Pages

Saturday, August 31, 2024

Một chút gợi nhớ

Hôm nay, tôi không nhớ do đâu tôi lên Mạng và nghe một câu chuyện có tựa là Chuyện Tâm linh của người lính dù của Người Việt Quốc Gia tại trang Mạng https://www.youtube.com/@NVQG do tác giả Mủ đỏ Út Bạch Lan viết.

Tên tác giả làm cho tôi nhớ lại vào khoảng thập niên 1980, tôi có công tác làm nhà máy đường công suất nhỏ khoảng 10 tấn đường cát/ ngày cho huyện Minh Hải tỉnh Trà Vinh, sau khi đi khảo sát địa điểm sẽ lắp đặt nhà máy về. Trên đường về nay tôi không còn nhớ trước hay sau khi qua chợ Trà Vinh, có lè sau khi qua chợ Trà Vinh về Vĩnh Long có một quán cà phê ven đường tên là quán Út Bạch Lan, lúc đó bỗng dung tôi nghĩ hay là quê Út Bạch Lan ở đây ? Nay tìm biết Út Bạch Latên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long A. Lúc mẹ của Út Bạch Lan và mẹ thầy đàn Văn Vĩ thuở  hàn vi, kết thân nhau sống lây lất ở Chợ Bình Tây, khoảng 7, 8 tuổi Út Bạch Lan được Văn Vĩ dạy ca hát rồi cùng nhau hát rong để xin tiền từ Chợ Bình Tây ra Sàigòn.

Năm 1970, tôi từ Banmêthuột được thuyên chuyển về dạy tại Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ tại địa chỉ số 2 đường Phạm Đăng Hưng, quận Nhất, Sàigòn, nay là số 2 đường Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận Một, thành phố HCM. Lúc đó Út Bạch Lan thuê một chỗ thuộc Đình Tân An nằm ngay ngã tư đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tự Đức, cách Đài phát thanh Sàigòn không xa, nên là chỗ hẹn cho nhiều nghệ sĩ tới lui, tới nay tôi còn nhớ diền viên Tú Trinh vì nét da cô đậm đà, người không cao.

Nơi đây, có một cô đào trẻ rất trẻ nên chưa nổi tiếng. cô ta cũng đẹp, thùy mị, nhưng chắc không thích trở thành đào mà thích trông nom cửa hàng cà-phê của Út Bạch Lan, tại đây Út Bạch Lan có nuôi cậu con trai của Thành Được, nhìn cậu ta là biết ngay vì gương mặt y chang Thành Được, hồi đó tôi không biết, nên nghĩ đó là con của Thành Được với Út Bạch Lan, nhưng chẳng phải vậy Út Bạch Lan chẳng qua chỉ nuôi con Thành Được mà thôi. 

              Út Bạch Lan (1935-2016)           Bích Sơn (1937-20 ..)           Thanh Nga (1942-1978)

 

  

Tôi ít đi xem cải lương, nói thật là vì trong túi có ít tiền, thuở nhỏ ở làng cũng có gánh hát cải lương về đình làng hoặc về chợ hát, đình ở gần còn chợ ở xa, nhưng cũng không có tiền đi xem, lúc lên Châu Đốc học, nhà chú tôi ở gần Rạp hát Việt Thành nên ban đêm học bài, chờ gánh hát xã giàn mới vào xem

Khi lên Sàigòn, tôi ở nhà họa sĩ Phạm Thăng, tôi nhớ năm nào đó 1957 hay 1958 có tổ chức triền lãm vào dịp Quốc Khánh 26 tháng 10. Họa sĩ Phạm Thăng và Loka vẽ một tấm Pano và viết tay trình bày bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa, sau thời gian đó có gánh cải lương Thúy Nga do một đại gia tên Hoàng hình như là Giám đốc hãng sơn Bạch Tuyết hay là Bông gòn Bạch Tuyết nằm trên đường Trương Tấn Bửu Phú Nhuận thành lập. Tôi có giúp anh Phạm Thăng và Loka công việc lặt vặt khi các anh trình bày Pano và viết Hiến pháp tại nhà in Info nằm trên đường Thi Sách Quận Nhất Sàigòn, nên anh Loka có cho tôi vé xem tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở của đoàn Thúy Nga do đào Bích Sơn và kép Thành Được thủ vai chánh, hình như đó là sân khấu đầu tiên tại Sàigòn do Thành Được trình diền. Còn anh Loka hình như giúp phần trang trí hậu đài của đoàn, sau họa sĩ Loka cộng tác cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

Một lần khác nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu mua 3 vé của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga ở rạp Nguyễn Văn Hảo cũ hình như là tuồng Áo Cưới trước cổng chùa, đó là lần đầu tiên Bảo Quốc lên sân kháu, anh ta không thuộc tuồng, Thanh Nga phải nhắc cho cậu ta. Đêm đó tôi đi xem với bà cụ thân sinh và em gái anh Thu.

Thời gian qua mau, mấy chục năm rồi, tôi chưa từng đi lại ngang qua quán cà-phê Út Bạch Lan ở miền quê thuộc Trà Vinh, ngay cả quán cà-phê của Út Bạch Lan ở Đình Tân An tôi cũng chưa hề trở lại sau thập niên 1980, mặc dù thỉnh thoảng tôi có tới trường cũ dự lễ Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11.

Trong tôi còn hình ảnh của ca sĩ Duy Khánh, thập niên 1980, tại quán Ca-phê trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách quán Út Bạch Lan con đường Tự Đức và 3 căn phố khác, Duy Khánh ngồi lặng lẻ một mình uống một xị rượu đế, chắc để hồi tưởng một thời của mình lặng lẻ trôi qua.

Hôm nay sao tự dưng vì một chuyện lính tráng, đã đưa đẩy tôi đến chuyện nghệ thuật cải lương, tân nhạc.

Dù sao hồi tưởng lại được những hình ảnh đẹp ngày xưa cũng có thể làm cho đời sống của mình đẹp hơn, ý nghĩa hơn, tránh những lúc buồn bả dễ sanh ra trầm cảm, làm cho đời sống kém vui, mất ý nghĩa cho mình và những người chung quanh, trong đó có người thân trong gia đình và bạn bè. 

8664302024






 

No comments:

Post a Comment