Pages

Monday, July 29, 2013

Chuyện chưa chấm hết



Ngày tôi ở trong tù, Tết năm đó 1976, Tết buồn vô hạn, làm sao vui được khi nghĩ đến ngày Tết thiêng liêng, chiều 30 trên bàn thờ nào hoa, nào quả, mâm cao, cỗ đầy dù cho nhà nghèo rớt mồng tơi, trên bàn thờ cũng có một mâm cơm canh rước ông bà về chung vui với con cháu trong gia đình. Mọi sinh hoạt hàng ngày tạm ngưng công việc đồng áng, bán buôn để vui chơi, xum họp gia đình, tôi nhớ những năm tôi còn trẻ thơ 1950 trở về trước, ba ngày Tết không ai buôn bán, không có xe đò đưa rước khách.

Ở trong trại, Ban chỉ huy phổ biến, tối 30 lên Hội Trường đón Giao thừa, ngày mồng một được ăn thịt heo, có người cho đó là tin “hồ hỡi”, bởi vì sẽ được nghe ca hát, sẽ được ăn những miếng thịt mỡ để bù lại những đòi hỏi của cơ thể cần muối, đường, mỡ.

Rồi tới giờ Giao thừa, anh em tù cải tạo được tập trung lên Hội trường, ngồi thứ lớp từng Toán, từng Đội, để nghe Chánh trị viên Tiểu Đoàn Năm Luân nói vài lời sau đó chờ nghe tiếp vận đài trung ương, Bác Hồ chúc Tết đồng bào thơ Chúc Tết ngày 1-1-1969 của Hồ Chí Minh được phổ nhạc:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên, chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.
Mỹ cút cũng như Ngụy nhào, hai cụm từ đó tôi nghe thấy thật là cay đắng, bởi vì tôi là người miền Nam nhẹ dạ tin rằng, hết chiến tranh rồi, chánh phủ nào cũng vì dân, lo cho dân được ấm no hạnh phúc.
Điều tai hại cho tôi và gia đình, do chính tôi quyết định, nó dẫn nguồn từ quyển sách định mạng Lối thoát cuối cùng của Virgil Gheorghiu do Hằng Hà Sa và Bích Ty dịch, nhà xuất bản Lá Bối ấn hành lần thứ nhất năm 1968.
Năm 1974, có anh Nguyễn Minh Quân, chủ sự Phòng thuộc Bộ Nông Nghiệp, sở làm của anh nằm trên đường Mạc Đỉnh Chi, chênh chếch Hội Việt Mỹ, anh có người em học lớp 10 ở Trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, không hiểu anh tiếp xúc với Giám học Trường trình bày ra sao, khi Giám học đưa anh sang phòng tôi giới thiệu, tôi tưởng anh là bạn của Giám học, ngược lại Giám học tưởng anh là bạn của tôi. Tôi nhận cho anh dạy giờ, thỉnh thoảng anh gặp tôi chào hỏi vui vẻ. Khoảng 10-4-1975, anh gặp tôi đứng trước cửa văn phòng, anh đến gần hỏi:
- Ông đã đọc Lối thoát cuối cùng của Gheorghiu chưa ?
- Tôi có nghe nói Giờ thứ hai mươi lăm cũng hay, nhưng chưa có thì giờ, chưa có đọc cả hai.
- Ông có muốn đọc Lối thoát cuối cùng không? Tôi đang có.
Tôi nghĩ lúc này tình hình xáo trộn, ngoài đường cũng như trong Trường không ổn định, tôi cũng muốn đọc cái chi để quên bớt chuyện phải suy nghĩ, nên đáp:
- Anh có cho mượn đọc chơi.
- Để tôi ra xe lấy.
Thế là ông Quân đi đến chỗ dựng chiếc Lambretta, mở cốp lấy sách, rồi quay trở lại đưa cho tôi. Ông không quên khuyến khích:
- Ông đọc đi, đáng đồng tiền bát gạo, và nhất là đáng đọc trong lúc này.
- Rồi ông Quân chào tôi, ra về.

Nhận sách từ tay ông Quân, tôi không có cảm tình với quyển sách trong tay mình, vì cái bìa được bao bằng một tờ giấy trắng dầy, sách đã bị long gáy, chứng tỏ nó đã được nhiều người chuyền tay nhau đọc.
Do không có chuyện chi quan tâm phải làm, nên tôi đọc trong lúc ở văn phòng và khi về nhà, sách đã cho tôi hiểu ít nhiều về Cộng sản, về những gì có vẻ trái với lẽ thường, hay là tác giả cố tình xuyên tạc, cũng như phim Chúng tôi muốn sống, tôi nghĩ làm gì có chuyện tàn ác đến thế, chỉ là thứ tuyên truyền, về cái cảnh xin tị nạn, đi phỏng vấn … Cuộc đời của đôi bạn Pillat và Boris. Boris một người Cộng sản sống cho lý tưởng, cho thế giới Cộng sản. Còn Pillat người từng là thẩm phán ở Lỗ ma ni. Boris sang Nga theo Cộng sản, có lúc từng là Bộ trưởng, là người hùng trên đài danh vọng, nhưng sau đó rớt máy bay, ông ta được chữa trị trong bệnh viện của đồng minh, do hiểu lầm nên ông trốn khỏi bệnh viện, trốn trên xe lửa đi nhầm qua Paris, từ Pháp Boris đi qua Đức, rồi bị bắt, lần này hắn bám dưới toa xe lửa đến Lỗ ma ni tự trình diện ở bót cảnh sát để yêu cầu giúp cho hắn nhanh chóng qua Bucarest thi hành một sứ mệnh, nhưng sứ mệnh đó người ta nghĩ hắn rớt máy bay mất tích nên có người bạn làm thay, hắn trở thành kẻ nói dối bị bắt cầm tù, được những người nông dân giải thoát một vị linh mục, họ phá ngục Boris nhờ đó được giải thoát và đi theo đám đông đó.
Còn Pillat sau nhiều gian truân con gái mất ở Đức, rồi vợ mất tại Pháp, hắn trở nên người trầm uất, rồi được một người đồng lieu Aurel Popasco ở Lỗ ma ni ngày trước, nay đang làm việc cho tổ chức Đại Tây Dương tại Đức, đến đón Pillat về Đức để nhận diện Boris và đang đề nghị cho Pillat chức vụ quan trọng. Nhưng khi Pillat và Popasco đi ngay trong đêm về tới Đức thì Boris vừa mới đào thoát. Pillat ở trong biệt thự của Popasco chờ đợi bổ nhiệm chức vụ, trong thời gian đó Popasco phải đi công tác ở ngoại quốc. Pillat trong khi chờ đợi, tạm làm việc với Zaig Burian thì gặp lại cha vợ, đã tị nạn ở Gia nã đại bỏ về, vì đời sống công nhân quá chật vật, ông bị tình nghi họ đưa đến cho Pillat thẩm tra, nhờ đó mà cha vợ với con rể trùng phùng. Sau đó, Burian cho biết Pillat bị nghi ngờ vì khi Cộng sản vào Lỗ ma ni Pillat không đi tị nạn còn ở lại làm việc một thời gian, ông Kostaky cha vợ chàng đã sống ở thế giới tự do mà bỏ đi, thêm vào đó tuổi đã già lại them răng rụng hết thuộc thành phần cặn bả, nên cả hai đều được đưa tên vào danh sách tình nghi, nếu thời cuộc lộn xộn, chiến tranh có xảy ra thì cả Pillat và Kostaky sẽ bị bắt, trước tiên. Brian khuyên cả hai nên tìm xứ khác tị nạn, tránh Âu châu.
Cho nên cuối cùng cả hai cha con quyết định trở về lại Lỗ ma ni, nơi đó có một ngọn núi, nhiều người trốn trong vùng rừng núi có cả các vị linh mục. Một hôm Kostaky, đêm tối mò về nhà cũ để tìm vợ, nhưng bà đã chết trong nhà ngục, nhà ông đã bị tịch thu. Ông bị vợ người chủ nhà mới xua đuổi, rồi bị bọn công an phát hiện truy lung nên không về chỗ cũ trên núi. Pillat chờ cha vợ Kostaky, nhưng chờ mãi chẳng thấy trở về.
Một hôm cuộc hành quân lớn để tiêu diệt những người trốn tránh trong núi, cuộc hành quân có cả xe tăng, trực thăng, bộ binh. Boris tưởng là lực lượng Liên Xô nên hắn kiêu hảnh, hiên ngang tiến về phía xe tăng, khi đến gần hắn mới thấy trên báng súng có ghi dòng chữ USA, hắn bị bắt bỏ tù. Còn tướng cướp thổi sáo, bị bắn chết trên ngực còn ôm ống sáo, Pillat nhận ra đó là cha vợ mình bị thất lạc nhau bấy lâu. Sau khi chôn ông ta xong, thì Pillat và cô gái Magdelana bị trực thăng phát hiện, một tràng súng phát ra, Pillat im tiếng, cô gái đẹp Magdelana không còn nghe thấy gì. 
Đọc xong Lối thoát cuối cùng, tôi rút ra bài học người ta trốn Cộng sản, nhưng cuối cùng rồi cũng trở về để chết tại quê hương. Vậy thì mình di tản làm chi ? Chính phủ nào lên cùng đều muốn cho dân giàu, nước mạnh. Tôi chỉ suy luận theo đạo lý, còn Cộng sản không phải vậy.
Năm 1972, anh tôi ở ngoại quốc về, anh ấy bảo tôi:
- Chú hãy tìm cách đi nước ngoài, chẳng hạn như sang Thái Lan, rồi vào khách sạn ở, lien lạc với anh, anh sẽ trả tiền khách sạn và mua vé máy bay cho chú sang Pháp, vào hãng làm của anh, anh sẽ trả cho chú 3 ngàn quan mỗi tháng, vừa đi làm vừa đi học, vợ con sẽ tính sau. Hoặc Cộng sản vào như Trung Quốc sau khi lấy Lục địa, họ cho dân ra đi trong vòng 1 tháng, nếu xảy ra như vậy, chú cứ yên chí ra đi.
Năm 1974, tôi nhận làm Hiệu Trưởng cũng nhằm mục đích sẽ được đi tham quan rồi đi luôn. Nhưng đến năm 1975, sau khi đọc Lối thoát cuối cùng, tôi bình chân như vại, mỗi ngày hai buổi đi làm, chạy xe ngang qua đường Mạc Đình Chi, ngắm nhìn cảnh người ta chen lấn đi cửa sau vào Tòa Đại sứ Mỹ, tôi nghĩ được đi hôm nay, đến bao giờ trở lại ?
Sau khi tôi đọc sách xong, tôi không nhớ trả lại ông sách, nhưng cái chính yếu là trong những ngày đó tình hình rối tung lên cả, mặt trận cứ lùi dần từ Huế vào Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, phòng thủ cuối cùng mặt trận ở Phan Thiết do Tướng Vĩnh Nghi làm Tư lệnh bị vỡ, rồi trận đánh lớn của Sư Doàn 18 với 2 trái CBU ở Xuân Lộc, ngày tôi vẫn tới Trường 2 buổi nhưng tôi không nhớ có gặp ông Quân đi dạy hay không.
Sau 30-4-1975, tôi thỉnh thoảng vẫn còn gặp ông Quân, ông báo tin cho biết vợ và con gái ông đã vượt biên, có hôm ông hẹn rồi đưa thêm một ông với một bà đến nhà tôi nhậu lai rai, rượu và mồi do chính ông mang tới, sau đó vài tuần, ông mới nói hôm đó ông đưa một cô chủ ghe đến tìm hiểu để đưa tôi đi, nhưng cuối cùng người ta nghĩ dành chỗ đó cho người khác. Tôi nhớ lại trong câu chuyện bâng quơ, tôi có cho ý kiến, đối với tôi đi hay ở không thành vấn đề, nhưng tương lai ở thằng con trai, nếu tôi đi, tôi phải đi với nó. Phải chăng đó là mấu chốt, tôi bị loại để chủ ghe giúp người khác. Rồi lần khác tôi gặp ông ở chùa Linh Sơn, đường Cô Giang, ông cho biết theo bà mẹ đi chùa. Những lần gặp như vậy tôi không nhớ trả lại ông quyển tiểu thuyết đã mượn đọc và chắc ông cũng quên nó nên không nhớ đòi lại.
Trong Công Ty tôi làm, có một anh Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hoàng, anh chơi thân với một anh kỷ sư trẻ, có lần anh kỷ sư trẻ ấy nói với tôi:
Ông Hoàng đọc Giờ thứ hai mươi lăm của Gheorghiu rất thích, ông bảo nghe người ta nói quyển Lối thoát cuối cùng còn hay hơn, ông rất muốn đọc mà tìm chưa ra. Tôi nhớ trong tủ sách, tôi còn giữ của anh Quân, nhưng không dám cho ông Hoàng mượn vì nó thuộc loại “văn hóa phản động”, còn ông ta có bố là Sĩ quan cách mạng cấp Tá, là đảng viên đang giữ chức Phó Giám đốc công ty thì không phải dân lơ tơ mơ, cho ông ta mượn đọc chẳng khác nào “Lạy ông tôi ở bụi này”.
Ngày rời Việt Nam, một ít sách cần thiết mang theo trong đó có Lối thoát cuối cùng, tôi mang theo để nhớ tới tình bạn giữa anh kỷ sư Nông Lâm Súc Nguyễn Minh Quân và tôi.
Tưởng cũng nên nói qua về nhà văn này:
Virgil Gheorghiu


Virgil Gheorghiu - Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992)

Gheorghiu tên thật là Constantin Virgil Gheorghiu, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1916 tại Valea Albă, một làng trong cộng đồng Războieni, quận Neamţ, x Romania. Cha ông là một linh mục Chính thống giáo.

Là một học sinh giỏi, ông theo học tại trường Trung học Chişinău từ năm 1928 đến năm 1936, sau đó ông theo học triết và thần học tại Đại học Bucharest và Heidelberg.

Vào giữa năm 1942 và 1943, suốt thời gian tướng Ion Antonascu cai trị Lỗ ma ni, ông là Khâm sứ của Bộ Ngoại giao.

Ông đào thoát khỏi Lỗ ma ni năm 1944 trước khi đoàn quân Xô Viết tới đây. Sau Thế chiến thứ 2 (1939-1945), ông bị quân đội Mỹ bắt giữ. Sau đó, ông được định cư tại Pháp năm 1948. Năm sau, ông cho ra mắt quyển tiểu thuyết Ora 25 (dịch ra Pháp văn: La vingt-cinquième heure, dịch ra Anh văn: The Twenty-Fifth Hour, dịch ra Việt văn Giờ thứ hai mươi lăm), được viết trong suốt thời gian bị cầm tù.

Ông được phong Linh mục Chính thống giáo nhà thờ Lỗ ma ni tại Paris ngày 23-5-1963. Năm 1966,  ông được thưởng thánh giá của Giáo phái Lỗ ma ni vì sự nghiệp tế lễ và văn chương của ông.

Gheorghiu mất ngày 22 tháng 6 năm 1992, thọ 72 tuổi, được hỏa táng tại nghĩa trang Passy Cemetary, Paris.

Tác phẩm:
- Ora 25, 1949. The twenty-fifth hour (NY, 1950)
- La seconde chance (1952, L
ối thoát cuối cùng, 1968)
- L'homme qui voyagea seul (1954)
- Le peuple des immortels (1955)
- Les sacrifiés du Danube (1957)
- Saint Jean bouche d'or (1957)
- Les mendiants de miracles (1958)
- La cravache (1960)
- Perahim (1961)
- La maison de Petrodava (translated from the Romanian, 1961)
- La vie de Mahomet (translated from the Romanian, 1963)
- Les immortels d'Agapia (1964)
- La jeunesse du docteur Luther (translated from the Romanian, 1965)
- De la vingt-cinquième heure à l'heure éternelle (1965)
Phải công nhận Cộng sản giỏi tuyên truyền, cứ nói mãi người ta sẽ nghe, như truyện Tăng Sâm giết người, vì vậy khi họ mới chiếm miền Nam, loa bắt khắp phố phường, sáng chiều cứ phát thanh cho người ta nghe để quen tai, để yêu xã hội chủ nghĩa, để ăn bo bo mà nghĩ rằng đó là món “cao lương” mỹ vị ! Để bước tới địa ngục trần ai mà cứ hăng sai tiến bước vào Thiên đàng Cộng sản. Khi đã đi một phần đường, người ta hiểu ra liền ùn ùn vượt biên mặc cho sóng to gió lớn, mặc cho cướp biển, mặc cho phải vùi thân dưới đáy biển và cũng mặc cho Cộng sản lên án là phản quốc. Nay cũng những người đó trở thành khúc ruột ngàn dậm của tổ quốc thân thương.
Cộng sản đánh đúng tâm lý người Việt Nam ta, có truyền thống yêu nước nhiệt thành, chống xâm lăng cao độ vì vậy muốn chiếm đoạt miền Nam được Mỹ giúp khí tài làm tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á, thì cứ gán cho Mỹ xâm lược dù rằng những năm 1954 cho đến 1964 Mỹ chưa hề đổ quân vào miền Nam.
Cho đến ngày 8-3-1965, người lính Thủy quân lục chiến của Mỹ đầu tiên, mới đổ bộ lên Bãi biển Đà Nẵng.
Hãy quay lại bánh xe lịch sử, để nhìn thấy ngày 6-6-1944, Mỹ đổ bộ lên bờ biển Normandy, đánh Phát xít Đức, quân Mỹ ở cả Âu Châu, sau đó Mỹ chỉ đóng quân ở Đức vì nước này chia đôi, các nước được giải phóng khỏi Phát xít đều độc lập. Gần ta hơn là Nhật bản đầu hàng Đồng Minh, Mỹ đại diện ký kết văn bản đầu hàng năm 1945, quân đội Mỹ đóng ở đảo Okinawa của Nhật, nước Nhật độc lập đầy đủ chủ quyền, được Mỹ giúp kinh tế phát triển, trở thành cường quốc, còn ở Nam Hàn, năm 1950 Bắc Hàn xua quân vượt vĩ tuyến 38 chiếm gần trọn Nam Hàn, Mỹ tham gia trận chiến đánh gần tới biên giới Trung Hoa, nhờ có chí nguyện quân Trung Hoa, cuối cùng hai bên ký Hiệp ước đình chiến ngày 27-7-1953 tại Bàn Môn Điếm. Mỹ được giữ một số quân ở Nam Hàn, Nam Hàn độc lập tự do, đầy đủ chủ quyền, trở thành một trong bốn con Rồng Á Châu là Hồng Kông, Singapore, Hàn QuốcĐài Loan, đó là chuyện của thế kỷ trước. Còn gần đây, Mỹ đổ quân vào Iraq, Afghanistan, rồi Mỹ rút quân, chẳng xâm lược nước nào.

Vậy thì chúng ta có cần phải hy sinh cả triệu sinh mạng để đánh cho Mỹ xâm lăng phải chạy khỏi Việt Nam chăng ? Hãy nhìn Nhật Bổn, nhìn Nam Hàn và nhìn lại Việt Nam ta có gì đáng tự hào với họ. Chẳng nhừng vậy mà ngày nay nhờ có Mỹ, anh khổng lồ, tham lam, nhiều tật xấu Trung Quốc không dám ngang nhiên đòi biển, đảo của họ.
Mỹ cút, nước Việt Nam được thống nhất, độc lập nhưng cả người dân lẫn nhà nước đều thiếu tự do, người dân bày tỏ lòng yêu nước thì bị trù dập cá nhân tù đày, như Điếu Cày vốn là anh bộ đội, Tạ Phong Tần là Công an, họ đâu có chống nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước do chính họ đóng góp họ muốn bảo vệ, nên bày tỏ lòng yêu nước phản đối Trung Quốc lấy đất, chiếm đảo của tiền nhân với sự đồng ý của nhà nước phải trung thành với Trung Quốc để bảo vệ cái ghế, chức quyền của họ, có vậy mới thu tiền, vàng, ngoại tệ cho mau đầy túi tham.
Cũng nên đọc lại truyện:
Tăng Sâm giết người
Ông Tăng Sâm ở đất Phi, ở đấy có kẻ trùng danh với ông giết chết người.

Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: "Tăng Sâm giết người ". Bà mẹ nói : "Chẳng khi nào con ta lại giết người". Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.

Một lúc lại có người đến bảo:"Tăng Sâm giết người". Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.  
Một lúc lại có người đến bảo : "Tăng Sâm giết người" Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

(Quốc Sách)

Giải nghĩa:

Tăng Sâm: Người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và có hiếu, học trò đức Khổng Tử và mau truyền được đạo của ngài.
Trùng danh: Cùng giống tên nhau
Điềm nhiên: Biết mà cứ im lặng như không.

Lời Bàn:

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Thốt nhiên có kẻ bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ không tin, và người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã có cùng một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến người ta nghi nghi hoặc hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hóa ra con rươi, trông con chó thành con cừu. Đến như giữa chợ, làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được mới cao. Một chân lý có chứng minh rõ ràng, mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.
(Theo Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân)

1 comment:

  1. Cảm ơn bài viết của chú. Cháu cũng rất thích tác giả này. Đã có phim Giờ thứ 25, chú xem chưa à?

    ReplyDelete