Pages

Friday, November 16, 2018

Đi ăn Buffet Chay, nên học tập nếp sống văn minh


Ngày Thứ Tư 14-11-2018, Từ Hoài Tấn và tôi đi uống coffee tại 27 Nguyền Thị Diệu, P 6, Q. 3 Tp. HCM. Nơi đây thường có Nguyễn Quốc Thái, Ngụy Ngữ, Gs Hoàng Dũng, Nguyễn Trọng Văn… Trên đường đi Từ Hoài Tấn cho biết Nguyễn Quốc Thái được Trần Dzạ Từ mời sang Mỹ dự lễ kỷ niệm 50 năm tình nghĩa keo sơn của Trần Dzạ Từ với Nhã Ca.

Nơi đây tôi gặp lại Hoàng Dũng và Văn. Dũng nói với tôi về ngôn ngữ, tôi nói với Dũng vừa mới đọc quyển Phật sống Lưu Công Danh, Dũng cho biết có đọc qua, rồi Dũng cáo từ đi trước, lần nào cũng vậy, Dũng để lại số tiền nhờ ai đó trả dùm, lần nầy Dũng gửi lại nhờ Văn thanh toán.

Từ trái: Văn, Dũng, Tông, Tấn

Còn lại Từ Hoài Tấn, Văn và tôi. Văn trình bày với tôi một số vấn đề kinh điển, Mật Tông và Thiền, những quyển kinh được Phật giáo Trung Hoa truyền tụng.

Cuối cùng chúng tôi cũng chào tạm biệt Văn, để Văn ngồi lại đọc sách, nghiên cứu kinh điẻn Phật giáo trong quán cà-phê đó. Tôi đề nghị Từ Hoài Tấn đi dùng cơm chay, Tấn giới thiệu nên đi ăn Buffet Chay bên đường Nơ Trang Long. Thế là chúng tôi đồng ý đi đến nơi nầy.

Đó là nhà hàng Chay Sala tọa lạc tại 319-327 đường Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh Tp. HCM. Nếu khởi đi từ Đại học Mỹ Thuật Gia Định, chúng ta đi qua cầu Băng ky chừng 5, 7 căn phố là gặp ngay nhà hàng nầy bên tay trái.


Đây là cửa hàng Buffet, buổi sáng mở cửa từ 11:00 đến 14:00, buổi chiều từ 15:00 đến 21:00 giờ.

Thức ăn đa dạng, với thức ăn khai vị, ăn cơm, ăn tráng miệng với trái cây, chè, kem. Giá 70.000 đồng ngày thường; 80.000 đồng ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật; 90.000 đồng cho các ngày 14, 15, 1, 30 Âm lịch. 

Không có người phục vụ, cho nên thực khách dùng bữa xong, phải tự mình đem chén bát, dĩa, ly để vào 1 cái thùng nơi cuối dãi bàn lấy thức ăn.


Khi chúng tôi lấy thức ăn xong, vào phòng ăn có 4 năm cái bàn, có 2 cái bàn người  ta đã ăn xong. Nhưng những người đó không tự động đem dĩa thức ăn cùng ly đã dùng, bỏ vào thùng như những bảng hướng dẫn treo trên tường.


Tôi đã thấy vài người trẻ, mặt mày sáng sủa, ăn mặc sang trọng, chứng tỏ người có học, có tiền của đi phi cơ. Vậy mà họ vô tư ngồi vào mấy cái ghế có hình hay chữ dành cho người tàn tật, già yếu tại phòng chờ của phi trường.

Chúng ta nói gì về những hạng người nầy, họ đâu phải thất học, nhưng chẳng qua không biết tự trọng, không được giáo dục cho đến nơi đến chốn. Cho nên ăn xong không thèm dọn dẹp như bảng yêu cầu, ngồi vào chỗ dành cho người tàn tật.


Còn nữa, khi ra đường người ta vô tư chạy khi có đèn đỏ, vô tư chạy không tránh đường khi có xe cứu thương hụ còi inh ỏi, báo động cần tránh đường cho xe chạy tới bệnh viện cứu nguy cho người bệnh.


Gần đây, trong tháng 11 năm 2018, có ông kia chở vợ cùng 2 con đi chơi, hú còi inh ỏi cho người ta tránh đường, có người theo dõi, cuối cùng xe dừng lại ở nhà kia, không phải chở bệnh nhân đi bệnh viện mà cũng không phải đi rước bệnh nhân cần cấp cứu, mà là một ông đưa 2 con đi thăm bạn. Nhà chức trách tìm ra được chiếc xe và người lái, ông ta trả lời do trẻ con trên xe chơi hú còi !!!!!

Chắc ông kia có đọc hoặc có biết chuyện: Đứa trẻ nói dối, trong sách Luân Lý Giáo Khoa Thư, xin chép lại bài học của lớp Đồng Ấu:

Ất là con người hàng nước ở trên bờ đê. Nó có tính hay nói dối. Đã nhiều lân nó kêu cháy để đánh lừa người mà cười. Một hôm cha mẹ nó đi vắng, lửa bốc lên cháy nhà. Nó chạy vào trong làng kêu cháy rầm lên. Nhưng người ta tưởng là nó lại nói dối để đánh lừa, cho nên không ai ra cứu. Đến khi biết là cháy thật, thì chữa không kịp nữa. Bấy giờ, Ất mới biết nói dối là hại và thiệt cho mình.

Nhớ hôm ở phi trường Nội Bài, ra xe bus để đưa ra phi cơ, hành khách đã lên xe ngồi hết chỗ, một số đông phải đứng, có người đàn bà ngoài lục tuần bước lên xe, một anh chàng vội đứng lên, nhường chỗ cho người đàn bà ấy. Tôi hài lòng, nói với nhà tôi: “Vẫn có người lịch sự, biết kính trọng người già”. Nhà tôi cho biết: “Anh ấy là Việt kiều, trên tay cầm Passport đó !”

Trong quyển Theo chân người tình. Nhà văn Sơn Nam viết: Rất đáng noi gương ở giữa sông Cái bao la, gần biển vậy mà bao thuốc lá, nắp lon cô-ca (nắp nhỏ, giựt ra) thậm chí cái tàn thuốc họ cũng không quăng dưới nước, tất cả bỏ vào cái thùng nhất định. (Sơn Nam, Theo chân Người tình. Một mảnh tình riêng. Trang 63. NXB Trẻ. 2018).

Trở lại nhà hàng Buffet Chay Sala, mấy cái ly, dĩa người ta ăn xong không dọn dẹp, nói theo thời thượng “rất phản cảm”.


Tại các nước văn minh Âu Mỹ không phải không có người xả rác, đi trên xa lộ ở Mỹ, thỉnh thoảng vào mùa Hè, người ta thường gặp có một số người đi nhặt rác ở 2 bên Xa Lộ, họ là công nhân có khi là những người tù sắp mãn hạn, chánh quyền cho họ đi nhặt rác, trả tiền công, để khi họ ra tù, có chút ít tiền trong túi, xài vặt trong những ngày đầu trở lại hội nhập vào xã hội.

Không phải ở những nước Âu Mỹ không có dân bản xứ trộm cắp, cho nên trước kia họ phải bố trí nhân viên làm an ninh, sau nầy họ gắn camera thu hình, hầu theo dõi số người xấu.

Họ giáo dục rất kỷ từ khi còn nhỏ, ở nhà họ dạy con em của họ phải tự múc thức ăn khi còn nhỏ, rác phải bỏ vào thùng rác của gia đình, bày biện những món đồ chơi, xong phải dọn dẹp vào chỗ chỉ định.

Khi đi học, trong lớp học có rác phải tự đem bỏ vào thùng rác đặt ở góc phòng học. Khi nghỉ giải lao, thùng rác đặt ở hành lang hay góc sân. Ở phòng ăn, khi đi ăn phải xếp hàng có trật tự, để lấy thức ăn, nước uống rồi đến bàn ngồi ăn, ăn xong bưng cái khay thức ăn của mình đến thùng rác, bỏ rác vào thùng tùy theo loại, rác (trash), loại tái chế (recycle), hộp giấy (boxes).

Tôi nhớ nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, trước 1975 ông được đi Mỹ tham quan, qua bên ấy được người ta chở đi chơi xa, dọc đường ghé chỗ nào đó ăn bánh, kẹo, giải khát, khi đi người kia gom rác gói lại trong tờ báo, chạy một đoạn xa vài chục cây số ngàn có chỗ dừng nghỉ (Rest Area), người kia mới đem gói rác khi nảy bỏ vào thùng rác. Bài báo nầy hình như được đăng trên nhật báo Đuốc Nhà Nam.

Thời buổi văn minh, người Việt Nam ta nên học tập cho quen, để trở thành người có văn hóa, nhất là lúc đi ra nước ngoài, đừng để tiếng xấu trộm cắp, không biết giữ vệ sinh, không biết xếp hàng, dành chỗ cho người tàn tật, già yếu.

866416112018







No comments:

Post a Comment