Tôi sắp sửa
thức dậy, nghe có điện thoại reo, nên rời khỏi giường nệm đi lấy điện thoại
nghe, con gái tôi từ Việt Nam báo cho biết đã chuẩn bị xong việc tiếp đón người
mang bình tro cốt của anh tôi từ Pháp về.
Hình như ở
Mỹ, thủ tục nầy dễ dàng, khi đến phi trường ở Việt Nam, chỉ cần trình một tờ giấy
do nhà quàn chứng nhận hủ đựng tro cốt bên trong. Nhưng ở Pháp, tòa Lãnh sư tại
Paris bắt phải làm đơn xin, kê khai chi tiết về người mang bình tro cốt, danh tánh
người chết, ngày chết với giấy tờ chứng minh như sổ Thông hành (Passeport)… phải
kèm theo Giấy phép nhà cầm quyền địa phương ở Việt Nam cho phép chôn cất tại địa
điểm nào đó.
Vì chị dâu
tôi tuổi cao lại phải đi bệnh viện lọc máu tuần 3 lần, nên nhờ người cháu của
chị ấy đi hộ, tôi phải chuẩn bị có người nhà đón nhận bình tro cốt, mang về quê
chôn cất trong nghĩa trang gia đình. Cũng phải lo đón người đi dùm, rước từ phi
trường về khách sạn, và rồi sẽ đưa từ khách sạn ra sân bay khi người đó trở về
Pháp.
Anh tôi và
người chị dâu nầy đã sống với nhau trên 30 năm, không có giấy tờ chi cả, anh tôi
có đời vợ trước, đã ly hôn từ lâu, họ có với nhau đứa con gái, anh tôi có cho
biết: “Con gái anh có gia tài của mẹ nó để lại dư dùng, nên không cần anh chu cấp,
anh có hỏi nếu anh bước thêm bước nữa, người ta tham lấy hết của không để cho
con, con nghĩ sao ? Cháu nó trả lời, papa làm sao cũng được, miễn là papa có hạnh
phúc, còn con không cần tài sản của papa, nên papa đừng bận tâm lo cho con”. Có
lẽ vì vậy, những ngày cuối đời nằm ở bệnh viện, anh tôi ngồi xe lăn đi xe cứu
thương ra toà hành chánh, làm thủ tục đăng ký kết hôn và hôn lễ cử hành sau đó
10 ngày.
Anh tôi
không hề nói với tôi sau khi anh mất chôn cất hay thiêu. Anh chỉ căn dặn tôi về
số tiền anh để lại tại Việt Nam sẽ chia cho những ai, trong đó có em, cháu và
người giúp việc. Còn có nhà cửa, đất đai ở Sàigòn, Đàlạt anh đã cho trước đó.
Nhiều em
cháu biết chị ấy, vì chị ấy có về Việt Nam với anh tôi, nhưng ai cũng nghĩ đó là
người bạn gái, mà thật là như vậy. Tôi thì cũng chỉ mới gặp mặt chị ấy, khi năm
nay tôi đi sang Paris thăm anh tôi nằm trong bệnh viện, anh cho tôi biết anh chị
sống với nhau trên 30 năm, không có giấy tờ chi cả. Nay anh nằm xuống rồi tôi mới
biết, anh kết hôn với chị chỉ là hình thức để chị được hưởng tiền hưu và tài sản
của anh để lại, sẽ được phân chia cho chị và đứa cháu ngoại đang sống ở New
York.
Chị dâu
cho tôi biết, anh có nguyện vọng chôn cất trong nghĩa trang của gia đình, nên
chị nhờ người cháu mang tro cốt về Việt Nam. Còn tôi, lo thu xếp mọi việc ở Việt
Nam, làm mộ, làm mộ bia …
Tôi cũng
phải sắp xếp, vì người đi, người đón chưa ai biết ai cả, tuy cảnh đón người ở
phi trường Tân Sơn Nhất khá chộn rộn, nhưng không bằng cảnh đón người ở cổng 2E
ở phi trường Charles De Gaulles, tôi đã có dịp chứng kiến, những người cầm bảng
đón thân nhân hay khách đến chừng 30 người, họ xếp thành một vòng cung đẹp mắt,
còn người đến khoảng 7, 8 ngàn người, họ đứng chật đầy trong phòng chờ làm thủ
tục nhập cảnh.
Buổi trưa,
tôi chợt nhớ có thấy anh Trần Phác Lạc, có đưa tấm ảnh lên Facebook, với dòng
chữ: Thăm
Thầy Huỳnh Phương tại thành phố Ontario California.
Tôi nhớ
ra, ngày xưa khi tôi ngụ trong khuôn viên Nha Kỹ thuật Học Vụ, tại 48 Phan Đình
Phùng Sàigòn vào khoảng năm 1957-1958, lúc đó Nha có mở Khóa Sư Phạm Kỹ thuật cấp
tốc, học 1 năm có Huỳnh Phương, Thầy Nhì dạy ở Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ, Thầy
Nên Giám thị KT Cao Thắng theo học, anh Huỳnh Phương cũng tạm trú nơi đây theo
học.
Theo anh
kể lại, tốt nghiệp anh có dạy Trường Thực Nghiệp, Cao Thắng, có đi tu nghiệp ở
Hoa Kỳ rồi dạy ở Đà Nẵng.
Sau 1975,
tôi là nhân viên Phòng Thanh Tra An Toàn Sở Lao Động, có lần đi kiểm tra xí
nghiệp dây đồng, dây điện, có gặp lại anh Huỳnh Phương, sau đó anh thường đến
chơi với người bạn gần nhà tôi, nên tôi với anh cũng hay trò chuyện, thăm hỏi
nhau, rồi anh đi Mỹ năm 1990, tôi mất liên lạc với anh từ đó.
Nay thấy ảnh,
nhưng không thể nhận ra anh, tôi phải gọi điện thoại cho anh Trần Phác Lạc, xin
số điện thoại của anh Huỳnh Phương, nhờ vậy tôi đã liên lạc được với anh Huỳnh
Phương, anh nhớ ngay ra tôi và nhắc đến nhà văn Nhất Giang Nguyễn Tiến Minh, cũng là một trong những người
cùng tạm trú trong khuôn viên Nha Kỹ thuật Học vụ.
Anh nhắc
tới những người thầy ở Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng như Lê Văn Chịa, Lê Văn Thống
Tổng giám thị, Bạch Quang Đôi Tổng Giám Xưởng, giáo sư Nguyễn Văn Hội … và anh
không quên nhắc tới các thầy dạy ở Nguyễn Trường Tộ như Bùi Danh Dinh, Hà Mộng
Giao anh còn nhắc nhớ Bùi Danh Dinh hút thuốc lá liền miệng, Hà Mộng Giao dạy
Anh Văn và anh Nguyễn Văn Phấn…
Tôi cũng
gọi tới anh bạn học Trần Văn Xê, chị Xê cho biết anh đang nằm trong phòng cấp cứu,
cách nay 2 đêm tự nhiên anh bất tỉnh, gọi cấp cứu, nào là nhân viên cấp cứu, cảnh
sát đến đông vầy, rồi họ đưa anh đến bệnh viện, mặc dù không thấy anh ho, nhưng
bác sĩ định bệnh anh bị sưng phổi, nay đã qua cơn nguy hiểm, chưa nói chuyện được,
lúc tỉnh lúc mê.
Trần Văn
Xê đang ở tiểu bang Massachusettes, theo chị cho biết không có bạn đồng môn ở đây,
nhưng có lần Vũ Duy Khiết tới thăm. Lần trước tôi gọi thăm, Xê cũng đi cấp cứu,
vài tuần sau tôi gọi tới Xê đã xuất viện và bình thường trở lại. Xê sinh năm
1939, anh học cùng lớp với tôi những năm 1959,1960,1961 và 1962, còn Khiết học
với tôi năm 1962, 1963 và 1964 là năm Đệ nhị và Đệ nhất. Sau 1975, đi học tập cải
tạo về, Xê bán cây cảnh bên vỉa hè trên xa lộ Sàigòn-Biên Hòa ở Thị Nghè, nên
chúng tôi thường gặp nhau tại đây. Tôi cho chị Xê biết, anh Vũ Duy Khiết đang ở
Cali, vài anh em đồng môn đang dò la tin tức, nhưng chưa tìm được anh.
Đến khoảng
1 giờ chiều, điện thoại cầm tay báo động, tôi mở ra thấy hình của Phạm Hữu Tâm,
em nhanh miệng chào tôi: “Con chào thầy”. Tôi đáp ngay: “Mạnh giỏi hả Tâm ?”
Phạm Hữu
Tâm là cựu học sinh, trước kia anh giám thị Trần Văn Sáng giới thiệu, tôi có
quen với thân phụ của Tâm là Phạm Hữu Duyên với anh Tùng, anh Điện là những nhân
viên Thuế vụ hay Quan thuế ở Sàigòn, các anh thường mời chúng tôi đi uống bia,
rồi anh Duyên nhờ tôi dạy kèm cho Tâm môn Kỹ nghệ họa. Sau nầy, khi làm Hiệu
trưởng, ngày Tết tôi có mở tiệc rượu ở nhà, có nhạc phụ tôi và mấy anh bạn đồng
nghiệp trong trường với các anh Quan thuế. Trong bàn tiệc, tôi mới biết xưa kia
anh Duyên ở Long An lên Sàigòn học, có ở nhà nhạc phụ tôi đi học, hình như có bà
con xa, hoặc là đồng hương với nhau.
Tâm và tôi
trò chuyện khá lâu, chuyện gia đình Tâm ở Mỹ, chuyện về những người bạn của thân
phụ Tâm, chuyện về những cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ như Huỳnh Văn Sen vừa
qua Mỹ đã về thăm lại Việt Nam, về Nguyễn Tấn Thịnh ở San Jose, về Nguyễn Anh Dũng
dẹp công ty cung cấp dịch vụ xe cộ để qua Mỹ định cư, về Hà Trọng Dũng… Tôi giới
thiệu với Tâm, Vũ Ngọc Anh Thọ có nhiều thông tin về anh em cựu học sinh, còn về
họp bạn do Đoàn Hải thường tổ chức họp mặt quý Thầy và các anh chị em cựu học
sinh tại Santa Ana.
Cho đến hơn
3 giờ chiều, chúng tôi mới chấm dứt cuộc nói chuyện. Thật là một ngày có nhiều
chuyện đáng nói, nhắc lại những kỷ niệm xưa, một thời đã qua, sẽ qua để lại
trong chúng ta những bài học đáng quý, về những tình cảm tốt đẹp dành để cho
nhau.
8664071217
No comments:
Post a Comment