Pages

Tuesday, October 17, 2017

Thầy tôi 3



Tốt nghiệp Tú Tài Kỹ thuật toàn phần, tôi lên Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật và theo học tại Đại Học Vạn Hạnh, có thêm một số giáo sư khác là Thầy tôi.

Theo học Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ thuật, tôi có học lại với thầy Phạm Văn Rao, Vũ Mộng Hà, Trần Thế Can, các Thầy đã dạy tôi năm Đệ nhất ở Trường Kỹ thuật Cao Thắng.

Ông Trần Lưu Cung, Giám Đốc Nha Kỹ thuật Học vụ kiêm Giám Đốc Trường Bách Khoa Trung Cấp, kiêm Giám Đốc Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Ban nầy được thành lập năm 1962, để đào tạo Giáo sư chuyên nghiệt Đệ nhị và Đệ nhứt cấp.

Ông Trần Lưu Cung, nghe nói ông là kỷ sư viễn thông, về nước vào thập niên 1950, do chủ trương ưu đãi nhân tài của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thời đó  có Nguyễn Được về nước được làm Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ, Trần Lưu Cung làm Phó Giám Đốc. Sau cách mạng 1963, Nguyễn Được làm Bộ Trưởng Giáo Dục trong chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Lưu Cung lên làm Giám Đốc từ đó.

Trần Lưu Cung có tài ăn nói, ông nói chuyện lưu loát. Ông có dạy chúng tôi Toán về Số Ảo. Về sau, ông Trần Lưu Cung làm Thứ trưởng Giáo dục, chánh phủ đó đỗ, ông mất chức đi làm chuyên viên Unessco ở Cote d’Ivoire, sau cùng ông nghỉ hưu an hưởng tuổi già ở Virginia.



Ông Trần Lưu Cung


Thầy Nguyễn Minh Hoàng, sau khi tốt nghiệp KT Cao Thắng được học bổng đi du học Hoa Kỳ, Thầy có bằng Master về dạy thực hành cho sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm ở xưởng Kỹ nghệ gỗ, lúc Thầy mới về nước, vẫn ở chung với cha mẹ trong chung cư ở gần Nhà Thờ Ba Chuông, Phú Nhuận, thầy thường gọi tôi tới nhà chơi, gặp bữa ăn cơm với gia đình Thầy, có khi Thầy đưa đi thăm ông Trần Quang Diệu, Bộ trưởng Y tế, có nhà ở làng Đại học Thủ Đức. 

Thầy Trần Minh Hoàng

Có lúc Thầy giữ chức vụ như là Quản Đốc Trường Đại Học Y Dược ở Chợ Lớn, Thầy có gọi tôi về làm việc với Thầy, tôi từ chối vì không thích hợp với nhành nghề mình đã chọn.

Sau khi Thầy về Nha Kỹ thuật làm Phó Giám Đốc, Thầy lại gọi tôi về làm việc với Thầy, điều hành một cơ sở cung cấp thiết bị, nhiên liệu cho các Trường kỹ thuật, tôi từ chối vì cơ quan đó nằm trong Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ thuật. Cuối cùng năm 1973, Thầy gọi tôi đi làm Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Gia Định, tôi cũng từ chối vì nơi đó là An Phú Đông, không được an ninh.

Năm đầu chúng tôi học Kỹ nghệ họa với thầy Trần Thế Can, năm sau chúng tôi học với thầy Nguyễn Năng Cường, cả 2 thầy đều là Kỷ sư Công nghệ, đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ về Kỹ nghệ họa rồi trở về phục vụ ở Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ thuật, thầy Can có vẻ nghiêm khắc trong khi thầy Cường dễ dãi, cởi mở hơn.

Học ở xưởng Máy Dụng Cụ với thầy Giáp, thầy rất dễ dãi với sinh viên, thầy lại mê đua ngựa, nên Thứ Bảy học với Thầy, khoảng 2, 3 giờ Thầy đã cho về, thay vì phải học tới 5 giờ, để thầy còn đi sang Trường đua Phú Thọ cạnh đó.

Chúng tôi có học Anh Văn với thầy Nguyễn Hoàng Trinh, thầy cũng đã tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Thầy dạy tận tâm, nhưng về sau Thầy ra hoạt động chánh trị ở đơn vị Tây Ninh, nghe nói đó là quê của Thầy.

Thầy Tôn Thất Tiêu, dạy chúng tôi về Khoa học ứng dụng, đó là những bài học để tính toán về sức bền của vật liệu. Nó rất cần thiết trong chế tạo máy.

Trong 2 năm học Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, tôi chịu ảnh hưởng phần nào của thầy Trần Thế Can về cách chấm bài, giảng bài cho học sinh, phần nghiên cứu sưu tầm tài liệu tôi chịu ảnh hưởng nơi thầy Nguyễn Năng Cường. Tuy nhiên, mỗi người sau khi hấp thu, vẫn giữ đức tính riêng của mình, nhờ vậy mới có sắc thái riêng của mỗi cá nhân.

Trong thời gian theo học Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, tôi lại ghi danh học thêm ở Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Đại Học Vạn Hạnh, tôi muốn nói một chút về Viện Đại Học nầy khi mới thành lập năm 1964 tại Sàigòn.

Thích Minh Châu (1918-2012)

Về tổ chức Viện có Thượng Tọa Thích Minh Châu, tiến sỹ văn học Pa-li, là Viện Trưởng, ông Hồ Hữu Tường, Cao học Toán ở Pháp, là Phó Viện Trưởng, ông Trần Quang Thuận nguyên là Đại Đức Trí Không, đệ tử Hòa Thượng Đôn Hậu, ông du học ở Anh Quốc, về nước lập gia đình với con gái cụ Tôn Thất Hối, nguyên Đại sứ VNCH tại Lào, ông Thuận là Tổng Thư Ký, trụ sở đặt tại chùa Pháp Hội.


Thượng Tọa Thích Thiên Ân, tiến sĩ văn chương Nhật, là khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, trụ sở đặt tại chùa Xá Lợi. Viện Cao Đẳng Phật Học trước đó thành lập ở chùa Pháp Hội trở thành Phân Khoa Phật Học.

Thích Thiên Ân - Đoàn Văn An (1926-1980)

Học tại đây, tôi muốn nói tới trước nhất là thầy Nguyễn Khắc Kham, thầy dạy Cổ văn, nhừng bài như Lục súc tranh công, Trê cóc …theo tài liệu được biết Thầy sinh năm 1908 tại Hà Nội, năm 1934 lấy bằng Cử nhân Văn chương và Cử nhân Luật ở Paris, năm tôi học là niên khóa 1964-1965, niên khóa kế Thầy không còn dạy nữa, ông Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, tác giả sách Lịch sử Nhật Bản, là Trưởng Phòng Học Vụ của Phân Khoa VH và KHNV cho biết Thầy Kham có vợ Nhật, nên hai ông bà về Nhật sống.

Ông bà Nguyễn Như Hùng, ông bà GS Lưu Khôn
Cô, Thầy Nguyễn Khắc Kham (1908-2007)

Người thầy kế là ông Hồ Hữu Tường, tác giả của Phi lạc sang Tàu, ông dạy môn Xã hội học, theo ông kể, năm 1945, ông kẹt ở Hà Nội, ẩn thân trên một căn gác xép nào đó đã sáng tác Phi lạc sang Tàu. Ông là người thông minh, con nhà nghèo, được người ta nuôi cho ăn học và du học ở Pháp, lấy bằng Cử nhân, trở về Việt Nam lại được trở sang Pháp học tiếp lấy bằng Cao học Toán. Năm đó, ông dạy thêm môn EOMIR, đây là chữ viết tắt tên môn học do ông phổ biến, là phương pháp học ít nhưng triễn khai ra hiểu được nhiều. Ông cũng nhờ Trần Mộng Nam dạy một lớp Hán Văn vở lòng, lớp học miễn phí ở tại chùa Ấn Quang.

Hồ Hữu Tường (1910-1980)

Ông Hồ Hữu Tường thuộc nhóm Đệ tứ cộng sản, ông không bị thủ tiêu như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Sau ông bị bắt ở Chánh Hưng trong cơ quan của Bình Xuyên, bị chánh phủ Ngô Đình Diệm đày ra Côn Đảo. Sau cách mạng 1963, ông được thả ra, về sau ứng cử làm Dân Biểu của Quốc Hội VNCH, nên sau 1975 bị đi cải tạo. Tại Trại Hàm Tân ông bị viêm gan, được tha về để điều trị, nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 5 giờ chiều ngày 26-6-1980, khi xe chở ông về gần tới nhà ở đường Trần Quang Khải, Sàigòn. Ông thọ 71 tuổi.

Người thầy kế là Giáo sư Nghiêm Thẩm. Sau khi tốt nghiệp Trung học ở Hà Nội, ông được gửi sang Pháp, học trường École du Louvre, Paris, ngành bảo tàng (de Muséologie). Về nước năm 1956. Đến năm 1961, ông được mời làm giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.

Năm 1964, ông được mời làm Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn và giáo sư tại Đại học Vạn Hạnh. ông dạy chúng tôi về Thẩm mỹ học.

Năm 1968, ông làm Quản thủ Viện Bảo tàng Sài Gòn.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Gs. Nghiêm Thẩm ở lại và tiếp tục là nhân viên giảng huấn như trước. Ông bị cướp sát hại tại nhà vào tháng 11 năm 1979. Ông là một nhà khoa học chân chính.

Nghiêm Thẩm (1920-1979)

Mấy năm trước, học ở Đệ nhị cấp, giáo sư Nguyễn Văn Kiết dạy chúng tôi môn Pháp văn, nay ông dạy chúng tôi bộ môn Triết học sử Tây Phương, chúng tôi bắt đầu làm quen với Socrates. Aristotle, Thales, Anaximenes …

Ông Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt, ông là một công chức cao cấp đã nghỉ hưu. Năm 1950, ông cùng với ông Phạm Ngọc Đa, Nguyễn Văn Lượng, đứng ra thành lập Hội Thông Thiên Học Việt Nam. Cùng năm nầy, ông và một số Phật tử thành lập Hội Phật Học Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Khánh Hưng, Hoà Hưng, Thầy Quảng Minh làm Hội trưởng, ông giữ chức Tổng Thư ký. Năm 1964, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập tại chùa Xá Lợi, ông là Phó Viện Trưởng, vài tháng sau ông từ chức vì bất đồng quan điểm.

Chánh Trí - Mai Thọ Truyền (1905-1973)

Ông Mai Thọ Truyền dạy chúng tôi về Tôn giáo học, có lúc ông giữ chức Tổng Thư Ký Viện Đại Học Vạn Hạnh, ông có ra ứng cử Phó Tổng Thống với Liên danh Trần Văn Hương, sau ông giữ chức Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa, ông mất ngày 17-4-1973, thọ 69 tuổi.

Thượng tọa Thích Nhất Hạnh, du học từ Mỹ về, dạy chúng tôi môn Tôn giáo tỷ giảo. Mặc dù trước kia chúng tôi có thấy Thượng Tọa ở trong chùa Ấn Quang, nhưng cho đến lúc đó mới được học với Thượng Tọa, về sau Thượng Tọa làm Cố vấn cho Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, chúng tôi có đôi lần họp chung với Thượng Tọa, hoặc dự lễ xuống tóc cho một sinh viên xuất gia, mỗi cử chỉ hành động của Thượng Tọa nhẹ nhàng, thanh thoát của bậc chân tu.

 Thích Nhất Hạnh (1926-20  )

Ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần dạy chúng tôi về Triết Đông, nhờ ông Cần chúng tôi biết rằng những ngôi mộ nằm trong vườn Tao Đàn, là những ngôi mộ thuộc vùng đất của chùa Khải Tường xưa, là mộ gia tộc của ông Cần. 

Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1907-1998)

Tôi nhớ xưa trong Bảo Tàng Viện có tượng Phật Thích Ca bằng gỗ, đặt ngay trung tâm Viện Bảo Tàng, đó là tượng Phật chùa Khải Tường, trong đường Tân Hóa ở Phú Lâm có ngôi chùa Từ Ân, ngày nay còn giữ cái bảng của chùa Quốc Ân Khải Tường Tự.


Chúng tôi có học với thầy Phan Hồng Lạc, chẳng những thầy dạy từ mà còn dạy cả văn phạm chi, hồ, dã, giả.

Chúng tôi có học với Tiến sĩ Lê Thành Trị, ông dạy chúng tôi về triết gia René Descarte, cho đến nay vẫn còn tồn đọng trong tôi câu chữ La tinh: “Cogito ergo sum” dịch từ câu Pháp văn: “Je pense, donc je suis”, dịch ra Anh văn: “I think, therefore I am”.

Sau 1975, chừng khoảng vài ba năm sau, một hôm chạy xe trên đường Kỳ Đồng, tôi thấy Thầy ngồi dưới đất bên cạnh một người bán thuốc lá, cạnh bên Thầy là cái giỏ bàng. Tôi xót xa tự hỏi: “Một ông tiến sĩ triết, ngồi ở vĩa hè làm chi ? Thầy tìm mua sách cũ, hay bán sách để mua gạo sống thời buổi củi quế gạo châu !” Gần đây tôi đọc bài, có người viết về triết gia Trần Đức Thảo ở chung cư Hà Nội, có hôm chạy xe đạp đi mua cũi về nấu ăn, cột bó cũi ở cái porte-bagares phía sau, về gần tới nhà, có người phát hiện không còn khúc cũi nào cả!

Những người học Triết ở Pháp như thầy Nguyễn Văn Kiết, Lê Thành Trị đều có mốt ăn mặc quần áo trắng, đi giày sandal, mang vớ.

Tôi có học Sử với giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, sau đó ông bị chánh phủ bắt. Vào ngày 19 tháng 3 năm 1965, bị tướng Nguyễn Chánh Thi tống xuất ra Bắc tại cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, cùng với Bác sĩ Phạm Văn Huyến, thân phụ của Luật sư Phạm Thị Thanh Vân tức là bà Ngô Bá Thành và nhà báo Phi Bằng tức Cao Minh Chiếm.

Tôn Thất Dương Kỵ (1914-1987)

Tôi bị gián đoạn việc học hành một thời gian vì ra trường năm 1966, đi dạy học ở Banmêthuột, rồi nhập ngũ theo khóa 27 Sĩ Quan Thủ Đức, cho đến năm 1970, tôi mới được thuyên chuyển về Sàigòn và tiếp tục học lại ở Đại học Vạn Hạnh, trường đã dời về 222 Trương Minh Giảng, Quận 3 Sàigòn.

Tôi đà học Triết Đông với giáo sư Nguyễn Đăng Thục, chúng tôi học nhiều năm với giáo sư, anh em bảo nhau với cụ Thục, chúng ta chỉ cần nhớ tới “Vạn vật đồng nhứt thể”, thầy là tác giả của bộ Triết học Đông Phương gồm có 5 tập, Tư tưởng Việt NamThiền học Việt Nam là sách gối đầu giường của chúng tôi.

Nguyễn Đăng Thục (1909-1999)

Năm 1999, tôi sang San Jose California, vào chùa Đức Viên, tôi thấy có tờ báo ai đó vứt bỏ trong sân chùa, có đăng tin giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã từ trần ở Sàigòn, Việt Nam, hưởng thọ 91 tuổi.

Sau khi Thượng Tọa Thích Thiên Ân sang Mỹ dạy học trong chương trình trao đổi giáo sư, cụ Nguyễn Đăng Thục giữ chức khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân Văn của Đại học Vạn Hạnh.

Về Triết Tây, chúng tôi học với giáo sư Lê Tôn Nghiêm (1926-    ), ông nguyên là Linh mục, ông dạy chúng tôi về Lịch sử Triết học Tây phương, là một giáo sư học rộng, hiểu sâu, dạy cho sinh viên dễ tiếp thu môn học khô khan nầy.

Tôi có học với Tiến sĩ Trần Cửu Chấn, ông dạy chúng tôi về Văn chương Việt Nam, giáo sư Chấn tốt nghiệp Tiến sĩ Văn chương Pháp.

Chúng tôi có học với giáo sư Bửu Cầm, ông dạy chúng tôi về tác phẩm Ngọa Long Cương của Đào Duy Từ, ông viết chữ Nôm, mỗi tuần học mấy câu, nhờ đó chúng tôi biết được thêm chút ít chữ Nôm.

Bửu Cầm (1920-2010)

Chúng tôi có học Hán Văn với giáo sư Nguyễn Hoạt, giỏi Hán Văn, có bằng Tú Tài Pháp, ông dạy chúng tôi về Quân Trung Từ Mệnh Tập. Nguyễn Hoạt bút hiệu Hiếu Chân, sinh ngày 4 tháng 5 năm 1919 tại Hà Nội. Ký giả, nhà văn, biên tập viên Nhật báo Tự Do, Sàigòn. Năm 1984, ông bị bắt và mất trong Phòng 11, khu ED khám Chí Hòa, Sàigòn ngày 6 tháng 3 năm 1986.  Nguyễn Hoạt hoạt động chánh trị thuộc Quốc Dân Đảng.

Hiếu Chân - Nguyễn Hoạt (1919-1086)

Chúng tôi có học với giáo sư Trần Đức Rật về Hán Văn, tư gia của giáo sư nằm trên đường Công Lý, gần chùa Vĩnh Nghiêm, trong nhà có máy in nhỏ, lâu ngày tôi đã quên nhà in ấy tên chi.

Chúng tôi cũng có học với giáo sư Huỳnh Minh Đức về Hán Văn, hình như giáo sư Đức là trẻ nhất trong số các giáo sư dạy Hán văn cho chúng tôi.

Gs Huỳnh Minh Đức

Chúng tôi học Bạch thoại với giáo sư Trần Trọng San, ông sinh ngày 29 tháng 10 năm 1930 tại Hà Nam. Mất ngày 17 tháng 8 năm 1998 tại Toronto, Canada. Ông có tác phẩm Việt Văn Độc BảnThơ Đường làm nên tên tuổi, vì quyển sách đầu dùng học trong chương trình thi Tú Tài 1, còn tập Thơ Đường trích dẫn nhiều bài thơ hay. Giáo sư San dạy chúng tôi dịch những bản văn Bạch Thoại ra Việt ngữ.

Chúng tôi có học Đàm Thoại với giáo sư Khưu Thị Huệ, chồng của bà là Hiệu Trưởng Trường Thái Bình Dương ở Singapour. Giáo sư Huệ dạy ngày nay tôi còn nhớ: Xè xè nị: Cám ơn anh (chị). Tố xạo xẻn ? Bao nhiêu tiền ? Lớp học của giáo sư Huệ khá vui và rất linh động.

Chúng tôi có học với giáo sư Nguyễn Sung về môn Ngữ Học, sau năm 1963 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có xuất bản 2 tờ nhật báo, giáo sư Nguyễn Sung là chủ nhiệm của một trong hai tờ báo nầy.

Gs Nguyễn Sung

Chúng tôi có học với giáo sư Nguyễn Quốc Thắng, ông dạy chúng tôi về Thi ca Việt Nam, giáo sư Thắng lúc đó còn trẻ, người gầy ốm, thuộc nhiều thơ của các thi sĩ đương thời, hình như lúc đó giáo sư cũng dạy ở Đại học Cần Thơ.

Giáo sư Kim, tôi rất tiếc đã quên họ của giáo sư, thân phụ của giáo sư trước kia làm ở Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Thái Lan, giáo sư du học ở Đài Loan, sau khi tốt nghiệp Sư Phạm bậc Cao Trung, giáo sư sang Mỹ lấy bằng Master về Văn chương, rồi trở về Việt Nam dạy học. Giáo sư Kim dạy về môn Văn chương Anh Mỹ, trích dẫn thơ của các thi sĩ Mỹ dạy chúng tôi. Gặp chúng tôi ở ngoài đường giáo sư thích nói tiếng Anh. Nghe đâu sau 1975, nhà cầm quyền cấm người Việt giao thiệp với người nước ngoài, nhưng giáo sư lại trò chuyện với người Mỹ, nên bị công anh Quận 10 mời về trụ sở làm việc.

Gs Kim

Chúng tôi có học với giáo sư Vũ Khắc Khoan, ông có học y khoa, nhưng về sau chuyển trường, tốt nghiệp kỷ sư canh nông, là giáo sư dạy về môn Phê bình văn học, ông có nghệ sĩ tính hơn là nhà mô phạm. Ông có tác phẩm Thần Tháp Rùa, Ngộ nhận và những vở kịch, để lại tên tuổi trên văn đàn Việt Nam.

Vũ Khắc Khoan (1917-1986)

Chúng tôi có học với giáo sư Nguyễn Sỹ Tế, ông tốt nghiệp Luật khoa Hà Nội, vào Nam từng làm phụ giảng cho giáo sư Vũ Văn Mẫu ở Luật khoa Đại học đường Sàigòn. Ông làm Hiệu Trưởng Trung học Tư thục Trường Sơn, ở góc đường ồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt, từ năm 1958. Vào thập niên 1960, trường nầy danh tiếng về luyện thi Tú Tài với những giáo sư Cù An Hưng, Vũ Mộng Hà …Giáo sư Nguyễn Sỹ Tế, đúng là nhà mô phạm, khi đi dạy, ông soạn bài và giảng bài rất cẩn thận. Ông bị ở tù cộng sản trong 11 năm từ 1976-1987.

Nguyễn Sỹ Tế (1922-2005)

Chúng tôi có học với giáo sư Doãn Quốc Sỹ, ông là nhà văn nổi tiếng vào đầu thập niên 1960 với tác phẩm Dòng Sông Định Mệnh, ông có du học ở Mỹ về ngành giáo dục, về nước ông dạy ở Đại học Văn khoa Sàigòn, Đại học Vạn Hạnh. Ông dạy chúng tôi về môn Văn học Việt Nam. Ông cũng bị tù cộng sản trong 14 năm thuộc danh sách “Biệt kích văn hóa”. Sau khi ra tù, ông được di cư sang Hoa Kỳ từ năm 1995, định cư ở Houston, Texas.

Doãn Quốc Sỹ (1923-    )

Chúng tôi có học với giáo sư Thuần Phong Ngô Văn Phát, ông sinh tại Bạc Liêu, mất tại Sàigòn, ông là nhà văn, còn có bút hiệu là Tố Phang, ông dạy chúng tôi về Văn chương Bình Dân Việt Nam, ông có bằng Cán sự Điền Địa, làm Trưởng phòng Họa Đồ của Tòa Đô Chánh Sàigòn. Trước 1975, ông là người đặt tênn ầu hết các đường ở thành phố Sàigòn, sau khi Pháp trao trả độc lập cho miền Nam năm 1954. Ông là tác giả Ca dao giảng luận, Chinh phụ ngâm khúc giảng luận ….

Thuần Phong - Ngô Văn Phát (1910-1983)

Chúng tôi có học với Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Vinh, ông dạy chúng tôi về kiến trúc Phật Giáo, nhờ đó chúng tôi biết được những đặc điểm của Mỹ thuật Phật Giáo Việt Nam.

KTS Nguyễn Hữu Vinh

Đó là những vị Thầy của tôi từ lớp vở lòng cho đến Đại Học, chắc còn một số giáo sư Trung học đã bị thiếu sót trong bài nầy, cũng như vài vị giáo sư Đại học. Nhờ có Thầy, Cô tôi mới có kiến thức, tay nghề để mưu sinh.

Ngày nay, ở Việt Nam có ngày nhà giáo 20-11 mỗi năm, để học trò có dịp bày tỏ sự biết ơn Thầy, Cô giáo. Còn ngày xưa phong tục ta có: Mồng một ngày cha, mồng hai ngày mẹ, mồng ba ngày Thầy. Cho nên chúng ta đã thành danh hay thành nhân, luôn luôn phải nhớ ơn Thầy.

GS Ngô Văn Phát, Nguyễn Sung, Gs. Kim, Nguyễn Đăng Thục, Doãn Quốc Sỹ, Huỳnh Minh Đức
Hàng đứng Hh Ái Tông, Lý Trường Quang, Bùi Văn Sớm, Nguyễn Văn Trung, ...Mai, .. Bích Vân, gia chủ thân phụ của Quang, KTS Vinh
(Ảnh năm 1973)

866427092017



No comments:

Post a Comment