Bùi Giáng (1926-1998)
Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh
Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc
đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm
nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi
Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi
vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.
Năm 1933, ông bắt đầu
đi học tại trường làng Thanh Châu.
Năm 1936, ông học
trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.
Năm 1939, ông ra Huế học
tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân
Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.
Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành
chung.
Năm 1949, ông tham
gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.
Năm 1950, ông thi
đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để
tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng
rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê.
Năm 1950, Bùi
Giáng cưới vợ, vợ ông là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp ở trường Viên Minh
Hội An. Hai vợ chồng được cha mẹ cho mảnh đất ở Trung Phước, Bùi Giáng đã nuôi
một bầy dê, ngày tháng rong chơi với đồng cỏ với đàn dê với người vợ trẻ đẹp,
nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người
cho rằng đây là 1 trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ.
Năm 1952,
ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi
danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn
danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt
đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.
Năm 1965, nhà ông bị
cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.
Năm 1969, ông "bắt
đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang
du hành Lục tỉnh", trong đó có Long Xuyên, Châu
Đốc.
Năm 1971, ông trở lại
sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày
7 tháng 10 năm 1998, thọ 72 tuổi, sau một tai nạn té bị chấn thương sọ não, tại bệnh viện Chợ Rẫy phẩu thuật để cứu sống ông, nhưng không thể cứu
ông, sau
những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang", Tang lễ của Bùi Giáng được tổ chức tại chùa
Vình Nghiêm và sau đó an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ
Đức.
Ông đã để lại
cho văn học Việt Nam nhiều tác phẩm thơ và dịch thuật giá trị. Sinh thời người
ta cho ông là 1 trong 3 dị nhân Miền Nam: Phạm Công Thiện, Bùi Giáng và Nguyễn
Đức Sơn. Người ta cũng ca tụng Tứ Trụ Thi Ca miền Nam vào thập niên 1970 là Bùi
Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên và Nguyễn Đức Sơn.
Hư Vô Và Vĩnh Viễn
Cũng vô lý như lằn kia dưới lá
Con chim bay bỏ lại nhánh khô cành
Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh
Buổi trưa đi vào lòng lá nhỏ
Tiếng kêu kia còn chút mong manh
Dòng nức nở như tia hồng đốm đỏ
Lạc trời cao kết tụ bóng không thành
Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó như tháng ngày lỡ dở
Hồn nguyên tiêu ai kiếm lại cho mình
Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
Cồn sương đi vào sương lạnh miên man
Bờ bến cũ ngậm ngùi sông nước dạo
Đêm tàn canh khắc ngợi nguyệt gương ngàn
Một lần đứng lên mấy lần ngồi xuống
Ngón trên tay và tóc xõa trên đầu
Tình đếm lại muôn vàn thôi đã uổng
Để bây giờ em có biết nơi đâu
Bờ trùng ngộ một phen này phen nữa
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng
Hồn hoa cỏ phượng thành Hy Lạp úa
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không
Chiều hôm phố thị
Chiều hôm phố thị
Em ngồi đếm lá bay chơi
Đèn khuya phố thị
Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung
Những lời cũ kỹ
Một trời thu để nhớ nhung
Chuyện đời giản dị
Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay
Chuyện đời có thế
Nỗi đời em có nhớ không
Em về đây để
Hồng nhan em hẹn hái bông cho đời
Một lần em lại bên người
Giữa ngày tháng bỏ năm trôi bên giòng
Mở hai hàng cỏ long đong
Mở hai môi mở tấm lòng xa xôi
Chiều hôm đếm lá cây rơi
Bên đèn phố thị thương đồi núi xa.
Trần Hoài Nam viết về Bùi Giáng
Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước. Và theo Trần Hữu Cư cảm hứng “tư cố hương” là một niềm khắc khoải không nguôi trong thơ Bùi Giáng. Vì vậy “Tất cả những gì ông làm trong thơ, viết lách, dịch thuật…v…v… tất cả đều làm một cuộc lên đường tìm lại một “màu hoa trên ngàn”, một “tình yêu quê hương” cho thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống trong nỗi mất quê hương”
866416042021
No comments:
Post a Comment