Pages

Tuesday, February 24, 2015

Bạn của bạn tôi



Tôi chơi thân với nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, có thể nói là từng “ăn chung một mâm, ngủ chung một giường”. Thuở còn trẻ, buổi chiều hôm thi Tú Tài ngày cuối cùng, không hẹn mà Thu và tôi cùng ra cổng Trung Tâm Trung Học Tư Thục Đăng Khoa một lượt, vô tình gặp nhau khi trả xong nợ sách đèn trong năm, chúng tôi cùng rủ nhau đạp xe xuống bờ sông Sàigòn, nằm trên bãi cỏ nhìn trời trong, mây trắng thả hồn theo cơn gió thoảng.

Một vài lần, Thu và tôi đi sinh hoạt về khoảng 10, 11 giờ đêm, Thu bảo:

- Cậu với ta đi cho có bạn, rồi ghé nhà ta ngủ cho rồi!

Nhà Ngô Mạnh Thu trước tiên khi di cư vào Nam ở khu Nancy, bị cháy nhà khi quân đội Quốc gia đánh với Bình Xuyên, nên được định cư ở khu cư xá tại ấp Đông Ba, Quận Phú Nhuận. Nhà chỉ có bà cụ mẹ Thu, cô em gái tên Quy và Thu.

Về tới nhà, hai anh em lẳng lặng vào nhà, rón rén leo lên gác xép, tránh phá giấc ngủ của người nhà, tiếp tục chuyện trò, cho tới khi đi vào giấc ngủ.

Một ngày vào tháng năm ta, Ngô Mạnh Thu tìm gặp tôi, truyền lại lời nhắn của bà cụ thân sinh anh ta:

- Cụ nhắn cậu, ngày mai dậy sớm rữa mặt nhưng đừng đánh răng, chạy sang nhà ta ăn cơm rượu theo tục lệ người Bắc ngày xưa.

- Chi vậy ?

- À! Nghe nói để tránh sâu răng.

Năm tôi ra trường, sắp sửa đi dạy trên cao nguyên, cụ hỏi ngày giờ tôi lên đường rồi bảo:

- Chiều hôm trước ngày cậu lên đường, tôi mời cậu bữa cơm. Nhớ nhé !

- Dạ ! Con không dám quên.

Thế rồi bữa cơm gia đình ấy, là một bữa tiệc với nhiều món ăn đầy bàn, chỉ có cụ với Thu, cô em gái và tôi, cụ đã cho tôi ăn một món, lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng đó là món thịt đông.

Ngô Mạnh Thu xuất thân từ trường Quốc Gia Âm Nhạc, anh là trưởng ban nhạc Hoa Niên, hát trên đài Phát thanh quân đội, là nhạc trưởng điều khiển một dàn nhạc và ban hợp ca ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn, nên nhà anh thường có một số thành viên ban nhạc đến tập hát, nhiều lần tôi đến có khi các anh còn nói chuyện, hoặc vừa bắt tay chào nhau ra về, gặp nhiều lần rồi quen nhau, bạn của anh cũng là bạn của tôi, nào là anh Dũng, anh Liên, anh Ân, chị Xuân Mai…

Riêng anh Ân và tôi được Thu chọn làm phù rể trong ngày thành hôn của anh với cô dâu, chị Xuân Mai cũng là thành viên ban hợp ca của anh. Ân người Hố Nai Biên Hòa, cùng ở trong ban nhạc Không quân, về sau Ân tu tập theo pháp môn “nhập thất nhịn ăn”, anh ta đã thành công đạt qua thất thứ 6, đến thất thứ bảy, trước khi vào thất, Ân tuyên bố:

- Lần nhập thất nầy, tôi sẽ được gặp Chúa.

Thật chẳng may, anh không thành công, phải bỏ mạng. Phải chăng anh đã gặp Chúa rồi. Sau đó, Ngô Mạnh Thu cho tôi biết:

Ân bị “tẩu ha nhập ma”, vì khi người ta phát hiện Ân chết, thấy ở dưới giường của Ân trong Conex, có cái bếp điện, chắc trước đó hắn bị lạnh nên dùng bếp điện để sưởi ấm, nhưng cái lạnh “tẩu ha nhập ma” là lạnh từ trong cơ thể phát ra mà. Người ta cho biết, cứ mỗi lần nhập thất cao hơn, phải thọ giới với thầy, phải thề không được truyền cho ai. Không biết lần cuối cùng, Ân có thọ giới với thầy nào không ? Hắn chết, mang theo hết mọi bí mật về công phu tu luyện đó.

Một người nữa phải được nói tới, đó là Phí Ích Nghiễm, anh Nghiễm và Thu cùng sanh năm 1938 và cả hai đều cùng sinh quán ở Hà Đông, nếu tôi nhớ không lầm có lần Thu cho tôi biết hai anh cùng học chung lớp, chung trường tiểu học.

Năm 1954, anh Thu theo mẹ vào Sàigòn, còn Phí Ích Nghiễm vào Huế, anh đã theo học tại Trung học Nguyễn Tri Phương, trước khi vào Sàigòn và trở thành nhà văn tên tuổi của miền Nam vào thập niên 1960. Đó là nhà văn Dương Nghiễm Mậu, cũng ở trong khu ấp Đông Ba.

Khi tôi quen biết với các anh Ngô Mạnh Thu và Dương Nghiễm Mậu, các anh đã có nghề nghiệp, tôi vẫn còn “bạch diện thư sinh”, uống cà phê thường thì Thu trả tiền, còn khi có Dương Nghiễm Mậu, anh Mậu tự nhiên móc tiền ra trả ly cà phê của anh, đứng dậy ra về trước, phần còn lại chúng tôi tự thanh toán.

Nhà văn Sơn Nam, chuyên cuốc bộ khắp Sàigòn-Chợ Lớn kè kè bên mình cái túi vải, trên môi điếu thuốc lá cháy dở dang, còn Dương Nghiễm Mậu chuyên dùng xe bus đi làm việc, vào mùa mưa tay xách thêm một cây dù đen, thường hút píp.

Năm 1962, chúng tôi phụ trách một lớp luyện thi Đệ Nhất Cấp miễn phí, Dương Nghiễm Mậu phụ trách giảng dạy môn Việt Văn, còn có nhà báo Trần Việt Sơn dạy Toán, ông Nguyễn Xuân Phong dạy Anh Văn, ông Vũ Văn Mão dạy Sử Địa … 

Hàng ngồi: Nguyễn Kim Chi, Xuân Mai, Dương Nghiễm Mậu, cô dâu (Quy)
Hàng đứng: Tông, Ân,Thu, nhà văn Nguyễn Trung Dũng, Liên (chú rể, gs QGNT)

Khu ấp Đông Ba đó, sau đổi thành Phường 14, quận Phú Nhuận có một lò sát sanh, quán cà phê vĩa hè chúng tôi thường uống là ở ngã ba trên con đường Huỳnh Văn Bánh, gần cổng xe lửa số 6 với con đường trước nhà thờ ba chuông đường Đặng Văn Ngữ.

Tôi nhớ Dương Nghiễm Mậu có một truyện ngắn, ở cái lò sát sanh, người ta giết mỗ ban đêm, cạo sạch lông, lấy hết bộ đồ lòng ra, đem con vật móc vào cái móc sắt treo lên thành dãi thịt. Một hôm, sáng ra người ta nhìn thấy trên cái dãi thịt các con vật, có thân một người bị móc treo lên đó.

Tôi nghĩ ít nhiều gì, cái lò heo ở ấp Đông Ba kia, trong lần ngồi nhâm nhi bên ly cà phê đen, đã gợi hứng cho nhà văn sáng tác, truyện làm cho tôi liên tưởng đến phim của vua hề Charlie Chaplin, anh đóng vai một công nhân trên dây chuyền, chuyên cầm kềm siết con bù-lông, khi đi ra ngoài phố, anh ta thấy mấy cô mặc áo quần với những chiếc nút, nghĩ là bù lông nên sẵn tay cầm kềm anh ta đi theo và vặn bù-lông …, cũng như huyền thoại về nhà bác học Albert Einstein, có lần ra đường chợt nảy ra một vấn đề cần giải toán, ông ta giải phương trình trên thân một chiếc xe đậu bên đường, khi chủ nhân chạy xe, ông ta chạy theo xe …

Năm 1991, tôi đi chào từ giả những người thân quen, hôm cùng Ngô Mạnh Thu đi gần giáp vòng, khi về tới cổng vào ấp Đông Ba, Thu nhắc tôi:

- Ghé vào cậu chào Dương Nghiềm Mậu đi.

Thế là tôi lái xe hướng vào nhà Dương Nghiễm Mậu, vào đến đầu ngõ, đã thấy anh mặc quần đùi, áo thun ba lỗ, đang ngồi ngay trên đường hẽm trước nhà đánh bóng sơn mài một tranh Phật, thấy chúng tôi anh ta nở nụ cười trên môi, nói ngay:

- Ta đang lỡ tay, các cậu vào nhà chơi.

Thu đáp:

- Tông hắn sắp đi Mỹ, ghé qua chào cậu.

- Vậy là đời lên hương rồi. Sang đó, nhớ im lặng cho ta nhờ! Chừng nào lên đường?

- Ngày mốt anh Mậu. Ghé thăm anh một chút, tôi phải về, còn nhiều việc cần thu xếp. Ở lại mạnh giỏi nghe anh Mậu.

- Ừ ! Cậu đi mạnh giỏi ! Khi nào về nhớ ghé thăm ta nghe.

Tôi không rõ nghĩa anh Mậu nói “Sang đó, nhớ im lặng cho ta nhờ”, vì anh có người em là Phí Ích Bành, trước kia học ở Đại học Vạn Hạnh, thời tôi sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh ở nhiệm kỳ đầu tiên và kế tiếp. Bành đã nói gì với anh chăng?

Cách nay hơn năm, tôi về có đi thăm anh Dương Nghiễm Mậu, lần đầu tiên tôi gặp vợ anh ấy, chị cho tôi biết:

- Tiếc quá, anh ở xa về tới thăm mà không gặp, hôm nay Thứ Bảy anh Mậu có hẹn với ai đó từ mấy hôm trước, nên phải đi, anh ấy ít đi ra ngoài lắm, mời anh hôm nào trở lại chắc là gặp anh Mậu.

Hỏi chị về bốn quyển sách của anh Mậu do nhà công ty Phương Nam ấn hành, bị tịch thu, chị cho biết:

- Họ không ra văn bản cấm, nhưng âm thầm tịch thu.

Không thăm được Dương Nghiễm Mậu, tôi đành chào chị ra về. Tuần sau tôi trở lại, vừa mới dựng xe trước nhà thì anh Mậu đã mở cửa, mời tôi vào nhà, anh chỉ ghế cho tôi ngồi rồi đi pha trà.

Trong khi chờ đợi, tôi nhìn chung quanh từ tủ, bàn, ghế cái gạt tàn thuốc đều là những sản phẩm sơn mài, màu sắc đa số là nâu hay đỏ.

Sau khi anh pha trà, chúng tôi đã thăm hỏi nhau về sức khỏe, về gia đình. Tôi xin chụp một tấm ảnh, anh bảo tôi:

- Cậu cho ta yên thân, chớ chụp ảnh cho nó thêm chuyện.

Tôi hỏi anh về mấy quyển sách bị tịch thu, anh vẫn giữ giọng cười hô hố như xưa:

- Ta không bị gì cả, đó là chuyện của nhà xuất bản.

Chuyện đã lâu, tôi chào anh ra về. Trên đường về, tôi nhớ đã có đọc hồi ký của nhà văn Duyên Anh viết về Dương Nghiễm Mậu, trong những ngày tháng bị nhốt ở Phan Đăng Lưu, Duyên Anh nhận xét Mậu khôn ngoan, trầm tĩnh, im lặng. Ra tù anh chọn nghề sơn mài, để kiếm sống, thay vì cầm bút nay cầm cọ sơn phết, rồi mài ngày qua ngày để nghiền ngẫm nhân sinh, nay đã đạt tới nghệ nhân sơn mài, tôi hiểu những dặn dò ngày trước và từ chối ghi ảnh ngày nay. Tác phẩm văn chương của anh đã là hệ lụy một đời, cho nên anh muốn tránh, né an phận trong những ngày còn lại của tuổi già.

Nhớ trước kia có hôm, Dương Nghiễm Mậu nhìn trời u ám, bỗng nhiên thốt: “Trời nầy có phải là trời của Kiều nhớ Kim Trọng ?!”
22-II-2015

No comments:

Post a Comment