Pages

Sunday, November 11, 2018

Tham quan Nam Phương Linh Từ



Tôi xem trên Mạng, thấy có khu Du lịch Văn hóa Phương Nam, tôi muốn đến đây xem 1 lần cho biết, vì nơi đây là Đặng Tộc Nam Phương Linh Từ. Ngoại tổ tôi là họ Đặng, được biết nguồn gốc ở Bồ Húc tỉnh Sa Đéc, nay còn thân tộc ở làng Tân Lược, huyện Tân Bình tỉnh Vĩnh Long. Tôi tự hỏi có họ gần xa không ? Nên đi tham quan cho biết.

Nam Phương Linh Từ theo tài liệu cho biết:  Là công trình do doanh nhân Đặng Phước Thành  là Chủ tịch HĐQT VINASUN CORP; đồng thời là Chủ tịch danh dự Hội Đồng Đặng tộc Việt Nam, cùng chi tộc Đặng  phát tâm công đức xây dựng để tỏ lòng tri ân, tôn vinh sự xả thân của các nhân vật lịch sử.

Nằm trong quần thể công trình này, còn có Đền thờ Đặng tộc, Bảo tàng Đặng tộc, Bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang bao bọc chung quanh với tổng chiều dài 675 m, có 240 cây cột gỗ, có 4 hồ nuôi trồng thực vật và các loài thủy sinh - tượng trưng cho 4 biển-, có 63 chậu mai vàng - tượng trưng cho 63 tỉnh, thành của Việt Nam - và 54 loài hoa kiểng, cây xanh - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em-. Trong tổng thể công trình còn có sân đỗ máy bay trực thăng, 2 bãi xe ô tô và sân hành lễ lên đến 3 ha.

Hàng năm Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam tổ chức sự lễ hội theo nghi thức truyền thống vào mùng ngày 8, 9 tháng 3 âm lịch, trong đó mùng 8 tháng 3 giỗ hội các nhân vật lịch sử đất Phương Nam, mùng 9 tháng 3 giỗ tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm là Thủy tổ của họ Đặng tại Long Hưng và Phương Nam.

Đây là công trình được khởi công xây dựng từ ngày 30/10/2009 trên diện tích 17 ha, tọa lạc tại ấp Hưng Quới 2, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, với tổng đầu tư 600 tỷ đồng gồm 5 hạng mục chính. Nam phương Linh từ, Đặng tộc Nam phương Linh từ, nhà bảo tàng họ Đặng, nhà bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang bao quanh - tượng trưng cho 5 châu-.


Ngày 23, 24-12-2017, là ngày Khánh Thành Nam Phương Linh Từ, đầu năm 2018, nơi đây được UBND Đồng Tháp chọn là Khu Du Lịch Văn Hóa Phương Nam.

Ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch HĐQT VINASUN CORP.

Muốn tham quan Nam Phương Linh Từ, từ Sàigòn theo cao tốc TpHCM – Trung Lương rồi theo QL 1A đến An Hữu theo ĐT 30 đi Cao Lãnh, qua cầu Cao Lãnh, xuống rẽ trái, cách chân cầu 4 km sẽ có bảng chỉ dẫn, rẽ trái vào Khu Du Lịch Văn Hóa Phương Nam.


Có người quen rủ tôi đi chơi Sa Đéc, thăm anh Nguyễn Văn Giàu, chúng tôi có dịp quen biết nhau gần 30 năm trước. Nhân dịp, tôi cho biết muốn tham quan Nam Phương Linh Từ, nên chúng tôi hẹn nhau ngày Thứ Bảy 10-11-2019, sáng sớm lên đường.

Như đã hẹn, khoảng 8 giờ sáng vợ chồng Trần Quang Thành và Nguyễn Thị Tuyết Mai đến đón chúng tôi, sau khi gọi điện báo cho biết sẽ đón trễ, vì chúng tôi hẹn từ 6 giờ tới 6 giờ 30.

Chúng tôi rời cao tốc Tp HCM-Trung Lương, ghé Mekong Rest Stop ăn điểm tâm, nơi đây buổi sáng tấp nập kẻ ra người vào, mặc dù nơi đây có 3 đến 4 ngôi nhà dành cho khách. Chúng tôi gọi thức ăn và nước uống, đợi khá lâu họ mới dọn ra, nhưng còn thiếu phải nhắc họ, lại phải đợi thêm.


Vì chúng tôi dùng chay, tô hủ tiếu ăn có hương vị cũng bình thường, nhưng Thành, Mai và anh tài xế ăn mặn chắc ngon miệng hơn, nên họ đã đến đây mỗi lần đi ngang qua.

Lúc 9 giờ 30, chúng tôi đi qua cầu Long Định, mới rời khỏi Trung Lương chừng 10 phút, anh Giàu gọi điện thoại hỏi đã đi tới đâu rồi ? Thành trả lời theo anh tài xế cho biết chừng 10 phút nữa tới cầu Mỹ Thuận, nhưng tôi biết, xe chưa đến Cai Lậy, như vậy phải còn chừng 40 hay 50 phút nữa mới đến cầu Mỹ Thuận.

Xe qua cầu Mỹ Thuận, anh Giàu lại hỏi đã đến đâu rồi ? Thành trả lời vừa mới qua cầu Mỹ Thuận, Giàu chỉ dẫn khi nào gặp vòng xoay thì quẹo trái. Xe chạy đến chợ Nha Mân, tôi cho biết xưa kia chợ nằm phía bên kia cầu bên tay phải, nay cất lại dời chợ qua phía bên nây cầu và chợ nằm bên tay trái.

Tài xế cho biết gái Nha Mân có tiếng đẹp, tôi cho biết xưa kia tôi ở trọ trong nhà gái Nha Mân, đó là chị Phạm Thăng, chị ấy có người chị gái, cả hai chị em rất đẹp. Theo tôi đọc báo, có người viết Gái Nha Mân đẹp, vì theo tích xưa, chúa Nguyền bị Tây Sơn đuổi chạy, đến Nha Mân phải bỏ lại các cung tần, mỹ nữ. Về sau các người nầy lấy chồng nông dân, nên con cái họ là con gái Nha Mân, được truyền tụng qua ca dao:

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân.

Rồi xe chạy đến vòng xoay, thế l à Tài xế rẽ trái như anh Giàu chỉ dẫn, sau khi rẽ trái chạy 1 đoạn ngắn gặp ngã 3, Thành cùng như tôi biết là đã lạc đường, vì đáng lý ra sau khi rẽ trái ở vòng xoay, chúng tôi phải gặp ngay con lộ chạy vòng ngoài thành phố Sa Đéc, anh tài xế hỏi người đi đường, họ chỉ xe chúng tôi chạy trở lại vòng xoay, phải chạy thêm chừng 20 phút sau mới tới vòng xoay, trên tường rào có hàng chữ Chào mừng quý khách đến thành phố Sa Đéc.

Từ đây, chúng tôi đếm khi xe chạy qua 3 chiếc cầu thì đến nhà anh Giàu. Tôi nói với mọi người trên xe: “Anh nầy tên Giàu mà nhìn dinh thự anh ta quả là giàu thật”.


Sau khi chào hỏi, chủ nhân mời ngồi bộ salon gỗ giữa nhà, dùng nước cam vắt giải khát xong, chủ nhà đưa chúng tôi đi thang máy lên tầng lầu 3, nơi có thờ tượng Phật khá to và rất đẹp ở giữa nhà, bên tay phải có mấy tủ khẩn xà cừ, gia chủ thờ ông bà, cha mẹ.


Tầng 2 là phòng ăn và phòng ngủ cho khách, trong 4, 5 phòng có tới khoảng 20 cái giường nệm. Ngoài phòng ngủ của vợ chồng gia chủ, con trai, con gái còn có phòng tập thể dục, máy đấm bóp vợ 1 cái, chồng 1 cái để vừa thư giản vừa trò chuyện.


Rồi chúng tôi ra sân vườn xem hồ cá Koi, vì đợt trước cá chết cả hồ, nên gia chủ vừa mới nuôi lại vài mươi con chừng 2 đến 3 tấc.

Sau đó, gia chủ mời chúng tôi đi ăn cơm ở quán ăn quen với gia đình ở ngoài phố, theo Thành cho biết nữ gia chủ nấu chay tuyệt ngon, nhưng tiếc chị đi vắng vì có việc riêng.


Rồi chúng tôi đi thăm Làng hoa Sa Đéc, vì Thành có 1 miếng đất rộng 1 ngàn mét vuông. do Giàu giới thiệu mua đã 7, 8 năm trước, chỉ có vài trăm triệu, nay có người trả giá 3, 4 tỉ. Từ trước Thành bỏ không, nay có người thuê mướn, hôm nay 2 bên gặp nhau để giáp mặt, giao kèo.

Việc xong nhanh chóng, chúng tôi trở lại nhà anh Giàu lấy trái cây, hủ tiếu, cháo do nhà máy của anh sản xuất, biếu cho Thành và chúng tôi, để sau khi tham quan Nam Phương Linh Từ, chúng tôi sẽ qua  cầu Cao Lãnh về Sàigòn, không phải trở lại nhà anh Giàu.

Chúng tôi theo QL 80 - đường xe chạy qua Sa Đéc tới phà Vàm Cống – xe chạy gần tới chợ Vĩnh Thạnh còn gọi là Cái Bường bên tay phải có bản chỉ dẫn, đi theo ĐT 849, đường nầy dần tới cầu Cao Lãnh, nhưng còn cách cầu khoảng 4 cây số ngàn, sẽ gặp cổng chào và bản chỉ dẫn đi vào khu Du Lịch Văn hóa Phương Nam.

Khi đến nơi, chúng ta sẽ thấy cổng chào, sau cổng chào là con đường chạy giữa hai ngôi nhà lớn, lợp mái xanh không thấy những mái nhà đỏ. Tôi thật ngỡ ngàng nghĩ rằng đây không phải là khu du lịch Nam Phương Linh Từ, nhưng cổng chào khẳng định là Khu Văn hóa Phương Nam, nên chúng tôi đi vào. Đến khi thấy có nhân viên gác cổng quầy bán vé, nhất là bản chỉ dẫn: Người lớn 30. 000 đồng, Trẻ em 10.000 đồng như trên Mạng tôi từng xem, mới tin rằng đúng đây là nơi mình tìm đến, nhưng sao không thấy chi cả trừ cái cổng chào bề thế.


Nghe có người chỉ dần đi xe điện 10.000 đồng người, chúng tôi mua vé đi. Xe điện từ trong nhà có người lái ra, chúng tôi lên xe, xe chạy tới cái cầu gần đó không lên dốc nổi, phải quay lại đi xe khác, xe chạy dọc theo tường rào, rồi đến cổng chánh, xe chạy qua cổng phụ, vào sân đưa chúng tôi đến Đền thờ phía trước.

Nơi đây có 5 bàn thờ, bàn thờ giữa thờ Công bộ Thị Lang Đặng Nghiêm, bên phải có bàn thờ tượng của 2 vị, bên phải kế đó cũng là bàn thờ,có tượng thờ 1 vị, bên phải kế đó là bản đồ Thế phả Đặng Tộc
 

Bên tay trái có mấy bàn thờ nhưng không có tượng. Sau khi xem qua các bàn thờ, tượng, chúng tôi ra sân chụp vài tấm ảnh kỷ niệm.


Rồi chúng tôi đi ra phía hông, để ra đền thờ nhừng vị có công khai phá miền Nam ở phía sau. Bên hông ở dưới nền đất phủ cỏ xanh rất đẹp, có tượng của những danh nhân miền Nam, tôi chụp ảnh với tượng Cao Văn Lầu.
 


Còn anh Nguyễn Văn Giàu chụp ảnh bên tượng của nhà văn Phan Văn Trị.


Sau đó chúng tôi vào tham quan điện thờ những tiền nhân có công khai phá miền Nam như vua Gia Long, Nguyễn Huệ, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Thoại …
 

Những vị nầy được chia ra thờ trên 3 bàn thờ của 3 gian giữa. Có 1 bảng sơ đồ vị trí các tượng được thờ.


Sau đó chúng tôi ra sân chụp vài tấm ảnh, rồi ra cổng sau có đặt một chiếc trống to, đặt tên là trống lệnh. Cổng nầy cũng là tam quan, có 3 tầng.


Rồi chúng tôi lên cầu ngói Phương Nam, nơi đây tôi chụp 1 tấm ảnh ghi hình đoàn chúng tôi tham quan đứng trên cầu, dưới là con kinh có một chiếc ghe máy đang chạy. Cầu chỉ có đi bộ mà thôi, vì ở 2 gian đầu cầu có những bậc cấp, gian giữa mới bằng phẳng. Qua cầu là sân chơi dành cho lễ hội, có những ngôi nhà lợp lá.


Chúng tôi đi cặp theo con kinh chừng 20 thước là đến con lộ chạy dọc theo tường của Nam Phương Linh Từ, nó chính là con lộ khởi đi từ phòng bán vé, cách cái cầu chỗ chúng tôi đứng chừng 10 hay 15 thước.



Rời Nam Phương Linh Từ, xe anh Giàu đi trước, dẫn chúng tôi qua cầu Cao Lãnh, cho đến khi nhập vào QL 30, anh mới chia tay. Chúng tôi theo đó, xe chạy ra QL 1A - đường Sàigòn đi Miền Tây – chúng tôi đến thị xã Cai Lậy phố đã lên đèn, về đến Mekong Rest Stop chỉ mới 6 giờ 30.

Quán vắng, chỉ có 3, 4 bàn có khách uể oải ngồi ăn bữa cơm chiều, vì quán đóng cửa lúc 8 giờ 30, cho nên người ta không thể ăn nhậu. Quán chỉ là quán điểm tâm và bán cơm mà thôi.

Buổi sáng thì đông khách điểm tâm, nhưng buổi tối vắng, chứng tỏ quán cơm không ngon lắm. Tôi ăn chay, chỉ gọi cơm rang và hoa thiên lý xào, cơm rang chỉ với vài miếng của cải carrot và vài hạt bắp cho có màu đo đỏ, vàng vàng. Còn hoa thiên lý chỉ là hoa thiên lý xào với dầu ăn mà thôi.


Nam Phương Linh Từ, đọc bài, xem ảnh tưởng thật là hoành tráng, nhưng so với chùa Bái Đính ở Ninh Bình còn cách xa, chưa thể vói tới. Tôi có đọc đâu đó ít nhất có 2 bài báo, nói rằng không có thu phí vào xem, nhưng không phải vậy. Lại còn có Thùng Công Đức ! Công đức chi ? Nếu để Thùng Từ Thiện, ai có từ tâm muốn đóng góp làm từ thiện, góp tiền vào. Nam Phương Linh Từ đem tiền đó đi làm từ thiện, chắc chắn có ý nghĩa hơn. Tôi tin ông Chủ tịch HĐQT VINASUN phát tâm xây dựng nơi nầy để thờ cúng tổ tiên, giòng họ của mình, chớ nơi đó không có mục đích kinh doanh như bài Về Nam Phương Linh Từ bái vọng tiền nhân. Hà Đình Nguyên viết, đăng trên Web: thanhnien.vn như sau:


Ông Thành tâm sự: “Chúng tôi xây dựng quần thể kiến trúc này không phải để đánh bóng tên tuổi, cũng không để làm du lịch - kinh doanh (bán vé cho khách tham quan), mà chỉ đơn thuần là để tri ân, thờ cúng và tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai mở, gìn giữ và phát triển vùng đất phương Nam. Tất cả chúng ta đều là con cháu của các vị ấy, cho nên tôi hoan nghênh và xin chào đón tất cả mọi người đến đấy thắp hương bái vọng các bậc tiền nhân”.

Đất miền Nam trừ chùa chiền, thắng cảnh núi non. Đây là nơi đáng tham quan, để tưởng nhớ công lao của tiền nhân đã mở mang cõi bờ Phương Nam.  



(Tài liệu tham khảo: http://www.baogiaothong.vn/khai-truong-khu-du-lich-van-hoa-phuong-nam-o-dong-thap-d237747.html)

866411112018 




No comments:

Post a Comment