Pages

Wednesday, June 18, 2014

Một thoáng nhìn về Văn học Việt Nam



Do hoàn cảnh tôi được tiếp xúc với văn chương rất sớm, tôi đã được đọc những truyện ngắn, truyện dài trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, phát hành từ những năm 1940.

Những năm 1947, 1948 là những năm các thầy dạy trường làng ở thôn quê, đã bỏ trường theo kháng chiến hoặc là về tỉnh lỵ dạy học, tôi mới đi học lớp Đồng Ấu, mới biết đọc đã bị thất học. Ở nhà chăn một bầy dê năm, bảy con chủ yếu là để lấy sữa uống.

Dê, cái chi cũng ăn, nhưng cây lúa nó không ăn, vì vậy tôi có thể thả bầy dê trong cánh đồng lúa, chúng tìm cỏ ăn, không phá hại mùa màng, tôi chỉ trông chừng để tránh bị chó tấn công mà thôi, nhưng chó hiếm khi chạy rong ngoài đồng, tôi có thì giờ đi lật đất cày bắt dế, trèo lên cây bắt những con sáo nghệ hay sáo trâu, khi chúng sắp sửa bỏ ổ, hoặc đi vào vườn hoang tìm hoa vò vẻ thơm lừng, hoặc đi tìm hái những trái chòi mòi, cơm nguội, chán chơi với những trò đó, tôi lấy Tiểu Thuyết Thứ Bảy đọc những truyện của Tô Hoài, của Ngọc Giao, những truyện ngắn thường làm cho tôi cảm động.

Đó là thời của tôi, của năm, sáu chục năm trước, ngày nay các trẻ con ở thành thị, lên bốn đã có thể tự mình mở Ipad tìm những truyện nhi đồng, những bài hát trên Youtube được cha mẹ hay anh chị đã gài sẵn trong máy, dù sao chúng cũng tiến bộ hơn tôi ngày xưa nhiều.

Rồi những năm trung học, tôi đọc những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, của Phi Vân như Cay đắng mùi đời, Đồng quê là những truyện gần với đời sống thường nhật của tôi ở thôn quê đã từng sống với dòng sông, với cánh đồng, với những hương chức cố cựu trong làng như ông Hương cả, bác Hương sư, chú Hương quản, anh Cai tuần.

Rồi học những bài văn ở học đường, nào là Nhất Linh, Khái Hưng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, như Đoạn tuyệt, Hồn bướm mơ tiên lời văn trao chuốt, bóng bẩy hơn, tình tiết của truyện khác hơn, mới lạ hơn những cảnh đời trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Thơ mới đắc dụng với loại câu 8 chữ như:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam, ôm ấp nếp nhà tranh

(Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ)

Hay:

Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy,
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu…

(Trưa hè của Anh Thơ)

Đến thời của Tạp chí Sáng tạo với những truyện của Doãn Quốc Sĩ, thơ Tự do của Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa… Truyện cũng như thơ của họ mới lạ hơn thơ mới. Chẳng hạn như:

Tôi đứng nhìn mưa bên sông, mưa nửa dòng nước. Ôi nếu được ngủ dưới mái tranh, mùi đất bốc mưa mới đầu mùa ấm phổi hơn một hơi thuốc lá.

Tôi sẽ đưa em về bên ấy, nền nhà ẩm và em chân đất. Từ bỏ thành phố nhà máy xe điện xe buýt ánh đèn ngã tư. Tôi can đảm như thế. Con đường vào làng men chân đê hoa cỏ hoang dại nói tâm hồn những vật những người sắp gặp. Em đi thăm vườn trái cây và em có thể bắt đầu làm việc. Ngực trần không vướng víu anh thấy anh với hơi thở với bầu trời với cây màu đất là một.

(Mưa ngủ của Thanh Tâm Tuyền)

Ngay sau đó thời của Chu Tử, Nguyễn Thị Hoàng, rào cản lễ giáo đã bị xâm phạm với Yêu với Trong vòng tay học trò.

Rồi chiến tranh leo thang những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, của Phan Nhật Nam, những bài hát của Trịnh Công Sơn về chiến tranh về thân phận nghiệt ngả của con người. Mùa Hè đỏ lửa, Gia tài của mẹ…

Sau 1975, chiến tranh đã chấm dứt, những chuyện về chiến tranh về vùng đất Tây Nguyên bị đẩy lùi vào dĩ vãng với tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, của Bảo Ninh như Tướng về hưu, Nỗi buồn chiến tranh.

Ngày nay, thời đại điện tử những nhà văn rất trẻ, xuất thân từ các trường đại học chủ đề chính họ viết là tính dục, văn chương của họ được phổ biến, tiếp nhận trên mạng trước, từ thành công đó, các nhà phát hành mới tìm đến in thành sách như Keng, Nguyễn Ngọc Thạch với Dị bản, Đời callboy.

Có một nhóm thơ là Mở miệng, họ là những người đã tốt nghiệp đại học, gồm Lý Đợi người lập nhóm, Bùi Chát người chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn và hai thành viên Khúc Duy, Nguyễn Quán, sau khi thơ của nhóm xuất hiện từ năm 2001, gây ra nhiều tranh cãi, dẫn đến “vụ án Nhã Thuyên”

Năm 2010, giáo sư thỉnh giảng trường Đại học sư phạm Hà Nội, Đỗ Thị Thoan tức nhà văn Nhã Thuyên làm luận văn Cao học với Đề tài: Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa, do Phó giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Thị Bình hướng dẫn, được Hội đồng chấm luận văn đánh giá điểm 10/10. Được cấp bằng Thạc sĩ năm 2011.

Nhưng đến năm 2013, từ bài viết của Nguyễn Văn Lưu đến Hội nghị Lý luận- Phê bình của Hội nhà văn Việt Nam, vào đầu tháng6-2013 tại Tam Đảo, các nhà phê bình đã chỉ trích luận văn của Đỗ Thị Thoan.

Bài viết của nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu đăng trên tờ Văn Nghệ Tp. HCM số 256 ngày 30-5-2013, cho đó là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối”. Có người còn cho rằng: “Đây là một luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động…”.

Theo tác giả Thanh Phương, tờ Quân đội Nhân dân số ra ngày 07-07-2013 có một trong bài chính luận mang tựa đề “Một góc nhìn phản văn hóa và chính trị”, đã kịch liệt lên án bản luận văn của Đỗ Thị Thoan. Tờ báo cho rằng các thi sĩ trong nhóm Mở Miệng đã dùng thơ để “hạ bệ các thần tượng, giải thiêng lãnh tụ và các danh nhân... xúc phạm tình cảm của hàng triệu đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu”.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét:

“Về nhóm Thơ Mở Miệng, tôi cũng có thể nói rằng là phần lớn những người phê bình có thể chưa đọc hoặc không biết gì về nhóm này. Nhóm Mở Miệng bao gồm những người trẻ ở Sài Gòn, đều đã tốt nghiệp đại học.

Họ làm một thứ thơ trước hết là nhằm phản ứng lại những thứ thơ đang thịnh hành: thứ thơ du dương, véo von, hoặc thứ thơ không đi sát đời sống... Họ làm một thứ thơ mà bản thân họ tự nhận là “thơ dở”, “thơ rác”, “thơ nghĩa địa”, thứ thơ nên “đào đất chôn đi”. Họ thực hành một thứ thơ nhằm biểu lộ một thái độ. Thơ của họ có những bài tục, có những bài thơ nhại, tức là lấy một bài thơ quen thuộc, nổi tiếng, sửa đi một vài từ, thêm một vài từ, biến một bài thơ nghiêm túc thành một bài thơ cợt nhả…”

Năm 2014, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã cho Đ Thị Thoan nghỉ việc, cho Phó Giáo sư Nguyễn Thị Bình về hưu sớm, tiến hành thủ tục thu bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan. Các Giáo sư Hồ Tú Bảo, Ngô Bảo Châu, Trần Văn Thọ và Cao Huy Thuần gửi thư đến Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Hà Nội phản đối việc thu bằng. Chưa thấy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trả lời.

Theo tự nhiên, nếu chủ trương thơ của Nhóm Mở Miệng được nhiều người tán đồng áp dụng. Đó là chủ trương đúng, hoặc ngược lại, cả hai trường hợp đều cần phải có yếu tố thời gian, thứ yếu tố trọng yếu, vô tư để khẳng định thơ của nhóm Mở Miệng có phải là thơ hậu hiện đại hay không.

17-6-2014

No comments:

Post a Comment