Nhiều nước, người ta đặt tên cho con vì mến mộ người nào đó, lấy tên người đó đặt tên cho con mình, như tên Thánh hay các vị anh hùng. hay trong thân tộc. Hoặc giả là có âm thanh êm tai.
Người Việt và người Trung Hoa không như vậy, luôn luôn đặt tên cho con mình mang một ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn như con gái ước mong sau này trở nên mỹ nhân thì chọn tên Mai, Lan, Cúc, Trúc, Huệ, Hồng …, hay các loài chim đẹp như Loan, Phượng… Con trai lựa những tên để mong cho con mình sau này lớn lên trở thành người có tiếng tăm như tên Hùng, Dũng, Mảnh ..., trở nên người có đức hạnh như tên Đức, Nghĩa, Nhân …, trở nên giàu có như tên Phú, Quí … Khi ghét ai, thì lấy tên cha, mẹ người mình ghét đặt cho tên con, để khi kêu tên con mình, chửi con mình là kêu tên, chửi cha mẹ kẻ thù ghét của mình.
Dĩ nhiên những tên mang những ý nghĩa đẹp không nhiều, nên đặt tên tới lui rồi cũng sẽ bị trùng. Người Việt kiêng cử gọi tên của các bậc vua chúa, quan lại, ông bà của mình. Ngày xưa đi thi phải tránh tên vua gọi là húy, làm bài mà phạm húy chẳng những bị đánh rớt mà còn mang tội.
Gánh hát bội ngày xưa, đến làng nào hát người ta phải dò hỏi, những ông Hương chức như Hương Cả, Hương Chủ tên chi để họ tránh gọi tên. Chẳng hạn như ông sơ tôi Nguyễn Bá Thanh, phủ hồi hưu ở trong làng, khi hát tuồng có Địch Thanh thì họ phải gọi trại ra là Địch Thinh.
Do phải kiêng cử tên của vua, quan những bậc trưởng thượng, nhiều khi người ta đặt tên con rất tầm thường. Chẳnh hạn như ông cố tôi tên Suốt, đặt tên bà nội tôi là Thoi, một bà nữa là Kim, đó là những vật dụng may, dệt.
Em của bà cố họ Dương của tôi, đặt tên cho con, cô tôi bảo: “Ông ấy đặt tên, gồm đủ cả làng, không sót một ai: Thôn, Trưởng, Các, Chức, Trùm, Tân, Cựu, Ấu.
Một người nữa là em của bà cố tôi, cũng là em của ông vừa kể, không biết ông ấy có “tứ đổ tường” không, lại đặt tên con: Hạp. Tửu, Sắc, Cầm, Kìm, Tranh, Chung, Huê, Trắc.
Có một anh, cũng con cháu họ Dương, tôi nghĩ anh ta tên Chiêm, nhưng anh ta nghĩ mình tên là Chim, có con gái đặt tên Cò, thằng con trai kế đặt tên Diệc. Như vậy thuộc loài thượng cầm: Chim, Cò, Diệc; đúng ra phải là Chiêm, Cò, Việt.
Hồi nhỏ, trong xóm tôi có một ông cùi, khi tôi biết thì, tay, chân bị rút, mũi và tai bị biến dạng nhưng không còn bị lở lói gì nửa. Cô tôi cho biết, hồi trẻ ông ấy lành lặn, ngày đám cưới của ông ta khi rước dâu về, trên sông có con cá nổi lên, người ta vớt về nấu ăn, không ai bị gì cả chỉ có ông ấy bị cùi.
Sau khi bị cùi, ông ấy có người con trai đầu lòng, ông đặt tên Trân, vài năm sau có người con trai kế, ông đặt tên Nãi, vài năm sau nữa hơi thưa ra một chút, bà sanh con gái, ông đặt tên Lợt, và vài năm sau nữa bà sanh thêm một người con gái, ông đặt tên Lạt sau đó, ông cho phép bà đưa về nhà một người đàn ông cũng ở gần đó chẳng xa, về sống chung vợ chồng. Bấy giờ người ta mới biết ông đã đặt con rất chính xác, người con đầu lòng là con ông, còn những người sau không phải con ông nữa.
Gần nhà tôi có ngưòi bà con họ Quách, tôi gọi bằng ông. Ông ta “không biết chữ nhứt một”, không giao du bạn bè, con ông ta đặt tên rất ý nghĩa: Tưởng (gái), Vũ (trai), Vương (trai), Công (trai), Phụng (gái).
Chẳng những đặt tên con tránh trùng tên các bậc trưởng thượng, người ta cũng tránh đặt những tên quá tốt sợ bị người “khuất mày khuất mặt” quở, vật chết hay bắt theo hầu. Có nhà sanh, con trẻ bị chết khó nuôi, người ta lựa những tên xấu để đặt cho con như “thằng cu”, “cái tủn” …
Ngày xưa, như đã nói đào, kép hát phải kiêng cử tên vua chúa, các quan chức. Giải trí thuở trước có gì ngoài hát bội, Tả quan Lê Văn Duyệt có một gánh hát bội riêng, Thoại Ngọc Hầu cũng có gánh hát bội riêng, trong lăng mộ Thoại ngọc hầu, có 14 ngôi mộ của đào kép và con họ.
Vì sự kiêng cử hoặc vì ghét các quan, gánh hát cũng thường bày trò chửi xéo, người ta kể rằng có hai anh hề ra diễn, để chửi xéo Tả quan, một anh nói:
- Tao đố mày, trên đời này có chi không phải đực, không phải cái.
- Trên đời này, không đực thì cái, có giống chi không phải đực không phải cái, tao chịu thua, nhưng mày phải giải thích cho đứng nghe, không đúng mày biết tay tao!
- Có thiệt tao mới đố chớ !
- Vậy là chi ?
- Dễ ợi mà mày cũng không biết, đó là con thằn lằn!
Tôi có biết chuyện đặt tên liên quan tới ông Đại Hương Cả của làng tôi, nhà ông cách nhà tôi một căn nhà khác, tôi gọi ông là ông Năm, chắc là hàng xóm chớ không phải bà con.
Ông Năm có người cháu, vợ mới sanh con gái. Ba hôm sau, ông mặc áo dài, khăn đống và con trai mang khai trầu rượu tới nhà người cháu này, sau khi an vị ở nhà người cháu, con trai ông rót rượu ra chung, ông ôn tồn nói với cháu:
- Uống chung rượu đi cháu, cậu có việc phải nhờ đến cháu!
- Dạ ! cháu là con cháu, cậu có chi dạy xin cứ dạy bảo, cháu làm theo, cháu đâu dám uống rượu của cậu.
- Cháu đã nói vậy, thì để cậu nói, cháu mới đặt tên cho con của cháu, nên hôm nay cậu đến đây, xin cháu đặt tên khác, cho cậu xin lại tên ấy vì là tên bà thân của cậu.
Thế là người cháu quỳ xuống, lạy lấy lại để thưa với ông cậu Đại Hương Cả của mình.
- Thưa cậu! Vợ chồng cháu không được biết tên bà, cậu đã dạy nay cháu mới biết, cho cháu xin đến ngày mai nấu nồi chè đặt lại tên khác, cháu không dám phạm thượng, xin cậu tha lỗi cho.
Bác tôi biết chữ Nho, nhưng không hiểu sao bác đạt tên cho con gái Huỳnh Dung Vặn, vào khoảng năm 1960 chị ấy đi làm Thẻ Căn Cước. Toán Căn Cước ở tỉnh về làng làm Thẻ, gọi tới tên Huỳnh Dung Vặn chị ấy bước vào, anh chàng phụ trách nói:
- Tôi gọi Huỳnh Dung Vặn, bộ chị không nghe rõ hay sao chị lại vào đây ?
- Thì anh gọi tôi mới vào !
- Tôi nói tôi gọi anh Huỳnh Dung Vặn chớ không gọi chị!
- Tôi tên Huỳnh Dung Vặn, khai sanh tôi nè!
Bấy giờ, anh chàng làm Căn Cước mới hiểu chị ấy thật là tên Huỳnh Dung Vặn. Đến khoảng 10 năm sau, anh tôi làm Ủy viên Hộ tịch, bác tôi đi làm khai sanh cho cháu nội. Anh tôi cẩn thận nói với bác:
- Thưa Bác Hai, trong sổ bộ Khai Sinh không được sửa chữa, chắc Bác dã chọn cẩn thận rồi, muốn đặt tên chi ? Bác cho con biết con ghi vào.
Bác tôi không suy nghĩ nói:
- Nó thứ hai. Bác gái mầy với tao đặt nó là Huỳnh Thị Hai.
Vậy thì để con viết vô, rồi bác ký tên người đứng khai. Sau khi làm xong Bác tôi rời trụ sở Hội Đồng Xã ra về, được một lúc bác ấy quay trở lại, nói với anh tôi:
- Bác muốn sửa tên nó.
- Thưa Bác không được, con đã giải thích cho Bác biết rồi không sửa chữa sổ bộ được, luật pháp đã quy định vậy. Con không làm theo ý Bác được.
Bác ấy suy nghĩ một chút rồi hỏi:
- Thêm được không ?
- Dạ được!
- Vậy thì thêm cho Bác Huỳnh Thị Hai Suyển.
- Huỳnh Thị Hai được rồi! Bác thêm chi tên Suyễn nữa ?
Bác không suy nghĩ, giải thích:
- Ậy! Nó bị bệnh suyễn. Nên đặt nó tên Suyễn cho dễ nhớ!
Vì để cho dễ nhớ đó, nên có người mang tên Lượm, đó là con nuôi, như người ta lượm được từ ngoài mang vào nhà, có người mang tên Rớt, vì người đó bị sanh rơi rớt ở ngoài đồng, ngoài đường chớ không phải ở nhà hay nhà bảo sanh.
Trong gia đình tôi “tên cử, chữ đọc”, nên không có ai thứ Út, cũng như mọi người Nam đều không có anh cả, chị cả. vì người ta cho thứ Cả là đầu tộc, phải đi về Bắc hay Trung giữ Từ đường, gia đình phải ly tán.
“Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Những tên Justin, Jason, Davis, Tristine. Leyna …. sẽ thay hết những Hùng, Dũng, Nhân, Nghĩa, Cúc, Lan, Thúy … Hình như người ta có quan niệm phải đặt tên Mỹ cho người Mỹ dễ đọc và nhất là phải thay đổi nhanh chóng trăm phần trăm, để hòa vào dòng chính người Mỹ.
Có những hôm tôi thấy mình bị lạc lỏng, không phải lạc trong đám người Mỹ xung quanh mà lạc lỏng trong chính người Việt của mình, như dòng nước chảy ngược, như bầy cá hồi.
Louisville, ngày 11-1-2011
No comments:
Post a Comment