Pages

Friday, January 28, 2011

Anh Ba Đức

Nghe nói hồi xưa cha tôi đau phổi, trong phổi có nước, nằm bệnh viện Long Xuyên, bác sĩ Bàng mổ lấy nước ra, sau trận đau phổi ấy, lưng cha tôi ở phần trên còn để lại nhiều vết sẹo hai bên, dọc theo xương sườn.

Có người khuyên cha tôi nuôi dê lấy sữa uống, tôi không nhớ cha tôi nuôi dê lúc nào, đó là bầy dê Bắc Thảo, dê Bắc Thảo chẳng những thân to lớn hơn dê cỏ, nhờ vậy có nhiều sữa hơn, lông nó lại có lốm đốm màu tím, trắng, đen mà dê cỏ không có. Dê đặc biệt dê đực hay dê cái đều có râu, có con có sừng có con không.

Dê có hai tích, tích ông Tô Vũ xưa làm quan nhà Hán, đi sứ sang Hung Nô, bị vua Hung Nô bắt chăn dê, dạy rằng: “Khi nào dê đực đẻ con thì cho về”. Về sau quân Hán đánh sang, tìm gặp Tô Vũ chăn dê, tay vẫn còn cầm cờ sứ rách te tua.

Tích nữa là có một vị thần, bị một vị thần khác đánh đuổi, chạy tới dường cùn gặp bầy dê, biến thành con dê nhập vào bầy, vị thần kia chạy tới tìm không thấy kẻ thù, biết vị thần kia biến ra con dê, nhưng không biết là con nào, nên chặt đầu hết bầy dê rồi bỏ đi, vị thần thua chạy hiện hình trở lại, chủ dê liền xin làm cho bầy dê sống lại, ông thần vừa hiện thân sợ vị thần kia trở lại nên vội vàng lấy đầu gắn vào thân, dê sống lại, nhưng đầu con đực gắn vào thân con cái, nên dê cái có râu, sừng thì con có con không.

Cây lúa, lá trầu dê không ăn, ngoài ra thứ gì cũng ăn, thích ăn nhứt là lá sua đủa, cho nên xưa kia vua Tàu đi trong hoàng cung, ngồi trong xe do dê kéo, xe dê ngừng nơi phi, tần cung nữ nào, thì vua nghỉ đêm tại đó, do đó các phi, tần, cung nữ dùng lá sua đửa dẫn dụ xe dê tới cung mình, để hưởng ân mưa móc.

Bầy dê nhà, cha tôi có mướn người trông coi, sau tôi học hết lớp trường làng, giặc giả khắp nơi, kinh tế khó khăn, một người anh tôi đang học trường tỉnh, nhà không đủ sức nuôi thêm tôi đi học ở tỉnh, nên tôi ở nhà sáng tới trường học cho nhớ mặt chữ, trưa về chăn dê cho tới chiều.

Mùa khô thả dê ngoài đồng, cả bầy đi ăn cỏ tôi đi bắt dế, hái trái bằng lăng, cơm nguội, chòi mòi ăn chơi, thỉnh thoảng trông chừng dê không cho chó cắn, hoặc đi vào đám đậu, đám bắp ăn, phá của người ta. Mùa nước, cánh đồng ngập nước, tôi lùa dê xuống con lộ dọc kinh đình dài chừng cây số ngàn, nơi đây không có nhà cửa ai, dê ăn cỏ mọc theo hai bên lộ.

Một hôm dê cái đẻ hai con, dê con sanh ra chừng hai tiếng là có thể chạy nhảy dì lại bình thường, như mọi ngày tôi thả dê ăn ở con lộ đình, chiều lùa về thấy mất một con dê con. Năm ấy tôi chừng 9 hay 10 tuổi, tôi nghĩ bầy dê lội xuống ruộng ngập nước tìm cỏ dại, rau muống ăn, nhưng dê con không quen nên đuối sức chết chìm, tôi không nghĩ bị chó cắn, tôi cũng không nghĩ có người bắt nó làm thịt.

Vì tôi còn nhỏ, cha tôi không rầy la, nên hôm sau nhờ mẹ tôi đi theo trông nom bầy dê. Lúc ấy có một anh ở đâu miệt dưới tản cư đến làng tôi, rồi tá túc ở nhà kia đi cày, bừa làm ruộng với họ, nhà ấy có hai anh em chưa vợ, họ rất siêng năng, làm ruộng cật lực cho nên anh này rất vất vả, được ngày ăn hai bửa, quần áo cái mặc, cái thay.

Thời đó những người nghèo khó có nhiều con, họ cho con họ đi làm giúp việc cho nhà người khác, tùy theo tuổi tác, trai gái. Con gái thì giữ em, giặt giũ, nấu cơm, quét dọn trong nhà. Con trai thì xay lúa, giã gạo, bữa củi, chăn trâu bò, làm ruộng, được ăn cơm chủ, được chủ may cho một năm một, hai bộ quần áo mới. Cha mẹ họ được lấy trước một số tiền, hoặc được trừ vào tiền thuê ruộng đất. Những trẻ con hay người lớn đi làm công cho người ta, cha mẹ lấy tiền gọi là “Ở đợ”.

Anh tản cư này, sau tôi mới biết anh thứ ba, tên Đức, tôi không rõ gốc gác. Vậy anh ta vào ở nhà kia còn thua người ở đợ, vì anh ta không được trả công đồng nào!

Những ngày mẹ tôi chăn dê, đã hỏi thăm hoàn cảnh anh Đức, thấy tình cảnh anh đã bị người ta lường công quá đáng, má tôi động lòng trắc ẩn, tìm cách giúp anh ta. Lúc ấy tôi còn nhỏ mãi lo chơi đánh vụ, bắn bi, không để tâm má tôi và anh Đức nói chuyện gì. Ban đêm thỉnh thoảng má tôi đi thăm hàng xóm, có đêm thức trằn trọc chờ, nghe tiếng guốc ai đi ngoài đường tưởng là má về, không ngờ tiếng guốc đi ngang qua nhà rồi đi luôn, chờ mong rồi mõi mòn đi vào giấc ngủ.

Thời ấy là thời làng tôi một mặt thuộc về nhà chức trách Pháp ở tỉnh cai trị, một mặt do Hòa Hảo ở tại làng trông nom an ninh, ai có chuyện xích mích thưa kiện mang nhau tới nhà ông Đoàn Trưởng phân xử. Tôi không hiểu chức Đoàn Trưởng ấy do đâu mà có, dưới quyền ông chỉ có anh Đoàn Phó, ngoài ra chẳng thấy lính tráng gì, nhưng cũng không rõ do đâu, ông có cây súng “mút-cờ-tông”.

Ông là cháu nội của ông phủ xưa, có học ở trường tỉnh, có đời vợ trước được hai cô con gái, vợ chết, ông chấp nối với người khác, được có thêm ba con, hai trai một gái. Ông là người có học, con nhà gia thế lại còn có súng trong làng ai mà chẳng kính nể ?

Chừng tháng sau, anh Ba Đức về nhà ông Đoàn Trưởng ở, người ta được biết bà Đoàn Trưởng nhận ra anh Đức là cháu, gọi bà là cô ruột, vì bà lấy chồng đi đã lâu, cha mẹ anh Đức chết trong thời buổi loạn lạc, anh không rõ mà đi tìm bà, nay bà biết tông tích, nhận ra cháu nên đem về nuôi.

Trong nhà, tôi được biết má tôi đã nói thế nào đó nên bà Đoàn Trưởng đã chịu nhận anh Đức là cháu ruột của mình, để đem anh ấy ra khỏi cảnh bị người ta “lường công chuốc việc” đáng thương.

Tôi cũng không nhớ chính xác lúc nào, nhưng chẳng lâu sau đó, anh Đức vì mồ côi cha mẹ, nên lấy vợ bị “bắt rể” (ở nhà b ên vợ) vợ anh là con gái của nhà họ Dương.

Tôi nghĩ cũng lạ, ông tôi là con nuôi ông Phủ, đã cưới bà tôi họ Dương, anh Đức vào ở nhà cháu đích tôn của ông Phủ cũng cưới con gái họ Dương là chị Hối, ông cố chị Hối và bà cố tôi là hai anh em ruột.

Hai mươi năm sau, vào quân đội đóng ở Sóc Trăng, gặp em ruột của bà Đoàn Trưởng, tôi mới biết quê hương bà ta ở Sóc Trăng.

Ngày má tôi mất, anh tôi đến nhà bác Hương sư Lâm Văn Nguyện mượn tiền làm đám tang, Bác cho mượn toàn là giấy “xăng” (Cent), bác nói với anh tôi:

- Đây là tiền của bác cất, khi nào trả, cháu phải trả giấy xăng nghe, đừng trả tiền lẻ, bác khó cất. Lại nữa, trước đây má cháu có đứng ra mượn bác một số tiền cho người khác, bác biết người mượn đó, nhưng bác không thể nói ra. Nhớ khi nào có trả lại cho Bác nghe!

Chú tôi nghe vậy, phiền muộn nói:

- Sao ảnh khinh người quá vậy! Trong lúc gấp rút phải mượn đỡ anh ấy, bộ anh em tôi không trả được hay sao mà phải căn dặn thằng nhỏ như vậy !

Đám tang má tôi, gia đình không chấp điếu, bác chú cô dì trong thân tộc mỗi người góp ít nhiều trả ngay cho bác Hương sư, còn tiền má tôi vay nợ dùm, anh tôi cũng trả mùa lúa sau đó. Cho đến nay, vẫn chưa thấy ai hoàn lại số tiền kia.

Năm trước, tôi về tìm thăm Thầy dạy vở lòng, ở chợ Tân Quy Đông, năm ấy Thầy tôi được chin mươi, Thầy xem tôi như người nhà, nên nói với tôi và con của Thầy cũng là bạn học của tôi, cùng ngồi quay quần đó:

- Tao nói thiệt cho tụi bây nghe nghe! Tao sống nhiều năm có kinh nghiệm, tao thấy ở đời “có đức không sức mà ăn”!

Năm ngoái tôi về, tối hai anh em uống trà nói chuyện, anh tôi nói:

- Tội nghiệp anh Đức, mấy năm trước ảnh nói với anh: Má có ơn rất lớn với ảnh. nay lớn tuổi đi lại khó khăn, ảnh xin phép tới ngày giỗ má mình, ảnh cúng mâm cơm tại nhà, khi ảnh mãn phần, ảnh sẽ dặn lại con ảnh cúng má cho đến hết đời của nó.

Nghe anh nói, tôi nhớ tới má tôi, những đêm đi thăm hàng xóm để làm những chuyện giúp người, chỉ vài chuyện chúng tôi được biết tới, chắc còn nhiều chuyện khác thì không.

Do có lòng nhân từ, má tôi đã đi mượn nợ cho người ta, má tôi chết rồi, họ không trả, đẩy má tôi rơi vào trường hợp của câu ca dao:

Trên đời có bốn thứ ngu,
Làm mai, mượn nợ, gác cu, cầm chầu
.

Chắc má tôi không vướng bận gì, bởi vì người đã để đức lại, như lời Thầy tôi dạy, cũng như trong tục ngữ có câu: “Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ”, nhờ đó anh em chúng tôi đã sống qua những ngày gian truân của chế độ cộng sản.

Lou. 20-01-2011

No comments:

Post a Comment