Pages

Friday, November 2, 2018

Tưởng nhớ tác giả Sàigòn năm xưa



Những nhà văn trong Nam tôi thích có Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.

Trong số những nhà văn nầy, có Hồ Hữu Tường (1910-1980), ông dạy tôi về bộ môn Xã Hội Học năm 1964 ở Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh Sàigòn, khi đó mới thành lập và ông là Phó Viện trưởng. Trước đó tôi đã đọc tác phẩm Phi Lạc sang Tàu của ông, thuở tôi còn nhỏ ở nhà quê, trước 1954, sau nầy có Thằng Thuộc con nhà nông, truyện ngắn Con Thằn Lằn chọn nghiệp…

Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1985), người gầy ốm thường đi chung với một anh mập mạp, đó là ký giả Nguyễn Ang Ca, được giới văn nghệ sĩ gọi là “Thằng ốm với thằng mập”, dựa theo một tập phim Pháp được trình chiếu ở Sàigòn thời đó, họ cùng làm báo Tiếng Chuông với họa sĩ Phạm Thăng. Một đêm, họ tới nhà họa sĩ Phạm Thăng, để bàn về việc trình bày bìa sách hay việc chi đó về báo chí, khi đó tôi đang ở trọ nhà Phạm Thăng đi học, nhờ vậy tôi mới biết nhà văn Bình Nguyên Lộc, sau tôi thích đọc tiểu thuyết của ông như Dò Dọc, Tâm Trạng Hồng…

Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958), tôi không có duyên gặp ông lần nào, mặc dù vào cuối thập niên 1950, trên đường Ngô Đình Khôi, có ngã tư Trương Tấn Bửu, qua khỏi ngã tư nầy đi về hướng phi trường Tân Sơn Nhất chừng 100 thước có con hẻm ăn thông ra đường Nguyễn Huỳnh Đức, cạnh con hẻm nầy có Trường Trung học tư thục, xây 3, 4 tầng lầu nhưng đã đóng cửa không còn dạy nữa, phía sau trường là bãi cỏ hoang, tôi có người bạn nhà ở khu nầy, nên 5, 10 hôm, buổi tối đến thăm bạn rồi cùng nhau thả bộ trong con hẻm, vừa đi vừa trò chuyện. Sau nầy mới biết con hẻm đó có biệt thự của nhà văn Hồ Biểu Chánh, về sau con hẻm đó nới rộng ra làm thành con đường đặt tên là đường Hồ Biểu Chánh.

Tôi mê đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh từ khi còn nhỏ như Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa, Nhân tình ấm lạnh, Ai làm được… Sau nầy mới biết, nhiều truyện của ông được phỏng tác từ các truyện Les miserable, Sans famille … của những văn hào Pháp. Hay Người thất chí phỏng tác theo tiểu thuyét của văn hào Nga Dostoevksy. Cái hay là phong cảnh đồng quê, xã hội hoàn toàn Việt Nam thời bấy giờ.

Về nhà văn Sơn Nam (1926-2008), tôi chưa gặp ông lần nào, nhưng đọc Hương Rừng Cà Mau rồi mê đọc sách của ông từ đó, riêng Hương Rừng Cà Mau trước kia tôi có tập sách in đầu tiên rồi tái bản lần 1, lần 2, lần 3.  .

Người Việt Nam, ai sinh ra từ khoảng đầu thế kỷ thứ 20, cấp sách đến trường học chữ Quốc ngữ, đều có học qua bộ sách Luân Lý Giáo Khoa Thư Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bài học ngắn, căn bản dạy cho người ta về luân lý về ca dao về phong cảnh đẹp về tình yêu quê hương, đất nước như bài Kẻ ở người đi của lớp Sơ Đẳng, có câu chót. “Oi! Cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”.

Truyện ngắn Tình nghĩa Giáo Khoa Thư, nội dung có người đi thu tiền báo một độc giả ở xóm Cà Bây Ngọp, gần làng Đông Thái, Đông Hòa…thuộc tỉnh Rạch Giá, nơi nhà văn được sinh ra và lớn lên. Độc giả Tư Có và Thầy phái viên đêm đó nhắc lại những bài học trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư như bài Chọn bạn mà chơi, Khuân tảng đá, Nên giúp đỡ lẫn nhau, Chăn trâu thuộc lớp Dự Bị.

Một số độc giả thích đọc vì Sơn Nam viết những truyện lạ ít ai biết ở trong rừng U Minh với cá sấu, với “Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh”, hoặc gợi cho độc giả có nhiều thích thú, nhớ lại một thời thơ ấu với những bài học trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư.

Trên Đại lộ Lê Lợi đối diện với nhà sách Khai Trí, là mặt hông của Bộ Công Chánh, cho nên có xây một bức tường từ đường de Lattre de Tassigny cho đến đường Pasteur, nơi có nước mía Viễn Đông, danh tiếng một thời tại thủ đô Sàigòn. Tại bức tường nầy có nhà vệ sinh cho nam giới, đến thập niên 1970 có nhiều kios bán sách cũ, tranh ảnh mọc lên, tiếp nối tại góc de Lattre de Tassigny cũng có vài kios tiếp theo cho đến cổng vào của Bộ Công Chánh, có cái Kios do anh Hai người Bắc làm chủ, anh bài bán những sách Toán ngoại quốc và những sách cũ. Một hôm tôi ghé ngang xem sách, thấy có người đàn ông lớn tuổi, phương phi, mặc bộ áo quần 4 túi trắng, tóc để chấm vai, từ ở Nhà sách Khai Trí băng qua đường rồi ghé Kios anh Hai, ông ta tìm xem rồi lấy quyển Quán Nãi của Nguyên Hồng, nói với anh Hai:

- Tôi có quyển nầy rồi, nhưng muốn mua tặng bạn. Anh lấy bao nhiêu ?

Anh Hai chủ Kios, kính trọng đáp:

- Dạ ! Xin Cụ cho bao nhiêu cũng được ạ !

Ông ta móc ví lấy tiền trao cho anh Hai, rồi lấy quyển sách đi trở ra đại lộ Lê Lợi.

Tôi hỏi người chủ Kios:

- Anh Hai ! Ông ấy là ai vậy ?

- Anh không biết sao ? Cụ Vương Hồng Sển đó!

Tôi biết ông Vương Hồng Sển (1902-1996) như thế đó. Nếu ông là con gái thì người ta cho là cô gái “đầu gà đít vịt”, có nghĩ là cha Tàu mà mẹ Miên, thuở thiếu thời ông được học trường Chasseloup Laubat, thi đậu ngạch thư ký như các ông Hồ Biểu Chánh, Mai Thọ Truyền. Ông khởi nghiệp thư ký ở trường máy, tức trường bá nghệ, đó là trường kỹ thuật Cao Thắng tại Sàigòn sau nầy, nhưng ông không thi đỗ vào ngạch Đốc phủ sứ, ông từng giữ chức Quản Đốc Bảo Tàng Viện Sàigòn, sau khi đã về hưu do đủ thâm niên 25 năm làm công chức tại trường máy, tòa bố Sa Đéc, dinh Thống đốc Nam Kỳ. Làm Quản Đốc Bảo Tàng Viện theo Khế ước, sau ngày Cách mạng 1-11-1963, mãn hạn khế ước, ông phải nghỉ luôn. Mặc dù, thời gian làm ở dinh Thống Đốc Nam Kỳ, Dương Văn Minh là Chủ sự phòng, xếp của ông. Sau đó Dương Văn Minh bị động viên bước vào đời binh nghiệp.

Tình duyên của ông trắc trở, về sau ông sống với Nghệ sĩ Bà Năm Sa Đéc (1907-1988), họ có một người con trai duy nhất là Vương Hồng Bảo (1951-1998) bà mất đưa về quê bà ở làng Tân Khánh Đông, Thị xã Sa Đéc chôn cất, ông mất được an táng sơ sài trong nghĩa trang gia đình tại hẻm 98, đường Trần Hưng Đạo, thuộc tổ 3, khóm 2, phường 2, thành phố Sóc Trăng.

Mộ Bà Năm Sa Đéc - Nguyễn Kim Chung

Tôi đã có quyển Sàigòn năm xưa, nhưng thấy có bản in mới lại mua. Hôm nay thảnh thơi lục trong học tủ thấy có quyển Sàigòn năm xưa mua năm ngoái của Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai và Sàigòn năm xưa của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố HCM bìa cứng mới mua năm nay.

Quyển Sàigòn năm xưa là tác phẩm thứ nhì của ông in lần đầu năm 1962, như những nhà văn miền Nam, “nói sao viết vậy”. Bài Kính dâng Ba, theo tôi nghĩ là bài văn chân thật hay và cảm động nhất.


Kính dâng Ba

Tập biên khảo thường đàm nầy để tưởng niệm những phút êm đềm đã qua:

Năm 1919, Ba đưa con lên Sài Gòn vô trường lớn.

Con bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thí Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu.

Năm 1927, Ba lên thăm, con mua bánh Catinat, lòng mừng dâng Ba món lạ. Ba không dùng, hỏi con: "Chữ Hiếu " sao có đắt tiền?

Năm nay 1960, đầu con bạc mà túi vẫn nhẹ, muốn mua bánh, Ba không lên: xe giằn, đường xa, hai con đò Cái Vồn và Mỹ Thuận vẫn có tiếng không lịch sự đối với hành khách "bát thập lão ông" như Ba vậy!

Những ký-ức bấy lâu, con viết gởi về:

"Vương Trạch Nhựt, cháu hãy đọc lớn cho Nội nghe."

Gia Định, đường Rừng Sác, số 5,

Ngày 26 tháng 5 năm 1960

Sển

Ông để lại sản nghiệp sưu tầm đồ cổ giá trị, hiến tặng cho Thành phố HCM, sản nghiệp đó có thể xây lăng tẩm đồ sộ, nhưng mộ phần ông chỉ là nấm đất đơn sơ. Cuộc đời ông sống chẳng vinh thân mà khi mất rồi cũng chẳng ai đoái hoài, nên không có mồ yên mả đẹp.


866402112018



 

No comments:

Post a Comment