Nếu tôi nhớ
không nhầm, lần đầu tiên tôi đi Hưế trong phái Đoàn Huynh Trưởng Gia Đình Phật
Tử Tủ đô Sàigòn ra thăm Huế vào ngày 11 tháng Giêng năm 1964, cuộc Cách mạng lật
đổ chánh quyền Ngô Đình Diệm vừa mới xong. Chánh quyền miền Nam do Hội Đông Quân
Nhân Cách Mạng gồm các tướng Minh, Kim, Đôn, Đính lãnh đạo, do Trung tướngDương
Văn Minh làm Chủ tịch.
Chúng tôi đáp
chuyến bay quân sự ra Huế, trú ngụ tại chùa Linh Quang của Hòa Thượng Tọa Thích
Mật Nguyện Trụ trì nằm trên con đường bên hông chùa Từ Đàm.
Những cuộc
tiếp đón, sinh hoạt hầu hết diễn ra tại chùa Từ Đàm, chúng tôi được đi viếng cảnh ở chùa Linh Mụ, Trà Am, Từ Hiếu, Tây
Thiên, Bảo Quốc, Tường Vân, tham quan cung điện trong Thành nội Huế, có ra Quảng
Trị tham quan cầu Bến Hải nơi chìa đôi đất nước thời bấy giờ.
Ngày 17 tháng
giêng năm 1964 chúng tôi đáp chuyến bay quân sự rời Huế về Sàigòn. Kết thúc một
chuyến đi hết sức quý báu, giúp tôi hiểu biết nhiều về lịch sử, phong cảnh, chùa
chiền Việt Nam ở tại cố đô Huế.
Năm 1965, tôi
có chuyến đi ra Huế để dự Đại Hội Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam. Do năm đó
Tổng hội mãn nhiệm, anh Vnh Kha chủ tịch Tổng hội triệu tập để bầu Ban Chấp Hành
cho nhiệm kỳ mới
Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh cử một phái đoàn phó hội gồm có:
- Bác sĩ Trần Tiến
Trâm, Cố Vấn
- Trần Tiến Tự Trưởng Đoàn
- Thích Chơn Thiện Phó Đoàn
- Huỳnh Ái Tông Phó Đoàn
- Trần Thiện Bật Thư ký
Vì không có quỹ, nên phải nhờ ông Hồ Hữu Tường, Phó Viện Trưởng có con trai là Kỷ sư Hồ Xích Tú làm Phó Tổng Giám Đốc Hàng Không Việt Nam, can thiệp xin cho chúng tôi năm vé phi cơ khứ hồi của Hàng Không Việt Nam đi từ Sàigòn đến Huế.
Phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh ra Huế sớm hơn vài hôm, vì sớm quá nên Tổng Hội Sinh Viên Huế chưa lo kịp chỗ ăn ở, do đó hôm đầu tiên chúng tôi phải trú ngụ ở chùa Tường Vân của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, đương kiêm Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ngài là bổn sư của Thầy Chơn Thiện, còn anh Trần Tiến Tự về nhà của anh trong Thành nội.
Hôm sau, trong khi chờ đợi Tổng Hội Sinh Viên Huế thu xếp chỗ ăn ở của Phái đoàn, Thầy Chơn Thiện nhờ một bác Phật tử có xe Peugeot đưa chúng tôi đi ăn bánh bèo Vĩ Dạ, người ta thường bảo đến Huế mà chưa ăn bánh bèo Vĩ Dạ, cơm Âm phủ, quên mua Tré, nem chua, nón lá bài thơ, chưa nhìn cảnh nữ sinh Đồng Khánh đi qua cầu Tràng Tiền khi tan học về thì cũng như chưa đến Huế, người có tâm hồn hơn bảo đến Huế mà chưa ngủ đò trên song Hương cũng còn thiếu dù đã vào Đại Nội hay đã viếng lăng tẩm các vua.
Cầu Tràng Tiền
Do phái đoàn Tổng Hội
Sinh Viên Sàigòn không ra Huế tham dự, nên đại hội không tổ chức được. Ba phái đoàn
THSV Huế, Đà Lạt, Vạn Hạnh họp ra một thông báo: Do THSV Sàigòn không ra tham dự
nên không thể bầu lại Tổng hội Sinh Viên Quốc Gia, do đó không có bất cứ Tổng Hội
Sinh Viên của Viện Đạo Học nào cũng không thể đại diện cho Tổng Hội Sinh Viên
Việt Nam cho đến khi có cuộc bầu cử chính thức.
Tổng Hội Sinh Viên Huế có đưa chúng tôi ra bãi biển Thuận An để tấm, lúc ra phá tam giang vẫn còn ngôi nhà tre vách lá của cậu Cẩn, dung để nghỉ mát và câu cá nhng buổi trưa hè.
Lần đi nầy, đã để lại trong tôi hình ảnh dù người mua gánh bán bưng,
đi chân đất cũng ăn mặc áo dài tề chỉnh.
Ðầu năm 1966, tôi lại có dịp ra Huế lần thứ ba, lần nầy đi trong
phái đoàn Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, chuyến đi nầy có
Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh, anh Trần Quang
Thuận sau khi đã thôi giữ chức Bộ Trưởng Bộ Xã Hội và Tổng Thư Ký Viện Ðại Học
Vạn Hạnh. Anh Thuận trước là Ðại Ðức Thích Trí Không, đệ tử của Ôn Ðôn Hậu, anh
đi du học ở Anh Quốc, cùng lượt với thầy Minh Châu du học ở Ấn Ðộ, khi anh về
nước thì hoàn tục, cưới con gái cụ Tôn Thất Hối (nguyên đại sứ Việt Nam tại
Lào), sau anh là Nghị Sĩ chung liên danh với Bác sĩ Tôn Thất Niệm cũng con trai
cụ Hối. Từ những năm 1963, 64 tôi đã họp với Trần Quang Thuận nhiều phiên họp ở
chùa Xá Lợi, gọi bằng anh đã quen miệng.
Lần nầy phái đoàn trú ngụ tại chùa Linh Quang, đi chỉ có mấy ngày,
cũng có viếng chùa và lăng tẩm. Cũng vào thăm điện Thái Hòa, sân chầu, đăc biệt
có vào thăm Tả vu và Hữu Vu nhưng không có gì lạ.
Khi đến thăm chùa Thiên Mụ (cũng gọi là Linh Mụ), nhờ anh Trần
Quang Thuận xin phép Ôn Thiên Mụ mở cửa tháp Phước Duyên, chúng tôi đã leo lên
viếng tháp nầy, tầng thứ bảy rất nhỏ, có thờ tượng Phật, rộng chỉ đủ ngồi và
xoay người nhìn cảnh bên kia sông và ngồi xoay người để lết xuống, nghe nói
trước kia tầng nầy có thờ tượng Phật bằng vàng.
Tôi thấy anh Thuận đang ăn một thứ trái cây sống, giống như trái
sung, to bằng nắm tay, hỏi anh trái gì ? Anh cho biết đó là trái VẢ, anh chỉ
một cây, lá to gần đó, nói với tôi :
- Cây vả đó, lựa hái một trái như thế ni, vào bếp xin một tí muối,
chấm với muối ăn thử cho biết hỉ ?
Mặc dù trái vả tôi đã được ăn trong những bửa cơm chùa khi nấu
chín, nhưng ăn sống hơi chát chát chấm muối cũng ngon.
Cũng có viếng Lăng Tự Ðức, vào ngôi mộ lần nầy, tôi để ý thấy có
một lằn gạch lót màu khác hơn gạch cũ, người ta cho biết hồi những năm loan lạc
1945, quân gian đã lẻn vào đây, đào mộ vua để tìm của quý giá, gạch lót bị hư
nên người ta thay gạch khác.
Trên đường xe chạy đến Lăng Khải Ðịnh, dọc đường có người chỉ bên
kia sông mái ngói đỏ chen lẫn với cây xanh, đó là điện Hòn Chén, ở Lăng Khải
Ðịnh có vài tràng hoa làm bằng thuỷ tinh, đặt trên kệ đúc bên tường, người ta
bảo đó là những tràng hoa phúng viếng đám tang của tòa Khâm sứ Pháp hồi đó.
Ngày phái đoàn đi viếng Nhà thờ đức Mẹ La Vang, tôi tháp tùng một
đoạn rồi tách ra đến thị xã Quảng Trị thăm gia đình một người bạn, đáng tiếc
không viếng được Nhà thờ đức Mẹ La Vang.
Buổi chiều trước ngày về, anh của một người bạn, làm giáo sư ở Huế
đến Linh Quang, đưa tôi đi xem Ciné, rạp ấy trên đường Phan Bội Châu, lần trước
đồng bào và sinh viên Huế đã tổ chức biểu tình khi Thiệu Kỳ ra đây,sau khi tan
hát, chúng tôi đi ăn chè, rồi về nhà anh ngủ, lần đầu tiên tôi được ngủ trong
thành nội. Sáng ra, tôi được ăn bửa sáng của gia đình, xôi nếp đậu với muối mè,
cả gia đình cùng ngồi ăn sáng, không khí rất đầm ấm, khó quên. Tôi nhớ lại mấy
năm trước, tôi đã đến đây ăn cơm khách một lần, gia chủ toàn là phái nữ mà
khách thì toàn là phái nam, tôi không thể nào nhớ ra những thức đã ăn, nhưng
bửa ăn rất vui vẻ và gây nhiều ấn tượng trong tôi. Sau buổi ăn sáng, tôi hốc
tốc trở lại chùa Linh Quang, thu dọn hành lý vừa kịp để lên xe ra phi trường,
ai đó đã cầm nhầm cái áo Veston tôi mượn của Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu.
Người ta thường nói :"bất quá tam" , từ đó
tôi nghĩ sẽkhông còn trở lại thăm viếng
Huế. Có còn dịp nào cho tôi trở lại đất thần kinh không ? Tôi ước ao được xem
Viện bảo tàng, Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, đứng trên cầu Tràng Tiền, nhìn
lại dòng nước sông Hương, nó vẫn trôi chảy ra biển cả, xóa mờ biết bao nhiêu
hình ảnh đã in vào lòng sông, trong đó có cả hình ảnh của tôi, những hình ảnh
êm đềm nhất của thời niên thiếu.
Dù có trở lại, tôi sẽ không bao giờ có được những cảm xúc như ngày
xưa. Tôi khó quên được Huế, còn vì năm nào đó, từ Huế người ta gửi tặng quà
sinh nhật cho tôi, mở gói quà ra, đó là quyển tiểu thuyết Hai mươi bốn giờ
trong đời người đàn bà, Tràng Thiên dịch do Thời Mới xuất bản,
một chuyện tình cảm lãng mạn, như những tình cảm lãng mạn của tôi đã để lại nơi
chốn Huế kia.
Tôi không nhớ rõ năm nào, chúng tôi lấy một Tour du lịch Huế, Quảng
Trị, Động Phong Nha, Kẻ bang, tối ngủ ở Quảng Bình, hôm sau trở về Quảng Trị,
Thừa Thiên, đến luôn Bà Nẵng, tham quan Chùa Cầu ở Hội An, đêm ngủ ở Đà Nẵng để
xem cầu Rồng phun nước, lần đi nầy hầu hết đều là Việt kiều từ các nước Mỹ, Âu
châu, Úc Châu. Trong đó có cháu Kim Chi thích ăn chay, nên thỉnh thoảng chúng tôi
chia sớt thức ăn chay cho cháu dung, cháu là người ở đảo Phú Quốc, du học ở Úc,
sau nầy cháu lập gia đình ở Úc và đã có 1 cháu trai.
Năm 2019, chúng tôi đi chiêm bái Phật Tích ở Ấn Độ, nhóm chúng tôi đi
chỉ vỏn vẹn chỉ có 5 người là: Bùi Văn Đà, Thanh, Hải Đoan, nhà tôi và tôi.
Sang đến Vanarasi có them nhà sư Tây Tạng hướng dẫn, tổng cộng đoàn có 6 người.
Sau khi về lại rủ nhau đi Huế thăm viếng Thiền sư Nhất Hạnh đang tịnh dưỡng ở
chùa Từ Hiếu, lần đó tôi hy vọng gặp lại Sư cô Chân Không, nhưng rất tiếc, chỉ
gặp Thiền sư Nhất Hạnh, còn Sư cô Chân Không có việc, nên khi ấy đã đi về Làng
Mai ở Pháp.
Sân trong chùa Từ Hiếu
Lần nầy, tại chùa Từ Đàm, tôi có duyên được thị giả của HT Thích Trí
Quang đưa vào tịnh thất để thăm ngài trong lúc ngài ngủ, thị giả không thể đánh
thức ngài, vì ngài đang bị bệnh mất ngủ từ nhiều ngày trước. Sau khi chúng tôi
về Mỹ không lâu thì được tin ngài viên tịch.
Đó là những lần đi viếng đất thần kinh ấn tượng trong tôi
866404112024
No comments:
Post a Comment