Pages

Thursday, May 10, 2018

Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long


Từ Ca ra bộ, cộng với hát bội tiến đến Cải lương, nhưng cũng có một dòng chảy nghệ thuật trình diễn khác, từ Hát bội pha với Cải lương, được gọi là Cải lương tuồng cổ, thêm những giai điệu Hồ Quảng, được gọi là Cải lương Hồ Quảng, Hồ Quảng là vùng đất Hồ Nam Hồ Bắc và Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Hoa. Có 2 đoàn cải lương tuồng cổ đóng đô tại đất Sàigòn, nên được báo chí, người thưởng ngoạn nói đến nhiều. Đó là đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long.

Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ

Lần về nguồn gốc, người ta biết từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Thắng, tức Bầu Thắng, sinh năm 1895, tại làng Thuận Lễ, tỉnh Tân An. Ông được cha là kép hát bội tên Vĩnh, mẹ là đào hát bội tên Xuân truyền nghề. Từ năm 14 tuổi, ông đã diễn thành công các vai kép con trong các vở hát bội: vai Hoàng tử trong vở tuồng San Hậu, vai ông Hoàng trắng trong vtuồng Trần trá hôn, vai La Nhơn trong vtuồng Đại chiến Đồ Lưu, vai Bùi Ngươn Khánh trong vtuồng Thuyết đường... trong gánh hát bội. Đến năm 20 tuổi, ông nổi danh khắp lục tỉnh là một kép giỏi với các tuồng viết từ truyện Trung Hoa, như: Tiết Nhơn Quí chinh Đông, La Thông tảo Bắc, Lữ Bố – Châu Du – Triệu Tử theo truyện Tam quốc chí, Địch Thanh theo truyện Ngũ Hổ bình Tây... Năm 1924, bà bầu Ba Ngoạn muốn sang gánh hát bội cho Bầu Thắng. Ông đã bàn với vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc bán hết nữ trang ngày cưới, mua trả góp gánh hát để ông bà làm bầu. Vì theo ông, chỉ có làm bầu mới thực hiện ước mơ truyền nghề cho con cháu và định hình một dòng chảy nghệ thuật của gia tộc. Năm 1925, gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban của Bầu Thắng ra đời, trụ tại đình Cầu Quan, có tên là đình Thái Hưng, góc đường Yersin - Phạm Ngũ Lão, quận 1 – Tp. HCM ngày nay.

Ông Bầu Thắng có 8 người con, ba người con đi theo kháng chiến chống thực dân Pháp: Hai Chỉ, Năm Xù, Sáu Quan và năm người con theo nghề hát: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú.

Năm 1939, ông Bầu Thắng qua đời, bà Nguyễn Thị Ngọc tiếp tục lèo lái gánh hát, đổi bảng hiệu thành “Vĩnh Xuân Ban – Khánh Hồng” năm 1945. Bộ môn hát bội vào thời điểm này đã bắt đầu bị thu hẹp đất sống. Để thích nghi với thực tế, nghệ sĩ Minh Tơ và vợ là nghệ sĩ Bảy Sự cùng với hai em là nghệ sĩ Khánh Hồng, Đức Phú sang đoàn cải lương Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há để học hát cải lương. Nghệ thuật hát bội pha cải lương ra đời từ bước ngoặt này.

Vào thập niên 50 - 60, nhiều gánh cải lương ra đời, tạo nên sự cạnh tranh. Để tồn tại, mỗi gánh hát phải tìm cách lôi kéo khán giả bằng tuồng tích, lối biểu diễn trên sân khấu… Đoàn cải lương tuồng Tàu Khánh Hồng - Minh Tơ ra đời vào lúc nầy, lại có được một lợi thế lớn khi thu nhận môt số nghệ sĩ của gánh hát Hồng Kông ở lại Sàigòn sau một chuyến lưu diễn tại Việt Nam.

Các nghệ sĩ này đã hướng dẫn nghệ sĩ trong đoàn hát những động tác vũ đạo, múa giáo, đánh gươm… được sử dụng ở các tuồng hát có xuất xứ từ Quảng Đông. Những chất liệu này rất phù hợp trong bối cảnh nhiều đoàn hát có tuồng được sáng tác dựa trên nội dung các câu truyện của Trung Quốc.

Để có chất liệu âm nhạc mới và khác biệt, nghệ sĩ Minh Tơ và em trai là nghệ sĩ Đức Phú, người rất giỏi về âm nhạc đã quyết định sử dụng thêm chất liệu âm nhạc từ tuồng Quảng Đông, cho các tuồng cải lương của Minh Tơ. Từ đó, bảng hiệu đoàn Cải lương tuồng Tàu Khánh Hồng – Minh Tơ được đổi tên thành đoàn Cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng - Minh Tơ.

Trải qua nhiều biến cố thời cuộc, gánh hát Vĩnh Xuân Ban lần lượt đổi sang nhiều tên như đoàn Vĩnh Xuân – Khánh Hồng, đoàn cải lương tuồng tàu Khánh Hồng - Minh Tơ, đoàn cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng – Minh Tơ, cuối cùng là sau 1975,  nghệ sĩ Minh Tơ được thành lập đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Vào thập niên 1990, đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ rã gánh, sau nầy mới lập lại.

Đoàn Khánh Hồng – Minh Tơ hay Minh Tơ có những nghệ sĩ hữu danh như: Minh Tơ, Khánh Hoàng, Thành Tôn, Bửu Truyện, Thanh Thế, Phượng Mai, Mộng Lành, Thanh Tòng, Bạch Lê, Thành Lộc, Thanh Hoàng cũng là Bo Bo Hoàng, Xuân Yến, Thanh Loan, Trường Sơn, Công Minh, Hữu Cảnh, Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Vũ Luân, Bình Tinh, Chấn Cường, Chinh Nhân

Nghệ sĩ Thanh Tòng hướng dẫn cho con cháu trong gia tộc tập tuồng.

Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ đã trình diễn những tuồng tích như: Quan Công phó hội Châu Du, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Tào Tháo tam bang Đổng Quí Phi, Quan Công phò nhị tẩu, Lý Đạo Thành xử án Thượng Dương, Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương, Câu thơ yên ngựa, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài…

Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long

Về đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, trước tiên là đoàn Chánh Thành, do đôi nghệ sĩ Bảy Huỳnh và Ngọc Hương thành lập. Ông bầu Bảy Huỳnh tên thật là Nguyễn Ngọc Huỳnh và vợ là nữ nghệ sĩ Ngọc Hương tên thật Phạm Thị Hương, nỗi danh trong các thập niên 40, 50, là một cặp diễn viên chánh của đoàn Tấn Thành Ban tại đình Nhơn Hòa Cầu Muối. Đoàn Chánh Thành nhiều lần thay đổi bảng hiệu,có tên là đoàn Kim Mai. Kim Mai vốn là nghệ danh lúc ban đầu của Bạch Mai.

Vợ chồng đôi nghệ sĩ hát bội Bảy Huỳnh và Ngọc Hương có 9 người con: Bạch Mai, Thanh Bạch, Hữu Tánh, Trung Ãnh, Kim Phượng, Thanh Châu, Bạch Nga, Trung Cuộc, Bạch Lan. Những người con theo nghề của cha mẹ có: Bạch Mai, Thanh Bạch, Hữu Tánh, Bạch Nga, Bạch Lan đều là những nghệ sĩ cải lương Hồ Quảng, nỗi danh trong các thập niên 1970, 1980, 1990…

Khi ông bầu Bảy Huỳnh cộng tác với ông bầu Tư Lù lập thành bốn đoàn Thanh Bình – Kim Mai thì Bạch Mai, Đức Lợi, Ngọc Đáng và Thanh Bạch là bốn diễn viên chánh của đoàn Thanh Bình – Kim Mai 1, hát thường trực tại đình Nhơn Hòa Cầu Muối.

Năm 1974, sau khi Bảy Huỳnh đã mất, Thanh Bạch vì giận anh rể là Đức Lợi ký hợp đồng đi hát cho đoàn hát bội pha cải lương Thiên Hương, nên khi đoàn Thanh Bình - Kim Mai hát ở rạp Ô Môn – Bình Thủy, Cần Thơ.  Thanh Bạch cho rã gánh, đưa xác gánh về đình Nhơn Hòa Cầu Muối. Hai chị em Bạch Mai và Thanh Bạch về Saigon hát cho đoàn Hoa Xuân - Mười Vàng, hát thu cho đài truyền hình có Ban Huỳnh Long, Ban Vân Kiều, Ban Phụng Hảo, Ban cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng,…cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau năm 1975, vợ Bảy Huỳnh đứng đơn thành lập đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, do nghệ sĩ Thanh Bạch lãnh đạo, vở tuồng đầu tiên là Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu thành, tuồng này rất ăn khách, sở dĩ đoàn Huỳnh Long tạo được uy thế từ năm 1975 đến năm 1979 là nhờ vào nhạc sĩ Hoàng Hầu Bình, ông biết phía Minh Tơ rất bảo thủ vẩn giữ nguyên lối hát theo Quảng Đông nên đã thay đổi lối hát của Huỳnh Long theo lối kinh kịch của Bắc Kinh, vì vậy rất mới lạ và ăn khách, tuy nhiên thời vàng son của Huỳnh Long đến thập niên 1980 thì chấm dứt, vì lúc đó không cho diễn tuồng lịch sử Trung Hoa mà đoàn Huỳnh Long đã vi phạm, và cuối cùng thì bị nhà nước lấy đoàn, vụ này khiến cho Thanh Bạch phải chạy về nương náu bên đoàn Minh Tơ, tại đây Thanh Bạch mới có dịp gặp  Bạch Lê diễn chung, rồi cưới gả nên duyên vợ chồng.

Thanh Bạch và Bạch Lê vượt biên, ngày 27 tháng 3 năm 1990 tới đất Pháp, đã định cư tại Paris, hiện đã có ba con sanh tại Pháp. Con trai lớn tên Nguyễn Ngọc Bảo Tân, hai con gái Nguyễn Ngọc Bảo Tâm và Nguyễn Ngọc Bảo Châu.

Các nghệ sĩ đã góp mặt trình diễn trên sân khấu Cải Lương tuồng cổ Huỳnh Long có Bạch Mai, Đức Lợi, Thanh Thới, Minh Lương, Bạch Lan, Hiếu Cảnh, Điền Phương, Hữu Huệ, Bạch Lợi, Thái Sơn, Tuyết Vân, Hồng Sáp, Thanh Hoàng, Trung Cuộc, Ngọc Lan Hương, Vũ Linh, Kim Tử Long, Thanh Bạch

Các thế hệ đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long

Đoàn Cải Lương tuồng cổ Huỳnh Long diễn các vở tuồng San Hậu, Đường về San Hậu, Ngũ Sắc Châu, Bí mật Thành Cổ Loa, Rạng ngọc Côn Sơn, Mãi còn niềm tin, Về đất Kinh Châu, tức tuồng Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả đổi tên, Hùm Thiêng Yên Thế, Lá Chắn Biên Thùy, Tấm Cám…

Những nghệ sĩ hiện nay bám đoàn như Hữu nghĩa, con trai cố nghệ sĩ Hửu Lợi, Thanh Hương, Chinh Nhân, Bình Tinh, Cát Phượng, Mỹ Lợi, Nguyên Dũng, Hiếu Cảnh, Hửu Huệ, Điền Phong,Thanh Linh, Trường Lộc, Tuấn Anh...Nếu xem qua các trích đoạn đều thấy các nghệ sĩ trẻ yêu nghề, giọng hay, vũ đạo đẹp..

 866409052018





No comments:

Post a Comment