Pages

Thursday, October 5, 2023

Chuyện đã trôi qua

Mấy hôm nay tôi suy nghĩ nên viết hay không chuyện tình cảm của tôi, phải thành thật mà nói có thể tôi đã bị nhiễm Tiểu thuyết Thứ Bảy, thứ tiểu thuyết lãng mạn thời tiền chiến tôi đã được đọc từ nhỏ, từ những năm 1950, do trong nhà có những quyển Tiểu Thuyết Thứ Bảy của chú tôi là một thầy giáo trường làng Bình Mỹ, quận Châu Phú tỉnh Châu Đốc, chú tôi mua báo tháng từ Hà Nội gửi vào, để đọc giải trí ở nhà quê. Trường Bình Mỹ nằm bên kia Xép Năng Gù, nhà chú tôi bên nầy sông, mỗi ngày bơi xuồng qua bên kia sông dạy học, cha tôi cho anh kế và tôi theo học trường của chú dạy.

Khi chiến tranh xảy ra năm 1945, các thầy giáo làng bỏ trường theo Thanh Niên Tiền Phong chống Pháp hoặc về tỉnh dạy ở trường tỉnh, chú tôi chọn trường hợp thứ hai, bỏ trường, bỏ cả sách vở ở trường, chú nhờ anh tôi cũng là học trò của chú mang hết sách vở về nhà tôi. Cô tôi, ở chung nhà với cha mẹ tôi giữ lại bộ Tiểu Thuyết Thứ Bảy để đọc. Vì các Thầy giáo bỏ trường, nên tôi bị thất học từ đó rồi đi chăn bầy dê nhà, mỗi ngày lấy theo một tập Tiểu Thuyết Thứ Bảy để đọc, đó là nguyên do tôi bị nhiễm nó.

Cha mẹ tôi cố gắng cho anh kế tôi xuống Long Xuyên, gửi ở nhà người quen để được đi học trường tỉnh, ngôi trường gần nhà anh lớn của tôi và một người bạn lấy để mở lớp dạy tư, dạy được vài tháng vì vấn đề an ninh thời đó, anh bỏ đi lên Sàigon không biết anh làm mướn làm thuê chi đó một thời gian, rồi chú tôi lên Sàigòn giới thiệu cho anh tôi vào làm ở nhà thuốc Nhành Mai số 36 Sabouraine, sau đổi thành Tạ Thu Thâu, nằm ở cửa Đông chợ Bến Thành, nay là đường Lưu Văn Lang.

Sau khi anh tôi bỏ làng đi rồi, một người hàng xóm là chú Hai Nguyễn Hoa Hẩu, lấy một lớp của trường mở lớp dạy tư, tôi được đi học với chú. Chú hai Hẩu là con của ông thầy giáo hồi hưu Nguyễn Văn Đe, ông tốt nghiệp từ Ecole Normal Saigon, xưa là giáo viên Trường tỉnh Sa Đéc, sau đổi về dạy ở trường tỉnh Long Xuyên, rồi về hưu. Lúc tôi đi học ở trường làng Bình Mỹ, thỉnh thoảng ông sang sông đến trường chú tôi, chú tôi mang ghế ra mé hiên trước lớp học cho ông vừa phơi nắng sáng vừa đọc báo, ông Bảy Đe gọi ông Phủ Nguyễn Hà Thanh là ông cố, cha tôi cũng gọi ông Phủ nầy là ông cố, vì ông Phủ là cha nuôi của ông ngoại cha tôi. Hồi nhỏ, bà Nội tôi gửi chú tôi ở nhà ông Bảy Đe đi học trường tỉnh, lấy được bằng cấp Primaire thời đó, nên sau nầy chú tôi được sự giúp đỡ của gia đình ông Tri huyện Phạm Ngọc Thố, là thân phụ của ông Phạm Ngọc Đa ở Châu Đốc, nên chú tôi là Huỳnh Bá Nhệ theo nghiệp thầy giáo sau nầy.

Năm 1950, chú Hai Hẩu tổ chức đưa học trò của mình xuống tỉnh thi bằng Sơ Đẳng Tiểu Học. Ai không có thân nhân ở tỉnh thì chú Hai thuê một chiếc ghe có mui, đem theo cà ràng, gạo, củi, nước mắm rồi thuê người chèo ghe, nấu ăn, chú đưa học trò xuống tỉnh dự thi, ai có thân nhân như Huỳnh Hữu Tâm, con chú Chín của tôi và tôi xuống tỉnh ở nhà anh Nguyễn Vạn An, là anh một mẹ khác cha của Tâm, anh An đang làm Police tại tỉnh được cấp căn phố để gia đình anh ở.

Ngày đó, chúng tôi thi tại trường Nam Tiểu học, trong một lớp cột gỗ, vách lá, phía sau lớp là cái mương lục bình, qua khỏi đó là Trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu, hình như mới thành lập nên chỉ có vài lớp học. Thi xong tôi ở chờ 2 hay 3 hôm sau nghe kết quả, tôi không nghe có tên mình, mà nghe có xướng danh Huỳnh Hữu Tâm, như thế tôi cho Tâm đậu còn tôi rớt, nên tôi buồn quá, ra bến xe lẳng lặng leo lên xe đò đi về. Vài hôm sau, anh tôi về cho biết Huỳnh Hữu Tâm rớt còn tôi đậu, tôi không nhớ có ai đậu trong chuyến đi thi đó hay không.

Năm đó, chú Nguyễn Hoa Hẩu xin và được làm giáo viên, Ty Tiểu Học Long Xuyên lại bổ thêm một thầy giáo. Đó là thầy Nguyễn Văn Chính, người ở Long Kiến quận Chợ Mới đến làm thầy giáo ở Trường làng tôi. Có tên là Trường Bình Thủy. 

Thầy giáo Chính, đến làng tôi đưa cả gia đình theo gồm có vợ thầy, hai anh con trai anh Quân, anh Quan và 3 cô con gái chị Liệt, chị Tuyết và cô So, cô So chừng 7, 8 tuổi hớt tóc như con trai, nước da trắng, môi đỏ như thoa son, đẹp và dễ thương.

Trường khai giảng lại niên học 1950-1951 có hai thầy giáo là chú Nguyễn Hoa Hẩu dạy lớp Tư và lớp Ba, thầy giáo Chính dạy lớp Năm. Xưa thời Pháp trường làng xây cất gần giống nhau, mái ngói móc, lót gạch Tàu, tường xây tô, quét vôi màu vàng, có 3 lớp học và một căn phụ, để dành cho Trưởng giáo ở. Chú Hai có nhà nên căn phụ gia đình thầy giáo Chính ở và thầy lấy thêm 1 phòng học để ở.

Khi nghe tôi nói thi rớt, cha tôi không rầy la chi hết và khi nghe anh tôi nói tôi thi đậu, cha tôi cũng không tỏ vẻ mừng, nhưng có vẻ suy nghĩ, sau nầy tôi mới biết, cha mẹ tôi đều buồn cho tôi vì 2 anh tôi đều được đi học trường tỉnh Long Xuyên, còn tôi vì thời buổi khó khăn, anh kế tôi đang ở tỉnh học, nên không thể cho tôi xuống tỉnh theo học lớp Nhì.

Cha má tôi cho tôi ngồi học lại lớp Ba của chú Hai, để cho tôi khỏi quên bài vở, chờ khi có tiền sẽ cho tôi xuống tỉnh học lớp Nhì. Năm sau, tôi vẫn đi học với chú Hai nhưng chỉ học 1 buổi sáng, buổi chiều ở nhà chăn bầy dê chừng 5, 7 con để lấy sữa uống. Rồi sau đó tôi không còn đi học nữa vì tôi đã lớn mà nhà vẫn không có tiền cho tôi xuống tỉnh học.

Trong thời gian nầy, tôi bị nhiễm Tiểu Thuyết Thứ Bảy, nên đã biết yêu cô So, tôi đã viết “Thư tình mực tím” và đã được cô ta đáp lại tình yêu đầu đời của tôi. Trong thư cô ta, tôi nhớ nằm lòng cô ta dặn tôi “yêu em thì để bụng, hãy giấu kín, đừng cho ai biết hết nghe anh”.

Sau đó vào năm 1956, thầy giáo Chính đổi về Trường Long Kiển, gia đình cô dọn về cất nhà tại bến đò Bà Vệ. Tết năm 1957, Tâm và tôi có đi thăm gia đình nàng, khi đó còn đi học, sau theo học Trường Cao Đẳng Sư Phạm Long Xuyên ra trường được bổ đi dạy học có lẽ ở Trường Long Kiến. Vào thập niên 1980, tôi có dịp đi công tác ở Quận Chợ Mới, nên có ghé thăm thím giáo Chính, nhơn dịp nầy có gặp lại So, So đã lập gia đình có 2 con trai chừng 7, 8 tuổi. Chúng tôi chỉ gặt đầu chào nhau, nhưng không ai nói với ai lời nào. Chừng 10 năm gần đây tôi được tin So đã mãn phần.

Năm 1954, lần lượt cha mẹ tôi mãn phần, tôi được gia đình gửi cho chú Tám là thầy giáo ở Châu Đốc, ăn ở trong nhà chú để học lớp Nhì, lớp Nhất, rồi thi đậu được chú cho lên Sàigòn theo học Trường Trung Học kỹ Thuật Cao Thắng từ năm 1956.

Lúc ở Châu Đốc, bên cạnh căn phố của chú tôi, có cô gái tên Tư là cháu của chủ nhà, hai vợ chồng chủ nhà không con, nên nuôi dạy Tư như là con gái, Tư cũng là học trò của chú tôi. Đêm đêm chúng tôi thường ngồi ở bặc thềm trước nhà trò chuyện và lâu ngày nãy sinh tình cảm là chuyện thường tình.

Khi tôi lên lớp Nhất trường tỉnh Châu Đốc, vì tôi sinh năm 1941, nên năm 1956, tôi được 15 là quá tuổi thi vào lớp Đệ Thất Phổ Thông, nên Bác và chú tôi ở quê làm cho tôi Thế Vì Khai Sanh, khai tôi sinh năm 1943, nên tôi có đủ tuổi thi vào lớp Đệ Thất và tôi đã đỗ vào Trung Học Thủ Khoa Nghĩa niên học 1956-1957 thứ hạng 51, mặc dù thi đỗ rồi, chú tôi vẫn cho tôi đi lên Sàigòn thi vào Trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Chú nói với tôi đi học nghề “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, theo tôi được đi Sàigòn thi là vui rồi, đậu hay không, không cần thiết vì tôi đã đậu vào Thủ Khoa Nghĩa, cầm chắc trong tay là được đi học tiếp Trung Học. Thật ra, tại Châu Đốc thời đó, những thầy giáo dạy có tiếng giỏi là thầy Phương, thầy Huệ, thầy Tính mà tôi đã học với Thầy Tính, lớp tôi năm đó có em của ông Tỉnh Trưởng và nhiều con em của Thầy giáo cùng học với Thầy, ngay Châu Minh Quyền con của Thầy cũng cùng học với tôi trong lớp của Thầy, năm đó tôi đứng hạng nhứt lớp.

Đi thi vào Trung học Thủ Khoa Nghĩa tôi làm trật cả 2 bài Toán đố, thi vào Kỹ Thuật Cao Thắng tôi chỉ làm trúng có một bài Toán vậy mà tôi thi đậu hạng 132 trên 250 học sinh trúng tuyển và vượt qua 3 ngàn thí sinh dự thi.

Chú tôi cho tôi lên Sàigòn học, mặc dù chú còn phải nuôi 6 người con của chú, nên tôi chăm chỉ học và không có chuyện tình cảm lăng nhăng, mặc dù có lúc tôi ở trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật, do ông Giám Đốc Trần Văn Bạch kỷ sư cầu cống ở Pháp về, trước đó ông từng làm Bộ Trưởng, ông có lòng nhân cho những học sinh nghèo, hiếu học nhà ở xa được trú ngụ trong khuôn viên, tự nấu ăn hay ăn cơm tháng ở ngoài.

Trong khuôn viên của Trường thời đó có những Trường dùng chung một cơ sở là dãi mấy lớp học nào là Trường Kỹ sư Công nghệ, Trường Quốc Gia Âm Nhạc, về sau có Trường Nữ Công Gia Chánh do bà Nữ phu nhân của ông Giám thị Tập  Cao Thắng làm Hiệu Trưởng, Trường Quốc Gia Thương Mại do giáo sư Phan Hữu Tạt làm Hiệu Trưởng, trường nào cũng có nữ sinh, nhưng lúc đó tôi chỉ thích học và tìm hiểu những mới lạ của Thủ đô Sàigòn nó được mệnh danh là Hòn ngọc viền đông mà.

Rồi tôi quen với anh Nguyễn Quang Vui, người Huế, cùng ngụ trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật, anh học Trường Quốc Gia Âm Nhạc, rồi tôi và Nguyễn Ngọc Giao tự Giáp nhờ anh đưa tôi đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Giác Minh. Gia Đình Giác Minh lúc đó sinh hoạt tại chùa Kim Cương nằm trong con hẽm đường Trương Tấn Bửu nay là Trần Quang Diệu, nó cũng thông ra đường Nguyễn Huỳnh Đức nay là đường Huỳnh Văn Bánh.

Chùa Kim Cương ngày đó do Đại Đức Thích Chính Tiến Trụ trì, kiêm Gia Trưởng Gia Đình Phật Tử Giác Minh, anh Nguyễn Văn Thục Làm Liên Đoàn Trưởng, anh Nguyễn Tín làm Liên Đoàn Phó, Huynh Trưởng có chị Đào Thị Thành, chị Phương, chị Thủy, chị Tố, anh Phan Huy Thanh, anh Nguyễn Quang Vui, anh Dũng anh Minh, đơn vị đang sinh hoạt có các đoàn Thiếu Niên, Thiếu Nữ, Nam Oanh Vũ, Nữ Oanh Vũ, tổng cộng có chừng 60 thành viên. Lúc anh Giao và tôi đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Giác Minh đang trong thời kỳ chấn chỉnh tổ chức lại.

Sau đó, tôi được từ đoàn sinh Đoàn Thiếu Niên trở thành Đoàn sinh Đoàn Nam Phật Tử La Hầu La do anh Tâm Quang Phan Huy Thanh làm Đoàn Trưởng, rồi Thầy Chính Tiến được bầu làm Tổng Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam trụ sở tại Chùa Giác Minh 578 Phan Thanh Giản thuộc Quận 3 Sàigòn, Thầy Chính Tiến phải về chùa Giác Minh làm việc, nên đơn vị Gia Đình phải di chuyển về đây. Đây cũng là nơi mà Gia Đình Phật Tử Giác Minh được thành lập từ tháng 10 năm 1955 do Thầy Thích Thanh Cát thành lập và làm Gia Trưởng.

Đến năm 1959, Thầy Chính Tiến mời được bác Nguyễn Đức Lợi chủ sự Phòng Vật Liệu Tổng Nha Bưu Điện, nguyên là Gia Trưởng ở Hà Nội làm Gia Trưởng thay Thầy, sau đó anh Nguyễn Văn Thục thôi giữ chức Liên Đoàn Trưởng, anh Nguyễn Quang Vui thay thế, cũng trong thời gian trước đó, anh Nguyễn Tín, anh Phan Huy Thanh, anh Dũng, anh Minh, chị Tố, chị Phương ngưng sinh hoạt. Anh Vui đã tổ chức lại, anh Nguyễn Đình Thống làm Liên Đoàn Phó, giao cho anh Trúc Hải Phan Văn Bưởi làm Đoàn Trưởng Đoàn Nam Phật Tử La Hầu La, nhờ anh Liên Phú và chị Cung Thị Lan Phương là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo sinh hoạt tại Chùa Xá Lợi sang làm Đoàn Trưởng Thiếu Niên và Thiếu Nữ. Bổ nhiệm Lê Xuân Thiệu  Đoàn Trưởngvà Nguyễn Địch Thái Đoàn Phó Đoàn Nam Oanh Vũ, chị Nguyễn Thị Ngân làm Đoàn Trưởng Đoàn Nữ Oanh Vũ. Sau đó anh Liên Phú ngưng sinh hoạt, tôi được đề bạt làm Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Niên.

Khoảng đầu năm 1960, anh Nguyễn Quang Vui đột ngột rời bỏ chức vụ Liên Đoàn Trưởng, đáng lẽ anh Nguyễn Đình Thống lên thay, nhưng anh Thống cương quyết từ chối, đẩy chức vụ nầy sang cho tôi, tôi đành phải nhận.

Một thời gian ngắn sau đó, chị Cung Thị Lan Phương ngưng sinh hoạt với Đoàn Thiếu Nữ, tôi phải đãm nhiệm điều khiển đoàn một thời gian ngắn rồi Thầy Chính Tiến mời được chị Đoàn Thị Kim Cúc làm Đoàn Trưởng, xưa kia ở Huế, chị có sinh hoạt Hướng Đạo, nhưng về Gia Đình Phật Tử chị không có sinh hoạt, do đó tôi phải cố vấn chị nhiều vấn đề.

Anh Nguyễn Quang Vui tuy nghỉ sinh hoạt ở Giác Minh, nhưng anh được thầy Đức Nhuận chấp thuận cho anh thành lập Ban Hướng Dẫn GĐPT thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam. Năm 1960 Ban Hướng Dẫn nầy được hình thành do Thầy Chính Tiến làm Trưởng Ban, Bác Nguyễn Đức Lợi làm Phó Ban, Anh Văn Tâm Sỹ làm Tổng Thư Ký, anh Nguyễn Quang Vui là Ủy viên Nghiên Huấn, chị Đoàn Thị Kim Cúc làm Thủ Quỹ …

Do anh Vui và tôi có sự bất đồng ý kiến về sinh hoạt ở Ban Hướng Dẫn, nên tôi từ chức Liên Đoàn Trưởng GĐPT Giác Minh cũng như Phó Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn GĐPT/GHTGBVTMN, sau đó anh Bạch Vọng Giang Liên Đoàn Trưởng GĐPT Minh Tâm sinh hoạt tại Chùa Phước Hòa nghỉ sinh hoạt, do đó anh Tuệ Linh là Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn GĐPT thuộc Hội Việt Nam Phật Giáo tại Chùa Phước Hòa Sàigòn, mời tôi về GĐPT Minh Tâm làm Liên Đoàn Phó Xử Lý Thường Vụ Liên Đoàn Trưởng.

Khi tôi sinh hoạt tại đây chị Tuệ Tâm là Liên Đoàn Phó, chị Kim Dung là Đoàn Trưởng Thiếu Nữ, chị Kha Tâm là Đoàn Phó, chị Thanh Minh là Đoàn Trưởng Nữ Oanh Vũ, Định, Khôi, Minh Châu sau nầy là phu nhân anh Kỳ đều còn là đoàn sinh, cập song sinh Y, Như là Oanh Vũ. Trước đó chị Tuyết Trinh là Liên Đoàn Trưởng GĐPT Giác Minh khi mới thành lập.

Tôi không hiểu Trưởng Tuệ Linh nghĩ chi, một hôm Trưởng nói với tôi: “ Cậu sang đây sinh hoạt, bên ấy có nữ Huynh trưởng nào thân thiết cậu rủ sang đây sinh hoạt luôn”.

Lúc nầy Huynh Trưởng Phan Cảnh Tuân và Nguyễn Hữu Huỳnh thành lập Đoàn Huynh Trưởng A Dục, quy tụ Huynh Trưởng các GĐPT tại Thủ Đô, sau khi sinh hoạt buổi chiều, khoảng 6 giờ đến Đoàn Quán GĐPT Chánh Đạo tại Chùa Xá Lợi sinh hoạt tập trung chủ yếu là học Phật Pháp với Thầy Thiện Châu, nguyên trụ trì chùa Linh Sơn Đà Lạt, thầy về Sàigòn học Anh Văn để đi du học. Đoàn A Dục có 2 Đội và 2 chúng, tôi được anh em bầu làm Đội Trưởng Đội Kiền Trắc, Giáng Sinh năm 1960 Đoàn có đi tham quan Đà Lạt, trú ngụ tại Chùa Linh Sơn.

Năm 1961, anh Vui  rủ tôi trở lại sinh hoạt với các GĐPT họ Giác, nên tôi rời khỏi GĐPT Minh Tâm, trở lại sinh hoạt trong Ban Hướng Dẫn GĐPT/GHTGBVTMN. Một hôm có lẽ vào sáng Chủ nhật, tôi đến nhà chị Đoàn Thị Kim Cúc, lúc đó chị là chị kết nghĩa với anh Trúc Hải, Nguyễn Khánh Thuận, Lê Xuân Thiệu, tôi và sau nầy có chị Hồng Loan, chị Yến Như là phu nhân của Bạch Hoa Mai đã ly dị. Hôm đó có cô Lê Thị Dung đến nhà chị Cúc để thăm các em Quỳ, Trâm, Phượng là đoàn sinh của cô ta. Dung ra về một lúc sau chừng 10, 15 phút tôi mới ra về, khi tôi đạp xe đến Công Trường Dân Chủ, tôi thấy cô Dung mặc chiếc áo trắng có hoa đỏ chen lẫn với lá đen, nhưng bỗng nhiên mắt tôi nhòa đi tôi thấy hoa đỏ là một đốm máu tươi, thân hình nhỏ đạp chiếc xe. Tôi cảm thấy thương nàng và bắt đầu yêu Dung từ đó. Mặc dù trước đó tôi quen biết hầu hết các nữ Huynh Trưởng sinh hoạt ở Thủ đô Sàigòn, nhưng thật tình mà nói tôi không để ý đến ai cả từ Đoàn Huynh Trưởng A Dục cho đến Trường Đào tạo Huynh Trưởng A Dật Đa.

Thỉnh thoảng tôi đến nhà Dung nằm trên đường Lý Thái Tổ, ngoài đầu hẽm có hiệu kem Cẩm Bình, ngoài Dung ra còn có Trà, Thái và Hà cùng đi sinh hoạt ở GĐPT Giác Minh.

Năm 1963, thân phụ Dung bệnh già, người nhà nghĩ ông sẽ mất trong đêm nên yêu cầu tôi đêm đó ở lại. Gia đình Dung có anh trai lớn là anh Toản, nhưng anh không sinh sống tại nhà, mặc dù anh vẫn ở Sàigòn. Đây là lần đầu tiên tôi ở lại nhà Dung qua đêm. Quả như dự đoán đêm đó thân phụ Dung qua đời, trước khi ông qua đời, tôi phải bế ông từ trên gác xuống nhà lúc ấy ông đã quá yếu, chừng 1 giờ sau ông trút hơi thở cuối cùng, có lẽ lúc ấy chừng 3 giờ sáng. Rồi từ đó, tôi đến nhà Dung có hôm dùng cơm tối với gia đình. Sau đó mẹ Dung nhận tôi làm con nuôi, trong nhà ai cũng gọi bà bằng Mợ, riêng tôi người Nam được gọi bà là Má.

Nghĩa mẫu có nói với tôi một câu, khó quên, nhưng tôi không thực hiện được: “Khi nào con muốn lấy vợ, nói cho má biết”.

Còn Dung, năm 1964, đi học lớp huấn luyện cán bộ của Bộ Xã Hội rồi đi làm quản lý “quán cơm xã hội”, sau chuyển qua làm cho Quân Nhu ở Gò Vấp rồi chuyển về Đường Thi Sách, sau cùng đi làm cho sở Mỹ, lúc nầy chúng tôi chia tay nhau. Đó là một buổi tối tại quán chè Hiển Khánh, trên đường Phan Đình Phùng, có cả chị Kim, năm đó có thể là năm 1965.

Tháng rồi được tin Dung mất, tôi nhớ trước khi rời Việt Nam vào tháng Tư năm 1975, Dung có gọi phone tới văn phòng của tôi, nhưng khi đó tôi đi ra ngoài uống cà-phê, lức trở lại văn phòng được anh nhân viên văn phòng báo lại. Năm nào đó vào thập niên 1990, tôi có sang Viginia, được Khiết hoặc Phú đưa tôi đến nhà Dung, Dung gọi điện thoại cho tôi nói chuyện với chị Kim, còn anh Nguyễn Hữu Hiệu phu quân của Dung đưa tôi đi xem đền thờ Mẫu xây trong khuôn viên nhà Dung. Năm 1999, Dung có dự Đại Hội Lưỡng niên của Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, tổ chức tại chùa Giác Minh thuộc thành phố Palo Alto miền Bắc California. Có lẽ đó là lần sau cùng tôi gặp Dung.

Lại được tin cô Đặng Thị Kim Đoan đã mãn phần, tin nầy làm nhiều người ngạc nhiên vì người báo tin là Mộng Hương ở Canada, lại ghi là Nguyễn Kim Đoan, tôi đoán là Kim Đoan có gia đình, phu quân của Đoan họ Nguyễn mà đúng vậy là anh Nguyễn Hải Triều. Đúng ra tôi chỉ biết mặt Đoan, biết Đoan là chị của Đặng Đình Khiết, biết Đoan là Đặng Thị Kim Đoan, không biết Đoan bao nhiêu tuổi, không biết Đoan là ca sĩ.

Chỉ biết ngày xưa thỉnh thoảng Đoan đến chùa Giác Minh để gặp các em của Đoan là Oanh Vũ Đặng Đình Khiết, Đặng Thị Kim Trang, Đặng Đình Chính, Đặng Thị Kim Hạnh và Đặng Thị Kim Kiểm. Đoan không phải đưa các em đi chùa, vì nhà các em ở gần khu chung cư Phan Chu Trinh trên đường Chi Lăng nay là đường Phan Đăng Lưu. đi đến chùa Giác Minh hoặc trở về đều đi bằng Cyclo máy.

Tôi thỉnh thoảng có gặp Đoan ở khu nhà anh Thu, nhưng tôi không nhớ trước hay sau 1975, xem Cáo Phó thấy có ghi Đoan là ca sĩ Kiều Loan, nhưng chắc một điều là Đoan không có chân trong Ban Hoa Niên của anh Thu, vì các anh chị trong Ban Hoa Niên tôi thường gặp ở nhà anh Thu trước 1975, nào là anh Dũng, anh Liên, anh Ân, chị Mai. Anh Ân nhà ở Hố Nai cùng tôi làm phù rễ cho anh Thu cuới chị Lê Xuân Mai và tôi có tấm ảnh chụp chung với các anh, chị nhân ngày tân hôn của anh Liên cùng cô Quy em gái anh Thu.

Hàng đứng từ trái: Tông, Ân, Thu, Dũng, Liên
hàng ngồi: Phạm Kim Chi, Lê Xuân Mai, Dương Nghiễm Mậu, Kim Qui

Được đọc bài viết Nguyễn Hải Triều, Một Ðời Chiến Sĩ Dọc Ngang  của Nguyễn Thừa Bình, tôi mới biết Kim Đoan là Ca sĩ Kiều Loan trình diễn ở phòng trà tại Đà Nẵng trước 1975.

Một người phụ nữ khác cũng hay đến chùa Giác Minh đó là cô Tâm chị của Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Thị Tuyết Mai, cũng như Kim Đoan, cô Tâm không có đi sinh hoạt GĐPT chỉ thỉnh thoảng đến chùa đưa đón em, nhưng tôi nhớ tới cô Tâm vì cô là người thu tiền tại nhà sách Khai Trí Sàigòn, tôi học ở Cao Thắng thường ra đó đọc sách khi đến lớp mà không có thầy dạy, được nghỉ vài giờ, nên thường ra đường Le Lợi xem “Nam thanh nừ tú” dạo phố, chúng tôi gọi là rửa mắt, hoặc vào các nhà sách Khia Trí, Lê Phan, Tự Lực đọc sách, gọi là “xem sách cọp”, ngoài ra tôi còn liên lạc với ông Khai Trí để ký bán bản quyền sách, hoặc gặp ông để nhận tiền.

Sau nầy ông bị chánh sách của nhà nước cộng sản về “Bài trừ Văn Hóa” hay đánh “Tư sản mại bản”, ông mất hết nhà sách và những nhà kho sách, có một em học sinh của tôi tên Mười, mẹ em ấy có bà con chi với ông Khai Trí, có lần cho tôi biết: “Khắp Sàigòn - Chợ Lớn, ông Khai Trí có chừng 20 căn nhà kho chứa sách, lệnh cho có 2 ngày để kê khai, làm sao ông ấy kê khai hết, nên bị tịch thu sạch”. Sau đó, tôi biết ông Khai Trí vẫn còn 2 căn nhà để ở nằm trên Đường Điện Biên Phủ. Sau đó gia đình ông Khai Trí đi Mỹ, rồi ông trở lại Việt Nam, ông có viết những tác phẩm sau đây: 


- Thơ tình VN và thế giới chọn lọc .

- Quê em mến yêu .
- Làm con nên nhớ .
- Chánh tả cho người miền nam .
- Huế mến yêu .
- Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam

 

Tôi thích hình ảnh ông Khai Trí chở vợ trên chiếc xe đạp ở Hồ Con Rùa năm 1983, hình ảnh giản dị và hạnh phúc. 

Khác với hình ảnh ông bà đang ngồi ở Tòa soạn báo Thiếu Nhi trước 1975: 

 

Và hình ảnh đầy đủ gia đình ông Khai Trí Nguyễn Văn Trương:

 

Gia đình ông Khai Trí gồm 8 người con, trong đó có 4 trai, 4 gái.

Sở dĩ tôi viết về ông Khai Trí vì ông là Cố Vấn Hội Cựu Sinh Viên Các Trường Kỹ Thuật Việt Nam trước 1975, TT. Nguyễn Văn Thiệu là Hội viên Danh dự, Đề Đốc Trần Văn Chơn Hội Trưởng Danh dự, Đại Tá Trần Văn Lịch Giám Đốc Hải Quân Công Xưởng là Hội Trưởng trong nhiệm kỳ sau cùng năm 1974-1975. Còn tôi có chân hội viên từ năm 1970. 

Khóa 1 Hải Quân Nha Trang

Từ trái: Nguyễn Văn Lịch, Chung Tấn Can, Lâm Ngươn Tánh, Trân Văn Chơn, Đoàn Ngọc Bích, Trần Văn Phấn.

 

866404102023






 

 

No comments:

Post a Comment