Pages

Tuesday, December 19, 2017

Chú tôi



Huỳnh Bá Nhệ (1908-1980)

Tôi có 2 người chú, chú thứ 8 và chú thứ 9, chú sau là út nhưng vì kiêng cữ tên bà cố tôi, nên không ai gọi là  chú út hay cậu út. Trong gia đình, có lẽ từ trước, anh Hai tôi mặc dù không phải là cháu đích tôn, nhưng là cháu nội trai đầu tiên, nên được bà nội tôi rất nuông chìu, nghe nói anh tôi đã lên 4, bà nội vẫn ẳm bồng đi thăm hàng xóm, nhưng mỗi khi gặp chú thứ 8, anh tôi liền tuột khỏi tay bà nội xuống đất mà đi, vì bị chú tôi rầy la : “Đã lớn chân đụng đất, còn bắt bà ẳm”. Do đã nói, anh tôi được bà nội cưng chìu, nên anh tôi gọi các cô chú chỉ bằng thứ mà thôi, chẳng hạn chú Tám, thì gọi là “Tám”, chú Chín thì gọi là “Chín”, nên chúng tôi quen miệng cứ gọi như thế. 

 Bà Nguyễn Thị Thoi (1871-1937)

Chú tôi thuở nhỏ, lên 7 tuổi đã mồ côi cha, được bà nội tôi gửi theo người em họ, để chú tôi đi học, ông nầy làm thầy giáo dạy ở trường tỉnh Long Xuyên, nhờ đó chú tôi học đỗ bằng “primaire” ngày xưa viết tắt là bằng CEPCI (tức là Certificat d'Études Primaire Complémentaire Indochinoise). Năm 1950, anh kế tôibằng Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire supérieur), cũng năm nầy tôi có bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire), lúc đó vừa mới đổi ra chương trình Việt ngữ, gọi là Sơ Đẳng Tiểu Học.

Khoảng giữa thập niên 1920, chú tôi thi đỗ bằng Primaire, trước tiên  chú tôi đi làm “cai lục lộ”, trông nom công nhân làm đường sá một vài năm, rồi xin được bổ dụng làm thầy giáo, dạy học ở trường làng bên kia sông École De Bình Mỹ. Sau cách mạng Mùa Thu 1945, chú tôi về tỉnh Châu Đốc dạy tại Trường Nữ Châu Đốc cho đến khi về hưu năm 1963.

 Chú tôi thắt nơ ngồi bên góc trái, chụp chung với Thầy cô giáo và học trò nữ

Gia đình tôi cho đến nay, vẫn là gia đình “có tiếng nhưng không có miếng”, vì bà cố tôi gọi ông Dương Văn Hóa, người thành lập làng Bình Lâm ngày xưa, nay là làng Bình Thủy trên Cù lao Năng Gù thuộc tỉnh Long Xuyên, là ông Cố, mồ mả ông Dương Văn Hóa nằm trong phần đất của bà cố tôi, gần đây họ Dương đã lấy cốt ông Dương Văn Hóa, cải táng về phần đất Phủ thờ họ Dương, bên cạnh Đình làng. Còn bà nội tôi là cháu nội của ông Phủ Nguyễn Hà Thanh, nhà của bà nội tôi nằm sát cạnh nhà ông phủ.
  Chú, Bác, Cô, Dượng, Thím của tôi (ảnh chụp năm 1962)

Do ông nội tôi mất sớm, bà nội tôi phải tảo tần nuôi 8 người con, chỉ có chú Tám tôi làm thầy giáo, chú kế làm Biện làng, thời Đệ Nhất, Đệ Nhị VNCH làm Đại Diện Xã, thân phụ tôi làm Hương Quản rồi Hương Sư cho đến năm “Nhật đảo chánh Tây”, cho nên ở trong làng, thuộc loại “có tiếng mà không có miếng”, vì không có ruộng nương, vườn tược, nhà cao cửa rộng. 

  ảnh chụp khoảng năm 1929-1930

Năm lên 13 tuổi, tôi mồ côi cha, nên má tôi gửi tôi ở với chú thím đi học. Tôi biết thân phận mình, năm 1950 tôi đã đỗ bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, đến năm 1954 mới đi học lại lớp Nhì, tức là 4 năm thất học, nên đã lớn tuổi, thời đó trong lớp tôi có nhiều người cũng học trễ như tôi, trong lớp có Quách Văn Tri và Quách Văn Phú ở làng Mỹ Đức, cách tỉnh lỵ Châu Đốc chừng 3 cây số, là hai anh em ruột cách nhau 3 tuổi, cùng học chung lớp với tôi. Do học trễ và đã lớn nên trí óc trên đà phát triễn, thêm có cố gắng nên năm 1956, tôi đã lãnh phần thưởng ưu hạng của lớp, thi đỗ vào lớp Đệ Thất Trung học Thủ Khoa Nghĩa tỉnh Châu Đốc với hạng 51/300 và đỗ vào lớp Đệ Thất Trường Kỹ thuật Cao Thắng hạng 132/250 trong số 3 ngàn thí sinh dự thi năm đó. Có nhiều người đã học Đệ Ngũ lại thi  vào Đệ Thất. Nên chú tôi đã cho tôi lên Sàigòn học.


 Chú tôi chỉ là thầy giáo, lương công chức, phải nuôi 6 người con, thêm tôi nữa là 7. Thời đó, chú cho tôi 500 đồng trả tiền cơm, ở trọ nhà người quen, 300 đồng tiền sách vở, ăn sáng, tiêu vặt. Về sau tiền cơm trả dần lên 800, 1,000 rồi 1,200.00. Tôi có học bổng 400 đồng mỗi tháng.

Khi tôi học gần hết năm cuối Trung học, chú về hưu nên không thể tiếp tục nuôi tôi, anh tôi ở Pháp tiếp tục chu cấp cho tôi hàng tháng 1,000 đồng, vào Đại học tôi được học bổng hàng tháng 1,000 đồng.

Tôi ra trường đi làm xa nhà, lương bổng không bao nhiêu, vật giá lại gia tăng, rồi lập gia đình, đi lính. Tôi chưa hề cầm được đồng tiền nào biếu cho chú tôi. Thỉnh thoảng chú lên Sàigòn đi thăm chúng tôi, chú ít khi ăn cơm ở nhà tôi, có khi chú đi công tác cho Hội Hồng Thập Tự, chở chú đi ăn, chú không cho trả tiền, bảo là đã có tiền của Hội trả công tác phí. 

Năm 1980, ngày chú mất hôm trước, trưa hôm sau tôi đã về tới nhà, mặc dù Sàigòn với Long Xuyên chẳng bao xa, nhưng thời buổi “xe cộ quốc doanh”, khách mua vé “xếp hàng rồng rắng”, nạn chợ đen, chợ đỏ. Đám tang chú đã chôn cất xong, trong Nghĩa trang gia đình, vào buổi xế trưa. Tôi đi vào nghĩa trang, nửa đường, gặp con gái chú, người rời khỏi đám tang sau cùng, đi ngược chiều, khi ngang qua tôi nói: “Đám tang vừa mới xong. Em phải về ngay, để dọn dẹp nhà cửa”.

Tôi lạy nấm mồ đất mới, nằm dưới chân mồ mả ông bà nội tôi, tôi khấn nguyện cho chú được an nhiên siêu thoát, thầm nghĩ ân dưỡng dục không mong gì đền đáp được. Tôi thành nhân, thành danh đều là công ơn của chú, ân nầy báo đáp được chỉ có mai sau.

Khi đám tang chú Chín trước đó vài năm, chú dẫn tôi đến bên cạnh mộ ông nội tôi rồi dặn: "Khi chú chết, chôn chú tại đây, nằm gần ông bà nội." Tôi đáp: "Con ở Sàigòn, khi Tám mất làm sao con báo việc nầy kịp. Chú bảo anh Năm con tiện hơn." Tôi không biết chú có bảo anh tôi không, nhưng tôi cũng quên báo cho anh tôi biết.

Đám tang xong, vài ngày sau, hỏi anh Năm tôi về việc nầy, anh nói cho tôi biết: "Anh Sáu, con bác Hai nhà ở gần đó, nên anh chỉ cho người ta đào huyệt. Từ Rạch Giá, đến tối anh mới về kịp đến Châu Đốc, lo việc hòm rương tẫn liệm Tám, hỏi việc đào huyệt để hôm sau đưa về làng rồi an táng luôn, được biết anh Sáu đã nhờ hàng xóm đào huyệt rồi, không thể sửa đổi được." Tôi nghĩ: "nếu tin rằng chết có số, thì nơi an nghĩ cũng vậy thôi !", cho nên chú được nằm dưới chân cha mẹ, chớ không được nằm bên cạnh, nơi chú muốn.

Chú tôi ăn chay trường, tu từ lúc thiếu thời, ngày ngày chỉ lo tu và dạy học. Vậy mà chú cũng bị ở tù vài tháng, thời kháng chiến chống Pháp và sau 1975 cũng bị đi “học tập cải tạo” gần năm, vì tham gia Hội Hồng Thập Tự.

Vào cuối thập niên 1920, chú tôi là người thứ nhì vào Hội Thông Thiên Học Pháp, sau là một trong những thành viên lập Hội Thông Thiên Học Việt Nam. Chú là Chi Trưởng Chi Bộ Thông Thiên Học An Giang, Phó Hội Trưởng, rồi Hội Trưởng Tỉnh Hội Phật Học Châu Đốc. Chủ tịch Hội Hồng Thập Tự tỉnh Châu Đốc. 

Ngay tại trung tâm Châu Đốc có khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng, cây Bồ Đề nầy do ông Chánh Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Quốc tế lấy giống từ cây Bồ Đề Ấn Độ, nơi Đức Phật thành đạo, tặng cho ông Phạm Ngọc Đa nguyên Hội Trưởng TTH Việt Nam, ông Phạm Ngọc Đa tặng lại cho thành phố Châu Đốc, ông Đặng Văn Lý Tỉnh Trưởng Châu Đốc cho miếng đất, để trồng cây Bồ Đề, rồi ông Châu Văn Đồng và các hội viên TTH ở Châu Đốc, trong đó có chú tôi, họ đã thành lập Hội Bồ Đề Đạo Tràng ở Châu Đốc.



Khoảng đầu thập niên 1970, gia đình ông Thú y sĩ Viễn, còn gọi là thầy thuốc Viễn hiến cúng cho Tỉnh Hội Phật Học một số tiền, Ban Cúng Tế Miếu Cô Hồn hiến đất, nhờ đó Tỉnh hội do chú tôi làm Hội trưởng, đã xây dựng nên Chùa Viên Quang, cũng nằm ở trung tâm thành phố, mặt tiền ngó qua Bồ Đề Đạo Tràng, hai nơi cách nhau một sân cỏ.


Chú tôi mất năm 1980, có thể vì bệnh tim vì chỉ đau trong thời gian vài tiếng đồng hồ là mất, chú ấy cũng là thầy thuốc Đông y có bằng cấp, tự bắt mạch cho mình, bảo con cháu khỏi cần đưa đi bệnh viện rồi mất. Thọ 72 tuổi. 

Chú đã để lại cho các con và tôi tấm gương đạo đức, để lại cho đời tiếng thơm, đã giáo dục nhiều thế hệ từ thôn quê cho đến tỉnh thành Châu Đốc. Chú tôi được ân thưởng Giáo Dục Bội Tinh Đệ nhị hạng của Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên thời Việt Nam Cộng Hòa.

8664191217
8664231217




No comments:

Post a Comment