Tôi học với giáo sư Doãn
Quốc Sỹ về Văn học Việt Nam những năm Cử nhân và Cao học, bài học
giáo sư còn để lại trong tôi về vấn đề sáng tác. Đứng trên quan điểm sáng tác
giáo sư cho biết nhiều khi cho nhân vật hành động thế nầy nhưng nhân vật chỉ muốn
hành động thế kia, hoặc để cho nhân vật nói thế này nhưng nhân vật phản kháng
chỉ nói thế kia.
Lúc đó, tôi nghĩ mình là
tác giả, muốn cho nhân vật hành động, thốt những lời như thế nào
thì nhân vật phải hành động và nói ra những lời như thế ấy. Nhưng giáo sư là tác
giả nhiều bộ tiểu thuyết, tác giả có nhiều kinh nghiệm, nên muốn truyền trao
kinh nghiệm đó cho chúng tôi.
Giáo sư cùng nhấn mạnh
tiểu thuyết hay truyện ngắn, nó gồm có: Cốt truyện, nhân vật, bối cảnh và tình
tiết. Khi tác giả xây dựng nên một nhân vật có cá tính, chính điều nầy không
cho nhân vật hành động trái với cá tính của mình. Cũng vậy, một nhân vật hiền hòa
không thể nói những lời xấc xược hay ngược lại.
Khoảng năm 1960, tôi có
viết một kịch thơ Cái bong bóng nước đăng
trên Đặc san Hoa niên do GĐPT Đà Lạt
phát hành, đến nay tôi không còn giữ được ấn bản nầy, lúc đó in Ronéo. Năm
1990, tôi viết một vở kịch 4 màn Khi Từ
Thức về trần, nội dung nói về những Sĩ quan QLVNCH sau khi Học tập cải tạo
trở về. Trong màn 4, tôi đã cho gia đình ấy đoàn tụ, vì nghĩ rằng như thế nội
dung có hậu.
MÀN BỐN
Khoảng 19 giờ, trong phòng khách của một căn nhà nhỏ, một bộ salon
mây, gần đó một bàn giấy và sát tường có tủ Buffet.
Lan đứng ôm người đàn ông khóc, người đàn ông ôm Lan, quay lưng ra
phía cửa, bà Hạnh nhanh chân chạy vào.
Bà Hạnh : (vừa la to vừa cố đẩy hai người ra) – Ồ! Ông này làm sao
thế! Buông con tôi ra! Lan có sao không con?
Lan : (vẫn ôm người đàn ông, không mở mắt ra nhìn bà Hạnh) : - Mẹ!
Bà Hạnh : (Hai tay vẫn xô hai người ra) – Sao ông không chịu buông
con tôi ra? (người đàn ông dìu Lan ngồi xuống ghế, bà Hạnh nhìn kỹ người đàn
ông, bà té ngồi xuống ghế).
Bà Hạnh : (Nói giọng nghẹn ngào) – Anh Thanh!
(Thanh quay lại nhìn bà Hạnh, nét mặt xúc cảm rồi ngồi xuống ghế
giữa Lan và bà Hạnh)
Thanh : (nói chậm rãi) – Tôi vẫn mong rằng có một ngày nào đó chúng
ta gặp lại nhau, nhưng không phải cảnh nầy.
Bà Hạnh : - Em hiểu, mà chính em cũng không muốn, xin anh hãy hiểu
cho em.
Thanh : - Tôi hiểu và vì vậy mà từ nãy giờ tôi không hề phiền trách
em điều gì với con. Trái lại tôi cảm ơn em đã hết lòng nuôi dạy con nên người.
Bà Hạnh : - Anh về đây từ lúc nào? Và hôm nay anh gặp con để làm
chi, tại sao anh không đến nhà em?
Thanh : - Tôi đã giải thích cho con hiểu rồi, bây giờ tôi cũng tóm
tắt lại, sau khi được về cây đây bốn hôm, tôi đã tìm ra địa chỉ của em, người
ta đưa tôi tới, em không có nhà, con không nhìn ra tôi. Tôi hẹn con đến đây vì
tôi nghĩ rằng tôi còn chút tiền bạc cho con, mà tôi không muốn trở lại nhà của
em.
Bà Hạnh : - Tại sao vậy?
Thanh : - Tôi muốn rằng em đừng biết gì về tôi, có lẽ dễ cho em vì
nó khỏi xáo trộn gia đình em, tôi muốn cho con một số tiền rồi tôi sẽ đi xa,
nhưng mà tình phụ tử nó làm cho tôi yếu hèn, bây giờ tôi hơi hối hận.
Lan : - Ba! Bộ ba không thương con mà hay sao ba?
Thanh : (tươi cười) – Thương con luôn luôn chớ con. Khi nào mà con
có con, con sẽ biết cha thương con như thể nào?
Bà Hạnh : - Xin lỗi, anh nói rằng anh đi học tập mới về,ø sao anh
lại có tiền bạc cho con?
Thanh : - Tiền ấy tôi có trước ngày giải phóng.
Bà Hạnh : - Rồi anh giấu mẹ con em, không cho em biết?
Thanh : - Ðúng vậy.
Bà Hạnh : - Anh gửi cho ai? Hay là anh cất ở đâu?
Thanh : - Tôi chôn nó trong nhà chúng ta với hai mươi lượng vàng.
Bà Hạnh : -Vậy mà em nghĩ rằng chúng ta không có tiền. Em và con
sống chật vật, nghèo túng, khó khăn trong khi có một khối tiền ở dưới chân
mình. Trớ trêu quá! Tiền ở đó vậy mà nó xô đẩy mẹ con em đến nỗi nầy.
Thanh : - Em cứ phiền trách tôi đi! Chửi mắng tôi đi! Nhưng mà ...
Bà Hạnh : - Không! Em không phiền trách anh đâu! Từ lâu rồi, em đã
nghĩ cho số phận của em. Con người ta có số, phải tin rằng có số mạng, cái áo
anh mặc, cái quần anh mặc, đôi dép anh đi cũng còn có cái số kia mà! Người ta
không tiền, người ta ngậm đắng nuốt cay, vì thiếu nó hạnh phúc gia đình không
có, mà như chúng ta, em sống trên đồng tiền mà em không hay biết, không dùng
được để giữ hạnh phúc gia đình cho anh đến ngày hôm nay. Xin anh hiểu cho em,
lỗi hoàn toàn không phải tại em.
Thanh : - Tôi hiểu vậy, lỗi không do nơi em. Tôi đã nói xin đừng
trách tôi, thật ra tiền ấy không phải của tôi.
Bà Hạnh : - Của anh hay không phải của anh, bây giờ nào có quan hệ
gì cho em.
Thanh : - Có chớ!
Bà Hạnh : - Tôi nghĩ là không. Nhưng xin anh giải thích cho.
Thanh : - Thật ra tiền ấy không phải của tôi. Nó là của Trường, chú
gửi tôi giữ hộ cho chú, vì vậy mà tôi không cho em biết, tôi chôn nó ở trong
phòng tắm. Hôm qua tôi đến gặp người chủ nhà, để xin phép họ cho tôi lấy số
vàng ấy.
Bà Hạnh : - Rồi anh có lấy được không?
Thanh : - Có (vừa nói Thanh vừa với tay xuống bàn lấy một gói giấy
cầm để lên mặt bàn). Nó đây! Tôi lấy đủ cả, tôi muốn biếu chủ nhà một số tiền
nhưng họ không nhận.
Bà Hạnh : - Sao anh không giữ cho chú Trường?
Thanh : - Tôi nghĩ con Lan cần hơn, tôi muốn cho con để bù vào nỗi
bất hạnh mà bao nhiêu năm qua con đã chịu.
(Ông An bước vào)
Ông An : - Xin lỗi, tôi chờ đợi bà và con lâu quá tôi không hiểu có
chuyện gì không nên tôi vào, may quá không có chuyện gì phải không bà?
(Ông An chờ đợi nghe câu trả lời, mọi người yên lặng một lúc)
Bà Hạnh : - Có chuyện mà lớn nữa anh à!
Ông An : - Ủa chuyện gì vậy?
Thanh : - Xin bà để cho tôi nói .
Bà Hạnh : - Tôi phải nói thì đúng hơn. Anh An! Xin giới thiệu anh
Thanh, ba con Lan và đây là anh An.
(Ông An bợ ngợ rồi bước đến bên Thanh đưa tay ra, Thanh đứng lên
hai người bắt tay).
Ông An : - Xin chào anh, hân hạnh được biết anh.
Thanh : - Tôi cũng hân hạnh được biết anh. Xin có lời cảm ơn anh đã
nuôi dưỡng con Lan, anh đã coi nó như con anh.
Ông An : - Không dám nhận lời của anh, tôi thấy việc làm đó là bổn
phận. Xin lỗi, tôi không được biết trước nên đã vào, nếu được xin phép cho tôi
ra về.
Thanh : - Xin phép mời anh ở lại chơi một chút. Xin mời anh ngồi
(Ông An ngồi xuống chiếc ghế trống trước mặt thanh). Thưa anh, đây là một cuộc
hội ngộ bất ngờ, tôi không hề có chút ý định trước.
Ông An : - Tôi biết! Tôi ngồi lại để biết thêm việc của chúng ta.
Thanh : - Tôi nghĩ chúng ta cứ giữ nguyên hiện trạng, Hạnh vẫn là
vợ anh, Lan con của chúng ta, còn tôi là bạn của anh. Tôi định sẽ đi xa.
Ông An : - Tôi thì nghĩ rằng chưa ổn, nếu nói rằng anh hy sinh cho
Hạnh cho tôi thì thiệt cho anh và con Lan, theo tôi nghĩ anh và Hạnh tái hợp,
tôi không dấu rằng tôi sẽ có ít nhiều đau buồn nhưng mà anh, Hạnh và Lan một
nhà xum họp.
Bà Hạnh : - Anh An, anh nói gì vậy?
Ông An : - Tôi nói Hạnh nên trở về với anh Thanh thì cả ba đều có
hạnh phúc.
Bà Hạnh : - Anh có chắc rằng tôi có thể yêu thương anh Thanh nữa hay
không và ngược lại.
Ông An : - Anh Thanh à! Tôi không nghĩ như vậy đâu, có thể anh hay
Hạïnh có lòng tự trọng nhưng mà tuổi của chúng ta nào còn có tình yêu bồng bột
nữa, ngoài trái tim chúng ta còn có tấm lòng nhân ái, hy sinh. Tôi nghĩ rằng
Lan sẽ là một gạch nối quan trọng mà anh và Hạnh đều phải hy sinh để lo cho
Lan.
Thanh : - Tôi nghĩ rằng chúng ta đều có hoàn cảnh khác nhau, tâm
trạng khác nhau. Tôi chưa từng nghĩ ra hoàn cảnh nầy, tôi thấy khó giải quyết
quá anh An à.
(Lan nhìn Thanh, bà Hạnh và ông An)
Lan : - Cậu nói vậy rồi, Ba Mẹ không thương con hay sao Ba. Con
không dám kêu gọi sự hy sinh hạnh phúc riêng tư của Ba Mẹ, nhưng con nghĩ rằng
Con Cái là hạnh phúc của Cha Mẹ mà Cha Mẹ đã mất con, thì nào có hạnh phúc xin
Ba Mẹ nghĩ lại theo lời của Cậu. Xin phép Cậu, dù con có kính yêu Cậu bao nhiêu
cũng không thể bằng được tình yêu phụ tử xin Cậu tha lỗi cho con.
Ông An : - Con nói đúng. Cậu hiểu và vẫn thương yêu con như ngày
nào, con hãy tin nơi Cậu.
Thanh : - Tôi ra đi, tôi chỉ nghĩ rằng mình đi chỉ có mười ngày.
Vậy mà chuyến ra đi của chúng tôi khi trở về khác nào như Từ Thức về trần. Mọi
chuyện thay đổi quá lớn.
Ông An : - Ðúng như anh nói, có nhiều thay đổi nhưng lòng ta đừng
thay đổi là hơn (ông An đứng lên) thôi để tôi xin phép về trước, chuẩn bị một
chút gì để mời anh tới nhà, chúng ta mừng hạnh phúc của anh và Hạnh, cũng như
mừng cho con Lan từ nay đã có anh bên cạnh.
(Thanh đứng lên bắt tay tiễn An ra cửa, Hạnh đứng lên, Lan cũng
đứng lên ôm bà Hạnh).
Lan : - Mẹ! Mẹ có phải hy sinh vì con không?
Bà Hạnh : - Mẹ sẵn sàng nếu phải hy sinh cho con, nhưng có lẽ mẹ sẽ
làm để chuộc lại cái gì mà cha con bị mất.
(Thanh đã bước vào nhìn cảnh hai mẹ con, lòng tràn đầy hạnh phúc)
MÀN HẠ
Viết xong ngày, 20/9/1990 lúc 15g45
Nhưng đôi khi đọc lại,
tôi nhận thấy nội dung không phù hợp với xã hội đương thời, cái xã hội thiếu
mất đạo đức, không thực tế cho nên 11 năm sau, tôi thấy cần phải viết lại, thay
đổi màn 4 cho phù hợp với hoàn cảnh thời đó.
MÀN BỐN
Khoảng 19 giờ, trong phòng khách của một căn nhà nhỏ, một bộ salon
mây, chính giữa có một cái bàn nhỏ, sát tường có tủ Buffet.
Giữa cái bàn nhỏ và chiếc ghế dài, Lan mặc quần đen, áo bà ba trắng
đứng ôm người đàn ông khóc, người đàn ông mặc áo sơ mi sọc bỏ ngoài, quần tây
đen đang ôm Lan, quay lưng ra phía cửa, bà Hạnh mặc quần đen, áo bà ba màu cam
nhạt nhanh chân chạy vào.
Bà Hạnh : (vừa la to vừa cố đẩy hai người ra) – Ồ! Ông này làm sao
thế! Buông con tôi ra! Lan có sao không
con?
Lan : (vẫn ôm người đàn ông, không mở mắt ra nhìn bà Hạnh) : - Mẹ!
Bà Hạnh : (Hai tay vẫn xô hai người ra) – Sao ông không chịu buông
con tôi ra? (người đàn ông dìu Lan ngồi xuống ghế, bà Hạnh nhìn kỹ người đàn
ông, bà té ngồi xuống ghế cạnh Lan).
Bà Hạnh : (Nói giọng nghẹn ngào) – Anh Thanh!
(Thanh quay nhìn bà Hạnh, nét mặt xúc cảm rồi ngồi xuống ghế khác)
Thanh : (nói chậm rãi) – Tôi vẫn mong rằng có một ngày nào đó chúng
ta gặp lại nhau, nhưng không phải cảnh nầy.
Bà Hạnh : - Em hiểu, mà chính em cũng không muốn, xin anh hãy hiểu
cho em.
Thanh : - Tôi hiểu và vì vậy mà từ nãy giờ tôi không hề phiền trách
em điều gì với con. Trái lại tôi cảm ơn em đã hết lòng nuôi dạy con nên người.
Bà Hạnh : - Anh về đây từ lúc nào? Và hôm nay anh gặp con để làm
chi, tại sao anh không đến nhà em?
Thanh : - Tôi đã giải thích cho con hiểu rồi, bây giờ tôi cũng tóm
tắt lại, sau khi được về cây đây bốn hôm, tôi đã tìm ra địa chỉ của em, người
ta đưa tôi tới, em không có nhà, con không nhìn ra tôi. Tôi hẹn con đến đây vì
tôi nghĩ rằng tôi còn chút tiền bạc cho con, mà tôi không muốn trở lại nhà của
em.
Bà Hạnh : - Tại sao vậy?
Thanh : - Tôi muốn rằng em đừng biết gì về tôi, có lẽ dễ cho em vì
nó khỏi xáo trộn gia đình em, tôi muốn cho con một số tiền rồi tôi sẽ đi xa,
nhưng mà tình phụ tử nó làm cho tôi yếu hèn, bây giờ tôi hơi hối hận.
Lan : - Ba! Bộ ba không thương con hay sao ba?
Thanh : (cố nén xúc động) – Thương con luôn luôn chớ con. Khi nào
mà con có con, con sẽ biết ba thương con như thể nào?
Bà Hạnh : - Xin lỗi, anh nói rằng anh đi học tập mới về, sao anh
lại có tiền bạc cho con?
Thanh : - Tiền ấy tôi có trước ngày 30 tháng tư.
Bà Hạnh : - Rồi anh giấu mẹ con em, không cho em biết?
Thanh : - Ðúng vậy.
Bà Hạnh : - Anh gửi cho ai? Hay là anh cất ở đâu?
Thanh : - Tôi chôn nó trong nhà chúng ta với hai mươi lượng vàng.
Bà Hạnh : -Vậy mà em nghĩ rằng chúng ta không có tiền. Em và con
sống chật vật, nghèo túng, khó khăn trong khi có một khối tiền ở dưới chân
mình. Trớ trêu quá! Tiền ở đó vậy mà nó xô đẩy mẹ con em đến nỗi nầy.
Thanh : - Em cứ phiền trách tôi đi! Chửi mắng tôi đi! Nhưng mà ...
Bà Hạnh : - Không! Em không phiền trách anh đâu! Từ lâu rồi, em đã
nghĩ cho số phận của em. Con người ta có số, phải tin rằng có số mạng, cái áo
anh mặc, cái quần anh mặc, đôi dép anh đi cũng còn có cái số kia mà! Người ta
không tiền, người ta ngậm đắng nuốt cay, vì thiếu nó hạnh phúc gia đình không
có, mà như chúng ta, em sống trên đồng tiền mà em không hay biết, không dùng
được để giữ hạnh phúc gia đình cho anh đến ngày hôm nay. Xin anh hiểu cho em,
lỗi hoàn toàn không phải tại em.
Thanh : - Tôi hiểu vậy, lỗi không do nơi em. Cứ trách mắng tôi đi!
Nhưng thật ra tiền ấy không phải của tôi.
Bà Hạnh : - Của anh hay không phải của anh, bây giờ nào có quan hệ
gì cho em.
Thanh : - Có chớ!
Bà Hạnh : - Tôi nghĩ là không.
Thanh : - Nhưng tôi phải giải thích vì tiền ấy không phải của tôi.
Nó là của Trường, chú gửi tôi giữ hộ cho chú, vì vậy mà tôi không cho em biết,
tôi chôn nó ở trong phòng tắm. Hôm qua tôi đến gặp người chủ nhà, để xin phép
họ cho tôi lấy số vàng ấy.
Bà Hạnh : - Rồi anh có lấy được không?
Thanh : - Có (vừa nói Thanh vừa với tay xuống bàn lấy một gói giấy
cầm để lên mặt bàn). Nó đây! Tôi lấy đủ cả, tôi muốn biếu chủ nhà một số tiền
nhưng họ không nhận.
Bà Hạnh : - Sao anh không giữ cho chú Trường, như bao nhiêu năm nay
anh đã chôn cất nó?
Thanh : - Tôi nghĩ con Lan cần hơn, tôi muốn cho con để bù vào nỗi
bất hạnh mà bao nhiêu năm qua con đã chịu. Còn chú Trường, tôi chưa được tin
tức chú, nếu chú còn sống ở nước ngoài, chắc chú không còn nghĩ gì về số vàng
này chú đã gửi nơi tôi.
(Ông An bước vào)
Ông An : - Xin lỗi, tôi chờ đợi bà và con lâu quá tôi không hiểu có
chuyện gì không nên tôi vào, may quá không có chuyện gì phải không bà?
(Ông An chờ đợi nghe câu trả lời, mọi người yên lặng một lúc)
Bà Hạnh : - Có chuyện mà lớn nữa anh à!
Ông An : - Chuyện gì vậy?
Thanh : - Xin để cho tôi nói
.
Bà Hạnh : - Tôi phải nói thì đúng hơn. Anh An! Xin giới thiệu anh
Thanh, ba con Lan và đây là anh An.
(Ông An bợ ngợ rồi bước đến bên Thanh đưa tay ra, Thanh đứng lên
hai người bắt tay).
Ông An : - Chào anh!
Thanh : - Hân hạnh được biết anh. Xin có lời cảm ơn anh đã nuôi
dưỡng con Lan, anh đã coi nó như con anh.
Ông An : - Không dám! Xin lỗi, tôi không được biết trước nên đã
vào. Để tôi về trước, bà và con ở lại về sau nghe! (Quay sang Thanh) Xin lỗi!
Chào anh.
(Nói xong, ông An bước ra khỏi nhà)
Bà Hạnh: - Bây giờ anh định sao?
Thanh: - Ngày mai tôi sẽ về Long Xuyên, tạm trú ở đó, rồi xin đi
nước ngoài.
Lan: (Đứng lên, bước tới ghế ông Thanh, quì bên cạnh) – Ba không
thương con hay sao Ba?
Thanh: - Ba đã nói rồi, Ba rất thương con! Ba chỉ có mỗi một mình
con, không thương con thì thương ai ?
Lan: - Sao Ba lại định bỏ con mà đi xa ?
Thanh: - Nhưng ở lại đây, Ba không thể sống vì từ nhỏ đến lớn Ba
không biết làm ruộng. Kiếm một việc làm ở xí nghiệp, ở công ty như Ba, người đi
cải tạo về họ không thu dụng, còn nữa muốn xin việc làm phải có tạm trú, muốn
tạm trú phải có công ăn việc làm, đó là cái vòng lẫn quẫn đẫy người ta ra khỏi
các đô thị, để đi hồi hương lập nghiệp hay đi vùng kinh tế mới. Con hiểu cho
Ba.
Bà Hạnh: - Thời nào cũng vậy! Mà thời này thì trên hết là nhứt thân
nhì thế! Vậy anh có người thân nào, có thế lực không?
(Hai công an mặc đồng phục vàng và ông An nhanh chân bước vào phòng
khách)
Công An A: - Mọi người ngồi yên tại chỗ!
Bà Hạnh: - Chuyện gì thế!
Công An A: - Còn chuyện gì nữa! (Chỉ vào Thanh) Tên này tổ chức
vượt biên!
Bà Hạnh: - Làm gì có chuyện đó!
Công an A: (Nhìn Thanh nói) – Anh này đứng lên, đưa hai tay ra sau!
Thanh: (Đứng lên, đưa hai tay ra sau) – Tôi có làm gì đâu!
Công an A: (Móc còng dắt bên hông ra, còng hai tay Thanh) – Tang
vật trên bàn. Theo tôi về trụ sở rồi sẽ biết rõ hơn. (Ra lệnh) Đồng chí Kim
tịch thu tang vật!
Công an B: - Tuân lệnh! (Đảo mắt khắp phòng một lượt, rồi lấy mũ
xuống, hốt những gói vào bỏ vào mũ, cầm mũ lên)
Công an A: (Nắm tay kéo Thanh ra cửa) – Đi!
(Bà Hạnh và Lan đứng lên, ông An đứng tránh lối đi cho Công An A và
Thanh đi)
Lan: (khóc sụt sùi) - Ba! Con hại Ba rồi!
Thanh: (Quay đầu lại) – Không phải tại con đâu!
(Công an A kéo Thanh đi, ông An và công an B cùng đi theo)
Bà Hạnh: (Bước tới ôm con) - Tại mẹ! Cũng tại mẹ hết!
MÀN HẠ
Viết xong ngày 20/9/1990
Sửa chữa 23/9/2011
Sửa chữa 23/9/2011
Tôi có viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, làm
thơ nhưng tự đánh giá là không thành công mặt nào cả. Những ngày gần đây, tôi cảm
thấy mình ít có được cảm xúc để viết. Tôi tự hỏi có phải con đường viết lách của
mình cũng sắp sửa dừng lại. Mặc dù tôi biết công việc viết lách của tôi, nó có
mục đích ban đầu là tạo cho bộ óc có môi trường hoạt động, như thân thể ngày ngày
tập thể dục, để có thể xác lành mạnh và bộ óc minh mẫn ở tuổi già.
Hạnh phúc vào buổi xế chiều của người già phần lớn là do mình tạo dựng nên, để có được sức khỏe và luôn luôn yêu đời, yêu người thân bên mình.
Hạnh phúc vào buổi xế chiều của người già phần lớn là do mình tạo dựng nên, để có được sức khỏe và luôn luôn yêu đời, yêu người thân bên mình.
8664101217
No comments:
Post a Comment