Pages

Thursday, May 24, 2018

Về Cải lương


Cải lương (改良) là một loại hình nghệ thuật trình diễn trên sân khấu, miền Nam có sông nước hữu tình, cách nay chừng 7, 8 mươi năm, khi phương tiện đi lại bằng cơ giới rất hiếm, sự giao thương chủ yếu bằng ghe, đi lại chủ yếu bằng xuồng. Xa hơn, thời gian trước đó nữa, những đêm trăng thanh, gió mát người bơi xuồng trên sông, vừa bơi xuồng vừa hò những câu hát, câu ca dao. Khung cảnh đó, sau những ngày mùa, để giải trí người ta tụ năm, tụ bảy trải chiếu trước sân, hay sang hơn ngồi quanh bình trà, dĩa bánh trên bộ ván trong nhà, kẻ đàn người hát. Từ đó nó hình thành đàn ca tài tử.

Từ đàn ca tài tử, người ta phụ họa thêm điệu bộ, rồi đưa lên sân khấu phụ diễn cho gánh xiếc, phụ diễn cho chiếu bóng, cũng chịu ảnh hưởng từ hát bội có tuồng tích, thế là cải lương ra đời với tuồng tích từ Kim Vân Kiều, từ Lục Vân Tiên, từ Gia Long tẩu quốc…

Những chi tiết đó thúc đẩy tôi tìm hiểu về Cải lương, về nguồn gốc, về các gánh hát, về những đào kép… về những yếu tố thúc đẩy cải lương phát triển huy hoàng, về những nhân tố làm cho Cải lương xuống dốc thảm thương.

Người ta hát hò trên sông vào ban đêm tôi có nghe, người lối xóm đàn ca tài tử ngoai sân, trong nhà tôi có dự, thuở nhỏ cúng Đình hát bội tôi có xem, lớn lên chút nữa gánh hát của Bảy Cao hát ở Đình làng bên cạnh tôi cũng có xem, rồi đi học ở Châu Đốc, học bài tới khuya, đoàn cải lương Minh Chí - Việt Hùng, hát ở rạp Lạc Thành tại đầu nhà lồng chợ, gần nhà, chờ tới lúc thả giàn vào xem màn chót.

Đến khi lên Sàigòn, vào năm 1956 họa sĩ Loka cho vé đi xem Thành Được và Bích Sơn trình diền tuồng Khi hoa anh đào nở trên sân khấu Thúy Nga, vài năm sau nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu mua 3 cái vé cho thân mẫu, cô em gái và tôi đi xem vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa hình như ở rạp Nguyễn Văn Hảo, lần đó Bảo Quốc đóng một vai em của Thanh Nga, cậu ta lớ ngớ không thuộc tuồng, Thanh Nga phải nhắc.

Sau 1975, sau khi Thanh Nga đã mất, người quen bên cạnh nhà cho vé mời đi xem đoàn Thanh Minh trình diễn ở rạp Đại Đồng vở tuồng Thái Hậu Vương Vân Nga do Kim Hương thủ vai chánh, một tuồng khác trình diễn ở một rạp gần chợ Nancy, có Kiều Phượng Loan thủ vai chính. Rồi thỉnh thoảng xem cải lương trên truyền hình với Sân khấu về khuya, Bên cầu dệt lụa …

Nói rằng mê hát Cải lương thì chắc là chưa đúng, nhưng có xem một số tuồng hát, có biết một số Đoàn hát, một số nghệ sĩ và chỉ có một lần duy nhất tiếp cận nghệ sĩ Bạch Tuyết, lần đó khoảng năm 2005, tôi đến nhà Bạch Tuyết ở đường Phạm Ngọc Thạch, để xin một ít bài Bạch Tuyết viết về Phật Giáo, lần đó Bạch Tuyết có trao cho tôi 1 tập Photocopy chừng mươi, mười lăm bài, nhưng do tôi không có thì giờ gõ vi tính, nên tôi không có đăng bài nào trên nguyệt san Phật Học do tôi chủ trương, ấn hành tại Mỹ.

Cải lương đối với tôi chỉ có thế, nhưng tôi muốn viết để tìm hiểu về nó. Vào rồi mới thấy nó như hỏa mù, có nhiều người viết nhưng mỗi người viết một khía cạnh, viết dạng tùy bút, viết lại một đề tài không có chi mới lạ.

Vương Hồng Sển viết dưới dạng tùy bút, có nhiều chi tiết có giá trị, Nguyễn Phương là soạn giả, ông có hàng chục năm theo đoàn hát, ông rành từ đoàn hát nầy đến đoàn hát nọ, từ anh kép nầy đến cô đào kia, ông có nhiều bài viết về Cải lương.

Ngoài ra còn có Ngành Mai, Thanh Hiệp cùng viết nhiều bài về nghệ sĩ Cải lương, Ngành Mai có xuất bản quyển 100 năm Cải lương Việt Nam xuất bản năm 2014, Bước đường Cải lương của Nguyễn Tuấn Khanh phát hành năm 2014, soạn giả Nguyễn Phương có quyển Buồn vui đời nghệ sĩ xuất bản năm 2005, và Ngũ đại gia sân kháu cải lương xuất bản năm 2000, Hồ Trường An có Sàn gỗ màn nhung xuất bản năm 1996, Trần Văn Khải có Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, xuất bản năm 1970, Vương Hồng Sển có Hồi ký 50 năm mê hát xuất bản năm 1960.

Như vậy có nhiều sách viết về nghệ thuật sân khấu Cải lương, tôi tiếc rằng mình không có trong tay những quyển sách ấy để đọc, tuy tôi có sách của Vương Hồng Sển và Trần Văn Khải, nhưng nó lại nằm trong tủ sách ở Sàigòn, nên nội dung bộ sách nầy dựa vào tài liệu trên Mạng, trong đó nhiều nhất là bài viết của soạn giả Nguyễn Phương và Vương Hồng Sển.

Nguyễn Phương sinh năm 1922, tốt nghiệp Trường Bá Nghệ năm 1941, theo nghề Cải lương từ năm 1948 đến năm 1989 đi định cư ở Canada, ông có trên 40 năm theo nghiệp cầm ca Cải lương. Ông Vương Hồng Sễn ra trường Chasseloup Laubat, đi làm thư ký tại Trường Bá Nghệ từ năm 1923 đến năm 1939. Tôi tốt nghiệp Trường Cao Thắng năm 1964, cũng là Trường Bá Nghệ xưa, theo dấu người trước tôi soạn sách nầy, nhưng hầu hết là những bài viết của soạn giả Nguyễn Phương và một ít tác giả khác, tôi chỉ thay đổi chút ít để cho nó được đồng nhất trong tập sách.

Mong quý tác giả có bài biết nhận nơi đây sự biết ơn của tôi, nhờ những bài viết của nhiều tác giả mới có tập sách nầy. Nội dung sách gồm có:

- Nguồn gốc Cải lương
- Các đoàn hát Cải lương.
- Soạn giả tuồng Cải lương.
- Các nghệ sĩ cải lương.
- Những nhân tố thúc đẩy Cải lương phát triển.
- Những yếu tố làm cho Cải lương tuột dốc.
- Phần sau cùng.

Anh Đào Hiên Mậu Tuất Niên
866423052016




No comments:

Post a Comment