Pages

Tuesday, February 17, 2015

Thông điệp gì gửi đến chúng ta qua phim Last Days in Vietnam



 
https://www.youtube.com/watch?v=HiUqQP0ON8Y


Trọng Đạt

Phim mới, dài 1 giờ 38 phút, thực hiện năm 2014. Đạo diễn Rory Kennedy, truyện phim của Keven McAlester, âm nhạc của Gary Lionelli, kịch bản: Keven McAlester, Mark Bailey, nhà sản xuất: Keven McAlester, Rory

Last Days In Vietnam mới cho chiếu online chắc nhiều quí vị đã xem qua. Đây là cuốn phim tài liệu giá trị đã làm sống lại những trang sử bi thảm của miền Nam nước Việt sụp đổ vào tay CS. Nói chung những thước phim đã diễn tả chính xác lịch sử miền nam VN trong những ngày cuối cùng của tháng Tư đen 1975.

Nhà làm phim chủ trương diễn tả lại lịch sử khách quan nghiêng về khía cạnh nhân bản, đầy tình yêu nhân loại, khác với cuốn phim khuynh tả Vietnam, a Television History 1945-1975 dài 11 tiếng quay 1983, Last days in Vietnam 2014 đứng về phía chính nghĩa miền Nam tự do, kết án CS tàn ác, phần kết luận chê trách Hoa Kỳ thất hứa với đồng minh.

Trọng tâm của phim diễn tả kế hoạch của chính phủ vào những ngày cuối cùng tại Việt Nam để cứu cho được nhiều người Việt. Một chính phủ không có thực quyền, một ông Tổng thống bù nhìn trước sự thao túng của Quốc hội Dân chủ không làm gì hơn là cứu được nhiều nạn nhân của đất nước bị bỏ rơi, khả năng hữu hạn của ông chỉ làm được đến thế. Kinh Do Thái có câu: “Ai cứu được một mạng người thì cứu được cả thế giới”. Nguyên văn: Whoever saves one life, saves the world entire.

Giữa năm 1965, trước ngày miền nam VN sụp đổ đúng 10 năm, Tổng thống Dân chủ Johnson đưa đại binh vào miền nam để ngăn chặn CS chiếm Đông nam Á, nhưng đã thất bại. Bốn năm sau, họ để lại một gia tài đổ nát, tân TT Nixon phải lo hốt cái đống rác vĩ đại do Hành pháp tiền nhiệm để lại, đó là đưa về nước nửa triệu quân, lập lại hòa bình trong danh dự. Theo lời Kissinger trong White House Years, chính họ đã gây nên cuộc chiến sa lầy, thay vì giúp cho chính phủ mới gỉải quyết cuộc chiến, họ tiếp tay với phản chiến chống đối cuộc chiến kịch liệt, cương quyết cắt mọi khoản viện trợ để bỏ Đông Dương.

Cộng hòa bị tai tiếng vì vụ Watergate, đảng đối lập Dân chủ kéo nhau vào Quốc hội rất đông, họ chiếm 67% Hạ viện và 60% Thượng viện, nắm quyền sinh sát trong tay. Kissinger nói về thực trạng bi đát miền nam VN trong Years of Renewal: nước Mỹ tê liệt vì chia rẽ, đứng nhìn Cộng quân tiến vào Sài Gòn.

Cuốn phim cũng là một bất lợi rất lớn cho CSVN, hình ảnh bằng nghìn lời nói: không khí binh đao khói lửa máu chảy thịt rơi sẽ khiến người ta đặt câu hỏi “ai gây nên cảnh điêu tàn”, người dân chen chúc, hốt hoảng di tản tại Đà nẵng, Sài gòn cho thấy miền nam VN ghê tởm CS là nhường nào.

* * *
Sơ lược cuốn phim

Nhà đạo diễn kể sơ lại lịch sử Việt nam những năm cuối cùng. Trước đó hai năm (1973) TT Nixon tuyên bố đã thỏa thuận ký kết Hiệp định Paris, lấy tù binh và đem quân về nước.

Các nhân chứng kể lại quá khứ, một cựu đại úy Mỹ Herrington (sau này lên đại tá) hồi tưởng lại 40 năm trước ông đã giúp nhiều người bạn VN lên máy bay trốn thoát, ông nói về cảnh di tản hỗn lọan tại Đà nẵng, nguyên do người dân quá sợ hãi CS tàn ác. Đại sứ Martin nhiều cảm tình với VN không muốn nơi đây mất về tay CS. Nixon hứa với Nguyễn Văn Thiệu, ông sẽ oanh tạc BV nếu họ vi phạm, Hà Nội rất sợ Nixon, coi ông ta như một người điên rồ, nhưng năm 1974 ông từ chức vì vụ Watergate.

Cộng quân vi phạm Hiệp định Paris, tấn công Ban Mê Thuột ngày 10-3-1975 và đem đại binh nuốt chửng miền nam.

Đại úy Mỹ kết án CS tàn ác. Đại tá Hải quân VNCH Đỗ Kiểm nói về tình hình Đà Nẵng tháng 3-1975 bằng tiếng Việt cho biết ông Thiệu thay đổi ý kiến luôn, có khi ra lệnh giữ Đà Nẵng, hôm sau ra lệnh bỏ. Phim chiếu cảnh di tản hỗn loạn tại phi trường Đà Nẵng, người dân chạy ùa theo máy bay. TT Ford nói về cuộc chiến VN, ông cho biết khoảng từ 150 tới 170 ngàn quân CSBV chính qui được trang bị tối tân tiến chiếm miền nam VN, khoảng 500 ngàn người tỵ nạn đổ về Sài Gòn

Ngày 10-4-1975 TT Ford đề nghị Quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu khẩn cấp để cứu miền nam VN, ông nói chúng ta giúp cho VNCH 722 triệu, nếu không cứu được miền nam thì cũng cứu được những người bị đe dọa. Một bà dân biểu Mỹ cho biết ý kiến như sau: người Mỹ đã đưa vào VN nửa triệu quân, tiêu hàng tỷ, hàng tỷ đô la mà không thắng cuộc chiến bây giờ đưa thêm 722 triệu thì làm được trò gì? Một ông dân biểu khác cũng nói, người Mỹ chống đối cuộc chiến nên không hy vọng Quốc hội cấp. Chính Kissinger cũng nói 722 triệu không cứu vãn được tình thế, chỉ còn cách cứu cho nhiều người VN.

Phim nói về kế hoạch di tản, mới đầu họ chủ trương chỉ cho người Mỹ đi, không cho người VN theo. Ngày 24-4-1975 Sài Gòn đầy những tin vịt. Hiện còn khoảng 5,000 người Mỹ tại VN, một số có vợ Việt hay người yêu VN, họ được ưu tiên hàng đầu di tản ra khỏi nơi đây.
Lãnh sự Mỹ tại Quân khu IV nói về kế hoạch di tản. Cảnh xếp hàng xin di tản tại tòa Đại sứ Mỹ Sài gòn, họ nói cũng may dân chúng tại đây có trật tự, bình tĩnh không có chuyện gì đáng tiếc. Họ nói về việc sắp hạng các hồ sơ. Kế hoạch thứ tư được thực hiện, các trực thăng từ hạm đội sẽ bay vào Tòa Đại sứ Mỹ tại Sải Gòn bốc người đi. Tại Sài Gòn, các máy bay trực thăng đi bốc người tại các địa điểm trong thành phố rồi đưa về tòa Đại Sứ, tòa Đại sứ đầy những người chờ đợi trong sân.

Phía VN, đại tá Đỗ Kiểm nói về lệnh đưa các tầu chiến VN đi, dù chỉ có một máy cũng chạy, ông cho biết vào ngày cuối cùng ông đưa tất cả là 32 chiến hạm ra khỏi VN. Hai nhân chứng Việt Nam cũng kể lại chuyện tháng tư là trung úy Phạm Hữu Đàm, sinh viên Phó Đức Bình nói tiếng Anh về ngày di tản tại tòa Đại sứ Mỹ.

Ngoài hạm đội, cảnh trực thăng của VNCH đáp xuống tầu bị đẩy xuống biển lấy chỗ, lính Mỹ khám và tước khí giới người Việt vứt xuống biển để bảo đảm an ninh cho tầu, riêng tại tầu này tổng cộng có 17 trực thăng VN đáp xuống.

Trở lại cảnh di tản nhốn nháo tại tòa Đại sứ Mỹ Sài Gòn, trực thăng từ Sài gòn đáp xuống tầu ngoài hạm đội. Tại tòa Đại sứ, ông đại úy quả quyết với mọi người trong khuôn viên tòa như sau: “Không ai bị bỏ lại, mọi người đều sẽ được đưa đi”.

Phần cuối phim, người Mỹ chú trọng việc cứu thêm người, cả những người tỵ nạn ngoài biển, trên những con tầu lớn VN tràn ngập người tỵ nạn.

Chuyến trực thăng cuối cùng rời Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, cảnh hôi của của người nghèo. Cộng quân tiến vào Sài Gòn, các ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu bị họ bắt lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, cảnh lính vứt giầy, quân phục chạy.

Đỗ Kiểm nói về lễ hạ cờ VNCH cảm động trên các tầu chiến VN chạy sang Phi Luật Tân, chính phủ Phi Luật Tân sợ mất lòng CSBV, họ không cho tầu chiến VNCH vào nên phải hạ cờ VN treo cờ Mỹ.

Cảnh cuối 11 người lính TQLC còn lại của Mỹ hồi hộp chờ trực thăng tới đón vào lúc 7 giờ 50 sáng ngày 30-4-1975 họ giã từ VN. Có 420 người Việt bị bỏ lại trong khuôn viên tòa Đại Sứ.

* * *

Nhận định tổng quát: đây là một phim tài liệu hay, ngắn gọn, diễn tả lịch sử trung thực, bênh vực cho chính nghĩa miền nam tự do. Tôi xin so sánh hai cuốn phim cùng môt đề tài này Vietnam, a Television History 1945-1975 quay 1983 và Last Days In Vietnam quay 2014, thực ra đã có nhiều phim tài liệu về cuộc chiến VN nhưng hai cuốn trên được chú ý hơn cả.

Năm 1983 các ký giả, phóng viên Mỹ, Anh, Pháp đã hợp tác thực hiện phim tài liệu đen trắng dài 11 giờ Vietnam, A Television History 1945-1975, Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình 1945-1975 đã được chiếu trên TV tại VN khoảng 1985 vì có lợi cho họ. Phim này có nhiều đoạn ca ngợi chính nghĩa của CS có phần phong phú hơn Last Days in Vietnam 2014 nhưng không khách quan cho lắm. Lối làm phim của cả hai gần giống nhau ở chỗ cùng diễn tả lịch sử Việt Nam qua những thước phim tài liệu và những cuộc phỏng vấn các nhân chứng, nhân vật lịch sử. Last Days In Vietnam là cuốn phim mầu ngắn ngủi, kết tội CS và ngụ ý chê trách người Mỹ bỏ miền nam rơi vào tay CS.

Như các phim tài liệu chiến tranh về Thế chiến, Triều Tiên, Iraq… nhà đạo diễn Rory Kennedy phỏng vấn các nhân chứng, nhân vật lịch sử rồi đưa diễn tiến lịch sử vào phim, nhưng vì được kể lại ngắn gọn trong vài phút thường khiến khán giả bối rối vì khó hiểu. Last Days In Vietnam cũng không tránh khỏi khuyết điểm này.

Các nhân vật lịch sử, nhân chứng kể lại quá khứ gồm Kissinger Bộ trưởng ngoại giao, Frank Snepp, phân tích gia CIA, cựu đại úy Mỹ Herrington (sau lên đại tá) phụ trách an ninh tòa Đại sứ 1975, một số quân nhân Mỹ canh gác tòa Đại sứ. Nhân chứng phía Việt Nam gồm đại tá Hải quân Đỗ Kiểm, trung úy Phạm hữu Đàm, sinh viên Phó Đức Bình… hai người này đã có mặt tại tòa Đại sứ vào những giờ phút cuối.

Một vài giai thoại cảm động có thật ở phần cuối như theo lời kể của đại úy Herrington, nhân chứng chính của phim cho biết ông được đưa tới VN năm 1973. Tại Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4-1975 ông đã lén lút đưa một số bạn hữu quân nhân VN vào phi trường Tân Sơn Nhất di tản cùng gia đình. Việc làm bị coi là sai phạm vì chính phủ VN buộc quân nhân phải ở lại chiến đâu, nếu bị lộ ông sẽ bị trừng phạt đuổi về nước. Herrington đã phát biểu như sau:

“Đôi khi có những vấn đề không phải là hợp pháp hay không hợp pháp, nhưng là đúng hay sai” (“Sometimes there’s an issue not of legal and illegal, but of right or wrong.”)

Ông ta nói cứu người vì nhân đạo là đúng cho dù vi phạm luật, nếu những người bạn lính VN của ông ở lại họ sẽ trở thành người chết biết đi – dead man walking.

Mang nhiệm vụ giữ trật tự trong khuôn viên tòa đại sứ Mỹ vào giờ chót, Herrington đã nói với những người Việt Nam đang vây quanh bằng tiếng Việt:“Không ai bị bỏ lại, mọi người sẽ được đưa đi, đừng có lo, trực thăng lớn sắp tới”.

Nhưng rồi tối ấy ông được lệnh phải lên sân thượng ra đi vì không còn trực thăng chở thêm người Việt, đại úy đành lòng nói dối họ vờ lấy cớ đi tiểu để lén vào tòa đại sứ rồi lên lầu bay ra hạm đội. Cho tới nay ông ta vẫn còn ân hận đã đánh lừa họ, một hành động trái đạo đức, tổng cộng có 420 người bị bỏ lại.

Trung úy Phạm Hữu Đàm và sinh viên Phó đức Bình cũng đã vào được khuôn viên nhưng thất bại không được đưa đi. Sau 30-4 Đàm bị đưa đi tù cải tạo 13 năm sau cũng đã tới Mỹ, Bình bị bắt giam một năm, anh vượt biên 1979 và đã tới Mỹ.

Trong phần kết luận, Herrington bằng giọng u sầu bảo: Con người (VN) bị tổn thương vì chúng ta chia rẽ (…because we did’nt acted together).
Hàng ngàn, hàng ngàn người Mỹ đã từng phục vụ tại VN, nay đang ngồi ở nhà theo dõi diễn biến với cõi lòng tan nát khi thấy tất cả trở thành hư không. (There were thousands and thousands of Americans who served in Vietnam, who is setting at home hearts broken at watching this whole thing comes to none)
Người Mỹ hứa thật nhiều và thất hứa cũng nhiều.

Những người chê trách Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh như Herrington rất hiếm, phần nhiều các nhà chính khách, học giả Mỹ cho rằng phải bỏ VN sớm hơn. Cựu bộ trưởng McNamara nói trong hồi ký, đáng lý chúng ta phải rút bỏ VN từ 1963, 1964, cuộc chiến VN là sai lầm (In Retrospect trang 320). Sử gia Walter Isaacson nói: đáng lý Nixon phải ký Hiệp định rút bỏ VN từ 1969 (Kissinger A Biography tr.484) chứ không phải đợi bốn năm sau. Ông chê trách Nixon đã làm chết thêm 20,000 người Mỹ để VNCH tồn tại thêm ít năm mà sự thực VN không đáng cho ta phải hy sinh như vậy.

Nhiều ngưởi Việt oán hận nhà lãnh đạo Nixon, Kissinger đã bắt ép VNCH ký hiệp ước bất bình đẳng đưa tới sự sụp đổ miền nam. Về điểm này, Nixon đã nói trong hồi ký No More Vietnams: trong khi Quốc hội phản đối ầm ĩ ông không làm gì hơn được, Kissinger cũng nói gần giống như vậy trong hồi ký Years of Renewal. Nixon cũng như Kissinger chỉ có thể giúp cho miền nam tồn tại thêm ngày nào hay ngày nấy, tháng 4-1975 là hạn chót.

Đa số các nhà chính khách Mỹ, các nhà nghiên cứu sử đã ngầm ủng hộ cái chiến lược “tẩu vi thượng sách, sống chết mặc bay”. Quốc hội Dân chủ, người dân, truyền thông báo chí, phong trào phản chiến, da trắng cũng như đen… đều muốn vứt bỏ cái miếng xương khó nuốt từ thập niên 1960, thì sự sống còn của miền nam chỉ trông vào phép lạ. Sự thật phũ phàng là Nixon-Kissinger chỉ giúp VNCH sống thêm vài năm và họ đã làm được, Gerald Ford chỉ giúp miền nam thêm được vài tuần hay một tháng, Đại sứ Martin chỉ kéo dài sự hấp hối một vài ngày… khả năng thiện chí của họ chỉ làm được đến thế.

Lúc vãn tuồng Last Days In Vietnam cũng là khi kết thúc vở tuồng hề chính trị miền nam VN, điệu nhạc đệm buồn thảm và du dương tuyệt vời nổi lên cùng những trang sử bi đát khiến người xem không cầm được nước mắt.

Nhà đạo diễn cho biết bằng số thống kê chính xác thực trạng kẻ ở người đi như sau: Trong ngày cuối cùng của VN, khoảng 130,000 người đã trốn đi, gồm cả 77,000 người được nói tới trong phim này. Về những kẻ ở lại, nhiều trăm nghìn người đã bị đưa đi trại tập trung, nhiều người chết vì bệnh tật, đói khát, số người bị hành hình không rõ là bao nhiêu. (…Of those left behind, hundreds of thousands were sent to re- education camp, many died of disease and starvation, an unknown number were excecuted).

Dưới con mắt kẻ ở, người đi năm 1975 được coi là vô cùng diễm phúc, họ không phải nếm mùi Cộng sản và được đưa tới xứ sở thần tiên bằng phương tiện an toàn nhanh nhất.

Gian khổ đã qua, hết cơn bĩ cực đến kỳ thái lai, mấy chục năm trôi qua, hầu hết những người này đã có cuộc sống ổn định sung túc, có phần huy hoàng hơn cả dân bản xứ. Con cháu họ rất nhiều người thành công làm trạng sư, bác sĩ, giáo sư, kỹ sư, dược sĩ…rất nhiều người trở thành thương gia, đại phú có cơ sở làm ăn lớn, một vài người là tỷ phú đô la…
Nhưng có mấy ai còn nhớ tới tấn thảm kịch này…

Trọng Đạt
Đón xuân Ất Mùi 2015

Những thông điệp của “Last Days in Vietnam”
Trần Diệu Chân

Giới thiệu Phim “Last Days in Vietnam”- Những ngày cuối cùng ở Việt Nam

Đạo Diễn: Rory Kennedy; kịch bản/ câu chuyện: Mark Bailey và Keven McAlester; Giám đốc hình ảnh: Joan Churchill; biên tập: Don Kleszy; Giám đốc âm nhạc: Gary Lionelli; Giám đốc sản xuất: Rory Kennedy và McAlester; Phát hành: American Experience Films/PBS. Phim dài: 98 phút.

Nữ Đạo diễn Rory Elizabeth Katherine Kennedy của phim “The Last Days in Vietnam” được biết tiếng qua nhiều phim tài liệu như Ethel (2012), nói về cuộc đời của bà Ethel Kennedy, mẹ của nữ đạo diễn Rory, phim Ghosts of Abu Ghraib – Bóng ma của Nhà tù Abu Ghraib (2007) và American Hollow (1999). Bà đã đạo diễn hơn 30 bộ phim tài liệu và từng đoạt giải Emmy.

Bà lập gia đình với ông Mark Bailey năm 1999 và hiện có 3 người con. Chồng bà là tác giả kịch bản của cuốn phim này.

Rory là ái nữ của cố Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, gọi cố Tổng Thống John F. Kennedy là bác ruột. Là con gái út của TNS Robert Fitzgerald Kennedy và bà Ethel Kennedy, Rory Kennedy ra đời 6 tháng sau khi cha bị ám sát vào tháng Sáu năm 1968. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy lúc bấy giờ mới 42 tuổi, được coi là ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ, có triển vọng chiếm được chiếc ghế tại Tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thời ấy.

Một chi tiết khác có liên quan tới nữ đạo diễn Rory là John Kennedy Junior, con trai duy nhất của cố Tổng Thống Kennedy và Đệ Nhất Phu nhân Jackie Bouvier Kennedy, đã thiệt mạng cùng với vợ Carolyn Bessette-Kennedy, và chị vợ Lauren Bessette, khi John lái máy bay đến Martha Vineyards dự lễ cưới của cô em họ, giờ là nữ đạo diễn Rory Kennedy.

Phim “Last Days in VN” kể lại một cách hấp dẫn, hồi hộp từng thời điểm xung quanh cuộc di tản quân sự trong năm 1975 tại Sài Gòn. Vào những giờ phút cuối cùng hỗn loạn của chiến tranh Việt Nam, quân đội Bắc Việt áp sát vào Sài Gòn, giữa lúc dân chúng miền Nam Việt Nam hoảng hốt ra sức tìm cách trốn thoát, các sĩ quan, binh sĩ và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ phải đối diện với một tình thế khó xử về mặt đạo đức: một là tuân lệnh của Tòa Bạch Ốc đòi chỉ di tản các công dân Mỹ mà thôi, nếu không thì gặp phải nguy cơ bị buộc tội phản quốc; hai là cứu sống nhiều công dân Việt Nam Cộng Hòa theo khả năng của họ. Với thời gian quá gấp rút, và thành phố nằm dưới hỏa lực của địch quân xâm lược, một nhóm anh hùng bất ngờ xuất hiện khi những người Mỹ và những người miền Nam Việt Nam tự tay giải quyết các vấn đề sinh tử của mình trong tình nhân bản, cưu mang giữa con người với con người, bất chấp lệnh trên và có thể bị mất việc, bị truy tố vì những nghĩa cử này, thậm chí còn có thể bị nguy hiểm tới tính mạng.

———–

Phim tài liệu “Last Day In Vietnam” mang một số thông điệp của người Mỹ nhìn về ngày 30 tháng 4 của 40 năm về trước. Có thể nó khác với cách nhìn của một số người Việt Nam, nhưng điểm chính rất tuyệt vời của cuốn phim mà ai cũng phải nhìn nhận là nói lên TÌNH NGƯỜI trong giai đoạn khó khăn, cấp bách, nguy hiểm nhất – những ngày cuối cùng của cuộc chiến Quốc-Cộng tang thương kéo dài 20 năm trên đất nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, cảm nhận của tôi về cuốn phim rất xúc động mà hầu hết ai xem phim cũng nhỏ lệ là:

1. Chính nghĩa của dân tộc, của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã được phục hồi khi nói lên cái ác và bất tín của cộng sản Việt Nam (CSVN). Đồng thời, phơi bày sự thật về lý do tại sao VNCH thất trận, đó là sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ chứ không phải do VNCH hèn nhát, tháo chạy như dư luận tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới đã từng hiểu lầm do bị ảnh hưởng của phong trào phản chiến.

2. Can đảm đưa ra nhận thức là chính Hoa Kỳ đã bỏ rơi VNCH để đưa đến tình trạng kết thúc tang thương tại Việt Nam mà hệ quả còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Phê phán Hiệp Định Paris là một “kiệt tác của hỏa mù” và nói lên những trí trá của phía CSVN cũng như những ký kết vô trách nhiệm của Hoa Kỳ.

3. Tinh thần trách nhiệm, bác ái, can trường của nhiều người Mỹ cũng như Việt trong cuộc di tản, sẵn sàng hy sinh cá nhân mình vì người khác.

4. Bài học lịch sử cho Hoa Kỳ – như lời chia sẻ của Đạo diễn Rory Kennedy: Trước khi mình dấn thân vào một cuộc chiến, phải nghĩ tới sách lược thoát ra các cuộc chiến đó như thế nào để là một kết thúc có hậu.

5. Bài học lịch sử cho Việt Nam: Luôn lấy sức mình/sức mạnh dân tộc làm chính. Quốc gia nào cũng đặt ưu tiên quyền lợi dân tộc họ; do đó họ chỉ hợp tác khi có tương quan quyền lợi và sẵn sàng bỏ rơi chúng ta khi cần. Cần thực tế hóa và không lý tưởng hóa tương quan với các quốc gia bạn; vận động sự hợp tác quốc tế trên căn bản “tương quan quyền lợi”.

6. Cuốn phim không cho phía cộng sản Việt Nam có tiếng nói. Ngược lại, nói lên được cái ác của CSVN và sự cảm thông với người dân miền Nam Việt Nam qua lời chia sẻ của một vị đại tá Mỹ: “Người dân miền Nam có đủ lý do để khiếp sợ Cộng Sản Việt Nam. Hành vi của Cộng sản trong suốt cuộc chiến là bạo lực và không hề khoan nhượng. Thí dụ khi thành phố Huế bị Bắc Việt chiếm, nhiều ngàn người có tên trong sổ đen dày cộm của họ đã bị triệu tập, thầy giáo, công chức, những người mang danh chống cộng đã bị xử tử, thậm chí trong một số trường hợp họ bị chôn sống.”

Ngay cả hình ảnh mà đạo diễn Rory Kennedy đã tài tình lồng vào: hình ảnh nhuộm đỏ Việt Nam như một dòng suối máu lan theo bước chân thôn tính của CSVN – cũng nói lên được nguy cơ vào giai đoạn chót, và sự đe dọa kinh hoàng của một chế độ độc ác.

1. Ghi nhận những phi công, sĩ quan Việt Nam can đảm, tài giỏi, yêu nước qua hình ảnh tiêu biểu của một số vị. Nói lên được sự thông cảm và thương cảm đối với người dân miền Nam Việt Nam.

2. Đoạn cuối, cuốn phim đã ghi chú về chính sách tù “cải tạo” tàn bạo của CSVN: “Đối với những người bị bỏ rơi, hàng trăm ngàn người bị đưa vô trại học tập cải tạo. Nhiều người đã bỏ mạng vì bệnh tật và đói khát. Một số không rõ bao nhiêu người bị xử tử.”

Chính vì những ưu điểm này mà cuốn phim đã được đồng bào chúng ta đón nhận nhiệt liệt, dù vẫn có những ấm ức là cuốn phim chưa nói lên được hết những đau thương mà đồng bào chúng ta phải gánh chịu kể từ sau cái ngày tan đàn xẻ nghé 30-4-1975, chưa nói lên được đầy đủ những gương anh hùng của quân cán chính VNCH, những hình ảnh tuẫn tiết của các vị tướng VNCH, và chưa lột hết được sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ.

Nhưng có cuốn phim nào mà nói lên hết được tất cả những u uất, thống khổ, thương tâm của cuộc chiến Quốc-Cộng mà dân tộc chúng ta đã phải gánh chịu, và ngay cả giai đoạn đau thương sau khi chiến tranh chấm dứt 40 năm qua?
Dẫu sao, cuốn phim đã nói lên được phần nào những điểm son để phục hồi sự thật, để rút tỉa kinh nghiệm, để vinh danh giá trị nhân bản và tình người trong một trang sử cận đại mà hệ lụy vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay.

Điểm đáng khen và bổ túc cho cuốn phim là nỗ lực của đài PBS trong dự án “First Days in America” để dư luận được lắng nghe tiếng nói của chính nạn nhân cuộc chiến, những người Việt Nam đã di tản sang Hoa Kỳ chia sẻ về những kinh nghiệm phấn đấu của mình và gia đình cùng tâm tư qua đoạn đường đã trải.

Với hầu hết những chia sẻ về “Last Days…” là những lời khen, từ các nhà bình luận/điểm phim chuyên nghiệp Mỹ – Việt, cho tới đồng bào chúng ta sau khi xem phim, chúng tôi xin trích lại đây một số những bình phẩm tiêu biểu để giới thiệu cuộn phim tới đồng bào.

Chính vì những giá trị của cuốn phim mà tôi đã nhận lời nằm trong ban dịch thuật để PBS có thể phụ đề tiếng Việt cuốn phim gởi tới cho đồng bào Việt Nam ở khắp nơi (ngay cả trong nước hy vọng đồng bào chúng ta cũng có thể xem qua mạng Internet hay DVD).

Đài PBS (Public Broadcasting Service) sẽ trình chiếu phim “Last Days in Vietnam” vào ngày 28-4-2015 nhân dịp tưởng niệm 40 năm biến cố 30-4-1975 trên toàn bộ hệ thống khắp Hoa Kỳ; và những ngày trước đó, cũng có những chia sẻ của đồng bào chúng ta trong loạt tâm tình “First Days in America”. Những tâm tình này cũng được lưu trữ trong Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library Congress). Phim “Last Days in VN” cũng sẽ ra DVD vào cuối tháng 4, 2015. Bà Kennedy cho biết phim “Last Days in VN” đã gửi đến một số dân cử quốc hội, và năm 2015 niệm 40 năm cuộc di tản, lúc đó chính giới sẽ chú ý đến phim nhiều hơn.

“Last Days in VN” đã được Academy Awards đề nghị giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 2015. Không biết phim có nhận được giải Oscar vào tháng 2 này hay không, nhưng tôi nghĩ “Last Days in Vietnam” đã thắng giải Oscar trong trái tim của nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi.

Trần Diệu Chân

https://www.youtube.com/watch?v=ICoPWmAUlcY



SỰ PHẢN BỘI CUỐI CÙNG​
 Giao Chỉ, San Jose

Bộ phim Last days in Việt Nam đã được giới thiệu tại Hoa Kỳ. Nhà làm phim tài danh tiếng là bà Rory Kennedy đã sưu tầm tài liệu nhiều năm và hy vọng đoạt giải Oscar năm nay, ghi dấu 40 năm mất miền Nam. Ngôi sao chính được phỏng vấn trong phim là tiến sĩ Kissinger. Báo chí Việt ngữ khen ngợi. Truyền thông Hoa kỳ còn siêu hơn 1 bậc. Hầu hết đều hết lời xưng tụng. Các báo Mỹ miền Đông cho đến 5 sao. Báo miền Tây khó tính nhưng cũng phải bỏ ra 4 sao. Trên Amazon bình luận là tuyệt phẩm.

Dự trù sẽ chiếu tại các rạp vào ngày 28 tháng 4-2015 . Kỷ niệm tháng 4 đen. Người Việt di tản suốt 40 năm qua gọi là ngày quốc hận 30 tháng 4-1975. Kỳ này ngậm thêm một quả đắng. Người Mỹ làm được cuốn phim những ngày cuối cùng ở Việt Nam đã hãnh diện gọi là sự thật trần truồng.

Ngày cuối ở Việt Nam là ngày cuối của ai. Đối với Việt Nam Cộng Hòa chăng. Không phải. Ngày cuối cùng của những người Việt bị bỏ rơi trong tòa đại sứ. Có phải không ? Không phải. Đó là ngày cuối của người Mỹ ở Việt Nam. Hoa Kỳ nghĩ thế nào. Nhà làm phim nghĩ sao? Tôi không biết. Theo tôi. Đúng là ngày cuối của người Mỹ tại Việt Nam.

Các ông bà truyền thông Mỹ Việt có thể khen ngợi tán thưởng phim này. Đó là quyền của quý vị. Theo ý tôi, đây là một phim chết tiệt. Nên gọi là Sự phản bội cuối cùng.

Tôi xin nói tại sao.

Nội dung cuốn phim 1 giờ 30 phút sơ lược gồm các đoạn phim tài liệu về 30 tháng 4-1975 có chừng 10 cảnh chính.

Trên biển Đông, máy bay trực thăng của VNCH di tản. Đáp xuống là đẩy xuống biển. Cảnh chiến binh VNCH lên tàu bị lính đồng minh Hoa Kỳ khám người, tước súng, vất xuống biển. Cảnh 1 tay triệu phú cao bồi Mỹ Ed Daly ở Oakland lấy máy bay World Airways bay ra Đà Nẵng cứu dân tỵ nạn tạo ra hình ảnh rất thảm khốc tại phi trường. (Ông đại sứ Martin miệt thị bảo tay này chỉ làm tình thế thêm rối loạn) Cảnh mọi người chen nhau vào tòa đại sứ tìm đường chạy. Cảnh chiến xa cộng sản tiến vào Sài Gòn. Những chiến binh VNCH bỏ quân phục, mặc quần cụt tan hàng. Cảnh máy bay trực thăng của 1 chiến binh không quân chở vợ con được cứu trên biển. Và sau cùng cảnh chiến hạm hải quân Việt Nam lặng lẽ hạ cờ trong nước mắt.

Xen lẫn vào các tài liệu thời sự đau thương của 40 năm trước là phần bình luận của những người Mỹ trong cuộc và một vài người nhân chứng Việt Nam. Tổng thống Ford bầy tỏ tấm lòng nhân đạo muốn cứu vớt nhiều người Việt Nam. Tiến sĩ Kissinger với tình nghĩa rạt rào dâng cao cũng muốn cứu thêm nhiều người. Các thành viên trách nhiệm Hoa Kỳ ở tòa đại sứ cùng sĩ quan chỉ huy thủy quân lục chiến kể lại những giây phút cuối tại văn phòng tùy viên bên Tân sơn Nhất và tại tòa đại sứ. Anh lính thủy quân lục chiến Mỹ bị chết vì pháo kích. Đây là người lính Mỹ cuối cùng có tên trên bức tường tưởng niệm ở thủ đô.

Thông điệp chính của cuốn phim là gì. Trình bầy sự hoảng loạn của quân dân VNCH và sự bình tĩnh tận tâm của Mỹ cứu vớt người Việt Nam vào ngày cuối cùng. Hoa Kỳ muốn nói rằng đã nỗ lực, nhưng rất ân hận là vào giờ chót phải bỏ rơi vào khoảng 400 người. Những người may mắn lọt vào trong tòa nhà đại sứ và được hứa hẹn sẽ bốc đi hết. Nếu họ biết số phận như thế, bỏ đi từ sớm may ra còn kịp tìm đường khác. Những người này cố leo lên cầu thang, lên nóc nhà, chỗ máy bay hạ cánh, nhưng cửa bị chặn và lính Mỹ ném lựu đạn khói cho nghẹt thở để phải bò xuống.

Mới đâu đó giây phút trước Mỹ Việt còn chuyện trò hứa hẹn. Rồi chợt Mỹ biến mất.

Đó là nội dung cuốn phim.

Trong phim ngày cuối cùng, người Mỹ nhận tội bỏ rơi 400 người, nhưng thực ra họ đã bỏ rơi cả triệu người Việt của một nửa nước Việt Nam.

Làm sao tôi có thể khen ngợi cuốn phim chết tiệt này được. Ngay cả về kỹ thuật cũng chẳng có gì mới lạ.

Tôi xin nói tại sao.

Suốt 40 năm qua, cảnh đau thương ở phi trường Đà Nẵng, cảnh đẩy trực thăng xuống biển. Cảnh chen chúc ở cửa tòa đại sứ, chúng ta đã được xem đi xem lại biết bao lần. Kỳ này, với phương tiện và khả năng rộng rãi của bà chủ biên, có thêm 1 vài đoạn đau thương ly kỳ nhưng cũng não lòng không kém. Kỹ thuật cắt xén xào nấu đâu có gì mới lạ.

Với nội dung và kỹ thuật như vậy làm sao tôi có thể khen ngợi 1 bộ phim chết tiệt như thế.

Tôi không thích phim này, nhưng tôi biết có những người rất thích và có lý do để thích.
Việt cộng.

Các bạn thử nghĩ coi. Chiến binh Việt cộng ở vào tuổi của tôi. Năm 1954 các tay này 20 tuổi, cũng như lúc tôi di cư vào Nam. Họ bắt đầu cầm súng đi “giải phóng” miền Nam. Từ 54 cho đến 75, qua hơn 20 năm không chết nhưng cũng không trực tiếp thấy hình ảnh phe ta tan nát ra sao. Vớ được phim này, thấy cảnh “Mỹ Ngụy” chạy như thế. Thích là cái chắc.

Xin lưu ý chữ “ giải phóng miền Nam” và chữ “ Mỹ Ngụy” tôi viết trong ngoặc kép. Chữ của Việt cộng đấy.

Phim mà kẻ thù thích thú, phim chết tiệt như thế làm sao tôi khen ngợi.

Tài tử Kissinger

Phim đã chẳng ra làm sao, tài tử bình luận chính lại là Kissinger đóng vai nhà chính khách nhân đạo, thương yêu Việt Nam hết sức. Ông muốn cứu thêm mà ngoài khả năng. Thật tội cho ông tiến sĩ, nhưng sự thực quý vị có biết không?

Nhắc đến chuyện Kiss sang Tàu để bàn chuyện bán đứng Việt Nam Cộng Hòa là chuyện xưa rồi. Ngay từ tháng 3-1975 Kiss đã liên lạc với Nga sô để xin thỏa hiệp với Hà nội. Yêu cầu Hà nội đánh đâu thì đánh, phải chờ ở ngoài vòng đai Sài Gòn cho Mỹ rút vào ngày 3 tháng 5-1975. Ai tiết lộ chuyện này. Chính đại sứ Martin.

Trong cuốn sách Nước mắt trước cơn mưa viết từ 1990 tác giả Lary Engelman hỏi chuyện ông đại sứ lúc ông còn sống. Đại sứ nói rằng cần 2 tuần lễ để rút cho êm. Kiss nói đã thỏa hiệp với Brezhnev bên Nga và được biết Hà Nội đồng ý. Tuy nhiên đầu tháng 4 đại sứ Martin muốn chắc ăn đã gửi đại tá Harry Summers đi theo chuyến bay của uỷ hội quốc tế ra Hà Nội nói chuyện trực tiếp. Bắc Việt đồng ý sẽ chờ ngoài cửa Sài Gòn cho Mỹ rút êm, nhưng phải bỏ của chạy lấy người. Quân dụng để lại hết. Vì vậy khi thấy Mỹ cho phi công Viêt Nam di tản qua Thái Lan, coi như di tản quân dụng, là vi phạm thỏa hiệp phải để lại tất cả chiến cụ. Cộng sản bèn pháo kích Tân sơn Nhất để cảnh cáo. Chính ông Martin kể lại.

Câu chuyện rõ ràng là Mỹ bỏ chạy trong kế hoạch và cũng hoảng loạn không kém gì Việt Nam. Hẹn nhau ngày chót là 3 tháng 5-1975 mà đã vội vàng bỏ đi trước 3 ngày,

Đầu đuôi như thế bảo làm sao tôi thích phim này cho được.

Lại nói thêm câu chót về Kissinger. Một hôm ngồi ăn cơm cạnh ông Hoàng đức Nhã, tôi hỏi về chuyện tranh cãi ký kết hiệp định Paris. Hỏi rằng lúc gay cấn với Kissinger, trong nội bộ giữa chỗ riêng tư, ông Thiệu có tức giận không. Có chứ. Vậy ông nói gì. Ông nói ĐM Kissinger ... Đó là tiết lộ của ông Nhã. Trong bàn ăn có cả tướng Nguyễn Khắc Bình gật gù xác nhận. Chẳng khác nào cả Kiss và Nixon cũng đã chửi thề khi nói đến VNCH. Kết luận về tiến sĩ Kissinger như vậy đủ chưa.

Thế hệ tương lai.

Có anh bạn thích cuốn phim danh tiếng này bảo rằng phim cần cho con cháu chúng ta xem để biết về chuyện ra đi năm 75. Tôi xin nhắc lại. Chúng ta muốn con cháu thấy cảnh 1 chiến binh chen với gia đình binh sĩ lên máy bay chạy trốn để tay Mỹ cao bồi tống cho 1 quả rớt xuống. Muốn hay không. Chúng ta có muốn con cháu thấy cảnh lính tráng cởi quân phục có cả giầy trận và vũ khí đầy đường rồi tan hàng hay không.

Cảnh chen lấn ở cổng tòa đại sứ hay cảnh đồng minh khám xét đồng minh trên tàu. Hình ảnh chết tiệt như thế mà dành làm kỷ niệm cho thế hệ tương lai thì buồn cho con cháu nhiều lắm.

Bạn lại hỏi tôi là nếu ông làm phim thì ông làm ra sao. Nhu cầu đơn giản, ý kiến đơn giản. Phải có đoạn phim trận đánh ở Long Khánh của sư đoàn 18. Một sư đoàn lính bộ binh miền Nam chặn đứng 3 sư đoàn Bắc quân kịp thời cho Mỹ rút. Cảnh tàn quân của Sài Gòn cầm chân các đơn vị tiền quân của Hà nội tại cầu Tân cảng. Đó là những thước phim tài liệu đã từng chiếu lại. Đoạn phim trung tá cảnh sát Nguyễn Văn Long tự tử ở trước tượng thủy quân lục chiến. Những người dân chổ trên cyclo đem vào nhà thương Grall, Sài Gòn. Tất cả đều đã có phim ảnh.

Cũng trong 24 giờ cuối cùng hãy kể về chuyện 7 vị tướng tá tự vẫn. Trong chiến tranh cận đại sau thế chiến thứ II ,chưa từng có quân đội nào mà 7 vị lãnh đạo đã tuẩn tiết khi được lệnh buông súng. Đó là những hình ảnh tích cực của những ngày cuối cùng phía Việt Nam Cộng Hòa.Tuy nhiên điều quan trọng là ngày cuối cùng của người Mỹ cũng không thể để cho những người như ông Ford, ông Kissinger lên tiếng giả nhân giả nghĩa. Những chính khách đã quay lưng phản bội đồng minh, dù là phục vụ cho quyền lợi của Hoa Kỳ thì cũng không thể táng tận lương tâm để 40 năm sau dối trá rằng muốn cứu thật nhiều người Việt vào những ngày sau cùng.

Theo đúng các điều kiện của chính phủ Mỹ dự trù thì chỉ có khoảng 60 đến 70 ngàn người sẽ được đem ra khỏi Việt Nam.

Trên thực tế, giờ chót chẳng cần giấy tờ, trong cơn hoảng loạn vào được DAO hay tòa đại sứ là đi. Xuống các xà lan chở đạn ở bến Khánh Hội là đi. Hàng ngàn thuyền chạy loạn trên biển Đông đã được vớt. Chuyến hải hành cuối cùng của VNCH chở trên 30 ngàn người. Trên những con tầu cận duyên của chúng tôi cũng vớt cả trăm người. Tất cả đều đi theo lá số tử vi, không theo danh sách của ông Ford. Đoàn tàu VNCH qua đến Suvic Bay, chính phủ Phi luật Tân mới hôm trước còn là đồng minh thân thiết với VNCH. Hôm sau đã không thèm nhận tỵ nạn Việt Nam, dù là tạm trú.. Sợ cộng sản Hà nội bơi thuyền qua đánh Phi nên bắt Mỹ phải kéo cờ VNCH xuống mới chịu lãnh món quà gồm nguyên cả một hạm đội. Tiến sĩ Kissinger là bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ nói là thương VNCH mà cũng không hề can thiệp. Vì vậy nhớ chuyện 75 nghĩ rằng không tin cộn sản đã đành, cũng chẳng tin được Hoa Kỳ. Khổ thay, bây giờ mình cũng đã là người Mỹ. Không lẽ lại theo gương ông Thiệu mà chửi thề Kissinger, éo le thay, bây giờ ông lại là danh nhân của nước Hoa Kỳ chúng ta.

Quả thực trong suốt 21 năm Việt Nam cộng hoà vừa xây dựng vừa chiến đấu, có khi lên khi xuống, có lúc tốt lúc xấu. Trận 68 cả nước vùng lên triệt hạ toàn thể quân "Giải phóng miền Nam". Trận 72 đẩy lui quân cộng sản miền Bắc trên cả 3 vùng chiến thuật. Qua đến trận 75 chỉ vì tình phụ đồng minh bỏ chạy từ 73 nên đã tan hàng thảm bại. Tuy nhiên có làm phim về đoạn cuối thì ít nhất cũng cần ghi lại trận Long Khánh vào những giây phút sau cùng. Hình ảnh sáng 29 tháng tư phi cơ Hỏa Long chiến đấu đơn độc và tuyệt vọng rồi bùng cháy trên mây trời Hóc Môn. Và để xóa bỏ toàn thể hình ảnh gẫy súng tháng tư là những câu chuyện của hàng trăm chiến binh vô danh tuẫn tiết cùng với 7 vị anh hùng với đầy đủ hình ảnh và nhân chứng. Phim tài liệu về những ngày cuối cùng với nhiều thiếu xót sai lầm nên đã trở thành sự phản bội cuối cùng. Ghi dấu 50 năm sau 75, vào năm 2025 chúng ta cần một cuốn phim khác. Đoạn mở đầu là ngày ra đi và chấm dứt bằng ngày trở về. Quý ông bà nghĩ sao. (Giao Chỉ, San Jose.)
                                                      
​​​Ghi chú. 

Chúng tôi sẽ gửi đến quý vị các trích đoạn cuốn Tear before the Rain của Larry Engelmann (1990) do Nguyễn Bá Trạc dịch và Giao Chỉ giới thiệu. Tin Biển xuất bản 1995. 

Tác phẩm đầy đủ và xuất sắc nhất về ngày 30 tháng tư 1975. 


giaochi12@gmail.com


No comments:

Post a Comment