Một đám cưới, theo sách vở Trung Hoa gồm có sáu lễ là Nạp Thái, Vấn Danh, Nạp Cát, Thỉnh Kỳ, Nạp Tệ, Thân Nghinh. Sang Việt Nam ta một đám cưới tiến hành gồm có những lễ chính sau đây: Coi Mắt, Giáp Lời, Lễ Hỏi, Lễ Cưới.
Chúng ta biết rằng trước đây hơn nửa thế kỷ, nói chính xác hơn khoảng năm 1950 trở về trước, hôn nhân hầu hết đều do cha mẹ định. Cho nên chuyện cưới gả có thể do đôi bên cha mẹ hứa hẹn với nhau từ trước, hoặc là do có người làm mai mối để tiến tới hôn nhân.
Hôn nhân của chị Ba tôi tiến hành theo lối thứ hai này, thường chuyện gả cưới tiến hành từ con lớn trước rồi lần lần tới con thứ, nhất là con gái vì luôn luôn người ta e ngại gả cô em trước, cô chị sẽ bị mất duyên. Trường hợp gia đình tôi, những năm Nhật đảo chánh Tây, Tây đánh Nhật, thời buổi kinh tế khó khăn, ở quê không an ninh, anh lớn của tôi trốn cha mẹ lên Sàigòn lập nghiệp, cho nên cuộc hôn nhân của chị Ba tôi khởi đầu trong gia đình vào năm 1952.
Bà mai là dì hai, chị họ của má tôi, chồng của dì tôi thường gọi là chú Sáu, chú Sáu có người em nhà bên cạnh là chú Bảy Bộ, hai chú này nhỏ tuổi hơn cha tôi, nên gọi cha tôi bằng anh chớ không có bà con với nhau. Dì hai làm mối để cháu chồng của dì cưới chị ba tôi.
Nhà của chú Sáu, chú Bảy ấy ở bên kia xế xế bến sông nhà tôi, có lẽ cha tôi biết gia đình hai chú ấy, tôi còn nhỏ nên không rõ gia đình anh, chị, em của họ, nay mới biết hai chú ấy có người chị thứ Ba, có chồng về Mặc Cần Dưng, nay định cưới vợ cho con trai, nên nhờ dì Hai làm mối.
Trước khi cho đàng trai tới “Coi Mắt” chị Ba tôi, dì Hai đã nói cho cha má tôi biết, chú rể tương lai, gia đình có 5 anh chị em, bốn gái, một trai, mồ côi cha, ba chị gái lớn đã có gia đình, còn một em gái chưa chồng.
Biết dì Hai nói thật, nhưng cha má tôi đi dọ hỏi người quen thêm vài chi tiết khác, một hôm cha mẹ tôi bàn chuyện hôn nhân, tôi nghe được là ông thân của anh đi coi mắt chị tôi có làm làng, giữ chức Hương Bộ, chết vì bệnh, gia thế có đất cát, làm ruộng mỗi năm dư chút ít, gia đình cũng đàng hoang, nhứt là anh trai đó không có cờ bạc, rượu chè, có học hành biết chút chữ nghĩa. Cuối cùng cha tôi kết luận: “Gả con mình cho chỗ đó thì cũng được. Thời buổi này ai giàu hơn ai, miễn nó biết chí thú làm ăn là được rồi!”
Sau đó, má tôi cho dì Hai biết sẵn lòng mời nhà trai tới, hai bên hẹn ngày giờ thuận tiện rồi đàng trai tới nhà tôi tiến hành “Lễ Coi Mắt” .
Lễ Coi Mắt, tiến hành rất đơn giản, sáng hôm đó nhà trai đến gồm có một người đàn bà tuổi ngót 60, hai vợ chồng dì hai, anh rể tương lai của tôi và một chàng trai khác đi theo cho có bạn, mọi người đều ăn mặc tươm tất, hai người đàn bà mặc áo dài đen, chú sáu mặc bộ bà ba đen, hai anh thanh niên mặc áo sơ-mi trắng tay dài, người quần tây nâu, kẻ quần xanh.
Trong nhà tôi chuẩn bị chút ít, dọp dẹp đơn sơ đón khách, trên bàn thờ một bình hoa điệp ta, trên cặp chân đèn, cắm hai cây đèn cầy đỏ mới, ở bộ ván giữa trải chiếu bông, đặt một cơi trầu ở đầu bộ ván, bộ ván phía bên tay trái cũng trải chiếu mới, bộ bàn ghế ở giữa bộ ván giữa nhà và cửa ra vào để một bình trà, và một bình hoa cúc vàng.
Cha mẹ tôi cũng mặc áo dài đen, cô tôi mặc bộ bà ba lãnh Mỹ A đen, chị Ba tôi mặc áo dài trắng. tôi mặc bộ bà ba trắng, còn chị kế và em gái tôi chỉ ăn mặc sạch sẻ ở nhà sau, được đặn không được ra nhà trước.
Khi khách tới nhà, chú sáu giới thiệu cha mẹ, cô tôi, rồi chú giới thiệu người đàn bà là chị Ba của chú, cháu gọi chú bằng cậu và bạn lối xóm của cháu chú.
Cha mẹ tôi mời khách ngồi, cha tôi với chú Sáu ngồi ở bàn, má và cô tôi ngồi ở bộ ván giữa bên tay phải, dì hai và chị chồng của dì, người “Coi Mắt” chị tôi, ngồi ở bên tay trái, hai anh trai ngồi ở bộ ván bên tay trái.
Sau khi khách ngồi xong, tôi bưng những tách trà từ nhà sau ra, đặt trên bàn cha tôi và chú sáu, kế đến chỗ má tôi và các bà, sau mới đến chỗ hai anh trai kia, sau phần nước trà, tôi bưng ra mỗi bàn một dĩa bánh in, bánh gai. Cha tôi, bảo tôi:
- Vào trong, kêu chị Ba con ra chào khách.
Tôi đi vào trong phòng, nói cho chị Ba tôi biết, chị tôi đi ra chấp tay chào hỏi khách từng người, riêng hai anh con trai, chị chỉ cuối đầu chào sau cùng rồi thong thả đi vô phòng.
Đương nhiên bà khách, chị của chú Sáu và hai anh con trai, chăm chú nhìn chị tôi từ khi chị ấy mới ló dạng ra cho đến khi chị ấy đi vào khuất dạng. Tôi đứng xớ rớ ở đó để chờ nghe cha mẹ sai vặt, châm thêm nước thêm cho bình trà, thêm trầu hay thêm thuốc xỉa.
Khách và cha mẹ tôi hỏi thăm nhau đôi điều, rồi nói chuyện nắng mưa mùa màng, tôi để ý không nghe người lớn nói chi về chuyện cưới hỏi. Khách đàn bà ăn tàn bả trầu, khách đàn ông hút hết mấy điếu thuốc rồi xin phép ra về.
Vài hôm sau ngày coi mắt, dì hai sang thăm cha mẹ tôi và cho biết đàng trai bằng lòng cưới chị tôi cho con trai của họ, khi ấy cha mẹ tôi gọi chị Ba tôi, ở trước mặt dì hai nói:
- Con người ta, lớn lên ai cũng phải có đôi bạn, có bổn phận sanh con, đẻ cái, phụng dưỡng cha mẹ, nối dõi tông đường, gia đình chị của chú Sáu tuy không giàu có nhưng cũng đủ ăn, đủ mặt, gia đình cũng đàng hoàng nhân đức, thằng đó coi cũng được, lại không cờ bạc, rượu chè, dì Hai mới đứng ra làm mai, cha mẹ cũng lựa chọn, nay định gả con vê nhà đó. Con gái lấy chồng theo lời cha mẹ, cũng là sự báo hiếu. Vậy hôm nay, cha má trả lời cho dì Hai biết là cha má bằng lòng gả con về nhà đó.
Chị tôi đứng nghe cha mẹ nói vừa dạy bảo vừa áp đặt, tôi không thấy chị ấy tỏ vẻ vui buồn, chỉ thoáng có chút bân khuân suy nghĩ.
Cha tôi nói tiếp:
- Cha má nói cho con biết trước việc hôn nhân của con như vậy! Thôi con vào trong lo việc cơm nước.
Chị tôi chào dì Hai rồi đi vào trong, cha tôi nói với dì Hai:
- Vợ chồng tôi đồng ý cuộc hôn nhân này. Chị Hai báo cho đàng trai biết. Có gì chị Hai cho chúng tôi biết.
- Dì dượng quyết định làm suôi với chị Ba đó là phải rồi, tôi ở giữa hai đứa nó đàng nào cũng là cháu, thấy xứng đôi vừa lứa nên mới đứng ra làm mai mối giúp cho hai cháu có gia đình hạnh phúc sau này. Thôi tôi xin phép về !
Chừng tháng sau, nhà trai lại đến, lần này có thêm một cập vợ chồng, nghe nói có họ hàng với chú rể. Lần này gia đình tôi mời một bửa cơm, nhà trai có mang tới biếu một cập rượu tây, hai gói trà tàu và hai hộp bán bisquit Pháp. Đây là đám “Giáp Lời”, có khai trầu rượu.
Sau khi khách nhà trai an vị xong, nhà trai rót rượu, đem rượu mời cha tôi uống, đem trầu mời má tôi ăn, mẹ chú rể đứng trịnh trọng nói với cha má tôi:
- Thưa anh chị, hôm nay chúng tôi xin cưới con gái anh chị cho con trai chúng tôi. Nếu anh chị nhận lời cầu hôn này, xin cho chúng tôi được biết.
Cha tôi, cũng đứng lên trịnh trọng đáp:
- Thưa chị, hổm nay hai gia đình chúng ta đã tìm hiểu, nay chị đã chính thức cầu hôn cho con của chị, vợ chồng chúng tôi nhận lời cầu hôn này, bằng lòng gả con gái chúng tôi cho con trai của chị.
Mẹ của chú rể, tiếp lời cha tôi:
- Cám ơn anh chị đã nhận lời. Theo như phong tục xưa nay, xin anh chị cho biết về nữ trang, lễ vật, tiền đồng mà chúng tôi phải có, để chúng tôi biết đặng chuẩn bị cho đầy đủ, phải phép.
Cha tôi suy nghĩ một chút mới đáp:
- Thưa chị, chúng ta định đôi bạn cho con trẻ, chúng tôi không c ó đòi hỏi, nhưng lễ vật chúng ta cũng nên làm cho đủ phép, đời người chỉ có một lần, nếu chúng ta không làm đủ phép tắc, con cháu sau này có thể trách, mình không thể sửa lại được. Có những khoảng sau đây, bắt buộc chúng ta phải có: Làm đám hỏi nhà trai phải sắm đủ một đôi đèn cưới, trà, rượu, bánh, trái nhiều ít tùy nhà trai, một đôi hoa tai, đây là cái duyên con gái phải có, gả cưới chớ không phải bán chác nhưng tiền đồng nhiều ít cũng phải có. Đến đám cưới, nữ trang tùy nhà trai cho thêm để con dâu làm của là quí, cũng một đôi đèn cưới, trà, rượu, bánh, trái và phải có một mâm trầu. Còn về áo cưới chúng tôi sẽ lo cho con gái chúng tôi.
Mẹ của chú rể lắng nghe, xong đáp:
- Anh chị đã cho biết như vậy, chúng tôi sẽ cố gắng làm theo. Một lần nữa cám ơn anh chị.
Tiếp theo mọi người dùng bửa, ai cũng hoan hỉ chờ đám hỏi, đám cưới tiếp theo. Hai tháng sau, chọn được ngày lành tháng tốt, nhà trai tiến hành “Lễ Hỏi”, nhà gái gia đình chúng tôi che rạp, mượn bàn ghế, bắt bông làm cổng, tối hôm trước trong nhà nấu nướng, để hôm sau đãi đằng nhà trai.
Đến ngày “Đám Hỏi”, chiều hôm trước bà con bên nội ngoại ở xa được mời đã tới, sáng hôm ấy khoảng hơn 9 giờ nhà trai tới bằng một chiếc ghe gắn máy đuôi tôm, hôm nay nhà trai đàn ông đàn bà khoảng ba mươi người, hầu hết mặc áo dài khăn đống, trừ mấy anh thanh niên, áo sơ-mi, quần tây.
Sau khi ghe máy cập bến, nhà trai lên bờ trải đệm, bày những mâm lễ vật, sau đó những cập nam, nữ đến bưng những cập mâm quả, rồi họ xếp hàng, trước hết là rể phụ với người chủ hôn, tiếp đến là những chị, những anh bưng mâm, sau mâm quả là những người lớn tuổi, sau là những người trẻ hơn, họ đi thành từng cập.
Trước hết, chàng rể phụ và người chủ hôn vào nhà, rể phụ đặt khai trầu rượu ở cái bàn giữa, nơi đó cha má và hai bác trai gái tôi ngồi sẵn, khai trầu rượu này có một cái nhạo đựng rượu, hai cái chung nhỏ, một hộp đựng trầu cau têm sẵn, rể phụ rót rượu ra hai cái chung, mở nắp hộp đựng trầu cau, ông chủ hôn nhà trai mời rượu cha tôi và mời trầu mẹ tôi rồi nói:
- Kính thưa nhị vị chủ hôn! Xin nhị vị dùng trầu rượu để cho phép chúng tôi được thưa chuyện.
Cha tôi nhấp chút rượu, để chung xuống khay, nói :
- Xin mời nói tiếp.
- Hôm nay ngày lành tháng tốt, họ nhà trai chúng tôi mang lễ vật đến đây để làm Lễ Hỏi, xin cho phép họ nhà trai vào nhà để tiến hành cuộc lễ.
Cha tôi đáp:
- Chúng tôi xin mời họ nhà trai vào!
Chủ hôn nhà trai và rể phụ đi ra, rồi đi vào với chàng rể theo sau là các cô gái và các chàng trai bưng mâm vào đặt trên những chiếc ghế đẩu, chúng tôi đã để sẵn trước bàn thờ.
Mẹ và cậu mợ chú rể được mời ngồi đối diện với cha mẹ và hai bác của tôi, những người khác được mời ngồi trên các bộ ván, các chàng trai và cô gái bưng mâm được mời ra bàn tròn ở sân cũng có mấy anh, mấy chị của tôi đớn rước tiếp đãi.
Anh rể tương lai của tôi được hướng dẫn đứng gần những mâm lễ vật ở bàn thờ. Khi khách đã an vị xong, chàng rể phụ lại rót rượu, chủ hôn nhà trai, bưng chung rượu hai tay mời cha, má tôi uống rồi nói:
- Kính thưa anh chị, cho phép chúng tôi giới thiệu họ nhà trai chúng tôi đến đây hôm nay gồm có: - Chị Sáu, mẹ chú rễ, cậu mợ Sáu chú rễ, cậu mợ Bảy, …, người chủ hôn vừa gìới thiệu vừa đưa tay chỉ từng người.
Rể phụ lại rót rượu, chủ hôn nhà trai mời cha mẹ tôi, rồi lại tiếp:
- Chúng tôi xin phép trình nữ trang, tiền đồng và lễ vật.
Khi ông chủ hôn nói thì rể phụ bưng một cái khay có hộp bằng đồng, đánh bóng sáng choang, ông mở nắp một cái hộp và nói:
- Đây là nữ trang, gồm một đôi hoa tai vàng nhận hột, một sợi dây chuyền có médaille và một chiếc vòng vàng chạm.
Ông mở cái hộp kia và nói:
- Đây là số tiền đồng, gồm có mười ngàn đồng.
Và ông chủ hôn nhà trai vừa nói vừa chỉ về các mâm được bao bọc ngoài bằng giấy kính đỏ:
- Một cặp đèn cưới, một mâm rượu Tây, một mâm trà Tàu, một mâm bánh bisquit, một mâm hồng khô, một mâm trái vải hộp, một mâm nhãn. Xin anh chị chấp nhận lễ vật và nếu đã đủ phép, xin cho tiến hành buổi lễ.
Cha tôi từ tốn đáp:
- Cám ơn nhà trai đã sắm đầy đủ lễ vật, phải phép. Chúng tôi sẽ cho tiến hành buổi lễ.
Ngay sau đó, cha mẹ tôi cùng đi đến bàn thờ, cha tôi lấy hai cây đèn cầy chụm tim lại, một chú họ tôi lấy một cây đèn cầy khác đưa đến, cha tôi đưa tim hai cây đèn cầy vào ngọn lửa mồi một lúc cho hai ngọn đèn cháy tốt, cha tôi mới cầm hai ngọn đèn, từ từ xá một xá, rồi cùng mẹ tôi quỳ xuống nguyện một chút rồi đứng lên cũng từ từ xá một xá rồi đưa cho hai chú họ của tôi, mỗi chú một bên cắm đèn cầy vào trong chân đèn trên bàn thờ, sau khi cắm đèn vào chân đèn xong, một chú đốt ba cây hương cho cha tôi niệm hương rồi cắm lên bàn Phật, sau đó cha mẹ tôi lạy ba lạy, kế đó một chú đốt ba cây hương, đưa cho cha tôi, cha tôi xá rồi quỳ nguyện hương, nguyện hương xong đưa lại cho một chú, chú ấy cắm vào ba lư hương trên bàn thờ ông bà, cha mẹ tôi lạy bàn thờ bốn lạy.
Sau khi cha mẹ tôi lạy xong trở về vị trí, chủ hôn nhà trai hướng dẫn chú rễ “cung tay” lạy bàn thờ “lên gối, xuống gối” bốn lạy.
Rồi rể phụ rót rượu mời cha mẹ tôi uống để cho chú rể lạy ra mắt. Cha mẹ tôi đưa chung rượu mím môi, chứng tở đã uống để cho chú rể cũng cung tay, lên gối xuống gối lạy chung 2 lạy. Chàng rể lạy xong, cha tôi nói:
- Kể từ hôm nay, cha mẹ chấp nhận con là rể trong nhà này, được phép gọi cha, má như các anh, em trong nhà.
Sau đó tiến hành lạy ra mắt, các bác, chú, thím, cô dì dượng, anh, chị trong nhà nhưng mọi người đều cho, nên chỉ xá mà thôi.
Lúc đó, chị tôi đeo nữ trang của nhà trai, được gọi ra chào mẹ chồng và những họ hàng nhà trai, chỉ chấp tay cuối đầu chào mà thôi.
Sau đó uống trà, nghỉ giải lao một chút rồi mới nhập tiệc. Đám Hỏi cha mẹ của tôi phải đãi họ nhà trai và những bà con trong thân tộc, khách trong nhà ngồi thành ba bộ ván, bộ ván giữa những chủ hôn chú bác hai họ, bộ ván tay trái các ông, bộ ván tay phải các bà.
Ngoài sân che rạp, một bàn các chị nhà gái tiếp đãi các chị nhà trai, một bàn khác các anh nhà gái tiếp đãi nhà trai, hai bàn nữa những người xôn xồn của nhà trai, nhà gái không thích ngồi trong nhà. Phái nam ăn nhiều mà uống cũng nhiều, rượu vào thì lời ra. Phái nữ ngày ấy không phải giữ cho eo thon, nhưng phải giữ phép ăn uống, nói năng nhỏ nhẹ, nên ăn ít, uống ít.
Tôi còn nhỏ không phải dọn bàn, tiếp khách, chỉ trông chừng mấy thằng bạn hàng xóm nấu nước sôi, để pha trà đãi khách, nhiều đám bọn trẻ chơi cắc cớ lấy rễ cau, bỏ vào nồi nước sôi, uống sẽ bị lợi tiểu. Đi đường xa mà bị lợi tiểu, chẳng tiện chút nào.
Trước khi nhà trai ra về, cô tôi cho đem các mâm lễ vật vào bên trong, cô lấy hết từ trong mâm ra rồi chọn mỗi thứ một ít, để vào hai cái mâm, cho nhà trai mang về cũng với những cái mâm kia. Đó là “Hồi quả” hay “Lợi quả” hay “Lại quả” có nghĩa là trả lại những mâm, quả và biếu lại rượu, trà, bánh, trái để tỏ lòng hữu hảo giữa đôi bên thông gia với nhau. Những thứ Hồi quả này, để ít nhà gái bị chê là keo kiệt, để nhiều nhà gái được tiếng ăn ở rộng rải, nhưng “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”
Cha tôi cháu ông phủ, làm làng Hương Quản rồi lên Hương Sư, lại thêm gần nhà có ông Đại Hương Cả, ông giữ phép tắc nghiêm minh, con dâu ông chết, ông cầm roi đánh lên quan tài mấy roi, vì tội dâu trẻ chết trước cha chồng già, không phải ông không thương dâu, mà mấy roi đó là dâu trả hiếu cha chồng, nên ông phải làm không thể miễn được. Tôi nghĩ cha tôi cũng thủ cựu, giữ đúng những nghi lễ xưa, không ngờ lại dễ dãi, những người hay bắt lỗi nọ phải kia, chữ nghĩa, để tránh phiền phức cha tôi không mời tới, nếu buộc phải mời, cha tôi cũng tìm một vị khắc tinh để chế ngự cốt cho Đám Hỏi của chị Ba tôi được vui vẻ trọn vẹn.
Trên 50 năm rồi, nhớ lại Lễ Hỏi của chị tôi, ngày nay ở quê nhà, chắc nông thôn còn giữ được nề nếp xưa, còn ở thành thị người ta chế biến nhiều. Lễ nghi mỗi thời chắc mỗi khác.
Louisville, 13-01-2011
No comments:
Post a Comment