Pages

Monday, June 22, 2015

Một Ngày Của Cha

Hôm nay là ngày của cha, ngày nầy được ấn định vào Chủ nhật thứ ba trong tháng 6, lần đầu tiên được Sonora Smart Dodd, sinh ở Arkansas, tổ chức tại YMCA ở Spokane, Washington để vinh danh người cha của bà là cựu chiến binh Nội chiến William Jackson Smart, người đàn ông một mình đã nuôi trưởng thành 6 đứa con của mình, giống như trường hợp Anna Javis, đã tổ chức vinh danh mẹ mình là bà Ann Javis mất ngày 9-5-1905. Sau đó ngày 12 tháng 5 năm 1907, Anna Javis tổ chức tưởng niệm mẹ mình ở Andrew's Methodist Episcopal Church tại Grafton, West Virginia, nơi đây bà Ann đã dạy học của lớp học ngày Chủ nhật. Lần đầu tiên buổi cầu nguyện chính thức được tổ chức vào ngày 10-5-1908, cũng tại nhà thờ kể trên.

Năm 1910, West Virginia công nhận ngày lễ Ngày của Mẹ.

Ngày 8-5-1914, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật chọn ngày Chủ nhật tuần lễ thứ hai tháng Năm là Ngày Của Mẹ, hôm sau, Tổng thống Woodrow Wilson ký sắc luật ban hành.

Ngày 19-6-1910, Ngày Của Cha đầu tiên được Dodd tổ chức, thay vì chọn ngày 9-5-1910 là ngày thân phụ bà ta mất, nhưng do Mục sư bận nên đến ngày 19-6 mới tổ chức được, vào thập niên 1920 Dodd đi học ở Chicago nên ngưng một thời gian, đến thập niên 1930, bà ta mới trở lại Spokane và tiếp tục tổ chức vinh danh Ngày Của Cha. Năm 1916, Tổng thống Woodrow đến Spokane, ông muốn chọn Ngày Của Cha làm ngày lễ, nhưng Quốc hội Hoa Kỳ từ chối.

Mãi đến năm 1966, Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố chọn ngày Thứ ba tháng 6 hàng năm là ngày lễ vinh danh Ngày Của Cha, nhưng mãi cho đến 6 năm sau, Tổng Thống Richard Nixon ký ban hành luật cho toàn quốc vào năm 1972.

Năm nay, các con của tôi và con gái tôi ở Lexington về nhà với người Dì chồng ở California, cô em chồng với con gái từ Việt Nam sang thăm chơi, và một người em họ của chồng từ Knoxville, Tennessee tới, rồi tất cả đi ăn điểm sấm, ăn xong lại đến quán kem ăn tráng miệng. Tôi và nhà tôi không ăn kem vì chúng tôi ăn kiêng, nhất là tôi bị Tiểu đường.




Trong khi ngồi chờ các cháu ăn kem, tôi quan sát thấy có một cảnh sát người da đen, cùng hai con trai và cô con gái út vào cửa hàng kem. Người cảnh sát chừng bốn mươi ngoài, ba đứa con ông ta khoảng từ 15 cho đến 18 tuổi. Khi họ mua kem xong, cùng đi đến cái kệ để những ly kem trên đó, mỗi người ngồi vào ghế của họ, hai cậu trai, đến người cảnh sát, cuối cùng là cô con gái. Khi các con ngồi ăn kem, cậu trai lớn vừa ăn kem vừa xem thư hay video trong điện thoại cầm tay.


Người cha chưa ăn vội, sau khi để ly kem lên kệ và ngồi vào ghế xong, ông ta từ từ mở cái phong bì màu xanh đựng cái thiếp, vì cách xa vài thước tôi không nhìn được cái thiếp có hình gì, chỉ thấy nó màu xanh, người cha bắt đầu đọc chậm rải có tiếng, nhưng cũng không đủ cho tôi nghe, khi đọc xong, ông ta vói tay trái ôm phía sau con gái kéo áp vào mình, còn tay phải vói ra ôm cả hai cậu con trai áp vào ông ta. Tôi nghĩ đó là cánh thiệp Ngày Của Cha do các con ông cùng tặng. Tôi cảm thấy ấm lòng.

Khi về nhà, tôi xé phong bì của nhà thơ Phạm Cao Hoàng gửi cho tôi một tập thơ đất còn thơm mãi mùi hương, trong đó ông ta viết tặng tôi với mấy dòng chữ:

Tặng
Anh Huỳnh Ái Tông
Virginia, June 2015
Phạm Cao Hoàng

Tôi thích mấy dòng tác giả ghi ở trang đầu tập thơ, thích hợp với ngày Father’s Day:
thương cha một đời lận đận lao đao
cầm lấy chiếc cày để tay con được cầm cuốn sách
thương chiếc áo cha một đời thơm mùi đất
thương đất quê mình thơm mãi mùi hương
P.C.H.

Còn con trai tôi một phong bì có thiệp chúc mừng Father’s Day, con gái tôi cũng vậy, nhưng con gái tôi chọn cái thiệp với hình ảnh và chữ mang nhiều ý nghĩa.

Một ngày Father’s Day hay Dad’s Day năm nay, đã đem đến cho tôi tràn đầy hạnh phúc.

No comments:

Post a Comment