Pages

Friday, August 12, 2016

Tùng Lâm



(1934-20  )

Nghệ sĩ hài Tùng Lâm tên thật là Lâm Ngươn Phần sinh ngày 1 tháng 3 năm 1934, tại Biên Hòa nay là tỉnh Đồng Nai. Thuở nhỏ, ông học ở Biên Hòa, lên Trung học theo học tại Trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh, nay ở đường Huỳnh Khương Ninh, tại đây Khánh Băng và ông đã lập ban nhạc trẻ chơi với nhau.

Năm 12 tuổi, Đài phát thanh Pháp -Á tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ, Tùng Lâm dự thi và đoạt giải nhất với bài An Phú Đông của nhạc sĩ Lê Bình. Người đoạt giải nhì là Thanh Giang, học trò của quái kiệt Trần Văn Trạch, giải ba thuộc về ca sĩ Bạch Yến, con dâu GS.TS Trần Văn Khê. Đến năm 1952, sau một thời gian đi hát đám cưới, Tùng Lâm lại đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài phát thanh Sài Gòn với bài Tiếng dân chài của Phạm Đình Chương.

Ông đến với kịch cũng rất tình cờ. Lần ấy, Ban kịch Dân Nam khai trương vở Tàn cơn ác mộng, kịch sĩ Vân Hùng đột ngột đòi trả vai người cùi. Trước tình thế cấp bách, Tùng Lâm xung phong nhận vì bản thân kém sắc vóc, nhân vật này chỉ cần hóa trang, không để lộ gương mặt thật. Vai diễn thành công nên ông được giao tiếp vai cậu chủ trong vở Mua chút tình thương, Vân Hùng vào vai người ở. Nhưng Vân Hùng lúc đó đang cạo đầu trọc không nhận vai nên vai người ở được giao lại cho Tùng Lâm. Do không chuẩn bị trước, anh mượn cái quần lửng của một nghệ sĩ múa trong đoàn mặc. Mới bước ra sân khấu, khán giả cười rần rần. Sau thành công với vai hài khác trong Cây đàn bỏ quên, Tùng Lâm chính thức chuyển sang hài. Một thời gian sau, ông được mời làm nghệ sĩ chuyển âm, ngày nay gọi là lồng tiếng các phim Nhật, Ấn Độ của các hãng Mỹ Phương, Mỹ Vân, Lido… Nhờ đó, ông được mời đóng liên tục các vai hài trong phim Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Năm vua hề về Làng, Tứ quái Sài gòn, Như hạt mưa sa, Con ma nhà họ Hứa

Năm 1960, Tùng Lâm mở Ban tạp lục, giống như Đại nhạc hội ngày nay, biểu diễn nhiều thứ, từ ca múa, nhạc, kịch, cải lương, ảo thuật… Ngoài việc làm bầu sô, ông kiêm luôn vai trò MC.

Năm 1962, ông dẫn đoàn đi diễn ở miền Trung. Thường sau mỗi đêm diễn, các nghệ sĩ và cả bầu sô hay tụ tập lại chơi bài xập xám. Không biết gặp vận hạn đen đủi gì suốt hai tháng trời, ông không biết thắng là gì, đêm nào cũng thua cháy túi. Nợ nần chồng chất, ông phải mượn tiền của bà bầu Kim Chung 200.000 đồng để trả nợ và trả tiền nghệ sĩ. Thanh toán hết nợ nần, chỉ lại 1000 đồng, ông buồn quá mua một chai bia và ôm cây đàn ngồi hát nghêu ngao: “Xập xám chướng… xập xám chướng… Bà con hay nhớ tránh xa thứ này…”. Và ông đã thề rằng từ nay sẽ không đụng đến cờ bạc nữa. Bài Xập xám chướng ra đời như để khuyên răn những người mê đánh bài hãy tránh xa “thú vui” nguy hiểm này như chính bản thân ông đã trải nghiệm. Không ngờ sau đó, bài hát được hãng đĩa Sóng Nhạc thu và phát hành, bán chạy như tôm tươi, đi đâu cũng nghe “Xập xám chướng… xập xám chướng… Mười ba cái chướng xấu nhất trên đời…” của Tùng Lâm hát.

Năm 1983, Tùng Lâm về làm Phó đoàn Văn công Hậu Giang, sau này là Tiếng ca Sông Hậu.

Đến năm 1992 thì về hưu. Khoảng thời gian này, danh hài Văn Chung đang rất nổi tiếng qua một loạt tiểu phẩm mang tên “Tư Ếch” nên Tùng Lâm cũng muốn tạo ấn tượng với khán giả nên đã sáng tác và thực hiện các bộ phim video hài: Hai Nhái khoái thịt ngựa, Hai Nhái khoái vợ bé, Hai Nhái khoái rượu đế, Hai Nhái khoái số đề, Hai Nhái kén rể, Hai Nhái bắt cướp…được khán giả yêu mến không thua gì “Tư Ếch”.

Trong sự nghiệp làm “quái kiệt”, Tùng Lâm đã đoạt 4 HCV trong các mùa hội diễn, liên hoan sân khấu hài. Ông cũng là người đã lăng xê thành công các gương mặt tên tuổi hôm nay như Phương Mai, Phương Dung, Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, Trang Kim Phụng,  Kim Tuyến, Trần Quang Bình, Tùng Sơn, Thanh Hùng, Thế Linh, Duy Phương...

Trong loạt bài: Những “danh hiệu” một thời vang bóng. Tác giả Minh Tuyền viết về quái kiệt Tùng Lâm:

Trong làng hài của Sài Gòn trước 1975, có một người không cần diễn, chỉ cần bước ra sân khấu là khán giả đã cười rần rần, đó là Tùng Lâm. Năm 1958, lần đầu tiên tham gia đại nhạc hội “Minh tinh quái kiệt”, Tùng Lâm chính thức được quảng cáo là Tiểu quái kiệt Tùng Lâm. Từ đó về sau, ở các lĩnh vực từ hài, kịch, cải lương rồi phim ảnh, hễ có mặt Tùng Lâm là có... cười nghiêng ngả. Chính vì thế, công chúng yêu sân khấu tặng cho Tùng Lâm biệt danh “quái kiệt” và nó đã gắn với tên tuổi của ông đến bây giờ.

Sau 4 lần đột quỵ, ngày nay Tùng Lâm không còn đi trình diễn, chỉ sáng tác các tiểu phẩm cải lương hài, sống thanh thản cùng những hoài niệm của một quá khứ vàng son tại căn hộ trên đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, Tp. HCM cùng vợ là ca sĩ Thu Trang và cô con gái út.

Ca khúc:

- Xập xám chướng

Tài liệu tham khảo:

- Đặng Tiền Giang Một thời “Quái kiệt” Web: baomoi.com
- Minh Tuyền  Những “danh hiệu” một thời vang bóng. Web: giaoduc.edu.vn

Ca khúc Xập xám chướng do chính tác giả trình bày

https://www.youtube.com/watch?v=mqLDrok-44Y&list=RDmqLDrok-44Y#t=21

https://www.youtube.com/watch?v=mqLDrok-44Y&list=RDmqLDrok-44Y#t=21


No comments:

Post a Comment