm
Trên đường về còn mãi tiếng người
Làm thơ bát cú không vần điệu
Để chữ “không” còn biết lả lơi
Tung lên reo xuống chỉ có thế
Một cõi đi về một cõi thôi.
Ta Là Ai
Ta là nấm sinh ra từ lá mục
Nở dịu dàng khi đêm lặng thầm thì
Ta là trinh nữ trên đồi hoang vắng
Khép nhè nhẹ lá khi chạm tay người
Ta là ai mà hiện hữu ở đời này
Từ giọt máu cha ngay trong trứng mẹ
Cõi nhân sinh biết bao niềm u uẩn
Ta sinh vật nhỏ nhoi biết thét gào
Chết một lần trên đất khách lặng câm
Hồn vất vưỡng trong tha ma hốc đá
Ngã sông hồ bè bạn với gió tây
Rồi đông đến hoang lạnh miền mưa tuyết.
Cảm xúc
Cảm xúc của mình hay của bạn là cảm xúc của người. Nói lên hay nói dùm là nói cho người. Khi nói dùm cảm xúc của người khác là cảm nghĩ của mình về cảm xúc của người khác. Niềm vui hay nỗi buồn nhân thế nói đi nói lại từ lúc có ngôn ngữ. Cái thực khách quan thì cái phỏng họa chủ quan. Chưa một lần ngữ ngôn đi đến cùng sứ mạng của nó và cũng chẳng bao giờ cho đến tận thế. Như vậy, còn người còn ngôn ngữ còn nói. Nói nữa nói mãi để xin người là người.
Trăng Khuyết
Những giòng sông quanh-quẩn
Chia-cắt những cuộc-đời
Những mảnh đời lấn-cấn
Theo chuyến đò phân đôi
Những cuộc tình trên cát
Hoang vu lời hẹn thề
Những nữa vần trăng khuyết
Làm nên cuộc đi về.
Sẻ nửa vầng trăng trăng nhỏ máu
Ôm nửa vầng ấp đủ u sầu
Mang tháng ngày khỏa lấp thực tại
Ta vẫn tỉnh say buốt canh thâu
Tìm trong áo mới hương năm cũ
Gửi thương vào nhớ chốn mộ sâu
Gọi tên người mãi trong giấc ngủ
Người ấy bây giờ đang ở đâu
Ướp cánh hoa tàn vào kỉ niệm
Trạm lên xương lá khô một mầu
Khắc tạc rừng chiều sim tím úa
Trời đất vì nhau xưa khóc ngâu
Phủ mưa nắng tuyết lên trên cỏ
Đắp đầy tuyệt vọng một đời đau
Đào trong ký ức mầm nhức nhối
Một đời kinh khổ xin nguyện cầu.
UNOFFICIAL
No comments:
Post a Comment