Cổ vật Óc Eo
Năm đầu vào trung học, trường tôi nằm gần Đài phát thanh quốc gia, nên không xa Sở thú. Mỗi khi có giáo sư nghỉ bất thường, chúng tôi kéo nhau vào Sở thú, xem cọp, xem voi chán lại vào xem cổ vật trong Viện bảo tàng, nào là tượng Phật chùa Khải Tường, giường ngủ của vị quan xưa, tượng thần Linga, cổ vật Óc eo … Vì tên Óc eo lạ tai, làm cho tôi chú ý mới biết nó ở Ba Thê, thuộc tỉnh Long Xuyên, nên có chút hảnh diện về di chỉ Óc eo đó.
Thời Việt Nam bắt đầu mở cửa, trong chuyến xe chiều đi từ Sàigòn về Long xuyên, tôi ngồi cạnh một anh trung niên, chúng tôi chuyện trò cho đỡ chán vì đường xa, anh ta cho tôi biết anh là Thầy giáo ở Ba Thê, anh kể chuyện có một phái đoàn Nhật sang làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, họ đưa ra đề án cất một khách sạn cao cấp, nhiều tầng cho khách tham quan di chỉ Óc Eo, họ sẽ xây một xa lộ tối tân nối liền Sàigòn tới Óc Eo, họ được quyền khai thác trong thời hạn 30 năm, sau đó thuộc chủ quyền của Tỉnh, dự án đang bàn thảo, chưa được chấp thuận.
Anh ta cũng cho tôi biết thêm là ở Ba Thê, thỉnh thoảng người ta đào được tượng Phật hay tượng thần Bà La Môn bằng đá trắng.
Tôi cho anh ta biết chưa chừng ở đó còn cái gì quý hơn, hoặc rất có lợi nên người Nhật mới đề nghị như vậy, tôi thuật lại cho anh ta nghe chuyện Nhật bồi thường chiến tranh, xây dựng nhà máy điện Đa Nhim, do anh Trung sĩ Nguyễn Văn Phong thuộc Lực Lượng Liên Bình Phòng Vệ Tổng Thống Phủ kể cho tôi nghe.
Khi chánh phủ Nhật đưa dự án xây dựng nhà máy Thủy điện Đa Nhim, họ yêu cầu khi máy móc họ đưa qua cho công trình, cũng như máy móc hư họ phải đưa về Nhật sửa chữa, để tránh trở ngại và bảo đảm tiến độ thi công, chánh phủ Việt Nam không được xét hỏi máy móc, nguyên vật liệu. Sau đó nghe đồn Nhật trong khi xây đựng nhà máy Đa Nhim đã chở vàng về Nhật. Muốn biết có phải vậy không, Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ được lệnh mở cuộc hành quân trong vùng, có tìm thấy tại một nơi có hai cây dầu to, cạnh đó còn dấu tích của một cái hầm đã bị khai quật, quanh vùng đó còn có vài bộ xương khô, là những bộ xương của người Tây Phương nên cao lớn. Theo anh Trung sĩ đó đã tham gia và kết luận, chắc là Nhật đã chôn dấu vàng lúc đầu hàng Đồng Minh, nên mượn cớ bồi thường chiến tranh để chở vàng về Nhật.
Vài tháng sau, có người anh họ con rể của dì tôi, từ Long Xuyên lên ở tạm nhà tôi để đi lãnh hàng tại Tân Sơn Nhất. Sau buổi cơm chiều, khi uống trà tôi hỏi anh có nghe biết gì về việc người dân vùng Ba Thê đào được tượng đá, tượng vàng không? Anh ta cho biết:
- Có năm tôi làm ruộng trong Ba Thê, sau khi cày xong, buổi chiều tôi đi tắm, bổng nhìn thấy trong đám đất vừa mới cày, có vật gì do ánh mặt trời chiếu lắp lánh, thấy lạ tôi tò mò lại xem thấy là một cục bằng ngón tay nằng nặng, lưỡi cày cào nó bày ra màu vàng nên mặt trời chiếu vào đó, tôi nghi là vàng, sau đem về cho chị cậu, đem cho thợ bạc quen họ thử đúng là vàng thật, được mấy chỉ.
- Phải anh được tượng vàng hay nãi chuối vàng, giàu to rồi!
- Ối! Không phải của mình đổ mồ hôi làm ra, có được thì của thiên trả địa cậu ơi !
Gần đây, qua thư trao đổi có người đã đặt cho tôi câu hỏi: Di chỉ Óc eo đó thuộc nước Phù Nam, vậy người Phù Nam hiện giờ ở đâu ?
Trước đây, tôi biết nước Phù Nam có từ thế kỷ thứ I và chỉ tồn tại đến thế kỷ thứ VI I sau công nguyên mà không tìm hiểu người Phù Nam ở đâu đến, sau lại đi về đâu, biệt tăm mất tích? Do đó, nay tôi cần phải tìm hiểu để trả lời cho thắc mắc của chính mình.
Trước kia cũng như hiện nay, người dân Ba Thê khi cày cấy, đào hầm hố thỉnh thoảng nhặt được đồ trang sức, vật dụng như chân đèn bằng vàng… Năm 1913, người dân địa phương đào được tượng Phật 4 tay, có nguồn gốc Ấn độ, năm 1942 dân địa phương lại tìm thấy cổ vật, nên nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret, đã quan sát không ảnh chụp miền Nam vào thập niên 20, ông tìm thấy dấu vết của những kênh đào và các thành phố cổ, nên Louis Malleret đã quyết định chọn gò Óc Eo thuộc xã Vọng Thê, quận Núi Sập, tỉnh Long Xuyên để khai quật, công trình khai quật này bắt đầu vào ngày 10 tháng 2 năm 1944, gồm có 24 địa điểm, trên diện tích 450 mẫu tây (ha).
Họ đã phát hiện dấu tích nền móng của công trình kiến trúc cổ cùng với nhiều hiện vật như hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo
Dựa vào nền móng kiến trúc các cổ vật tìm thấy và cổ sử Trung Hoa, Louis Malleret khẳng định di chỉ Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam.
Niên đại của các di chỉ đã tìm thấy, ứng với thời kỳ lập quốc, phát triển và suy tàn của Vương quốc Phù Nam. Phù Nam là tên gọi theo cách phát âm FOUNAN của người Trung Hoa. Từ FOUNAN xuất phát từ ngôn ngữ Khmer cổ BNAM, ngày nay là PHNOM có nghĩa là núi hoặc đồi. Vương tước của Phù Nam là Sailaraja có nghĩa là "Vua núi".
Phù Nam là quốc gia cổ đại đầu tiên được hình thành ở Đông Nam Á đất liền với địa bàn phát triển chính là vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long. Trong thời kỳ hưng thịnh của Phù Nam, về phía Đông đã kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung bộ (Việt Nam), về phía Tây đến thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), về phía Nam đến gần phía Bắc bán đảo Malaysia.
Theo truyền thuyết, nước Phù Nam thuộc hướng nam phía tây biển lớn có diện tích hơn 3.000 dặm do vị nữ vương tên là Liễu Diệp (Lieou-ye) cai trị. Phía Nam nước này là nước Khích có vị vua tên Hỗn Điền (Kaundynia). Hỗn Điền được một vị thần cho một bộ cung tên và kêu cỡi thuyền ra biển. Khi thuyền đến gần nước Phù Nam, Liễu Diệp đưa thuyền, dẫn quân ra nghênh chiến. Từ xa, Hỗn Điền giương cung bắn mũi tên xuyên mạn thuyền làm nữ vương hoảng sợ xin hàng. Hỗn Điền vốn ghét tục khỏa thân của nước này nên cưới Liễu Diệp rồi bắt nàng dùng vải quấn, từ đó cai trị và lập ra Vương triều Phù Nam. Vương triều Phù Nam gồm 13 đời vua ngự trị vùng đất này. Về sau, Phù Nam được chia thành 7 ấp do các con của Hỗn Điền cai trị, mỗi ấp gọi là tiểu vương.
Nhà nước Phù Nam mang đặc trưng chế độ “quân chủ chuyên chế” với cấu trúc xã hội 3 cấp: 1) Quốc đô (kinh đô) của Vua cai trị; 2) “tiểu vương” cai trị các thành do nhà vua phân đất có đầy đủ các đội thủy-tượng- bộ binh và giới tăng lữ đạo sĩ nắm thần quyền – vương quyền; 3) đại thương gia – đại điền chủ là nền tảng xã hội chi phối nông thương.
Ở thời kỳ Phù Nam, cư dân cổ đã biết trồng lúa nước, vườn tược, chăn nuôi và đủ loại thợ chuyên nghiệp như: Thợ xây, khai thác lâm-hải sản, chài lưới, nghề mộc, kim hoàn, thợ rèn, đúc, dệt… Cũng có người đi lính, có người hoạt động văn hóa- nghệ thuật như đào kép – vũ công ca múa nhạc cung đình – tôn giáo – dân gian. Từ quý tộc đến bình dân đều tôn thờ thần, Phật của đạo Bà La Môn và đạo Phật.
Một vương quốc hưng thịnh nằm ven biển Tây trở thành thương cảng sầm uất, nơi đó đã hình thành con đường hương liệu có thể so sánh với con đường Tơ lụa nổi tiếng đất Trung Nguyên.
Con đường hương liệu đó hình thành trên đất Phù Nam gồm hai thương cảng quốc tế, một ở phía Đông gọi là Rịa Nai (Rinai) và một ở phía Tây gọi là Óc Eo (Oud) nằm nơi mặt Đông ngọn núi Ba Thê. Lộ trình giao thương đường biển lúc bấy giờ đi thẳng từ vịnh Rạch Giá vào cảng Óc Eo đến cảng Rịa Nai ra vịnh Cần Giờ, không vòng qua bán đảo Cà Mau như hiện nay.
Thương cảng Óc Eo là một quần thể gồm cả cảng sông và cảng biển, cũng là nơi hội tụ của hơn 30 dòng sông đào nối với các đô thị. Cảng sông nằm ở phía Đông ngọn núi Ba Thê là nơi tụ họp của các bến nước tạo thành một dãy chợ nổi. Nơi đây các ghe thuyền lui tới trao đổi hàng hóa với cư dân tại chỗ, cũng là nơi cung cấp lương thực cho nội thành mà theo thư tịch cổ thì gồm vua chúa, đạo sĩ, quan lại, binh lính, công nhân và thương nhân bản địa hay đến từ các tàu buôn. Các kho hàng và xưởng luyện vàng, nấu thủy tinh, chế tác đá quý tập trung phía sau một hào nước dài và sâu vốn là cửa ngõ kinh đô Phù Nam lúc đó, nay dấu tích tìm thấy ở ấp Trung Sơn kéo dài từ dưới chân chùa Linh Sơn đến giồng Cây Trôm.
Cách phía Nam ngọn núi Ba Thê từ 1,5-3 ki lô mét là một bến cảng tạo nên bởi các rãnh nước sâu nằm giữa những mỏm đá ngầm của khu Núi Nổi. Đây là nơi các tàu viễn dương neo đậu để tiếp nhận sản vật từ các tàu chợ trong vùng, cũng là nơi trao đổi hàng hóa giữa các tàu đến từ phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản với các tàu đến từ Ấn Độ, Ba Tư và từ biển Đỏ, nơi cửa ngõ đế quốc La Mã. Trầm hương có tên là “ud”, các loại gia vị để bảo quản thực phẩm, đường thốt nốt, ngọc trai các loài hàu biển, thủy tinh và đá quý cùng sừng tê giác, ngà voi và nanh heo rừng từ thương cảng Óc Eo nay được tìm thấy nơi nhiều thương điếm trên con đường hương liệu.
Nhiều thư tịch cổ đề cập đến hoạt động nhộn nhịp của thương cảng Óc Eo suốt nhiều thế kỷ đầu Công nguyên, biến nó thành nơi đô hội phồn vinh mà các thương nhân đóng thuế bằng bạc! Tập ký sự “Chuyện lạ ở phương Nam” của hai sứ thần Trung Hoa, Chu Ứng và Khang Thái, mô tả các con tàu Phù Nam gồm bốn cột buồm với những cánh buồm nằm nghiêng, đủ lớn để chở hàng trăm người với 40-50 tay chèo.
Hoạt động thương thuyền Óc Eo thời đó rất có quy củ, các chủ tàu Phù Nam chỉ lấy tiền công khi thuyền của họ đến nơi đúng hẹn. Từ thế kỷ thứ IV, các đoàn tàu Ba Tư cũng băng qua thủy lộ này để ghé thăm các cộng đồng người Iran tại Óc Eo trước khi đi vào biển Đông, lộ trình này vẫn được giữ nguyên cho tới vài thế kỷ sau.
Người Phù Nam từ đâu đến và rồi họ biến mất vì chiến tranh diệt chủng hay thiên tai, đọc một tài liệu Từ sự hủy diệt của văn minh ÓC EO nhìn về ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG của Hà Văn Thùy có thể lý giải được vấn đề:
Nhà địa chất học người Pháp H. Fontaine cho thấy bức tranh khái quát của việc biến đổi mực nước biển như sau:
Cuối Đại Pleixtoxen đầu Holoxen có một đợt hải thoái, mực nước biển hạ thấp khoảng 100 - 120 m so với ngày nay, khiến cho Biển Đông chỉ còn là một vũng nhỏ. Tiếp đó là thời kỳ băng hà Wum cách nay 60.000 đến 11.000 năm. Sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 750 năm (từ 11.000 đến 10.250 năm trước) là thời kỳ băng tan và nước biển bắt đầu dâng. Sau đó vào năm 4850 trước Công nguyên, nước biển dâng lên bằng mực nước ngày nay. Sau thời kỳ này là 4 đợt hải xâm và 3 đợt hải thoái xen kẽ nhau:
- Hải xâm Holoxen I từ 4850 đến 1650 trước công nguyên, kéo dài 3.200 năm với 3 giai đoạn đỉnh cao 4 m (năm 3900), 3 m (năm 2.950), 2 m (năm 2.350).
- Hải thoái Holoxen 1 từ 1.650 năm đến 1.150 năm trước Công nguyên, thời gian 500 năm với mức hạ thấp nhất - 0,8 m xảy ra vào năm 1400 trước Công nguyên.
- Hải xâm Holoxen II từ 1.150 đến 850 trước Công nguyên, thời gian 300 năm, đỉnh cao nhất xảy ra vào năm 950 trước Công nguyên.
- Hải thoái Holoxen 2 từ năm 850 đến năm 200 trước Công nguyên, thời gian 650 năm, với cực tiểu 1 m xảy ra vào năm 550.
- Hải xâm Holoxen III từ năm 200 đến năm 50 trước Công nguyên, kéo dài 150 năm, mức cao nhất khoảng 0,4 m vào năm 50.
- Hải thoái Holoxen 3 từ năm 50 trước đến năm 550 sau Công nguyên, kéo dài 500 năm với mực nước thấp nhất - 0,5 m vào năm 200.
- Hải xâm Holoxen IV từ năm 350 đến năm 1.150, kéo dài 800 năm với mức cao trung bình 0,8 m vào năm 650.
- Từ năm 1.150 đến 1950 nước biển dao động 1 m, xem như ổn định hơn các thời kỳ trước.
Điều đáng chú ý là khi so sánh những vết tích hải xâm hải thoái ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm thấy sự tương đồng với những dấu tích hải xâm hải thoái ở bờ bên kia của Thái Bình Dương, trên đất Mỹ: Hải thoái Oc Eo cách nay 1750 năm tương đương Hải thoái Florida - 3 m cách nay 2000 năm; Hải thoái Rạch Giá cách nay 3350 năm tương đương Hải thoái Crane Key - 2 m cách nay 3300 năm.
Trong những đợt hải xâm hải thoái trên, đáng chú ý là Hải xâm Holoxen IV. Sau khi hiệu chỉnh niên hạn theo phương pháp C14, các đặc tính của lần hải xâm này như sau:
- Thời hạn 800 năm, từ năm 350 đến năm 1.150, đỉnh cao vào năm 650.
- Mực nước cao nhất từ 0,5 đến 1 m trong 30 năm, từ năm 635 đến năm 665.
Giai đoạn lên từ năm 350 đến 650. Giai đoạn xuống từ năm 650 đến năm 1.150.
Ngoài việc chứng minh Hải thoái giữa Đại Trung sinh và Tân sinh, Biển Đông khô cạn tạo điều kiện cho động vật từ châu Á tràn sang châu Đại Dương khiến cho hệ động vật gần nhau giữa hai châu lục, chúng ta chưa biết nhiều về ảnh hưởng của các đợt hải xâm hải thoái trong lịch sử. Tuy vậy, ở nước ta có một vùng đất chịu tác động trực tiếp của Hải xâm Holoxen IV, đó là đồng bằng sông Cửu Long.
Hải xâm Holoxen III diễn ra từ năm 200 đến năm 50 trước Công nguyên với mức nước 0,4 m đã ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa sông Đồng Nai ra đồng bằng nên phần lớn miền Tây Nam Bộ không có người sinh sống. Chỉ đến đầu Công nguyên, khi nước rút xuống thì những người Malayopolynesia mới từ các đảo ngoài biển tràn vào, tạo dựng văn minh Oc Eo. Nhưng từ năm 350 nước bắt đầu dâng lên từ từ. Thời gian đó, người Oc Eo sống chung với lũ bằng cách dựng nhà sàn và phát triển giao thông đường thủy. Nhưng đến năm 650, nước lũ lên quá cao, đến 1 m khiến người Oc Eo không thể bám trụ lại được nữa, một phần lên thuyền dông ra biển trở lại những hòn đảo tổ tiên họ đã ra đi, một bộ phận tiếp giáp Đông Nam Bộ thì lên vùng đất cao, thành một số tộc người Nam Trường Sơn hiện nay. Người Oc Eo không phải người bản địa mà là người di tản từ nơi khác đến, mang theo nền văn minh vốn có của họ. Chỉ trong vòng 600 năm tồn tại, người Oc Eo đã kiến tạo đồng bằng sông Cửu Long thành một địa bàn văn hóa phát triển rực rỡ. Nhưng sau đó một cách đột ngột, nền văn hoá này bị tiêu diệt.
Có nhiều cách giải thích sự biến mất của cư dân Oc Eo vào thế kỷ VI. Một cách lý giải được nhiều học giả trước đây thừa nhận: đó là một cuộc chiến của người Chân Lạp từ phía tây tràn xuống cướp bóc và tiêu diệt cư dân Oc Eo. Nhưng cách lý giải này chưa đủ thuyết phục bởi lẽ những bằng chứng khảo cổ cho thấy không có vết tích của những đổ vỡ do cướp phá, tại thủ phủ Oc Eo những vật quý hầu như còn nguyên vẹn cho đến khi L. Mallerete phát hiện. Một cuộc xâm lăng trên quy mô lớn nếu không chiếm đất cướp của thì với mục đích gì? Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất cho thấy cuộc xâm lăng chưa từng xảy ra là: vào thời điểm giữa thế kỷ VII, nước biển đã dâng cao trên phần lớn đồng bằng thời gian dài 30 năm khiến không ai sống nổi.
Sau năm 665 nước biển bắt đầu rút. Nhưng phải 500 năm sau, cho đến năm 1.150 nước biển mới trở lại ổn định ở mức bình thường. Như vậy có thể suy ra: cho tới giữa thế kỷ XII, đồng bằng Nam Bộ chưa có người sinh sống. Điều này phù hợp với thư tịch cổ. Trong Chân Lạp phong thổ ký , ông Châu Đạt Quan sứ thần nhà Nguyên đến Chân Lạp qua đường sông Tiền năm 1296 mô tả: "Hầu hết cả vùng đều là rừng sác rậm rạp, những vàm rộng của con sông lớn chạy dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú ẩn sum suê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi... Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy rẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng họp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre gai chạy dài hàng trăm lý..." Như vậy, nhìn vào lịch sử, đồng bằng sông Cửu Long do đất mới bồi và thấp đã bị nạn hồng thủy xóa đi sự sống của con người trong vòng sáu, bảy trăm năm. Từ năm 1150 nước rút trở lại mức độ bình thường cho đến năm 1950. Nhưng từ 1950 hình như đã bắt đầu một chu trình hải xâm mới! Mực nước đo được ở Hòn Dáu Hải Phòng trong 30 năm qua đã tăng lên hơn 30 cm.
Cả bằng chứng lịch sử cả bằng chứng địa chất cho thấy: hải xâm Hôlôxen IV đã dìm đồng bằng sông Cửu Long hàng trăm năm trong nước biển và xoá đi nền văn minh Oc Eo.
Cuộc khai quật đầu tiên của Malleret đã tiến hành với 24 điểm. Cho tới nay, trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã có trên 50 địa điểm có giá trị khảo cổ học đã được ghi nhận và nghiên cứu. Tính đến năm 1975, bộ sưu tập về văn hóa Óc Eo - Ba Thê đã có 3.969 hiện vật. Trong đó bao gồm: 498 đồ vàng, 137 đồ bạc, 4 chì, 83 thiếc, 149 đồ đồng, 2.749 đồ đá màu (trong đó có 2.522 chuỗi hạt, 79 đồ đá khác, 285 đất nung, 7 đồ gỗ và một số hiện vật không xác định rõ). Theo Louis Malleret, thành thị Óc Eo được thiết kế theo hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 1.500 m, chiều dài 3.000m.
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, khai quật tại các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Họ đã tìm thêm nhiều di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo ở các vùng Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, ven biển Tây Nam, vùng rừng sác Duyên Hải, vùng ven biển Đông, vùng Đông Nam Bộ. Năm 1983, phát hiện thêm di cốt động vật như: lợn, trâu bò, hươu, voi, rùa, chuột, cá các loại. Dấu tích hoạt động của các ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề kim hoàn… quan hệ thương mại, sự thịnh hành của tôn giáo… còn lưu lại qua các vật liệu kiến trúc, đồ trang sức, tượng thờ, và phế tích các ngôi đền, mộ đá hỏa táng tại các di chỉ này.
Óc eo thuộc vương quốc Phù Nam một nền văn minh cổ trên đất An Giang, giao thương với Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư… từ không ra có, có lại về không. Tuồng như ảo hóa như sắc sắc, không không trong đạo Phật vậy.
Ngày 10-2-2011
No comments:
Post a Comment