Tô Thùy Yên
tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gò Vấp. Cha là
chuyên viên phòng thí nghiệm Viện Pasteur, Sài Gòn, sau về công tác ở Bệnh viện
Chợ Rẫy.
Thuở nhỏ học
trung học Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, có ghi danh theo học ở Trường Đại học
Văn khoa Sài Gòn, ban văn chương Pháp, một thời gian rồi bỏ dở.
Ông bắt đầu
có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng
trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Trần
Thanh Hiệp cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng là những người nòng cốt của
nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh
"Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Ông là người miền
Nam duy nhất trong nhóm Sáng tạo.
Cuối năm
1963 ông nhập ngũ, phục vụ ngành chiến tranh chính trị. Chức vụ cuối cùng là
thiếu tá, trưởng phòng Tâm lý chiến.
Tô Thùy Yên
lập gia đình với vợ chánh là bà Huỳnh Diệu Bích, nhưng ông còn có thời gian
chung sống và có mấy con với nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Sau ngày 30
tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối
năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint
Paul, Minnesota rồi sau đó chuyển về sinh sống tại thành phố Houston, tiểu bang
Texas cho tới khi ông qua đời.
Ông mất ngày
21 tháng 5 năm 2019 tại Texas. Thọ 81 tuổi.
Tác phẩm
- Thơ tuyển (xuất bản ở Đức
năm 1994; Minnesota, Hoa Kỳ, 1995)
- Thắp Tạ (An Tiêm, Houston, Hoa Kỳ,
2004).
Dịch
- Gã nhân tình, bút danh
Đình Kinh Hiệt, NXB Trẻ, 1989
Trích thơ:
Cánh đồng con ngựa chuyến
tầu
Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.
4-1956
Qua sông
Đò nghẹn đoàn quân xa
tiếp viện
Mưa lâu, trời mốc, buồn hôi xưa
Con đường đáo nhậm xa như nhớ
Chiều mập mờ xiêu lạc dáng cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
Giặc đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên
Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
Trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh...
Sông cái nước men bờ sóng sánh
Cồn xa cây vướng sáng mơ màng
Áo quan phong quốc kỳ anh liệt
Niềm thiên thu đầm cỗ xe tang
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài, đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình...
... Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới, u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên...
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời
Nguồn: Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995
Đặng
Tiến viết về Tô Thuỳ Yên như sau:
Tô Thùy Yên
lại là người cầu toàn, trau chuốt câu thơ “Tôi giựt giành đổ máu với tôi/từng
chữ một”, do đó câu thơ có lúc hồn nhiên, có lúc cầu kỳ. Thơ cần cảm hứng,
nhưng Tô Thùy Yên khổ luyện thi hứng của mình, thành những bài thơ dài; (nhờ ngẫu
hứng mà làm được vài ba câu thơ hay thì không khó, nhiều người làm được). Thơ,
cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, đòi hỏi những công trình dài hơi, khả
năng lao động trí tuệ bền bỉ, rung cảm sâu lắng. Tô Thùy Yên muốn làm thi sĩ thực
sự, chứ không chỉ là một tao nhân mặc khách, “ngứa cổ hát chơi”. Và cuối cùng,
ông đã là một nhà thơ đích thực, ở tầm cỡ thế giới.
866416042021
No comments:
Post a Comment