Nguyễn Trãi
Có rất nhiều điều chỉ trong tích tắc tôi vừa
nghĩ ra đã quên ngay, vì trí nhớ đã cùn rồi, nhưng có chuyện mà dường như tôi
nhớ như in trong đầu từng chi tiết.
Mỗi khi kể lại cứ tưởng nó đang mới xảy ra tức thì. Một trong
những câu chuyện thoát chết trong đời lính có một câu chuyện cuối cùng mang
nhiều dấu vết đạn thù, ai cũng hỏi tôi khi thấy vết sẹo trên mặt. Cũng chính
câu chuyện này tôi bị tên cai tù trong trại tù Hoàng Liên Sơn ngoài Bắc hạch
hỏi hành hạ tôi ngay hôm sau, khi tối đêm trước, tôi kể cho bạn tù cùng
nằm chung chỗ nghe. Tôi nghĩ rằng con người ta:
Có thể có nhiều người không tin bốn chữ viết ở trên, bởi vì nó
có tính cách trừu tượng. Nhưng đối với tôi là một sự thật, một chuyện có thật
trong cuộc đời chinh chiến.
Từ ngày tôi bước vào Trung Tâm Tuyển Mộ và Nhập Ngũ số 2 tại
NhaTrang, đến ngày tôi gục xuống bởi những viên đạn của kẻ thù trong thời điểm
đau thương, đen tối của Miền Trung sắp rơi vào tay CS, có tổng cộng chín năm ba
tháng mười lăm ngày của đời Lính.
Suốt thời gian không dài ấy của một người lính trận, tôi đã gần
gũi nhiều với hiểm nguy. Đã có sáu lần tôi tưởng như phải chết, nhưng dường như
có một phép mầu huyền diệu nào đó đã cứu tôi.
Mãi về sau, mới biết được do đứa em gái tôi dù đã chết tuy
mới chỉ là cái bào thai ba tháng tuổi trong bụng Mẹ. Nó đã hiện về báo cho Ba
Má tôi biết sự hiện diện của nó bên cạnh những bước chân tôi đi lúc hành quân.
Và nó đã cứu tôi!
Có nhiều chuyện tôi tưởng đã chết, nhưng vẫn sống, một trong sáu
câu chuyện tôi sắp kể ra đây là câu chuyện cuối cùng, vì cuộc chiến cũng chấm
dứt. Nhiều người không bao giờ tin tôi còn sống. Bộ Chỉ Huy Pháo Binh trong Sài
Gòn nhận được tin tôi bị thương và mất tích trong lúc Quy Nhơn thất thủ. Những
ngày trong trại tù năm đầu tiên ở Long Giao và cả khi chuyển ra Bắc, tôi gặp
lại những cấp chỉ huy của tôi, họ đều ngạc nhiên bảo rằng: “Ủa! Anh chết rồi
mà…” hay ngay tại thành phố Houston, bạn bè vẫn cho rằng tôi đã chết, người
khác thì nói đang ở Houston đây.
Câu chuyện hoàn toàn sự thật, tôi kể để chứng minh con người
sống và chết đều có số, và từ những lần thoát chết buộc tôi phải tin như vậy.
Sống Chết Có Số
Tôi bước ra khỏi chiếc xe Jeep chỉ được hai phút, một trái 82 ly
của địch rớt ngay tại chiếc xe tôi vừa đậu lại. Một tiếng nổ chát chúa, khói,
bụi đất bốc lên cùng với cột lửa. Chiếc xe hoàn toàn hư hại thành đống sắt đen
ngòm. Tại sao quả đạn lại rơi đúng ngay chiếc xe vừa trờ tới? Lòng không nao
núng chút nào, địch pháo kích bằng súng cối 82 ly giống như gãi ngứa. Đã là
pháo thủ thì rất quen mỗi khi bị pháo kích, chỉ có 130 ly mới ngại hơn như hồi
Mùa Hè Đỏ Lửa trên Dakto, Tân Cảnh.
Tôi bước vội vào Trung Tâm Hành Quân Chi Khu Hoài Nhơn (Bồng
Sơn) thuộc tỉnh Bình Định để tìm hiểu thêm về tình hình địch, mà hiện giờ đơn
vị Pháo Binh 105 ly của tôi đóng sát quận, tầm hoạt động cứ phải thu ngắn dần.
Mới đầu bắn với thuốc nạp bảy, tầm xa tối đa mười một cây số một trăm mét, rồi
dần dần thuốc nạp năm, nạp ba, chỗ địch chỉ còn cách súng ba cây số rưỡi.
Từ khi chiến trường vùng này nổi sóng, đơn vị tôi đóng tại căn cứ Thiết Đính
cũng nằm trong lãnh thổ quận Hoài Nhơn, có nhiệm vụ yểm trợ trực tiếp cho Trung
Đoàn 47 Bộ Binh. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn đang đóng trên đỉnh Đèo Phù Củ cách tôi
mười cây số.
Áp lực địch nặng hơn, tôi được lệnh kéo về đóng trong khuôn viên
của quận Hoài Nhơn (Bồng Sơn), và cũng yểm trợ trực tiếp cho Trung đoàn 47, gồm
4 tiểu đoàn Bộ Binh đang hành quân trong 4 cánh, đồng thời cũng yểm trợ cho các
đơn vị Địa Phương Quân xung quanh quận.
Ngoài ra còn có một Pháo Đội B/105 ly đang đóng cạnh Bộ Chỉ Huy
Trung Đoàn, cũng yểm trợ trực tiếp cho 47 và cho cả tôi, nếu tôi bị tấn công.
Tôi rời Trung Tâm Hành quân quận Hoài Nhơn trở về vị trí Pháo Đội bằng một
chiếc xe khác do Pháo đội chạy đến đón.
Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực Trung Đoàn ra lệnh cho tôi thám sát
vị trí để ZULU (di chuyển) đến một vị trí khác để cho việc tác xạ yểm trợ đơn
vị bạn được thuận lợi hơn, và phải tiến về hướng Nam Bồng Sơn.
Tôi và một sĩ quan khác lái xe băng qua cầu Bồng sơn, cuối cùng
tìm được một khoảng đất trống bên kia sông Lại Giang, ngay ngã Ba quốc lộ số I
và đường đi lên quận Hoài Ân. Một miếng đất chỉ vừa đủ đặt 6 khẩu đại bác và
đào một hầm đạn gần đó.
Những ngày hành quân của một đơn vị Pháo Binh, cực nhất không
phải là tác xạ suốt ngày đêm, mà là vác đạn, mỗi lần được tiếp tế, phải vác từ
trên xe xuống chất vào kho đạn, hoặc vác đạn lên xe trước khi di chuyển. Lệnh
hầu như bất di bất dịch của các quan lớn hơn rằng: “Luôn luôn đạn pháo binh
phải có kho đạn bảo vệ, tránh bị nổ kho đạn khi bị địch pháo kích.”
Vừa gióng hướng súng xong, báo cáo sẵn sàng tác xạ, thì đơn xin
tác xạ tới tấp gởi về từ các toán Tiền Sát Viên Pháo Binh ngoài chiến trường.
Các Sĩ Quan Đề Lô rất gan dạ, gọi bắn rất gần quân bạn, mà có lúc trên nguyên
tắc không cho phép. Quang cảnh sinh hoạt của Pháo Đội rất náo nhiệt, tiếng nạp
đạn, tiếng nổ viên đạn rời nòng súng liên tục vài giờ đồng hồ. Địch quân chưa
phát giác kịp vị trí pháo của tôi để pháo kích. Chúng nó rất căm ghét pháo
binh, luôn tìm mọi cách xóa sạch các vị trí pháo binh của phe ta.
Vừa chấm dứt một nhiệm vụ tác xạ cho toán Đề Lô của Tiểu Đoàn
3/47 thì nhận được lệnh từ Trung Tâm Phối hợp Hoả Lực Trung Đoàn, nơi có quyền
hành phân phối hỏa lực và ra lệnh trực tiếp đến các căn cứ hoả lực phải thi
hành. Họ ra lệnh cho tôi trên hệ thống vô tuyến: “Anh phải bắn sập cầu Bồng
Sơn.” Tôi trả lời: “Hãy ra lệnh cho một Tiền Sát Viên nào điều chỉnh tác
xạ.”
Sau nhiều loạt đạn điều chỉnh, một nhịp cầu Bồng sơn gần giữa cầu gục xuống. Tiếp theo đó tôi nhận lệnh Zu Lu vào phía hướng Nam lần nữa. Lại có dịp vác đạn lên xe, tôi không vác đạn nhưng tưởng những giọt mồ hôi cũng lấm tấm trên trán.
Sau nhiều loạt đạn điều chỉnh, một nhịp cầu Bồng sơn gần giữa cầu gục xuống. Tiếp theo đó tôi nhận lệnh Zu Lu vào phía hướng Nam lần nữa. Lại có dịp vác đạn lên xe, tôi không vác đạn nhưng tưởng những giọt mồ hôi cũng lấm tấm trên trán.
Pháo Đội rời vị trí Ngã Ba Sông Lại Giang, lòng bùi ngùi nhìn
dòng nước lững lờ trôi, nhiều cồn cát phơi lưng giữa dòng sông hiu quạnh, xa xa
chiếc cầu gãy một nhịp gục xuống dòng nước nhuốm màu tang thương chi lạ. Pháo
đội kéo đến đóng dưới chân đèo Phù Củ, cạnh Bộ chỉ Huy Trung Đoàn cùng với một
pháo đội 6 khẩu 105 ly khác cũng của Tiểu Đoàn tôi.
Từ đây tôi đủ tầm xa để yểm trợ thoải mái cho các cánh quân còn
đang giao tranh bên kia cầu Bồng Sơn, chiếc cầu hiền hoà bắc ngang sông Lại
Giang đã mang trong mình nhiều dấu tích chiến tranh từ thuở mùa hè đỏ lửa và
trước đó, nay cũng vừa gẫy đi một nhịp.
Tôi báo cáo số đạn đã xuống tới dưới mức an toàn, nên bắt đầu
hạn chế tác xạ, chỉ ưu tiên dành cho những cuộc chạm địch nặng. Đến khi mặt
trời đã đi ngủ hẳn, Pháo Đội được lệnh thế lên đường di chuyển về Đồi Vạn An,
chiếm đóng và ngủ đêm ở đó. Tôi thương những người lính quá chừng; phải vác
đạn, những quả đạn được đóng kín trong thùng gỗ pháo binh, hai quả một thùng
nặng 50 ký lô.
Lệnh ban ra biết làm sao mà không thi hành cho lính bớt vất vả.
Vừa tác xạ, vừa vác đạn chất lên xe để 30 phút nữa thì “ZuLu.”
Buổi tối tôi liều mạng không cho lệnh vác đạn xuống, cứ để
nguyên trên xe chở đạn, cho ngày mai đỡ cực. Đêm hôm ấy địch cũng không theo
kịp tôi và không phát giác vị trí đóng quân, nên không bị pháo kích. Cơ thể nhừ
nát mệt mỏi, ngủ gật gù tạm dưới cái hầm lính vừa đào, chất vài thùng đạn trống
bỏ đất bên trong che chắn nếu bị pháo kích thình lình trong lúc đang ngủ. Lại
có lệnh tiến về hướng Nam, người không tỉnh táo và thi hành như cái máy. Tôi ra
lệnh thế lên đường.
Vừa đặt chân đến Đèo Nhông, Việt Cộng đã chào đón ngay bằng hoả
tiển 122 ly và phòng không của địch, một khẩu đại bác bị bể bánh xe. Tất cả
súng được rời khỏi xe, và gióng hướng súng tác xạ về hướng xuất phát hoả tiển
122 ly. Cũng may có quan sát viên phi cơ trên trời điều chỉnh tác xạ nên khẩu
122 đã bị khóa họng nhưng phải mất đến một ngày mới giải toả được cái chốt tại
Đèo Nhông.
Khi giải toả được con đường từ Đèo Nhông về Phù Mỹ, trời tối như
mực, cả đoàn xe 12 chiếc GMC kéo súng và chở quân dụng, đạn đại bác, ba xe
Dodge truyền tin, và ba chiếc Jeep lăn bánh về hướng Căn Cứ Trà Quang (Phù Mỹ).
Dân chúng di tản nằm kẹt ở đây đã nhiều ngày, đói khát, uà leo lên các xe của
Pháo Đội mong được quá giang đến đâu hay đến đó. Không thể ngăn cản được, thôi
thì liều mạng chấp nhận còn hơn bỏ họ ở lại đây, mặc dù tôi biết là mình đang
hành quân chứ đâu phải di tản, một lát nữa đây nếu đụng trận thì làm sao lo
được cho dân.
Đoàn xe chạy rất chậm vì không tin tưởng trên đoạn đường đang
đi, và để giữ yếu tố bí mật, Đại Tá Lê Cầu, Trung Đoàn Trưởng, giờ này coi như
vị Tư Lệnh Chiến Trường tại đây ra lệnh không mở đèn xe. Phải có một người lính
cầm đèn Pin đi thụt lùi ra dấu cho mỗi chiếc xe.
Đi hành quân, vừa đi vừa đánh mà sao giống đi ăn trộm vậy không
biết, nhưng tinh thần rất an tâm không lo sợ điều gì có thể xảy ra bất ngờ. Tôi
tin tưởng con người nếu phải chết thì đó là số mệnh. Đang giao chiến đạn tránh
ta chứ ta không thể nào ta tránh đạn.
Chúng tôi vào đến Phù Mỹ cũng quá nửa đêm, vừa quẹo vào cổng căn
cứ Trà Quang, một căn cứ của Trung Đoàn 42 Bộ Binh phe ta. Một khẩu đại bác nữa
bị trúng đạn pháo kích 82 ly của địch, chỉ làm xẹp bánh. Vẫn tiếp tục vào trong
căn cứ rồi mới tính. Pháo thì cứ pháo, ta thì cứ đi, trời kêu ai nấy dạ mà.
Lúc vào tối cổng căn cứ đoàn xe bị pháo kích, nhanh như chớp gần
cả trăm người dân nhảy xuống xe, và biến đâu mất hết. Vẫn phải gióng hướng súng
quay ngược ra hướng bắc bắn yểm trợ cho các Tiểu Đoàn còn phía ngoài đó.
Ba ngày tại căn cứ Trà Quang, vì để bảo toàn lực lượng không cho
địch phát giác mình đóng quân chỗ nào, nên mỗi sáng sớm phải kéo súng ra khỏi
căn cứ và chiếm đóng vị trí tại mỗi ngày khác nhau để tiếp tục yểm trợ quân
bạn.
Sáng nay cũng như những buổi sáng khác, sau khi binh sĩ cơm nước
xong, chuẩn bị kéo súng đến chỗ khác để sẵn sàng tác xạ, người âm thoại viên
đến chào và nói: “Trình Đại Úy có Sao Băng muốn gặp.”
Tôi hiểu là có chuyện quan trọng nên muốn gặp trực tiếp. Ông là
Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 155 ly (không phải của tôi), nhưng là vị Chỉ Huy
Trưởng Trung Tâm Phối hợp Hoả Lực Trung Đoàn 47 Bộ Binh, mà tôi đang dưới quyền
chỉ huy hành quân của ông. Tôi bước vội vào căn hầm truyền tin cầm ống liên
hợp: “Sao Băng! Đây Mộc Tinh tôi nghe.”
Ông chỉ Huy Trưởng ra lệnh: “Anh hướng những con gà của anh về
hướng tôi sắp đi và sẵn sàng gáy khi cần, giữ yên vị trí, và sẽ ZuLu khi có
lệnh.” Tôi hiểu rõ rằng Trung Đoàn đang chuẩn bị di chuyển về hướng Nam,
và tôi không phải kéo súng ra chỗ khác. Ở tại chỗ, sẵn sàng bắn yểm trợ cho ông
ta khi đụng địch. Sau đó sẽ thế lên đường khi có lệnh của ông ta.
Tôi tập họp hàng quân và ban lệnh mới cũng như sắp xếp đội hình
Pháo Đội khi di chuyển, và nhắc lại tư thế tác chiến cá nhân khi bị phục kích.
Tôi chỉ định Trung Uý Lê Văn Sinh, Pháo đội Phó kiêm Sĩ Quan Tác xạ Pháo Đội,
đi sau cùng đoàn xe để quan sát mọi diễn biến phía sau. Trung Úy Sinh là bạn
học cùng trường Nam Tiểu học Nha Trang sau tôi ba lớp, về sau cũng học Võ Tánh
Nha Trang. Sinh là em ruột của vị Tiếu Đoàn Phó Lê Văn Nhanh mà tôi đang dưới
quyền. Lê Văn Sinh tốt nghiệp khoá 26 Thủ Đức được về Pháo Đội của tôi cũng vì
ông Tiểu Đoàn Phó này muốn gởi cho tôi trông chừng giùm vì người em hay nhậu và
quậy quá. Tôi đối xử với Sinh trong tình bạn ngày xưa nhiều hơn là thuộc cấp.
Đoàn xe và quân Bộ Binh đang tiến vào Nam rất chậm vì lục soát
hai bên đường. Tôi chờ mãi không thấy cho lệnh tôi “thế lên đường.” Tôi
sốt ruột nên bốc máy gọi phía trước: “Hồng Hà! Đây Mộc Tinh! Tôi vẫn ngủ
hay đi kiếm ăn?” Bên kia trả lời vội vã như chợt nhớ ra điều gì: “Anh đi
đi.”
Thế là cả Pháo Đội nhổ neo, vừa rời Trà Quang chỉ ít lâu, lúc
ngang qua Nhà Thờ Đổ thì Pháo Đội bị phục kích. Nhiều loạt đạn AK từ bên trong
và trên triền cao hơn mặt đường của cái Nhà Thờ cũ kỷ đổ nát hoang tàn bắn ra.
Bọn địch đang núp trong ấy, chỗ này rất tiện lợi cho việc phục kích, và thường
xuyên chúng phục kích đoàn xe. Nó trở thành một địa danh nổi tiếng nguy hiểm.
Buộc lòng chúng tôi ngừng xe lại và tất cả nhào xuống hai bên lề
đường với tư thế nằm bắn trả. Bọn địch núp bên sau các bờ tường gạch có lẽ an
toàn, chắc không hề hấn gì, vả lại các pháo thủ không chuyên nghề đánh nhau như
bộ binh. Tôi gọi máy báo cho phía trước (chắc đã xa ngút ngàn rồi) biết tôi bị
phục kích, và hỏi phía trước có an toàn hay không. Họ trả lời cứ đi.
Tôi nghĩ mình nằm lại đây chẳng ích lợi gì, nguyên tắc bảo vệ
cho Pháo Binh trong lúc chiếm đóng và di chuyển là phải có Bộ Binh hoặc Thiết
Giáp. Bây giờ thì chỉ một mình, thật nguy hiểm. Tôi ra lệnh tiếp tục di chuyển,
mà không cần biết tổn thất địch và ta. Không nghe Trung úy Sinh báo cáo gì hết.
Sau khi bị phục kích dường như các tài xế sợ hơn nên tăng tốc độ
hầu tránh được những vụ bắn sẻ hai bên đường. Tôi nhìn thấy cái kim đồng hồ tốc
độ của chiếc Jeep gần như đến hết chỗ tối đa. Xe tôi đi đầu, trên xe có tài xế,
tôi và ba người hộ tống ngồi phía sau. Trên tay ai cũng lăm lăm khẩu M16 trừ
tài xế đang căng thẳng tinh thần.
Khi đến gần Cầu Cương, tài xế của tôi quên bẵng đi là chiếc cầu
này đã bị VC giật mìn sập từ lâu; nguyên một nhịp đã nằm hẳn xuống dòng nước.
Công Chánh đã cho ủi một con đường đất tạm chạy vòng phía bên trái cầu, hai bên
đường đất tạm có hai mương thoát nước lớn và sâu, cỏ lau sậy mọc um tùm. Phía
bên kia đầu cầu có một cái Lô Cốt dành cho lính Địa Phương Quân trú đóng, và
canh giữ cầu 24/ 24.
Nhưng giờ thì không còn lính Địa Phương Quân trong đó nữa, mà
được thay thế bằng 8 tên Việt Cộng. Khi Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 47 đi ngang qua,
vì lực lượng mạnh quá nên VC trong Lô Cốt trốn. Bộ Binh ta cũng không phát
giác. Đến khi chỉ một mình đơn vị tôi đến thì họ ra tay.
Chiếc xe của tôi chạy đầu với tốc độ quá nhanh, đến sát đầu cầu
mà vẫn không thấy tài xế giảm tốc độ và cũng không có dấu hiệu gì là quẹo cua
xuống đường đất chạy tạm. Tôi thét lớn: “Cầu gãy” và nhanh như chớp tôi đưa tay
bẻ tay lái sang trái thay thế tài xế. Chiếc xe vì quẹo gấp hay do một quả B40
từ đầu cầu bên kia bắn sang, chiếc xe lật nằm nghiêng. Tất cả mọi người đều
văng ra khỏi xe, tôi không kịp nhìn thấy ai nữa. Cũng may nhờ bẻ quẹo tay lái,
chứ nếu không thì chiếc xe lao xuống cầu, chắc là chết ngay.
Tôi có mặc chiếc áo giáp nhưng không kéo dây kéo phía trước để
bảo vệ bụng và ngực. Tôi nhìn thấy máu đầy phía trước áo vì mảnh B40 ghim thẳng
vào bụng và ngực. Ở cổ tay trái một vết thương khá to. Máu đang chảy dưới đùi
phải lổ chổ nhiều vết thương, máu cũng đang ứa ra và chiếc quần trận đã rách.
Có lẽ vì mảnh đạn đến quá nhanh chăng, nên tôi không biết đau.
Tôi biết rõ đã bị thương nhiều chỗ trên cơ thể lúc ấy, tuy có
một chỗ ở trên trán giữa hai mắt mãi về sau mới biết. Như một phản xạ tự nhiên
tôi chụp vội cây súng, nón sắt thì không tìm thấy ở đâu; tôi lao mình vào con
đường mương trước mặt và bò về hướng cái Lô Cốt. Khi đến gần còn chừng bảy tám
mét, tôi dừng lại. Tôi thấy thật rõ từng tên VC một đang ngóc đầu lên để bắn về
phía pháo đội, hoặc hụp xuống trốn mỗi khi lính tôi bắn trả.
Tôi nâng khẩu M16 lên nhắm bắn, tin chắc như đinh đóng cột rằng
sẽ trúng đích vì quá gần. Nhưng ác thay, tay trái tôi bị một mảnh B40 phá phần
thịt thành một lổ lớn quá, máu vẫn chảy, không cách chi nâng khẩu súng lên nổi.
Tôi đành gục đầu xuống nằm đó, chắc vì máu đã ra nhiều nên bắt đầu thấy mệt.
Mãi một lúc sau tôi ngóc đầu lên nhìn về hướng chiếc xe thì thấy
người lính của tôi, anh Kiều Xuân Ba đang bò tiến đến chiếc xe Jeep tìm tôi.
Kiều Xuân Ba là Hạ Sĩ Nhất tài xế của ông Trung tá Tiểu Đoàn Trưởng, vì có tội
ham đánh bài nên bị đưa ra Pháo đội tôi. Anh ta rất dễ thương, tướng người cao
lớn hiền lành. Mới đầu tôi để anh ta làm tài xế cho xe tôi, bất cứ giờ giấc nào
trong đêm tôi đi tuần anh ta đều cầm súng đi theo. Nhưng anh cũng không quên
tật ham đánh bài nên tôi đã đưa ra lái xe kéo súng.
Kiều Xuân Ba nghe tiếng gọi của tôi, quay lại nhìn thấy và rút
quả lựu đạn ném ra phía phải, rồi chạy thục mạng về phía tôi. Tôi nằm ngữa quay
đầu về hướng Lô Cốt. Kiều Xuân Ba ngồi ngang vai tôi, quay lưng về phía Lô Cốt,
rút cuộn băng cá nhân trên chiếc nón sắt băng vết thương trên cổ tay tôi, vết
thương bầy nhầy và đầy máu còn đang chảy. Khi mối cuối cùng của cuộn băng chưa
kịp nhét vào, thì tôi nghe một tiếng “bịch.” Kiều Xuân Ba ngã xuống chết
ngay tức khắc. Trời ơi! Ba đã chết rồi. Anh ta chết vì tôi, tôi xúc động quá
chừng!
Như một phản ứng tự nhiên, tôi cố ngồi dậy xem từ hướng nào bắn
Kiều Xuân Ba. Tức thì tôi nghe một tiếng “chát” rất lớn bên tai. Tôi chỉ kịp
chụp tay vào chỗ vừa bị đau trên ót sau tai trái, tay tôi cảm thấy ướt, tôi
biết ngay là mình bị thương. Liền ngay khi ấy tôi hiểu có lẽ tôi sẽ chết vì vết
thương này. Mắt hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa, chỉ một màn đen, tai cũng
không nghe tiếng động. Tôi nghĩ ngay đến người vợ đang ở Sài Gòn, dường như tôi
nói thầm: “Anh chết em à.” Và tôi biết trước giờ mình phải chết, ngay tức
thì sau đó tôi ngã xuống và bất tỉnh.
Mọi sự diễn biến rất nhanh trong tích tắc, tôi đã hiểu thế nào
là chết. Bị bắn hoàn toàn không có cảm giác đau đớn gì cả, như không có chuyện
gì xảy ra. Tôi ngã xuống và xem như vĩnh biệt, tai tôi hoàn toàn không nghe một
tiếng động, tôi ngủ một giấc ngon lành êm ả, không biết mọi thứ xung quanh.
Bỗng nhiên, tôi tỉnh dậy sau bao lâu tôi không hề biết. Mắt đã
nhìn thấy cảnh vật xung quanh, tai đang nghe tiếng súng nổ, hai bên vẫn còn
đang bắn nhau. Dường như những tên VC trong Lô Cốt vẫn còn nguyên thì phải. Thì
ra mình chỉ bất tỉnh, những viên đạn có lẽ chạm mạnh thần kinh tai và mắt nên
chỉ làm tê liệt một thời gian ngắn. Mãi sau này tôi mới biết có ba lỗ đạn, mỗi
lỗ cách nhau khoảng một phân rưỡi, hướng đi vô sau ót gần lỗ tai trái, như vậy
là có ba viên AK. Nhưng ba viên đạn cùng đi ra chung một lỗ bên má trái gần
xương hàm trái, ba viên đạn xuyên phá tạo thành một lỗ lớn trên má.
Tôi tin rằng có một phép mầu nào đó. Một bàn tay vô hình đã làm
các viên đạn chệch hướng không đi thẳng vào óc, nên tôi vẫn còn sống. Ai nhìn
thấy vết thương từ sau ót xuyên qua phía trước đều kinh ngạc:“Vậy mà không
chết!” Tôi cám ơn Người đã cứu tôi.
Khi nhận biết hai bên vẫn còn đánh nhau, chưa giải quyết được
gì, tôi cũng nhớ lại rằng mình không còn cầm cây M16 để bắn được. Tôi rút cây
Rulô vẫn còn bên hông ra cầm trên tay để tự vệ. Tôi nghĩ bụng, nếu tụi nó xáp
tới, tôi sẽ bắn chúng và tự sát.
Nằm hoài chỗ ấy cũng thấy không ổn, tôi tự hỏi sao mình không bò
lui lại chỗ Pháo đội mình. Tôi nhớ lại cái thế bò hỏa lực nằm ngữa đã học trong
trường Thủ Đức, thế là bắt đầu bò len lỏi dưới những tàn lau sậy, mắt vẫn dõi
trông cái Lô Cốt. Khi nào thấy bọn nó chui ra khỏi Lô Cốt thì tôi ngưng bò để
chúng không nhìn thấy.
Cuối cùng tôi cũng đến được chỗ chiếc xe Jeep còn nằm lật
nghiêng, chiếc máy VRC-47 trên xe vẫn còn tiếng “sôi” rè rè. Tôi bò xung quanh
xe tìm cái ống liên hợp, nhưng máy đã không còn liên lạc được.
Trong khi loay hoay ở chỗ này thì lính tôi thấy được và họ la
lớn “Đại Úy bị thương! Đại Úy bị thương!” Họ tập trung hỏa lực uy hiếp
địch, và một toán khác nhào tới khiêng tôi ra phiá sau. Họ đặt tôi dưới lề
đường sát bờ ruộng thấp hơn mặt đường khuất tầm quan sát của quân địch, tiếng
người thượng sĩ thường vụ Pháo Đội hò hét điều động bắn trả lẫn với tiếng gọi
Hạ Sĩ Mai, y tá tới băng bó vết thương cho tôi. Tôi nói không mở mắt: “Trung Uý
Sinh đâu rồi.”
Có ai đó trả lời: “Dạ! Trung Úy ở phía sau.” Tôi bảo: “Gọi
Trung Úy Sinh đến đây và mang lại đây cái máy PRC 25.” Một lúc ngay sau
đó Trung Uý Sinh đến nói không lớn “Tôi đây Đại Úy.” Tôi cũng không mở
mắt nói với anh Sinh: “Sao anh không trực xạ bọn chúng? Nó ở hết trong
cái Lô Cốt kia kìa.”
Đại bác 105 ly có thể trực xạ 900 mét (bắn thẳng) rất chính xác,
khi hạ nòng và nhìn mục tiêu xuyên qua nòng súng còn được huống hồ gì cái Lô
Cốt chỉ cách 50 mét đối với khẩu độ đang nằm đầu tiên. Chỉ cần một quả cũng đủ
tan xác cái Lô Cốt, thế mà chúng tôi lại để nó sống khá lâu từ lúc bị bắn quả
B40 đầu tiên đến giờ, làm chết Kiều Xuân Ba và 8 người khác bị thương.
Trong lúc Trung Uý Sinh chạy lo trực xạ , tôi bảo gọi Trung Tâm Phối Hợp Hoả Lực đang ở phía trước . Tôi cầm ống liên hợp: “Hồng Hà! Đây Mộc Tinh (danh hiệu truyền tin riêng tên tôi).” Họ trả lời “Anh nói đi. Đi tới đâu rồi?”
Trong lúc Trung Uý Sinh chạy lo trực xạ , tôi bảo gọi Trung Tâm Phối Hợp Hoả Lực đang ở phía trước . Tôi cầm ống liên hợp: “Hồng Hà! Đây Mộc Tinh (danh hiệu truyền tin riêng tên tôi).” Họ trả lời “Anh nói đi. Đi tới đâu rồi?”
Tôi nói “Hồng Hà! Đây Mộc Tinh, nhà tôi đang bị Phú
Quốc Kinh Kỳ (đang bị phục Kích ).”
Đầu máy bên kia bảo: “Anh cần gì cho biết?”
— “Tôi cần trực thăng võ trang yểm trợ”
— “Giờ này không còn trực thăng nào nữa”
Tôi bảo “Thế thì cho mấy con Gà cồ gáy cho tôi!”
— “Ở đâu?”
— “Hai bên Cầu Cương cách 150 mét.”
Tôi sợ bọn nó xung phong nên phải dùng pháo binh, một Pháo đội B
đang di chuyển cùng với Trung đoàn. Chỉ có vài phút sau đạn được gởi cho tôi,
trong lúc ấy cái Lô cốt đã được san bằng và 8 tên VC cũng tiêu diêu rồi. Những
người lính cầm những cây AK đến khoe với tôi, tôi nhận ra tiếng nói một trong
những người ấy qua giọng Bắc Kỳ của Trung Sĩ Linh, Hạ Sĩ Quan Đạn dược
“Tụi nó chết hết rồi Đại Úy à, đây súng tụi nó tụi em lấy nè.” Tôi cố mở mắt
ra nhìn cho mấy đứa em vui lòng.
Tôi đang mừng vì đã giải quyết xong cái Lô Cốt, đầu máy phía
trước gọi tôi: “Mộc Tinh! Đây Sao Băng gọi.”
Người lính đưa máy cho tôi, tôi nghe tiếng ông Trung Tá Trung
Tâm Trưởng Trung Tâm Phối Hợp Hoả Lực ra lệnh: “Anh dùng M14 đi. Ở phía trước
cũng như vậy.” Xử dụng M14 là một mệnh lệnh mà cả đời một pháo thủ không
bao giờ muốn nhận. Nó làm tôi xây sẫm mặt mày và tuyệt vọng. Đây là lần đầu
tiên trong đời làm lính Pháo Binh tôi nhận lệnh này. Bỏ lựu đạn M14 vô nòng
súng phá hủy đại bác để địch không còn xử dụng được nữa. Có nghĩa rằng mạnh ai
nấy chạy?
Tại sao phải đến tình huống như thế này? Cái giây phút này
làm rã rời tâm trí và thân xác, đau đớn gấp trăm lần hơn bị thương. Tôi vừa
hiểu được chuyện gì sắp xảy ra kế tiếp. Tôi cho gọi Trung Úy Pháo đội Phó tới
và ra lệnh:
— “Anh Sinh! Anh dùng lưụ đạn M14 đi. Tôi lập lại một lần nữa
mệnh lệnh rất quan trọng này. Anh nghe rõ không, anh dùng M14.”
Sinh chạy đi lo liệu mọi thứ, và trở lại gặp tôi. Như chợt nhớ
ra rằng Sinh phải thay tôi lo cho cả Pháo Đội tôi bảo Sinh:
— “Anh rút trong túi quần bên đùi phải tôi, tiền nuôi ăn
binh sĩ 100.000 đồng. Cố gắng đưa anh em về đến hậu cứ Tiểu đoàn an toàn. Còn
tôi có lẽ phải tản thương.”
Sinh kéo số tiền ra khỏi túi quần, máu dính đầy tiền, vì vết
thương tại đùi chảy náu xuống cái túi gần đó. Sinh nói trong tiếng như khóc vì
xúc động sắp xa tôi, và sắp nhận lãnh một nhiệm vụ nặng nề hơn trong niềm tuyệt
vọng đã phá súng. Pháo Thủ mà không đại bác thì còn gì Pháo Thủ và có lẽ vì
tiền đầy máu Sinh nói không ra lời:
— “Trời ơi! Tiền máu không à Đại Uý ơi!”
Tôi hỏi Sinh “Anh em có ai sao không?”
— “Dạ có Kiều Xuân Ba chết, Thiếu Uý Đúng bị thương, và 8 binh
sĩ nữa.” Sinh kể tên những người lính và Hạ Sĩ Quan bị thương, trong đó
có tất cả 4 người trong xe tôi, không kể tôi vì đạn B40 ngay từ đầu.
Tôi nghe tiếng người Trung Uý Pháo Đội Phó thay tôi ra lệnh binh
sĩ dưới quyền:
— “Tìm một chiếc xe nào còn có thể chạy được, chở Đại Uý, Thiếu
Úy Đúng và những anh em bị thương chạy tìm Trung Đoàn để tản thương. Còn các
anh em còn lại bỏ tất cả quân dụng ở lại, chỉ mang theo súng đạn cá nhân và đi
theo tôi trong đội hình.”
Tôi được bỏ nằm trên chiếc băng ca đặt dọc theo thùng xe GMC.
Những người khác cũng nằm xung quanh trên sàn xe. Hạ Sĩ Nhứt-Y tá thì được giữ
lại đi cùng pháo đội. Tôi được mang theo một bịch nước biển và túi bông gòn, cứ
chạy chừng 15 phút tài xế ngừng lại leo lên xe phía sau lấy bông gòn thấm nước
biển chậm vào môi cho tôi đỡ khát nước, và tuyệt đối không cho tôi uống nước;
bị ra máu nhiều nếu uống nước sẽ dễ chết.
Tôi cứ đinh ninh rằng xe chở tôi gặp Trung Đoàn sẽ xin trực
thăng tản thương, ai ngờ lúc ấy là giờ phút vĩnh biệt tất cả anh em binh sĩ.
Đâu có ngờ là sẽ mất luôn Miền Nam đúng một tháng sau. Ngày tôi bị thương là
31/ 3. Ngày mai mất Bình Định.
Sau nhiều giờ đồng hồ, chiếc xe GMC chở tôi và các anh em khác
đã bắt gặp Trung Đoàn. Tôi bị chứng ngũ sắc hoa mắt chỉ thấy toàn những màu
xanh đỏ tím vàng mà không còn nhìn thấy gì hết, nhưng tai vẫn nghe được. Thì ra
Trung Đoàn cũng bị chận lại không di chuyển dễ dàng. Không biết lúc ấy Bộ Binh
còn hàng ngũ và theo lệnh chỉ huy của cấp trên hay không. Tôi nghe thấy tiếng
ông Đại Tá Lê Cầu, Trung Đoàn Trưởng 47, người rất thân thiện leo lên xe thăm
tôi, và ra lệnh cho thuộc cấp “Khiêng tất cả anh em Pháo Binh qua bên kia sông
và bỏ lên chiếc xe của mình tiếp tục chở họ đi.”
Tôi cũng nghe lần lượt tiếng nói của Đại Úy Chương, Sĩ Quan Trực
của Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực Trung Đoàn, của ông Trung Tá Nguyễn Trùng Hanh,
Tiểu Đoàn Trưởng tiểu Đoàn 220 PB và các người khác leo lên hỏi thăm tôi. Không
ngờ lần ấy là lần sau cùng không bao giờ gặp nữa.
Lính Bộ Binh đã khiêng tất cả chúng tôi qua bên kia sông bỏ lên
một chiếc xe khác. Tài xế bây giờ không còn là lính của tôi nữa, coi như tôi
thực sự “bị lạc đàn” bởi vì chỉ có lính của mình mới lo cho mình nặng tình hơn
là khác binh chủng.
Chiếc xe chaỵ cũng được khá lâu trên những miếng đất gồ ghề
(không còn được chạy trên quốc lộ nữa). Bỗng chiếc xe dừng lại, im lặng một
lúc, tôi nghe tiếng nói lớn “Bắn vô xe! Bắn vô xe!” Tôi hiểu người
tài xế Bộ Binh này muốn bỏ xe chạy bộ vì không thể lái được nữa, hay là địch
đang bao vây? Tôi sợ bắn vào xe sẽ chết người trên xe nên tôi la lớn “Đừng bắn!
Có người trên xe.”
Giây phút này tôi thực sự bị đau điếng trong lòng, vì tôi biết
chắc rằng không còn ai lo cho tôi nữa. Lính Pháo Binh của tôi đã xa từ sáng.
Lính Bộ Binh họ lo thân họ chưa xong thì lấy gì lo cho tôi. Thà rằng tôi bị
viên đạn đi thẳng vào đầu và chết ngay lúc sáng thì đỡ đau khổ hơn là tôi bị bỏ
rơi lại chiến trường lúc này. Máu và huyết tương vẫn chảy ra ướt lưng áo, nhất
là vết thương ở sau cổ. Tâm trạng tuyệt vọng hoàn toàn. Tôi biết chắc bị ở lại
đây, đến ngày mai rồi cũng chết vì đói khát, vì nhiễm trùng, nếu VC không bắn
khi gặp.
Như một bản năng sinh tồn, tôi cố lết tới gần thành ghế chiếc xe
GMC lấy hai tay dùng hết sức lực kéo thân người nhô cao lên để nhìn ra bên hông
xe, mắt chỉ thấy ngũ sắc nhiều màu quay cuồng, không thấy rõ, chỉ thấy từng
đoàn dập dìu bóng đen chạy ngang qua xe dưới mặt đất.
Tôi mệt quá và gục đầu lên thành ghế xe coi như chấp nhận thương
đau, rồi thiếp đi.
Bỗng có tiếng kêu “Trời ơi! Đại Úy, sao Đại Úy nằm đây?”
Tôi còn nhận biết ra tiếng của Hạ sĩ Nhứt Loan, người Nam, hay làm thịt chó
trong đơn vị. Một mình Loan tình cờ chạy ngang qua đây và nhìn thấy tôi gục
trên thành ghế xe.
Một điều rất may mắn đến cho tôi rằng tôi gặp được người lính
của tôi và ai xui khiến sao để nhìn thấy và đem hết lòng cứu tôi lúc bấy giờ.
Giờ phút này chỉ có tình nghĩa, lương tâm chứ không phải bổn phận của thuộc
cấp. Về sau tôi hiểu em gái tôi xui khiến để người Hạ Sĩ này nhìn thấy tôi, và
đem hết lòng ra cứu giúp.
Loan lẩm bẩm nói một mình như trách ai đó “Sao tụi mày đành bỏ
Đại Úy một mình ở đây?”, rồi Loan nói lớn hơn: “Đại Úy lết ra đây tôi cõng Đại
Úy đi, lết ra lết ra!” Loan nói trong tiếng thở dốc vì chạy bộ đã mệt.
Tôi cũng cố gắng lết ra tới cửa sau xe, tôi nói cho Loan nghe rõ “Sao mà Loan
cõng cho nổi đường còn xa lắm.”
Loan bảo “Kệ nó tới đâu hay tới đó, chắc cũng phải ba bốn
chục cây số nữa mới tới Quy Nhơn.”
Loan đưa lưng vào bảo tôi ôm cổ hắn, chỉ ôm một tay, tay còn lại
bị thương không nhúc nhích gì được. Loan vòng một tay ra sau mông, bợ mông tôi
và bước đi lạng quạng. Tôi biết là không thể nào cõng như thế này lâu hơn được.
Tôi bị trì xuống vì một tay không giữ nỗi thân tôi. Một tay của Loan cũng không
nâng tôi lên hoài được, cứ tụt xuống chốc chốc Loan ngừng lại sốc người tôi
lên. Một tay Loan cầm khẩu M16, tôi nói “Sao không bỏ súng đi.” Hắn
nói “Để tử thủ Đại Úy ạ.” Giữa trưa nắng chang chang, người đẫm mồ
hôi nhưng Loan không hề nao núng, Loan không than một lời. Tôi nhắm nghiền mắt
và phó thác cho định mệnh.
May mắn làm sao, tình cờ Trung Uý Sinh nhìn thấy Loan đang cõng
tôi, Sinh cũng đang đứng giữa miếng đất hoang có nhiều bụi cây, Sinh đi một
mình. Tôi nghe Sinh nói “Để Đại Uý xuống! Để Đại Úy xuống nằm đây, tôi đi tìm
lính của mình.”
Một lúc sau Sinh dẫn về sáu người lính trong Pháo Đội, tôi cũng
không nhìn được là ai. Sinh nói “Để tôi đi tìm cái võng.” Đám lính vây
quanh tôi và hỏi han nói chuyện với Loan, không nói với tôi . Máu và huyết
tương vẫn tiếp tục ứa ra, các miêng băng vết thương khi sáng lúc bị thương bây
giờ có cái còn dính cái rớt lòng thòng. Hạ Sĩ Y tá giờ này đã thất lạc đâu rồi.
Sinh đi đâu khá lâu, mang về một cái võng nylon. Hai người
khiêng bỏ tôi vào võng xong, Trung Uý Sinh nói như ra lệnh “Các anh hai người
một, khiêng Đại Uý đi, đến khi nào mệt thì đổi cặp khác.”
Tôi biết chắc lần này sẽ không hy vọng gì sống để trở về Nha
Trang gặp Cha Mẹ hay về Sài Gòn gặp được vợ mình nữa. Con đường từ đây đến Quy
Nhơn còn quá xa, chắc cũng phải 35 cây số nữa. Tôi muốn Sinh là người chứng
kiến trực tiếp kể lại cho vợ tôi nghe cảnh tượng cuối cùng của tôi sau khi tôi
chết. Tôi bảo Sinh: “Anh Sinh, anh lấy cái bóp trong túi tôi, trong đó có sáu
ngàn và giấy tờ, có hai tấm hình của vợ tôi, anh đem về Sài Gòn và kể lại cho
vơ tôi biết trong giờ cuối.”
Sinh xúc động thật sự, tay cầm cái bóp mà muốn khóc nghẹn lại:
“Dạ tôi hứa.” Cảnh tượng này y chang như trong phim, hay màn kịch trước
giờ vĩnh biệt vậy. Tôi cố nhớ lại nhiều người thân của mình.
Đoàn người gồm tất cả tám người lần lượt khiêng tôi, lúc lên
dốc, lúc xuống suối lội nước bì bỏm. Cứ mỗi lần xuống dốc, thân thể tôi tụt
theo với cái võng nghiêng xuống, lúc lên dốc cũng tụt ra sau. Sinh đã tìm ra
đâu một cái mền rằn ri nylon đắp cho tôi khỏi nắng. Không biết ai đã cho lon
sữa bò đặc còn rất ít, Sinh đưa cho tôi. Cái miệng của tôi hả ra để nút sữa bắt
đầu thấy khó khăn vì đau, có lẽ chỗ ba viên AK thoát ra làm phá thủng má trái
một lỗ khá lớn.
Từ lúc được khiêng võng cũng khoảng giữa trưa, đến 5 giờ chiều
thì vào đến vòng đai ngoài cùng của phi trường Phú Cát. Một phi trường quân sự
khá lớn của Mỹ để lại dùng cho việc tiếp tế cả vùng Bắc Bình Định. Còn đang
ngoài hàng rào kẽm gai, có 3 chiếc C-130 lần lượt cất cánh rời khỏi Phi đạo
trong hàng ngàn tiếng súng phòng không của địch bắn lên từ vòng ngoài phi
trường. Cộng Quân chưa vào được phi trường, chỉ đang pháo kích vào. Tôi cầu
nguyện cho ba chiếc vận tải cơ không trúng đạn.
Vượt hàng rào kẽm gai phòng thủ phi trường là nỗi cam go vì mìn
đầy dẫy. Đã có dấu chân của những người lính Trung Đoàn đi trước, toán
lính pháo binh tám người bước từng bước một theo trên từng dấu chân đi trước để
khỏi dẫm mìn.
Khi võng tôi vào được hàng rào kẽm gai cuối cùng một kho đạn
trong phi trường trúng đạn pháo kích, nổ dữ dội. Phải nói rằng đưa cái võng
chui qua một lỗ nhỏ vừa bằng thân người của mấy chục hàng rào kẽm gai là một kỳ
công ghê gớm, một người chui qua trước, nâng đầu võng, lòn chầm chậm qua khe
hở, cứ như thế cũng vào tới vùng đất bên trong hàng rào cuối cùng.
Vừa đến đây thì toán khiêng gặp được Trung Sĩ Khôi, Khẩu đội trưởng vừa ra
trường hơn một năm, người Sài Gòn, nhà ở đầu Cầu Trương Minh Giảng. Khôi đi lạc
một mình. Vừa gặp, Trung Uý Sinh gọi lớn tiếng từ xa “Khôi! Lại đây khiêng tiếp
Đại Uý.”
Khôi rất vui như được tham dự chung vai cùng anh em, mà từ sáng
đến giờ chưa có dịp. Trung sĩ Khôi kê vai vô cùng với ai trong đoạn đường này
tôi không biết. Nghe Trung Uý Sinh nói: “Có trực thăng rồi Đại uý ơi! Để tôi
tới xin cho Đại Uý đi.”
Vài phút sau Sinh trở lại nói bằng giọng mừng rỡ “Nó cho đi rồi
Đại Úy à!”
Thế là cả đám khiêng tôi tới chỗ trực thăng HU1B đang nổ máy còn
đậu dưới đất, bên cạnh cái mả xây bằng đá tổ ong, và một cây to cao gần giống
như cổ thụ. Trung Sĩ Khôi, người mới vừa kê vai vào khiêng tôi, và Trung Uý
Sinh khiêng tôi rời khỏi cái võng và bỏ lên nằm trên các anh em binh sĩ Bộ Binh
khác đã ngồi trước trên trực thăng. Chiếc trực thăng HU1B theo lý thuyết chỉ
chở 11 binh sĩ sĩ với đầy đủ súng ống đạn dược, nhưng giờ đã phải gồng đến 34
người trên đó.
Tôi không có chỗ ngồi, (mà cũng chẳng ngồi được) vì chật cứng
rồi. Tôi nằm dài trên vai trên cổ của những binh sĩ Bộ Binh. Họ chấp nhận như
vậy, vì thấy trên người tôi có tới 9 vết thương.
Trung Uý Sinh và Trung Sĩ Khôi đặt tôi lên trực thăng xong thì lui ra một
khoảng cách an toàn cho trực thăng cất cánh. Tôi đang nghĩ mình sẽ về Quân Y
Viện Nguyễn Huệ ở NhaTrang để điều trị. Đây cũng là mộng ước thật lãng mạn của
tôi khi còn là học sinh, muốn làm lính trận và được bị thương, điều trị tại
quân y viện để chiều chiều có người yêu tới thăm. Hồi đó sao mà ước mơ ngu quá!
Chiếc trực thăng vừa cất cánh trong tích tắc, tôi nghe một tiếng
“Rắc” rất lớn. Nó khập khừng nâng lên rớt xuống mấy lần rồi rớt hẳn xuống đất.
Tôi bị bất tỉnh, khi mở mắt ra chỉ thấy chiếc trực thăng cách xa tôi đến 5 hay
6 mét. Trên trực thăng trống không, máy không còn nổ, cánh quạt đã ngừng hẵn.
Có hai cái xác bị mất từ ngực trở lên văng đi đâu, không nhận diện được là xác
của ai, nằm song song nhau cách nhau một mét.
Linh tính cho tôi biết một trong hai cái xác không đầu ấy dường
như là xác của Trung Uý Sinh (?) vì cái dáng còn lại rất quen thuộc, người lùn
lùn nhỏ con. Toán khiêng tôi đi từ lúc trưa gồm có 6 người, cùng với Loan cõng
tôi và Trung Uý Sinh là 8, mãi về chiều gặp được Khôi, tổng cộng là 9. Bây giờ
Lính Bộ Binh không còn ai và Phi hành đoàn cũng chạy đi đâu hết. Toán khiêng
tôi gồm cả thảy 9 người, bây giờ chỉ thấy hai cái xác không đầu nằm song song
nhau, và 3 người lính của tôi đứng xa xa không dám chạy lại.
Tôi đưa tay vẫy vẫy ra dấu như còn sống, ba người ấy chạy tới,
tôi thấy nghi ngờ xác nằm ấy là Trung Úy Sinh nên hỏi 3 nguời lính vừa chạy
tới: “Trung Uý Sinh đâu rồi.” Hạ Sĩ Nghiêm, người lính thân cận nhất của
Sinh trả lời như khóc: “Dạ em không biết.” Tôi hỏi tiếp: “Còn lính Bộ
Binh đi đâu hết rồi?” Nghiêm trả lời: “Dạ họ chạy hết rồi Đại Uý ơi!”
Tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra, trực thăng có lẽ vì nặng quá mà
rớt xuống, hay vì cánh quạt chặt trúng cành cây nên có tiếng “ Rắc” trước khi
rớt. Khi rớt xuống, cánh quạt quay nhanh đã chặt vào hai người đang đứng không
xa chỗ rớt. Một nữa thân người của hai xác ấy đã văng ra xa lắm. Lính Pháo Binh
có mang huy hiệu Sư Đoàn 22 trên cánh tay áo, có bảng tên và huy hiệu Pháo Binh
phía trước ngực. Bây giờ không còn thấy gì nữa ngoài hai cái thây người bị đứt
tiện ngay dưới ngực một chút xíu.
Tôi muốn xác nhận một trong hai xác ấy có phải là Sinh hay
không. Tôi nhớ ra sáng nay lúc bị B40 và đạn AK, trước khi tôi được chở bằng xe
GMC rời khỏi Cầu Cương, tôi có bảo Sinh lấy tiền trong túi quần bên đùi phải
của tôi và bảo Sinh giử tiền ấy để nuôi ăn binh sĩ. Tôi nói với Hạ Sĩ Nghiêm:
“Em lại lục một trong hai xác kia coi có tiền hay không.” Tôi không còn
lòng dạ nào để tìm tiền bạc lúc này, mà chỉ muốn nhờ tiền để xác nhận có phải
đúng là Sinh hay không, nếu quả thật có tiền thì đúng rồi.
Nghiêm nói trong sự sợ sệt nghẹn không ra lời: “Em sợ lắm Đại Úy
ơi!” Tôi thúc: “Cứ lục đi đừng sợ!”
Tôi mệt quá nhắm mắt lại và không còn biết gì, đang nửa mê nửa
tỉnh thì tiếng Nghiêm đến cạnh tôi nói rất rõ, và câu nói này tôi nhớ như in
trong đầu từng âm phát ra trong nỗi nghẹn ngào xúc động: “Đại Uý ơi! Nếu Đại Uý
chết rồi thì thôi, nếu còn sống, em báo Đại Uý biết là tiền đã tìm thấy rồi,
thằng Tấn đang giữ tiền ấy.”
Tôi mở mắt ra và nói nhỏ: “À! Thì ra là Trung Uý
Sinh.” Tôi hiểu rằng chiếc trực thăng rớt xuống, Sinh và Khôi sau khi
khiêng bỏ tôi lên trực thăng không lui ra xa mấy nên cánh quạt đã quay manh,
tốc độ cánh quạt giảm nên nó quay nghiêng một bên thấp một bên cao,mới xảy ra
sự đau đớn này. Bình thường người ta đứng không cao bằng chiều cao của cách quạt
trực thăng.
Tôi không hiểu tại sao tôi bị văng ra xa cách trực thăng 6 hay 7
mét và bị bất tỉnh mà không bị thương gì cả. Có lẽ lúc tôi nằm trên vai trên cổ
những người lính Bộ Binh; trực thăng rớt xuống, mấy người ấy văng ra, tôi
bị văng theo. Cũng may là trực thăng không bị nổ hay cháy trong khi tôi nằm
cạnh. Tất cả mọi người đều chạy hết, kể cá đám lính của tôi chỉ còn lại ba
người, trong đó có Nghiêm, Tấn là tài xế xe GMC kéo súng, và Trung Sĩ Minh,
Khẩu trưởng cũng vừa mới ra trường được hơn năm.
Họ xúm lại hỏi tôi một câu: “Giờ sao Đại Úy? Giờ sao Đại Úy?”
trong xúc động thì thào. Tôi hiểu bây giờ tôi là một gánh nặng của mấy đứa em
này. Chúng bỏ tôi không đành, mà cưu mang thì nặng nhọc cho chúng. Nhưng để tôi
nằm lại đêm nay có lẽ cũng sẽ chết, giữa khoảng trống vắng vẻ này đâu có ai
biết mà cứu giúp, nên tôi nói với ba người còn lại: “Hãy cố khiêng tôi vô trong
Phi đạo rồi tính.”
Hai người kê vai vô chiếc cán võng mà Sinh đã làm từ trưa, một
người đi đầu dẫn đường. Trời đã tối dần sao mà ảm đạm thê lương quá! Ngày
cuối cùng đời lính của tôi chăng? Tôi không bao giờ nghĩ ra là sẽ mất
nước! Tôi chỉ nghĩ đang bị VC tấn công vùng đất này, mình tạm rời bỏ và
sẽ tái chiếm lại như hồi Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, đã tái chiếm lại ba Quận Bắc
Bình Định.
Đang đi trong khuôn viên phi trường thì thấy một chiếc xe Jeep của Tiểu Đoàn 4
Phòng Không của phe ta, chiếc xe còn rất mới của một trung đội Pháo Binh Phòng
Không trấn giữ Phi trường. Tấn reo lên: “Có xe rồi Đại Uý! Có xe
rồi! Để tụi em chở Đại Uý đi.”
Nó mừng là phải vì chỉ có ba người khiêng nên mệt quá. Chúng nó
không nở bỏ tôi mà chạy trốn nhưng đeo theo cái cục nợ này thì thật là khổ. Tôi
hiểu rõ tâm lý các đứa em lúc này nên nói: “Cố đưa tôi vào phi đạo rồi trốn đi
được rồi.” Tôi hy vọng vào trong ấy còn máy bay bốc tôi hay ít nhất cũng
không đơn lẻ một mình khi phải nằm đây.
May mắn thay! Chiếc xe Jeep không nổ máy, Tấn thất vọng
trở lại chiếc và cũng hỏi câu cũ: “Giờ sao Đại Uý?” Mãi về sau này tôi
mới hiểu ra rằng chúng tôi rất may mắn. Nếu chiếc xe chạy được thì đời chúng
tôi cũng tiêu tùng vì ăn B4 , khi phải lái xe ra Quốc Lộ. Khắp vùng rộng lớn ấy
địch đã kiểm soát hết rồi. Có điều gì đó khiến chiếc xe không nổ máy được. Tôi
tin như thế!
Tôi giữ nguyên ý định cố vào cho được trong Phi đạo rồi tính
sau, nên khuyến khích: “Hãy cố đưa tôi vào Phi đạo rồi các em về nhà.”
Tôi biết mấy người này có gia đình loanh quanh Phù Mỹ và Phù Cát.
Đoạn đường từ đây vào đến phi đạo rất chông gai, mặc dù cũng
đang trong khuôn viên Phi Trường. Có rất nhiều hàng rào kẽm gai chia ra nhiều
khu vực khác nhau. Mỗi lần đưa được chiếc võng chui qua lỗ hàng rào là cả một
kỳ công, cũng như rất tốn thời gian. Làm gì có kềm cắt kẽm gai để chui qua.
Chúng để tôi xuống đất, ba người thay phiên nhau tìm cách banh lỗ hàng rào cho
vừa đủ chiếc võng. Một người chui qua trước, một người bên này hàng rào nâng
đầu võng đút qua, người bên kia đỡ lấy.
Tôi xúc động biết chừng nào cho tấm lòng của lính không bỏ tôi
vì công lao của họ mỗi lần đi qua một hàng rào kẽm gai. Đâu phải chỉ có một,
phải đến hàng chục lần như thế. Mãi về sau này tôi hiểu được đã có một sức mạnh
vô hình thôi thúc mấy đứa em đã hết lòng với tôi. Tôi mang ơn họ suốt đời.
Cuối cùng, bốn anh em chúng tôi cũng tới được phi đạo. Vừa tới
nơi, một trong ba người lên tiếng trong tiếng thở hổn hển vì quá mệt: “Tới rồi
Đại Uý, tới rồi Đại Uý.” Tôi giữ đúng lời hứa, dù biết rằng mình không
biết sẽ làm gì sau đó, tôi nói: “Tôi cám ơn các em nhiều lắm đã cứu tôi, thôi
cứ để tôi đây, các em trốn, và tìm cách về nhà đi.” Tôi thực sự bị xúc
động với lần chia tay này. Xem như vĩnh biệt, những người lính cuối cùng đã cứu
tôi.
Địch vẫn tiếp tục pháo kích vào bên trong, một kho đạn lửa cháy
rực sáng kèm theo những tiếng nổ của đạn đủ loại. Tôi đoán chừng cũng phải đã
quá 10 giờ đêm rồi. Tôi mệt quá, nhắm mắt lại thiếp đi.
Dường như tôi bị mê thiếp, đến lúc tỉnh dậy không biết bây giờ
là mấy giờ nhưng vẫn biết hôm nay là đêm 31 tháng 3 năm 1975. Ngày tôi bị
thương hai lần và rớt trực thăng, chặt đứt đôi hai người khiêng tôi. Đã có mấy
người vì tôi mà phải vĩnh viễn ra đi.
Tiếng động những bước chân dồn dập tiến tới gần tôi, cùng với
những âm thanh xì xào nghe không rõ. Tôi mở mắt ra thì nhận biết lính của Trung
Đoàn 47 đang từ ngoài vào đến Phi Trường. Đã khuya lắm rồi, lòng tôi mừng hẳn lên
vì giờ không cô đơn nữa. Tôi hy vọng sẽ bám theo toán lính Bộ Binh này.
Họ mệt mỏi, tụ từng đám ngồi xuống nền xi măng nghỉ mệt sau một
ngày hành quân rồi tan hàng và suốt nửa đêm mới vào được tới Phi Đạo. Tôi nhìn
thấy người lính có mang chiếc máy truyền tin PRC 25, tôi vẫy tay bảo anh ấy:
“Anh cho tôi mượn cái máy.” Anh đem đến, tôi nói: “Anh mở cho tôi tần
số…“ Tôi gọi mấy lần về Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn, cấp cao nhất của tôi tại
Sư đoàn 22 Bộ Binh, với hy vọng xin trực thăng tản thương. Tôi nhờ anh lính đổi
tần số nhiều lần, nhưng không có tần số nào có ai trả lời. Mãi khi vào tù tôi
mới vỡ lẽ họ đã di tản Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn vô NhaTrang rồi.
Tôi mệt mỏi tuyệt vọng trả máy lại và cám ơn, tôi chấp nhận số
phận cho Đinh Mệnh an bài. Tôi kéo chiếc mền rằn ri dù vẫn còn mang theo, đắp
lên quá đầu, giống như một người nằm chết.
Có tiếng: “Mở Đường Máu! Mở Đường Máu!” Trời ơi họ lại bỏ tôi trong tư
thế mở đường máu. Mà mở đường máu thì coi như liều mạng để tranh giành sự sống
trong cái chết. Tôi như thế này làm sao cùng mở đường máu? Khi họ lục đục đứng
lên kéo đi, tôi cũng chống cây đòn của chiếc cán võng đứng lên với ý chí quyết
đi theo, than ôi vừa đứng lên chưa trọn thì bị té xuống ngay.
Một cảm giác tuyệt vọng và chấp nhận thương đau trở về, tôi nghĩ bụng: “Thôi
đành cho số phận.” Nhưng dù thế nào tôi vẫn thấy “đau đớn” trong tâm ghê
lắm, mình đang rớt lại trong vũng cô đơn tuyệt vọng, và cái chết đang từ từ đến
với mình.
Xung quanh Phi truờng kho xăng, kho đạn đang cháy và tiếp tục
nổ, VC vẫn tiếp tục pháo kích vào. Một vài nơi có tiếng súng cá nhân chạm địch
khi đoàn người mở đường máu. Tôi đã cố gắng đi theo những người lính Trung Đoàn
47 mở đường máu để thoát ra chỗ này, tôi sợ sáng ngày mai thế nào quân ta từ
trong NhaTrang cũng cho máy bay ra oanh tạc chỗ này. Tôi cũng sẽ chết vì bom
nếu chưa bị địch bắt.
Chiếc quần lính trận của tôi sáng nay lúc Loan cõng tôi, nó cứ
tụt lên tụt xuống làm trở ngại trong lúc cõng, nên Loan đề nghị bỏ đi, tôi chỉ
còn mặc mỗi chiếc áo và cái quần xà lỏn.
Không phải tôi hèn, không dám để cho địch quân biết tôi là một
Đại Uý Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mà tôi vừa nghĩ ra rằng, trong giờ phút đầu
tiên khi gặp tôi, biết đâu sự hận thù dâng lên ngút ngàn đối với bọn chúng,
nhất là tên tôi đươc chúng biết từ lâu trong những tháng ngày đóng quân tại
quận Hoài Ân vì tôi phản pháo rất nhanh làm thiệt hại nặng cho chúng. Chúng đã
tuyên truyền trong dân chúng tại Hoài Ân về cái giá treo đầu tôi. Vì vậy tôi
nãy ra ý tưởng phải ngụy trang và nói dối trong lúc tụi nó bắt mình, tôi chợt
nhìn thấy một cái áo màu đen, giống như của Xây Dựng Nông Thôn thường mặc.
Tôi lết tới và đã cố gắng thay cho được chiếc áo, làm sao biết
được bọn họ trả thù tôi như thế nào, thôi thì cứ ngụy trang trước đã. Cái đòn
khiêng với chiếc võng và cái mền Dù vẫn bên tôi, tôi lết đến nằm trên võng, đắp
mền lại. Máu đã ra quá nhiều, tôi khát nước tưởng không còn cơn khát nào bằng
và đói bụng nữa, tôi thiếp đi tự bao giờ.
Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức dậy bởi tiếng quát tháo đầy sắt
máu của bọn VC đã vào được bên trong phi trường. Tôi đoán chắc đã bốn hay năm
giờ sáng, kho đạn vẫn nổ, một vùng khác lửa cháy bốc lên cao có lẽ kho xăng bị
trúng đạn. Một cây AK chĩa thẳng vào tôi quát lớn tiếng: “Ai đây? “ . Tôi nghe
giọng hỏi đã biết ngay là bọn CS từ Bắc vào với cái giọng the thé trẻ con.
Tôi từ từ mở chiếc mền ra khỏi mặt và nói chầm chậm: “Tôi
đây! Tôi bị thương.” Nó lại quát để khủng bố tinh thần: “Sao không
đầu hàng mà để bị thương?”
— “Tôi là tài xế xe Daihasu, chở khách, hôm qua hai bên đánh nhau,
tôi bị thương và được các anh lính khiêng tôi vào bỏ ở đây.”
Tôi cứ nói bừa ra vậy, tin hay không là chuyện của chúng, để
tránh nhận một viên đạn trong lúc này. Hắn có vẻ không tin, nhưng cũng không
gắt nữa, và nói giọng Bắc Kỳ rặc mới vô: “Ừ, bị thương thì nằm đó, chờ bộ phận
khác tới lo.” Tôi liều mạng nói khi tôi chợt nhớ hình ảnh một người lính
Nga bị thương nằm bên cạnh người lính Đức cũng bị thương trong trận Đệ Nhị Thế
Chiến trong một phim chiến tranh, tôi xem từ hồi nhỏ. Người lính Nga đã cho người
lính Đức uống nước khi lính Đức họ xin. Tôi nói với tên VC: “Anh cho tôi xin
chút nước, tôi khát quá.” Tên VC còn non choẹt trả lời nhanh: “Tôi
hết nước rồi.” Và hắn bỏ đi nhanh, như để lục soát tiếp trong khu vực.
Qua ánh lửa hừng hực cháy xa xa tôi thấy mọi người bị bắt để hai tay ra sau ót
đi từng nhóm với tiếng quát lớn: “Đi hướng này!” hay tiếng hét: “Khẩn trương
lên!” Tôi hiểu là lính của mình đã bị bắt và dẫn đi tập trung ở chỗ nào
đó. Tôi đắp mền lại, coi như không có chuyện gì.
Cũng một chiếc lưỡi lê gắn đầu nòng súng chĩa vào người tôi quát
giống như lúc nãy: “Ai đây?”
Tôi diễn lại màn cũ, nói y những lời cũ, không biết hắn có tin
hay không, nhưng không thấy nói gì. Tôi cũng xin chút nước vì khát nước không
thể chịu nổi. Họ vẫn bảo hành quân suốt đêm hết nước rồi, họ nói lý do không
còn nước; tôi tin họ. Rồi họ rời chỗ tôi.
Người thứ ba đến chỗ tôi và hỏi có vẻ nhẹ nhàng hơn một chút:
“Ai đây?” Tôi mở mền ra khỏi mặt và đáp: “Tôi bị thương.” . Hắn hỏi tiếp:
“Sao bị thương?”. Ba câu hỏi của ba người sao giống nhau quá, và tôi cũng giữ
vững lập trường để bảo vệ sự sống trong lúc này nên cũng đáp: “Tôi tài xế xe
Daihasu bị thương hôm qua được lính khiêng vô đây.” Tôi chợt nhớ ra chắc
mấy tên địch này chẳng biết xe Daihasu là xe gì, nhưng thây kệ nó. Hắn cũng nói
một câu giống như hai tên trước như học thuộc lòng. “Bị thương nằm đó, có bộ
phận khác lo.”
Tôi muốn rời chỗ này ngay, vì sợ lúc trời sáng thế nào cũng có
phi cơ từ NhaTrang ra oanh tạc căn cứ Phi Trường đã bị chiếm. Vừa nhìn thấy đám
lính của mình bị bắt đi qua, tôi nói với tên thứ ba này tướng tá giống cấp chỉ
huy hơn hai tên trước vì thấy không cầm AK mà chỉ có khẩu K54: “Anh nói với mấy
người kia đến khiêng tôi đi đi.”
Hắn như thấy có lý, và gọi lớn: “Mấy anh kia, lại đây.”
Trong lúc đợi những người lính bị bắt tới, tôi nói với tên VC “Anh cho tôi xin
chút nước.”
Hắn nói: “Anh bị thương uống nước chết đấy.” Tôi nói: “Tôi
biết, cứ cho tôi hớp một chút thôi.” Hắn bảo: “Anh giữ đúng nhé, chỉ một
chút nhé.” Tôi cũng giữ đúng lời vì cũng biết uống nhiều sẽ loãng máu,
tiếp tục ra máu, nên tôi hớp chỉ một hớp nước rồi trả lại cái bi đông cho hắn.
Khi mấy người lính Trung Đoàn 47 bị bắt đến, hắn nói lớn: “Các
anh khiêng anh này đi ra chỗ tập trung.” Trời đã mờ mờ sáng, ngày đầu tiên của
tháng 4 khí hậu lành lạnh, cõi lòng tan nát, tuyệt vọng, tôi chính thức trở
thành tù binh VC từ lúc này. Tôi nhớ lại chuyện bắt tù binh trên mặt trận Tân
Cảnh năm 1972, Mùa Hè Đỏ Lửa mà tôi tham dự trận chiến. Nhớ lại cảnh trao trả
tù binh năm 1973 trong lúc người ta khiêng tôi ra đặt trên nền xi măng của phi
đạo cùng với tất cả những người bị bắt.
Không nhìn thấy mọi người, nhưng tôi biết chắc những người xung
quanh bây giờ là lính Trung Đoàn 47 Bộ Binh, thế nào cũng có Pháo Binh của tôi
trong ấy. Tôi cứ nhắm mắt lại mặc cho thế sự đẩy đưa.
Có tiếng nói lớn phán rằng: “Ai “nà” người biết “nái” xe bước ra
một bên. Các anh giờ đã bị bắt, các anh hãy “nập” công với “Cách Mạng”, “nái”
xe giúp “Cách Mạng” dọn dẹp sân bay “lày.” Trong phút im lặng, tôi nghe
tiếng lục đục từng tiếng động đứng lên và bước đi.
Kế tiếp vẫn tên nói ngọng ấy: “Ai “nà” Sĩ Quan bước qua bên
“lày.”
Tôi nghe tiếng thì thầm rất nhỏ chỉ trong đám ngồi gần nghe
được: “Có ông Đại Uý Pháo Binh, có ông Đại Uý Pháo Binh”. Tôi hiểu ai cũng biết
mặt tôi trong Trung Đoàn 47 này, dù tôi có ngụy trang mặc áo đen của Xây Dựng
Nông Thôn. Họ lo lắng cho số phận sắp tới của tôi đang bị thương chứ không là
tố cáo tôi.
Tôi quyết định rất nhanh: “Mình cứ giả như không nghe không thấy
không biết gì hết về lời kêu gọi “Sĩ Quan bước qua bên này”, nếu vế sau chúng
nó phát giác thì cứ bảo tôi bị thương làm sao nghe được. Tôi hiểu họ đang phân
loại và đưa riêng các cấp vào rừng sâu để nhốt. Mà tôi đi theo chúng thì chỉ
chết ngay ngày hôm sau.
Tôi cứ nằm nguyên không nhúc nhích, có tiếng động từng người
bước ra khỏi hàng. Sau cùng là tiếng nói lớn: “Ai nà binh sĩ bước qua chỗ
lày.” Vậy là còn một mình tôi duy nhất nắm trên võng có cái đòn cây, trên
đầu trên bụng, trên tay, trên đùi và ống quyển chi chit nhiều miếng băng đầy
máu cái đã khô, cái còn ướt trông rất ghê tởm. Có lẽ chúng nó biết đem tôi đi
là một của nợ, nên lờ đi bỏ mặc tôi nằm đó.
Tất cả đều được áp giải ra đi, tôi ở lại một mình với hai tên VC
miền Bắc trẻ như con nít còn búng ra sữa. Một đứa mang máy truyến tin, đứa còn
lại chộp được chiếc xe Honda 67 màu đen ở đâu đó tập chạy.
Cứ mỗi lần hắn đạp nổ máy, sang số, rồ ga, chiếc xe lồng lên,
hắn té xuống, và xe tắt máy vì lần đầu tiên từ Bắc vào cỡi xe đâu biết sang số
ra sao (có lẽ nhấn số lớn và vô ga mạnh nên xe lồng lên và té triền miên) tôi
cũng mắc cười. Tên còn lại cứ chừng năm phút một, liên lạc theo định kỳ với đơn
vị bạn. Tôi cố lắng nghe mà không hiểu nó nói gì, vì toàn một tràng số.
Nắng buổi sáng đã chói chang phi đạo, tôi nhìn xa xa cuối phi
đạo, thấy mờ mờ bóng dáng những người dân, nhiều màu áo băng qua phi đạo, tôi
nghĩ họ cũng đang bị xung công vào thu dọn phi trường.
Thỉnh thoảng tôi hỏi hai tên VC con: “Sao không khiêng tôi đi.”
Một câu trả lời dù mấy lần vẫn giống nhau rằng: “Chờ có bộ phận khác tới
khiêng.” Tôi nghĩ: “Có lẽ ban y tá đến sau.”
Có nhiều điều xui khiến cho tôi ứng xử và quyết định , mà tôi
tưởng không phải tôi, có ai đó đang nói thầm trong đầu, thúc đẩy tôi phải hành
động hay nói nhiều điều mà tôi không nghĩ ra, vì tâm trí tôi mơ mơ
màng không tỉnh táo. Tự nhiên tôi bảo hai chàng VC con: “Dân đi
đâu hết rồi ?” Một trong hai đứa trả lời “Đi hết rồi.” Tôi
nói tiếp: “Vậy anh cho tôi theo với dân nhen.” Nó đáp: “Ừ anh đi đi.”
Tôi hoạt động vùng Bắc Bình Định, cũng như Quận Phù Cát này có
đến gần 8 năm, trong khi thời gian quân ngũ chỉ hơn 9 năm một chút xíu . Tôi
rành địa thế, dân tình ở đây. Tôi biết hướng nào để lết ra cổng phi trường. Thế
là với bản năng sinh tồn, tôi cố lết đi bằng hai bàn tay và cái mông, nhưng vẫn
cố kéo theo cái đòn khiêng có chiếc võng là bùa hộ mạng về sau này, nếu có ai
muốn cứu tôi.
Tôi lết được vài mét là tối đa rồi phải nghỉ cho đỡ mệt. Trời
đang nắng bỗng tối sầm lại sắp sửa trút mưa, tôi vội đổi hướng cố tìm một chỗ
trú mưa. Tôi lết vào tới chỗ dùng để sửa máy bay, nằm co ro trong đó vì mưa ướt
và lạnh quá, có một đống cỏ khô trong chiếc ghế của Mỹ bị bể ra, tôi kéo lấy
đắp lên người cho đỡ lạnh. Tôi bị đói, khát nước, tưởng như không còn cử động
được, nó mệt lã ra. Đang co ro người hình số 4, bỗng có tiếng hỏi: “Sao nằm
đây?” Tôi nói: “Tôi bị thương và lạnh quá trú đỡ ở đây.” Tên VC này
có vẻ là cấp lớn hơn bọn thường vì chỉ có cây súng ngắn và cái xắc cốt lủng
lẳng. Hắn nói: “Ừ lạnh thì nằm đó đi.” Rồi hắn bỏ đi.
Tôi sợ hắn kêu người tới bắt dẫn đi vào mật khu Vĩnh Thạnh như
sáng nay họ đã làm thì bỏ mạng. Tôi thấy đã bị lộ, nên quyết định rời chỗ này
ngay dù trời còn mưa lất phất. Tôi tiếp tục lết ra và nhắm về hướng cổng phi
trường.
Khi ra đến giữa đường lớn, khoảng trống rộng mênh mông, phía
trước mặt có ba người con trai, chừng muời bảy mười sáu tuổi mặc áo dân dã, tay
cầm ba cây súng Carbin đang tiến về phía tôi. Tôi mừng trong bụng, chắc đám này
có thể cứu được mình đây. Không ngờ, còn cách chừng trên năm mươi mét cả ba đều
đưa ba cây súng lên nhắm vào tôi mà cùng bắn một lúc.
Tôi phát giác kịp khi nhìn thấy chúng vừa đưa súng lên ngắm, tôi
đã bật ngữa người ra sau nằm ngữa xuống tránh lằn đạn của chúng. Bắn xong có lẽ
chúng nghĩ tôi đã trúng đạn hay sao mà vẫn còn nằm ngữa. Chúng chạy lại, vừa
chạy vừa nói với nhau: “Khoá an toàn làm sao mày.” Tôi biết ngay là đồ gà
mờ mới lượm súng đi hôi của. Chúng chạy đến thấy tôi còn sống và băng đầy vết
thương, tôi vội nghi binh nói nhanh: “Trong kia nhiều xe Honda lắm vô trong đó
mà lấy.” Tôi cố tình chỉ về hướng hai tên bộ đội hồi nãy. Chúng mừng lắm
cùng hỏi: “Ở đâu? Ở đâu?” rồi chạy đi.
Bây giờ thì không thể câu giờ được nữa, phải rời khỏi chỗ này để
ra gặp dân thì còn hy vọng sống. Tôi lết tiếp tục, chỉ vài mét phải ngừng lại
để nghỉ lấy sức.
Đến hơn sáu giờ chiều, cũng ra tới cổng phi trường Phù Cát, tôi
đoán giờ như vậy vì trời nhá nhem tối rồi. Khi đến còn cách cổng chừng mười
thước, tôi ngã lăn ra nằm ngữa vừa để nghỉ mệt vừa ăn vạ bọn gác cổng phi
trường.
Một đám đông bọn VC gác cổng, cửa đóng kín. Có hai ba người lăm
le cây AK chạy lại hỏi tôi, nhưng không gắt gỏng: “Tại sao bị thương? Tại
sao không đầu hàng để bị thương?” Tôi hiểu mấy người này nghĩ tôi là lính
Không Quân, cố tử thủ nên không ra hàng. Tôi nói: “Tôi là tài xế xe Daihasu, bị
thương hôm qua ở Phù Mỹ, mấy anh lính Trung Đoàn thấy tội nghiệp mang tôi vào
phi trường đêm qua.”
Họ không tin nhưng không nói gì, và trả lời: “Anh nằm đây chờ có
bộ phận khác tới chở đi.” Đúng là con vẹt, bọn nó chỉ nói giống nhau mà
không hề biết có làm được không.
Bên ngoài cổng phi trường, có cả hàng trăm người dân tụ tập dọc theo hàng rào
sát cổng để đón chờ con, chồng của họ từ trong phi trường bỏ ngũ chạy ra. Họ
nhôn nháo khi thấy tôi lết gần tới cổng và nằm xuống. Họ hy vọng là chồng hay
con họ, vì trời tối, không thấy rõ tôi, vì khoảng cách còn xa.
Chờ một lúc lâu tôi chẳng thấy ai tới chở tôi đi, trong giờ phút
giao thời ai muốn nói sao cũng cứ nói. Tôi bèn ra dấu vẫy tay gọi một tên VC
gác cổng chạy lại: “Không có ai chở tôi, anh cho tôi ra cho dân cứu vết thương
của tôi.” Anh chàng này nghe hợp lý vì để tôi nằm đây chỉ có vạ lây
chăng, hắn nói: “Ừ anh đi đi.” Tôi lại bảo: “Anh khiêng tôi ra ngoài cổng
giùm.”
Tôi được đặt xuống chỗ đất trống trước cổng chừng mười thước,
tức thì vô số người dân vây quanh tôi và hỏi liên tục, tựu trung chỉ có ý
nghĩa: “Sao không đầu hàng đi mà để bị thương chi nặng quá vậy?” Tôi trả
lời cũng y như từ sáng tới giờ trả lời cho VC, vì tôi đâu thể tin ai với ai.
Dân cũng có thể giết mình trong lúc này. Bình Định là xứ “Ai theo CS là theo
chết bỏ, trung thành triệt để. Ai chống Cộng Sản là chống cũng triệt để, vì là
vùng Liên Khu Năm nổi tiếng từ ngày xưa.”
Đa số những người đang vây quanh tôi đều không tin tôi là tài xế
xe Daihasu, trong cách nói tôi hiểu họ ám chỉ tôi là phi công lái máy bay trong
phi trường. Hiện đến giờ này vẫn còn nhiều đơn vị khác nhau chống cự quyết liệt
trong và ngoài phi trường, hoặc tử thủ trong các ống cống lớn nằm xung quanh phi
trường.
Mọi người cứ nói trống không: “Sao không đầu hàng để khỏi bị
thương quá nặng như thế này?” Họ nhìn tôi với cặp mắt thương hại của
người cùng chiến tuyến. Họ thấy tôi mà lòng đang mong đợi những người chồng,
hay con trai của họ giờ này chưa thấy mặt. Mọi người dường như theo tôi nghĩ:
“Họ là những người cùng chiến tuyến với tôi lúc này.”
Có một chiếc xe Honda Dame từ hướng Ngã Ba Gò Găng chạy tới,
thấy tôi nằm dài với nhiều vết băng còn dính, có cái lòng thòng. Anh chàng
thanh niên mặc sơ mi trắng bỏ ra ngoài quần, dáng có vẻ có chút đi học trông
sáng sủa, không có gì là nông dân, anh cũng tò mò muốn nhìn cho biết. Khi đến
gần tôi thấy anh chàng đeo cây súng Carbin M1. Tôi đoán ngay rằng chắc mới a
dua theo.
Anh chàng cũng hỏi tôi: “Sao bị thương vậy?” Tôi cũng trả
lời giống như trước, chắc là không tin. Thôi kệ tôi cứ giữ vững một mực như vậy
để thoát qua giai đoạn khó khăn cái đã.
Tôi nghĩ cơ hội may đã đến. Từ đây ra Ngã Ba Gò Găng có đến trên
ba cây số, đâu có ai khiêng mình được. Chỉ có Ngã Ba Gò Găng mới là chỗ dân
chúng ở có nhà thuơng, may ra mới cứu mình trong đêm nay. Chỉ có chiếc xe Honda
này mới chở đi đường xa như vậy, tôi liều mạng nói: “Anh làm ơn cứu tôi, chở
tôi ra Ngã Ba Gò Găng bỏ tôi đó rồi anh đi về nhà anh.” Anh lắc đầu lia lịa,
không nhận mà cũng không nói lý do. Tôi thấy anh có cây súng, nên đoán là “phe
địch” không muốn cứu phe ta. Tôi thất vọng và buồn hiu.
Những người vây quanh, nhất là đàn bà nhiều tình cảm, yếu lòng,
cứ chắc lưỡi tỏ vẻ tội nghiệp tình cảnh tôi. Họ cũng góp lời liên tục năn nỉ
anh chàng Honda chở tôi đi. Anh vẫn từ chối. Khi anh ấy rời ra xa hơn một chút
để quan sát cổng phi trường, thì có tiếng nói nhỏ cho mọi người cùng nghe rằng:
“Anh ta chở anh này đi sợ địa phương thấy làm khó dễ là bao che lính ngụy.”
Thì ra là vậy, thì ra không có ai tin tôi là tài xế xe Daihasu.
Như có một quyền năng vô hình nào đó thúc dục tôi lên tiếng, tự nhiên tôi cảm
nhận trong đầu lúc bấy giờ, như có tiếng nói thì thầm bên tai tôi bảo tôi hãy
nói với những người xung quanh. Tôi chợt nhớ ra, và tôi nói: “Xin các bác, các
anh chị năn nỉ giúp tôi cho anh ấy chở tôi ra Gò Găng để may ra tôi còn sống.”
Khi người thanh niên quay lại chỗ tôi thì cùng một lúc có nhiều
người lên tiếng xin anh hãy làm phước cứu người lấy đức về sau. Tôi liếc thấy
anh gật đầu và nói nhát gừng “Bỏ anh ta lên đi”. Có hai người đàn ông bế tôi
đặt lên sau yên xe Honda. Tôi vội nói “Xin cho tôi đem cái đòn theo.” Một
người vội cầm lấy cái đòn tre cột chung với cái võng đưa cho tôi, tôi nói với
anh thanh niên đi Honda: “Anh cầm giùm cái này , tay tôi bị thương không giữ
được”. Người đứng dưới đất luồn cái đòn tre dọc theo hông anh tài xế và tôi.
Anh ta đỡ lấy nó, còn lái xe chỉ một tay. Một tay tôi ôm thật chặt vào eo anh
thanh niên, tay còn lại buông lỏng vì vết thương. Tôi quay nhìn và cúi đầu chào
tỏ lòng biết ơn những người đứng dưới đất.
Chiếc xe chạy loạng quạng trong đêm tối trên đường từ phi trường
đến Ngã Ba Gò Găng dài hơn ba cây số, con đường có nhiều ổ gà làm xuýt tôi rớt
xuống đất . Nếu mà có rớt chắc tôi bị bỏ lại, vì làm sao anh ta bế tôi bỏ lên
xe trở lại.
Khi đến ngay Ngã Ba Gò Găng tôi muốn giữ đúng lời nên yêu cầu
anh thanh niên: “Anh bỏ tôi xuống đây được rồi anh ạ!” Anh dừng xe hẳn
lại nhưng lúng túng, không thể rời xe để vòng ra sau bế tôi xuống, tôi không
thể tự xuống được . Anh thấy có nhiều người xúm lại chiếc xe vì tò mò từ trong
hướng phi trường ra đây, anh gọi họ và nói: “Bác giúp cho anh này xuống xe
giùm.”
Có hai người đàn ông cùng bế tôi rời khỏi xe và đặt vào vỉa hè
cạnh một tiệm bán gì đó đã đóng cửa ngay ngã ba . Vừa đặt tôi nằm xuiống tức
thì có vô số người xúm lại, nhìn tôi với ánh mắt thương hại, Các băng vết
thương lòng thòng, máu khô máu ướt vung vãi . Tôi với cái quần đùi và chiếc áo
Xây Dựng Nông Thôn màu đen, cả một ngày một đêm không ăn uống, bị ra máu, người
tiều tuỵ hốc hác, thật tình giống y con chó ghẻ lở bị bỏ hoang.
Mọi người ngồi xuống cạnh tôi và hỏi tới tấp: “Sao con bị thương
zậy? Sao anh để bị thương? Sao không đầu hàng để chi bị
thương? Tội nghiệp quá!” Tôi vẫn một mực nói rằng: “Tài xế xe Daihasu bị
thương từ hôm qua ngoài Phù Mỹ.” Không ai tin tôi và cứ nghĩ tôi từ trong
phi trường ra là dân lái máy bay.
Bây giờ trong phi trường vẫn có có chỗ đang có tiếng súng vì
những người lính quốc gia tử thù không chịu đầu hàng. Dân đông nghẹt ngoài
đường mặc dù trời đã tối. Họ đi tìm chồng, tìm con, tìm anh em là những người
lính VNCH đóng trong phi trường. Họ thấy tôi tưởng như gặp được người thân của
họ, có bà tìm con thấy tôi rồi ngồi khóc; có lẽ nhìn tôi mà liên tưởng đến con
của bà. Tại địa danh này VC mới thực sự làm chủ có mấy giờ đồng hồ. Tình hình
không ổn định, nháo nhác lộn xộn nhiều.
Đám người ngồi một lúc lâu, hỏi han đủ thứ rồi cũng dần giải tá.
Có một chị tuổi còn rất trẻ, chắc đi tìm chồng, mà không gặp, cũng ngồi xuống
cạnh tôi và khóc nức nở. Sau khi biết tôi từ phi trường được chở ra đây, chị đi
tìm chồng có lẽ lo cho chồng và xúc động trước hình ảnh bê bết máu của tôi mà
ngồi khóc. Ai đi ngang cũng tưởng vợ của tôi, được một lúc chị cũng bỏ đi.
Tôi mệt quá nhắm mắt liên tục, chừng nghe tiếng nói: “Trời ơi!
Sao con nằm đây?” Tôi mở mắt ra thấy một người đàn bà bằng tuổi Mẹ tôi,
mặc áo nâu, đầu đội nón lá, tôi trả lời là “Con bị thương từ hôm qua
ngoài Phù Mỹ.” Bà cũng hỏi nhiều thứ, trong đó có nhà cửa của tôi. Bà rất
xúc động nhìn thấy tôi co ro lạnh và bẩn thỉu. Bà hỏi “Con có đói không?”
Tôi trúng ý trong bụng và mừng lắm vội nói: “Dạ con đói lắm.” Bà nói: “Con nằm
đây để bác vào trong xóm này xin chút gạo nấu cháo con ăn.” Tôi chợt nhớ
ra, và cũng nghĩ nếu nấu cháo thì biết bao giờ mới chín, nên tôi vội nói: “Bác
ơi! Bác làm ơn xin cho con chút sữa bò, con thèm sữa lắm, ra máu nhiều nên thèm
ngọt.”
Bà hiểu ý tôi nên nói ngay: “Ừ để bác vào xin thử.” Sau
một lúc tôi nghe bà ta nói: “Có sữa đây con, người còn có chút hè, con uống đỡ,
Bác ở xa đây lắm mà nhà nào cũng sợ đóng cửa hết.”
Tôi mừng lắm vì đói và thèm ngọt quá chừng, tôi cầm hộp sữa chỉ còn gần sát đáy
mà nút sữa sống. Tôi tưởng bà bỏ đi, không ngờ lúc sau bà bưng cho tôi một tô
cháo trắng có muối. Bà nói trong giọng lật đật: “Đây đây có cháo nè con để bác
đút con ăn, bác sợ con đói nên chắc chưa kịp chín tới.”
Tôi xúc động trước những tấm lòng thương người mà từ chiều tới
giờ tôi đã gặp. Hình ảnh người đàn bà trẻ đi tìm chồng ngồi khóc lâu bên cạnh
tôi làm tôi nhớ đến người vợ giờ đang ở Sài Gòn chắc không bao giờ biết rằng
chồng của mình đang như thế này. Đúng 15 ngày trước đây, trong lúc tôi đang còn
trong thời gian nghỉ phép thường niên, hai vợ chồng tôi đang đi chơi Sở
Thú cùng với gia đình bên vợ, chiếc Taxi vừa ngừng trước nhà, ba vợ tôi vội
chạy ra chỗ taxi đưa cho tôi cái điện tín và nói: “Đây con có điện tín từ Tiểu
Đoàn gởi cho con.“
Tôi liếc vội nội dung bức điện tín “Nếu Đại Uý thấy không
cần thiết những ngày phép còn lại và vì Pháo đội nên trở lại Đơn vị, Pháo đội
bị đánh tan một nữa.” Tôi bàng hoàng mệt mỏi, từng giọt mồ hôi lăn trên
trán. Ngày tôi đi phép Đơn vị đang hành quân ở mật khu Vĩnh Thạnh gần đèo Mang Giang.
Sáng sớm hôm sau tôi thay đồ trận và vào Bộ chỉ Huy Pháo Binh
lúc bây giờ đang trú tạm trong Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Sau khi làm các thủ
tục trình diện, một người đưa tôi vào phòng thuyết trình, Ông Thiếu Tá Pháo
Binh tôi không quen, chỉ trên tấm bản đồ thuyết trình cho tôi biết: “Pháo đội
A/ 221 Pháo binh kéo vào tăng cường hoả lực cho Trung Đoàn thì bị pháo binh
địch dập nát và tấn công bằng biển người. Quân số và quân dụng bị thiệt hại một
nửa.
Tôi trở về nhà, nóng ruột quá, bảo đứa em vợ đi mua gấp vé máy
bay dân sự, ngày hôm sau tôi phải ra đơn vị mặc dù tôi vẫn còn bảy ngày phép
nữa. Ba vợ tôi cản, khuyên tôi không nên ra sớm, vợ tôi khóc nắm tay giữ lại.
Ba tôi cũng khóc làm như đi là lần vĩnh biệt không bằng.
Tôi không hề ân hận chút nào về việc ra đơn vị sớm để rồi bị
thương như thế này. Và chắc giờ này vợ tôi không bao giờ biết tôi đang nằm đây
như một con chó ghẻ, rất thê thảm; khắp người đầy màu trắng của những chiếc
băng. Một người đàn bà bằng tuổi Mẹ tôi không quen biết tôi đang ngồi đút từng
muỗng cháo cho tôi. Chắc Mẹ tôi cũng chỉ có làm được như thế này không hơn.
Giữa chiến trận, náo loạn như hôm qua và trong ngày hôm nay,
ngày mùng một tháng Tư, tôi được may mắn có nhiều người đã cứu tôi, trong đó có
người phải chết. Tôi biết rất rõ đã có một phép nhiệm mầu nào đó, một bàn tay
khuất mặt đã luôn theo tôi và cứu tôi. Cũng như tôi được hưởng cái Đức của Mẹ
tôi, vì con trai nhờ Đức của Mẹ mà.
Tôi ăn xong cháo, nhắm mắt lại, người đàn bà đút cháo cũng đi từ
lúc nào tôi không biết. Tôi nghe tiếng nói của một trong hai người đàn ông có
giọng khàn khàn vì đã già rồi: “Trời sao cậu nằm đây?”
Cũng bổn cũ tôi soạn lại, tôi trả lời cho hai ông già như từ
trước, vì đâu thể tin ai trong giữa lúc tranh tối tranh sáng. Trời tối như mực,
tôi không thấy rõ nét mặt của hai người đàn ông đang ngồi chòm hổm bên cạnh
tôi. Tôi trả lời: “Dạ con bị thương từ hôm qua” . Một ông khác hỏi: “Bị thương
làm sao?”
— “Dạ con là tài xế xe Daihasu, hai bên đánh nhau con bị thương
và được lính Trung Đoàn khiêng con vào phi trường bỏ trong ấy. Con mới được
người ta chở bỏ con ở đây.”
Tiếng chặc lưỡi thương cảm hoàn cảnh tôi, một ông nó với ông
kia: “Giờ mình làm sao cứu cậu ta chớ tội nghiệp quá.” Tôi chụp lấy thời
cơ, nói thì thào: “Hai Bác làm ơn cứu con, ở chỗ này có nhà thương không bác?”
Có tiếng ông kia nói: “Có chỗ này, mà khiêng tới nó đánh
chết.” Tôi giật mình và cũng ngạc nhiên: “Sao lại đánh chết, mà ai
đánh?” Tôi liền nghĩ ra: “Có lẽ họ đánh hai ông già vì dám cứu
người phía bên kia.” Thì ra “Chỗ đó chình là ổ kiến lửa chăng?” Nhớ lại
trưa hôm qua, lúc Loan đang cõng tôi đi bộ, thì gặp Trung Uý Sinh, Sinh bảo để
xuống đất và Sinh đi tìm lính và cái võng cùng cây đòn tới khiêng.
Tôi biết mình không còn sống nổi, muốn nhờ Sinh về Sài Gòn kể sự
tình giờ phút cuối cho vợ tôi biết, cũng như cho Ba Má ruột tôi hay, vì nhà tôi
cách làng của Sinh chỉ một cái xã ngăn bởi con sông bên làng Xuân Phong. Tôi
bảo Sinh lấy cái bóp trong túi áo của tôi có giấy tờ, hai tấm hình, và sáu ngàn
đồng tiền riêng của tôi đem về làm chứng tích tôi đã chết.
Bây giờ trong người tôi không có tiền như một thây ma biết cử
động. Tôi tiếc, phải chi có tiền thì có thể chữa được vết thương. Nhưng tôi
cũng liều mà nói khi nghe khiêng tới họ đánh chết: “Hai Bác ơi! Hiện giờ
con không có tiền nhưng hai Bác cứ khiêng con tới đó cho người ta chữa, sau đó
con nhắn gia đình con mang tiền ra trả lại.”
Có một khoảng trống im lặng, có lẽ hai ông già suy nghĩ. Một ông
liền nói: “Thôi mình cứ liều cứu cậu ta để đức lại cho con cháu. Mình khiêng
tới đó để xuống rồi bỏ đi ngay.”
Hai ông già chắc khoảng trên 70, bỏ tôi nằm trên chiếc võng và khiêng đi.
Tôi chỉ nhận được hướng khiêng là về hướng Nam từ chỗ tôi nằm. Đến nơi,
hai ông để xuống hơi mạnh tay, tôi nằm dài còn trên võng. Nhà nào cũng thắp
bằng đèn dầu không sáng đủ, dù chỗ này là Phố thị Gò Găng, nơi rất sầm uất của
quận Phù Cát, ngay cửa vào Phi Trường Phù Cát.
Có một người đàn bà độ tuổi năm mươi chạy lại chưa kịp hỏi gì,
hai ông già nói vội: “Cậu này bị thương nặng nhờ tôi khiêng tới đây cứu giùm”.
Người đàn bà nhìn tôi không hỏi lời nào, bà chỉ lắc đầu như có vẻ ngao ngán hay
lo lắng, bà nói: “Không biết ổng có chịu không đây?” Hai ông già lật đật
bỏ đi nhanh như tránh tai hoạ cho hai ông. Câu nói “Không biết ổng có chịu
không đây” làm tôi nghĩ rằng: “Vậy là vào chỗ VC rồi còn gì, hèn chi hai ông
già nói lúc nãy khiêng tới họ đánh chết.”
Ôi thôi cứ mặc cho số phận đẩy đưa, nguời đàn bà không nói gì
với tôi, gọi một cô gái:
— “Trâm ơi! Đem cậu này vào bên trong rửa vết thương thay băng và chích
một mũi thuốc cầm máu.”
— “Anh Sơn ơi ra phụ với em.” Tiếng người con gái gọi vào
trong kêu anh Sơn nào đó chắc để khiêng tôi vào bên trong. Thế là người đàn bà
đã bị đặt vào thế bắt buộc phải chữa cho tôi.
Người con gái tên Trâm cởi chiếc áo cho tôi, loay hoay tháo
những miếng băng của người y tá băng từ sáng hôm qua, rồi rửa vết thương, và
băng tất cả lại, sau cùng chích thuốc cho tôi. Trâm nói:
— “Anh là Pilot hả? Sao không đầu hàng mà để bị thương nặng quá
vậy? Tôi chán câu hỏi quen thuộc này lắm rồi, tôi lắc đầu:
— “Không phải, tôi là tài xế xe Daihasu. Họ đánh nhau giữa đường
và tôi bị thương… Lính Trung Đoàn khiêng tôi bỏ trong phi trường.”
Trâm có vẻ không tin chút nào, cô ta nói:
— “ Đáng lẽ em đi về nhà rồi, vì hôm nay nhà hộ sanh vắng không
có ai nhưng không hiểu sao còn nấn ná lại thì có anh.”
Tôi nghĩ bụng: “Thế mình cũng may mắn lắm.” Người con gái
tên Trâm bỏ đi đâu một lúc, tôi nhắm mắt nằm im trên chiếc giường của mấy người
sanh đang bỏ trống. Căn phòng rộng hình vuông chứa cũng phải chục chiếc giường
cho mấy bà đẻ, không ngăn vách từng phòng, chỗ giường này kê sát giường kia
trông thấy lẫn nhau.
Chiếc đèn dầu không đủ sáng cho cả phòng đặt trên bàn cạnh
giường tôi nằm. Cô Trâm trở lại và lên tiếng:
— “Để em nấu cháo cho anh ăn nhen, chắc anh đói lắm.” Tôi
gật đầu.
Cô bưng chén cháo đặt trên bàn, rồi nói: “Anh ngồi dậy ăn
cháo.” tôi nói: “Tôi không tự ngồi dậy được, cô đỡ giúp tôi.”
Trâm lòn tay qua lưng tôi nhấc lưng tôi ngồi dậy. Trâm phát giác
máu hay huyết tương vẫn chảy ra từ nãy giờ làm ướt hết tấm Drap trắng của nhà
Hộ Sinh. Trâm có vẻ bối rối vì vết thương không cầm máu. Cô ta nói:
— “ Để em phải thay tấm Drap cho anh trước, chắc anh phải nằm
bằng tấm nylon để khỏi bị ướt drap nữa nhen, em xin lỗi chuyện đó, anh chịu khó
nhen!”
Trâm thay drap mà không cần đưa tôi qua giường khác rất là thành
thạo. Sau đó nàng ngồi sát bên tôi, một tay đỡ sau lưng, một tay đút từng muỗng
cháo trắng với muối. Tôi thấy cảm động vô cùng với tấm lòng săn sóc của Trâm.
Hình ảnh này giống y hệt như một người vợ lo cho chồng. Trâm cũng trạc bằng
tuổi vợ tôi.
Trong lúc đút cháo cho tôi, cô bé lại tiếp tục thuyết phục tôi
nên khai thật: “Bây giờ “Cách Mạng” đã chiếm hết rồi, đâu có chém giết gì
ai đâu, anh đừng sợ, như anh Sơn đó, ảnh cũng là Trung Uý Quốc Gia trong Tiểu
Đoàn 63 An Ninh Phi Trường Phù Cát đó, ảnh cũng trở về hôm qua. Ba ảnh là ông
Hiếu, Chủ tịch Xã đây, mới được bầu lên.”
Tôi vẫn giữ vững lập trường tài xế xe Daihasu, và tỏ ra không
bối rối sau khi nghe cô ta nói. Thì ra tôi được lọt vào nhà ông Chủ tịch Xã VC,
hèn chi lúc nãy vợ ông ta có nói: “Không biết ổng có chịu không đây.”
Không có chịu tức là không chấp nhận chữa trị cho binh lính phía bên kia.
Đút cháo xong, Trâm hạ tay cho tôi nằm xuống, cô ta chạy đi đâu
đó một lúc trở lại chỗ tôi. Tay vừa kéo chiếc giường khác kế bên đến sát giường
tôi, cô lấy một cái “bô” đặt dưới chân giường rồi nói:
— “Đáng lẽ tối em về nhà, nhưng bữa nay vì có anh bị thương nặng
quá, em phải ở lại canh chừng anh. Em ngủ sát bên anh đây, để có gì em lo. Tối
anh có mắc tiểu có cái “bô” đây và gọi em dậy đỡ cho anh.”
Tôi thực sự cảm động trước sự săn sóc này tôi nói:
— “Cám ơn cô nhiều lắm, tôi rất may mắn được gặp cô.” Tôi
trả lời Trâm mà lòng nghĩ rằng, mai mốt vết thương lành và khi tái chiếm lại
vùng này, tôi sẽ đền ơn cô ta thật xứng đáng với tấm lòng bác ái của cô dành
cho tôi.
Cô ta kể, nhà cô ta cách đây chừng một cây số, cô là nhân viên y
tá cho cái nhà Hộ Sinh tư này do ông Hiếu có bằng Diploma về ngành sản phụ và
phía trước mở nhà thuốc tây Đồng Dụng , phía sau mở nhà Hộ Sinh tư. Ông Hiếu
bấy lâu nay nằm vùng không ai biết. Ổng vừa được bầu lên làm Chủ tịch Xã sáng
nay.
Tôi thắc mắc “Tại sao cô Trâm cứ lúc nào cũng thuyết phục
tôi nói thật về chuyện tôi là Pilot trong Phi Trường. Cô không một mảy may tin
tôi là dân sự, mà nói thật để làm gì?” Tôi có cảm tưởng cô là người yêu
hay phải lòng anh chàng Pilot nào trong Phi Trường Phù Cát. Vì lúc nào cô cũng
khen ngợi, hay bày tỏ lòng mến mộ với các chàng Không Quân. Và cô đã tưởng lầm
tôi là Pilot, nên đã rất hết lòng săn sóc cho tôi chăng hay cô đầy lòng
bác ái? Nhưng đồng thời cô vẫn cứ bảo tôi khai thiệt, đừng giấu diếm, vì
“Cách Mạng” không làm gì mình hết. Ngày hôm sau buổi sáng sau khi đút cháo
xong, cô nói:
— “Em phải đi về nhà em chút, anh nằm đây, có gì em sẽ về với
anh.”
Tôi gật đầu rồi nói rằng: “Cô ơi tôi thèm sữa lắm, cô có tiền
làm ơn mua cho tôi một hộp sữa đặc, mai mốt tôi sẽ trả tiền lại cho cô, giờ tôi
không có.”
Cử chỉ của Trâm không có gì bối rối ngập ngừng sau khi nghe tôi
nói nhờ mua sữa: “ Được rồi em sẽ mua cho anh.”
Tôi nằm nhà chờ mòn mỏi, nghĩ đến được uống sữa thì sung sướng
vô cùng, vì ra máu quá nhiều sao mà thèm ngọt dữ vậy. Quá giờ trưa không thấy
cô về trở lại. Hay là cô đã trốn tôi rồi khi tôi nhờ mua sữa mà không đưa tiền,
tôi nghĩ oan cho cô ta không?
Chừng độ trưa, một người đàn ông xuất hiện đứng bên cạnh giường,
nhìn tôi không bắt tôi kê khai lý lịch, và không hỏi tại sao bị thương như
những người khá . Ông ta có vẻ là người có học chút chút, nước da trắng, tướng
người cao ráo, dường như ông ta biết tổng tòng tong tôi là ai rồi vậy. Ông nhìn
thẳng vào tôi và nói:
— “Anh có nhà hay người bà con gì ở Quy Nhơn không? Ngày
mai tôi có một chuyến xe Lam đi công tác vô Tỉnh, tôi sẽ gởi anh theo chuyến
đó, vô trong ấy người ta chữa cho anh.”
Tôi giật mình nghĩ rằng ông này đang gài tôi để biết lý lịch,
nếu tôi nói rõ người quen có thể ổng sẽ cho điều tra và biết tôi là Đại Uý Pháo
Binh thì đem ra bắn chăng. Tôi đề phòng tình huống xấu nhưng cũng muốn tôi phải
rời khỏi chỗ này, nên nói:
— “Nhà tôi ở xa lắm, tôi chỉ có người quen ở Quy Nhơn.”
Ông nói: “Sáng mai chừng tám giờ, xe đến đón anh về Quy
Nhơn.” Rồi ổng bỏ đi… Tôi mừng được tin ấy, mừng vì không muốn trực tiếp để
ông khai thác tôi thêm. Tôi biết ông chính là Chủ Tịch VC của Xã Gò Găng.
Ngày hôm qua, ngày mùng một tháng Tư trời ở vùng này mưa lớn,
tôi nghe cô Trâm nói ở đây đang bị lụt. Sau khi ông Hiếu, Chủ Tịch Xã đi rồi,
có một toán khoảng mười người vác AK, mang dép râu, áo quần ướt sũng vào trong
phòng Hộ Sinh, giũ áo, và nói với nhau:
— “Trời ơi tôi dọn dẹp trong Phi Trường chỗ cái mả đá vôi có hai
cái xác không có đầu ghê quá “
Tôi biết ngay là của Trung Uý Sinh và Trung Sĩ Khôi, mà tôi
không dám lên tiếng hỏi rằng bác chôn ở chỗ nào. Tôi hiểu rõ tôi đang nằm trong
ổ kiến lửa.
Khoảng hai giờ cô Trâm về, tôi không thấy cô cầm sữa. Tôi nói
trong cơn giận lẫy: “Sao cô không mua sữa cho tôi? Bộ cô sợ tôi không trả
tiền cho cô chăng?”
Trâm bối rối ra mặt nói lắp bắp: “Không có đâu, em nói thiệt đó,
không có chỗ nào bán sữa hết, tất cả quán đều đóng cửa hết rồi.”
Cô tiếp tục lòn tay đỡ lưng tôi dậy và đút cháo, ngày nào cũng
đút cháo ba lần. Sao tôi thấy cô tận tâm quá. Trâm còn đổ ‘bô’ cho tôi mỗi
ngày. Mỗi lần mắc tiểu là cô rất tận tình giúp tôi cởi quần để tiểu, cô không
có vẻ gì mắc cỡ, mà tôi lại mắc cỡ.
Cả ngày hôm sau tôi không thấy xe Lam nào đến đón tôi về Quy
Nhơn. Tôi nghĩ ông Hiếu đã lừa tôi chăng.
Sáng sớm ngày 4 tháng Tư tức là tôi đã ở trong nhà Hộ Sinh này
được ba đêm, cô Trâm đến nói với tôi:
— “Anh ở nhà chờ em đi chợ mua cá về nấu cháo cá anh ăn nhen.
Mấy bữa giờ chỉ ăn cháo muối, tội nghiệp anh quá!”
Tôi nghe mà lòng cảm động vô cùng, thấy thương cô quá, tôi nói:
“Cô tốt với tôi quá.”
Chừng muời lăm phút sau khi cô đi, có người con trai đến nói với
tôi: “Anh chuẩn bị đi.” Anh ta không chào hỏi, chỉ một câu như ra
lệnh. Tôi đoán anh là Sơn, Trung Uý Địa Phương Quân thuộc Tiểu Đoàn 63 giữ An
Ninh Phi Trường, mới rã ngũ chạy về với người Cha nằm vùng vừa được bầu làm Chủ
Tịch.
Tôi chấp nhận những sự kiện sắp xảy ra kế tiếp, dù tình huống
xấu, không biết sẽ đi đâu, tôi không hỏi Sơn, mà chỉ nói:
— “Anh có bộ đồ cũ nào cho tôi xin một bộ vì lạnh quá.”
Tôi vẫn mặc cái áo đen hôm nọ với quần đùi từ mấy ngày nay. Sơn đi lấy cho tôi
một cái quần Jean màu xanh cũ nhưng còn tốt, chắc là của hắn, vừa với kích
thước của tôi, và một chiếc áo Pyjama sọc màu ngà.
Hắn gọi thêm một người bạn nữa, đang ngồi trên chiếc Jeep lùn
nhà binh vào phụ với hắn khiêng tôi ra xe. Đến lúc này tôi đã chính thức xa lìa
cái đòn võng.
Tôi được đặt trên ghế ngồi phía trước, và ép vào trong cho Sơn
ngồi bên ngoài giữ tôi. Người kia lái xe chạy về hướng Quy Nhơn. Tôi cứ tưởng
họ đưa tôi về Quy nhơn dù từ đây về thành phố còn xa lắm.
Chiếc xe lên dốc cầu cứ bị tắt máy và tụt xuống nhiều lần. Mỗi
lần sang số đạp ga là bị tắt máy, mỗi lần xe tụt lui dốc là mỗi lần xanh cả
ruột gan. Hắn bỏ số lớn (vì không biết số nào với số nào) rồi tăng ga nhiều
đương nhiên bị tắt máy. Chiếc xe như con ngựa chứng tụt lùi xuống dốc. Sơn hỏi:
— “Bộ mày không biết lái hả?”
— “Mới tập lái hôm qua.” Người tài xế trả lời làm tôi càng
hồi hộp hơn. Đạn bắn không chết, mà chết vì lật xe thì oan quá.
Xe gần đến một đoạn cua ngặt thì rẽ phải xuống dốc lề đường rồi
đậu lại trước sân nhà. Sơn nói với tôi:
— “Anh chờ tôi một chút.” Hai người bỏ đi nhanh vào một dãy nhà
bằng gạch, một lúc sau, một người lính còn mặc nguyên đồ trận ra khỏi nhà, tiến
gần đến xe, và ngạc nhiên nói: “ Trời Đại Uý!”
Tôi để ngón tay lên môi ra dấu. Thì ra Hạ Sĩ Giám cũng bị thương
và được giữ ở đây. Giám là lính Pháo Binh của tôi. Bây giờ hắn tình cờ gặp tôi
ở đây nên ngạc nhiên lắm. Vài phút sau có cả một toán lính bị thương và bị bắt
đi ra khỏi căn nhà tiến đến chiếc xe tôi đang ngồi.
Mọi người ngồi lên chiếc Jeep, bình thường chở được 5 người cả
tài xế; thì nay dồn tất cả 12 người. Ba người cũ và chín người mới. Anh tài xế
loạng quạng mới tập hôm qua, nếu xe lật thế nào cũng có người chết vì đã bị
thương sẵn rồi.
Xe quay ngược đầu trở ra lại hướng Bắc tức là về lại chỗ tôi ở
mấy ngày nay. Nhưng chạy được một lúc thì rẽ phải về hướng Đông xuống miền
biển. Không còn chạy trên Quốc lộ nữa, mà trên đường đất gồ ghề, nhiều lần xe
lọt xuống ruộng rồi leo lên. Cuối cùng xe dừngl ại trước một ngôi trường làng
cũ kỹ chỉ có một lớp học.
Một đám đàn bà con gái mang AK với dép râu chạy ra đón chúng
tôi. Tôi vẫn được anh Sơn và người tài xế khiêng vào đặt trên bàn học trò. Mọi
người ngơ ngác không biết chuyện gì. Anh Sơn nói lớn:
— “Trên Xã điều mấy người này xuống đây để bác sĩ chữa cho họ.”
— “Trời ơi là trời! Trên ấy mà còn chưa có bác sĩ huống hồ
bác sĩ gì ở đây.” Mấy người du kích đồng thanh nói như vậy.
Rõ ràng lệnh lạc của VC chẳng có ai giống ai, thật khôi hài…
Ngay tại phố thị dù là một cái Xã, cũng không có thuốc men y tá chữa trị. Sao
lại đem xuống chỗ cùng cốc khỉ ho cò gáy nói rằng để bác sĩ chữa. Không kể tôi,
chín người mới, có một anh Thiết Giáp bị thương làm sao mà trúng ngay bộ phận
sinh dục rất nặng, người khác, bị mất miếng thịt lớn nơi vai trái. Cả hai người
này đều bị nhiễm trùng và thúi nồng nặc. Những người khác chỉ bị thương nhẹ.
Đám đông dân chúng tụ tập tại đây. Không ai hiểu sao lại chở mấy
người bị thương đến đây, đám du kích lại càng ngơ ngác hơn. Có hai bà lớn tuổi
thấy mủi lòng, lăng xăng hỏi từng người muốn ăn cơm hay cháo để bà về nấu mang
ra. Nhìn vết thương trên mặt của tôi là bà biết ngay: “Con ăn cháo nghen.”
Hơn một giờ đồng hồ sau, hai người đàn bà gánh cơm và cháo từ
những ngôi nhà cách trường học không xa đem đến. Người đàn bà hỏi tôi hồi nãy,
bây giờ đút cháo cho tôi, xong xuôi họ cũng đi đâu hết. Chừng ba giờ chiều, một
anh du kích cầm tờ giấy học trò đi hỏi từng người tên họ cấp bậc chức vụ, đơn
vị. Tôi bắt đầu khai là lính Pháo Binh, vì đến nước này không còn giấu diếm gì
nữa, dù sao cũng có đông anh em không sợ họ bắn ẩu.
Năm giờ chiều, một xe Pick up màu xanh của Không Quân phe ta,
đến trước trường học và bảo mọi người ra xe. Tôi cũng được khiêng và được ngồi
phía trước. Chiếc xe chạy lên quốc lộ trở lại, và trực chỉ hướng Nam, về Thành
Phố Quy Nhơn. Tôi mừng thầm, biết đâu lần này họ đưa mình về bệnh viện Quy
Nhơn.
Tôi thất vọng khi gần đến Đập Đá, xe quẹo phải trên con đường
rất nhỏ bằng đất đi về hướng Tây, có nghĩa rằng vào Mật khu Vĩnh Thạnh hay sao.
Xe chạy loanh quanh các con đường làng, đến rừng thưa hoang vắng đã tám giờ tối
mà cũng không tìm ra chỗ nào để dừng.
Đến bờ sông thì cụt đường hết đi được, tên Sơn nhảy xuống xe
chạy một hồi gặp người dân để hỏi: “Chỗ nào có bác sĩ?“ Người dân vô cùng
ngạc nhiên nói: “Bác sĩ gì? Chỗ này làm sao có bác sĩ ?”
Sơn cho xe quay đầu trở về, tôi sợ trở lại trường học, nhưng
không, trở về chỗ chín người hồi sáng ra đi. Lúc này đã muời giờ đêm. Ai cũng
đói, và sợ nhất là mùi hôi thúi của hai vết thương nặng của anh Thiết Giáp và
Bộ Binh. Tôi may mắn đã được băng bó mấy ngày trước tại nhà tên Chủ tịch Xã.
Căn nhà nơi chín người đã trú ngụ, coi như bị thương và giam ở
đây, là cái nhà Hộ Sinh Công Cộng của Xã. Nó có hình chữ nhật dài mười lăm mét,
bề ngang chỉ bốn mét. Bề mặt nhà là chiều ngang, phía trước có cái băng gỗ dài
dùng làm chỗ chờ đợi, để làm thủ tục trước khi vào, bên trong chia ra làm nhiều
phòng nhỏ chỉ vừa đủ một cái giường nằm cho sản phụ. Các phòng tối thui như
mực. Tôi vốn sợ ma nên không dám nằm trong đó. Tôi tình nguyện nằm trên chiếc
ghế dài ngoài phòng đợi. Các anh em khác chia từng chỗ bên trong.
Tôi không ngủ được, suy nghĩ triền miên về tình hình. Ở đây tôi
không hề biết nơi nào đã lọt vào tay CS, chỗ nào bình yên. Hàng đêm xe Molotova
và nhất là xe kéo hỏa tiễn chạy trên Quốc lộ, ngang qua chỗ tôi, nườm nượp nối
đuôi nhau. Tâm trạng đau đớn và não nùng.
Ban ngày nhiều người dân lén đến chỗ chúng tôi lấy trong bụng ra
bịch gạo, dúi vào tay chúng tôi và nói rất vội: “Con giữ mà ăn.” Có người
mắt nhìn trước nhìn sau rồi hỏi: “Con có áo quần dơ đưa đây bác giặt.”
Tôi thấy tình thương của người dân dành cho chúng tôi còn rất nhiều. Họ sợ vì
chính quyền địa phương cấm không cho liên lạc giao tiếp với “Lính Ngụy”.
Ông chủ nhà cũng là chủ nhà Hộ Sinh Công, là một người trực
tính, ghét CS, hay chửi CS với chúng tôi vì biết chúng tôi là cùng phe với ổng.
Nhưng vì nghèo không có gì giúp chúng tôi, chính quyền Xã bỏ mặc không để ý
tới. Ông chủ nhà nói: “Tao không có gì cho mấy đứa mày, mỗi ngày tao cho một ít
gạo nấu cháo với muối, có đám rau muống, đứa nào khoẻ thì cắt rau luộc và lo
cho cả đám.”
Ngày nào họ cũng nấu cháo ăn chung, tôi may mắn có Hạ Sĩ Giám,
lính của tôi đút cháo cho tôi mỗi ngày. Ông chủ nhà còn giúp rửa Hydrogen cho
các vết thương vào buổi sáng một lần. Vào tối thứ nhì thì anh Thiết Giáp chịu
không nỗi và qua đời. Ông chủ nhà bảo: “Mấy đứa đem cuốc xẻng ra phía trước đào
lỗ chôn.”
Sáng hôm sau từng đoàn người dân bị lùa đi làm công tác dọn dẹp
vệ sinh sau ngay “giải phóng”. Hạ Sĩ Mai, y tá của tôi trong đám người này lén
vào gặp được tôi, thầy trò gặp nhau mừng quá. Tôi hỏi: “Sao biết chỗ này mà
tới.” Hạ Sĩ Mai bảo: “Em nghe người ta nói có nhốt lính mình bị thương ở
đây.”
Hạ Sĩ Mai hỏi tôi cần gì ngày mai nó đem lên. Tôi bảo cần thuốc
trụ sinh, đem càng nhiều càng tốt để cho các anh em khác nữa, cho tôi một bộ đồ
để thay đổi, và một cái gối nhỏ vì nằm trên ghế gỗ đau đầu quá. Mai hứa: “Ngày
mai em đem lên.”
Suốt cả ngày hôm sau tôi có ý mong đợi, nhưng không thấy người y
tá của tôi đem đến. Mai xuất hiện như một tấm ván gỗ trôi dạt trên sông khi tôi
sắp chết đuối. Vì những vết thương vẫn chưa lành và tiếp tục ra huyết tương hay
máu loãng, mỗi lần tôi ăn cháo, đang vừa được đút cháo trên miệng thì vết
thương nơi đầu cứ chảy ra.
Một buổi tối khác, khoảng tám chin giờ, mọi người đang chuẩn bị
ngủ, tôi đang nằm phía ngoài phòng chờ đợi của cái nhà Hộ Sinh Công của Xã,
bỗng từ ngoài sân có người lăm lăm cây súng Carbin đi vào, vừa đi miệng vừa nói
lớn giọng Bình Định rặc, một thổ âm rất quen thuộc: “Ở đây có ông Đại Uý Pháo
binh đâu? Đại úy pháo binh đâu?”
Câu hỏi ở cuối câu có phần lên giọng như một kẻ đối phương tìm
kiếm địch. Tôi nghĩ chắc tên du kích nào đây đã phát giác ra tôi, và nhân cơ
hội ban đêm hắn muốn trả thù. Đang trong buổi giao thời này, bọn CS muốn làm gì
mà chẳng được.
Một người đàn ông tuổi độ bốn mươi, tay cầm súng đến chỗ tôi,
dừng lại và vẫn câu hỏi cũ: “Nghe nói có ông Đại Uý Pháo Binh ở đây phải
không? Tôi nghe giọng quen quen, sao tiếng nói giống người y tá của tôi
quá. Biết đâu anh chàng này muốn hại tôi, tôi nghĩ thế và cố tình nói khác đi:
“Tôi không biết, anh vào bên trong hỏi mấy người kia.” Tôi vẫn nghĩ các
anh em trong phòng trong không tố cáo tôi đâu.
Người đàn ông vào bên trong, rồi ở trong ấy suốt đêm, anh ấy nói
lớn tiếng rằng: “Bữa trước tôi có nghe em tôi, nó là lính Pháo Binh, nhân lúc
làm công tác vệ sinh do Xã triệu tập, nó có gặp ông Đại Uý Pháo Binh, cấp chỉ
huy của nó bị thương nằm ở đây. Nói đòi đem thuốc men áo quần cho ổng, mà tôi
không cho, vì nó là “lính Ngụy” mới trở về. Nó mà lên tiếp tế cho cấp chỉ huy
của nó, thì chính quyền địa phương thấy được sẽ gây rắc rối cho nó. Tôi bảo để
tôi lên xem xét tình hình trước, vì tôi là Trưởng Toán Du Kích ở đây, không ai
nghi ngờ tôi.”
Tôi nằm bên ngoài đã nghe ông ta nói và hiểu rằng: “Không phải
muốn ám hại mình.” Trưởng Toán Du Kích còn nói “toạc móng heo”, tại sao
được bầu làm Trưởng Toán Du Kích khi bọn nó về? Tôi nghĩ bụng, cũng không
có gì nguy hiểm cho mình nữa.
Sáng hôm sau, khi ông ta vác súng đi ngang chỗ tôi, tôi gọi lại
và nói: “Anh nè , tôi là Đại Uý Pháo Binh đây, anh là anh của Hạ Sĩ Mai phải
không?” Sau một lúc nói chuyện, anh ta nói: “Tôi sẽ đích thân mang những
thứ cho Đại Uý, thằng em tôi không nên mang đến vì chính quyền nó để ý “
Nhưng không thấy anh ta tiếp tế, mà lại là người em Hạ Sĩ Mai
của tôi, vội vàng trao cho tôi rồi đi ngay. Lúc này có trụ sinh trong tay quý
hơn vàng vì cứu được mạng sống của cả nhiều người, cả đám chúng tôi mừng lắm.
Tôi giao cho Giám lo việc thuốc men cho anh em và cho tôi, cũng từ ấy các vết
thương đã lành dần.
Có một bữa, có người đàn bà còn rất trẻ xăm xăm bước vào chỗ
chúng tôi và hỏi:\
— “Có phải các anh bị bắt và nhốt ở dây không?”
— “ Chị tìm ai?“ Tôi hỏi lại
— “Dạ tôi từ Phú Yên ra đây tìm chồng là lính Pháo Binh, anh
Nguyễn Thái Học.” Tôi nghe đến Pháo Binh làm tôi tỉnh ngay, rồi hỏi thêm:
— “Có phải Nguyễn Thái Học mới cưới vợ klhông?”
— “Dạ phải, mà sao anh biết?”
Tôi nhớ lại ngày người Binh Nhứt này xin tôi về phép cưới vợ
cách đây không lâu, và sau đó cũng xin phép cho mang vợ lên đơn vị dù đang chỗ
hành quân ở chơi vài ngày.
Nhưng nay tôi không nhận ra cô dâu trẻ này của ngày nào, và
chính cô ta cũng không nhận ra tôi. Tôi tự giới thiệu:
— “Cô có còn nhớ lúc mới cưới, anh Học dẫn cô lên đơn vị chơi
không? Anh Học và cô có đến gặp tôi. Tôi là Pháo Đội Trưởng của anh Học
đây.”
Cô ta bật khóc như gặp được người thân thiết. Cô lặn lội tìm
chồng sau khi VC chiếm hoàn toàn Bình Định và Phú Yên. Cô vượt trên 150 cây số
từ Phú Yên ra đây trong lúc xã hội náo loạn, phương tiện di chuyển bế tắc. Dò
tìm mãi mới được chỉ đến chỗ này là nơi có giam giữ “lính Ngụy” bị thương.
Cô hy vọng gặp được chồng, tôi xúc động với tình nghĩa phu thê.
Tình cảnh hiện tại tôi hoàn toàn bất lực, tôi cũng nghẹn lời. Cô chia tay tôi,
đầy nước mắt. Cô khóc vì thấy hình ảnh tang thương của tôi, không ngờ tôi ra
nỗi này, và chắc chắn cô nghĩ về hoàn cảnh người chồng hiện tại nhiều lắm. Tôi
viết tờ giấy nhỏ gởi cô ta mang về nhà người quen của tôi ở Quy Nhơn, để nhắn
tin rằng tôi bị thương và đang ở đây.
Chúng tôi, những người bại trận và bị thương, đã ở trong căn nhà
Hộ Sinh Công này được một tuần. Phía CS có biết, nhưng không bao giờ săn sóc
hay cho ăn. Chỉ có người chủ căn nhà, thương lính Quốc Gia mà nuôi chúng tôi
với mỗi ngày một nồi cháo, muối cùng nắm rau muống luộc, ông ta trồng sau vườn.
Chúng tôi chưa biết ngày mai sẽ đi về đâu.
Bỗng một buổi sáng sớm, có chiếc xe Lam ngừng trước sân căn nhà
Hộ Sinh, hai anh du lích cầm AK nhảy xuống xe, bảo chúng tôi lên hết trên xe Lam,
tôi hỏi: “Đi đâu ?” Một anh đáp: “Đi bệnh viện.” Lần này xe chạy
mãi vào hướng Quy Nhơn nhưng lại quẹo phải về hướng Quận An Nhơn, và ngừng
trước một biệt thự đã bỏ trống, chắc chủ đã chạy vào Sài Gòn. Hai người du kích
bảo chúng tôi ngồi yên đó để các anh vào “liên hệ” với Quận.
Chừng mười phút sau hai anh du kích đi ra than phiền rằng: “Ở
đây không ai biết gì hết về vụ này.” Anh tài xế tỏ vẻ khó chịu vì giam xe
lâu. Đang chưa biết giải quyết như thế nào, bỗng có một anh chàng du kích thứ
ba xuất hiện và nói:
— “Đâu ai là Đại uý đâu đi theo tôi.”
— “ Đâu được, tôi chở đi bao nhiêu người, phải trả về đủ số
chứ.” Anh du kích áp tải trả lời.
Cuối cùng tôi được ngồi tiếp trên xe Lam. Hai anh du kích bảo
phải vào trong Quận “liên hệ” lần nữa. Anh tài xế la lớn tiếng, không bằng lòng
để xe ở lại lâu hơn.
Thế là du kích thua cuộc, đành khiêng tôi xuống bỏ lên bậc thềm
của biệt thự. Xe Lam chạy đi, hai du kích cũng đi vào Quận.
Đang ngồi nằm lỗn ngổn trên thềm nhà, bỗng có một tên VC, vai mang
xắc-cốt ra vẻ “cán bộ” đến hỏi chúng tôi sao nằm đây. Tôi trình bày, hắn cũng
chẳng biết làm gì, thực sự hắn không có nhiệm vụ gì với chúng tôi. Bất ngờ cậu
em tôi quen, chạy xe Honda trờ tới tìm được ra tôi, cậu ấy nói:
— “Em nhận được thư nhắn của anh, người ta nhét vô kẹt cửa. Sau
khi chạy giặc vào tới Cam Ranh, rồi không đi được nữa, em phải trở về. Em thấy
anh nhắn tin anh cần thuốc men, em tức tốc đi tìm anh. Ra chỗ nhà Hộ Sinh,
người ta bảo anh mới vừa đi về hướng Nam nên em chạy vô đây tìm đại.”
Đang có người “cán bộ” trên trời rớt xuống tôi liền nói:
— “Anh ơi! Có người nhà tôi đến, anh cho cậu ta bảo lãnh
tôi về nhà chữa bệnh được không?”
Dường như cũng muốn làm oai với thiên hạ và với đám chúng tôi
anh ta ừ đại: “ Ừ thì viết giấy bảo lãnh đi.”
Tôi mừng như vớ được cơ hội ngàn vàng thoát ra khỏi tụi này, bèn
thúc giục cậu Trung chạy ra mua hai tờ giấy carô để viết hai bản, một cho anh
cán ngố, một cho người bảo lãnh giữ, mà thực sự đâu cần thiết nhưng cứ làm như
hợp pháp. Tôi dặn nhỏ cậu ta: “Đừng ghi địa chỉ của mình.”
Đưa tờ giấy bảo lãnh cho anh “cán bộ cà ngơ” tôi hối thúc chở tôi rời ngay vì
sợ hai tên du kích trở ra ngăn lại. Tôi bảo Trung đưa hết thuốc men sữa hộp cho
những người lính bị thương. Tôi chào từ biệt anh em. Hai người đến khiêng tôi
đặt lên yên sau chiếc Honda.
Xe chạy ra Quốc lộ, Trung tấp vào một quán nước, làm như kêu
nước uống , nhưng dụng ý là cho tôi thay áo quần khác, để nếu có ai đuổi theo
cũng không nhận ra.
Phải vất vả lắm mỗi lần xuống xe và lên xe Honda vì phải nhờ
người đi đường phụ giúp. Trung chở tôi về đến nhà Trung, chỉ có một mình cậu
ta, Trung để tôi nằm đó và chạy tìm bác sĩ chữa vết thương cho tôi.
Cả một Thành Phố Quy Nhơn không có một bác sĩ nào còn ở lại.
Trung tìm được một ông y tá của VNCH, đã chạy giặc nhưng tới Cam Ranh cũng dội
ngược về vì kẹt đường.
Ông ta chữa cho tôi mỗi ngày bằng cách tới nhà Trung chích
thuốc, thay băng cho tôi. Được ba ngày thì ông hỏi tiền, Trung hỏi bao nhiêu.
Ông bảo hai chục ngàn, tôi muốn chóng mặt. Tôi nói ông cho nợ mai mốt tôi sẽ
trả bằng cách nhắn gia đình gởi ra. Ổng không chịu và đòi lấy chiếc nhẫn cưới
trên tay tôi, tôi nói:
— “Chiếc nhẫn này là vật kỷ niệm của tôi, không thể nào đưa cho
ông được. Ông hãy chịu khó chờ tôi xoay xở.”
Trung cũng hẹn lại, nhưng sau đó Trung đã tìm ở đâu có hai chục
ngàn và tới nhà giao cho ông ta rồi.
Thời gian này, Thành phố Quy Nhơn mọi người đã chạy loạn trốn CS
và gần như bỏ lại thành phố vắng đìu hiu. Chính Quyền CS vừa lên nắm giữ
kêu gọi, khuyến khích người dân hãy vào NhaTrang và Cam Ranh; kêu gọi
người thân của mình còn kẹt lại đó trở về Quy Nhơn. Họ đọc trên các loa phóng
thanh ròng rã suốt ngày lời kêu gọi. Họ cấp “giấy thông hành” cho những ai chịu
đi vào Cam Ranh.
Tôi lợi dụng thời cơ ấy bảo Trung ra phường xin “giấy thông hành”
cho tôi về quê NhaTrang nhưng tên của Trung ghi trong giấy, chứ không phải tên
tôi.
Trung pha cho tôi một bình sữa đầy đem theo đi đường, một mớ
thuốc tây đủ loại để xử dụng khi đến nhà, và một bộ áo quần còn tốt. Tất cả
được đựng trong một túi vải có sợi dây rút trên miệng túi.
Trung chở tôi ra bến xe đò, nhờ người khiêng lên xe đò. Sau khi mua vé xong, trở về quê bằng một giấy thông hành giả. Khi đến bến xe NhaTrang, tôi nhờ hai người hành khác cùng xe khiêng tôi xuống xe, và cũng bỏ tôi lên chiếc xe Lam gần đó. Chiếc xe Lam chạy đến Cây Dừa, một địa danh của làng tôi, xe ngừng lại và tôi được người ta khiêng bỏ xuống nằm dưới đất. Làng tôi ai cũng biết tôi, nên họ la lớn có tôi bị thương, và chỉ một lát sau, người anh cả tôi chạy chiếc xe Vespa ra đón tôi về nhà.
Trung chở tôi ra bến xe đò, nhờ người khiêng lên xe đò. Sau khi mua vé xong, trở về quê bằng một giấy thông hành giả. Khi đến bến xe NhaTrang, tôi nhờ hai người hành khác cùng xe khiêng tôi xuống xe, và cũng bỏ tôi lên chiếc xe Lam gần đó. Chiếc xe Lam chạy đến Cây Dừa, một địa danh của làng tôi, xe ngừng lại và tôi được người ta khiêng bỏ xuống nằm dưới đất. Làng tôi ai cũng biết tôi, nên họ la lớn có tôi bị thương, và chỉ một lát sau, người anh cả tôi chạy chiếc xe Vespa ra đón tôi về nhà.
Cả nhà xúm lại khóc ơi là khóc. Ngày tôi đi lính người anh này
không bằng lòng và la mắng tôi vì muốn tôi tiếp tục học đại học. Ông ta đã “từ”
tôi, không nhận là đứa em trong suốt thời gian tôi trong Quân Trường Thủ Đức.
Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên rằng, ngày tôi đi lính cũng chỉ trên tay một
túi xách bằng vải có sợi dây rút trên miệng túi, và khi vào đến Sài Gòn thì bị
ông anh “từ” không nhận. Ngày trở về, cũng một túi xách giống y chang ngày đi,
và cũng chính ông anh này đón tôi ngoài đầu làng. Về đến nhà người anh tắm rửa
cho tôi và ông đã ứa nước mắt nhìn thấy tôi tàn tạ như thế này.
Tôi còn có năm câu chuyện thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khác,
mà chưa có dịp kể. Nếu tôi tổng hợp lại tất cả sáu câu chuyện, tôi tin ai cũng
phải nghĩ rằng: “Đời tôi rất may mắn” và sẽ nói: “Đúng là sống hay chết đều có
số.” Số mình ông trời chưa cho chết thì chắc chắn chưa được chết. Từ đó
tôi luôn tin tưởng tôi sẽ không chết bây giờ, và một điều luôn trong đầu tôi:
“Chỉ có Trời hại mới sợ, còn Người hại không sợ.”
Nguyễn Trãi,
Mùa Tháng Tư Đau Thương
No comments:
Post a Comment