Pages

Saturday, January 15, 2011

Đám Cưới chị tôi

Sau Đám Hỏi, lật bật vài tháng sau lại đám cưới chị tôi. Đây là lần đầu tiên cha má tôi làm suôi, cho nên đám cưới này cha tôi phải mời nhiều người, để đáp lại trước đây cha má tôi được mời ăn cưới hoặc do họ hàng, hoặc do làm Hương chức làng nên được người ta mời dự.

Họ Dương là họ cố cựu trong làng, thân tộc đông, may mà cha tôi ngoại tộc, nhờ vậy gánh họ Dương cha tôi chỉ mời một số người thân thiết mà thôi. Họ nhà tôi thì chỉ có chú, bác các cô dượng, hàng anh em ông nội tôi, người lập nghiệp Sóc Trăng, kẻ ở Bảy núi, chỉ nghe nói chớ chưa thấy đến nhà lần nào, nên chắc cha tôi không mời. Chỉ có họ gánh họ Nguyễn của ông Phủ, ông cố tôi là còn nuôi, cháu nội ông Phủ còn đông lại ở gần. Gánh họ Quách là em một mẹ khác cha với ông cố tôi, nhiều người vai vế ngang ngang với bà nội tôi còn nhiều, ở cùng xóm, những người đó đều phải mời.

Trước kia cũng có in thiệp mời như ngày nay nhưng cũng ít người dùng, dùng cũng hạn chế, thường thiệp ấy in sẵn trên giấy đỏ, ghi rõ cưới vợ hay gả lấy chồng tên chi, đám cưới tổ chức vào ngày nào, mời ăn lúc mấy giờ, vì in sẵn nên thiệp nhà trai hay nhà gái giống nhau.

Trước đám cưới chừng một tháng, cha tôi phải thân hành đạp xe đến nhà mời một số người, bởi vì những người đó cha tôi không đích thân mời là thất lễ; một số khác cha tôi sai người cháu mặc áo dài, khăn đống với khay trầu rượu đi mời, số ở xa cha tôi viết Thiệp nhờ người đưa tới. Họ bên ngoại, chính má tôi đi mời.

Còn vài ngày đến ngày Đám Cưới thì anh rể tôi đến nhà “Làm rể”, tức là phụ người nhà che rạp, làm cổng, bắt cầu ở bến sông … Trong Ca dao có câu:

Công anh làm rể Chương Đài,
Một năm ăn hết mười hai vại cà.

Xưa, đi làm rể kể ra cũng cực thân, vì đến nhà lạ, chàng rể phải làm để chứng tỏ mình siêng năng, giỏi giắng, nhưng được lợi là có thể nhìn thấy vợ, có thể gặp mặt vợ mà trước đó thường hai người không gặp nhau, không biết nhau.

Trước đám cưới hai ngày, cha mẹ tôi bảo anh rể tôi về để lo việc nhà. Nhà tôi bắt đầu bận rộn, trai tráng hàng xóm đến giúp lo mượn bàn ghế, bình trà, ly tách uống nước. Má và cô tôi nhờ mấy chị họ của tôi đi mượn thêm tô, chén, dĩa của một vài nhà sắm sẵn nhiều tô kiểu, chén kiểu.

Trong nhà có người xuống tỉnh mua những cao lương, mỹ vị dùng để nấu nướng, cha mẹ tôi nhờ một cô đứng làm đầu bếp để nấu ăn đãi khách, gồm có bao nhiêu món và đãi bao nhiêu người ăn.

Hôm sau đám cưới, ngày hôm trước nhà gái đãi ăn, khách được mời tới vào 5 giờ, nhưng do ở nhà quê quen giờ giấc mùa màng, họ phải làm sớm, ăn sớm, ngủ sớm. Buổi sáng những ngày mùa, 4 gìờ họ đã ra đồng cày, bừa, gặt lúa. 9 giờ họ ăn, chiều chừng 3 giờ họ đã nghỉ, để cho trâu bò ăn cỏ, nghỉ ngơi. Cho nên khoảng 3 giờ là đã có khách đến.

Khách ngồi đủ một bàn hoặc 8 người hoặc 10 người do cách xếp đặt tùy theo bàn lớn nhỏ là người ta bắt đầu dọn cho bàn ấy ăn. Ở nhà quê thường thì người ta dọn tất cả thức ăn một lần, nhưng cũng có đám dọn ăn từng món.

Những người đến dự, phái nam lớn tuổi mặc ái dài khăn đống, búi tóc, những người xồn xồn mặc bộ bà ba đen, hay trắng, hoặc bộ py-ra-ma họa hoằn lắm mới có ngưòi mặc áo sơ mi, quần tây, chỉ có chú tôi và người em họ, làm thầy giáo ở tỉnh về là mặc sơ mi dài tay, quần tây dài, áo bỏ trong quần. Các bà già mặc áo dài, khăn vắt vai, trẻ hơn mặc áo dài trắng hay màu nhã hoặc bộ bà ba lãnh Mỹ A đen.

Thường khách mừng cho đám cưới là tiền, khị họ ăn xong đến lúc ăn tráng miệng, uống nước, người ta mới đưa tiền ra mừng, họa hoằng lắm mới có người bỏ trong phong bì, kỳ dư thì móc túi đưa tiền mặt ra, nhà đám có người ghi vào sổ tên họ và số tiền mừng. Đám cưới chị tôi, việc ghi sổ và giữ tiền giao cho người chú họ, con bà Sáu, em ruột bà nội tôi, nhà chú ở gần nhà tôi, do đó chú ấy biết nhiều người thuộc họ hàng hay khách, tránh được sự ghi nhầm lẫn, không rành mạch.

Việc đãi ăn thù tạc đám cưới chị tôi đến 6 giờ chiều thì chấm dứt, tuy nhiên còn những người nấu ăn, phụ bếp, chạy bàn phải 7, 8 giờ mới xong xuôi. Những người lớn uống trà, ăn trầu, thanh niên, thiếu nữ xong việc họ về nhà, trẻ con hàng xóm chỉ còn vài ba đứa thấy đèn măng-xông sáng đến ngồi ghế chơi, nghe Cô Tư Sạn ca vọng cổ Mẹ Dạy Con từ chiếc máy hát dĩa, hết dĩa này lại hát bộ dĩa Tô Ánh Nguyệt.

Đến 9 giờ đêm, chú Sáu Nguyên, ngưng máy hát, chú nói cho mọi người nghe:

- Đến giờ “Lạy Xuất Giá”, ngưng một chút! Chờ xong, hát tiếp cho vui nhà, vui cửa!

Chị tôi mặc áo dài the bông ép xanh đậm, đứng trước bàn thờ ông bà, được mấy dì cô dạy lạy, nào là cung tay, nào là ngồi xuống, xếp hai chân xuôi ra sau, nào là khi lạy chung phải nhìn “thẳng nó” lạy xuống thì mình lạy theo, “thẳng nó” đứng lên mình vẫn ngồi, nhớ đếm lạy bàn thờ đủ bốn lạy thì đứng lên, còn lạy người sống chỉ hai lạy mà thôi.

Rồi chị tôi bắt đầu lạy bàn thờ bốn lạy, bắt đầu chị đứng, cung tay xá rồi lạy xuống chị ngồi hai chân xuôi ra sau, trải vạt áo trước ra trước, sửa vạt áo sau, sau đó cung tay, hai tay và đầu cúi xuống, lúc ngẩng đầu lên, hai tay đưa lên rồi xá xuống, xá rồi mới lạy tiếp, khi đủ bốn lạy, chị ấy đứng lên rồi xá một xá.

Cha mẹ tôi được mời ngồi trên bộ ván, dì Ba hướng dẫn chị tôi đến trước mặt cha mẹ, dì đứng bên cạnh nói:

- Ngày mai, con dì dượng về nhà chồng, công ơn cha mẹ như trời biển, hôm nay dì dượng cho phép nó lạy để trả hiếu dưỡng dục của mẹ cha.

Trong khi dì tôi nói, chị tôi khóc, cha mẹ tôi im lặng, để chị tôi lạy hai lạy xong, cha tôi nén xúc động nói chậm rải;

- Hôm nay ngày cuối cùng con ở với cha má, anh em. Mai con về làm dâu con người ta, ông bà thường nói: “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, giữ cho trọn đạo dâu con, hiếu thảo với bên chồng, hiếu là phụng dưỡng mẹ chồng, thảo là thuận hòa với chị em chồng, thức khuya dậy sớm lo cho vén khéo việc nhà. Cha má nói ít, muốn con làm được tốt nhiều hơn, để con được hạnh phúc trong gia đình và làm gương tốt cho các em con.

Cha tôi còn dì ruột đã lớn tuổi, buổi chiều bà có đến nhưng dùng bửa xong bà cho biết cảm thấy trong người khó chịu nên đi về nhà gần đó. Do đó, lúc lạy xuất giá của chị tôi không có bà, bắt đầu từ hai bác, các cô, dượng, chú thím bên nội, rồi đến các dì, mợ bên ngoại, sau cùng là các anh chị. Ai có mặt cũng được mời ra, nhưng từ bác tôi trở đi đều “miễn”, nên chị tôi chỉ xá mà thôi. Hầu hết đều cho chị tôi tiền gọi là “tiền mừng”, cũng có ngưòi cho “quà” là “cà-rá” hay “tơ lụa”.

Máy hát lại tiếp tục dĩa cải lương, mấy chị lại dọn tiếp món cháo gà, tôi không ăn đi tìm chỗ ngủ.

Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức sớm, má tôi đưa cho tôi một cái áo sơ-mi in hình và cái quần sọt trắng ngã vàng. Má tôi dặn:

- Xúc miệng, rửa mặt rồi con thay bộ quần áo này, cha con dặn khi nhà trai rước dâu, con phải đi theo đám cưới nghe!

Tôi lấy làm lạ, vì khi đám tiệc trong nhà, cha tôi ghét trẻ con chàng ràng, nên hỏi hỏi lại cho chắc ăn:

- Cha cho con đi thật hả má?

- Ừ! Cha con dặn sao làm đúng như vậy, đừng quên nghe!

Mỗi lần tôi được mặc chiếc áo in hình ấy là cha tôi sai đi xuống Long Xuyên hay đi lên Châu Đốc, có khi đi mua trà Tàu hay thuốc Tây hoặc đi về việc chi đó. Chiếc áo đó anh Hai tôi năm ngoái mua vải từ Nam Vang gửi về, anh viết thư cho cha tôi biết, đi chợ thấy người ta mặc áo hình như vậy nên mua để may cho tôi một cái, mà theo kiểu hiện thời phải may rộng, vai áo phải xệ một chút, nhớ lại mỗi lần tôi mặc áo đi Long Xuyên hay Châu đốc nhiều người nhìn vì nó lạ mắt, nó là mốt mới “chim cò”, thật ra vải mỏng, in một màu tím, hình phong cảnh, lâu đài ở ngoại quốc, thời đó năm 1952 là mode sớm quá rồi!

Rồi nhà trai đến, đi bằng một chiếc ghe gắn máy đuôi tôm không mui, sau khi ghe máy đậu, họ nhà trai lên bờ trải một chiếc đệm sắp các mâm lễ vật, sau đó họ đứng thành hàng đôi, vợ chồng người chủ hôn, rể phụ rể chánh, mấy chị mặc áo dài trắng hoặc màu hường hay vàng, các thanh niên áo sơ-mi, quần tây sau nữa là những cặp vợ chồng, người lớn tuổi khăn đống áo dài đứng trước, trẻ hơn đứng sau, tổng cộng có hơn hai mươi người.

Khi hàng ngủ đã chỉnh tề, chủ hôn và rể phụ vào trình nhà trai đã tới. Rể phụ vào đặt khai trầu rượu lên bàn kê sát đầu bộ ván giữ, rót rượu ra hai chung, người chủ hôn bưng rượu mòi cha má tôi uống rồi trình:

- Thưa anh chị, hôm nay ngày lành tháng tốt, như hai bên đã định tiến hành lễ cưới cho hai cháu, nay họ nhà trai mang lễ vật tới, xin anh chị cho phép vào nhà.

Cha má tôi đều mặc ái dài đen, cha tôi đáp lời:

- Chúng tôi xin mời họ nhà trai vào nhà.

Ông chủ hôn và chàng rể phụ bưng khai trầu rượu trở ra, rồi hai ông bà chủ hôn đi trước, tiếp theo hai chàng rể và lần lượt những người khác tiếp nối.

Vào tới nhà, rể phụ đưa rể chánh tới bàn thờ đứng gần cửa buồng bên phải, sau đó đem khai trầu rượu đến đặt ở cái bàn trước bộ ván giữa, những mâm lễ vật gói bằng giấy kính màu đỏ được để thành hàng ngang trước bàn thờ. Các thiếu nữ và thanh niên bưng mâm sau khi để mâm vào chỗ được mời ra bàn ngoài nhà ngồi, những người lớn tuổi áo dài khăn đống được mơì ngồi ở bộ ván giũa hay ở hai bên, cái bàn giữa cửa ra vào và bộ ván giữa dành cho cha má tôi và chủ hôn nhà trai.

Sau khi mọi người đã nhanh chóng ổn định chỗ ngồi, lễ cưới được chủ hôn nhà trai tiến hành bằng cách ra dấu, rể phụ đến rót rượu ra chung, chủ hôn bưng hai tay chung rượu mời cha, má tôi uống, rồi nói:

- Kính thưa anh chị chủ hôn và họ nhà gái, hôm nay ngày lành tháng tốt, như hai bên đã đồng ý, hôm nay gia đình họ nhà trai chúng tôi gồm có chị Sáu là má chú rể cùng những người thân tộc là là Cậu Sáu, Cậu Bảy và một số thân tộc, chúng tôi mang lễ vật đến đây để xin được phép làm Lễ Tân Hôn, rước dâu về nhà chồng. Về nữ trang, hôm nay chị tôi cho dâu một chiếc kiềng vàng, về lễ vật gồm có rượu, trà, bánh, trái và một mâm trầu cau có đậy “búp sen”. Xin anh chị xem, nếu đủ phép xin cho tiến hành “lên đèn” làm lễ.

Cha tôi đáp lại:

- Cám ơn họ nhà trai đã mang đầy đủ lễ vật, phải phép cho đám cưới, con gái tôi sẽ ra chào họ nhà trai và mẹ chồng trước khi làm lễ.

Sau khi cha tôi dứt lời, chị tôi từ trong cửa buồng bên trái đi ra để chào họ nhà trai, hôm nay chị tôi mặc chiếc áo dài màu hường, chị ấy cúi đầu chào mẹ chồng rồi cũng cúi đầu chào chung những người ngồi bộ ván giữa, bộ ván tay trái và bộ ván tay phải, bà chủ hôn lấy chiếc kiềng đem đến chỗ chị tôi, dì tôi đón nhận đeo vào cổ cho chị rồi đưa chị sang đứng gần bên anh rể của tôi.

Trên bàn thờ ông bà, chú tôi đốt hai ngọn đèn cầy trên chân đèn, khi ấy cha tôi mới tới bàn thờ, lấy cập đèn mới, sửa tim rồi chú tôi đốt ngọn đèn cầy khác giúp cha tôi mồi cặp đèn, sau khi hai tim cặp đèn cháy tốt, cha tôi cầm cặp đèn cùng má tôi đứng trước bàn thờ từ từ xá rồi quỳ xuống cầu nguyện, đứng lên xá rồi để vào bộ lư, nắp bộ lư đã lấy đi từ trước.

Sau khi “lên đèn” xong, cha má tôi nguyện hương và lạy bàn thờ bốn lạy. Sau đó chú tôi hướng dẫn anh rể và chị tôi “Lạy gia tiên” bốn lạy, cả hai đều phải cung tay, anh rể tôi lạy phải “lên gối, xuống gối”, chị tôi ngồi xuôi hai chân một phía ra sau.

Sau khi anh chị lạy gia tiên xong, rể phụ rót rượu, chủ hôn nhà trai bưng rượu mời cha mẹ tôi uống cho cặp tôn hôn lạy tạ ơn cha mẹ, tiếp theo đến lạy bác, cô, chú thím, dì, dượng và các anh, chị theo thứ tự từ bên nội rồi đến bên ngoại.

Chỉ có cha má tôi nhận hai lạy của rể, con còn những người khác đều cho. Khi anh chị lạy cha má tôi xong, cha tôi dạy:

- Kể từ hôm nay, hai con thành gia thất, phải ăn ở cho phải đạo làm người, phụng dưỡng cha mẹ, thuận hòa anh chị em, đối xử tốt với họ hàng và bạn bè, biết tu hành. Phải siêng năng làm ăn, biết lo cho con cái về công danh sự nghiệp sau này. Cha má không có nhiều của cải, cho hai con một số tiền, gọi là chút vốn để làm ăn.

Mẹ tôi móc túi, đưa cho anh rể tôi một phong bì. Ngoài ra không có ai cho quà hay tiền vì mọi người đã cho khi lạy xuất giá đêm hôm.

Sau đó anh chị tôi vào phòng, ngoài hai họ ăn bánh uống trà, hoặc ăn trầu hút thuốc.

Cha tôi đã dự trù trước, nên lúc đó chú Nguyễn Văn Kiên, Chánh Lục Bộ làng tôi, tôi gọi là chú Tư, tiến hành làm “Hôn Thú”. Sau năm 1945-46, nào là Nhật đão chánh Tây, Việt Minh cướp chánh quyền, phong trào Thanh niên tiền phong, lực lượng võ trang Hòa Hảo, để bào toàn tánh mạng của mỗi người, cũng như an ninh trong làng, Hương chức làng họp lại, quyết định từ chức, giao nhiệm vụ cho Hương Quản, người ở gần nhà thờ Năng Gù, thuộc xóm đạo, toàn quyền quyết định mọi việc, yêu cầu Chánh Lục Bộ tiếp tục giữ sổ bộ, Khai sanh, Khai tử, Giá thú và một người nữa tiếp tục phát thư từ của Bưu Điện. Do đó, cha tôi nhờ chú Tư dự lễ cưới, làm Giấy Hôn thú ngay trong đám cưới. Chú Tư hỏi và ghi tên họ chú rể, cô dâu, năm sinh, tên cha mẹ, nghề nghiệp, chỗ cư ngụ, vợ chánh hay vợ thứ, người chứng … rồi đương sự và người chứng ký tên vào sổ.

Sau đó rể phụ lại rót rượu, chủ hôn nhà trai lại bưng chung rượu mời cha má tôi uống để xin “rước dâu”.

Cô, Dì tôi chuẩn bị hai mâm hồi quả, khi rước dâu nhà trai ra trước, đến khi họ nhà gái ra có mấy chị phụ bưng những gói gối, mùng, mền. Chị tôi đi với anh rể, chị bưng một cái quả tròn màu đen, cẩn xà cừ, đường kính chừng bằng cái mâm, cao chừng 3 tấc, bên trong quả sơn màu đỏ, quả có một cái ngăn ở trong để chia thành hai phần, phần dưới chừng 2 tấc, phần trên là cái ngăn, cái ngăn này có ba miếng chận đặt tréo nhau, nên chia cái ngăn thành 6 phần nhỏ.

Có lần má tôi cho biết cái quả ấy, bà ngoại tôi mua cho má khi về nhà chồng, nay má cho chị, trong quả ấy theo tôi biết đựng những vật linh tinh như kim, chỉ, nút áo, nữ trang, tiền và một ít bánh trái, để về nhà chồng, lạ nước lạ cái khi đói bụng có mà ăn.

Họ nhà trai đi chiếc ghe máy không mui, họ nhà gái đi chiếc “Ghe hầu” gắn máy, ghe hầu là một chiếc ghe có mui ván, có cửa trước, cửa sau, cửa sổ, sơn một màu xanh thanh nhã, trông rất đẹp. Ngày xưa các Thầy Cai, hương chức làng như Hương Cả, Hương Chủ có tiền sắm ghe như vậy để di chuyển trên sông rạch, đi chỗ nọ chỗ kia, có người chèo ghe, nấu ăn thường dùng đi “hầu” quan quận, quan chánh tham biện, do vậy gọi là “ghe hầu”. Có lẽ do chiếc ghe hầu trang trọng nên anh rể và chị tôi được xếp đi bên chiếc ghe hầu, tôi cũng đi chiếc ghe hầu này, vì nó nhỏ nên chỉ chứa chừng 15, 16 người. Máy đuôi tôm nổ, ghe từ từ tách bến, tôi thấy chị tôi đứng bên anh rể không cầm được nước mắt, cứ nhìn lui lại bến sông, ngôi nhà mình.

Hai chiếc ghe máy chạy chạy theo xép Năng gù, ra khỏi đuôi cù lao chạy một đoạn ngắn trên sông Hậu rồi vào rạch Mặc Cần Dưng, lần đầu tiên tôi đi vào đây, thấy bên tay trái có chợ, có đường lộ, có nhà cửa san sát, bên tay phải không có đường lộ, xa xa mới có nhà. Vì là rạch, tuy rộng lớn nhưng khúc cong qua, khúc lộn lại không thẳng tắp như kinh đào hay kinh xáng múc.

Từ nhà tôi, ghe máy chạy cũng gần cả giờ mới đến nhà anh rể tôi, khi hai chiếc ghe máy đậu xong, đàng trai lên bờ trước, từ cổng “Tân Hôn” của nhà trai, pháo nổ dòn tai, đón chào hai họ, mừng cô dâu chú rể. Sau đàng trai là đàng gái vào nhà, tôi được mời ngồi ghế bên cạnh chú em họ làm thầy giáo ở tại tỉnh lỵ Châu Đốc, bàn chúng tôi ngồi gần sát đường đi, tuy được thoáng mát, nhưng cách xa nơi hành lễ, nên tôi không thấy lễ lạc chi hết.

Rồi chúng tôi được tiếp đãi ăn uống, thức ăn dọn một lần để đầy một bàn tròn, nào là món gỏi, món xào, món kho, món nướng, những dĩa rau tươi, dưa leo, tôi thích nhất món cù lao vì có những món ăn lạ miệng. Uống thì mỗi người một ly Xi-rô đỏ với nước đá. Tráng miệng có cam tươi rồi uống trà với bánh in và bánh men.

Tiệc tàn, họ nhà gái chúng tôi ra về, nhà trai đưa ra bến sông, chị tôi đứng bên anh rể, chị không cầm được nước mắt, cha má tôi không nói với chị ấy tiếng nào, nhưng tôi thấy má cố nén xúc động im lặng nhìn hình dáng chị tôi, từ khi chiếc ghe hầu rời bến cho đến khúc rạch kia bị hàng cây che khuất.

Khi ấy cha tôi dặn, tôi mới biết vì sao mình lại được đi theo nhà gái, đưa chị về nhà chồng:

- Con nhớ xóm này và nhà đó nghe, có việc cha sẽ sai con đi, biết mà tìm nhà cho đúng khỏi bị lạc.

Ba ngày sau đám cưới, sang sớm anh rể và chị tôi về, xách theo một cặp vịt ta, một cái giỏ bàng, vào trong nhà lấy ra nào rượu, nào trà nào trái cây và bánh. Trong nhà bắt đầu làm vịt, nấu một mâm cơm canh cúng ông bà gọi là “Phản bái” hày ngày “Dở mâm trầu”.

Rồi dọn lên bàn thờ có dĩa trái cây, dĩa bánh, thức ăn thì có món vịt xào xả ớt, vịt nấu canh kim châm, bộ lòng xào với bông cải, nấm đông cô, cà rốt.

Tới mục Dở mâm trầu, cha tôi bảo chị tôi lấy một cái dĩa, anh rể tôi bưng mâm trầu có đậy cái “Búp sen” vào trong phòng. Hai vợ chồng dở Búp sen ra, lấy trầu, cau để vào dĩa đem lên bàn thờ cúng. Ngoài anh rể và chị tôi, tuyệt đối không ai được vào trong phòng nhìn xem. Người ta truyền tụng rằng sau khi dở mâm trầu ra, ai lấy trước người đó sẽ cầm quyền trong nhà. Tin “dị đoan” hay không, tôi nghĩ cái đó đúng, bởi vì người ta có thể nhường nhịn hay quyết đoán lúc ấy chớ không có chi huyền bí. Để tránh miệng đời dị nghị, người ta giữ kín không người khác xem thấy khi dở mâm trầu.

Sau khi anh rể tôi mang dĩa trầu cau đặt lên bàn thờ, hai anh chị tôi thắp hương, lạy ông bà bốn lạy, thế là xong thủ tục Phản bái.

Thủ tục này có điều hay là vợ chồng mới, biết bao khó khăn buổi đầu, cô dâu không có người thân thích, bạn tâm đầu bên cạnh làm sao biết hỏi han, bày tỏ cùng ai, cho nên ba ngày sau về lại nhà mình, có thể tâm sự cùng mẹ, cùng chị em bạn thân, để vượt qua khó khăn bước đầu làm dâu, làm vợ.

Gần sáu mươi năm qua, nhà anh rể tôi đã cất lại, nhưng cái căn nhà cũ, vẫn còn in rõ trong trí nhớ của tôi. Anh chị tôi đã có cháu gọi bằng cố, anh ấy mất năm kia, chị còn vẫn khỏe. Lần nào về, tôi cũng ghé thăm chị để được ăn bánh xèo bông điên điển, uống nước dừa tươi ngọt lịm, lúc đưa chị đi thăm Thạch Động, xem hòn Phụ Tử, khi đi Đà Lạt viếng Thiền Viện Trúc Lâm chùa Linh Phong, để cho chị được hưởng chút thanh nhàn, rửa sạch nước phèn những năm chị theo má khai phá đất lâm làm ruộng.

Chị lấy chồng, đám cưới đầu tiên và duy nhất cha má tôi đứng chủ hôn gả con gái mình, năm sau chị sanh đứa con trai, cha má tôi được bồng ẳm cháu, vài tháng sau, đầu năm cha tôi “qui tiên”, cuối năm má tôi “nối gót” theo chồng, bỏ lại anh em chúng tôi côi cút. Chỉ có chị Ba tôi, đã làm tròn chữ hiếu, trọn nghĩa làm con. Nghĩ mà thương chị.

Louisville, 15-01-2011

No comments:

Post a Comment