Pages

Sunday, April 12, 2020

Đọc trong mùa dịch bệnh Covid-19

Trong những ngày nầy, tôi từ Việt Nam về Mỹ đầu tháng 3 năm nay, lúc đó Việt Nam đã có 16 người bị lây nhiễm, 3 người đã được chữa khỏi xuất viện, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn mở cửa khẩu cho người ta đi lại tự do, nhưng có khám ở phi trường, ai bị nghi ngờ hoặc ở từ trung tâm dịch về sẽ bị cách ly.

Tôi về Mỹ, tình hình khá bình thường ở sân bay, ở nơi tôi định cư, lúc đó nước Mỹ mới có theo thống kê của đài CNN số ca nhiễm được phát hiện và xét nghiệm ở Mỹ thông qua các hệ thống y tế trong nước, có 255 ca ở 28 tiểu bang.

Cộng với 49 ca từ những công dân được di tản từ Trung Quốc về, tổng số ca ở Mỹ đến tối Thứ Sáu là 304.

Con số này bao gồm cả những ca dương tính “sơ khởi,” tức được xét nghiệm dương tính tại một phòng thí nghiệm địa phương và đang chờ CDC xác nhận, lẫn những ca đã được CDC xác nhận.

Trong ngày Thứ Sáu, có thêm nhiều tiểu bang thông báo ca nhiễm đầu tiên, như Hawaii, South Carolina, Nebraska, Kentucky, Oklahoma, Indiana, và Pennsylvania.

Số người chết vì COVID-19 ở Mỹ tính đến tối Thứ Sáu là 15, gồm 14 người ở Washington và một người ở California.

Vậy mà hôm nay con số người nhiễm là 551,081; tử vong là 21,668 và chữa khỏi là 31,369.

Tránh Việt Nam về Mỹ cũng bị dịch đe dọa, chúng tôi phải hạn chế đi ra ngoài, tránh đi chợ búa chỗ đông người, chịu khó tập Dịch Cân Kinh, tụng kinh, ngồi thiền và lên mạng đọc bài. Trong những bài tôi đọc, có bài Thiền là gì ? của Krishnamurti. Xin mời quý vị đọc, nếu đã đọc rồi xin mời đọc lại, nhưng trước khi đọc bài nầy, tưởng cũng nên mời quý vị xem lại tiểu sử của Jiddu Krishnamurti, được người đời cho là bậc hiền nhân, triết gia, nhà tư tưởng, nhà giáo lãng du, nhà khoa học và nhà tâm lý học đột phá.

Jiddu Krishnamurti

Jiddu Krishnamurti (1895-1986)

Sinh ngày 11 tháng 5 năm 1895 tại Madanapalle, nay là bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, được sinh ra trong một gia đình Bà la môn, khi ấy Ấn Độ là thuộc địa của đế quốc Anh. Krishnamurti là con của ông Jiddu Narayaniah và bà Sanjeevamma.

Mẹ chết sớm từ khi ông mới lên mười. Tuổi ấu thơ, ông thường xuyên đau yếu, học hành thì lơ đãng, tâm hồn thường chìm đắm trong mơ mộng và có khuynh hướng về tâm linh, về lòng nhân ái, tình thương người, thương vật và yêu thiên nhiên.

Cha của Krishnamurti là một viên chức của chính quyền. Khi về hưu, ông cụ đề nghị với bà bác sĩ Annie Besant, Hội trưởng hội Thông Thiên Học (The Theosophical Society), mà ông cụ là một hội viên, xin vào làm việc cho Hội. Do đó, ông cụ cùng bốn người con dọn về Trụ Sở chính của hội tại Madras, vào năm 1909, lúc đó Krishnamurti mười bốn tuổi.

Dr. Annie Besant (1847-1933)

Hội Thông Thiên Học do bà Héléna Petrovna Blavatsky (1831-1891) người Nga cùng chồng là cựu đại tá Hoa Kỳ, ông Henry Steele Olcott (1832-1907) và ông William Quan Judge (1851-1896) thành lập tại New York, Mỹ vào ngày 17-11- 1875, là một hội có mục tiêu tìm hiểu các tôn giáo, các nguồn tư tưởng, minh triết, các sự huyền nhiệm trên thế giới cổ kim và các năng lực thần bí nơi con người. 

Bà Héléna Petrovna và chồng ông Henry Steel Olcott

Cơ hội gần gũi của gia đình Krishnamurti và bà Annie Besant đã tạo nên một sự gắn bó khắng khít giữa bà và cậu bé mười bốn tuổi yếu ớt, lại có khuynh hướng tâm linh thần bí, và đã khiến cho bà và Linh mục C.W. Leadbeater phát hiện ra cậu bé Jiddu Krishnamurti chính là vị hóa thân mà họ đang tìm kiếm, với những kinh nghiệm về đột biến tâm linh của cậu, khi đó Krishnamurti mới mười lăm tuổi.

Charles Webster Leadbeater (1854-1934)

Leadbeater cho biết rằng Krishnamurti có hào quang rất thanh khiết và tin rằng Krishnamurti sẽ là một phương tiện cho Đức Maitreya, đấng mà ông và nhiều nhà Thông thiên học đang mong đợi. Như MosesPhật Thích caZarathustraJesus người Nazareth, và Muhammad ibn 'Abdullah, vị cứu thế mới, được cho là sẽ giảng dạy một tôn giáo mới.
C.B. Leadbeater đặt bí danh Alcyone cho Krishnamurti và đã thực hiện điều tra qua thiên nhãn thông và ghi lại 48 kiếp sống trước của Krishnamurti vào quyển sách Những kiếp sống của Alcyone.
Leadbeater ở trong Ấn độ cho đến năm 1915 trông nom việc giáo dục của Krishnamurti; sau đó ông đã đến sống tại Úc.
Bà Annie Besant nhận nuôi dưỡng và giáo dục, Krishnamurti vẫn xem bà là mẹ nuôi của mình, Chính bà A. Besant và ông C.W. Leadbeater công bố Krishnamurti sẽ trở thành hiện thân của đức Di Lặc khi Ngài giáng lâm trong thế kỷ 20.

Ngay từ khi còn trẻ, Jiddu Krisnamurti đã được những người lãnh đạo Hội Thông Thiên Học thời bấy giờ hướng dẫn Alcyone, đã viết cuốn Dưới Chân Thầy năm 15 tuổi. Đó là một cuốn sách nhỏ chứa đựng những nguyên tắc sống mà mọi người đều có thể áp dụng. Hội viên TTH xem quyển sách nhỏ nầy là quyển sách “gối đầu giường” của họ.

Để chuẩn bị chu đáo cho sự xuất hiện của Thế Giới Đạo Sư, hội Thông Thiên Học thành lập một hội đoàn tôn giáo lấy tên là Ngôi Sao Phương Đông (The Order of the Star in the East) và tôn Krishnamurti làm Đạo Trưởng. Nhóm này có nhiều chục ngàn hội viên ở khắp nơi trên thế giới, với nhiều tiền bạc, nhà cửa đất đai tại Âu Châu, Úc châu, Ấn Độ, v.v...

Năm 1912, Khishnamurti được hội Thông Thiên Học chính thức tấn phong làm Thế Giới Đạo Sư.

Nhưng đến ngày 2 tháng 8 năm 1929, trước 3.000 thành viên trong một cuộc trại hằng năm tại Ommen, Hà Lan, Krishnamurti tuyên bố giải tán hội Ngôi sao Đông phương, có nghĩa từ khước ngôi vị Giáo chủ, đồng thời tuyên bố rằng chân lý là “tôi vẫn giữ quan điểm chân lý là mảnh đất không lối vào - pathless land - … và bạn không thể đạt đến đó bằng bất cứ con đường nào, hay bất kỳ tôn giáo hoặc tổ chức nào. Đó là quan điểm của tôi và tôi tuân thủ theo nó tuyệt đối và không điều kiện.” Mỗi người phải đích thân khám phá chân lý qua sự tự biết mình, quan sát và lắng nghe cái đang là (what is), với sự chú ý bằng toàn bộ con người mình. Ngay tự thân hành động ấy ẩn chứa sự biến đổi tận gốc bản thân mỗi người, cái làm một với thế giới. Như thế, bước đầu tiên cũng là bước cuối cùng, và cá nhân mỗi người phải là ánh sáng cho chính mình.

Làm việc này, ông đã đương nhiên liệng bỏ những tài sản, đất đai, tiền bạc, quyền lực và tất cả mọi vinh dự mà thế nhân dành cho nhân vật có thẩm quyền, vị Đạo Sư.

Hội TTH hoàn toàn bị sốc trước điều đó và nhiều người quay lại chống Ông, nói Ông đã sa ngã do tính kiêu ngạo

Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Từ đầu những năm 1930 đến năm 1986, ông dành toàn bộ thời gian của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm.

Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các bài nói và thảo luận của ông cũng được xuất bản. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984. Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, vào tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời ở nhà riêng vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai, California, Hoa Kỳ. Thọ 91 tuổi. Tro cốt hoả táng được đem rải tại Ấn, Anh và Mỹ.

Ông để lại cho đời các Sáng hội Krishnamurti và các trung tâm sinh hoạt, các trường học mang tên Krishnamurti tại Ấn, Anh và Mỹ, cùng một số lượng khổng lồ lời giảng trong hàng chục ngàn cuốn băng ghi âm, ghi hình, cả chục ngàn trang sách, bản viết tay và thư từ. Lời giảng của Krishnamurti được nghiên cứu trong hơn 200 trường đại học và cao đẳng. Sách ghi lại tư tưởng của Krishnamurti hoặc viết về ông lúc nào cũng thuộc danh sách các sách bán chạy nhất, và thường được dành riêng một khoảng trên kệ sách của các nhà sách lớn.

Tại Nam Việt, Hội TTH Việt Nam được thành lập từ năm 1949, do các ông Phạm Ngọc Đa, Mai Thọ Truyền, Nguyễn Văn Lượng đứng đơn xin chánh phủ Quốc Gia Việt Nam, có trụ sở tại 462 đường Võ di Nguy, Phú Nhuận. Sàigòn. Hội có xuất bản quyển Dưới Chơn Thầy, biếu không cho Hội viên và độc giả.

Từ giữa thập niên 1960, có tới cả chục cuốn sách được các nhà xuất bản in các dịch  phẩm của Krishnamurti; tư tưởng của ông rất được các sinh viên, trí thức và giới tu học đón nhận rộng rãi, háo hức tìm đọc. Kể từ tháng 5.1975, Hội TTH Việt Nam bị giải tán, toàn bộ sách Krishnamurti bị tịch thu, tiêu hủy, cấm tàng trử và lưu hành, trong lúc tuổi trẻ ở thế giới bên ngoài ngày càng quan tâm đến ông, đặc biệt trong học giới, tôn giáo, nghệ thuật, các phong trào môi sinh và nhân quyền…. Mãi tới hơn 20 năm sau (2000), sách Krishnamurti mới được phép xuất bản trở lại.

Mời đọc bài Thiền là gì ? do dịch giả Minh Tâm dịch của Krishnamurti, nếu tôi nhớ không lầm thì dịch giả Minh Tâm đã có những bản dịch từ thập niên 1960, và ông là hội viên TTH ở Chi bộ Vĩnh Long.

Thiền là gì ?
Jiddu Krishnamurty

Tâm thiền là vắng lặng nhưng không phải là sự yên lặng mà tư tưởng có thể nhận thức được. Thiền không phải là cái vắng lặng của một buổi tối. Nó thật sự vắng lặng khi tất cả những tư tưởng, lời nói và nhận thức hoàn toàn ngừng bặt. Tâm thiền này là tâm tôn giáo mà không bị quản thúc bởi một tôn giáo hay bất cứ một hình thức lễ nghi nào. Tâm tôn giáo là sự bộc phát của tình yêu. Một thứ tình yêu hoàn toàn không có sự phân biệt. Ðối với nó xa là gần. Nó không phải là một mà cũng chẳng phải là nhiều, hay nói đúng hơn là một thứ tình yêu mà tất cả sự phân biệt đã dứt bặt. Giống như cái “đẹp” không thể diễn tả bằng lời nói. Từ sự yên lặng này tâm Thiền phát khởi.

Thiền là một trong những nghệ thuật tuyệt vời trong cuộc sống. Có lẽ là tuyệt vời nhất và không ai có thể dạy cho bất cứ ai. Ðó là cái đẹp của Thiền. Tự nó không có kỹ thuật cho nên không có người thiện xảo. Khi bạn tìm hiểu về chính mình, nhìn vào chính mình, nhìn vào những bước đi của bạn, bạn ăn như thế nào, nói cái gì, ghét hay thương... Nếu như bạn biết được tất cả những cái đó trong bạn mà không có sự phân biệt thì đó chính là một phần của Thiền.Do đó Thiền có thể xảy ra trong lúc bạn đang ngồi trên xe buýt hay đang đi trong cánh rừng rợp bóng mát, hoặc đang lắng nghe chim hót hay đang nhìn vào gương mặt vợ con bạn. Thật sự bạn muốn biết tại sao Thiền trở nên quan trọng như thế! Nó không có sự khởi đầu cũng không có sự chấm dứt. Nó giống như giọt mưa, trong nó hàm chứa tất cả những sông hồ và biển cả. Hạt mưa ấy nuôi dưỡng trái đất và con người. Không có nó, trái đất sẽ trở nên sa mạc. Không có Thiền thì tâm sẽ trở thành khô cằn, một vùng đất hoang tàn.

Thiền sẽ tìm thấy trong tâm với tất cả những hoạt động hay những kinh nghiệm của nó có thể hoàn toàn vắng lặng. Không nỗ lực nhưng hiện tại bạn nỗ lực, đó là nhị nguyên. Bạn có thể nói rằng: “Tôi thích có một kinh nghiệm phi phường, cho nên tôi phải bắt tâm tôi vắng lặng. Bạn sẽ chẳng bao giờ làm được điều đó cả. Nhưng nếu như bạn bắt đầu tìm kiếm quan sát, lắng nghe tất cả những hoạt động của tư tưởng, tình trạng của nó, mục đích của nó, những sợ hãi và những cảm giác của nó, hãy theo dõi tâm của bạn hoạt động như thế nào rồi bạn sẽ thấy tâm của mình trở nên vắng lặng một cách phi thường. Sự vắng lặng đó không phải là sự ngủ yên mà là một cách hoạt động tích cực và do đó nó yên lặng. Một máy phát điện lớn chạy tốt hầu như không hề có tiếng động, chỉ khi nào có sự va chạm thì khi đó có tiếng động.

Sự yên lặng và không gian đi cùng với nhau. Sự bao la của yên lặng là sự bao la của tâm thức mà trong đó không có điểm trung tâm.

Thiền là việc làm khó khăn. Nó đòi hỏi hình thức cao nhất của giới luật mà không phải là sự tuân thủ, cũng không phải là sự bắt chước. Thiền chỉ là giới luật mà chỉ đến hoàn toàn bằng sự tỉnh thức không những những vấn đề bên ngoài và còn cả những vấn đề bên trong của bạn. Do đó, Thiền không phải là hành động xa vời mà ngay chính trong cuộc sống hằng ngày, nó đòi hỏi sự cộng tác, sự nhạy cảm và sự thông minh. Không có nền tảng của một đời sống chân chánh thì Thiền sẽ không có giá trị đối bất cứ ai, một đời sống chân chánh là không tuân theo những đạo đức xã hội mà là thoát khỏi sư ghen tỵ, ham muốn và tìm kiếm quyền lực. Thoát ly khỏi những thứ này sẽ không phải bằng ý muốn mà là sự tỉnh thức. Không biết những hoạt động của tự ngã Thiền sẽ trở nên sự ham thích cảm giác và nó trở nên vô nghĩa.

Luôn luôn tìm kiếm rộng, sâu, những kinh nghiệm hảo huyền là một lý do cách xa chân lý “cái gì”, mình là gì, và tình trạng của tâm là sao. Một cái tâm tỉnh thức, thông minh, giải thoát tại sao không nên có? Tại sao không nên cần? Ánh sáng là ánh sáng. Nó không đòi hỏi gì hơn là ánh sáng.

Thiền là một trong những điều phi thường, và nếu bạn không biết nó là gì bạn sẽ giống như một người mù đang di chuyển trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng. Nó không phải là một vấn đề của tri thức, mà là khi tâm hồn thể nhập vào tâm thức thì tâm thức sẽ có một khả năng khác, nó là chân lý, vô hạn không những trong khả năng tư duy, hành động một cách hiệu quả mà còn trong ý thức về cuộc sống trong không gian bao la nơi mà bạn là một phần của nó.

Thiền là một thứ tình yêu. Nó không phải là tình yêu của một người cũng không phải của nhiều người. Nó giống như nước mà người ta uống trong bất kỳ loại chai nào cho dù là nó được làm bằng vàng hay bằng đất nung: Nó là vô tận. Và một điều quan trọng xảy ra là nó không phải là ma túy cũng không phải là sự thôi miên nhưng nó đã xảy ra và một điều quan trọng xảy ra khi tâm thể nhập vào chính nó, bắt đầu từ khởi đầu và thể nhập sâu dần cho đến khi ý niệm về sâu – cao mất đi ý nghĩa của nó và mọi hình thức của sự đo lường hoàn toàn đoạn diệt. Ðó là trạng thái hoàn toàn an tịnh- không thỏa mãn những gì xãy ra bằng sự hài lòng, chỉ là sự an tĩnh một cách quy củ, đẹp và mãnh liệt. Tất cả có thể bị hủy diệt như bạn hủy một bông hoa và chính sự tổn thương này nó bất diệt. Bạn không thể học phương pháp Thiền này từ người khác. Bạn phải bắt đầu từ số không và bắt đầu loại bỏ dần dần vô minh.

Mảnh đất mà tâm Thiền có thể phát khởi đó là cuộc sống hàng ngày, sự xung đột, nỗi đau khổ và mang đến quy củ và cũng từ đó đi đến sự vĩnh cửu. Nhưng nếu bạn chỉ liên hệ bằng sự thứ tự và chính cái thứ tự ấy sẽ mang đến sự giới hạn và chính tâm sẽ trở thành tù nhân của nó. Trong tất cả những hoạt động này bạn không biết phải bắt đầu hay chấm dứt từ đâu. Bờ bên này chẳng có liên hệ gì với bờ bên kia và không biết làm sao để vượt qua dòng sông. Bạn lao xuống nước nhưng không biết phải bơi như thế nào. Và cái đẹp của Thiền là bạn chẳng bao giờ biết bạn đang ở đâu, bạn đang đi đâu, và cuối cùng là gì.

Thiền không phải là cái gì khác cuộc sống hàng ngày. Ðừng đi ra khỏi phòng để hành thiền chừng 10 phút rồi dừng thì chỉ là một kẻ đồ tể của ảo ảnh và thực tiễn.

Thiền là một trong những điều nghiêm túc nhất. Bạn có thể thực hành suốt ngày, trong văn phòng, với gia đình, khi bạn nói với ai đó là “Tôi yêu bạn” khi bạn quan tâm đến con cái. Bạn giáo dục chúng trở nên những chiến binh, hy sinh để bảo vệ độc lập, tôn trọng màu cờ tổ quốc, giáo dục chúng hiểu rõ những cạm bẫy của thế giới hiện đại. Quan sát tất cả những thứ này, thấy rằng bạn là mộ phần trong đó, tất cả những thứ ấy là một phần của Thiền. Và khi bạn Thiền như vậy bạn sẽ thấy ở Thiền một cái đẹp phi thường. Bạn thực hành ngay trong trong hiện tại và nếu bạn không thực hành ngay trong lúc ấy thì cũng chẳng có vấn đề gì bạn sẽ thực hành trở lại. Bạn sẽ không thấy hối tiếc. Thiền là một phần của cuộc sống nó không xa rời cuộc sống. Nếu bạn chuẩn bị thiền, thì đó không phải là thiền. Nếu như bạn muốn bày tỏ sự lương thiện thì cái thiện đó chẳng bao giờ nở rộ. Nếu bạn cố tình trau giồi đức tính khiêm cung, thì đức tính ấy sẽ hoại diệt. Thiền là một cơn gió thoảng đến khi bạn mở cánh cửa sổ ra, nhưng nếu như bạn chủ tâm mở cửa, chủ ý muốn chờ đợi một cơn gió thì nó chẳng bao giờ xuất hiện.

Thiền không phải là phương tiện. Nó là cả hai: phương tiện và cứu cánh. Thiền là một điều phi thường. Nếu có bất cứ một sự bắt buộc, cố gắng bắt tư tưởng phải tuân thủ, bắt chước, thì Thiền sẽ là một gánh nặng. Sự yên lặng trong khao khát những chấm dứt đang được làm sáng tỏ. Nếu như nó sự tìm cầu những ảo ảnh và những kinh nghiệm thì nó sẽ dẫn đến những ham muốn và ích kỷ. Chỉ trong sự thăng hoa của tư duy và sự chấm dứt tư duy như thế sẽ làm cho Thiền trở nên nổi bật. Tư duy chỉ có thể nở hoa trong tự do, chẳng bao giờ ở trong phạm trù của tri thức. Kiến thức có lẽ chẳng bao giờ có những kinh nghiệm của một cảm giác tuyệt vời chỉ có tâm đang tìm kiếm những kinh nghiệm những thứ ấy thì thật là non nớt. Sự trưởng thành thoát khỏi những kinh nghiệm. Nó không chịu ảnh hưởng bởi hiện hữu hay không hiện hữu. Sự trưởng thành trong Thiền là thoát khỏi tâm của kiến thức, bởi vì nó hình thành và kiểm soát những kinh nghiệm. Một cái tâm như ánh sáng thực sự cần thiết chứ không phải là kinh nghiệm. Không trưởng thành là sự ham muốn những kinh nghiệm tuyệt vời hơn và lớn hơn. Thiền là sự rong ruỗi trong thế giới của kiến thức và sự tự do bước vào những lãnh vực chưa biết. Tự mình phải tìm thấy chính mình mà không qua bất kỳ ai cả.

Chúng ta có những bậc thầy, những vị cứu rỗi, và những đạo sư. Nếu thật sự bạn muốn biết Thiền là gì thì bạn phải gạt bỏ hoàn toàn những thế lực đó. Hạnh phúc và hỷ lạc bạn có thể mua ở bất cứ đâu nhưng giải thoát thì bạn không thể mua cho cá nhân bạn hoặc cho bất cứ ai. Hạnh phúc và hỷ lạc là sự trói buộc của thời gian. Chỉ khi nào một trạng thái hoàn toàn tự do thì giải thoát mới thật sự xuất hiện. Hỷ lạc cũng như hạnh phúc bạn có thể tìm kiếm bằng nhiều cách nhưng nó đến rồi đi, giải thoát thì không. Bạn không thể kiếm tìm nó. Khi nó có mặt, lệ thuộc hoàn toàn vào tâm của bạn, nó nó tồn tại một cách không điều kiện và vô tận và không thể đo bằng thời gian. Thiền là sự theo đuổi của hỷ lạc hoặc là sự tìm kiếm hạnh phúc. Hay nói một cách khác Thiền là trạng thái của Tâm mà trong đó không có khái niệm hay một công thức và do đó nó hoàn toàn tự do. Chỉ có một cái tâm như thế thì giải thoát đến không phải tìm kiếm, không mời mọc. Khi thiền có mặt dù là bạn đang sống trong một thế giới đầy náo động thích thú và thù hận, thì những thứ này cũng không ảnh hưởng đến tâm bạn. Khi thiền có mặt thì những xung đột chấm dứt. Nhưng sự chấm dứt những xung đột này không hoàn toàn tự do. Thiền là sự vận động của tâm trong giải thoát. Trong sự giải thoát này cái nhìn được thực hiện một cách innocent và tình yêu là benediction. Tôi không biết bạn đã từng để ý hay không là khi bạn hoàn toàn tập trung có một sự yên lặng hoàn toàn. Và trong sự tập trung đó không có biên giới không có trung tâm cũng không có cái “tôi” được biết hay chú ý. Sự tập trung đó là một trạng thái của thiền. Chúng ta hầu như chưa từng nghe tiếng chó sủa, hay tiếng của một đứa bé hoặc tiếng cười của một người đàn ông khi ông ta đi ngang qua. Chúng ta tách rời chúng ta ra khỏi mọi thứ và từ sự tách biệt này nhìn và lắng nghe tất cả mọi thứ. Chính sự tách biệt này quá tiêu cực, bởi vì trong đó hàm chứa tất cả những xung đột và nhầm lẫn. Nếu bạn lắng nghe âm thanh của tiếng chuông một cách im lặng hoàn toàn thì bạn sẽ cỡi trên nó hơn nữa nó sẽ mang bạn qua những thung lũng và những ngọn đồi. Cái đẹp của nó là chỉ khi nào bạn và âm thanh là một bạn là một phần của nó. Thiền là sự chấm dứt sự phân biệt không bị lệ thuộc bởi những hoạt động của ý chí hay ham muốn. Thiền không phải là một cái gì đó cách biệt khỏi cuộc sống mà chính ngay trong cuộc sống hằng ngày. Lắng nghe âm thanh của tiếng chuông, nghe tiếng cười của người nông phu khi ông ấy đi ngang qua cùng với vợ ông ta, lắng nghe tiếng chuông của chiếc xe đạp cô một bé gái vừa mới ngang qua. Ðó là toàn bộ cuộc sống và thiền bắt đầu. Thiền là nhìn thấy nó là gì và đang là gì. Nhận thức, không có ngôn ngữ, không tư tưởng, là một trong những hiện tượng lạ nhất. Ðó là sự nhận thức rất tinh xảo, không những bằng não bộ và còn bằng những ý thức. Sự nhận thức như thế không phải là một phần của trí tuệ cũng không phải là vấn đề của sự cảm xúc. Nó có thể gọi là một sự nhận thức hoàn toàn và nó là một phần của Thiền. Trong Thiền nhận thức mà không có người nhận thức là sự tư duy về cao sâu của không gian. Sự nhận thức này hoàn toàn khác với cái thấy một đối tượng mà không có chủ thể nhận thức. Bởi vì trong sự nhận thức của Thiền không có đối tượng và vì vậy cho nên không có sự cảm nhận. Tuy nhiên thiền thể xảy ra khi mắt đang mở và khi tiếp xúc với những đối tượng chung quanh. Nhưng những đối tượng này không có quan trọng. Khi mắt thấy sắc nhưng không có sự nhận thức điền này có nghĩa là không có sự cảm nhận.

Vậy Thiền là gì ? Nó không có nghĩa, không có tiêu chuẩn. Nhưng trong Thiền có một trạng thái hỷ lạc mà không phải là những cảm giác bình thường. Ðó là cảm giác từ mắt truyền đến não và đưa đến tâm một cách tự nhiên. Nếu không thấy được cuộc sống như là một cái gì đó mới mẻ thì cuộc sống sẽ trở nên một cái vòng lẩn quẩn, buồn tẻ và vô nghĩa. Do đó Thiền là một trong những điều quan trọng nhất. Nó mở ra cánh cửa của bất khả tư nghì. Thiền không lệ thuộc thời gian, thời gian không đưa đến sự thay đổi, nó có thể mang đến những thay đổi cần phải thay đổi như những cải tổ. Thiền thoát ra khỏi sự ràng buộc của thời gian, nó hoàn toàn tự do và nếu như không có tự do thì nó chỉ là một sự chọn lựa và sự xung đột. Chúng ta phải cải tạo xã hội, những bất công, sự suy đồi về đạo đức và sự chia rẽ. Những điều này đã tạo nên những khoảng cách giữa người và người, những cuộc chiến tranh và sự hụt hẫng tình thương đã đưa đến sự hủy diệt thế giới. Nếu bạn thiền vì mục đích cá nhân, chỉ vì niềm vui của cá nhân thì đó không phải là thiền. Thiền là một sự thay đổi cơ bản của khối óc và con tim. Ðiều này chỉ có thể có khi ý thức bên trong hoàn toàn vắng lặng và sự vắng lặng này dẫn đến ý thức tôn giáo. Tâm đó biết được những gì thiêng liêng. Ðẹp có nghĩa là sự nhạy cảm. Một thân thể đẹp có nghĩa là có một cuộc sống quân bình và tâm trở nên yên tịnh một cách tự nhiên. Bạn không thể bắt buộc tâm yên tĩnh bởi vì bạn là một kẻ tinh nghịch, bối rối và lo âu. Làm thế nào bạn có thể làm cho tâm mình an tịnh? Chỉ có khi nào bạn hiểu được yên lặng là gì khi nào bạn hiểu được sự bối rối là gì, buồn là gì và có phải nỗi buồn là vô tận hay không và khi nào bạn thật sự hiểu được hạnh phúc sau đó ra khỏi những thứ ấy thì một tâm yên tịnh phi thường sẽ đến; bạn không cần phải tìm kiếm nó. Bạn phải bắt đầu từ đầu và bước đi đầu tiên sẽ là bước đi cuối cùng và đây chính là Thiền. Thiền không phải là một sự trốn tránh cuộc đời, nó không phải là một sự cách biệt mà là những sinh hoạt rất gần gũi với mình đúng hơn là sự hiểu biết về cuộc đời và những phương diện của nó. Cuộc đời có quá ít cơ hội để dâng hiến ngoài những thứ như thức ăn, áo quần, nhà cửa và những khoái lạc với đầy rẫy những khổ đau. Thiền là đi ra khỏi thế giới khổ đau này để trở thành một người hoàn toàn tự do. Cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn và vẻ đẹp của thiên đàng và trái đất là vĩnh hằng. Tình yêu không phải là sự khoái lạc. Từ điều này tất cả hoạt động bắt đầu, nó không phải là kết quả của sự căng thẳng, của mâu thuẫn, sự tìm kiếm những khát vọng hay là chán nản quyền lực. Nếu bạn thận trọng chọn một tư thế, một vị trí để mà hành thiền thì thiền sẽ trở thành một trò chơi, một thứ đồ chơi của tâm. Nếu bạn thật sự giải thoát khỏi những lo lắng và những khổ đau của cuộc đời rồi nó sẽ trở thành một điều mà bạn không thể hình dung được và đây không phải là thiền. Tâm sáng suốt hay không sáng suốt đều không vai trò gì trong đó cả, thậm chí cũng không biết được lãnh vực và cái đẹp của thiền. Nếu như biết được thì bạn chỉ cần đi mua một cuốn tiểu thuyết. Khi hoàn toàn tập trung vào thiền, bạn sẽ không có cái biết, không có nhận thức cũng không nhớ một sự việc đã xảy ra. Thời gian và tư duy sẽ chấm dứt bởi vì chúng bị giới hạn bởi tầm nhìn của chính nó.
J.Krishnamurti
Minh Tâm dịch

8664120420









No comments:

Post a Comment