Những nhân tố thúc đẩy cải lương phát triển.
Bất kỳ sự thịnh suy của một sự kiện nào, tùy thuộc vào sự quan
trọng nhiều hay ít, tùy thuộc vào mức độ nhỏ, to đều có những nguyên nhân, yếu
tố góp phần vào. Cho nên sự thịnh suy của Cải lương cũng vậy, chúng ta thử nhìn
qua vài khía cạnh đã góp phần vào sự phát triển sân khấu cải lương.
Đất nước thanh bình.
Thời Đệ
nhất Việt Nam Cộng Hòa vào những năm đầu, cũng là những năm cuối thập niên
1950, miền Nam hưởng được thanh bình, không còn những lực lượng giáo phái hùng
cứ vài nơi như Tây Ninh, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ nhờ đó người dân đi lại,
giao thương được dễ dàng. Miền Nam là vùng đất nông nghiệp trù phú nhờ phù sa
sông Cửu Long, có an ninh đi lại được dễ dàng, người dân bắt đầu làm ruộng,
khai thác những đất đai bị bỏ hoang từ thời khủng hoảng kinh tế, thời chiến
tranh 1945 làm cho lúa gạo không xuất cảng được, nay nhờ giao thương được dễ
dàng, người dân sản xuất lúa gạo có nơi tiêu thụ.
Ở đô thị
phát triển kỷ nghệ dệt, nhà máy xi-măng thu hút một số nhân công. Nông thôn
phát triển nông nghiệp sản xuất lúa gạo, thành thị phát triển kỷ nghệ tạo ra
công ăn việc làm, người dân có của cải vật chất, đời sống ấm no.
Thời đó,
cũng chưa có du kích, do đó xã hội được an ninh. Một xã hội được an ninh, sung
túc người dân sẽ hưởng thụ, người ta đi mua sắm những phương tiện vật chất như
cái bàn, cái ghế, chiếc xe, người ta cũng giải trí bằng cách đi xem hát bội, cải
lương cho khuây khỏa tâm hồn, sau những ngày mùa vất vả vì công việc đồng áng
hay bận rộn vì công ăn việc làm hàng tuần nơi xí nghiệp, văn phòng ở thành thị.
Cải lương
là nhu cầu giải trí thích hợp cho người miền Nam, bởi vì người miền Nam có đất
rộng, sông dài được thiên nhiên ưu đãi cá tôm đầy sông, lúa đầy đồng. Muốn có một
chỗ trú ngụ người ta chỉ cần đi vào rừng tràm ở U Minh, ở đồng Tháp Mười chặt,
đốn những cây tràm, cây rừng làm cột, làm kèo dùng lá dừa nước mọc hoang để lợp
mái, che vách. Cái ăn, cái ở không phải là vấn đề lớn, chỉ có cái mặc là phải
mua vải nhập của ngoại quốc, để cắt may quần áo. Tuy nhiên vào những năm 1945,
Việt Nam không xuất cảng, nhập cảng được, người ta trồng dâu nuôi tằm để dệt lụa,
trồng cây bông vải để dệt vải ta, trừ tơ lụa ra, vải ta không được đẹp vì hầu hết
được làm thủ công từ se sợi, cho đến dệt vải với khung dệt thô sơ.
Tâm lý
chung, người miền Nam thích những chi nhẹ nhàng, êm đềm mà 6 câu vọng cổ thì rất
ngọt ngào, đáp ứng được thị hiếu của người miền Nam, vì thế nó được phát triển
từ thành thị cho đến thôn quê.
Các giải thưởng:
Người ta
nghĩ rằng, các giải thưởng là đòn bẩy làm cho người nghệ sĩ cố gắng trình diễn
cho hay hơn, đáp ứng lại thị hiếu của người xem, phần nào đã góp phần làm cho
sân khấu Cải lương hay hơn, đẹp hơn về cá nhân cũng như tập thể, về nghệ sĩ diễn
suất cũng như soạn giả, nhờ đó giới thưởng ngoạn được thưởng thức những vở tuồng
như Sân khấu về khuya, Nửa đời hương phấn,
Tuyệt tình ca…
Cho nên cần
phải nói tới giải Thanh Tâm của Nhật báo Tiếng Dội do Trần Tấn Quốc sáng lập và
giải Kim Khánh của nhật báo Trắng Đen do Việt Định Phương chủ trương.
Trần Tấn Quốc và Giải Thanh Tâm
Đất nước
thanh bình, đời sống dân chúng được ấm no, hạnh phúc nhu cầu giải trí cần. Do
đó Cải lương được thành lập các nơi, nhật báo mở ra mục Kịch trường, có khi để
cả trang dành cho Cải lương và ca kịch, có những ký giả chuyên môn săn đón những
tin tức cho trang, mục kịch trường như Hoài Ngọc, Đức Hiền, Phong Vân, Tình Thiệt,
Văn Thà, Văn Lương, Trần Minh Ý, tức nhà thơ Hoài Hương Tử, Trọng Viễn, Phi
Sơn, Thiện Mộc Lan, Huy Trường, Huỳnh Công Minh. Nhưng ký giả kịch trường kỳ cựu phải nói đến là Nguyễn Ang Ca và Trần Tấn Quốc.
Không rõ
Trần Tấn Quốc muốn thúc đẩy Cải lương như điện ảnh chăng ? Ông là người lập ra
Giải Thanh Tâm, phát giải cho Cải Lương từ năm 1958 đến năm 1967, sau đó ngưng
vì chiến cuộc Mậu Thân. Điện ảnh có giải
thưởng Oscar cao quý. Nó là Giải thưởng
Viện Hàn lâm, tiếng Anh là Academy
Awards, là giải thưởng điện ảnh hằng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và
Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, tiếng Anh là Academy of Motion Picture Arts and
Sciences. Kể từ năm 1928, giải Oscar được trao hàng năm tại thành phố Los Angeles,
để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong năm của các đạo diễn,
diễn viên, kịch bản và nhiều lĩnh vực khác qua cuộc bỏ phiếu kín của các thành
viên Viện Hàn lâm. Năm 1930, được trực tiếp truyền thanh đến năm 1953, truyền
hình.
Tưởng cùng
nên giới thiệu qua ông Trần Tấn Quốc và Giải Thanh Tâm.
Ông Trần Tấn Quốc, tên khai sinh Trần Chí Thành, sinh ngày 25
tháng 9 năm 1914, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, nay là xã Mỹ
Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ Trần Tấn Hưng (1884 -
1960) - Đông y sĩ khá nổi tiếng tại Cao Lãnh. Thân mẫu là bà Lê Thị Lư (1884 -
1975).
Thuở nhỏ, ngoài việc học ở nhà trường với các thầy giáo tên tuổi
như: Trần Quang Hạo, Trần Nhựt Ưởng, Nguyễn Văn Hằng còn gọi là Hằng lớn, Bùi
Văn Hiển; Trần Chí Thành học thêm chữ Nho với thân phụ và với ông Trà Giang
thôn lão, thân phụ của ông tòa Phan Văn Thiết.
Năm 1930, Trần Chí Thanh đậu bằng Sơ học, sau đổi tên là bằng
tiểu học: Certificat d’ Etudes
primaires, tức là bằng cấp Tiểu học, lúc đó được 16 tuổi. Hai người mà ông ngưỡng mộ và thán
phục thời bấy giờ là ông Nguyễn An Ninh và ông Diệp Văn Kỳ.
Ảnh hưởng tuyên truyền giáo dục của người cậu là Lê Ngọc Ấn và
mợ là Trần Thị Nhượng, Trần Chí Thành tham gia rải truyền đơn, biểu tình ngày
03-5-1930 tại Cao Lãnh. Sau đó, Trần Chí Thành bị Pháp bắt với tội danh “Hoạt
động phá hoại chống nhà nước”, tòa Vĩnh Long kêu án 5 năm tù, đày Côn Đảo
vào đầu năm 1931.
Tháng 10 năm 1934, ông ra tù sớm hơn 1 năm. Tháng 6 năm 1936,
ông chính thức gia nhập vào làng báo Sàigòn, với tư cách phóng viên tờ nhật báo
Việt Nam.
Từ năm 1936 đến 1975, Trần Tấn Quốc đã nếm trải đủ cung bậc của nghề làm báo
suốt 40 năm, qua 7 chế độ chính trị khác nhau.
Thu Tâm và Trần Tấn Quốc
Ông cộng tác với nhiều tờ báo ở Sàigòn, từng biên tập và làm chủ
bút các tờ: Điểm tín năm 1940 - 1945, Tin Điển, Tin Mới, Dư Luận,
Việt Thanh năm 1946 - 1947, Tiếng Dội, Lẽ Sống, Buổi
sáng, Tiếng Dội Miền Nam,
Đuốc Nhà Nam năm 1968 - 1972. Ông
đã sử dụng 12 bút hiệu: Chí Thành, Trần Chí Thành, Trần Tấn Quốc, Cao Trần
Lãnh, Thanh Tâm, Trần Tích Lương, Trần Tử Văn, Thanh Huyền, Anh Thành, Chàng
Ba, Nghệ Sĩ Mù, Cô Hạnh. Bên cạnh, ông còn đóng góp tích cực cho bộ môn sân
khấu cải lương. Đó là sáng kiến mở ra trang “kịch trường” đầu tiên trên tờ báo Tiếng
đội vào năm 1950 và đặc biệt là giải “Thanh Tâm”, nhằm khuyến khích
các nghệ sĩ trẻ “nhiều triển vọng” của ngành sân khấu “với cao vọng xây dựng
một thế hệ nghệ sĩ cải lương tài và đức đi đôi, hầu xóa bỏ ít nhiều thành kiến
đối với nghề hát xứ ta…”.
Chính vì vậy mà ông giao du, quen biết rộng rãi, từ các bậc ký
giả lão thành như: Nguyễn Phan Long, Đào Trinh Nhứt, Nam Đình - Nguyễn Thế
Phương… đến các nghệ sĩ tài danh như; Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Năm Châu, Phùng Há,
Ba Vân, Năm Nở, Tư Chơi, Bảy Nam, Từ Anh, tư Út ...
Ông viết các tác phẩm: Sàigòn
Septembre 1945, Nam Bộ kháng chiến, Cô gái Côn Đảo, Kỷ niệm làm báo 1936 -
1975.
Ngoài ra, ông còn viết nhiều hồi ký, phóng sự, sưu khảo rất giá
trị về sử liệu. Chẳng hạn, bài Cảm nghĩ
khi xem lễ 14 Juillet tại Cao Lãnh, ký tên CT, đăng trên một nhật báo ở
Sàigòn, khoảng năm 1935, đã làm xôn xao dư luận lúc bấy giờ.
Tháng 6 năm 1975, Trần Tấn Quốc thu xếp gia đình tại Sàigòn và
đến cuối năm ông về hẳn quê nhà tại xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng
Tháp.
Ông qua đời vào lúc 2 giờ khuya, ngày 28 tháng 7 năm 1987, hưởng
thọ 73 tuổi, sau một cơn đau tim và khó thở.
Cuộc đời tình cảm của ông Trần Tấn Quốc, ông có tất cả 6 mối
tình:
Người đầu tiên tên Xuân Hoa, cô gái Côn Đảo, con của ông giám
thị đề lao, mà ông Quốc lại là tù nhân, lúc ấy mới 17 tuổi, ông Quốc hoạt động
chống chính quyền thuộc địa Pháp, bị bắt lưu đày Côn Đảo. Mối tình chấm dứt khi
cha cô Xuân Hoa thuyên chuyển về đất liền, cô vâng lệnh cha thành hôn với một
nhà giáo.
Mối tình thứ hai là cô Bảy Tới. Lúc ông Quốc mãn tù về hai người
yêu nhau, chuẩn bị để “người lớn” đến gặp nhau đặng hôn lễ tiến hành thì thân
mẫu của cô Bảy lại trả lời dứt khoát với con gái rằng: “Nó là một thằng ở tù
chánh trị ngoài đảo mới về, lại đi làm nghề... viết nhựt trình. Má ghét mấy
thằng viết báo dữ lắm, nên tao không chấp nhận nó trở thành con rể nhà này”.
Lời “phán quyết” của má cô Bảy Tới làm đứt mối tơ vương giữa ông Quốc và người
yêu.
Sau lần dang dở đó, ông Quốc lại gặp cô Ba Liên, hành nghề buôn
bán vải, và có tiệm vải “Chí Thành” rất bề thế ở chợ Thái Bình – Sài Gòn. Nhưng
quảng đường tình của ông Quốc và bà chủ tiệm vải cũng chỉ gắn bó được mấy năm
thì đường ai nấy bước.
Người bạn đời đến với ông Quốc sau cô Ba Liên là cô Bảy Tuất, má
của nữ nghệ sĩ Kiều Mai Lý. Có nhiều người lầm tưởng Kiều Mai Lý là con ruột
của Trần Tấn Quốc. Thực tế không phải như vậy, bởi sau khi chia tay với ông
Trần, cô Bảy Tuất bước thêm một bước nữa với ông Nguyễn Văn Kỷ mới sanh ra Kiều
Mai Lý.
Người vợ thứ Năm là cô đào Thanh Loan như đã nói, sống chung với
ông 10 năm. Cô Thanh Loan vào bưng biền khoảng hơn một năm thì người vợ sau cùng là
cô Thu Tâm. Bà nhỏ hơn ông 19 tuổi, nên ông thường nghĩ: thế nào ông cũng “ra
đi” trước bà, nhưng nào ngờ bà lại chết trước ông mười lăm năm.
Năm 1952, lúc ông Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm báo Tiếng Dội, cô
Thu Tâm 19 tuổi người cùng quê Cao Lãnh với ông, cô từ giã đời học sinh để làm
thơ ký cho báo này. Và cũng từ năm ấy cô là nhân viên tòa soạn của các tờ báo
do ông Quốc nắm bút quyền, liên tục cho đến đầu tháng giêng năm 1962 cô Thu Tâm
mới chánh thức trở thành phu nhơn của Trần Tấn Quốc.
Bà Thu Tâm đột ngột ra đi năm 1972, an táng tại nghĩa trang Mạc
Đỉnh Chi, Sài Gòn. Năm 1976 ông
Quốc cải táng về chôn ở phần đất sau nhà, ngôi
mộ nằm cạnh con sông Đình Trung, Cao Lãnh.
Mấy năm sau soạn giả Yên Lang theo đoàn hát xuống Cao Lãnh, có
đến thăm ông Quốc, ông dẫn ra ngôi mộ nói rằng, bà Thu Tâm chôn sâu đến 2 thước
3, chừa phần trên cho ông, ngày ông Quốc mất, theo lời trăn trối của ông, người
con nuôi hỏa thiêu và tro cốt chôn ở phần trên.
Trong số 6 bà vợ, có 2 bà sống lâu năm hạnh phúc với ông Quốc là
cô Ba Thanh Loan 10 năm và bà Thu Tâm cũng 10 năm. Tất cả 6 bà nói trên không
bà nào có con với ông Quốc. Con của các bà là có trước, hoặc sau ngày chia tay
với ông Quốc. Người ta nói cái số của ông Quốc là... tuyệt tự.
Trong những năm cuối đời, cô Bảy Tuất trở về sống với ông Quốc.
Hai người “bạn già” gặp nhau sau 1975, cô Bảy Tuất cư xử đầy tình nghĩa với...
cố nhân.
Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Tấn Quốc đã được cố soạn giả Viễn
Châu đúc kết qua 2 câu đối gởi tặng ông vào năm 1977:
Công nhân, Tiếng dội, Buổi sáng, Đuốc Nhà Nam, giải Thanh Tâm
gắng sức vun bồi, duyên bút mực, nghiệp báo chương, xếp lại hành trang, đất Cao
Lãnh bao dài bao nuối tiếc”.
Giải Thanh Tâm là giải thưởng danh giá trong nền sân khấu
cải lương Việt Nam, tồn tại từ năm 1958 đến 1968. Giải được đặt theo bút danh
Thanh Tâm của nhà báo Trần Tấn Quốc, cũng là người sáng lập giải thưởng này
"với cao vọng xây dựng một thế hệ nghệ sĩ cải lương tài và đức đi đôi,
hầu xóa bỏ ít nhiều thành kiến đối với nghề hát xứ ta…". Giải thưởng
cao nhất là huy chương vàng, nhưng từ năm 1965 có thêm 2 giải Diễn viên xuất
sắc và Tuồng hay nhất trong năm.
Theo một bài báo : "Sau khi ra
mắt, giải Thanh Tâm trở nên danh giá trong làng sân khấu. Ngoài tiêu chuẩn ca
diễn xuất sắc, giải Thanh Tâm còn đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức, cho nên nghệ sĩ
luôn rèn luyện, phấn đấu. Việc chấm giải rất lạ, không hề có một cuộc thi nào
diễn ra. Ban giám khảo sẽ đi xem tất cả các vở tuồng trong năm, chọn ra tuồng
hay, nghệ sĩ giỏi rồi cuối cùng mới ngồi lại bình bầu. Vì thế, nghệ sĩ phải
luôn trong tư thế "thi" suốt cả năm, hết năm này lại năm khác, hết
suất này tới suất khác. Thậm chí phải luôn sống tử tế, vì chỉ cần tai tiếng là
coi như bị loại."
Các đợt trao giải
Vài nghệ sĩ được trao giải:
Thanh Nga, Ngọc
Giàu, Lan Chi, Bích Sơn
Giải Kim Khánh của Nhật báo Trắng Đen.
Đến thời Đệ Nhị Công Hòa, từ cuối năm 1972 tờ nhật báo Trắng Đen
đi theo con đường Đuốc Nhà Nam qua Giải Thanh Tâm, cho ra đời Giải Kim Khánh
Nghệ Thuật, nhưng hình thức tổ chức lại khác biệt.
Tờ Trắng Đen có chủ trương, mời đọc giả tham dự cuộc thi bằng
hình thức điền tên nghệ sĩ mà mình hâm mộ yêu thích vào phiếu tham dự để đề cử,
rồi gửi về tòa báo chờ kiểm phiếu. Nghệ sĩ nào có số phiếu cao nhất sẽ được
trao tặng từ Huy chương vàng đến huy chương bạc và đồng. Riêng đọc giả dự đoán
trúng hoặc gần trúng với tổng số phiếu tham dự, được nhận giải thưởng bằng hiện
kim.
Giải Kim Khánh có danh hiệu dành cho các nghệ sĩ đoạt giải mang
những tên gọi như, về Điện ảnh là Ảnh Hậu, Ảnh Đế theo danh từ điện ảnh Hong
Kong thường bầu chọn. Tân nhạc có Giọng ca vàng hay bên cải lương được mệnh
danh là Cải lương chi bảo … ngoài ra có những giải trao cho Quái kiệt sân khấu,
nhạc phẩm đang thịnh hành, phim Việt Nam hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, và các tài
năng mới được ưa chuộng nhất…
Chính vì hình thức đọc giả tham gia bỏ phiếu, có một số tên tuổi
đang lu mờ phải cần đến Giải Kim Khánh, họ cắt phiếu điền tên để được hàng ngày
có tên trên mặt báo qua những bài tường thuật sau những buổi kiểm phiếu nhằm
giúp đọc giả đánh giá và tham khảo.
Giải Kim Khánh Nghệ Thuật, có một Hội đồng Giám Sát nhưng không
có chức năng Giám khảo, nói đúng hơn chỉ làm nhiệm vụ quan sát và tiện liên hệ
với các nghệ sĩ theo ngành nghề của mình. Chủ khảo tức chủ nhiệm báo, còn các
vị khác gồm các ký giả như Thiên Hà, Quỳnh Như, Ngọc Hoài Phương và các người
viết phụ trách bộ môn Điện ảnh – Tân nhạc; ký giả Trọng Viễn, Huy Trường, soạn
giả Trần Hà, thi sĩ Cẩm Thi Lý Dũng Tâm coi về bộ môn Cải lương; ký giả Phong
Vân, Hoài Ngọc làm phụ tá cho chủ khảo, cùng với soạn giả Duy Lân và ông Tam
Mộc nguyên chủ nhiệm báo Buổi Sáng làm cố vấn.
Giải Kim Khánh Nghệ Thuật tổ chức được hai lần. Năm 1973 là lần
đầu tiên trao giải thưởng tại rạp Quốc Thanh trên sân khấu của đoàn cải lương
Hùng Cường – Bạch Tuyết, năm đó Phượng Liên cũng ở trong đoàn, đoạt Huy Chương
Bạc nhưng không ra nhận giải vì cho rằng mình nổi tiếng mà chỉ về nhì; năm thứ
hai 1974 được tổ chức làm hai buổi, đêm đầu ở nhà hàng Champions góc đường Trần
Hưng Đạo – Nguyễn Khắc Nhu bây giờ. Đêm sau trao giải Huy chương vàng tại nhà
hàng Maxim’s nằm trên đường Tự Do.
Tượng vàng và các loại huy chương do họa sĩ Nguyễn Tăng của đoàn
Dạ Lý Hương thiết kế tạo mẫu, được mạ vàng 24K rất giá trị. Nói chung Giải Kim
Khánh Nghệ Thuật có tiếng vang từ các giới nghệ sĩ từ điện ảnh, tân nhạc, thoại
kịch và cải lương cho đến người hâm mộ bộ môn nghệ thuật bấy giờ.
Về Giải Kim Khánh cho Cải lương năm
1973 có:
– Nam nữ “Cải lương
chi bảo” : Hùng Cường – Bạch Tuyết
– Nam nữ nghệ sĩ Hồ Quảng : Thanh Bạch – Bạch Lê
– Nam nữ nghệ sĩ Hồ Quảng : Thanh Bạch – Bạch Lê
Hùng Cường - Bạch Tuyết, Thanh
Bạch - Bạch Lê
Những
yếu tố làm cho Cải lương tuột dốc.
Đó là những yếu tố góp phần
làm cho Cải lương phát triển, nhưng từ những năm 1963 trở về sau, do tình hình
chánh trị bất ổn, do vấn đề an ninh, do chiến tranh Cải lương bắt đầu xuống dốc,
những nguyên nhân đã góp phần vào việc nầy cần được nêu ra:
Do
tình hình chánh trị và an ninh.
Tình hình cánh trị ở miền
Nam bất ổn từ năm 1963, chánh phủ Việt Nam Cộng hòa ban hành lệnh giới nghiêm ở
Thủ đô Sàigòn. Đây là trung tâm hành chánh, văn hóa, chánh trị, do giới nghiêm,
ban đêm bị thu ngắn, làm cho những đêm diễn khó khăn, một số đoàn hát phải đi tỉnh
không bị giới nghiêm để có khán giả.
Chiến sự Tết Mậu Thân xảy
ra ở Thủ đô và nhiều tỉnh thành, giờ giới nghiêm được nới rộng ra, chẳng những
ở Thủ đô Sàigòn mà nhiều tỉnh thành khác cũng bị giới nghiêm, chiến tranh làm
cho đất nước không an ninh, góp phần làm hạn chế khán giả.
Do
phương tiện truyền hình.
Truyền hình đã góp phần
không nhỏ vào việc giết hại bộ môn Cải lương. Hình như ít người để ý đến việc nầy.
Đài Truyền hình Việt Nam được thành lập năm 1965; buổi phát hình
đầu tiên của Đài là ngày 7 tháng 2 năm 1966 vào lúc 18 giờ 58 phút và lần cuối
cùng là 23 giờ 58 phút ngày 29 tháng 4 năm 1975. Trong thời gian đầu phát điểm
là từ trên không trung bằng kỹ thuật stratosvision do phi cơ gài ăng ten bay
trên không phận Sàigòn cách mặt đất
3–6 km. Kỳ phát hình đó ghi hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và đại sứ
Mỹ Cabot Lodge. Khu vực bắt sóng bao trùm đông Nam phần và
nam Trung phần, từ Phan Thiết đến Long An đều xem được. Lúc đầu phát hình một
giờ đồng hồ sau tăng thời lượng lên hai giờ đồng hồ. Ngày 25 tháng 10 năm 1966
mới lập cơ sở trên mặt đất trong thành phố. Đoàn cải lương Dạ Lý Hương với vở Yêu Người Điên do nghệ sĩ Hùng
Cường,Bạch Tuyết thủ vai chính được thu hình và phát sóng đầu tiên.
Sang đầu thập niên 1970 miền
Nam đã đó có tới năm đài truyền hình, ngoài đài chính ở Sàigòn, Việt Nam Cộng
hòa còn có bốn đài truyền hình địa phương ở Huế, Quy Nhơn, Nha Trang và Cần
Thơ.
Hàng tuần các đài trên đều có phát chương trình Cải lương, nó là một
trong những nguyên tố góp phần làm cho Cải lương ngày càng suy giảm khán giả, dẫn
đến hệ quả Cải lương tuột dốc.
Khán
giả thay đổi quan điểm giải trí.
Ngày nay tầng lớp giới thưởng
ngoạn từ tuổi thanh niên cho đến trung niên đã có quan điểm giải trí khác người
xưa, họ ít đến rạp xem chiếu bóng, lại càng không đến rạp để xem Cải lương, nếu
có để xem kịch hay tân nhạc, cùng là loại hình trình diễn trên sân khấu, nhưng
nội dung ngắn, gọn hơn. Cũng chỉ là thỉnh thoảng, còn thời giờ giải trí của họ
bỏ trong những phút ngắn trên vi tính hay điện thoại thông minh.
Là
phương tiện nghệ thuật vị xã hội chủ nghĩa
Sau năm 1975, đất nước rơi
vào tình trạng nghèo khó, người dân chỉ lo thắt lưng buộc bụng để sống còn, đâu
có dư giả để giải trí qua việc xem hát Cải lương. Hơn nửa, Cải lương là phương
tiện dùng để giáo dục tiến lên xã hội chủ nghĩa theo chủ trương của nhà nước.
Ngày trước nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, ngày nay nghệ thuật vị xã
hội chủ nghĩa, nên khán giả không muốn mất tiền mà không được giải trí.
Phần
sau cùng
Không hẳn do những yếu tố
vừa nêu trên đã làm cho Cải lương suy tàn, người ta còn nhìn thấy không có những
soạn giả tài ba như Năm Châu hay cặp Hà Triều Hoa Phượng hoặc là thiếu sân khấu
cho Cải lương.
Ngày nay tại Sàigòn, có 1
sân khấu dành cho Hát bội, đó là Rạp hát Thủ Đô Quận 5, Tp. HCM thay cho Rạp
Long Phụng nằm trên đường Gia Long cũ nay là Lý Tự trọng, không có đoàn hát bội
trình diễn, vì không có khán giả thường xuyên đến thưởng ngoạn nghệ thuật nầy,
nó trở thành thứ nghệ thuật cần phải bảo tồn. Năm 2017 có 140 xuất được trình
diễn tại Rạp cũng như tại Câu Lạc Bộ Thể Dục Thể Thao, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Phố
đi bộ Bùi Viện, công viên 23-9.
Có lẽ chúng ta nhìn lại giới
thưởng ngoạn Cải lương, họ là ai, thuộc giới nào, tuổi nào ? Theo tôi, mỗi thời
đại mỗi khác, ngày xưa cho đến khoảng năm 1970 hay 1980 người ta ru em, hát những
câu ca dao hay nghêu ngao ca vài câu vọng cổ cho đứa bé nghe êm tai, thả hồn vào
giấc ngủ, ngày nay người ta ru em bằng những bài hát tân nhạc.
Chắc chắn do từ nhỏ được
nghe những lời ru, lời ca em ái, ngọt ngào, nên lớn lên thưởng thức bài ca vọng
cổ hay tuồng cải lương thích hợp hơn, còn những người nghe quen tân nhạc chắc sẽ
không thích cải lương. Cải lương là một loại hình nghệ thuật trình diễn, cần có
người thưởng ngoạn, ít người thưởng ngoạn đương nhiên Cải lương đi vào ngõ cụt.
Còn những thanh niên ngày
nay có thú tiêu khiển khác xưa, như lên Mạng kết nối bạn, nghe nhạc qua phương
tiện Internet. Có thể những thú tiêu khiển qua máy vi tính, qua điện thoại thông
minh từ trẻ con lên 6, lên 7 đã biết sử dụng các phương tiện vừa kể. Do đó nó đã
thay đổi cách sống trong xã hội hiện nay, họ đã và sẽ không có nhu cầu thưởng
ngoạn Cải lương. Tại Mỹ ngày nay những nhà sách, những rạp chiếu bóng đã phải dẹp
tiệm rất nhiều chỉ còn lại một vài nhà sách và 5, 3 rạp chiếu bóng cho thành phố
có vào khoảng 800.000 dân nơi tôi định cư.
Cho nên Cải lương mất dần
khán giả, không phải vì thiếu soạn giả, không có tuồng tích hay, thiếu rạp hát
dành cho Cải lương mà là vì mỗi thời đại nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn khác
nhau. Rồi một ngày kia gần hay xa cũng sẽ phải có một hội bảo tồn Cải lương,
ngay trên quê hương đã sinh ra nó.
866402062018
No comments:
Post a Comment