Pages

Wednesday, January 12, 2011

Gia phả của tôi

Năm 1974, về thăm nhà, chú tôi đưa cho một tập giấy, nói:

- Cho con tập Gia phả này, gìn giữ để biết họ hàng gia tộc của mình.

Tôi lật ra, lướt xem nhanh qua, đây là một tập giấy khổ 21x33 cm đánh máy, tôi xếp lại rồi hai chú cháu nói chuyện khác, chú tôi không nói gì thêm về quyển gia phả, tôi không hỏi chi với chú về nó, nhưng tự nghĩ sao chú lại cho mình.

Về nhà, có thì giờ giở lật từng trang đọc, tôi mới biết quyển gia phả này do Bác tôi ghi chép về dòng họ Phan, dòng họ Dương, dòng họ Quách, chú tôi ghi dòng họ Huỳnh và người chú họ ghi dòng họ Nguyễn của chú ấy.

Năm 1981hay 1982, cô tôi lên Sàigòn mổ mắt cườm, cô chỉ cho tôi biết một số người, nhờ đó tôi nhận biết thêm những quyến thuộc của mình.

Quyển gia phả này ghi chính yếu là dòng họ Phan, từ đó sang chi họ Huỳnh của tôi và sang chi họ Nguyễn là chú Nguyễn Văn Sáu. Chú người gốc ở Nhà Bàn làm thầy giáo, sau đổi lên Sàigòn dạy ở Trường Tiểu Học Cầu Kho, khoảng thập niên 80 đi định cư ở Pháp, chú này gọi bà Phan Thị Lợi là bà Nội.

Bà nội của cha tôi là bà Phan Thị Thông, chị ruột của bà Phan Thị Lợi. Do đó gia phả này có dòng họ Phan và chi họ Nguyễn.

Ông nội của cha tôi là người Tàu, gốc họ Tạ xin đọc bài Ô Y Hạng (ngõ áo đen). Nguyên văn bài thơ của Lưu Vũ Tích như sau:

Chu Tước kiều biên dã thảo hoa
Ô y hạng khẩu tịch dương tà
Cựu thời Vương, Tạ đường tiền yến
Phi nhập tầm thường bách tính gia


Dịch nghĩa:

Bên cầu Chu Tước, cỏ dại và hoa chen nhau
Đầu ngõ Ô y, ánh mặt trời về chiều
Cánh én xưa trước nhà họ Vương họ Tạ
Nay đã bay vào nhà bách tính bình thường

Dịch thơ

Bên cầu Chu Tước cỏ chen hoa
Ngõ vắng Ô y bóng ác tà
Én gác Tạ Vương xưa giờ đã
Lạc chốn dân gian đến trăm nhà

Sang Việt Nam nhánh họ Tạ ấy đổi thành họ Huỳnh ở Đình cũ, xã Mỹ Hội Đông, Long Xuyên, tên ông ấy là Huỳnh Quới cưới bà cố tôi là Phan Thị Thông, sanh ra ba người con trai là Huỳnh Văn Thảo, Huỳnh Văn Nghì lập nghiệp ở làng Hòa Tú, tỉnh Sóc Trăng và Huỳnh Văn Đắc theo dì Phan Thị Lợi ở Nhà Bàn lập nghiệp.

Bà ngoại của cha tôi là Dương Thị Út, là dòng dõi của một ông họ Dương, ngày xưa đến cù lao Năng Gù lập nên làng Bình Lâm, thời Pháp thuộc đổi ra là làng Bình Thủy, ông họ Dương này được dân làng tôn kính gọi là ông Tiền Hiền, có bài vị thờ trong Đình làng, con cháu cũng có lập một phủ thờ, mộ của ông Tiền Hiền nằm trong đất bà cố tôi Dương Thị Út.

Ông ngoại của cha tôi là Nguyễn Văn Suốt, tôi gọi là ông cố, sau này gia đình không rõ ông họ chi, nguyên do ngày xưa, bà sơ của tôi có mang ông cố, ông sơ đi xuống miệt dưới là Cần Thơ, Sa Đéc làm ăn, khi bà sơ sanh con, ông sơ không có ở nhà, khi ông sơ về thân sinh của bà sơ tôi đuổi ông sơ tôi không nhận là con rể, vì không làm tròn bổn phận người chồng, ông sơ tôi nhận tội năn nỉ khóc suốt đêm bên vách nhà, đến gần sáng đành bỏ đi biệt tâm mất tích.

Sau, bà sơ tôi cho con làm con nuôi quan phủ Nguyễn Bá Thanh, nên được cải tên họ thành Nguyễn Văn Suốt. Nhờ là con nuôi của quan phủ nên mới cưới được con út của nhà họ Dương là bà Dương Thị Út nói trên.

Bà sơ của tôi bước thêm một bước nữa, lấy chồng họ Quách. Do vậy, trong quyển gia phả này có thêm họ Quách.

Ông bà ngoại của cha tôi sanh ba người con gái là Nguyễn Thị Thoi, Nguyễn Thị Thiềm có chồng ở ngoại vi thị xã Long Xuyên và Nguyễn Thị Kim lập gia đình với họ Lê ở cùng thôn.

Ông nội tôi là trưởng nam Huỳnh Văn Thảo, cưới bà nội tôi là Trưởng nữ Nguyễn Thị Thoi, đúng là môn đăng hộ đối, một bên toàn là nam, một bên toàn là nữ hai bên đều có ruộng vườn tuy không nhiều nhưng cũng có phần chia cho con cháu.

Năm 1945, cha tôi mua một miếng đất, cất nhà trên miếng đất này, đất bên cạnh nhà tôi bên tay trái là của anh Xã trưởng Lý Quốc Chênh, bên phải nhà tôi là nhà Bác Quách Văn Đê.

Giữa nhà tôi và nhà anh xã trưởng có một cái nhà nhỏ, gọi là cái chòi cũng được, có một bà già sống ở đó, tôi gọi là là Bà Cố Chín, thỉnh thoảng mẹ tôi hoặc cô tôi bảo bưng sang cho bà một tô canh hoặc tô nước cơm, dĩa thức ăn cá hay thịt kho.

Bác Bảy gọi Bà Cố Chín ấy bằng cô, nhà bác có che một cái chái, để một cái hòm, đó là cái hòm của Bà Cố Chín mua sẵn để dành trăm tuổi của bà.

Trong nhà tôi có cái tủ gõ mun, cha tôi để một cái hộp sắt có khóa, trong ấy để những giấy tờ quan trọng. Hồi còn nhỏ, có lần tôi mở hộp sắt ấy, đọc một tờ giấy thấy ghi: “Một đàng là Quách Thị Lợi chủ đất bán cho người mua tên Huỳnh Văn Đoan một miếng đất gồm thổ cư và thổ canh, diện tích 0 mẫu 3 sào. Tứ cận bắc giáp đất Quách Văn Tiền, đông giáp rạch Chanh, nam giáp đất Lý Quốc Chênh, tây giáp xép Năng Gù…”

Sau này, nhờ xem gia phả, tôi mới biết Bà Cố Chín Quách Thị Lợi là em cùng mẹ khác cha với ông cố Nguyễn Văn Suốt của tôi, cũng căn cứ theo gia phả Bác Quách Văn Đê gọi Bà Cố Chín là cô ruột. Vậy sao tôi gọi bằng bác mà không phải bằng ông?

Cũng xem trong gia phả thấy thân phụ của bác Quách Văn Đê là ông Quách Văn Tiền cưới bà Dương Thị Các, con của một ông họ Dương anh ruột bà cố tôi Dương Thị Út. Đó là hai anh em ruột cưới hai cô cháu ruột. Tôi gọi bác ấy bằng ông cũng đúng mà bằng bác cũng đúng, nhưng trong họ hàng đã thống nhứt cách xưng hô như trên từ lâu.

Lại còn trường hợp nữa, cũng là em của ông cố Nguyễn Văn Suốt của tôi là ông Quách Văn Nên có người con gái là Quách Thị Trữ. Anh của bà cố tôi Phan Thị Thông là ông Phan Văn Hội (vì làm Cai đội thời chúa Nguyễn, có công trận chi đó, nên được đổi ra họ Nguyễn là Nguyễn Văn Hội). Cháu nội ông này là Nguyễn Văn Toán, tôi gọi bằng Bác, ông cưới bà Quách Thị Trữ tôi gọi bằng Bà.

Có một chi họ Dương là Dưong Văn Cừ, ông ấy cùng làm làng với cha tôi. Cha tôi thứ Ba giũ chức Hương Sư, ông ta thứ chín giữ chức Hương Trưởng, ông ta gọi cha tôi bằng Anh Ba, anh hai tôi gọi ông ta bằng Chú Chín, Cô tôi, chú tôi gọi ông ta bằng Cậu Chín, tôi gọi ông ta bằng Ông Chín. Hồi còn nhỏ xưng hô cứ quen miệng gọi không thấy có chi lạ, đến lớn lên mới thấy có chi không ổn, vì cùng ông ấy sao anh tôi gọi bằng Chú mà tôi gọi tới bằng Ông. Hỏi, Cô tôi mới cắt nghĩa vì bà con cả hai bên, nên có quy định chi họ Huỳnh nhà tôi thứ hai, thứ ba chi họ Dương đó phải gọi bằng Anh, Chị theo họ cha, từ thứ tư trở đi phải gọi lại bên kia bằng Cậu, Dì theo họ mẹ.

Nhờ có Gia phả tôi mới hiểu bà con dòng họ của mình, có những người khác họ nhưng có chung một dòng máu ruột thịt, không biết thì xa lạ nhưng biết rồi thấy thân thiết thương mến nhau nhiều hơn. Cho nên mấy năm trước, tôi đã bắt đầu ghi chép tiếp đến thế hệ của tôi, để sau này con cháu tôi còn biết họ hàng của mình, gốc gác của mình từ đâu đến chốn này.

Louisville, ngày 11-01-2011

No comments:

Post a Comment