Ở quê
trên 60 năm trước, cánh đồng quê tôi trên đất cù lao ở sông Hậu Giang. Vào
tháng mười một, tháng chạp sau vụ gặt lúa xạ hàng năm, cánh đồng phơi mình màu
vàng của những cộng rạ còn sót lại, những nơi không trồng lúa, ven những con đường
ranh, bờ ruộng dọc theo con kinh, mảnh vườn sau nhà, cây cỏ đua nhau mọc xanh
tươi đón mùa xuân tới, tạo thành một bức tranh quê nhàn nhã.
Đó là
khung cảnh của những ngày giáp Tết, người ta lo trang hoàng nhà cửa, chăm sóc
cây mai vàng trước sân, người ta đã lặt sạch lá trước rằm tháng chạp, tùy theo
mùa Đông năm đó lạnh nhiều hay ít, lạnh nhiều lặt lá trước năm, bảy ngày cho
mai nở rộ vào ngày Tết.
Những câu
đối liễn, được những người văn hay chữ đẹp viết trên giấy hồng đơn, là thứ giấy
rẻ tiền, thứ giấy in báo, một mặt có màu đỏ thắm, mặt kia để trắng nhưng vì giấy
xấu nên nó ửng hồng, người ta chuộng loại giấy nầy vì nó rẻ tiền, giấy thắm mực
nên viết mau khô, người ta viết chữ với mực đen cũng gọi là mực tàu hay nhũ
vàng, liễn được dán trước cổng nhà, nếu nhà không có cổng, người ta dán ở hai
cây cột hàng ba, hoặc nhà nghèo hơn, người ta dán ở hai cây cột nơi cửa ra vào ở
phía trước, tuy nhiên tùy vị trí, câu đối dán ở cửa ngỏ, ở cột hàng ba (trong
sân nhà) hay ở trong nhà, nội dung có khác đôi chút. Câu trên dán bên tay phải
và câu dưới dán bên tay trái.
Một câu đối dán ở cổng
爆 竹
一 聲 除 舊 歲
桃 符 萬 户 惹 新 春
桃 符 萬 户 惹 新 春
Bộc trúc
nhất thanh trừ cựu tuế,
Đào phù vạn hộ nhạ tân xuân.
Đào phù vạn hộ nhạ tân xuân.
Dịch nghĩa:
Pháo tre một tiếng, xóa năm qua,
Bùa đào muôn nhà gọi xuân mới.
Bùa đào muôn nhà gọi xuân mới.
Câu đối dán trong sân nhà:
山 水
蜻 高 春 不 盡
神 仙 樂 趣 境 長 生
神 仙 樂 趣 境 長 生
Sơn thủy
thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh
Dịch nghĩa :
Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi
Thần tiên vui thú cảnh đời đời
Thần tiên vui thú cảnh đời đời
Câu đối dán trong nhà:
新 年
幸 福 平 安 進
春 日 榮 華 富 貴 來
春 日 榮 華 富 貴 來
Tân niên
hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
Xuân nhật vinh hoa phú quý lai
Dịch nghĩa:
Năm mới hạnh phúc bình an đến
Ngày Xuân vinh hoa phú quý về.
Ngày Xuân vinh hoa phú quý về.
Dĩ nhiên ngày nay câu đối viết chữ Hán
rất hiếm, vì ít người đọc, càng hiếm có người viết, cho nên chúng ta có những
câu đối chữ Việt, viết theo thư pháp.
Tân niên, hạnh phúc bình an tiến
Xuân nhật, vinh hoa phú quý lai
Xuân nhật, vinh hoa phú quý lai
Trong khi
đó, những bà nội trợ lo chuẩn bị bánh trái cho bà ngày Xuân như quếch bánh phồng,
gói bánh tét, làm bánh in, bánh men… Công việc ấy, sáng sớm ra nghe đầu trên,
xóm dưới quếch bánh phồng, loại bánh nầy chỉ cần có nếp và đường, nếp phải xôi
và đường phải thắng, xôi đỗ vào trong cối giả gạo, dùng chày để quếch cho xôi
nát nhuyển ra, trong khi quyếch, có người cho đường vào từ từ cho đến khi toàn
bộ xôi bị quếch nhuyễn thành bột nhão, người ta đem bột nhão nầy cán thành những
miếng tròn và mỏng, đặt trong manh đệm hay chiếc chiếu, rồi đem ra nắng phơi cho
khô, vì vậy sáng sớm phải quếch và cán để phơi nắng trong ngày cho khô, khi nướng
với lửa ngọn là rơm hoặc lá dừa, bánh sẽ phồng lên nên gọi là bánh phồng, ăn
không thể lấy no, đường cho vào khi quếch cân lượng vừa phải, ít bánh lạt, nhiều
bánh sẽ bị chai nên không phồng.
Gói bánh
Tét thì cần nếp với đậu xanh, để làm nhưn, nếu cần thì có thêm đậu đen nấu chín
trộn với nếp, muốn làm nhưn đậu ngọt thì phải trộn thêm đường vào khi nấu nhưn,
chuối sứ còn gọi là chuối lá Xiêm, muốn cho nhưn chuối được ngọt và khi nấu
chín có màu đỏ đẹp thì xẻ trái chuối bỏ vào đó một chút đường thẻ. Muốn cho
bánh tét béo, người ta trộn dừa nạo vào nếp, khi nấu chín, dừa nạo sẽ tan biến
đi không hề thấy xác (nhưng dùng dừa nạo bán trong các gói, ở các cửa hàng thực
phẩm của Mỹ, họ có thêm thuốc để giữ cho được lâu, loại nầy sẽ không tan trong
nếp), có người xào nếp với nước cốt dừa lon, bánh nấu mau chín hơn. Ở nhà quê
thường người ta gói bánh Tét cột chặc, làm như vậy nấu lâu chín, nếp bên trong
khô cứng, nhờ đó lâu thiu, có thể treo ở giàn bếp đến gần cuối tháng Giêng ăn vẫn
ngon, ngược lại gói bánh do siết lỏng tay, bánh nấu mau chín, nhưng cũng mau
thiu.
Do gói
nhiều bánh nên lâu, có khi đến quá trưa mới xong, vì vậy phải nấu bánh Tét với
nồi lớn, nấu lâu, có khi đến 1, 2 giờ sáng bánh mới chín, cho nên ở nhà quê thường
người ta đem ra sân nấu với những khúc củi to, người nấu phải canh chừng thêm củi,
thêm nước. Nhiều người rất thích thú khi nhìn thấy ánh lửa bập bùng, sống ở
thành phố, ở hải ngoại người ta hoài niệm về những lúc thức đêm canh nấu nồi
bánh tét.
Bánh in
thì cần bột nếp và đường trộn lại rồi đem rang cho bột chín, sau đó chờ bột nguội
ấn bột vào khuôn rồi gỏ cho bánh rớt ra, do đó có tên là bánh in.
Đó là những
thứ bánh thông dụng, dễ làm, cho nên vào những ngày Tết, đi từ nhà nọ sang nhà
kia, khách được mời gần như bánh giống nhau.
Có một
nét văn hóa trong ngày Tết, người ta thường nói: “Sống có nhà, thác có mồ”. Cho nên vào những ngày Tết, người sống
lo trang hoàng nhà cửa, người ta cũng không quên những người quá vãng, người ta
chăm lo dọn dẹp cây cỏ xung quanh những nấm mộ của ông bà, cha mẹ thân nhân của
mình. Nếu mả xây, người ta cọ rửa hay quét vôi, sơn mới, còn mộ chỉ là nấm đất
thì người ta dùng “cây chét”, dẩy bỏ những bụi cỏ trên nấm và xung quanh ngôi mộ
cho được khang trang, để tỏ lòng tôn kính người chết đã nằm dưới nấm mộ, trước
khi bắt đầu, người ta đốt nhang tưởng niệm và xin phép người đã khuất để được
khai hoang làm cỏ.
Người ta
khởi sự “làm cỏ mả” từ 23 tháng Chạp, cũng gọi là 23 Tết, ngày đưa ông Táo về
Trời và sớm chấm dứt trước ngày 28 Tết, vì từ ngày 28 Tết trở đi, những ngôi mả
nào không có ai làm cỏ, người ta cho là “nấm mồ hoang”, sẽ có người phát từ tâm
đi làm “cỏ thí” cho những nấm mồ hoang. Vì vậy, người ta sợ mồ mả ông bà mình
không tự đi làm sớm, để đến ngày 28 Tết trở đi, có người làm cỏ thí, mồ mả thân
nhân của mình sẽ bị mang tiếng mồ hoang, không có con cháu chăm sóc, như vậy sẽ
làm tủi thân cho người đã khuất.
Mỗi một
hành động có tánh cách truyền thống như thế, cũng như những bình nước miễn phí
đã xuất hiện ở Sàigòn từ nhừng năm gần đây, nó cũng là nết văn hóa của dân Miền
Tây, bên vệ đường có lu nước, có cái băng gỗ dài, khách qua đường dừng chân, tự
nhiên lấy cái gáo dở nấp lu múc nước uống, ngồi cái băng gỗ nghỉ chân hút điếu
thuốc, ăn miếng trầu.
Chúng ta
cần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa của chúng ta, nó toát lên tấm lòng nhân ái của
mọi người.
6-2-2015
No comments:
Post a Comment