Pages

Tuesday, June 2, 2015

Bạn học năm xưa



Năm đó tôi lên Đệ ngũ niên khoá 1958-1959, từ lớp Đệ Lục E, tôi bị chuyển sang Đệ ngũ D hình như chỉ có một vài người chuyển lớp cùng tôi, còn lớp Ngũ D hình như họ vẫn nguyên vẹn hay nói khác hơn đa số họ vẫn ở lại lớp cũ của họ, tôi vẫn không hiểu vì sao, thời đó hình như ông Phạm Xuân Độ làm Hiệu Trưởng. Cho tới khi kỷ sư Cao Thanh Đảnh làm Hiệu Trưởng, ông mới tuyển những học sinh giỏi học lớp A, kế đến lớp B, C …


Năm đó, ông Phạm Văn Luật làm Giám Thị trông coi lớp Đệ ngũ D, trong lớp nầy có con trai của ông là Phạm Minh Luân, ngoài ra Luân còn hai người anh nữa học Đệ Tam, Đệ Nhị chi đó ở trường Cao Thắng nầy. Khi học lớp Đệ ngũ D rồi, tôi mới biết ông Luật trước kia có làm thầy giáo ở Châu Đốc, đồng nghiệp của chú tôi, vì vậy đến năm 1962, ông đã giúp tự làm đơn xin cho tôi học lại lớp Đệ Nhị sau khi tôi bị thi rớt Tú Tài 1. Năm đó, chương trình thay đổi thay vì trước kia học hai sinh ngữ, nay đổi lại còn có 1 sinh ngữ, ông Luật không biết tôi thích sinh ngữ nào, tôi giỏi sinh ngữ nào ? nên ông lấy học bạ của tôi xem, năm đó môn Pháp văn ông Nguyễn Văn Kiết dạy, sau là giáo sư Đại học Văn Khoa Sàigòn, sau 1968 vào bưng làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục trong chánh phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, cho tôi 10 và 13 điểm, còn ông Nguyễn Đình Hải chuyên viên Unessco cho tôi 14 và 14 điểm, chẳng qua tôi làm Trưởng lớp, nên ông Hải thương tình vì công khó nhọc ôm sổ đầu bài, sổ điểm hàng ngày, nên ông Luật cho rằng tôi khá Anh Văn hơn Pháp Văn, nên tự chọn cho tôi học Anh Văn, năm đó có 4 lớp Pháp văn, chỉ có mỗi 1 lớp Anh Văn.


Do đó tôi có viết một bài, cho rằng Thầy Luật “xía” vào vận mệnh của tôi, bài ấy được báo Chiêu Dương ở Úc đăng, con gái Thầy Luật gửi cho Phạm Minh Luân  ở Pháp, Luân giận tôi vì chữ "xía" đó, anh nói rằng Thầy Luật làm ơn cho tôi, xin cho tôi học lại, sao tôi không cám ơn mà dùng chữ “xía”, tôi nghĩ rằng: “Người ta thường cho con người có số mệnh, số ấy do Trời định, vậy Thầy Luật đã “xía” vào số mệnh ấy”, nó khác với chuyện có hai người cãi nhau, có người thứ ba chen vào, người thứ ba đó bị cho là đã “xía’ vào chuyện hai người kia. Cùng chữ XÍA nhưng ở hai trường hợp khác nhau, xía vào chuyện của ông Trời khác xa với xía vào chuyện hai người cãi lộn !


Tôi không nhớ được, năm đó do Thầy Luật khuyến khích hay do trong lớp tự phát, anh Dương Văn Thơm và tôi chủ trương một đặc san Xuân của lớp, thầy Luật viết thư cho tôi cầm sang Thư viện Quốc gia trên đường Gia Long đối diện với Bộ Kinh Tế, mượn sách, ông Lê Ngọc Trụ, quản đốc thư viện lấy cho tôi mượn quyển Cours de la Goegraphie de l’Indochine avec carte générales et particulières en six parties, tác giả Pétrus Trương Vĩnh Ký, để lấy tài liệu viết về Thất sơn nằm trong tỉnh Châu Đốc, nhưng lúc đó tôi không có hứng thú về đề tài nầy.


Trong lớp, có nhiều anh đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo ở chùa Xá Lợi như Nguyễn Hữu Hiệp, Phan Tùng, Dương Văn Thơm, Nguyễn Văn Tá, Nguyễn Văn Nam, chỉ có tôi là đi Gia Đình Phật Tử Giác Minh.


Trong lớp, tôi ngồi bên cạnh Lê Văn Thơm, sau nầy có lần gặp anh ở Sàigòn, được anh cho biết là Họa viên của Cục Quân Cụ.


Hồ Ngọc Thu, trong lớp tôi chỉ biết anh là con Thầy Hồ Văn Vầy, nhưng về sau anh và tôi gắn bó nhau, thân thiết nhau từ những ngày tôi phục vụ ở Đại Đội 21 Quân Cụ tại Sóc Trăng, sau đổi thành Đại Đội Bảo Toàn, Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, Thu vẽ tranh cũng khá, chơi đàn cũng được, nhưng anh truyền cho tôi cái tệ nạn trong Tứ đỗ tường (四堵牆) là tửu, sắc, tài, khí  (酒色財氣) và cùng nghiệp dạy học ở Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, nơi mà năm 1956 chúng tôi vào học Đệ Thất tại đây. Hồ Ngọc Thu đã mất tại Sàigòn mấy năm trước.


Năm Đệ ngũ đó, có phong trào mấy anh rũ nhau đi học vẽ, làm thơ, ngay sau đó Huỳnh Ngọc Điệp có thơ đăng trên tạp chí Sáng Dội Miền Nam, nghe nói mỗi bài thơ của anh được trả nhuận bút 300 đồng, tôi từ tỉnh lên Sàigòn học được chú tôi cho tiền ăn quà, quần áo … mỗi tháng cũng chỉ bằng nhuận bút của Điệp, còn học bổng toàn phần lúc đó được 400 đồng tháng.


Dương Văn Thơm và Thạch Minh Thông hợp tác mua gỗ mít, tạc tượng Phật vào những năm 1980 bày bán trong một cửa hiệu bán đồ cổ, gần Chợ Đũi sau dời ra đường Cách Mạnh Tháng Tám giá 2 cây một tượng thời đó.


Điệp sang Mỹ từ 1975, anh là họa sĩ thiết kế cho vài tờ báo ở Bắc Cali, anh có tiếng về thơ về họa, nhưng ít tham gia họp hành chỗ đông người, có lẽ anh thích nơi thanh tịnh để suy tư, sáng tác.


Trong lớp có Huỳnh Văn Nỉ, anh đẹp trai, tánh tình dễ thương, trước 1975 dạy học ở Kiến Hòa, sau 1975 anh có con là Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, còn anh trở thành tài tử phim ảnh, viết văn, làm thơ.


Còn có Nguyễn Hữu Hiệp, anh là sĩ quan Quân cụ, sang Mỹ sau 1975, sống ở Chicago theo nghiệp văn chương, báo chí, gần đây anh sáng tác nhạc và anh vừa chọn thơ của Huỳnh Văn Nỉ để phổ nhạc thành ca khúc Anh và Em (N & M). Mời quý vị thưởng thức ca khúc nầy tại:



Mặc dù tôi học chung với nhiều anh ở lớp Thất, Lục E, Tứ, Tam, Nhị A, Nhị 5 và Nhất 3 nhưng có lẽ lớp Đệ Ngũ D tôi được học chung, là lớp có nhiều tài năng về văn chương, học thuật.


Phạm Minh Luân du học năm 1963, rồi ở luôn tại Pháp, Hồ Ngọc Thu, Nguyễn Hoàng Minh, Phan Tùng đã mất, những đồng môn còn lại như kỷ sư Bùi Minh Chánh ở Dayton, Ohio, Huỳnh Ngọc Điệp, Nguyễn Công Mạnh, Nguyễn Hữu Hiệp ở Cali, Chicago kỷ sư Nguyễn Đắc Thận, Lê Thanh Ánh, Huỳnh Văn Nỉ … ở Việt Nam, thỉnh thoảng tôi vẫn được gặp, trò chuyện nhắc nhớ chuyện xưa, thuở còn đi học dưới mái trường kỹ thuật Cao Thắng. Đó là một thời đã qua, dần dần sẽ phai mờ, mai một theo thời gian.

No comments:

Post a Comment