Pages

Tuesday, April 11, 2017

Nguyễn Liên Phong




Nguyễn Liên Phong (184X-1917)


Nguyễn Liên Phong sinh vào khoảng nửa đầu thập niên 1840, là người Bình Định, giỏi cổ nhạc và thơ văn, ông còn có biệt hiệu là Giang hồ Lão sư.


Ông làm quan đến chức Tuần phủ nên ông còn được gọi là Tuần phủ Phong.


Tương truyền, khi thực dân Pháp đang tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam, ông tham gia phong trào Cần Vương. Sau đó, ông bị quân Pháp bắt đày vào Sàigòn, điều nầy chắc không đúng, vì phong trào Cần Vương khởi đầu từ năm 1885 chấm dứt năm 1892. Trong khi đó, ông vào Miền Nam đi chỗ nọ chỗ kia, có gặp Trần Bá Hữu làm chủ quận Long Thành tỉnh Đồng Nai, bị nghĩa quân giết chết năm 1885, như vậy Nguyễn Liên Phong vào Nam trước đó, cũng trước phong trào Cần Vương. Có người cho rằng Nguyễn Liên Phong vào Nam khoảng 1884.


Vì sao ông làm quan trong khi vận nước ngửa nghiêng, không tham gia phong trào Cần Vương mà vào Nam, không bị nhà cầm quyền Pháp câu thúc, được tự do đi lại khắp Nam Kỳ, về sau ông còn được triều đình Huế tặng thưởng Kim khánh hạng ba. Theo bài thơ của ông Bá hộ Chơn, ông Nguyễn Liên Phong làm quan, bị sai phạm nên đã bị tù, vào Nam mượn thú tiêu dao, ngâm vịnh để gìn giữ Nho phong.


Nguyễn Liên Phong có tài ngâm vịnh, đàn bầu. Vào Nam Kỳ, ông đi nhiều nơi, giao du với nhiều bạn văn, trong đó có nhà thơ Học Lạc, và nhiều nhóm đờn ca tài tử và nhờ vậy ông viết được quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca.


Nguyễn Liên Phong vào Nam trước ở Bến Tre, sau định cư ở Tân Định, Sàigòn.


Ông Nguyễn Liên Phong mất ngày 10 tháng 4 âm lịch năm Đinh tỵ, tức ngày 30- 5-1917 tại nhà riêng ở đường Vassoigne, sau đổi tên đường Trần Văn Thạch nay là đường Nguyễn Hữu Cầu. Tân Định, Sàigòn,  Thọ hơn 70 tuổi.


Trên Nông cổ mín đàm số ra ngày 7- 6-1917 đưa tin về cái chết của Nguyễn Liên Phong, có kèm bài thơ điếu của ông Nguyễn Hữu Hạnh cựu Chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn:


Ông Nguyễn Liên Phong nhắm mắt rồi,
Giang hồ hết thấy Lão sư ôi.
Tang thương năm trước bao nhiêu cuộc?
Kim cổ ngày nay có mấy hồi!
Tuổi chất càng cao càng lắm nỗi,
Nợ đời dứt rảnh dứt thì thôi.
Nôm na tỏ chút tình ai điếu,
Ông Nguyễn Liên Phong nhắm mắt rồi.


Trên Nam Trung nhựt báo số ra ngày 12 - 6 - 1917 đưa tin về cái chết của Nguyễn Liên Phong, có kèm bài thơ của Bồng Dinh - Đỗ Thanh Phong họa lại bài thơ điếu Nguyễn Liên Phong của Nguyễn Hữu Hạnh:


Bổn quán mới hay tin buồn thảm ông Nguyễn Liên Phong đã thệ thế hôm ngày mùng mười tháng tư An Nam năm nay, ở tại đường Vassoigne, Tân Định, Sài Gòn.


Trải mấy chục năm, ông Liên Phong đi châu lưu trong khắp sáu tỉnh Nam Kỳ, hạt nào lại chẳng có người quyến thức.

Người nho văn, sức học thức cũng có, lại thêm rộng thấy xa nghe, cũng nhờ bởi giao du nhiều chỗ, ổng thường xưng mình là Giang hồ Lão sư, hưởng thọ trên bảy mươi, tuổi chừng đó cũng vừa nhắm mắt.


Tuy là nhiều lo bề sanh nhai với đời, chớ khi rảnh được lúc nào thì cũng đặt sách này truyện kia, cũng là công ích chút đỉnh với đời. Mấy quyển sách ông làm ra như là: Nam Kỳ nhơn vật phong tục diễn ca, Điếu cổ Hạ kim, Truyện Đức Từ Dũ, tuồng Thiên đình đối án và nhiều bài ca khác, so bề văn chương cũng nên cho là một ông danh sĩ. Đến nay ông đã lìa cõi trần rồi, cầu xin cho linh hồn ông sanh thuận tử an, đặng tiêu diêu nơi miền cực lạc.


Nhơn dịp thầy Nguyễn Hữu Hạnh, là cựu chủ bút tờ Nhựt báo tỉnh có làm một bài ai điếu ông Liên Phong như vầy:


Ông Nguyễn Liên Phong nhắm mắt rồi,
Giang hồ hết thấy Lão sư ôi.
Tang thương năm trước bao nhiêu cuộc?
Kim cổ ngày nay có mấy hồi!
Tuổi chất càng cao càng lắm nỗi,
Nợ đời dứt rảnh dứt thì thôi.
Nôm na tỏ chút tình ai điếu,
Ông Nguyễn Liên Phong nhắm mắt rồi.


Họa nguyên vận (của Bồng Dinh):


Túi sách ông Phong đất dập rồi,
Hưởng dư bảy kỷ mấy người ôi.
Vãi chài thao lược đâu nhiều kẻ,
Tột đáy văn chương cũng một hồi.
Lúc nhóm đờn ca buồn chả xiết,
Khi đàm thi phú tiếc thì thôi.
Cả pho Điếu cổ còn tên tuổi,
Túi sách ông Phong đất dập rồi.


Tác phẩm:


- Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (gồm 7.000 câu thơ lục bát, Đinh Thái Sơn, 1909)
-
Án Túy Kiều (Phát Toán, 1910)
-
Từ Dũ Hoàng Thái hậu (F.M. Schneider, 1913)
-
Điếu cổ hạ kim thi tập (F.M. Schneider, 1915)


Trích thơ:

Điếu Án sát Phạm Hữu Chánh(*)


Cuộc đời dâu bể nghĩ thon von,
Chạnh nhớ người xưa tiếng hãy còn.
Ngòi viết chẳng rời bên đĩa mực,
Mão đai từng dựa chốn liều son.
vẹn tròn ngay thảo niềm tôi chúa,
Đông đảo sang giàu phận rể con.
Hoằng Trị gương thơm ngời dấu để
Lâu đài phước đức sánh tài non.


Điếu Huỳnh Mẫn Đạt(*)


Ông Hoàng Mẫn Đạt ở Kiên Giang,
Tác lớn về hưu phận cũng nhàn.
Cơm áo ấm no ơn cố chúa,
Đất rau ăn ở ngỡi tân bang
Văn minh dần bước lên cao rạng,
Chúng trí mẹo càng chóng mở mang.
Chín suối hồn linh cơn phưởng phất,
Hộ phò mới cũ mối giềng an


Điếu Tôn Thọ Tường(*)


Người học Nho thuở trước,
Nhớ ông Đốc phủ Ba,
Hình dung xem xấu nhược.
Tánh hạnh rất lương hòa
Gặp gió cơn ào tới,
Coi mòi cẳng bước ra.
Văn chương dòng phép tắc,
Thi phú khéo nôm na.
Co dủi theo thời thế,
Bung long với quốc gia.
Đã lắm công đăng hỏa,
Riêng vui thú yên hà.
Vừa sang miền Bắc cảnh
Bỗng giục giấc Nam Kha
Sót lại hơi tao nhã
Sáu châu tiếng một già.


Ghi chú:
 
(*) Điếu cổ hạ kim thi tập.

Sau đây, một số bài trích từ Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca do nhà Phát Toán in năm 1909.


Tựa rằng:


Năm Nhân Dần, tháng giêng ngày vọng
Nhơn lúc nhàn, vỗ lộng bút nghiên
Dạo Nam Kỳ, sáu tỉnh sơn xuyên
Xem nhơn vật đủ miền mọi chỗ
Ơn tứ hải, đệ huynh điều độ
Giúp hành trình, phí lộ kim ngân
Hơn năm dư, chép thảo lần lần
Thành một cuốn xa gần các hạt:
Cách đặt dùng quốc âm lục bát
Cọng hai mươi hai, hạt nhỏ to
Biết bao nhiêu công khó đắn đo
Cứ việc thật không trò thêm bớt
Giọng quê kịch nhiều lời thưa thớt
Vận dưới trên non nớt chưa liền
Từ Vũng Tàu, dĩ chí Hà Tiên
Qua Châu Đốc, xuống miền Sa Đéc
Tới mỗi hạt, trải chơi xem xét
Hỏi đon ren, mới biết ngọn ngành
Những lớp xưa, người trước có danh
Với thổ sản, dân tình phong tục
Quan giám khảo, xem tường trong đục
Lấy đậu rồi, mấy lúc chưa in
Đinh Thái Sơn, có dạ thương tin
Chịu hao tốn, ấn hành đãi hậu
Gọi là để, khóa đồng tập ấu
Đâu giám rằng tú khẩu cẩm tâm
Lẽ xưa nay thủy bất tại thâm
Có rồng ở thì đầm linh hiển
Phận già cả, tiếc vì kinh điển
Đã bấy lâu, rừng biểnh minh mông
Dẫu khen chê, miệng thế thường đồng
Phò danh giáo xúc công tiểu bổ
Chảng phải bì Mã Thiên, Ban Cố
Dầu sử xanh, kim cổ lưu truyền
Song cũng là cờ chiếm nước tiên
Roi sự tích niên niên trường cửu”.


Vũng Tàu phong cảnh thi


Đổi đời vực biển hóa cồn dâu,
Hứng chí vui xem cảnh Vũng Tàu.
Bền chắc đồn xây giành thạch lại,
Vọi cao đèn chói đảnh Vân đầu.
Bãi Dưa dấu để còn danh trước,
Xanh Rắc(**) chừ thêm vững cuộc sau.
Đường nước Nam Kỳ khoe hiểm cứ,
Ở trên nhằm xuống mối giềng thâu.


(**) St. Jacques


Biên Hòa phong cảnh thi


Quản hạt đường xa mấy dặm dài,
Vừa ba trạm đất tới Đồng Nai.
Thạch Nang giữa lạch thuyền kinh hãi,
Chiêu Thới bên triền khách vãng lai.
Linh cậy miễu chùa linh ngó thấy,
Lợi nhờ sỏi đá lợi bền dai.
Nhà dân xóm xóm đều trung hậu,
Thói cũ lề xưa hãy mỉa mai.


Gia Định phong cảnh


Gia Định thành xưa trọng một phương,
Nhớ Cao hoàng đế thuở hưng vương
Mả ông Đa Lộc bền rường cột,
Miểu Tả quân Lê thạnh lửa hương.
Dâu biển trải bao dời đổi cuộc,
Ngựa xe vòng lớn thả dầm đường.
Xóm làng phong tục đều trung hậu,
Tiếng tốt ngàn thu hãy tạc gương.


Sàigòn phong cảnh


Khen bấy Sàigòn định giới cương,
Lăng xăng ngã ngách dọc ngang đường.
Cột cờ Thủ Ngữ xây tram trượng,
Trại lính Hội đồng trấn một phương.
Dinh dãy cửa nhà chen thứ lớp,
Bạc vàng su lúi đổi cang thường.
Phiền ba xiết kể nay thanh lịch,
Lễ nghĩa ngày xưa chạnh nỗi thương.


Chợ Lớn phong cảnh thi


Dời đổi ngùi thương cảnh nước non,
Phiền hoa Chợ Lớn giáp Sàigòn.
Dục anh rực rỡ lầu đôi lớp,
Mai tự sum sê lũy một hòn.
Tham biện, xã Tây, cò bót đủ,
Minh hương, chùa Phật, miễu đình còn.
Kể sau cho hết bề thanh lịch,
Nho nhã phong lưu dấu chẳng mòn.


Bến Tre phong cảnh thi


Thuở cựu thuộc về tỉnh Vĩnh Long,
Bến Tre cảnh tốt lại người đông.
Đại khoa cờ điển danh còn tạc,
Thổ sản điền viên lợi thạnh sung.
Đất lịch dân hào trong mấy rạch,
Xóm nhơn nhà nghĩa các nơi giồng.
Tổng làng viên chức đều nho nhã
Tập tục mỹ thuần gốc cổ phong


Về nhân vật Bến Tre:


     Ông Lương Khắc Ninh rất hay,
Nhựt trình Nông Cổ khéo bày quốc âm.
     Năm năm chủ bút lao tâm,
Dựng cờ nơi chốn từ lâm một mình.
     Tuy là họa hổ vị thành,
Tài bồi giáo hóa đặng danh nhãn tiền.
     Truyện thơ nay dịch liền liền
An Khương, Chánh Sắt noi tuyền them hay.
     Thảm thay Chánh Chiếu ngày nay,
Ra làm Nông Cổ chưa đầy mấy trăng.
     Bởi vì biếm nhẽ lằng xằng,
Khua ba tấc lưỡi họa căng nhương thành.
     Đặng Thúc Liên người trăm anh,
Giúp việc nhà nước đã đành có công.
     Mang tai, chuyện khéo khi không,
An Khương hiện tại cũng đồng như Liêng.
     Bi chừ Nông Cổ mkối giềng,
Lê Trung Quản hạt thay quyền chủ nhơn.
     Nguyễn Chánh Sắt tỏ nguồn cơn,
Làm phó chủ bút nhờ ơn thánh hiền.


Mỹ Tho phong cảnh thi


Phong cảnh vui xem hạt Định Tường
Tàu xe đông đảo mối đầu đường.
Cầu rồng đất nổi che tiền diện,
Cổ Lịch đồn xây trấn viễn phương.
Phú nữ hào nam nơi tổng lý,
Cử nhơn tấn sĩ chốn khoa trường.
Thuần lương tạp tục dân no đủ,
Hóa hóa sanh sanh lợi ruộng vườn.


Vĩnh Long phong cảnh thi


Vĩnh Long địa cảnh rộng thinh thinh,
Thuở cựu trào ta chốn tỉnh thành.
Miễu thánh ngày nay còn hiện tại,
Quốc công thờ trước dấu anh linh.
Mười ba tổng, tục đều trung hậu,
Trăm mấy thôn, người biết học hành.
Thế cuộc hợp tan tan lại hiệp,
Mau như mây nổi giữa trời xanh.


Cần Thơ phong cảnh thi


Phong cảnh Cần Thơ phát tự nhiên,
Mấy năm khia kkhẩn đất thành điền.
Lâu đài quan bố nơi sơn thủy,
Kho lẫm nhà giàu lúa vựa thiên.
Xe kiểng sắm đưa hàngchục rước,
Ghe hầu kiểu đóng khéo khuôn viên
Đạo nhu chủ nghĩa còn roi dấu,
Nhớ bởi người xưa góc dạy truyền.


Hà Tiên phong cảnh thi


Hà Tiên non nước cảnh vui tình,
Thập vịnh hiền, xưa dã tập danh.
Đảnh pháo đài, đăng quang chiếu diện,
Mặc tiên ông, Miễu võ anh linh.
Am chùa hang động nhiề nơi cổ,
Thơ phú rượu đờn lắm kẻ thanh.
Nhớ thuở Cao hoàng hưng đế nghiệp
Bầy xà cứu giá giữa giòng xanh.


Châu Đốc phong cảnh thi


Vui xem Châu Đốc cảnh thêm xinh,
Nhớ thuở Toại Hầu trấn Vĩnh Thanh.
Sông trước, song sau chia tả hữu,
Núi Sam, núi Két dấu anh linh.
Rạch ngòi Giồng án không cùng lợi,
Cá mắm tằm tơ đệ nhất danh.
May có Tú Thường người biết học,
Ra công dạy dỗ trẻ mày xanh.


Về nhân vật ở Châu Đốc:


     Thoại Hầu tiết rạng non song,
Còn ngôi thạch mộ người đồng gọi lăng.
     Núi Sam phía bắc dưới chơn,
Đắp phong mã lạp bổn căn một nền.
     Ngày xưa bảo hộ Cao Mên,
Ghe phen án ngữ giũ bền an biên.
     Đào kinh Lạc Dục Long Xuyên,
Giáp cvô Rạch Giá bia truyền Thoại Sơn.
     Đào kinh Vĩnh Tế lại hơn,
Danh chồng danh vợ không sờn cả hai.
     Thoại Sơn thì đặt tên ngài,
Bà là tên Tế, lâu dài với song.
     Sông tên bà, núi tên ông,
Thoại Sơn Vĩnh Tế song song miên trường.


Từ nhà biên khảo Ca Văn Thỉnh, có nhận định rằng Nguyễn Liên Phong được Pháp cho vào Nam Kỳ để làm tay sai cho Pháp, để ca ngợi những người theo Pháp, nếu đọc bài thơ về Nguyễn Liên Phong, của Bá hộ Chơn đã làm thơ mỉa mai ông như sau:


Hỡi quan Tuần phủ Nguyễn Liên Phong!

Nợ nước ơn vua chẳng hết lòng.

Giam cấm đã đành thân bị nhuốc,

Công danh chi nữa dạ còn mong!



Qua bài thơ trên và những bài điếu cổ, những nhân vật đã mất ở đất Nam Kỳ, người ta sẽ dễ đồng ý với nhận định của Ca Văn Thỉnh. Thơ của Nguyễn Liên Phong để lại cho chúng ta biết một thời về nhân vật, phong cảnh đất Nam Kỳ thời Pháp mới qua, chẳng khác nào một địa dư chí vậy.



Tài liệu tham khảo:



- Nguyễn Liên Phong Web: vi.wikipedia.org
- Nguy
ễn Liên Phong Web: thivien.net
- Điếu Án Sát Phạm Hữu Chánh Nguyễn Q. Thắng, Văn Học Việt Nam nơi miền đất mới, Văn Học, 2007, tr. 266

866411042017 



No comments:

Post a Comment