Pages

Wednesday, January 19, 2011

Phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam



  Ông Đồ

Ngày Tết Việt Nam ta có nhiều phong tục, chúng ta cần biết để tránh những hủ tục, là những tục thuộc về mê tín dị đoan.

Nước ta là nước nông nghiệp, nên lịch năm theo Âm lịch chia thanh 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, lại phân chia thêm có hai mươi bốn tiết trong năm là lập xuân , vũ thủy , kinh trập , xuân phân , … Lại có những ngày đặc biệt như nguyên đán tiết tiết nguyên đán, thanh minh tiết tiết thanh minh, trung thu tiết tiết trung thu… Nguyên có nghĩa là khởi đầu, đán là buổi sáng sớm, tiết nguyên đán là buổi sáng sớm khởi đầu của năm, chữ tiết ấy đã biến âm thành Tết Nguyên Đán, đơn giản hơn chỉ nói là Tết, tức là ngày đầu năm.

Ai cũng mong ước trong năm mới nhà mình mọi người được ấn no hạnh phúc, tránh được những họa do thiên tai, tật bệnh do ma quỷ làm ra, tưởng nhớ tới tổ tiên cha mẹ đã mất, nên nhà nhà đều chuẩn bị đón Tết, trong bài này chúng tôi muốn nói riêng đến phong tục Tết ở trong miền Nam đất Việt.

Sự chuẩn bị đến trước tiên là vào ngày 23 tháng Chạp, người ta cúng đưa ông táo về trời và dọn dẹp, sửa sang mồ mả.

Về cúng ông Táo theo truyện cổ tích sau đây:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa. Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Vào ngày 23 tháng chạp Táo quan cỡi cá chép về Thiên đình, báo cáo mọi việc lành dữ trong gia đạo cho Ngọc Hoàng rõ, để định việc tội phước trong năm qua.

Về thời gian trong ngày, người ta tin tưởng buổi sáng thuộc về tiên, trưa thuộc về Phật, buổi chiều thuộc về cõi âm, cho nên trưa ngày 23 người ta cúng mâm cơm canh, hoa, quả trên bàn thờ ông bà cũng như bàn thờ ông Táo, nếu không có bàn thờ ông Táo riêng, người ta dọn lễ vật cúng ông Táo gần chỗ bếp. Thay vì dĩa quả, người ta lại cúng Thèo lèo. Có khi vì ngày mùa giáp Tết bận rộn, nhiều nhà không có thì giờ nấu nướng họ chỉ cúng, hoa và Thèo lèo. Cúng xong người đốt giấy áo, mão, cá chép và vàng bạc.

Táo quân chỉ có áo mão mà không có quần, có người giải thích vì tục này của người Việt đã lâu đời, người Việt xưa không có mặc quần, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy, quần là văn hóa của người Trung Hoa. Chúng ta thấy rõ, những dân tộc thiểu số Việt Nam, đàn bà đều mặc váy, kể cả người Chăm, người Thượng ở Cao nguyên và người Việt vùng Thượng du Bắc Việt.

Tôi thấy một bài văn cúng Táo quân trên Mạng, có lẽ là mới sáng tác, xin chép ra đây:

Bài văn khấn cúng ngày 23 tháng chạp (ông táo về trời)

(Nam mô A di đà Phật)
Nay nhân ngày 23 tháng Chạp
Lòng chúng con dào dạt mênh mông
Toàn gia quyết dốc một lòng
Sắm lễ mọn dâng lên dinh tọa
Đã nhất tâm một lòng một dạ
Thắp hương thơm lễ tạ chư thần
Đông trù tư mệnh. Táo phủ thần quân
Ngài là chủ ngũ tại chư thần xét soi
Người trần phạm tục phạm sai
Cúi nhận lỗi các ngài gia ân
Ban lộc ban phước ban phần
Công bằng hợp lý mười phân vẹn mười
Hôm nay ngài sắp về trời
Lòng con tâm niệm vài cầu xin
Cầu cho trăm họ bình yên
Cầu cho gia sự ấm êm thuận hòa
Xanh như lá, đẹp như hoa
Bước sang xuân mới trẻ già yên vui
(Họ tên… số nhà… đường phố)
Cùng nhất tâm cẩn cáo
Nam mô A di đà Phật

(Khấn xong 3 lần rồi đốt vàng. Nếu cúng cá chép sống thì đem thả ra sông)

Tục ngữ ta có câu: “Sống có nhà, thác có mồ” Cho nên người ta chuẩn bị nhà cửa để ăn Tết thì cũng chuẩn bị, dọn dẹp sạch sẽ mồ mả ông bà, do đó trong ngày này, cho đến ngày 28 tháng chạp mọi người phải sửa sang, dọn dẹp cỏ rác xung quanh mồ mả thân nhân của mình, nấm mộ đất người ta phải dùng cái chéc dẩy cỏ trên nấm mộ và xung quanh, nếu mộ xây gạch, đá, xi măng, người ta cũng quét dọn, chùi rửa hoặc quét vôi mới.

Có những ngôi mộ lâu đời, con cháu không có hoặc không biết, không có người chăm sóc, có những người đi làm thí công. Cho nên ai có mồ mả ông bà đều phải lo làm cho xong trước ngày 28, để tránh người ta làm thí công, con cháu bị mang tai tiếng. Còn việc sửa sang mộ, người ta thường làm trong Lễ Thanh Minh.

Ngày 30 Tết (tháng thiếu 29), từ trong nhà ra cho tới ngoài sân, ngoài đường đi, người ta quét dọn sạch sẽ, chuẩn bị đón Tết. Dán ở trước cổng một đôi liễn chữ nho giấy hồng đơn, mực Tàu đen, nhà không có cổng người ta dán vào cột hàng ba trước nhà, chẳng hạn như cặp liễn, một câu đối Tết chữ Nho:


Xuân nhập xuân thiên xuân bất lão

Phúc lâm phúc địa phúc vô cương

Nghĩa: Xuân nhập trời xuân chẳng lão
Phúc vào đất phúc phúc vô biên.


Chúng ta thường nghe câu đối Nôm về ngày Tết như:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Hoặc câu đối :

Tối ba mươi, đạp thằng Bần ra cửa,
Sáng mồng một, rước ông Phúc vào nhà.

Cùng ý đó:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Văn chương, nghĩa lý hơn:

Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới,
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân về.

Người Nam, món ăn chánh yếu trong ba ngày Tết là nồi thịt kho, dưa giá, bánh thì có bánh tét, bánh phồng, mứt dừa, mứt bí. Trái cây thì có dưa hấu, quit, bưởi. Những thức ăn và bánh trái chuẩn bị cho ba ngày Tết là mồng một, mồng hai và mồng ba.

Trên bàn thờ, người ta đánh bóng bộ lư đồng, lau chùi chân đèn, ống khói, lư hương. Nhà giàu trên bàn thờ có tranh sơn thủy vẽ trên khung kính, hay khung vải, nhà nghèo mua tranh giấy thay cho bức tranh cũ.


Cũng trên bàn thờ nhất thiết phải có bình hoa, nhà giàu có hoa Lay-dơn, thường thì chưng hoa hoa mai hay vạn thọ vàng, hai dĩa trái cây hoặc một dĩa ngũ quả và một dĩa bánh tét. Người Bắc cúng bánh chưng, sau năm 1954, bánh chưng mới xuất hiện ở miền Nam, nhưng người Nam vẫn chỉ cúng bánh Tét mà thôi.

Về sự tích bánh chưng, bánh dầy theo truyện c tích như sau:

Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.

Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.

Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành."

Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.

Về quả dưa hấu theo truyện cổ tích như sau:

Ngày xưa, Vua Hùng Vương thứ 18 có nuôi một đứa trẻ thông minh khôi ngô, đặt tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm.

Lớn lên, vua cưới vợ cho An Tiêm, và tin dùng ở triều đình. Cậy nhờ ơn Vua cha, nhưng An Tiêm lại kiêu căng cho rằng tự sức mình tài giỏi mới gây dựng được sự nghiệp, chứ chẳng nhờ ai. Lời nói này đến tai vua, vua cho An Tiêm là kẻ kiêu bạc vô ơn, bèn đày An Tiêm cùng vợ con ra một hòn đảo xa, ở ngoài biển Nga Sơn (Thanh Hoá, Bắc Việt).

Người vợ là nàng Ba lo sợ sẽ phải chết ở ngoài cù lao cô quạnh, nhưng An Tiêm thì bình thản nói: "Trời đã sinh ra ta, sống chết là ở Trời và ở ta, việc gì phải lo".

Hai vợ chồng An Tiêm cùng đứa con đã sống hiu quạnh ở một bãi cát, trên hoang đảo. Họ ra sức khai khẩn, trồng trọt để kiếm sống. Một ngày kia, vào mùa hạ, có một con chim lạ từ phương tây bay đến đậu trên một gò cát. Chim nhả mấy hạt gì xuống đất. Được ít lâu, thì hạt nẩy mầm, mọc dây lá cây lan rộng.

Cây nở hoa, kết thành trái to. Rất nhiều trái vỏ xanh, ruột đỏ. An Tiêm bảo vợ: "Giống cây này tự nhiên không trồng mà có tức là vật của Trời nuôi ta đó". Rồi An Tiêm hái nếm thử, thấy vỏ xanh, ruột đỏ, hột đen, mùi vị thơm và ngon ngọt, mát dịu. An Tiêm bèn lấy hột gieo trồng khắp nơi, sau đó mọc lan ra rất nhiều.

Một ngày kia, có một chiếc tàu bị bão dạt vào cù lao. Mọi người lên bãi cát, thấy có nhiều quả lạ, ngon. Họ đua nhau đổi thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Rồi từ đó, tiếng đồn đi là có một giống dưa rất ngon ở trên đảo. Các tàu buôn tấp nập ghé đến đổi chác đủ thứ vật dụng và thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Nhờ đó mà gia đình bé nhỏ của An Tiêm trở nên đầy đủ, cuộc sống phong lưu.

Vì chim đã mang hột dưa đến từ phương Tây, nên An Tiêm đặt tên cho thứ trái cây này là Tây Qua. Người Tàu ăn thấy ngon, khen là "hẩu", nên về sau người ta gọi trại đi là Dưa Hấu.


Ít lâu sau, vua sai người ra cù lao ngoài biển Nga Sơn dò xét xem gia đình An Tiêm ra làm sao, sống hay chết. Sứ thần về kể lại cảnh sống sung túc và nhàn nhã của vợ chồng An Tiêm, nhà vua ngẫm nghĩ thấy thầm phục đứa con nuôi, bèn cho triệu An Tiêm về phục lại chức vị cũ trong triều đình.

An Tiêm đem về dâng cho vua giống dưa hấu mà mình may mắn có được. Rồi phân phát hột dưa cho dân chúng trồng ở những chỗ đất cát, làm giàu thêm cho xứ Việt một thứ trái cây danh tiếng. Hòn đảo mà An Tiêm ở, được gọi là Châu An Tiêm.

Về cách chưng hoa quả, người ta có câu “Đông bình, Tây quả”. Theo phong thủy nhà xây mặt về hướng Nam là tốt nhất. Do vậy, nhà xây cất quay mặt bất kể là về hướng nào, theo quy ước hướng đó là hướng nam, như vậy khi đặt bàn thờ giữa nhà nhìn thẳng ra cửa, chúng ta đứng ngoài nhìn vào bàn thờ thì bên tay phải của ta là hướng Đông, đặt bình hoa, bên tay trái là hướng Tây đặt dĩa trái cây.

Dĩa ngũ quả là theo thuyết âm dương ngũ hành có Mộc (cây), Hỏa (lửa), Thổ (đất), Kim (kim loại), Thủy (nước) theo thứ tự, tương ứng với hướng Đông, Nam, Trung ương, Tây, Bắc về màu sắc tương ứng với Xanh lục, Đỏ, Vàng, Trắng/Da cam, Đen/xanh dương về mùa tương ứng Xuân, Hạ, chuyển mùa cứ 3 tháng, Thu, Đông về trái cây tương ứng với Mận, Mơ, Táo Tàu, Đào, Hạt dẻ về ngũ cốc, tương ứng với Lúa mì, Đậu, Gạo, Ngô, Hạt kê.


Mâm Ngũ quả

Do vậy người ta chọn 5 thứ trái cây trên là Mận, Mơ, Táo Tàu, Đào, Hạt dẻ hoặc trái cây có 5 màu như trên, biểu tượng cho ngũ hành hòa hợp sinh ra mọi điều tốt đẹp, như mưa thuận gió hòa thì được mùa, đất nước hưng thịnh thanh bình. Trái cây màu xanh lục có chuối sứ (kỵ không bao giờ cúng chuối già: tục), màu đỏ có trái điều, màu vàng có trái Phật thủ hay bưởi, cam, quít, màu trắng có mận, màu đen hay xanh dương có dưa hấu.

Do đó dĩa ngũ quả của người miền Nam, thường là ở dưới một hay hai nải chuối, giữa một trái dưa hấu, xung quanh dưa hấu trên nải chuối là những trái quit, trái điều và mận trắng.

Có nhiều người không rõ về ngũ quả, thấy người ta chưng dĩa trái cây rồi cũng chưng theo với những thứ dễ có trong mùa Tết như chuối, dưa hấu, quít, mận. Có người thêm chùm trái sung, với nghĩa trái sung là sung túc. Từ đó, chừng 50 năm trở lại đây, từ trái sung nghĩa là sung túc, ngưòi ta biến cải ra chưng trái mãn cầu, trái dừa, trái đu đủ, trái xoài cho rằng dĩa trái cây diễn đạt ước mong: “Cầu vừa đủ xài!” Cho nên trên một DVD có ban kịch chưng cúng trái mãn cầu, trái xoài, trái đu đủ, cái líp xe đạp, cái ba-ga xe đạp, được giải thích là “Cầu cho đủ xài líp ba-ga!”

Ở bàn tiếp khách, để một bình trà, xưa để trong cái vỏ bình là trái dừa khô, một bình hoa cắm cành mai vàng, một khai trầu, một hộp thuốc vấn, một dĩa bánh, mứt.

Chiều 30 Tết, người ta dựng Cây Nêu ở Đình, Chùa hay trong sân trước nhà. Cây nêu là nét văn hóa của Việt Nam, phổ biến khắp ba miền đất nước, ăn sâu vào nếp sống dân tộc, nên Ca dao có câu:

Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Mong cho đến Tết dựng Nêu ăn chè
.

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ ghi: "bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là "lên nêu"... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”.

Chuyện kể rằng, ngày trước ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của loài quỷ. Loài người phải ăn nhờ ở đậu trên đất đai của quỷ nên hằng năm phải cống nạp thuế cho chúng. Lũ quỷ vô cùng hiểm độc, chúng bày lắm mưu nhiều kế hòng chiếm đoạt công sức lao động của con người. Số thuế phải nộp ngày càng gia tăng thêm, chúng tác oai tác quái để làm khổ cho con người. Chúng đặt ra những điều lệ hết sức vô lý, dùng bạo lực buộc con người phải tuân thủ điều lệ “ăn ngọn cho gốc” (nghĩa là chúng lấy phần ngọn còn phần gốc để lại cho người). Thế là sau vụ lúa năm ấy, mọi người đành chịu đói khổ, ngậm ngùi nhìn lũ quỷ đánh chén no nê.

Thấy cảnh tượng đói khổ của con người, đức Phật động mối từ tâm, hiện đến để cứu giúp người dân thoát khỏi sự hà hiếp của lũ quỷ. Ban đầu đức Phật dạy người trồng khoai lang, đến mùa thu hoạch, cứ theo quy định đã đưa ra, lũ quỷ lấy phần ngọn còn phần gốc là của con người. Thế là người dân được một mùa bội thu, còn lũ quỷ ngán ngẫm nhìn đống dây và lá khoai khô héo. Sau đó chúng lại đổi điều lệ thành “ăn gốc cho ngọn”. Đức Phật dạy người dân chuyển trồng khoai sang trồng lúa. Cuối mùa, lũ quỷ lại một phen ngậm ngùi cay đắng. Lần này, chúng lại đặt ra điều lệ mới là “ăn cả ngọn lẫn gốc”. Lũ quỷ tưởng rằng như thế là chúng nắm chắc được phần lợi trong tay, nhưng đức Phật đã dạy con người trồng ngô. Vụ mùa đến, người dân thu hoạch ngô đem về nhà, còn lũ quỷ thì lại bị một vố chua cay, tức tối. Cuối cùng lũ quỷ tức giận thu hồi lại cả đất đai, không cho con người thuê đất nữa, chúng thà không có gì chứ không chịu cho loài người ăn một mình. Trước tình hình đó, đức Phật bảo người dân đến điều đình với quỷ cho tậu một miếng đất bằng tấm áo cà sa. Nghĩa là con người sẽ trồng một cây tre, trên ngọn tre chỉ treo một tấm áo cà sa, bóng của cà sa phủ được bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì số đất đó là đất của con người sử dụng. Ban đầu quỷ không chấp thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy bóng của một chiếc áo cà sa chẳng bao nhiêu bèn nhận lời. Khi người dân trồng xong cây tre, đức Phật đứng trên ngọn tre tung chiếc áo cà sa ra, cây tre càng lúc càng cao, áo cà sa càng lúc càng rộng, bóng của áo cà sa phủ đến đâu lũ quỷ phải rút lui đến đấy. Cuối cùng chiếc áo che phủ cả đất đai lũ quỷ không còn đất để ở, phải rút ra biển.

Bị mất hết đất đai, quỷ vừa tiếc vừa hầm hực tức giận, chúng chiêu tập binh mã vào cướp lại. Nhờ có sự giúp đở của đức Phật nên người dân đã đánh bại tất cả những đợt tấn công của lũ quỷ. Nhận thấy không thể nào đánh thắng loài người, lũ quỷ đành quỳ xuống van xin đức Phật rũ lòng thương tưởng, mỗi năm vào những ngày Tết cho chúng trở lại đất liền để viếng thăm mồ mã tổ tiên của chúng. Phật thương tình hứa khả, nhưng để lũ quỹ không vào quấy nhiễu người dân, đức Phật dạy người dân trồng cây nêu vào dịp Tết để xua đuổi chúng.

Gần đây, trên Cây nêu người ta treo lá phướng ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành, trầu cau, gạo muối, một cái khánh có dùi, hay cái chuông nhỏ có treo cục kim loại ở trong, để khi gió thổi, khánh hay chuông bị giao động khua ra tiếng nghe vui tai.


Cây nêu

Trong nhà, người ta dọn mâm cơm cúng ông bà, rước ông Táo. Trẻ con được mặc quần áo mới. Cả nhà sẽ dùng bửa cơm đông đủ mọi người, là buổi tiệc tất niên của gia đình.

Ngoài đường, người ta treo cờ, ban đêm treo những chiếc lồng đèn ngôi sao hay lồng đèn hình con thú có màu sắc, làm cho cảnh sắc ban đêm ở thôn quê sáng sủa, vui mắt, trẻ con ra đường từng tốp vài ba đứa, hớn hở nắm tay nhau đi xem đèn, đốt pháo chuột.

Đêm 30 Tết gọi là đêm Trừ tịch 除夕, Trừ có nghĩa là bỏ, trừ khử, Tịch có nghĩa là đêm, nghĩa là đêm trừ bỏ cái xấu của năm cũ, theo Trung Hoa nó mang ý nghĩa đêm khu trừ ma quỹ. Vào giờ Tý, người ta cúng Giao thừa Giao có nghĩa là bàn giao lại, Thừa có nghĩa là tiếp nối. Theo tín ngưỡng dân gian, người ta tin rằng có 12 vị thần, luân phiên cai quản trần gian, mỗi năm một vị. Do đó vị thần năm cũ đi, trao quyền hành lại cho vị thần năm mới tiếp nhận. Vì vậy người ta cúng xôi, thịt, rượu ở đình làng, hoa quả ở chùa. Ở nhà, người ta bày bàn ra sân cúng có hương, đăng trà quả. Trong Nam có bàn thông thiên, thường người ta cũng cúng trong nhà với trà mứt, ở bàn thông thiên với hương đăng trà quả như trên, sau khi cúng thì đốt pháo mừng năm mới.

Sáng mồng một, chủ nhà sẽ ăn mặc chỉnh tề, khăn đóng áo dài, cúng bánh mứt, nước trà, lạy bàn thờ ông bà, tiếp theo con cháu lạy bàn thờ, sau đó ông bà ngồi cho con cháu chúc thọ, chẳng hạn như : “- Năm mới con chúc cha mẹ sống lâu trăm tuổi, khỏe mạnh” rồi lạy 2 lạy. Ông bà hay cha mẹ nhận mừng thọ sẽ cho lộc đầu năm cho con cháu là tiền. Ngày nay ông bà, cha mẹ hầu hết “miễn lạy”, lì xì cho con cháu “phong bao” để “lấy hên” đầu năm.

Sau đó những người lớn tuổi đi lạy bàn thờ những nhà có thờ tự ông bà trong họ, vì trong Nam ít có “từ đường”, chúc Tết những người thân. Việc lễ lạy thăm viếng chúc tụng trong ba ngày Tết có Tục ngữ:

Mồng Một ngày cha, mồng Hai ngày mẹ, mồng Ba ngày Thầy.

Hoặc ca dao có câu:

Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy.



Xưa, sau Giao thừa, các quan chức, nho sĩ thơ sinh xem giờ hoàng đạo trang trọng bày nghiên bút, giấy hoa hoặc giấy hồng đơn ra để viết một một bài thi, phú hoặc một câu chữ thánh hiền, biểu lộ nguyện vọng, ý chí của mình. Đó gọi là “Đầu năm khai bút”, để lấy cái may mắn cho công danh sự nghiệp, văn tài của mình. Chẳng hạn như bài “Xuân Cảm” của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến:

Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ,
Nay đã năm mươi, lẻ có ba
Sách vở ích gì cho tuổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
Xuân về, ngày loạn còn lơ láo,
Người gặp, khi cùng những ngẩn ngơ!
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng?
Sao c
òn đàn hát vẫn say sưa


Nhà theo đạo Phật, sau khi cúng Giao thừa ở nhà, hoặc trong ngày mồng một, người Phật Tử đi chùa lễ Phật mừng ngày Đản sinh đức Phật Di Lặc, là vị Phật tương lai Ngài mang lại hoan hỉ cho mọi người.

Tôi nhớ xưa kia, cứ sáng mồng một Tết, có mấy người bà con họ hoặc có người cùng làm Hương chức làng, ghé nhà chúc Tết rồi cùng cha tôi đi đến chùa lễ Phật, mỗi người đều xé hai sợi dây từ bụi chuối, cũng gọi là dây chuối, cột hai ống quần bó sát vào ống chân, tôi không biết nên hỏi cha tôi, người giải thích: “ - Theo phong tục xưa, vào chùa lễ Phật, mình phải cột ống quần lại cho được thanh khiết”.


Hầu hết người Việt cũng như người Trung Hoa tin rằng ngày Tết Nguyên Đán nếu được hên thì hên cả năm, còn bị xuôi thì xuôi cả năm. Cho nên người ta tạo nhiều thứ để được may mắn và kiêng cử nhiều thứ để tránh bị xuôi xẻo cả năm.

Sáng mồng một Tết, ai đến nhà trước, người ta tin rằng đó là người xông đất đầu năm ở nhà mình, người ấy có thể mang đến điềm hay vận hên, xui, may, rủi cho cả năm. Do vậy có nhiều người tìm những người tuổi hạp với mình để nhờ xông đất, có người nhờ người có tên Phúc, Lộc, Thọ … xông đất nhà mình để được phước, được lộc hay sống lâu. Cũng do vậy mà có một số người không dám đi thăm bạn bè ngày mồng một Tết, hoặc phải chờ chiều hay tối mới đi thăm, để tránh xông đất nhà người ta.

Trong ba ngày Tết người ta đốt pháo dây, pháo nồi, pháo chuột, đêm đốt pháo bông, những đội lân đi múa mừng, được gia chủ thưởng tiền. Có pháo và Lân làm cho ngày Tết rộn thêm niềm vui. Thập niên 90 nhà nước Cộng sản Việt Nam cấm đốt pháo làm cho ngày Tết mất vui phần nào.


Múa Lân

Trong ba ngày Tết, người ta thường cúng trên bàn thờ mỗi ngày hai buổi cơm sáng, chiều, bà con tới nhà mời rượu trà bánh mứt, gặp bửa mời cơm gây thành bửa tiệc, để tiêu khiển thì giờ người ta bày ra những cuộc chơi như “hốt me”, đánh bài cào, bài tứ sắc, lắc “bầu cua cá cọp”.

Ba ngày Tết, có nhiều thứ người ta kiêng cử, để chọn được may mắn suốt năm, ra khỏi nhà đầu năm phải coi hướng tùy theo năm và tuổi mỗi người có hướng xuất hành đầu năm khác nhau. Người ta kiêng cử quét nhà, theo điển tích 搜神 Sưu thần ký của Trung Quốc như sau:

Có người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, giàu to. Ngày mồng một tết năm đó, Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô ta sợ quá chui vào đống rác rồi biến mất, sau đó nhà Âu Minh nghèo đi. Kể từ đó, mọi người kiêng quét nhà, đổ rác trong ba ngày tết.

Cũng cùng từ câu chuyện trên, từ sáng mồng một tết cho đến hết ngày mồng ba tết, mọi người trong gia đình không được làm điều xấu, cự cãi nhau, đánh nhau hoặc nói những điều không tốt đẹp.

Sau năm 1954, đêm 30 hay ngày mồng một Tết người ta thường đi Lăng Ông hay Chùa, Miếu hái “lộc” làm cho cây cảnh chưng bày ba ngày Tết bị xác xơ. Sau 1975, Tết người ta đi chùa mỗi người đốt một bó nhang, chỗ nào cũng cắm nhang, khói nhang mù mịt. Chùa chiền không còn thanh tịnh, trang nghiêm.

Ba ngày đó, chợ búa không bán, xe cộ không chạy. Ngày mồng ba những nhà nào hành nghề như thợ rèn, thợ mộc, thợ hồ, thợ bạc … sẽ cúng ra nghề với con gà luộc, hương, đăng, hoa quả và rượu. Nếu nghề có nhiều thợ cùng làm sau khi cúng vái, họ sẽ bày ra cỗ bàn để nhậu nhẹt và sau đó hành nghề. Chợ búa mở cửa, xe cộ chạy lại.

Đến ngày mồng ba, người ta bày mâm cỗ cúng gọi là tiễn đưa ông bà, còn Cây nêu đến ngày mồng bảy người ta mới hạ xuống, vì xưa ăn Tết đến bảy ngày. Dần dần còn ba ngày.


Gà cúng tổ nghiệp

Tết có những phong tục, trong đó có những thuần phong mỹ tục, nhưng cũng có những phong tục hủ bại. Những hủ tục như kiêng cử quét nhà, làm cho nhà nhiều rác mất vệ sinh; đi chùa miếu hái lộc, những hoa, những cây cảnh chưng dọn cho đẹp thì đã bị hái hoa, bẻ cành trơ trọi! Tin vào việc xông đất đầu năm! Những hủ tục làm cản trở cho sinh hoạt, mất vệ sinh, thẩm mỹ. Nên bài trừ. Những thuần phong mỹ tục nên giữ gìn, vì đó là nét văn hóa của dân tộc.

Có một điều tôi chưa nói đến, tại sao Tết ở miền Nam cúng bánh Tét, đãi khách bánh phồng trong khi miền Bắc có bánh chưng, bánh đa. Có ảnh hưởng gì trên đất cũ của người Khmer ?

Những năm 50, 60 là những năm miền Nam thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp, mới được độc lập. Đất nước thanh bình, nhân dân ấm no hạnh phúc. Tết người ta đi lại vui chơi, pháo nổ dòn tai, lân múa rộn ràng, trẻ con tung tăng khoe áo mới. Biết đến bao giờ được trở lại như xưa, từ đồng bằng cho đến cao nguyên, từ nhà quê cho tới thành thị, người già cũng như trẻ con tưng bừng đón Tết khi đất nước thanh bình, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Lou. 16-1-2011

No comments:

Post a Comment