Pages

Monday, March 6, 2017

Nhà văn Phù Thăng



(1928-2008)

Nhà văn Phù Thăng tên khai sinh là Nguyễn Trọng Phu sinh năm 1928 tại làng Tất Lại Thượng, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương,

Năm 1945, Phù Thăng đang học dở chương trình Diplome, tương đương với lớp 9 phổ thông bây giờ. Cách mạng Tháng Tám xãy ra, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Như bao thanh niên bấy giờ, ông hăm hở đi theo cách mạng với tấm lòng và trái tim nhiệt huyết sục sôi. Phù Thăng gia nhập quân đội, là chiến sĩ của Trung đoàn 42 nổi tiếng Quân khu Ba. Đơn vị của ông hoạt động chiến đấu ngang dọc các tỉnh đồng bằng sông Hồng, làm cho giặc Pháp đảo điên trong suốt chín năm ròng. Người bé nhỏ, tinh nhanh, Phù Thăng được phân công là lính quân báo của trung đoàn. Giỏi tiếng Pháp, ông đã giúp chỉ huy hỏi cung, khai thác nhiều tin tức chiến sự quan trọng từ các sĩ quan thực dân quy hàng và bị bắt.

Năm 1947 tòng quân làm Trung đội trưởng trinh sát Trung đoàn 42 Quân khu 3.

Sau năm 1954, Phù Thăng là thương binh chuyển về công tác ở Phòng Văn nghệ quân đội, Báo Thể thao Việt Nam,

Đến năm 1959 thì nhà văn Phù Thăng về làm biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cũng năm ấy, trường ca Hoa vạn thọ được ra đời và đoạt giải Ba cuộc thi thơ của Hội Nhà văn trên báo Văn nghệ.

Năm 1961, tiểu thuyết Phá vây ra đời.

Đang ở vào độ tuổi sung sức nhất, dồi dào sức sáng tạo nhất, sau khi miệt mài hoàn thành tiểu thuyết Phá vây đồ sộ với hơn 700 trang in thì nhà văn "gặp chuyện". Phá vây là cuốn tiểu thuyết xuất sắc về đề tài chiến tranh, viết về phân đội 5 của Trung đoàn 24, một đơn vị bộ đội địa phương, là lực lượng chính đối đầu với quân Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Trong Trung đoàn 24 có Tiểu đoàn 123 do Lê Lâm chỉ huy, đã làm quân thù nhiều phen khiếp sợ...

Phá vây tập trung ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội và nhân dân khu vực tả ngạn sông Hồng trong thời kỳ chống Pháp. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết có chi tiết nhà văn Phù Thăng để cho một nhân vật người lính của mình là Nghĩa sau chiến tranh về nhà, thấy người mẹ già đang ngồi bới đống tro tàn trên cái nền đổ nát tan hoang để tìm mấy cái bát mẻ còn dùng được. Nhìn cảnh ấy, anh đã chua xót nghĩ rằng mọi cuộc chiến tranh đều là đau khổ; và người lính thật nhọc nhằn. Nếu có giành được vinh quang thì cũng phải trả giá thật đắt.

Khi Phá vây được mang ra "trình làng" thì đã có ý kiến của một số văn nghệ sĩ, nhà phê bình và những người "có trách nhiệm" cho rằng tư tưởng của nhà văn đã "có vấn đề". Tại sao lại để cho nhân vật là một chiến sĩ lại có những tư tưởng như thế? Lập trường quan điểm có sự lung lay, dao động chăng? Bây giờ, cả nửa thế kỷ đã qua đi, cũng không bàn lại chuyện đúng sai, tiến bộ hay ấu trĩ trong quan niệm làm gì nữa. Tiếp nhận văn chương thì có đến ba bảy ngả đường… Chỉ đáng tiếc thay là những thành kiến đối với Phá vây không chỉ dừng lại ở những chỉ trích…

Năm 1963, nhà văn rời tạp chí Văn nghệ Quân đội để sang làm ở Báo Thể dục Thể thao. Một thời gian ngắn sau, ông lại sang Xưởng phim truyện Việt Nam. Tại đây, ông miệt mài viết kịch bản phim.

Năm 1986, ông xin về hưu trước tuổi với quân hàm Thiếu úy….Nghỉ hưu, ông sống tại quê nhà. Làng quê Tất Lại Thượng, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đón ông.

Ông đã mất tại nhà riêng lúc 12 giờ ngày 21-2-2008, tức rằm tháng Giêng năm Bính Tý và an táng tại nghĩa trang quê nhà xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ, Hải Dương. Thọ 80 tuổi.

Năm 2012, từ đề nghị của Hội VHNT và UBND tỉnh Hải Dương, nhà văn Phù Thăng được trao tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT cho các tác phẩm Phá vâyCon nuôi trung đoàn.

Tác phẩm:

- Hoa vạn thọ (trường ca, 1959)
- Phá vây (ti
ểu thuyết, 1961)
- Tấn công (ti
ểu thuyết, chưa in)
- Con những người du kích (tập truyện)
- Con nuôi Trung đoàn (t
ập truyện)
- Đáy suối (t
ập truyện)
- Trận địa mới (t
ập truyện)
- Truyện kể cho người mẹ (tập truyện)
- Biển lửa (kịch bản phim)
- Tiếng gọi phía trước (kịch bản phim)
- Nguyễn Văn Trỗi (kịch bản phim)
- Quê nhà (kịch bản phim)

Trích thơ:

Ông bà và Cún Kỳ Anh
Ông hỏi: Cún tên gì?
Nó nói: Cún tên Kỳ Anh.
Bà hỏi: Kỳ Anh tên gì?
Nó kêu to, rõ to: Kỳ Anh tên Cún
Đôi mắt sáng nheo nheo thật ngộ…
Bố hỏi: Cún tên gì?
– Cún là Cún Tứ Kỳ quê bố.
Mẹ hỏi: Cún tên gì?
– Cún là Cún quê mẹ Thuỵ Anh.
Chú xin Cún cái kẹo
Cún cho giả vờ
Chú bảo Cún tên Kỳ Lừa?
Cún lắc đầu: Ứ phải
Cô diện cho Cún áo mới
Màu đỏ trùm màu xanh
Rồi gọi Cún: Kỳ nhông!
Cún lắc đầu chẳng nói…
Ấy là niềm vui của nhà Cún mỗi tối
Một cái tên thôi mà mỗi người mỗi gọi
Đem trò cười!
Nhưng ông bảo:
– Có được cái tên cho một Con người
Đâu phải sự dễ?…
( … )
Cảm ơn em đã lắng nghe
Điệu đàn anh gảy thiết tha một thời
Tuổi già hạt lệ sương rơi
Mà nay lại mặn muối đời chứa chan
Cành đào tưởng đã phai tàn
Bỗng hừng lên bởi chính làn gió em
Thổi vào quá khứ lặng im
Cho hoa vạn thọ bừng lên sắc vàng
Thơ ta chữ nghĩa mỏi mòn
Mượn thơ tiếng Pháp nguyện hồn người điên
Gióng lên đây một hồi chuông
Để cùng đi trọn con đường cùng ta...

Trích văn:
Hạt thóc

Thật tội nghiệp cho gã ! Thà gã cứ nghĩ mình là một cục cứt để rồi mà sợ chó, thì đời gã chẳng đến nỗi khổ như vậy. Chó đang thưa vắng dần. ở làng quê bây giờ, có bói cũng chẳng tìm thấy bóng dáng một chú chó nhỏ. để phòng bệnh dại, người ta đã triệt chó. Trên vùng núi cao, ở những bản xa mù, thi thoảng lắm mới có tiếng chó sủa eo óc, nghe như tiếng ếch kêu. Mà cũng chẳng biết có phải đáy là tiếng chó sủa thật không, hay chỉ là chút ký ức vẩn lên trong tâm trí người bộ hành mệt mỏi, thập thõm bước trên những con đường rừng khuya khoắt, mong có chổ dừng chân, muốn gặp một bản làng, mà rồi nghĩ ra vậy. Chỉ ở Hà Nội mới có chó. Rất nhiều chó. Chó ngào ngạt suốt một rẻo đê Nhật Tân. Nhưng đó lại là những con chó hoà bình, chẳng có gì phải sợ. Khốn nỗi gã lại là hạt thóc. Một hạt thóc bé nhỏ nên mới sợ gà. Mà gà thì ở đâu chẳng có. Chúng sinh sôi nảy nở đàn đàn lũ lũ ở các nông trường, các trại gà công nghiệp, các làng quê xóm bản. đến cả những phố phường sầm uất, sang trọng, ồn ã người xe, cũng có thể bất thần nghe thấy tiếng gà gáy te te ngay trên ban-công, ở những biệt thự cao tầng chìm lấp sau những giàn hoa giấy khuê các. Bởi vậy tính mạng gã luôn bị đe doạ !

May sao, có một người hiểu được nỗi bất hạnh ấy của gã. đó là ông bác sĩ tâm thần. Ông niềm nở đón gã vào viện. Bệnh viện của ông cũng lạ. Nó chẳng giống những bệnh viện tâm thần mà ta thường thấy. Nhìn khắp bốn phía chẳng có tường ngăn, rào chắn. Ngày đêm cửa mở thông thống. Bệnh nhân không ai bị trói giữ, giam nhốt. Đến nỗi chính gã cũng chẳng biết mình mang bệnh và đang ở trong một bệnh viện tâm thần. Gã hoàn toàn tự do, có thể thơ thẩn đi hái thuốc cùng mấy cô y tá trẻ đẹp, có thể suốt ngày ngồi đàm đạo văn chương với mấy ông bác sĩ. Đôi lúc cao hứng, gã còn mang những bài thơ gã viết bằng tiếng Pháp đọc cho bác sĩ nghe. Rồi ông bác sĩ cũng lại mang những bài thơ viết từ thời đang còn là sinh viên Trường Y ra đọc, nhờ gã góp ý, sửa chữa. “ Nói gì thì nói, chứ cái khoản văn chương thơ phú này, em cứ phải tôn ông anh là bấc đại sư phụ ”. Thế thì ai dám bảo gã là hạt thóc. Chỉ được cái bố láo !

Cứ thế, gã được kính trọng, được cư xử thân ái như cư xử với một con người. Và bằng tấm lòng nhân ái ấy, ông bác sĩ tài ba đã cứu được gã, đă đưa gã từ cõi mộng mị hoang tưởng về nơi xứ người. Ông anh làm nghề gì ? Tớ là nhà văn. Cóc phải ! Người ta bảo ông anh là hạt thóc ! Bậy ! Tớ là con người. Cậu nói gì mà lạ thế ? Tớ là người !

Gã tròn mắt kinh ngạc thật sự. Còn bác sĩ thì tủm tỉm cười, gương mặt thật rạng rỡ. Sau đó ít ngày, gã ra viện. Cuộc chia tay thật bịn rịn. Rồi gã thung thăng ra về. Nhưng thật oái oăm, chính lúc ấy, cái lúc gã đang ung dung bước như một con người ấy, thì ở xóm ven đê, lại vút lên tiếng gà gáy. Thế là gã lại co cẳng chạy. Gã chạy tất tả, chạy cuống quýt, lao bừa vào bụi rậm, vào các xó xỉnh khuất lấp để lẩn trốn. Bác sĩ há mồm kinh ngạc. Ông không hiểu sao căn bệnh tái phát nhanh đến thế. Khó nhọc lắm, bác sĩ mới lôi được gã lẩy bẩy từ sau bồ thóc ra. Ông anh làm sao thế hả ? Con gà… con gà… gã líu lưỡi lại. Ông anh có phải là hạt thóc không ? Bậy ! Tôi không phải là hạt thóc. Tôi là người. Là con người ! Thế sao thấy gà anh lại chạy ? Khổ ! Cậu thấy đấy. Tôi không phải hạt thóc. Nhưng con gà, vâng, chính là con gà ấy, nó vẫn cứ tưởng tôi là hạt thóc, thì sao ?

Trên Blog nguyentrongtao.info bài viết: Về bút danh của nhà văn Phù Thăng? Nhà văn Nguyễn Trọng Tạo đã viết:

Phù Thăng là tác giả của nhiều bộ phim nổi tiếng như “Biển lửa”, “Trên tuyến đầu miền Tây tổ quốc”, “Tiếng gọi phía trước”,… và tiểu thuyết Phá vây”, truyện vừa Con nuôi trung đoàn”. Ông công tác ở xưởng phim Quân Đội, xưởng phim truyện Việt Nam. Sau khi tiểu thuyết Phá vây” bị phê phán, ông không tranh luận lại, mà bỏ về quê làm một “lão nông tri điền”, cày ruộng như ông nông dân thực thụ. Tuy vậy, ông vẫn viết văn, làm thơ một cách lặng lẽ. Nghe nói ông đã hoàn thành tập hai tiểu thuyết “Phá vây” có tên là “Tấn Công”, và một tập thơ tiếng Pháp tựa đề Xilăngxiơ” (Im lặng). Lại nghe nói những tập bản thảo này ông bỏ vào một cái vò sành nút lá chuối, bịt ni- lông đem chôn xuống nền nhà và thề rằng chỉ khi ông chết, ai đó đào được thì đọc hoặc đưa in, chứ còn sống thì không cho bất kỳ ai đọc. Thực ra Phù Thăng là người rất hiền lành, và thường biết tự diễu mình, đúng như kiểu đặt tên bút danh của ông vậy. Ông giải thích việc làm thơ bằng tiếng Pháp của mình bằng hai câu thơ thật vui:

Thơ ta chữ nghĩa mỏi mòn
Muợn thơ tiếng Pháp nguyện hồn Người Điên

Tài liệu tham khảo:

- Ngô Vĩnh Bình. Nhà văn Phù Thăng: Lận đận vẫn vui Web: http://www.baomoi.com/nha-van-phu-thang-lan-dan-van-vui/c/15198542.epi
- Nguyễn Trọng Tạo. Về bút danh của nhà văn Phù Thăng Web: http://nguyentrongtao.info/2011/10/15/v%E1%BB%81-but-danh-c%E1%BB%A7a-nha-van-phu-thang/

866406032017 



No comments:

Post a Comment