Pages

Friday, January 28, 2011

Thử tìm hiểu Lễ phục và Quốc phục của ta

Áo dài các nguyên thủ quốc gia mặc ở Hội nghị APEC tại VN năm 2006

Quần áo riêng biệt người Việt chúng ta mặc, có thể gọi đó là Việt phục, những áo quần nào mà chúng ta mặc những chỗ trang nghiêm hay chốn công đường gọi là quốc phục, mặc cho những buổi lễ lớn hay tế tự gọi là lễ phục. Lễ phục của vua chúa có triều phục, quan lại có phẩm phục, quân lính có nhung phục, thường dân có lễ phục như mũ ô sa, áo giao lĩnh, hia ủng vải tất cả đều màu thâm.

Vì sao áo dài, được cho là quốc phục nước ta, vì áo dài từ những vị nguyên thủ quốc gia cho chí người dân nam cũng như nữ đều mặc giống nhau.

Nam Phương Hoàng Hậu
Chúng ta thấy hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu mặc áo dài, đội khăn đóng bên cạnh bà Từ Cung và các hoàng tử, công chúa.

Tổng thống Ngô Đình Diệm mặc áo dài khăn đóng:


Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mặc áo dài khăn đớng:

Tưởng cũng nên tìm hiểu về nguồn gốc quốc phục. Theo sách sử ký chép thì người Văn Lang, tổ tiên dân tộc việt, mặc áo gài về bên tả (Tả nhiệm), đến thế kỷ thứ nhất sau khi chúng ta bị Bắc thuộc, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu, nên ngày nay chúng ta thấy áo cài về tay phải. Do vậy chưa ai rõ nguồn gốc đích thực của chiếc áo dài, chỉ biết rằng thủy tổ của nó, vốn làm bằng da thú và lông chim, qua các hình khắc trên mặt trống đồng Đông Sơn (2000 - 3000 năm trước Tây Lịch). Quần áo được tả trên trống có các loại như: áo hai vạt ngắn, áo hai vạt dài, váy, khố...Họ đội nhiều loại mũ, tết các kiểu tóc khác nhau.

Trống Đồng Đông Sơn Hình người mặc y phục trên mặt trống đồng Đông Sơn

Hình người mặc y phục trên mặt trống đồng Ngọc Lũ

Theo truyền thuyết, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng, trang sức thật lộng lẫy khi cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân nhà Hán.

Cũng tương truyền, do tôn kính Hai Bà, phụ nữ Việt Nam tránh mặc áo hai tà nên thay bằng áo tứ than, với bốn thân áo tượng trưng cho bốn bậc sinh thành (của hai vợ chồng). Vả lại, khi đó kỹ thuật còn thô sơ, vải được dệt thành từng mảnh khổ nhỏ nên phải ghép bốn mảnh lại mới may đủ một áo, gọi quen là áo tứ thân. Áo gồm hai mảnh đằng sau chắp lại giữa sống lưng (gọi là sống áo), mép của hai mảnh được nối vào nhau và dấu vào phía trong. hai mảnh trước được thắt lên và để thòng xuống thành hai tà áo ở giữa, nên không phải cài khuy (cúc, nút) khi mặc. Bình thường, gấu áo được vén lên, chỉ khi có đại tang (tang chồng hay cha mẹ) mới thả xuống và mép vải để lộ ra ngoài thay vì dấu vào trong. Đấy là hình ảnh chiếc áo dài tứ thân mộc mạc, khiêm tốn.

Áo tứ thân, nón quai thao

Sau khi xua quân đánh đuổi quân Hai Bà, tướng Mã Viện áp đặt một chế độ cai trị hà khắc nhằm đồng hóa nền văn hóa Việt. Hơn 1000 năm dưới sự đô hộ của Trung Hoa, chiếc áo dài, áo tứ thân cũng nỗi trôi theo mệnh nước nhưng không bao giờ bị xóa bỏ. Áo tứ thân vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, nhất là miệt quê, cho đến ngày hôm nay.

Dưới thời chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), Theo Lê Quí Đôn Phủ biên tạp lục, ông đã hiểu dụ dân chúng áp dụng y phục khác với Trung quốc và Nam Bắc thống nhất nhau, nội dung như sau:

"Y phục bản quốc vốn có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục, nay kính vâng thượng đức, dẹp yên cỡi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục cũng nên thống nhất. Nếu cọ̀n có người mặc quần áo kiểu người khách (Trung quốc, TTB chú) thì nên đổi theo thể chế của nước nhà. Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải, lụa, duy có quan chức thì mới cho dùng xen the, là, trừu, đoạn, còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng nhất thiết không được quen thói cũ dùng càn. Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mớ. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc thì cũng được. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm hoặc vải đen, hay vải trắng tùy nghi. Còn các bức viền cổ và kết lót thì đều theo như điều hiểu dụ năm trước mà chế dùng."

Sách Đại Nam thực lục tiền biên cũng có chép: "Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục". Trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương Đào Duy Anh viết: " Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người đàng ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của ngưòi Tàu. Có lẽ từ bấy giờ người đàn bà đàng trong bắt đầu mặc áo cài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đàng ngoài nữa. Đời Minh Mệnh có lệnh cho đàn bà đàng ngoài phải mặc quần, nhưng chỉ những người giàu sang ở thành thị tuân theo,chứ ở nhà quê thì đến nay đàn bà cũng vẫn mặc váy."

……..

Đàn ông đàng trong cũng như ở đàng ngoài đều búi tóc và chit khăn; đàn bà ở đàng ngoài thì bao tóc hoặc chít khăn, còn ở đàng trong thì họ búi tóc và trùm khăn. (NXBVHTT, 2006, trang 187)

Vào thời vua Gia Long (1802 1819), chiếc áo dài tứ thân được biến cải thành áo ngũ thân, rất phổ thông trong giới quyền quý và dân thành thị. Áo ngũ thân cũng dược may như áo tứ thân, nhưng vạt áo bên phải phía trước chỉ được may bằng một thân vải, còn vạt áo bên trái được may bằng hai thân vải như vạt áo đằng sau. Ngoài ra, áo năm thân có khuy áo như đàn ông, lúc mặc có thể cài khuy như áo dài ngày nay hoặc thắt vạt như áo tứ thân. Về ý nghĩa, bốn thân áo chính tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và thân thứ năm (vạt con) tượng trưng cho người mặc áo; năm chiếc khuy tượng trưng cho đạo làm người theo Khổng Giáo: Nhân (lòng thương người, nhân từ), Lễ (biết trên, dưới), Nghĩa (nghĩa khí), Trí (sự sáng suốt, trí tuệ), Tín (uy tín). Rõ ràng, chiếc áo dài ngũ thân diễn đạt nhân sinh quan của Việt Nam nhưng không khỏi sự ảnh hưởng của Trung Hoa qua nhiều năm đô hộ.

Khi triều đình Huế ký hòa ước Patenôtre nhượng quyền cai trị nước vào tay Pháp năm 1884, văn hóa Tây Phương bắt đầu du nhập vào Việt Nam, đi đôi với việc dạy chữ Quốc Ngữ thay chữ Nho. Cuộc sống bỗng biến đổi theo đà đua đòi của văn hóa Tây Phương, nhất là ở những đô thị lớn.

Sau khi chính phủ Pháp mở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, một lô cải cách cho chiếc áo dài truyền thống đã được một số người có tâm huyết với chiếc áo dài đưa ra. Các màu nâu, đen thường được thay bằng bằng các sắc màu tươi sáng hơn, gây sôi nổi trong dư luận quần chúng thời ấy. Năm 1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã khích động phong trào cải cách: "...Các nhà đạo đức thường nói: Quần áo chỉ là những vật dụng để che thân thể ta khỏi bị gió mưa, nắng lạnh, ta chẳng nên để ý đến cái đẹp, cái sang của nó làm gì...Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân, song nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ trí thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu...."

Trong thập niên 1930, Cát Tường đưa ra thị trường kiểu áo dài mới Le mur. Kiểu Le mur được vẽ theo kiểu áo đầm Tây Phương với nối vai và tay phồng, cổ lá xen, cài khuy trên vai, mặc với quần trắng, đeo bóp, che dù, v.v...

Áo dài tay phồng, dựa theo áo Le Mur (cổ lá sen)

Sau đó, họa sĩ Lê Phổ cải tiến áo Le mur và mẫu áo dài này được hoan nghênh trong Hội chợ Nữ Công Đà Nẵng. Đây là một kết hợp giữa áo Le mur và áo tứ thân, rất gần gũi với chiếc áo dài tân thời ngày nay: nối vai và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn. Áo dài Lê Phổ được may bằng vải màu mặc với quần trắng, tóc búi lỏng hay vấn trần hoặc vấn khăn nhung. trong suốt gấn 30 năm sau đó chiếc áo dài Việt Nam không thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ cổ áo, gấu áo, và eo áo: cổ áo thì lúc cao, lúc thấp, lúc rộng, lúc hẹp; gấu áo thì lúc vén cao, lúc hạ thấp; eo áo thí lúc nhỏ lúc to. Những thay đổi này đi đôi với những thay đổi nho nhỏ cũa chiếc quần phụ nữ: chân què qua đáy giữa, lưng quần thắt giải rút rồi tới giây thung, gài nút, và sau cùng là dùng phẹc mo tuya (fermeture), ống quần thì lúc rộng lúc hẹp theo thị hiếu thẩm mỹ của từng giai đoạn một.

Áo dài nhấn eo

Áo dài hở cổ của Bà Ngô Đình Nhu

Mãi đến đầu thập niên 1960, nhà may Dung Đakao ở Sài Gòn đưa ra một kiểu áo dài mới: áo dài tay raglan mặc với quần xéo. Vì tay áo và thân áo được nối xéo góc khoảng 45 độ, kiểu áo dài raglan này tránh được những đường nhăn hai bên nách và vai (so với kiểu áo Lê Phổ). Chiếc quần xéo may bằng vải mềm, được xếp xéo góc khi cắt, có hông ôm sát người và hai ống lòa xòa dài qua mắt cá chân giúp cho nữ giới có những bước đi tha thước qua đôi guốc ẩn hiện dưới hai ống quần.

Áo dài Raglan

Áo dài Mini

Sau áo dài raglan là áo dài mini raglan, vốn là áo raglan may với tà áo cao gọn ghẽ. kiểu mini raglan này được các nữ sinh Sài Gòn ưa chuộng mãi cho đến cuối tháng Tư 1975.

Cảm thấy muốn tiến xa hơn, một số nhà may tại Sài Gòn đã tung ra thị trường kiểu áo dài ba tà gốm một vạt sau và hai vạt trước. Cổ áo cao, có khuy cài từ cổ xuống eo. Áo ba tà được mặc với quần ống voi, thứ quần dài có ống rộng thùng thình. Kiểu áo này không ưa chuộng cho lắm vì không thích hợp với bản chất ôn nhu cũa nữ giới Việt Nam. (Theo tài liệu Mạng)

Theo những tài liệu trên, chúng ta thấy đàn ông đàn bà xưa đều búi tóc, sau chịu ảnh hưởng của Pháp, những người tân học cắt tóc ngắn vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do búi tóc nên phải chít khăn, bao tóc hay trùm khăn.

Về phái nữ búi tóc hay chit khăn, chúng ta thấy như bà Nam Phương hoàng hậu:

Một phụ nữ vào đầu thế kỷ 20


Các thiếu nữ bao tóc:
Ngày nay phái nữ hầu hết không còn để tóc dài, nên không có búi tóc, chit khăn, cho nó khỏi xõa ra, vướng víu khi làm công nọ, việc kia. Khi đám cưới phái nữ đội khăn đóng, nếu chỉ có 12 vòng tượng trưng cho “Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu” : Công, hầu, khanh, tướng. Sĩ, nông, công, thương. Ngư, tiều, canh, mục. Có người cho đó là 12 con giáp, có người cho là 12 nhân duyên của đạo Phật, hai lý giải sau không đúng với 12 bến nước của nhà Nho, hoặc vì muốn cho đẹp người ta làm nhiều vòng hơn như khăn đóng của Nam Phương Hoàng hậu.

Về phía nam giới người ta cũng chit khăn như ông Phan Thanh Giản:

hay anh hùng Đề Thám đất Yên Thế:

hoặc những anh nho sinh:

Nho sinh trong phim Lều Chõng

Để cho tiện khỏi phải chit khăn mất thì giờ, người ta dùng khăn đóng, vua cũng như dân:

Vua Khải Định

Hoàng đế Bảo Đại

Sĩ Tải Pétrus Trương Vĩnh Ký

Khăn đóng người ta làm hoặc là có 7 vòng, hoặc là có 5 vòng, loại bảy vòng được giải thích đó là theo nghĩa “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” còn năm vòng có nghĩ là “Ngũ thường: Nhân, nghĩ, lễ, trí, tín”, dưới cùng những vòng đó khăn đóng của vua Khải Định hay Bảo Đại chỉ là một vạch ngang chữ “nhất” còn của Trương Vĩnh Ký chữ (nhập), hình trên đây chữ 人(nhân), những chữ ấy đều có ý nghĩa là bậc trên cùng, thay Trời trị dân, nhập hay đi vào đạo nghĩa làm người, còn chữ nhân là đạo làm người, phải giữ ngũ thường.

Áo dài đàn ông có 5 nút, đó cũng là biểu tượng cho giềng mối Ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Về màu sắc, vua hay quyến thuộc nhà vua mặc màu vàng nên được gọi là “hoàng tộc”, màu đỏ thường để cho những vị thần thờ ở tôn miếu, những nhà quyền quý thì mặc gấm, lụa là màu sắc, còn những người thường mặc màu thâm, màu trắng dành để mặc khi có tang.

Với áo dài khăng đóng chúng ta thấy phái nữ mặc rất đẹp, đáp ứng được thị hiếu về nét đẹp của nữ phái sang trọng, thướt tha. Những năm 60, các nữ sinh Sàigòn mặc áo dài trắng cỡi xe Vélo-Solex đen, cài vạt áo ở phía sau, chạy xe gió tung tà áo là dấu ấn khó quên nét đẹp Sàigòn xưa.

Hình ảnh gợi nhớ xưa hơn một thời Sàigòn với xe thổ mộ, hình ảnh chiếc áo dài thước tha của thập niên 40, 50 thế kỷ trước.

Nhưng về phái nam có người chê, cho rằng nó không có nét đẹp. Chúng tôi trộm nghĩ quốc phục nam có thể không đẹp, nhưng chắc chắn là không xấu, hơn nữa một cập tân hôn mặc áo dài, khăn đóng, làm cho buổi lễ cưới tăng thêm mỹ quan, đầy ý nghĩa.

Khăn đóng Nam, nên may 5 vòng và có chữ nhân ở dưới, khăn đóng nữ nên may 12 vòng hoặc làm nhiều vòng hơn và ở dưới cùng có 2 cánh hoa như hiện nay.


Áo dài khăn đóng tượng trưng cho quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Cho nên bản sắc đó chúng ta cần phải gìn giữ và hảnh diện vì nó biểu hiện cho “Bốn nghìn năm văn hiến” tiền nhân ta đã để lại. Nó là quốc phục được mặc trong những dịp lễ quan trọng có tánh cách cỗ truyền như lễ Cưới, Hỏi, Tết, cho nên đương nhiên nó cũng là Lễ phục vậy.

Lou. 25-01-2011