Pages

Thursday, October 27, 2022

Đi Linh Sơn Cổ Tự viếng tháp Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác

 Chúng tôi có hẹn với vợ chồng Thiện Đạt và Ngọc Thanh 5 giờ sáng khởi hành đi núi Dinh lên Linh Sơn Cổ Tự để viếng tháp của Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác đã viên tịch vào ngày 21-1-2021 tại Tổ đình Quan Âm Tu viện.

Vào thập niên 1980, có người bạn láng giềng ở Cư Xá Đô Thành Sàigòn, anh ta là giáo viên trường Tiểu Học Bàn Cờ, biết tôi là Phật tử nên anh ta rủ tôi đi Quan Âm Tu viện ở Biên Hòa, vốn dĩ quê anh ta ở cũng ở gần đó, anh ta giới thiệu nơi đó có ông Hòa Thượng được chúng đệ tử tôn xưng là Mẫu Trầu, có người nữ đệ tử được tôn xưng là Ông Sáu cũng gọi là Ông Lục.

Thời đó “củi quế, gạo châu”, vậy mà đi viếng chùa đến bữa trưa, mỗi người đều được ăn một dĩa cơm vừa đủ no lòng.

Dần dần tôi mới biết Mẫu Trầu là Hòa Thượng Thích Thiện Phước, thế danh là Lê Minh Ý cũng có tên là Lê Văn Mười, quê quán ở thôn Nhật Tảo, làng An Nhựt Tân huyện Thủ Thừa, tỉnh Tân An. Vào năm 1941, ngài vâng lệnh song thân lập gia đình với cô Võ Thị Hầu sanh năm 1922 tại làng Bình Lãng, Tân Trụ, tỉnh Tân An, năm 1942 sinh được  người con gái đầu lòng là Lê Thị Bền, sau đó sinh thêm các cô con gái Lê Thị Mỹ sinh năm 1945, Lê Thị Bỉ sinh năm 1947. 

Năm 1945, thân phụ mãn phần, ngài bắt đầu tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, bị địch truy nã, theo dõi gắt gao nên ngài lên Thất sơn lẫn trốn, rồi theo tu học với Hòa thượng Bửu Đức viện chủ chùa Bửu Quang ở núi Dài, Thất Sơn và sau nầy Hòa thượng Bửu Đức là viện chủ Thành An Tự tại Núi Sập tỉnh An Giang. Sau đó, ngài Lê Văn Mười cắt ái ly gia.

Năm 1956, ngài Thiện Phước thọ giới với Hòa Thượng Hồng Ân trụ trì chùa Long Sơn Cổ Tự tại Tân Ba, Tân Uyên tỉnh Bình Dương, ngài trở thành môn đệ của Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41 được ban pháp danh là Nhựt Ý.

Theo bài kệ truyền thừa của phái Lâm tế chánh tông ở Miền Nam như chùa Giác Lâm ở Sàigòn, chùa Đại Giác ở Biên Hòa:

Đạo Bổn Nguyên(1) Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Truyền.

Tại Long Sơn Cổ Tự ngài bắt đầu hành đạo, thu nhận đệ tử, trong đó có trưởng tử là Lê Thị Cưng, nữ sinh Trung học Gia Long Sàigòn, sau nầy là Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác (1937-2021). Sau đó ngài hóa độ cho vợ con đều xuất gia sau nầy là Ni trưởng Thích nữ Diệu Công (1922-20xx), Ni trưởng Thích nữ Diệu Giác (1942-2019), Ni trưởng Thích nữ Vạn Huê (1945-2022), Ni sư Thích nữ Diệu Lạc (1947-20xx) Trụ trì Thắng Liên Hoa, xã Hiệp Hòa (cù lao Phố) thành phố Biên Hòa.

Năm 1957, ngài ra núi Dinh ẩn tu tại Linh Sơn Tự, nay thuộc huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Sau đó được chủ tự giao ngôi chùa nầy cho ngài làm trụ trì. Nơi đây ngài hoằng dương pháp tu niệm Phật, mở trường đào tạo Tăng, Ni, lập Cô Nhi Viện, thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, tham gia vào Tịnh độ tông của ông Đoàn Trung Còn.

Vào thập niên 1960, do chiến tranh, không thể có được yên tịnh để tu hành, nên ngài và các đệ tử, cô nhi phải di chuyển về Quan Âm Tu viện thuộc Thành phố Biên Hòa, thành lập Nhất nguyên Bửu Tự ở Lái Thiêu, thuộc quận Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Thắng Liên Hoa ở Cù Lao Phố tỉnh Biên Hòa, Trại ruộng Long Phước  Thọ xã Long Phước huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, Trại rẩy Bửu Hoa Ni viện tại xã Phước Thái huyện  Long Thành tỉnh Đồng Nai …

Do tuổi cao, sức yếu nên, Hòa Thượng Thích Thiện Phước - Nhựt Ý đã viên tịch lúc 1 giờ 30 vào ngày 31-7-1986 tại Quan Âm Tu viện, sau thời gian dài điều trị, tịnh dưỡng tại bệnh viện Nguyễn Trãi do bác sĩ Lương Phán tận tâm chăm sóc. Hòa thượng có 30 thọ lạp, thọ 62 tuổi đời.

Hòa thượng Thích Thiện Phước-Nhựt Ý (1924-1986)

Sau đó Ni sư Thích nữ Huê Giác tổ chức cứ 2 tuần phật tử quy tụ về Quan Âm Tu viện thọ Bát Quan Trai từ sáng Chủ nhật cho đến sáng Thứ Hai xã giới.

Tôi đã dự Bát Quan Trai tại Quan Âm Tu Viện từ khởi đầu năm 1986 cho đến khi tôi đi Mỹ định cư vào tháng 4 năm 1991.

Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác (1937-2021)

Chúng tôi đã được Ni trưởng đưa đi nhièu nơi vừa tham quan vừa tu học như Linh Sơn Cổ Tự, Thành An Tự ở Núi Sập, Nhất Nguyên Bửu Tự tham dự “Bách nhật trì danh niệm Phật”, đi Long Phước Thọ, Bửu Hoa Ni Viện, Thắng Liên Hoa, Long Sơn Cổ Tự ở Tân Ba, gần chùa nầy có nhà của Ni sư, nhất là Linh Sơn Cổ Tự, tôi có nhiều kỷ niệm, có lần tôi với anh bạn cùng thọ Bát Quan Trai lên đây ở lại 1 tuần, chùa không có thức ăn, chúng tôi được đãi ăn trọn tuần với thực phẩm chuối: trái chuối, thân chuối, củ chuối nào kho, nào xào, nào cà-ri…

Cho nên lần nầy trở lại trước là Lễ Phật, lễ Thầy, Tổ cúng mâm cơm, hoa, quả viếng tháp của Ni Trưởng, thăm quí Tăng, Ni những vị chúng tôi đã quen biết từ trước, trong số đó có người có họ hàng với nhà tôi. Trong đó có những vị mà chúng tôi xưng tụng quen thân như Sư Hòa, Sư Lộc, Sư Huệ, nào là Cô Tám (Sư cô trụ trì Linh Son Cổ Tự), cô Chín, cô Út …

Từ trái: Cô Chín, Chi, Tông, Sư Lộc, Sư Huệ, Thiện Đạt, cháu Khương, Ngọc Thanh

Đãnh lẽ bảo tháp của Ni trưởng Huệ Giác, chúng tôi không thể nào quên được những chuyến đi núi, đi chùa ngày xưa, cũng không thể quên được, có người thỉnh Ni Trưởng đi sang Virginia, Ni trưởng đã đưa nguyên một phái đoàn nào là Đại Đức Tâm Giới, Ni trưởng Diệu Ngọc trụ trụ chùa Thiên Bửu Tháp, ĐH14 xã Tâm An huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ni sư Kim Sơn Quan Âm Tu Viện, Ni sư Hương Nhũ trụ trì Thiên Quang Ni Viện đã đến thăm gia đình chúng tôi tại thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky trong 2 hôm. Tình nghĩa thầy trò kể sao cho hết nhưng thật ra đó là những dấu ấn khuyến khích chúng tôi tu học.

Xuống núi, chúng tôi có ghé Lễ Phật, viếng thăm nơi Sư Huệ, nơi cô Út tịnh tu. rồi chúng tôi về ghé qua Bửu Hoa Ni Viện viếng chùa, thăm cô Lan Nhã trụ trì Ni viện nầy, trước đây Ni viện có Trường học, nay đã dời đi nơi khác hình như là dời về Long Phước Thọ. Ni viện nầy chúng tôi cũng có vài kỷ niệm, khi đào móng xây cất, chúng tôi nhân dịp đi chùa có tiếp tay đào đất, xếp đá xây móng, cũng có khi ngủ lại đêm khi Ni viện còn sơ khai với 37 mẫu trồng cây, gây rừng. Thân mẫu cô Lan Nhã trước khi xuống tóc quy y đầu Phật, có mua một mảnh vườn cây ăn trái gần đó nào là mận, ổi, bơ nay cô Lan Nhã cho trồng thêm xoài riêng. Cô bảo tôi:

-         “Sang năm chú Tông, cô Chi vềtha hồ ăn Xoài riêng”.

Ni sư Lan Nhã và Kim Chi

Trước đây, nơi nầy có một Ni cô cùng tu với cô Lan Nhã, đó là cô Loan cháu ruột của kế mẫu nhà tôi, nên trước đây ghé nơi nầy như là ghé nhà, vì ấm áp tình thân, nay cô Loan đã viên tịch, cô Loan tốt nghiệp Đại học trước kia, nhưng sớm giác ngộ nên đã xuất gia. Nguyên cô Loan có người cậu là Kỷ sư Điện ở Pháp về, theo tu với Mẫu Trầu nên cô Loan cũng xuất gia theo Tông phái Tịnh độ Non Bồng nầy.

Mặc dù gặp nhau đã lâu, tình cảm còn quyến luyến nhưng nhà tôi cũng phải chia tay cô Lan Nhã ra về, hẹn sẽ gặp lại cho thõa lòng thương mến.

 Một chuyến đi chùa ghi thêm nhiều kỷ niệm sâu đậm, cho thấy rằng sự gieo duyên Phật pháp luôn luôn tốt đẹp với chúng tôi hôm nay và mãi mai sau.

8664261022







No comments:

Post a Comment