Pages

Friday, March 29, 2024

Tôi lo ngại mình bị bệnh Alzheimer

Người ta thường bị bệnh lãng trí khi về già, dĩ nhiên là theo quá trình sinh sống muôn loài vạn vật đều trải qua sinh trưởng, già nua rồi chết. Nhà Phật gọi là Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Thời kỳ con người ta nhiều tuổi cơ thể phải bị lão hóa, gây ra thân thể đau nhức, yếu đuối, mắt mờ, tai lãng.

Năm nay tôi đã 83, tôi đã bị cao huyết áp từ năm 1991, lúc phải đi khám bệnh trước khi lên phi cơ đi Mỹ, tôi đã uống thuốc trị huyết áp từ đó. Sang Mỹ một thời gian tôi bị có mỡ trong máu, uống thuốc một thời gian, bác sĩ cho ngưng uống thuốc cao mở, bác sĩ ấy về hưu, sau đó Bác sĩ gia đình cho biết tôi lại bị cao mở trong máu và tiểu đường loại 2.

Chừng vài năm gần đây, tôi nhận thấy mình đôi khi bị quên chẳng hạn như có người, tôi với anh ta cùng ăn cơm khách ở nhà người bạn khác, vậy mà chừng 1 năm sau đó gặp lại, tôi quên tên anh ta, mặc dù trước đó chừng 20, 30 năm tôi biết rõ tên anh ta và có thể gặp anh ta hằng tuần khi ở quán sách cũ trên đường Lê Lợi, phía sau Bộ Công Chánh, hoặc ở Kios bán vật lưu niệm ở đường Nguyễn Huệ trước 1975.

Có khi nhìn tấm ảnh mình chụp với bạn bè, biết anh ta quen thân, nhưng không thể nhớ họ tên, tôi nghĩ ngay mình đã bị lão hóa, bị bệnh lãng quên mà hiện nay người ta cũng gọi là bệnh Alzheimer.

Tôi tìm hiểu bác sĩ Alois Alzheimer sinh tại Đức năm 1864 và mất tại Ba Lan năm 1915, Năm 1906 ông đã tìm ra căn bệnh nầy gây ra do não bộ con người, về sau mới được bác sĩ Emil Kraeplin (1856- 1926) cũng là đồng nghiệp của bác sĩ Alzheimer, mới đặt tên bệnh mất trí nhớ là bệnh Alzheimer vào năm 1910..

 

Alois Alzheimer (1864-1915)            Emil Kraepline (1856-1926)

Tôi nhớ khi còn nhỏ, muốn nhớ một chuyện chi chẳng hạn như bài học muốn nhớ phải thức khuya, dậy sớm để học bài, như vậy mới nhớ bài học, sau nầy có những chuyện mình cho là nhỏ nhặt không đáng nhớ thì hãy quên đi, có thể vì thế mà nhiều chuyện bị lãng quên, dần dần có thể thành thói quen.

Còn những bạn bè mình không nhớ họ vì họ đối với mình không có chuyện chi đáng nhớ, không thường xuyên gặp lại nên quên đi. Cho nên tôi tập cho khỏi quên bằng cách ghép vào chi tiết nào mà mình thường gặp, dễ nhớ. Chẳng hạn như tôi có làm chung với một anh tên Lang, tôi thường quên tên anh ta khi muốn nhớ, trong khi đó tôi có quan với anh Phấn phu quân của chị Lan, chi Lan thường đi chùa tôi gặp luôn, nên tôi ghép anh Lang cùng nhóm tên với chị Lan, từ đó tôi dễ dàng nhớ tới anh Lang, mặc dù chừng 9, 10 năm nay tôi chưa gặp lại anh Lang.

Sáng hôm qua, tôi đi bác sĩ Aaron B. Backer, ông là người phẩu thuật bệnh Tiền Liệt Tuyến của tôi hơn 10 năm trước, lúc vào phòng khám, trong khi chờ đợi trong phòng khám sau khi đã chụp X quang, tôi nghĩ rằng, tôi có thể phải nói chuyện với bác sĩ, nhưng tôi không biết tên bệnh của mình gọi tiếng Việt là gì ! Tiếng Anh là gì ? Cũng phải mất 2 đến 3 phút tôi mới nhớ ra nó là Protate tức Tiền liệt tuyến.

Sau đó đến lúc khám là một ông y sĩ lạ, ông ta hỏi tôi vài câu như đi tiểu mạnh không ? Tôi cho biết là bình thường, nếu tôi uống thuốc thì đi tiểu hơi khó còn như không uống thuốc có thể bị xón. Ông ta hỏi uống thuốc chi ? Tôi không nhớ. Ông ta gợi ý có phải Vesicare không ? Tôi nhớ rằng mình có uống thuốc nầy. Nên trả lời là đúng. Ông ta hỏi có phải bác sĩ tại đây cho toa không ? Tôi nhớ là bác si gia đình. Nên trả lời là bác sĩ gia đình cho toa mua thuốc.

Sau đó ông ta hỏi tuổi tôi, tôi nói tuổi thật của tôi sinh năm 1941, vì năm 1945 Nhật bản thôn tính nước tôi, sau đó trường học bị đóng cửa, tôi bị thất học một thời gian, nên làm giấy tờ lại tuổi nhỏ hơn sinh năm là năm 1943 để đi học. Ông ta cho biết tôi bằng tuổi bố ông ta và nước ông ta cũng bị Nhật chiếm đóng, nên tôi biết ông ta là người Phi Luật Tân. Xem bảng tên trên áo ông ta là Patrick, khi ra về tôi lấy được carte visite của ông ta tên đầy đủ là Patrick Bacayu.

Về nhà lục tìm trong tủ thuốc, tôi không thấy có thuốc Vesicare, chỉ có mấy lọ thuốc Solifenacin của bác sĩ gia đình cho toa, nhưng tôi nhớ chắc rằng tôi có dùng thuốc đó từ bác sĩ gia đình, nên tôi mới nhớ tên thuốc đó. Về bác sĩ gia đình trước kia tôi đi ông bác sĩ người Thái Lan, sau đó ông về hưu tiếp theo một nữ bác sĩ người Mỹ, nay là ông bác sĩ Việt Nam.

Tóm lại lão hóa hay chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer không giống nhau. Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ dùng để diễn tả các dấu hiệu liên quan đến trí nhớ, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và khả năng giao tiếp. Còn bệnh Alzheimer là một loại phổ biến nhất của bệnh sa sút trí tuệ. Bệnh Alzheimer sẽ diễn biến tăng dần theo thời gian và ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ và suy nghĩ.

Donald Reagan (1911-2004)

Cho nên nếu nói tôi bị bệnh sa sút trí tuệ thì dễ chấp nhận, nhưng nói tôi bị bệnh Alzheimer thì nguy quá, khó chấp nhận sự thật phủ phàng đó. Thỉnh thoảng tôi cứ nghĩ ông Ronald Reagan vị Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ là người từng làm tan rã khối cộng sản Liên Xô ở Đông Âu. Ông bị bệnh Alzheimer, từng quên mình là Tổng Thống của Hoa Kỳ để có chút an ủi bệnh ấy khó tránh cho những người cao tuổi dù danh phận có tột đỉnh.

866429032024






 

 

No comments:

Post a Comment