Pages

Tuesday, October 30, 2018

Đi như không


 Trung tâm Thị trấn Sapa nhìn từ điểm tham quan trên núi Hàm Rồng

Nhiều người đi du lịch Tây Bắc muốn được nhìn thấy phong cảnh hoang sơ, mây bay lờ lững che phủ núi rừng, cảnh ấy không gì hơn là đi Sapa thuộc tỉnh Lào Cai. Từ lâu, tôi muốn đi Sapa nhưng chưa có dịp thuận tiện. Năm ngoái con rể tôi hẹn: “Sang năm cha mẹ về đi Sapa chơi.” Cho nên năm nay về thăm nhà, chúng tôi đi Sapa với cháu ngoại.

Bản đồ du lịch Sapa

Việc đi Sapa, quyết định xong thì hôm sau chúng tôi chúng tôi lên đường, Công việc lấy vé máy bay, con rể tôi lo, còn ra Hà Nội ở khách sạn, đi tour do bạn của con rể tôi ở Hà Nội lo liệu.


Lần đầu năm 2011, con rể tôi ra Hà Nội do có người mời để góp ý xây dựng vườn cảnh cho một nhà hàng hay cơ sở thương mại ở khu trước mặt sân Mỹ Đình. Do đó, tôi được ăn theo, lần đó chúng tôi đi 3 ngày, tranh thủ đi tham quan Vịnh Hạ Long 1 ngày.  

Năm 2017, nhà tôi và tôi được con rể tôi tổ chức cho đi du lịch Vịnh Hạ Long, vài thắng cảnh ở Ninh Bình như viếng chùa Bái Đính, tham quan đền thờ vưa Đinh, vua Lê.

Năm nay đi Sapa, chúng tôi lên máy bay Vietnam Airlines ở Sàigòn lúc 13:50, đến Nội Bài khoảng 4:30, có người đón lên Taxi, xe về tới Hà Nội phố xá đã lên đèn, gặp phải anh tài xế không rành đường Hà Nội, anh chạy quanh co để tìm đường Hàng Vôi đến khoảng hơn 7 giờ tối, chúng tôi mới đến khách sạn Eclipse tại 36 phố Hàng Vôi.

Sau khi nhận khách sạn, thay vì đi bộ dọc theo bờ Hồ Gươm để đến nhà hàng chay Ưu Đàm. Vì cảm thấy mệt, nên chúng tôi lấy Taxi đi. Năm trước chúng tôi đã đến đây một lần rồi, năm nay người quen đặt bàn cho chúng tôi, cho biết cách xa khách sạn chừng 2 km tại 34 phố Hàng Bài, nhưng không nói tên nhà hàng, tôi yêu cầu hủy bỏ chuyện đặt bàn ở nhà hàng. Khi đến nơi, mới biết địa chỉ người ta đặt nhà hàng và chúng tôi chọn đi ăn ở Ưu Đàm chỉ là một.


Chúng tôi chọn ăn Lẩu chua cay, cơm rang trái thơm và nem vuông. Lẩu dọn ra với dĩa rau trông đẹp mắt, ăn cùng vừa miệng, còn nem vuông và cơm trái thơm cũng giống như thức ăn ở Hum tại Sàigòn nhưng không ngon bằng.


Sau khi dùng bữa xong, chúng tôi lấy Taxi đi đến phố Huế để mua áo lạnh cho cậu cháu ngoại, vì mẹ cháu chuẩn bị áo lạnh, nhưng quên xếp vào valise, nên đã gọi điện thoại, yêu cầu chúng tôi ra tới Hà Nội mua cho cháu áo lạnh, phòng khi lên Sapa bị lạnh có áo lạnh mặc cho đủ ấm.

Biết ở Hàng Đào buổi tối có bán áo lạnh, nhưng cậu phục vụ quán Ưu Đàm cho biết ở phố Huế cũng có bán, còn Hàng Đào bán cho du khách, giá cả đắt hơn ở phố Huế. Gọi Taxi, ông Taxi chở đi cho biết đến Trần Nhân Tông cũng có nhiều cửa hàng và cũng gần Phố Huế. Sau khi cậu cháu ngoại mua tạm chiếc áo lạnh, chúng tôi gọi xe Taxi về khách sạn nghỉ ngơi, vì ai cũng cảm thấy mệt, không muốn đi dạo ở Bờ Hồ.

Trong khi dùng điểm tâm, chưa đến 7 giờ đã có xe đến rước đi Sapa, thế là chúng tôi vội ra xe, nhà tôi bỏ quên tại phòng ăn 2 cái nón. Xe Limousine 9 chỗ ngồi, rước khách đến nơi tập trung trên đường Lương Ngọc Quyến, gần ngã ba Mã Mây. Cho đến 8 giờ, còn thiếu 1 người khách, nhưng tài xế không đợi thêm, cho xe lăn bánh, nên người khách phải dùng xe ôm chạy đuổi theo, trên xe có 2 cô bạn dùng đìện thoại hướng dẫn cho cô kia chạy theo, khoảng hơn 5 phút sau mới bắt kịp, thế là trên xe có 8 hành khách và 1 cháu bé gái tuổi chừng lên 3.

Xe chạy trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, dọc đường có dừng ở 2 trạm, một trạm ở Phú Thọ và một trạm ở Cốc San sau khi rời cao tốc. Tôi ngồi ghế bên phía tay phải của tài xế, nhìn cảnh vật không có chi đẹp mắt, thỉnh thoảng mới thấy khóm nhà ngói đỏ hay lợp tôn, chắc đó là khu chợ búa ở tỉnh lẻ, làm cho tôi nhớ năm ngoái đi tham quan Động Phong Nha, xe chạy một đoạn trên Quốc Lộ 1A rồi đoạn khác trên đường Hồ Chí Minh, là đường mòn Hồ Chí Minh thời chiến tranh,  nên không có phong cảnh nào đẹp.

Tại điểm dừng nghỉ Tuấn Tú thuộc tỉnh Phú Thọ

Sau khi xuống cao tốc, có một đường đi tới Lào Cai và một đường đi Sapa, cách cao tốc chừng 4 cây số ngàn, xe ngừng tại điểm dừng tại xã Cốc San, Huyện Bát Xát. Sau đó xe vào đoạn đường đèo quanh co, khúc khuỷu, khách ngồi trên xr cứ bị lượn qua, lượn lại xe chạy rất nguy hiểm, vậy mà tài xế lại cứ phải vượt qua những chiếc xe lớn vì chúng chạy chậm chạp khi qua đèo.

Hai bà cháu

Tưởng cũng nên nói qua Sapa. Là một huyện của tỉnh Lào Cai, tỉnh phía Bắc của Việt Nam, thường được gọi là vùng Tây Bắc. Sapa có độ cao từ 1500 đến 1800 thước, nhiệt độ từ 15 đến 18 độ C, từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều.

Sapa nguyên thủy là tiếng Quan Thoại Sa Pá, Sa là cát, Pá là bãi, tức là chỉ cho bãi cát. Địa danh nầy nằm bên tay phải của cây cầu 32km đường đi từ Lào Cai vào huyện lỵ Sapa. Ngày xưa người dân tộc họp chợ tại đây, nên nó nổi tiếng từ đó. Khi người Pháp đến họ viết theo phát âm là Chapa, sau người Việt chúng ta gọi là Sapa.

Sapa có 6 sắc dân cư ngụ là người Kinh, H’mông, Dao đỏ, Tày, Giấy, Xá Phó.

Thị trấn Sapa nhìn từ điểm du lịch trên Núi Hàm Rồng

Xe đưa 3 chúng tôi tại khách sạn Golden Villa Hotel, tại 75 Thạch Sơn. Nhìn đồng hồ đã hơn 1 giờ. Sau khi nhận phòng xong, chúng tôi xuống phòng ăn dùng bữa trưa, có món đậu hủ nướng trên chảo gang, đọt su xào tỏi, canh bí đỏ nấu với su và món dưa leo với nấm xào. Nói chung ngày nào cũng ăn 4 món, tráng miệng hoặc dưa hấu hoặc chuối già, trái nhỏ có mùi thơm như chuối ở Đà Lạt.

Ăn xong, chúng tôi lên phòng nghỉ, đến 2 giờ xuống phòng lễ tân để đi tham quan bản làng Cát Cát của người H’mông. Tham quan chiều nay, khách chỉ có 4 người, gia đình chúng tôi 3, thêm anh Minh làm ở Tổng công ty Mobifone ở Sàigòn, ra Hà Nội họp, nhân tiện lấy Tour Sapa 2 ngày 1 đêm, chúng tôi bị ghép Tour, anh Minh cho biết hôm qua đã đi Fansipan, bị mưa tầm tả, nên không thấy phong cảnh chi cả.

Hôm nay chúng tôi đi có anh Nội là Hướng dẫn viên, anh là người Mường, trước từng ở Hà Nội, sau mới về đây.

Cát Cát cách trung tâm thị trấn Sapa không xa, có xe đưa chúng tôi đi, trời đã mưa từ khi chúng tôi tới phố thị nầy, nên khi ra đi chúng tôi đã mặc áo đi mưa, nhà tôi xách theo cây dù mua ở điểm dừng nghỉ Cốc San.

Vì mưa nặng hột, nên chúng tôi không thể đi tham quan, vào một quán nước ngồi nghỉ, phía sau quán nước có dựng một vọng cảnh, phần trên không mái che,trừ thang gác bằng sắt có bậc sắt và có tay vịn, chung quanh có lan can cũng bằng sắt, nói chung rất kiên cố, để khách tham quan đứng trên đó, nhìn xuống phong cảnh ở bản làng Cát Cát của người H’mông, nơi đó có suối, có thác nước, có nhà truyền thống, có nhà trưng bày những dụng cụ thô sơ của họ, Thấy người ta lên đó tham quan, chụp ảnh, gia đình chúng tôi cũng lên theo.

Trời mưa nên không thể nhìn rõ, nhưng thấy có nhà, có nơi để cái gùi và cây Khèn tượng trưng cho bản làng của người H’mông. Sau tôi đoán, cái vọng cảnh đó chắc là của công ty du lịch xây dựng để phục vụ khách tham quan.

Từ Vọng cảnh nhìn xuống bản Cát Cát

Khi trời bớt mưa, chúng tôi mới đi theo con đường dẫn tới Cát Cát, con đường đó là những bậc thang ghép lại từ những viên đá nên lớn nhỏ khác nhau và những bậc thang cao thấp không cùng kích cở.

Chúng tôi không leo lên nơi chưng bày đặc trưng người H’mông là cái gùi, để người phụ nữ mang trên lưng, đựng nông phẩm như bắp, lúa hay rau quả, còn cây kèn Thèng nam giới dùng để chơi nhạc với Trống, với Chiêng. Chúng tôi chỉ đứng ở dưới đường đi và nhờ Hướng dẫn viên chụp ảnh.

Biểu tượng người dân tộc cái Gùi, cái Thèng (màu vàng)

Trên đường đi xuống suối, chúng tôi ghé tham quan nhà truyền thống của người H’mông, nhà họ cất thấp vì người họ thấp, những người khoảng 1,5 thước trở lên đi vào nhà họ phải cúi đầy chui qua đà ngang, vì nhà tối nên tôi bị đụng đầu mặc dầu đã cúi xuống rồi. Nhà có 3 cửa, khách vào từ 2 cửa hông, còn chủ nhà mới dùng cửa cái để cúng kiếng. Nhà lợp bằng gỗ, khi nắng gỗ vên lên, nhưng khi mưa gỗ nở ra, che kín nuớc mưa, nhà luôn có gát để chứa những nông sản như bắp, lúa.

Trong căn nhà chúng tôi vào thăm, chủ nhà có treo những miếng thổ cẩm để bán, bà chủ nhà thấy chúng tôi vào thăm, nên từ đâu đó trở về nhà mời chúng tôi mua vải thổ cẩm, bà ta có chỉ cho thấy khung dệt và một khúc để dệt tay.

Người đàn bà chủ nhà bên khung dệt.

Chúng tôi có vào khu chợ được xây cất để trú mưa, nay khu chợ bị bỏ hoang. Sau đó nhà tôi không thể đi thêm vì phải dầm mưa, nên đi xe ôm ra chỗ bãi đậu xe chờ. 



Điểm kế tiếp chúng tôi tham quan là một ngôi nhà, trong đó người ta trưng bày những vật dụng như cối xay lúa, cối xay bột, khung dệt vải, trống lớn, chiêng cái, bàn thờ, bếp nấu ăn, có 2 cái gác nhưng để bảng yêu cầu đừng lên thang, dưới mái nhà treo những trái bắp khô.

Cối xay lúa, xay bột, cầu thang lên gác

 Bàn thờ (sau lưng nhà tôi) khung dệt, cái ách cho trâu kéo cày, thang gác, bắp, lúa treo trên mái nhà

Tại bếp ăn có 2 con mèo và có cái nồi đang ngâm gạo, anh Hướng dẫn viên Nội cho biết, chủ nhà phải ngâm gạo trước khi nấu cơm. Có nghĩa là ngôi nhà đó chủ nhà đang sử dụng ăn, ở. Họ đi ra ngoài buôn bán hay đi lên rừng hoặc ra đám ruộng lúa.



Chúng tôi tiếp tục đi đến vườn hoa, nhưng không vào vì chẳng có kỳ hoa, dị thảo. Chỉ đứng phía ngoài chụp ảnh.


Tiếp tục chúng tôi đi tới nơi hội tụ của 3 giòng chảy, gồm có thác Cát Cát, một dòng Suối Vàng, xưa kia người Pháp dùng làm Thủy điện và một dòng Suối Hoa, nơi nầy như một cái thác có bề ngang chừng 10 thước, nước tràn từ trên xuống chừng 2 thước, cách lối đi chừng 7 hay 8 thước.
Thác Cát Cát

Nơi làm nhà máy thủy điện, nay dùng làm nơi trình diễn văn nghệ, khi chúng tôi vào nhìn thấy trên sân khấu, có nam nữ mặc sắc phục dân tộc, đang trình diễn vũ khúc, sau đó họ nhảy sạp có một nữ khán giả bế con lên nhảy 2 lần rồi chấm dứt buổi trình diễn, bên dưới sân khấu là những chiếc bàn cao cẳng dành cho khan giả ngồi lên đó xem trình diễn. Các buổi trình diễn phục vụ khách du lịch nên không có thu phí.


Sau khi xem trình diễn, chúng tôi theo con đường lát gạch, cuối đường là chiếc cầu treo Cát Cát, qua khỏi cầu chúng tôi đến bãi đậu xe, nhà tôi ngồi đợi ở quán nước cạnh đường. Chúng tôi gặp nhau rồi lên xe trở về khách sạn.

Sau khi ăn cơm tối xong, mặc dù trời không còn mưa, nhưng đường ướt át, tôi và thằng cháu ngoại đi tham quan Chợ Đêm Sapa.


Thị trấn Sapa có một cái hồ tên là Hồ Mắt Ngọc, chung quanh hồ là con đường, nhà cửa phố xá khang trang, ở đầu hồ phố xá nhộn nhịp vì gần trung tâm thị trấn, đầu kia hồ đất vẫn thấp ngang mặt hồ có sân quần vợt và bãi đậu xe tải, hai phần ngăn cách bằng con đường xe ô tô, nhưng đang ngăn lưu thông để cải tiến. Cuối hồ, ngăn cách một con đường là chợ Sapa, bên hông chợ, ban đêm có tổ chức chợ đêm một đọn dài chừng 7, 8 chục mét, giữa có lối đi, hai bên là những gian hàng ăn uống, bán áo quần, đồ trang sức. Có phải vì buổi chiều mưa, nên tối ít du khách tham quan hoặc giả giờ đó còn sớm, nhưng tôi có so sách Chợ Đêm Sapa không nhộn nhịp bằng Chợ Đêm Dương Đông ở Phú Quốc.

Sáng hôm sau Thứ Bảy 27-10-2018, trời đang mưa nhẹ hột, chúng tôi mặc áo mưa, tôi mượn thêm cây dù của khách sạn để đi tham quan Hàm Rồng, nó cách khách sạn không xa chỉ tầm 200 mét (người miền Bắc thường dùng danh từ tầm, trong nam dùng là khoảng) nên chúng tôi được Hướng dẫn viên đưa tới Nhà thờ đá, trước nhà thờ là quảng trường rộng, chung quanh có BB Hotel Sapa, Sun Plaza Sapa, bên tay phải có vườn hoa nhỏ, có xây một cái tháp tứ giác, cao khoảng chừng hơn 2 thước, rêu phong cổ kính chắc có từ lâu, quanh đó có vài phiến đá lớn như hòn giả sơn cao chừng hơn 1 mét. Nhiều người dân tộc ngồi bán những chum phong lan rừng, mật ong, rễ, lá thuốc dân tộc và một ít nông sản.
Quảng trường trước Nhà Thờ Đá, nơi họp Chợ Tình tối Thứ Bảy hàng tuần

Nhà thờ đá được xây dựng lần đầu năm 1926, sau vài lần xây cất trùng tu, nó có tên chánh thức là Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi.

Nha Thờ Đá

Bên tay phải của nhà thờ, có con đường dẫn lên khu du lịch Hàm rồng, con đường nầy xây với đá tảng nên cao thắp, dài ngắn từng bậc không đều nhau, nhà tôi chỉ đi một đoạn ngắn chừng 20 bậc thang rồi vào quán ngồi nghỉ chân, còn chúng tôi đi tiếp, trời vẫn mưa, trước tiên chúng tôi đến Vườn Lan, nơi đây có chỗ để nhìn xuống hồ và trung tâm thị trấn Sapa, nhưng do trời mưa, sương mù dày đặc, nên chỉ thấy vài ngôi nhà gần đó mà thôi. 


Sau khi rời khu Vườn Lan, chúng tôi đi tới Khu Vườn hoa 12 con giáp, mỗi nơi có tượng đắp 1 con giáp. Con đầu tiên chúng tôi thấy là con Dê, vì trời mưa, sương mù nên nhìn kỷ mới thấy.


Kế đến là con Rồng.


Tiếp theo là con Ngựa


Những cô gái người Kinh, ở Hà Nội hay nơi khác đến đây tham quan, thuê y phục của người dân tộc, để chụp ảnh lưu niệm hình ảnh những cô gái sắc tộc bản địa.


Có một lối đi vào Cổng Trời 1, tôi chụp ảnh lưu niệm, nhưng không đi lối đó.


Lại đi lối Cổng trời 2 


Phải đi qua một khe đá, lại phải chui qua một ngách đá khác. Thằng cháu ngoại ít chụp ảnh, nhưng cũng chụp một tấm cho vui lòng ông nó.


Sau khi chui qua ngách đá và một khe đá nhỏ hẹp, chúng tôi đi đến Sân Mây



Điểm cuối cùng là Sân Mây. Đó là đài cao, có mặt bằng mỗi cạnh chừng 3 thước, xây dựng bằng những thanh kim loại ống tráng kẽm, có tiết diện vuông, có thang lên và thang xuống, có lan cang chung quanh, không có mái che, sàn là tấm kim loại.


Vì trời mưa nên không thể nhìn xuống thị trấn Sapa, gọi là Sân mây vì trong những ngày nắng ráo, từ đây nhìn xuống thung lũng, người ta thấy mây bay lãng đãng, nơi đây cao tầm 1,300 thước so với mặt nước biển. Gọi núi Hàm Rồng do nơi đây núi có dạng hình đầu con rồng, phía Nam điểm cao nhất là 1,450 thước, phía Bắc đỉnh cao nhất là 1,850 thước. Nhiệt độ trung bình 15-18 độ Celsius (chừng 50-64 độ Fahrenheit).
Núi Hàm ồng

Xuống núi trời vẫn mưa, chúng tôi gồm 3 gia đình lấy xe Taxi về khách sạn. Trong số nầy có một gia đình người chồng làm việc cho 1 công ty xây dựng, anh ta đang ở Sàigòn, còn vợ con đang sống ở Hà Nội, có cô con gái lên 9 đang học lớp Tư tên cháu là San, thích chúng tôi nên lúc xuống núi bỏ cha mẹ theo chúng tôi, San có em trai khoảng 3 tuổi tên Trí.

Còn gia đình kia có 2 mẹ con, cô con gái chừng lên 7. Lúc ở phòng lễ tân tại khách sạn chờ đi tham quan, nhà tôi ngồi ngay tại đầu ghế dài, hai mẹ con tới, người mẹ bảo nhà tôi dời vào trong cho cháu bé ngồi, mặc dù bên trong có lối đi vào rất rộng và có thể ngồi them chừng 4 người nữa, nhưng chưa có ai ngồi, đáng lẽ ra người mẹ phải dẫn con mình vào trong ngồi. Cô ta lại trịch thượng bảo nhà tôi dời chỗ cho con bé ngồi. Nhà tôi cũng nhường chỗ, nhưng sau đó không hài lòng, cằn nhằn với tôi con người đó vô phép, không lịch sự, không biết tôn trọng người lớn tuổi.

Khi dùng cơm trưa, bàn ăn của chúng tôi và mẹ con cháu bé ngồi ngang nhau, phần ăn chúng tôi có một dĩa đậu phụng chiên dầu, cháu bé có lẽ ăn xong, lại chạy tới lui gần bàn ăn chúng tôi, tôi nghĩ chắc cháu thích ăn đậu phụng nên hỏi:

- Cháu có thích ăn không ?

Cháu không trả lời mà gât đầu, tôi bảo cháu đưa cho tôi cái chén. Lúc đó mẹ cháu lau cái dĩa rồi đưa cho cháu, tôi sớt phân nửa chừng 3, 4 muỗng canh cho cháu. Tôi nghĩ mẹ cháu buổi sáng làm thế, cháu đâu có làm chi, cháu muốn ăn, cho cháu để trẻ con được vui.

Buổi chiều gia đình cháu San và chúng tôi được tài xế đưa đi đến nhà ga, tài xế lấy vé đi cáp treo lên ngọn Fansipan, giá vé là 700 ngàn cho người lớn. Lên tới trạm Đến phải mua vé xe điện để đi lên đến đỉnh, nếu không muốn đi xe điện thì phải leo 600 bậc thang. Phí đi lên là 70 ngàn, nhưng khứ hồi là 150 ngàn. Tôi cứ thắc mắc đi lên khó khăn giá 70 ngàn, đi xuống dễ dàng tại sao lại 80 ngàn ? Tôi thật tình không lý giải được thắc mắc nầy.

Nhà tôi xem đồng hồ, thời gian đi cáp treo là 20 phút, đôi chỗ có trụ dây cáp thấy lờ mờ bên dưới, còn những chỗ khác chỉ có sương mù dày đặc, không thấy cỏ cây, cảnh vật chi cả. Cabin khá rộng, ở giữa có 3 băng ghế mỗi băng ngồi 3 người, chung quanh có 3 băng ghế, mỗi băng ngồi được chừng 8 người. Vị chi cabin chứa khoảng 30 người. Không biết tại Việt Nam có cắp treo nào lớn hơn không ? 


Tại ga đến của tháp treo có cái cổng tam quan rộng lớn có hàng chữ Thanh Vân Đắc Lộ.


Tại đây có ngôi chùa gọi là chùa Hạ, có tên là Bích Vân Thiền tự, trước chùa có đại hồng chung và tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá cẩm thạch trắng.

Trong chùa có tượng của một thiền sư, mặc áo nâu sòng ngồi tỉnh tọa trên chiếu, mặt xoay vào Đại Hùng Bảo Điện, trong thờ nhiều cấp tượng Phật, cấp sau cùng trên cao có thờ Tam Thế Phật. Ba gian thờ Phật sơn son thếp vàng trông rất huy hoàng tráng lệ trang nghiêm và thanh tịnh. Lại có tiếng luôn luôn niệm Phật từ máy phát âm vừa đủ nghe, tạo không gian trang nghiêm, đạo vị.


Trước chùa có một cái tháp tứ giác từ dưới nền xây lên rất cao, để treo một Đại hồng chung cho được ngang bằng với chùa.


Sau đó đến ga xe điện để lên đỉnh Fansipan, tại ga xe điện có anh bộ đội, âm thầm len lỏi để ra phía trước, đứng sát cửa để được vào xe điện trước người khác, hình như anh ta cũng như nhiều người Việt Nam khác, thiếu văn hóa xếp hàng theo thứ tự, không có lòng tự trọng, lại lần nữa nhà tôi cằn nhằn khi gặp phải trường hợp có người thiếu văn hóa, không có lòng tự trọng. Cái nầy phải được giáo dục từ nhỏ ở trường lớp và phải tự học ở trường đời nơi ngoài xã hội, khi tiếp xúc với thế giới văn minh, để chứng tỏ rằng người Việt Nam ta có văn hóa, biết phép lịch sự.

Rời khỏi xe điện, phải leo thêm 40 bậc thang mới đến đỉnh Fansipan, nơi đây có 3 trụ tháp, hình tháp đáy tam giác, trong đó có 1 trụ trắng, hai trụ kia trên trắng có đắp nổi ngôi sao, dưới màu cam có đắp chữ nổi Fansipan và 3.143 M (thước).


Nhà tôi chụp ảnh với cháu San.


Cháu ngoại tôi


Sau đó chúng tôi sang chụp ảnh ở cột cờ.


Trời vẫn mưa nhẹ hạt, sương mù vẫn dầy đặc, cho nên ảnh chụp không rõ, không nhìn thấy cảnh vật chung quanh.

Sau đó chúng tôi theo 40 bậc thang đi xuống, rồi đi xe điện xuống ga cáp treo, từ đó dùng cáp treo đi xuống. Tại ga Đi (nơi bán vé cáp treo) muốn đi đến cáp treo phải dùng 3 lần thang cuốn để đi xuống. Nay lại phải dùng thang cuốn 3 lần để đi lên.

Tại ga Đi có ngôi chùa Bảo Ân Thiền Tự, trời mưa tầm tả nên chúng tôi không thể qua viếng chùa, lễ Phật, cũng không thể cuốc bộ ra bãi đậu xe, mặc dù khoảng đường đi chừng 300 thước. Cuối cùng cũng có xe điện vào đón đưa ra bãi đậu xe.

Đêm nay là đêm Thứ Bảy, tại quảng trường trung tâm thành phố, trước Nhà thờ đá có Chợ Tình, nhưng vì trời mưa, chúng tôi nghĩ chắc không có chợ, mà có chợ cũng không vui, không hứng thú. Mặc dù chúng tôi muốn biết nhưng lại lười đi ra đó.

Theo tìm hiểu, Chợ Tình là nơi trai gái gặp nhau, người con trai thổi kèn Thèng, thổi sáo hoặc trổ tài chi đó của mình để lấy lòng các cô gái mình thích, các cô gái cũng như các chàng trai hát dân ca, sau đó nếu họ phải lòng nhau thì hẹn hò yêu thương. 

Do ngày xưa từ các bản làng người dân tộc đi đến Sapa xa xôi, cách trở có khi đi cả buổi, cả ngày. Họ có chợ phiên vào ngày Chủ Nhật, nên các bản làng người dân tộc đi đến Sapa từ hôm Thứ Bảy, ngủ qua đêm để sáng hôm sau, mua bán, trao đổi hàng hóa. Đêm đó họ bày ra vui chơi, nhảy múa, ca hát, uống rượu, trai gái gặp nhau hò hẹn, cho nên ngày nay Chợ Tình Sapa vào Tối Thứ Bảy hàng tuần, không còn nguyên tính chất như xưa, nhưng vẫn có.

Người H’mông còn có tục Cướp vợ. Chàng trai này thích cô gái kia, thì bắt cô đó về nhà mình nhốt trong nhà 3 ngày, Cô gái bị nhốt phải ăn ở trong nhà chàng trai, sau 3 ngày nếu cô gái bằng lòng làm vợ chàng trai, thì nhà trai đem lễ vật đến nhà gái để xin cưới cô gái đó. Nếu cô gái không bằng lòng thì ra về, chàng trai không được cầm giữ, sau đó mang lễ vật đến nhà cô gái xin lỗi họ. Có khi chàng trai phải nhờ thêm bạn bè mình tiếp sức đặng cướp cho bằng được cô gái đem về nhà mình. Đôi khi, sau 3 ngày cô gái không bằng lòng trở về nhà mình, nhưng sau đó có con. Cho nên theo phong tục, người con đầu lòng không được cúng kiếng cha mẹ, ông bà.

Chủ Nhật 28-10-2018, là ngày cuối cùng ở Sapa, chúng tôi đi tham quan Thác Bạc, gọi là Thác Bạc vì thác nước chảy xuống trắng xóa như màu bạc nên được đặt tên là Thác Bạc.


Do nhà tôi không thể đi lên tận trên thác, nên gia đình chỉ chụp ảnh ở dưới ngọn gần đường trục lộ 4D mà thôi.


Để bù lại, cậu em tài xế tên Cường, lái xe đưa chúng tôi đi tham quan đèo Ô Quy Hồ, nó nằm trên trục lộ 4D nối liền Lào Cai - Lai Châu. Đỉnh đèo ở độ cao 2.073 thước

Chúng tôi đến đây vào quán nước mới cất sơ sài, uống trà ngọt, ăn cơm Nam, còn Cường ăn thịt nướng kèm Rau Dê, gọi là Rau Dê vì rau ấy không biết tên chi nhưng dê thích ăn, nên gọi là Rau Dê, Cường ăn có kẹp thịt nướng rồi khen ngon, chúng tôi ăn thử chẳng có mùi vị chi. Còn cơm Nam là nếp tẻ hay nếp than, bỏ vào ống tre hấp chin, khi ăn chúng ta chẻ ống tre lấy cơm nếp ra, nó như khúc xúc xích hay lạp xưởng, lại đem nướng lửa than có thoa chút dầu ăn cho ngon hơn. Người đi rừng họ đem theo cơm Nam, khi đói họ đốt lửa bỏ ống cơm Nam vào cho nó cháy chin sẽ thơm ngon.

Chúng tôi đứng ở sàn nhà nhìn xuống thung lũng, thấy rõ con lộ 4D bên dưới có xe chạy, ở nơi xa kia là núi non, có sương mù, mây bay lãng dãng.


Trong 3 ngày tham quan, chỉ có ngày hôm nay, không có trong chương trình Tour, chúng tôi được đứng ở Đèo Ô Quy Hồ nhìn thấy cảnh đẹp. Đỉnh Ô Quy Hồ đứng đầu trong Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, kế đó là đèo Khâu Phụ ở Yên Bái có độ cao 1.200 đến 1.500 thước, kế đến là đèo Pha Đin ở Điện Biên ở độ cao 1.648 thước và sau cùng là dèo Mã Pí Lèng ở Hà Giang có độ cao 2.000 thước.


Ô Quy Hồ là tên của loài chim, xưa kia có rất nhiều ở đỉnh đó, nên người ta đặt tên của loài chim nầy, nhưng nay chúng đã di cư đến nơi nào trong rừng sâu để sinh sống, nên nay không ai biết hình bóng con chim ấy ra sao.

Trên đường về Sapa tôi có chụp tấm ảnh ruộng lúa bậc thang của người dân tộc.


Nhưng ở phòng ăn khách sạn có vài bức ảnh ruộng lúa bậc thang rất đẹp.



Sau khi dùng cơm trưa, tôi và thằng cháu ngoại tranh thủ ra Nhà thờ đá để quan sát cảnh người dân tộc họp chợ ở quảng trường.


Sau đó đi đến Hồ Mắt Ngọc chụp 1 tấm ảnh kỷ niệm.


Sau lưng tôi là hồ, hồ nhỏ hơn hồ Xuân Hương ở Đà Lạt, phố xá còn thua kém hơn Đà Lạt, trời mưa đường nhựa nhưng có vẻ lầy lội vì bùn đất.

Chúng tôi trở về khách sạn nằm nghỉ đợi xe đến rước về Hà Nội, đến gần 3 giờ, người ở phòng lễ tân gọi xuống chờ xe, trả phòng. Chúng tôi đợi đến hơn 3 giờ rưỡi cũng chẳng thấy xe, sau đó tài xế mời chúng tôi ra xe đưa đến văn phòng xe khách. Nơi đây có nhân viên xin lỗi vì có sự nhầm lẫn, sau đó chừng 10 phút, họ mời chúng tôi ra xe.

Thấy chúng tôi phải đi chiếc xe dài hơn xe Limousine, chúng tôi định phàn nàn, nhưng khi lên xe yên chỗ mới biết đây là dòng xe President cao cấp hơn xe Limousine. Xe nầy có thể bật ghế ngồi thành giường nằm, có TV cho mỗi ghế ngồi, xe có 14 ghế, nhưng chỉ có gia đình chúng tôi là 3 người mà thôi. Xe khởi hành rời khỏi phố núi Sapa lúc 4 giờ chiều.

Chuyến về, tôi cũng ngồi bên phía tay phải của tài xế, phía nầy có nhiều cảnh đẹp hơn phía bên chuyến đi, Khoảng đường từ Sapa cho đến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chừng hơn 30 km là đường đèo quanh co uốn khúc, nhìn bên ngoài có nhiều đám ruộng lúa bậc thang nhưng không chụp ảnh được như ý.

Xe dừng nghỉ ở trạm Cốc San, lần nầy tôi chụp tấm ảnh kỷ niệm. Sau trạm nầy có dừng nghỉ ở trạm 57 km, tức là còn cách Hà Nội đến 87 km., t ôi mua một phong bánh in và hai chai nước, hai ông cháu cùng ăn bánh, uống nước vì không có quán ăn chay. Tài xế dùng cơm tối xong lại đổ dầu, xe bắt đầu chạy lúc 8 giờ. Về đến Hà Nội khoảng 9 giờ hơn. Xe đưa chúng tôi đến ngã tư Nguyễn Hữu Huân - Lò Sũ, chúng tôi xuống xe về khách sạn cách đó mấy căn phố.

Do mệt nhà tôi cùng cháu ngoại không ai muốn đi ăn, họ cần nghỉ ngơi, tôi đi đến khách sạn Eclipse gần đó, để nhận lại 2 cái nón đã bỏ quên, tiện thể ra bờ hồ xem người Hà Nội vui chơi tối Chủ Nhật.

Trên khúc đường Đinh Tiên Hoàng ven bờ hồ, tối Thứ Bảy và Chủ Nhật, xe cộ bị cấm lưu thông, già trẻ vui chơi trên đường, có nơi  ca nhạc, múa hát, có nơi trượt ván. Gần nơi phố Hàng Đào, Cầu Gỗ có nhóm người khiêu vũ, tôi đi xem một lúc rồi trở về khách sạn nghỉ ngơi.

Sáng Thứ Hai ngày 29-10-2018, ngày sau cùng ở Hà Nội, nhà tôi mệt không ăn sáng, thằng cháu ngoại và tôi điểm tâm xong đi ra phố Hàng Đào để theo đó đến chợ Đồng Xuân cho cháu biết. Mặc dù cháu ra Hà Nội học mấy năm trước học 1 năm ở Đại học RMIT, nhưng chưa hề đi cho biết chợ Đồng Xuân, sau đó trở về Sàigòn tiếp tục học RMIT, năm nay vừa thực tập xong để tốt nghiệp, nên đi Tour giải trí.

Ây là lần thứ 3 tôi đến chợ Đồng Xuân, nhưng là lần thứ nhất tôi đi vào trong chợ. chợ có 2 tầng lầu, tôi không có lên lầu, nhưng nhìn thấy hình như tầng trên bán hang hóa, tầng trên cùng có cửa hàng ăn uống.
Bên trong chợ

Chúng tôi ra khỏi chợ, trở lại đường cũ rồi đi dọc theo bờ hồ, chụp vài tấm ảnh cảnh đền Ngọc Sơn.


Đi ngang qua chỗ người ta khiêu vũ, môn thể dục cho người giữ gìn sức khỏe, qua đó tìm chỗ chụp vài tấm ảnh có Tháp Rùa.


Định đi đến Phố Đinh Liệt xem mua sách, nhưng đã 8 giờ 10, tôi có hẹn hoàn tiền cho người đã đặt cọc mua Tour và khách sạn cho chúng tôi lúc 8 giờ 30, cho nên chúng tôi trở về khách sạn.

Y hẹn, cháu Phượng, cô nhân viên của người bạn với con rể tôi đến, tôi hoàn tiền cho cô ta, rồi lên phòng đem hành lý xuống, trả phòng ra xe chạy ra phi trường.

Khi chúng tôi ngồi xe của phi trường để lên máy bay, có một anh chàng chừng ngoài 30 tuổi ngồi giữa nhà tôi và tôi. Một chốc có người đàn bà tuổi chừng 70 lên xe, anh ta đứng lên lịch sự nhường chỗ cho người đàn bà ấy, nhìn thấy vậy tôi rất vui lòng vì vẫn có người lịch sự, tử tế với người cao niên.

Về tới nhà hơn 2 giờ chiều, kết thúc một chuyến tham quan Sapa, có vài chỗ chưa đi trọn vẹn hoặc đi mà không thấy cảnh đẹp chung quanh, nhất là Thác Bạc và trên đỉnh Fansipan ngay cả Hàm Rồng cũng vậy và Chợ Tình chưa biết đến. Cho nên đi cũng gần như không.


Có người cho biết Sapa ngày nào cũng mưa. Đến Sapa mà không có mưa hay sương mù thì cũng như không, vì không có gì đẹp hơn cảnh Sapa với sương mù hay lãng đãng mây bay.

866430102018
1:22301018
19:00121218









No comments:

Post a Comment