Pages

Wednesday, April 5, 2017

Thương quá Sàigòn ngày trở lại ( 2 )



6.
Hôm ra mắt Quán Văn số 41. Đoàn văn Khánh lôi tôi xuống cuối hội trường, chỉ vào một khuôn mặt quen quen và hỏi ông nhớ ai không?
-Rất quen nhưng mà không nhớ.
-Phan văn Quang, nhớ chưa?
Tôi ngượng ngùng nhìn cả hai người và thú thật nhìn rất quen, nhưng nói là nhớ thì ....chưa kịp nhớ ra.
-Ban Mê Thuột, chơi với Hứa Hùng Quý..
-A...phải rồi,  gần 50 năm không gặp mà hỏi nhớ không thì ...thách thức nhau quá.  Nhưng thật sự là quen mặt nhau thật nhiều.
Chính xác là 46 năm về trước, năm 1970 chúng tôi đã gặp nhau trong rất nhiều buổi cà phê, tụ hội, sinh hoạt khi đó tôi và Đoàn văn Khánh cùng ở Ban Mê Thuột.
Quang  vui vẻ trao tặng tập thơ " Gửi Chiều Ra Phố". Thơ của Quang buồn, chất chứa nhiều u uẩn và nhắc nhớ nhiều về vùng đất Tây Nguyên, nơi Quang sống suốt từ đó tới cách đây mấy năm, khi con cái lớn lên  vợ chồng Quang mới quyết định di chuyển về sinh sống ở Saigon.
Trước khi gặp Phan văn Quang,  thì Đoàn văn Khánh đã giới thiệu với tôi một người nữ rất mới mà rất cũ: Chị Carol Kim người tựa gối kề vai với anh  bây giờ chính là một cô bé ngày xưa gặp gỡ và sinh hoạt thanh niên với chúng tôi thời ở Ban Mê Thuột. Khánh nhấn mạnh hãy lưu ý, Kim bấy giờ là một cô bé, cô bé đi theo các chị để đến tham dự các buổi sinh hoạt của chúng ta, và cô bé nhỏ xíu đó chẳng ai nhớ tới đâu. Chuyến về Saigon lần này gợi cho tôi quá nhiều kỷ niệm về một thành phố trên cao nguyên. Cái thành phố mà nắng thì Bụi Mù Trời, mưa thì Buồn Muôn Thủa đã ghi trong lòng tôi những kỷ niệm tuyệt vời của thời thanh niên rực rỡ.
Tôi đổi lên Ban Mê trước, lúc đó Khánh còn đang lội bùn đen ở Đồng Tháp Mười,
Nhớ một ngày đầu năm, Khánh gửi thư lên có kèm bài thơ:
Buổi chiều một mình trên thành cầu
Ném xuống dòng sông tờ lịch cuối
Có phải bây giờ trời đương xuân
Quanh đây không một niềm rạo rực
Trong ta gượng gạo tiếng reo mừng… 
Và kể vừa qua một cơn trọng bệnh, và rất cô đơn, thèm có bạn bè trò chuyện. Cái cô đơn của con người thiếu kẻ tri âm.
Tôi nói với Khánh rằng tôi không thể xin về Đồng Tháp, nhưng nếu Khánh xin đổi lên đây thú vị biết bao. Và Khánh xin Ban Mê Thuột thật.  Đó thực sự là một hạnh phúc mà hai người bạn đem đến cho nhau ở cái tuổi hai mươi. Chúng tôi đã sống hết mình cho Thơ, cho Nhạc, cho đời thường, cho sinh hoạt thanh niên , và cho cả những mối tình vụng về mới lớn.  Những sinh hoạt đó có Phan Ni Tấn, có Lâm Thượng Văn, có Nguyễn Quyết Thắng, có Phan Văn Quang và cả tên người mà hồi nãy Quang nhắc tới: Huynh trưởng Hứa Hùng Quý.
Còn có một người nữa mà cả tôi và Đoàn Văn Khánh đều tránh né không dám nhắc tới với nhau, bởi vì lúc đó, còn hẹp hòi cho rằng cái tên đó như một vết thương lòng của tôi, mà Khánh không muốn chạm đến. Nhưng bây giờ,  chuyện đã quá xa, và bình tâm xem lại  thì thấy như một đoạn nghiệp duyên,  cái mà lúc đó tưởng là tình yêu, thực ra cũng chỉ là những cảm xúc nhất thời.
Hãy gọi tên cô ta là Hòa Bình, Hòa Bình là một huynh trưởng trong sinh hoạt thanh niên mà tôi và Khánh cùng tham gia. Hòa Bình có một người tình, đó là Vinh,  Vinh là sinh viên trường Sư Phạm. Bất ngờ hai đứa chia tay, Vinh nói với Hòa Bình là "Anh đã nghiệm lại, và thấy rằng anh không yêu em, và anh cũng không muốn tiếp tục nói dối là yêu em, thôi mình chia tay đi."
Hòa Bình rơi vào trạng thái hoảng loạn và buông thả. Gần như cặp bồ  tứ tung,  nay ông này mai ông khác, và lại cố tình phô trương chuyện cặp bồ  đó để cho trả thù Vinh .
Thành phố nhỏ xíu, gần như ai cũng biết nhau, nên những việc Hòa Bình làm ảnh hưởng tới tổ chức thanh niên mà chúng tôi sinh hoạt, một vài phụ huynh tỏ vẻ e ngại về đạo đức của huynh trưởng, cho nên với danh nghĩa Liên Đoàn Trưởng, Hứa Hùng Quý triệu tập một buổi họp và tìm biện pháp khắc phục.
Có ý kiến đuổi Hòa Bình ra khỏi tổ chức, không thể chấp nhận một người có tư cách xấu như thế đứng chung trong tập thể chúng ta. Có ý kiến ngược lại là chúng ta là một tổ chức giáo dục thanh niên, chúng  ta khao khát hướng dẫn thanh niên sống với đạo đức và đào tạo nền móng  cho cuộc sống lành mạnh,  nếu cứ thanh niên nào hư chúng ta đuổi ra , chỉ giữ lại thanh niên tốt thì chúng ta giáo dục ai?
Vậy biện pháp đưa ra là cử một huynh trưởng  đứng ra  tạo cho Hòa Bình một chỗ  dựa ổn định  về tình cảm cho đến khi Hòa Bình tìm được một tình yêu chân chính.
Biện pháp thì có rồi, nhưng ai là người đứng ra thực hiện. Các Huynh Trưởng ngồi chung thì người đã có vợ, người đang có bồ, và người chuẩn bị đám cưới, chỉ còn hai anh chàng độc thân vui tính là tôi và Khánh.
Hòa Bình có đôi mắt to, sáng và đôi mắt biết cười. Tôi tình nguyện làm người nói chuyện với Hòa Bình. Ngay trưa hôm đó tôi đến nhà Hòa Bình và nói với em rằng tôi cần gặp và nói chuyện riêng với em một chút. Hòa Bình gật đầu, chúng tôi đi dọc theo suối Đốc Học, qua khỏi chùa Khải Đoan, tìm một quán cà phê ngồi lại.
Tôi hỏi em, hãy nói cho anh biết, sau Vinh, những người đàn ông quen biết với  em sau này, thực sự em đã yêu ai chưa?
Hòa Bình hai tay chống cằm,  nhìn thẳng vào tôi im lặng một chút, rồi nói rất chậm:  Em có để ý một người.
-Ai Vậy?
-Anh Khánh.
Tôi nhìn ra ngoài sân, buổi trưa nắng ở Ban Mê gay gắt lắm, gió thổi miệt mài cuốn từng luồng bụi đỏ mênh mông trên đường nhựa , trôi tắp vào dẫy vườn cà phê ngút mắt phía xa.  Tôi gật đầu, thôi được, anh chỉ muốn biết tới đó, em để ý tới Khánh thì Khánh cũng sẽ để ý tới em.
Tôi nói lại cho Khánh nghe lời Hòa Bình nói, và bỡn cợt như kiểu bàn giao: Nhiệm vụ của tôi đến đây là hết, bàn giao đơn vị lại cho anh. cả hai cùng cười thỏa mái như một chuyện vui đùa.
Thế rồi bẵng đi, cả vài tuần lễ chúng tôi không gặp nhau, gọi điện thoại cho Khánh , thì Khánh nói Khánh bận trực, hoặc đi vắng.  Cuối tuần tôi ngồi một mình ở Cà Phê Chi Cao , nhìn ra ngã tư buồn hiu hắt, bất ngờ nhìn thấy Khánh chạy xe ngang qua, sau lưng tình tứ  chính là cô gái mắt to tóc ngắn Hòa Bình.
Tôi vừa vụt muốn đứng lên để gọi, vừa cảm thấy có cái gì không ổn trong lòng. Sao vậy ta, chuyện này .....lẽ đương nhiên là phải vậy . Cái việc Khánh đang làm là do chính tôi đưa Khánh mà?  Khánh đang thực hiện điều mà chúng tôi yêu cầu mà?
Nhưng dường như  cái tôi nghĩ và cái tôi muốn  nó không giống nhau......Tôi đi bộ về  mà hoang mang, nghĩa là sao, chính tôi cũng chẳng hiểu được mình.
Tôi có đặt một số câu hỏi cho mình, Phải chăng tôi yêu Hòa Bình?  đặt câu hỏi rồi tôi bật cười, yêu cái gì khi cảm giác rung động khi gặp nhau còn chưa có thì tìm đâu ra  cái "run run như thần tử thấy long nhan " đó.   Hay là ....hay là..... và không tìm được câu trả lời cho mình. Chỉ thấy lòng rộn lên một cái gì rất khó chịu, và bực bội vô cớ.
Tôi chịu đựng cảm giác đó mấy ngày, rồi không nhịn được, nửa đêm tôi gọi điện thoại cho Khánh, nói với Khánh rằng tôi thấy Khánh đi chơi với Hòa Bình... Khánh ngắt lời :
- Thì ông muốn như vậy mà?
- Bây giờ khác,
- Nghĩa là sao?
Tôi cố tìm chữ giải thích cho Khánh nghe cảm giác của mình, nỗi buồn và sự xao động khó chịu và kết luận : thôi, anh chấm dứt vụ Hòa Bình đi.
 Giọng Khánh hơi chùng xuống , rồi khẳng định, Đồng ý,  Chúng ta chơi với nhau đã bấy lâu nay, tôi hiểu ông, ông hiểu tôi tới độ không cần nói ra cũng đã biết ý nhau. Đây là lần đầu tiên ông phải giải thích mà tôi vẫn chưa hiểu. Nhưng không sao, coi như chuyện Hòa Bình sẽ chấm dứt ngay hôm nay.
Sau đó chúng tôi lại vui vẻ hẹn nhau đi uống cà phê, hẹn ra Nguyễn Quyết Thắng nghe nhạc ca hát, hẹn nhau đi sinh hoạt .....nhưng thấp thoáng đâu đó trong tia mắt Khánh tôi bắt gặp một cái gì lúng túng.
Hồi đó, phong trào quán cà phê vườn vừa phát triển ở Ban Mê Thuột.  Tôi được biết có một quán mới mở nghe nói rất đẹp, nằm trong khuôn viên một tòa biệt thự  đầy ắp hoa cảnh, nhạc hay và cà phê chất lượng tuyệt hảo. Cuối tuần , tôi gọi cho Khánh rủ nhau tối thứ bẩy  ghé quán. Khánh từ chối vì đêm đó bận trực.....sau đó Khánh dặn dò, quán đó chắc đẹp và hay lắm, tôi cũng muốn đến, nhưng đi chơi thì phải co bạn, nên  hay nhất là ông cũng khoan tới đó,  Chủ nhật tôi rảnh , hai đứa cùng đi hay hơn chứ.  Tôi  đồng ý với Khánh .
Nhưng bất ngờ là khuya thứ bẩy đó, đang nằm thiu thiu sắp ngủ, hai người bạn cùng đơn vị tốc mùng lên  và rủ đi uống cà phê. Uống ở đâu? Ra Thu Vàng đi, quán mới , chắc nhiều thú vị.
Trước cửa quán là cả dãy xe Jeep, xe gắn máy  đậu đầy nghẹt, trong quan tối om, những ngọn đèn nhỏ xíu trang trí  giữa các chậu hoa kiểng  chỉ đủ ánh sáng mờ mờ lên từng cái bàn nhỏ nép vào giữa lá cây và bóng đêm.
Ngồi uống cà phê cả ba im lặng nghe nhạc, nhưng có một âm thanh khác lâu lâu vọng lại từ một cái bàn bên kia bụi cây,  nghe như tiếng khóc , tiếng thút thít những lời rì rầm nho nhỏ.  Rồi tiếng gõ ly ra hiệu tính tiền , chút xíu sau hai bóng người dìu nhau đứng lên rời khỏi quán......tay trong tay , vai sát vai,  tôi không nhìn thấy mặt, nhưng mái tóc ngắn, và vóc dáng người đàn ông thì quen thuộc quá đỗi. Hỡi ơi ....bạn tôi.
Mắt tôi hoa lên, và tay chân run như bị trúng gió. Tôi cố kiềm chế bằng cách dựa ngửa người trên ghế, nhưng lồng ngực đau điếng như bị một cú đấm và cố nén thế nào thì cũng hực lên một tiếng xót xa. Hai người bạn hỏi dồn, chuyện gì vậy, mày sao rồi. Tôi nói nhanh, tao lạnh quá, có vẻ như cảm gió, mình đi về thôi.
Cả tháng trường tôi từ chối không nhận điện thoại từ Khánh, không liên lạc và nhất định không chịu gặp. Nhưng cơ thể phản bội tôi, giữa lúc tôi cần sức khỏe để chịu đựng những tan nát trong lòng mình thì cũng là lúc con vi trùng sốt rét hoàng hành. Người tôi lúc thì như lửa đốt, lúc thì như trong hầm nước đá, và tôi thiếp đi mê mệt vào một lúc nào đó tôi không biết .
Khi tôi tỉnh dậy, đang nằm trong bệnh viện, trên người còn những dây truyền nước biển, mắt mờ mờ nhìn chung quanh thì hình dáng đầu tiên tôi thấy là Khánh. Khánh bước tới đưa tay sờ vào trán tôi, rồi nắm lấy tay tôi.
Tôi nói thều thào, anh về đi.
Khánh vẫn nắm chặt tay tôi và nói nhỏ
-Tôi về ngay bây giờ, Tôi tới chỉ để nói với ông hai điều, và tôi nói ngay đây. Thứ nhất là sáng hôm qua, Hòa Bình đã rời khỏi Ban Mê Thuột để đi Nha Trang, cô ta sẽ không về lại đây nữa. Thứ hai là những gì ông nghĩ trong đầu là sai lầm và những điều ông nhìn thấy tưởng như chính xác nhưng thực ra nó lại không phải như vậy.  Bây giờ ông đang hồi phục và sẽ khỏe trong thời gian ngắn cho nên tôi sẽ không tới đây và sẽ không bao giờ tự ý gọi điện thoại cho ông nữa.
Khanh ngừng lại một chút, rồi nói tiếp
- Tôi luôn sẵn sàng chờ nghe điện thoại ông gọi, bất cứ lúc nào. Hãy nhớ rõ là tôi chờ.
Khánh bỏ đi và tôi rơi vào trạng thái mơ mơ màng màng.  Thời đó là thời trai trẻ, Sức con trai nên sau khi dứt sốt, tôi bình phục nhanh chóng , đó là khoảng thời gian buồn nhất trong suốt mấy năm tôi ở thành phố cao nguyên .  Những ngày đìu hiu nhìn  rừng cây Cà Phê xanh ngắt, trời trong vắt  và những con lộ đất đỏ mịt mùng:
-Trời xanh như mầu cỏ
Đất đỏ như máu mình
Một chiều đi tản bộ
Mới thấy đời mông mênh.
(thơ ĐVK)
Tôi không gọi điện thoại cho Khánh, và Khánh cũng không gọi điện thoại cho tôi. Nhưng tôi và Khánh có khá nhiều bạn chung ở đây, tôi lảng vảng đến nhà Hứa Hùng Quý, nhà Nguyễn Quyết Thắng, nhà Nguyễn Mạnh Tấn,  nhà Hoàng văn Hiếu với những ao ước ngấm ngầm bất ngờ gặp nhau. Và gặp nhau thật.
Cả hai vẫn làm như giữa hai đứa chưa hề có chuyện gì , ngồi chơi chung một chút Khánh đứng dậy nói với tôi mình đến nhà Thắng đi. Tôi gật đầu đi theo Khánh ra xe.
Tới quán cà phê Thu Vàng, gọi cà phê và không giữ im lặng được nữa. Khánh nói:
-  Tôi muốn nói chuyện với ông, không phải để xin lỗi ông về chuyện vừa qua, vì tôi không có lỗi. Mà chỉ để nói cho rõ một sự thật. Chuyện bắt đầu với Hòa Bình là do ông đề nghị, và chuyện chấm dứt với Hòa Bình cũng là do ông yêu cầu. Nhưng chúng ta sống phải có lý lẽ, chúng ta muốn giúp cô ta ổn định và từ đó tự đứng lên vững vàng bước đi, chúng ta không thể lôi cô ta từ một vũng lầy này để rồi đường đột bỏ đi như Vinh để đẩy cô ta vào một vũng lầy khác, có khi lại sâu nặng hơn. Cho nên tôi thỏa thuận với ông là sẽ chấm dứt, nhưng ít nhất phải có thời gian để rút chứ. Thứ hai là tôi không yêu cô ta, và tôi khẳng định ông cũng chưa yêu cô ta, cái phản ứng của ông chỉ là cái phản ứng của lòng tự ái, Cái tự ái đó cộng thêm lòng kiêu ngạo và thiếu sâu sắc khi suy xét của ông đã đẩy ông vào trạng thái tồi tệ.  Tồi tệ hơn nữa là ông đã đẩy những người yêu quý ông vào cảm giác phạm lỗi , mà họ không hề có. Ông có lỗi.
Khánh kết luận một cách chắc nịch như vậy.
Tôi nhìn Khánh, nhìn những hàng chậu hoa cảnh rực rỡ hoa vàng, và nhìn ly cà phê tỏa hương thơm ngào ngạt và nhẹ nhàng trả lời. cà phê ở đây ngon thiệt.
Hòa Bình biến mất khỏi Ban Mê Thuột, và biến mất trong tất cả những chuyện trò giữa tôi và Khánh. Lòng riêng, tôi vẫn mong được gặp lại em một lần, gặp không phải để tôi hỏi em, mà gặp để tôi có dịp hỏi lại lòng mình là từ đâu, tại sao và như thế nào để tôi gục ngã như vậy. Thế thôi.
Hơn ba năm sau, ở Bệnh Viện Pleku, tôi gặp lại Hòa Bình.  Đôi mắt to đen và lấp lánh tiếng cười đó bây giờ sũng nước mắt.  Hòa Bình lên xin giấy chứng tử cho người chồng vừa tạ thế. Tôi đưa Hòa Bình đi ăn trưa rồi ghé lại một quán vắng ngồi nói chuyện,  Ngồi ôn lại chuyện xưa và tiếc nhớ một thời  trẻ trung cũ. Bất ngờ trong quán mở bản nhạc " Tưởng như còn Người yêu " thơ của Lê thị Ý, nhạc của Phạm Duy:
- Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thủa ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên gió lạnh ơ hờ
Như môi góa phụ nhạt mờ nét son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi để thấy như còn người yêu....
Hòa Bình không khóc, đôi mắt sũng nước chỉ cúi xuống  mặt bàn, nhưng tôi thì khóc, tiếng khóc bật lên bất ngờ tôi không kìm được và nước mắt dàn dụa , tôi thấy mình trôi ...trôi và lênh đênh giữa tầng mây  đang soi bóng mình xuống mặt nước xanh biếc của Biển Hồ.
 Giọng nói của Hòa Bình bây giờ không còn dịu nhẹ ngoan ngoãn như ngày xưa, và cất lên như lời chỉ dạy của người chị với đứa em :
- Đừng con nít nữa, Lâu rồi không gặp, tôi nghĩ N phải người lớn hơn , trưởng thành hơn chứ.  N nghĩ thử coi, có người con gái nào sỗ sàng để trả lời thẳng với câu hỏi mà ngày xưa N đặt ra với tôi  không?  Cái tự cao cộng với thiếu tâm lý, đặt vấn đề không tế nhị  và suy xét ngu muội ấy chỉ có ở một đứa con nít. Tới bây giờ mà còn chưa lớn lên, chưa hiểu được nữa sao?
Tôi cứng người trên ghế và im  câm suốt tới lúc chia tay.  Vạt áo dài đen của Hòa Bình lất phất trong mưa bụi Pleku , khuất dần  vào góc phố ....nhưng chắc chẳng bao giờ quên được trong trái tim tôi.
Đang nói về Saigon, mà mạch văn đưa chúng ta đi xa quá về vùng Cao Nguyên , về  thời gian hơn 50 năm về trước, nhưng  có sao đâu:
Từng góc phố ngát thơm từng ký ức
Mỗi mặt người đăm đắm một riêng tư
Tôi thả tôi về những lối tôi xưa.....
Mang đấu vết của quá nhiều xúc cảm
2/2017
7.
Con đường nối từ khu trung tâm thành phố về miền tây đi theo mé sông, đoạn mở đầu ở quận Nhất tên là bến Vân Đồn, khi tới ngã ba đường Cộng Hòa, chợ Nancy thì đổi tên thành Bến Hàm Tử, sau đó tiếp tục chạy vào tới ngã ba Tổng Đốc Phương thì đổi thành Bến Lê Quang Liêm và chạy tới một ngã ba Kênh Tàu Hủ với rạch Lò Gốm là hết đường.
Bây giờ thì đường mở rộng và chạy thông suốt từ Hầm ngầm Thủ Thiêm vào tới gần xa cảng miền Tây gọi chung một tên là Xa Lộ Đông Tây.  Bản tin trên báo chí ghi là: "Với chiều dài 24 km qua địa bàn 8 quận huyện, đại lộ Đông Tây được đánh giá là con đường "dài 300 năm" bởi nó chạy suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - Kênh Tàu Hủ chạy qua địa bàn các quận 5, 6 và 8, dự kiến ở đây sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn"
Thời đó, khi 18 tuổi tôi đã quen thuộc với con đường này, đạp xe đạp chạy luồn dưới chân cầu chữ Y và thong thả chạy về hướng Chợ Lớn, băng qua những địa danh nhà thương điên Chợ Quán, chợ Hòa Bình, rồi cầu Ba Cẳng, tới cầu Chà Và, rồi vào đường Lê Quang Liêm vắng vẻ chỉ toàn những dẫy nhà kho nối tiếp nhau, tới gần giữa đường thì là nhà Phùng Xuân Mai.
Phùng Xuân Mai là bạn cùng lớp. Mai mập mạp và chân chất. Gia đình Mai có bà nội, mẹ và hai đứa em trai: Hưng và Quý. Mẹ của Mai bị hỏng một con mắt, làm nghề bán tàu hủ chén. (Khác với tàu hủ miếng, gọi là Đậu Phụ). Gia đình Mai sống đạm bạc mà rất đầm ấm. Cái làm tôi ngạc nhiên nhất là ba của Mai có vợ bé, sống ngay trong con hẻm gần đó cùng với bà này và đứa con. Em cùng cha khác mẹ với Mai cũng có tuổi tác ngang ngang với tôi, nghĩa là không phải ông bỏ bà này lấy bà kia, mà song song cùng thời có hai dòng con. Còn bà nội của Mai thì sống với gia đình Mai. Tôi thường lên chơi và ngủ lại nhà Mai vào những ngày cuối tuần.
Nửa đêm tiếng động của nồi niêu vang lên, nhẹ khẽ, nhưng tôi vẫn bật dậy, ra sau bếp phụ với mẹ Mai nhóm bếp, xay đậu nành, bưng bê lặt vặt, và ngồi nhìn nồi đậu nành đến trời hưng hửng sáng là hoàn thành một nồi tàu hũ thơm phức trắng tinh.
Bà cụ thì lúi húi với chảo cơm rang, và thưởng cho tôi một chén thơm phức, sau đó quang gánh bắt đầu một ngày.
Mai dắt tôi đi chơi trong xóm, băng qua con hẻm nhỏ nối Lê Quang Liêm qua Phạm văn Chí, đi tới cuối đường là Hãng Rượu Bình Tây. Hãng Rượu Bình Tây do Tập Đoàn Société Française des Distilleries de l'Indochine (SFDIC) của Pháp khởi công xây dựng năm 1900 và đi vào hoạt động năm 1902, nằm trên một mảnh đất rất lớn, trong đó xây dựng nhiều tòa nhà kiên cố hai tầng kiểu Pháp, mỗi tòa nhà cách xa nhau, chung quanh là cây cỏ rộng rãi. Khi chúng tôi vào đó chơi là giữa năm 1968. Vừa qua tết Mậu Thân mấy tháng, nơi đây vẫn còn đầy dấu tích chiến tranh: Những tòa nhà loang lổ vết cháy, hoang phế, không người cư trú và làm việc, tường và mái ngói chỗ còn chỗ vỡ nát. Theo Hùng, người bạn học với Mai và là con của một nhân viên kỳ cựu trong hãng rượu được cấp một căn nhà trong đó, khi ấy đạn bay tứ phía không biết phe nào với phe nào, tòa nhà này bắn qua tòa nhà kia, cứ thấy cái gì di động là bắn, gia đình Hùng trốn dưới gầm giường, ba bốn ngày đầu còn có cơm, sau đó qua mì gói và kéo dài thêm là nhịn đói uống nước trừ bữa. Hùng kể về một nhân vật khá lạ, đó là một sinh viên đại học ở Saigon, lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi, tức là khoảng 19, 20. Anh ta bị thương ở cánh tay mặt, chân cũng bị thương nhưng nhẹ hơn, không còn cầm súng được, anh ta cố bò ra khỏi một tòa nhà đang là mục tiêu bị tấn công để trốn, bất ngờ sao lại lọt vào mảnh vườn sau lưng nhà Hùng. Má Hùng tìm thấy, rất sợ nhưng lại thương nên bà ráng kéo anh ta vào nhà, lấy khăn ướt lau chùi và băng bó lại. Cánh tay mặt thì hầu như gẫy nên quặt qua một bên, gia đình chỉ lấy vải cũ quấn lại để không lặc lìa chứ đâu có thuốc men gì. Hùng là người giúp anh ta trong việc ăn uống và vệ sinh. Trong thời gian ở đó, anh ta nói chuyện cho biết anh đang học năm thứ hai Đại Học Khoa Học Saigon. Và khi biết Hùng học trung học Hưng Đạo, anh ta cho biết trước đó cũng học trung học ở trường Hưng Đạo và hỏi thăm nhau biết thầy này, thầy nọ... Cả hai cùng mừng như gặp bạn cũ. Anh ta là học trò cưng và sau đó thành đồng chí với một Giáo Sư dạy Văn và có viết sách ở Saigon. Những bài thơ, truyện ngắn của ông thầy nhà văn đó đã là chất kích thích mạnh. Từ lòng kính thầy, qua yêu thương văn của thầy và sau đó gặp gỡ trở nên thân cận với thầy, anh ta đã bỏ nhà vào bưng và đây là chiến cuộc đầu tiên anh tham dự. Anh ta đọc cho Hùng nghe rất nhiều bài thơ của người thầy đó, và cả một số bài thơ của anh ta, nhưng Hùng không nhớ bài nào. Anh ta kể với Hùng là trong khi cố thủ ở một tòa nhà trong khu vực, anh ta đã dùng sơn đỏ viết lên tường những câu thơ của người thầy của mình. Được khoảng một tuần thì đồng đội tìm thấy và đưa anh ta đi. Khi chiến cuộc tan hẳn, khoảng nửa tháng sau, bất ngờ một người tới báo tin anh ta đã chết trong lúc di chuyển về căn cứ, vì họ tưởng gia đình Hùng là thân nhân của người quá cố.
Tôi có lên tòa nhà hoang phế mà Hùng nói và thấy trên vách bài thơ này viết tháu bằng sơn đỏ, như màu máu tươi:
Có những thần linh,
cho đến trọn đời ta không được thấy
Có những con người
Cho đến trọn đời ta không được yêu
Như con sông kia
nước chảy mãi về đông
Ngọn nước xuôi chiều
Thấy những sườn non tươi tốt nhưng không bao giờ gần gũi
Hạnh phúc mơ hồ trong đôi tay chới với.
Cúi xuống dòng song
ôm lấy trời xa
những gì yêu thương dưới đáy lòng ta
và niềm tin tưởng vô biên
đặt lên chót đỉnh.
Vị Giáo sư dạy Văn này lúc đó chúng tôi không biết là ai, nhưng sau này, có dịp đọc thì biết đó là một bài thơ lồng trong truyện ngắn Vàng Tháp Hời. Tác giả truyện này là tác giả nhiều tập truyện, trong đó có tập truyện Bút Máu mà ông ghi là:
"Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác mà trách nhiệm rõ ràng, lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua vì mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi.  Làm cho thiếu nữ băn khoăn sầu muộn, làm cho thanh niên khinh bạc hoài nghi, gợi cho người ta nghĩ vật dục mà quên nhân ái, kêu cho người ta tiếc tài lợi mà xa đạo nghĩa, hoặc cười trên đạo nghĩa của tha nhân, hát trên bi cảnh của đồng loại, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo? Tội ác văn chương xưa nay nếu đem phân tích biết đâu chẳng dồn thành ngàn dãy Thiên Sơn! Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậỵ Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chậm thêm ngày nào!
Lương Sinh nghe xong bồi hồi tấc dạ, trí tuệ xem như minh mẫn hơn nhiều, cơn bệnh do đó lui được khá xa. Sinh đem mấy tập thi tuyển của mình đọc lại từng câu, dò lại từng chữ, thấy toàn là ý bướm tình hoa, phát triển cảm xúc mà xao lãng trí tuệ, tán tụng thiên nhiên mà bỏ mất cảnh đời, trốn tránh thực tại, từ chối tương lai, nhưng nghĩ kỹ vẫn chưa dò được lối máu từ đâu. Bỗng sực nhớ đến những lời phóng bút viết cho quan Tổng trấn, không ghi lại trong thi tuyển, tâm não trở nên bàng hoàng. Ðồng thời bao nhiêu gương mặt hốc hác trong ngày hội chùa lại hiện rõ, mấy cánh đồng trơ trọi, những tiếng thì thầm hai bên kiệu hoa, vẻ người nhớn nhác sợ hãi, những đòn dây trói, mấy dãy nhà giam, lần lượt như sống lại trước mắt. Những cảnh ấy thật trái ngược với những bài tán, bài minh đã viết. Mồ hôi toát ra như tắm, Sinh đứng lên được, quyết định trở lại chốn cũ để tìm hiểu sự thật. "
Người sinh viên chết trẻ đó tên là Lê Anh, trong tập giấy học trò anh ta bỏ quên lại tại nhà của Hùng, có viết thảo một vài đoạn thơ, trong đó nói lên tâm trạng tuổi trẻ thời chúng tôi thật xúc động:
Con lớn lên thấy đời bơ vơ quá
Mẹ cha xa, thầy bạn cũng nghi ngờ
Không chỗ nghỉ chân, không nơi nương tựa
Đời con tha thẩn một mình cùng nỗi nhớ bao la…
Vào lớp học mới thấy mình còn trẻ,
Còn tự do thở hít những hơi tàn...
Nếu đôi lúc nghe giảng bài con ngủ gục
Hoặc reo hò như một chỗ không người
Thầy tha thứ cho con đừng trách phạt
Vì bây giờ không còn chỗ vui chơi
Mãi sau này, khoảng thời gian sau 1975, bất ngờ tôi đọc được bài thơ này trong một đặc san in ấn bằng kỹ thuật ronéo của sinh viên trường Đại Học Khoa Học xuất bản năm 1966. Bài thơ ký tên là LAX.
 Phan Ni Tấn là một nhạc sĩ  Thời gian 1970 ở Ban Mê Thuột, Tấn nhiều lần ôm đàn hát trong các buổi sinh hoạt do cơ sở văn nghệ Con Người chủ trương.  Lúc đó, giữa lúc binh lửa bao trùm hầu hết các thành phố miền Nam, Tâm trang thanh niên là hoang mang, là buồn và mất phương hướng cuộc sống, một bài lục bát của Đoàn văn Khánh được hầu hết anh em thuộc, yêu thích như mô tả được chính mình là bài Hóa Kiếp Tôi. lúc đó đăng trên tạp chí Bách Khoa, Bài thơ này Phan ni Tấn phổ nhạc và thường xuyên hát trong các sinh hoạt anh em, gần như là một biểu tượng cho Tấn lúc bấy giờ, bài thơ như thế này:
Hai tấm ngắn. Bốn tấm dài
Tôi hì hục  đóng quan tài cho tôi
Khuya nay khâm liệm con người
Tôi làm con thú nói cười huyên thuyên
Bò lê khắp cả ba miền
Cần chi cơm áo bạc tiền thanh danh
Cần chi lo chuyện tương tranh
Hiệp thương, hưu chiến, yên bình… vu vơ
Tôi làm con thú khù khờ
Vẫy đuôi hạnh phúc bên bờ vực sâu
Tôi làm cây súng hai đầu
Đong đưa bóng chết qua cầu thế gian
Tấn còn phổ nhạc ba bài hát có chung tựa đề là Bài Ca Học Trò, từ thơ ba người: bài 1 phổ thơ Cao Huy Khanh, bài 2 chính là bài thơ này và bài thứ ba phổ thơ ND, ND là một bút danh về thơ của Phan Ni Tấn. Phan Ni Tấn là một nhạc sĩ có tài. Trước 1975, nhiều ca khúc của ông lưu truyền rộng rãi trong giới sinh viên học sinh. Sau 1975, trong những ngày sống chìm nổi và lang bạt ở Saigon, Tấn đã viết và hát cho bạn bè nghe nhiều ca khúc lạ, mang tính tự sự và rất xúc động. Tôi thích một bài Tấn viết và hát, mô tả chính mình một cách ấn tượng. Đó là bài "Bản Du Ca Cuối Cùng".
Hãy im lặng, nghe Tấn dạo đàn và hát buồn bã:
"Tôi đến từ núi lạ,
hát mấy lời tăm tối,
mang dấu buồn trên dòng cuồng lưu
"
Một bài hát nữa cũng viết và hát cho bạn bè nghe trong thời gian đó là Hamlet.
Bài này lạ vì không phải viết về cuộc đời của chàng Hoàng Tử Hamlet trong truyện của William Shakespeare, mà là một bài thơ phổ nhạc. Bài thơ này do nhân vật Bác Sĩ Zhivago trong tiểu thuyết Bác Sĩ Zhivago của nhà văn Nga Boris Leonidovich Pasternak (1890–1960). Nhân vật Bác Sĩ Zhivago yêu cô gái Lara nhưng gặp nhiều trở lực, nên khi làm việc ở một miền đất xa, giữa cơn bão tuyết, ngồi thắp ngọn nến viết bài thơ Hamlet, không phải nói về Hamlet mà nói về nhân vật được giao nhiệm vụ đóng vai Hamlet trong một buổi trình diễn. Đời như một vở kịch buồn, không muốn làm cũng không được.
“Huyên náo lắng chìm, tôi bước lên sân khấu
Tựa lưng vào cánh gà, tôi cố lắng nghe
Một âm hưởng xa xa từ đâu vọng đến
Định mệnh nào đã dành sẵn cho tôi.
Ôi Allah, nếu có thể, xin cho tôi khỏi chén đắng cay này.
Ý Chúa chấp nhất, lòng riêng tôi vẫn thích, và bằng lòng thủ diễn vai này.”
Tôi với Phan Ni Tấn quen biết nhau đã lâu, nếu nói vơ vào thì là bạn, nhưng thực sự do khoảng cách địa lý quá xa, ít thời gian gặp gỡ, và chưa bao giờ có dịp hai đứa ngồi riêng nói chuyện với nhau, nên cái hiểu biết về nhau rất hời hợt có chăng chỉ là bạn chung, nghĩa là nhiều người bạn của Tấn lại là bạn của tôi. Sau này, Phan Ni Tấn định cư tại Canada và hoạt động rất mạnh trong lãnh vực thi ca và âm nhạc. Từ khi chia tay với nhau một đêm ở nhà Bùi Công Bằng khoảng năm 1977, cho tới nay, chưa bao giờ gặp lại. (Ngoại trừ trên Facebook).
Lần trở về này, ghé lại nhà Phùng Xuân Mai, thì gia đình Mai đã dọn vào trong hẻm. Phùng Xuân Mai lên Phú Giáo - Bình Dương lập nghiệp, lấy vợ và định cư ở đó từ lâu. Mẹ của Mai đã mất, hai đứa em trai còn ở đó, nhưng thật đau lòng khi chỉ còn gặp vợ và con đứa em của Mai, Phùng Xuân Hưng cũng vừa mất. Thật xúc động khi chàng thanh niên con của Hưng ồ lên khi nghe tên của tôi, con biết bác, Bà Nội, Ba con và bác Mai nhắc tới bác hoài...
8.
Tôi nhận được lời mời qua tin nhắn của nhạc sĩ Trần Huân: "Tụi em sinh hoạt vào buổi tối ngày... ở quận Ba. Anh đến chơi với tụi em nhé."
Trần Huân là một nhạc sĩ trẻ, hát hay, đàn giỏi lại thêm bản tính thích sinh hoạt thanh niên nên từ từ anh chàng trở thành đầu đàn của một nhóm Du Ca, lấy danh xưng là Du Ca Saigon.
Tôi mới quen biết với Trần Huân vài năm nay, nhưng tên tuổi của chàng Nhạc Sĩ này thì biết từ lâu. Khoảng năm 1999, ca khúc Họa Mi Tóc Nâu của Trần Huân do ca sĩ Mỹ Tâm trình bày là một ca khúc đưa tên tuổi của Mỹ Tâm lên đỉnh cao, và báo chí cũng như nhiều người thích nhạc đã gọi cô ca sĩ này Họa Mi Tóc Nâu là do cô hát và tạo dấu ấn của ca khúc này trong lòng khán giả.  Một bài viết Tùng Lâm đăng trên News Zing ghi rằng: “Ít ai biết rằng, vị nhạc sĩ có công tạo dựng “thương hiệu” và dìu dắt cô từ những ngày đầu tiên cũng có cùng tên nhưng khác họ. Anh là Lê Trần Châu Huân (Trần Huân).
Là một nghệ sĩ du ca, cái tên Trần Huân dường như rất hiếm hoi xuất hiện trên mặt báo.  Sinh năm 1976, gia đình Trần Huân có nhiều biến động mà sự kiện đáng nhớ nhất là người cha qua đời năm anh mới 8 tuổi.  Trần Huân chủ yếu lớn lên trong nhà thờ với những lời dạy dỗ, bảo ban của các sơ và mẹ. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến âm nhạc của anh sau này."
  Trần Huân kém tôi trên mười tuổi, nên gọi anh là Nhạc Sĩ Trẻ, và thực sự thì anh chính là một thành viên của Hội Nhạc Sĩ Trẻ. Trần Huân đang ở tuổi trung niên , thời của tài năng sung sức nhất, ngay thời điểm này anh đã có trên 50 ca khúc được phổ biến rộng rãi. Các ca sĩ trong nước như Lam Trường, Mỹ Tâm, Việt Quang hay các ca sĩ hải ngoại như Trúc Linh, Trúc Lam, Nguyên Khang, Lương Tùng Quang đều đã trình bày những ca khúc của anh trong các chương trình của Thúy Nga và Asia.  Nhóm Du Ca Saigon sinh hoạt đều đặn đông vui, và còn chung tay tổ chức các chuyến công tác xã hội cứu trợ nhiều nơi. Tuổi trẻ và nhiệt huyết của các bạn làm tôi thèm và nhớ các sinh hoạt của Phong Trào Du Ca ngày xưa, và thèm khát được đứng chung, được đóng góp như một thời tôi đã từng... Tôi gặp Trần Huân mấy lần trong các buổi sinh hoạt Du Ca mà tôi bất ngờ có mặt ở Saigon, và đến tham dự với anh em.
Những buổi sinh hoạt đó rất vui, hào hứng, bởi vì không phải chỉ nghe hát, mà là chúng ta cùng hát, các ca khúc sinh hoạt như  Đường Việt Nam, Về với Mẹ Cha, Người Yêu Tôi Bệnh… Mỗi khi cất lên là cả một rạo rực từ trái tim và những nhịp vỗ tay của đám đông tuôn trào như mạch suối.
Có lần, nghe nhóm hợp ca giọng Nam bài "Đứa Học Trò Trở Về" của Nguyễn Quyết Thắng, tôi nồng nhiệt vỗ tay theo nhịp và ngồi bên dưới nhưng vẫn cao giọng hát theo, hào hứng như  cái thời... ngày xưa đó.
Du Ca, những ca khúc cộng đồng, những sinh hoạt thanh niên, và những ước mơ, khát khao mà tôi mang theo từ thời trai trẻ lúc nào cũng như nằm sâu trong lòng tôi và bỗng nổi lên dạt dào mỗi khi có dịp.
Ngày xưa đó... Tôi gặp Nguyễn Quyết Thắng năm 1969 ở Ban Mê Thuột. Tôi 19 tuổi, mới ra trường và đang làm việc tại bệnh viện. Thắng 20 tuổi, đang bị thương và nằm bệnh viện chờ giải ngũ.
Khuôn mặt trắng trẻo thư sinh, thêm giọng hát trữ tình và ngón đàn Guitar điêu luyện hấp dẫn tôi ngay từ lần đầu tiên nhìn Thắng ôm đàn ngồi hát một mình ở hành lang bệnh viện. Tôi ghé tới gần, ngồi xuống rút điếu thuốc châm mồi và im lặng nghe Thắng hát.
Chúng tôi làm quen với nhau như vậy. Thắng tặng tôi một xấp những tờ nhạc của Thắng quay ronéo, trong đó một ca khúc đã được dùng làm nhạc chính của phim Trường Tôi: ca khúc “Vắt Tay Lên Trán” qua tiếng hát Thái Hiền. Tôi cũng tặng Thắng tập thơ quay ronéo mỏng dính, mà tôi không còn nhớ tên.
Ba hôm sau, Thắng ôm đàn đến và hát cho tôi nghe một bài thơ Thắng vừa phổ nhạc là bài “Giòng Ăn Năn”.
Lúc đó, khoảng giữa năm 1970, Đoàn Văn Khánh cũng vừa đổi lên làm việc ở Ban Mê Thuột. Ba đứa tự nhiên kết nối với nhau thành một nhóm mà tình cảm và kỷ niệm vẫn còn giữ được đến bây giờ.
Trong bài tùy bút “Buổi sơ ngộ thanh xuân”, Đoàn Văn Khánh ghi lại:
"Một tối hạ nồng 1970 trên cao nguyên, hai thằng lính trẻ từ doanh trại ngang qua khu Biệt điện Bảo Đại, thong dong dưới tán mưa không đủ thấm ướt áo quãng đường hơn một cây số thì ra tới trung tâm thị xã. Nhà thờ Chính Tòa vẫn đang lặng thinh với pho tượng Chúa dang rộng đôi tay mong cứu vớt muôn loài thoát khổ nạn chiến tranh. Nguyễn Minh Nữu phục vụ ngành Quân Y tại đây hồi năm trước còn tôi từ một đơn vị tác chiến ở Đồng Tháp Mười mới chân ướt chân ráo xin chuyển lên để quên đi cuộc tình lỡ đầu đời và cái chính là theo lời… rủ rê của NMN – người bạn chí cốt thời niên thiếu – rằng Ban Mê Thuột không phải Buồn Muôn Thuở đâu mà là “hứa địa” văn nghệ bởi nơi đây… Bạn Một Trời. Lát nữa, anh sẽ gặp một tên thương binh, đúng hơn là một nhạc sĩ Du Ca đàn hay hát giỏi. Nguyễn Quyết Thắng cùng tuổi với bọn mình rất… dễ thương!
Buổi sơ ngộ của chúng tôi diễn ra tại nhà bố mẹ Thắng: Quán bánh cuốn Thanh Tùng đường Hai Bà Trưng nức tiếng một thời. Mái tóc dài bồng bềnh phủ gáy. Nước da trắng xanh do nằm bệnh nhiều ngày. Chiếc áo lính thám kích rằn ri hờ hững khoác vai. Giọng Hà Nội rặt thật truyền cảm khi NQT cất cao tiếng hát những bản Du Ca trầm hùng… Cứ thế đan xen giữa nhạc NQT với thơ NMN và ĐVK hừng hực tuôn tràn bất tận đến khi nhìn ra ngoài đường thì đã tới giờ giới nghiêm / cấm quân. Dọc ngang nhiều chiếc xe Quân Cảnh tuần tra hú còi inh ỏi. Từng đốm hỏa châu thay nhau bì bụp nổ và lửng lơ rơi rơi giữa thinh không thắp đỏ rực lên những mảng trời thần chết. Thắng nhờ cô em gái pha thêm café, ấm trà nóng và chúng tôi cùng ngồi đếm tiếng đại bác đì đùng vọng về đợi hừng đông lên…"
Nguyễn Quyết Thắng cũng ghi trong Hồi Ký:
“Ngày 08-08-1971 tại căn nhà của tôi được mệnh danh là "căn nhà của lần bom qua" số 83 Lê Văn Duyệt BMT, chúng tôi gồm 3 người là Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Minh Nữu và Đoàn Văn Khánh  đã ngồi bên nhau thành lập hội văn nghệ lấy tên là: "Cơ Sở Văn Nghệ Con Người" , với mục đích ấn hành các tác phẩm do chúng tôi sáng tác trong khả năng và phương tiện sẵn có, đa phần là quay ronéo. Cũng từ đó tôi có thêm được khá nhiều những người bạn văn nghệ khác tham gia như: Hoàng Ngoan Đồng,  Nguyễn Phương Căn, Xuân An, Lâm Văn Sang , Trần Hoài Thư, Phạm Tuấn Ngọc, Phan Ni Tấn, Lê Hồng Thái , Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Tấn, Trần Bề, Nguyễn Thành Long, …
Những ấn phẩm lần lượt đã được phát hành như:
01- Lá Xanh Đời - nhạc Nguyễn Quyết Thắng.
02- Để Nhớ - tuyển tập Thơ, Văn, Nhạc mùa thu - nhiều tác giả.
03- Kể Cả Cái Chết - thơ phản kháng - nhiều tác giả.
04- Lục Bát Giao Thừa - thơ nhạc mùa xuân - nhiều tác giả.
05- Hát Để Xông Đất Mới Cho Quê Hương - tập nhạc Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Phương Căn, Phan Ni Tấn .
06- Chân Đi Trên Những Ngọn Đèo - văn Nguyễn Minh Nữu.
07- Khoảng Rừng Rất Xanh Trong Hồn - thơ Đoàn Bằng Hữu (Đoàn Văn Khánh).
08- Lục Bát Phượng Hồng - thơ nhạc mùa hạ - nhiều tác giả.
09- Ly Ca - nhạc Nguyễn Quyết Thắng và Du Ca Lòng Mẹ.
10- Thoáng Tình - thơ Thái Trung.
11- Hát Ngợi Ca Tình Nhân - nhạc Nguyễn Quyết Thắng, Đoàn Văn Khánh,
Nguyễn Minh Nữu.
12- Ban mê Và Cung Mi - nhạc Nguyễn Quyết Thắng.
13- Những Ngày Đã Đến - tập truyện ngắn Thái Trung.”
Nhớ về những ngày tháng đó, trong hào hứng của tuổi thanh niên, chúng tôi ngồi và suy nghĩ thật viễn mơ rằng khoảng năm ba năm nữa, khi không còn chiến tranh, chúng ta cũng vừa vượt qua khỏi cái tuổi mới lớn, mỗi người làm việc từ vị trí riêng, sẽ cùng nhau thực hiện một cơ sở văn nghệ liên kết với nhau thành Ấn Quán, Xuất Bản, Thư Trang, Tạp Chí, và Câu Lạc Bộ.  Đã qua rồi cái thời Bút Nhóm, Thi Văn Đoàn, nên chúng tôi đặt tên là Cơ Sở Văn Nghệ Con Người. Thật tiếc là khi chúng tôi (Thắng, Khánh, Nữu) chưa kịp lớn để có cơ ngơi ổn định cùng chung tay thực hiện ước mơ thì đời đã đưa ba đứa đi ba phương trời...
Nguyễn Quyết Thắng là con người hiền hòa, đắm thắm, chơi với bạn bè nhún nhường, thường chịu đựng nhiều hơn. Đời sống rất đạo đức, yêu một người và yêu một đời, cho nên trong nhạc của Thắng thường là một thứ tình cảm trong sáng, nhẹ nhàng và hướng về quê hương đất nước.  Nhưng nói như thế không phải Thắng là người dễ chịu, rất khó tính là khác. Cái gì Thắng cho là đúng thì dẫu có chứng minh thế nào cũng không thuyết phục được, quá lắm, nghĩa là Thắng thấy không thể phản bác được thì Thắng im lặng và ... tiếp tục suy nghĩ theo ý của mình. Trong hơn trăm ca khúc Thắng viết xuống, nhiều nhất vẫn là những ca khúc viết về thân phận con người và tình yêu nồng nàn với đất mẹ. Và thực sự là Thắng rất thành công ở thể loại này. Thí dụ ca khúc “Vắt Tay Lên Trán”:
Nằm vắt tay lên trán, ta nghĩ đến chuyện cuộc đời,
Ngồi bấm đốt ngón tay, ta nghĩ đến chuyện ngày sau.
hay “Hát Từ Tim Hát Bằng Hơi Thở”:
Hãy đến từ lòng người, và đến chính nơi ta
Đến với lòng thật thà, đừng dối trá điêu ngoa
 Hoặc “Đứa Học Trò Trở Về”:
Nhìn diều đang lên cao, nghe sáo trúc reo
Nhìn về nơi phương xa trái tim con nở hoa
Nhìn đàn em thơ qua, nghe chúng múa ca
Nhìn vào lòng thương yêu ngậm lúa thơm quê nhà...
Còn về tình yêu, có lẽ chỉ năm ba bài rất hồn nhiên và cũng rất nhẹ nhàng.  Thắng phổ nhạc thơ của nhiều người, dường như cũng với tiêu chí đó, những lời thơ về thân phận, về đất nước.  Những ca khúc tình yêu đắm đuối thì có lẽ chỉ có trong những ca khúc nhạc của Thắng nhưng người viết lời là Đoàn Văn Khánh hoặc tôi.
Trong khoảng 15 ca khúc viết chung Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Minh Nữu thì chỉ có ba bài là phổ từ thơ, còn lại hầu như nhạc của Thắng viết, đưa qua, và tôi ngồi viết lời xuống theo cảm nhận của lúc mình nghe.
Thú thật là tôi yêu thích những ca khúc viết lời trên nền nhạc của Thắng nhiều hơn các ca khúc Thắng phổ từ thơ của tôi. Tại sao vậy? Tôi nghĩ có lẽ, lúc nhắm mắt lại, nghe tới nghe lui một âm điệu, rồi tới lúc thấm thía, thú vị mới viết lời xuống như một bài thơ hòa được cái cảm xúc của người viết nhạc và chung được cái rung động của chính mình.
Chuyện viết lời trên nền nhạc có sẵn thì trước đó đã có nhiều lắm. Mộng Dưới Hoa mà Phạm Đình Chương phổ nhạc đâu phải là thơ của Đinh Hùng hết, mà chính Đinh Hùng đã ngồi bên cạnh Phạm Đình Chương để viết lời cho nhiều đoạn. Hay bản nhạc của Trần Trịnh đưa Hà Huyền Chi viết lời thành Lệ Đá, sau đó, tiếp tục cảm hứng, Hà Huyền Chi đã viết tới 6 lời khác nhau cho một bài hát.  Và nhất là Hoài Linh (Nhạc Sĩ, không phải Nghệ Sĩ Hoài Linh) đã gần như một người viết lời chuyên nghiệp cho Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Mạnh Phát, Song Ngọc, Nguyễn Hiền, Văn Phụng... đó sao.
Khi gặp và chơi với nhau, tôi đã viết lời khoảng một hai bài, sau đó, nhiều nhất là lần ba đứa quyết định in chung tập nhạc mà tôi có dịp kể lại trên facebook như sau:
Năm 1972, vợ chồng Nguyễn Quyết Thắng - Hồ Minh Chiến vừa mới thành hôn và có một chuyến đi chơi lên Đà Lạt. Lúc đó tôi đang ở Đà Lạt, ngồi lại bên nhau và quyết định làm tập nhạc Hát Ngợi Ca Tình Nhân với 12 ca khúc do Nguyễn Quyết Thắng soạn nhạc và Đoàn Văn Khánh với Nguyễn Minh Nữu viết lời. Bây giờ hồi tưởng lại, hoàn toàn không nhớ nổi là làm thế nào để làm được. Nhớ là nhớ cái kỹ thuật in lúc bấy giờ là Muntilic Ronéo, một kỹ thuật mới toanh, và không phổ biến bên ngoài, chỉ có một máy in nằm trong Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Máy này in ấn ra sao, tôi không biết, nhưng layout trên một tờ giấy giống như giấy stencil, loại giấy để quay ronéo, khác là không cần làm thủng giấy, mà viết lên bằng bút nguyên tử đen. Về loại máy in ấn này, Trần Thị Nguyệt Mai đã bỏ công vào Internet tìm kiếm, và sau đó cho biết đó là loại máy Mimeograph machine. Ngày đó, dù đang đi du lịch, Nguyễn Quyết Thắng cũng ngồi kẻ nhạc, sau đó Trần Văn Nghĩa viết chữ. Tại sao vào đó in được? Tại sao quen Trần Văn Nghĩa để nhờ Nghĩa viết chữ? Trí nhớ mù mờ không nhớ nổi. Tập nhạc in ra, Thắng đem về Ban Mê Thuột và Saigon, rồi tặng khắp nơi.
Sau 1975, Thắng đi Hòa Lan, Khánh ở Ban Mê, tôi ở Saigon qua năm bẩy lần dọn nhà... chẳng đứa nào còn giữ được.
Năm 2013, Anh Phạm Tuấn Ngọc từ trần. Khi soạn lại sách vở cũ trong nhà, Chị Phạm Tuấn Ngọc đưa lại cho Đoàn Văn Khánh một bản mà ngày xưa năm 1973 cả ba đứa ký tên tặng anh Ngọc.
Khi Khánh đưa cho tôi để photo, đã nhiều lần tôi nghĩ tên TRẦN VĂN NGHĨA, chỉ loáng thoáng là một bạn làm thơ có nét chữ rất đẹp, bay bướm mà lại dễ đọc. Nghĩa là ai, ai trong đám đã quen để nhờ, và anh ta giờ ở đâu, ra sao...
Thế mà nhờ Facebook tôi đã tìm ra Trần Văn Nghĩa, là một người làm thơ, cũng là một nhà giáo và đang nghỉ hưu tại Phan Rang. Tuyệt vời nhất khi tôi gửi qua một trang hình chụp và hỏi có phải đây là nét chữ của ông?
Nghĩa xác nhận và muốn có toàn bộ những trang chữ viết cũ.
Hôm nay viết lại để nhớ tới Trần Văn Nghĩa là người có nét chữ tài hoa, gửi tới Lê Hồng Thái là họa sĩ vẽ phụ bản, gửi tới Thái Trung Lâm Văn Sang là người viết lời giới thiệu, gửi tới Nguyễn Quyết Thắng, tác giả soạn nhạc, gửi tới Đoàn Văn Khánh và lưu lại cho chính mình như một kỷ niệm tuyệt đẹp của thời mới lớn. Cùng lúc để nhớ về Huynh Trưởng Phạm Tuấn Ngọc, một người anh đã đi xa.
Rồi tới khi ba đứa ba nơi, Đoàn Văn Khánh ở Saigon, Nguyễn Quyết Thắng ở Hòa Lan và tôi ở Hoa Kỳ. Thắng lại gửi liên tiếp một số bài nhạc nữa, trong đó, tôi chỉ viết lời cho bốn bài.
Kỷ niệm nhớ nhất là một bài tôi đặt tên là Biền Biệt Bóng Trăng Tan. Bài đó viết xong gửi qua Thắng, Thắng trả lời liền: Dâm đãng quá, sửa lại đi. Tôi chới với, im lặng. Sau đó Thắng tự sửa lại mà Thắng cho là ... nhẹ nhàng và thơ mộng hơn. Tôi không phản bác, vì "Sống với một người bạn bảo thủ, thì phải có một người bạn ừ hữ" chứ.
Nhưng là kỷ niệm, nên ghi lại cả bốn câu đó mời các bạn xem chơi:

Tôi viết là:
Một đôi lúc chợt nghe bàng hoàng
Bên đời đã hoang tàn còn ai
Người như khói khăn hài mù tăm
Hương ái ân còn đẫm chăn nằm.
Thắng sửa lại là:
Một đôi lúc chợt như bàng hoàng.
Bên đời đã muôn vàn sầu ai.
Người như bóng mây trời mờ bay.
Hương đắm say còn đẫm trăng gầy.
Kỳ lạ là thấy Thắng tự ý sửa lời mình viết, tôi không buồn giận, mà lâu lâu nghe, lại thấy Thắng sửa lại cũng hay, phải đẫm trăng gầy mới trong sáng và thơ mộng bạn à.
Chơi với nhau gần 50 năm, bây giờ cả ba đứa ở ba phương trời, đều ở gần tuổi cổ lai hy rồi. Suốt bấy lâu chúng ta đã đem tới cho nhau biết bao niềm vui, hạnh phúc và cũng chẳng thể thiếu những lúc buồn giận, bực bội. Nhưng … biết có còn cơ duyên gặp lại nhau lần nữa hay không?
9.
Về đến Saigon là về thăm gia đình, đi thăm lại những nơi chốn ghi đậm nét ký ức của một thời đã qua.  Nhờ đó, tôi chợt khám phá những kỷ niệm suốt thời trai trẻ của tôi ở đó gắn liền với rất nhiều con hẻm nhỏ.  Những con hẻm không thẳng băng mà uốn éo theo từng vách nhà, chạy len lỏi từ con đường này qua con đường khác. Từ phương xa nhớ về Saigon, những hình ảnh trên mạng hiện ra với Nhà Thờ Đức Bà, Chùa Vĩnh Nghiêm, Lăng Ông Bà Chiểu, hay dòng sông cạnh bến Bạch Đằng, cây cầu Chữ Y nên thơ, cảnh nào cũng đẹp và gợi nhớ. Nhưng cái làm cho chúng ta hắt hiu nhớ, trăn trở nhớ và khao khát mong về lại là những con hẻm nhỏ không tên, ở đó có tuổi thơ, có ký ức thời mới lớn, có gia đình, có bạn bè và có cái phần hồn của thương quá Saigon.
Khu Bàn Cờ với con hẻm chính được trải nhựa đặt tên là đường Bàn Cờ. Dọc con đường ngắn này từ Phan Đình Phùng qua Phan Thanh Giản là cả mấy chục con hẻm lớn, rồi các con hẻm lớn này tỏa ra hàng trăm con hẻm nhỏ. Nhà Đoàn Văn Khánh ở khu này. Khi tới chơi với nhau thời văn nghệ thiếu nhi, thì vòng trong xóm là những thành viên của bút nhóm Hàn Mặc Tử có Hồ Hoàn Kiếm, Nguyễn Hoàng Nhung, Lê Hồng Thái, Vũ Chinh...
Lê Hồng Thái là một lực sĩ. Vừa vào hẻm mấy chục thước, quẹo trái là nhà của Thái. Thời đó, Thái hay đứng trước sân tập tạ. Thái còn tham gia một nhóm thể thao tên gọi Kiến Càng. Trong nhóm, Thái chia tay với anh em sớm nhất, rồi mất hút cả mấy chục năm không liên lạc được. Bỗng dưng khoảng năm 2010, có lần Khánh hỏi: “Ông còn nhớ Lê Hồng Thái không?”
- Nhớ chứ, Họa Sĩ và Lực Sĩ.
- Đúng rồi. Mới đây Thái liên lạc được với tôi, hiện giờ đang sống ở Mỹ Tho.
Tôi hào hứng: “Mình đi xuống đó thăm nó đi.”
Lê Hồng Thái đón chúng tôi ở đầu hẻm. (Về Mỹ Tho, bạn lại vẫn ở trong một con hẻm sâu hun hút). Thái đang sống với một người tình làm thơ, và đang chờ xuất cảnh. Chúng tôi kéo nhau ra quán uống cà phê.
Bao nhiêu năm gặp lại, Thái gầy hơn, tóc dài và trắng xóa, chỉ có đôi mắt vẫn còn long lanh và giọng nói chậm buồn. Thái tâm sự:
- Lúc này tao ít làm thơ...
Tôi nói đùa:
- Dành thời gian đi tán gái thôi hả?
Thái gạt ngang:
- Nói bậy không à, dành thời gian cho vẽ và tạc tượng.
- Làm chỗ nào, sao tới nhà không thấy tranh tượng gì cả?
Thái gật đầu:
- Uống cà phê đi rồi tao đưa hai đứa về nhà.
- Ở đâu?
- Sầm Giang.
Lê Hồng Thái khỏe thiệt. Thái chạy xe đạp song song với Khánh và tôi về tuốt dưới quê Sầm Giang, cách trung tâm Mỹ Tho khoảng vài chục cây số, mà chạy bon bon không thở dốc...
Căn nhà của Thái nằm sâu trong ruộng, nhà tranh vách lá. Khánh và tôi bồi hồi xúc động gặp lại chị Huỳnh, vợ của Thái, là cô gái bán quán cà phê Bình Minh ngày xưa ở Bàn Cờ. Chị Huỳnh nhận ra tôi ngay và xưng hô thân tình như cái thời ... 40 năm về trước.
Trong nhà la liệt tranh vẽ và tượng điêu khắc gỗ.  Tuy nhiên, những tác phẩm này thiên về trừu tượng và kén chọn người thưởng ngoạn. Cái đẹp mà tôi cảm nhận là mầu sắc phối hợp điêu luyện và bắt mắt. Có điều, tiếc thay, vì khó khăn tài chính, nên tranh thì vẽ trên giấy, mầu thì sử dụng sơn xây dựng, còn đa số các tượng, phù điêu cũng được thực hiện từ bất kỳ loại gỗ nào mà bạn tìm thấy được.
Ở chơi với Lê Hồng Thái một buổi mà lòng xót xa buồn, thương bạn mình, thương một tài năng không có điều kiện phát triển.
Bạn cũ mấy chục năm gặp lại, xúc động thì nhiều mà nói với nhau chẳng được bao nhiêu. Chỉ nhớ Thái tâm sự, “Nếu lúc đó tao biết mày và Khánh ở Ban Mê Thuột thì tao cũng đã xin lên đó rồi. Sống ở Phan Thiết một mình buồn chán biết bao nhiêu.”
Chia tay với Thái bên bờ kinh Long Định mà lòng tôi như muối xát khi nhìn người bạn Lực Sĩ ngày xưa, nhà Điêu Khắc bây giờ mà tâm hồn hết sức nhạy cảm, nước mắt ràn rụa khi cả ba đứa bồi hồi ôm nhau tạm biệt.
Khi về lại Saigon, tôi có ý định giới thiệu một người bạn cũ yêu nghệ thuật giúp Thái bằng cách mua lại tất cả những gì Thái đã làm, để Thái có tiền mua sơn dầu, khung vải thực hiện tranh. Tiếc thay, những điều kiện hai bên không thỏa thuận được.
Bây giờ, điều kiện sáng tác của Lê Hồng Thái khá hơn. Thái đạt một số giải thưởng, có điều kiện triển lãm tranh tượng và nổi tiếng ở cả khu vực miền Tây...

Con hẻm mà tôi ghi nhớ hoài là con hẻm vào nhà Trần Dzạ Lữ nằm ở gần ngã Ba Chú Ía, dài và quanh co, hết quẹo trái rồi quẹo phải… Phải mất vài ba lần quẹo, vài ba lần đưa địa chỉ hỏi thăm mới tìm thấy nhà. Tôi đi tìm Trần Dzạ Lữ khi biết tin Lữ đã về sống ở Saigon sau những ngày trôi nổi và hết sức lận đận, kể cả  chuyện đi ngậm ngải tìm trầm mà trong một bài thơ Trần Dzạ Lữ đã kể:
Nói chung, đám tìm trầm
Vì đói cơm rách áo
Người yêu coi như không
Vợ con là gió thoảng
Chiều nay, qua Ba Lòng
Vì đâu, mà thương nhớ?
Đâu phải dò phong lan
Tim tím chiều mắt ngó?
Cũng không phải chùn chân
Trước núi rừng muông thú
 Nhưng mà cả binh đoàn
Đều rưng rưng nước mắt
Lúc leo qua con dốc
Có tên là “Mạ ơi”.
Tôi và Trần Dzạ Lữ quen nhau năm 1973, cùng thời với Họa sĩ Nguyễn Duy Ninh, và Họa sĩ Nguyễn Phước Bửu Tân.  Sau khi tan khóa học, Lữ, Tân và Ninh cùng về miền Trung, tôi ở miền Nam, và mất dấu chân nhau.  Sau 1975, Trần Dzạ Lữ về Saigon, lập gia đình và ở nhà vợ nằm hút sau một nghĩa trang vùng cổng xe lửa số 6, quận 3. Vợ Trần Dzạ Lữ là một cô sinh viên Đại Học Vạn Hạnh, yêu thơ và yêu Lữ nhiều, chịu đựng gian khổ với một gánh rau muống bán độ nhật để chồng nhẹ lòng làm thơ. Nhờ đó, tập thơ đầu Hát Dạo Bên Đời của Lữ mới đến được tay người đọc vào năm 1995 dù thơ Trần Dzạ Lữ đã xuất hiện nhiều ở các tạp chí văn học như Văn, Khởi Hành, ... từ trước 1975. Khi tôi lập gia đình, mời Lữ xuống, đám cưới năm 1977 là một đám cưới nghèo, cô dâu chú rể nghèo, hai gia đình nghèo và bạn hữu cũng nghèo luôn.  Lữ cầm tay một bao thư có bài thơ mừng đám cưới:

Một điều thú vị nhất
Là lúc hết chiến tranh
Có người lấy vợ hiền
Hát tràn câu ân ái
Mặn nồng ơi ngày cưới
Mùa xuân của đôi hồn
Rất nhiều hoa hạnh phúc
Nở rộ đời tân hôn.
Chàng lên ngôi chú rể
Mộng dàn như trời cao
Nàng môi hồng mắt biếc
Săm se tình cô dâu
i ngày bạn cưới vợ
Ta không có gì hơn
Làm một bài thơ nhỏ
Chúc mừng ngày tân hôn.
Rồi sau đó lại mất tin nhau. Cho tới khi bất ngờ có người báo Lữ đã về Saigon và hiện ở Gò Vấp. Tôi cố đi tìm vì có chơi với Lữ mới hiểu và thương một người làm thơ quá nhiều lận đận. Cuối cùng, sau gần hai tiếng đồng hồ quanh co nhờ người này người kia chỉ đường giống như một chuyến phiêu lưu, mới tìm ra được. Hai vợ chồng không có nhà, cô con gái chỉ ra đường Trần Quốc Toản, nói ba con hiện giữ xe cho một công ty ở đó.
Khi gặp được nhau, hai thằng gọi hai ly cà phê đá, ngồi bệt xuống bậc lề đường.
Trần Dzạ Lữ bản tính trầm ngâm, khuôn mặt khắc khổ và ít cười. Gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, những khổ đau dường như đã bão hòa. Ôn lại chuyện xa xưa, nhắc bạn bè cũ mà cả hai, đứa nào cũng buồn thương cho suốt một thời bão nổi đã qua.  Lữ nhắc đến Nguyễn Duy Ninh, chàng họa sĩ có nụ cười đằm thắm hiền lành nay ở Đà Nẵng, là một họa sĩ nổi danh về Thủ Ấn Họa, có phòng triển lãm và sống bằng tay nghề của mình; nhắc tới Nguyễn Phước Bửu Tân, một họa sĩ tốt nghiệp Mỹ Thuật Huế, bây giờ về ngay thành quách cũ và mở một quán cà phê trong khu vực nội thành Huế…
Bây giờ, có Facebook, kết bạn lại với nhau, nhìn những tấm ảnh mới của Lữ, tươi cười bên những thắng cảnh nhiều nơi, tạ ơn trời, về già rồi Trần Dzạ Lữ đã có chút bình an và nhẹ nhàng.  Lữ nhắn tin với tôi qua Facebook, lần tới về đừng ở khách sạn nữa, về tao mà ở, hiện tao sống có một mình... Chợt nhớ hai câu thơ của Nguyễn Du:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời...
Có đêm ở giữa Saigon, mở nhạc nghe Evil Phương hát bài "Một lần Miên Viễn Xót Xa" của Nguyễn Đức Thành:
Sài Gòn đó, từng con phố nhỏ
Mỗi dặm đường hàng vạn dấu chân con
Nha Trang, Đà Nẵng trời thơ mộng
Nhưng chẳng bao giờ con muốn quên.
Giờ đây, mỗi đứa con lạc loài mỗi nẻo
Đứa Cali, đứa Paris, đứa đèo heo gió hút
Gặp nhau từng hàng lệ xót xa,
Buông những câu chào đôi ba sinh ngữ
Bonjour, Au revoir, Hello, Goodbye
Con gục đầu chua xót đắng cay.
(https://www.youtube.com/watch?v=xzY9BrBPorA)
mà thương quá chính mình một đời chìm nổi.
Căn nhà nằm gần cuối một con hẻm ở đường Nguyễn Tri Phương này tôi đã đến nhiều lần, nhiều tới độ không nhớ đã bao nhiêu lần. Từ những năm đầu thập niên 1970, khi đó Bùi Công Bằng là Ca Trưởng của Đoàn Du Ca Giao Chỉ, đó là một nhóm thanh niên gồm nhiều giáo sư và học sinh của trung học Đắc Lộ có chung sở thích ca hát. Tôi đến đó để gặp khuôn mặt trắng trẻo, đôn hậu và hàm râu xanh mượt mà luôn kèm nụ cười hào sảng. Hơn năm mươi năm qua đi, căn nhà cũ ngày xưa đã sửa chữa tân trang một chút cho phù hợp với thời đại, nhưng vẫn giữ nguyên một trệt một lầu như trước. Cái bàn gỗ dài lên nước bóng bên cạnh cây Piano nằm sát vách, cái kỳ diệu là khuôn mặt xưa dù tóc bạc phơ, hàm râu dài rậm trắng tinh vẫn rộn rã tiếng cười hào sảng, tiếng cười của chàng thanh niên tuổi hai mươi ngày xưa và của ông già gần bẩy mươi với đàn cháu nội ngoại bây giờ ... sao vẫn như chẳng có gì thay đổi!
Lần này tôi trở lại căn nhà đó với Đoàn Văn Khánh. Trong chuyến đến thăm lần trước, Bùi Công Bằng nói yêu thích thơ của Phạm Cao Hoàng. Và khi biết tôi quen và gần nhà Phạm Cao Hoàng ở Virginia, Bằng nói, nếu được, ông xin Phạm Cao Hoàng cho tôi một tập thơ. Khi nghe tôi kể lại, Phạm Cao Hoàng nồng nhiệt lấy tập thơ mới nhất ghi lời tặng và nhờ tôi chuyển đến bạn.
Bùi Công Bằng trân trọng cầm tập thơ và tâm sự: “Phạm Cao Hoàng và mình chưa từng gặp mặt, nhưng mình thích thơ Phạm Cao Hoàng vì cái phong cách điềm đạm, cái tình yêu đằm thắm và một cái gì đó bí ẩn giấu kín giữa hai dòng chữ trong thơ của anh.” Hay thật, Bằng và Hoàng là hai người bạn của tôi từ hai phương trời khác nhau, chỉ qua thơ mà Bằng cảm nhận ra sự gần gũi của con người Phạm Cao Hoàng.
Mà thực sự là vậy. Ngay từ tập thơ đầu "Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn” xuất bản năm 1972 cho đến tác phẩm gần đây nhất, "Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương", thơ Phạm Cao Hoàng vẫn giữ nguyên thần sắc nhẹ nhàng, sâu lắng và đôn hậu như chính con người của ông. Trong thơ, Phạm Cao Hoàng ghi nhận được thiên nhiên kỳ thú bằng cái nhìn mới lạ và tìm ra mối liên quan bất ngờ đầy sáng tạo giữa thiên nhiên và tâm hồn nhạy cảm riêng mình.
Như năm 1972 ông viết:
Núi ngó anh và anh ngó núi
Núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu.
Hay như năm 1985:
Mười năm và mười mùa đông
Người thi sĩ ấy không còn làm thơ
Còn chăng là tiếng ngựa thồ
thở khi lên dốc bụi mờ mịt bay.
Năm 2016 ông viết:
Dẫu thế nào
con cũng trở lại miền trung
nơi mẹ đã ôm con bằng vòng tay của biển.
Những hình ảnh đưa ra thật đơn giản. Vậy mà, qua trái tim mẫn cảm và đầy nhân hậu đó, Hoàng đã ghi xuống những lời thơ xúc cảm làm người đọc xao xuyến khôn nguôi.
Bùi Công Bằng và tôi gặp nhau cùng chia sẻ niềm yêu thích đó.
Chiều thứ bẩy, tháng chín Saigon hay có những cơn mưa, phòng khách nhà Bằng đã bày sẵn một bàn dài với 11 cái ghế, tương ứng với 11 bộ chén bát. Chơi với Bằng đã lâu, người bạn Ca Trưởng gốc nhà giáo này là người tinh tế, hào sảng nhưng thật nghiêm túc. Cách bày biện cho tôi biết trước hôm nay quay tròn trong vòng thân tình này sẽ là 11 người mà Bằng đã chuẩn bị. Sẽ không có khách lạ bất ngờ, và chắc cũng sẽ không có sự vắng mặt bất ngờ của ai nếu đã nhận được lời mời.
Cơn mưa Saigon ào xuống bất chợt, mà những bạn hữu ngày xưa vẫn lần lượt bước vào: Nguyễn Công Tài, Đinh Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Linh, Minh Hương, Đỗ Như Bình, Trần Nhật Vy, Trần Đạt, Hương Giang, cùng với tôi, Đoàn Văn Khánh và Bùi Công Bằng vừa một bàn dài cho buổi tụ hội chờ sẵn.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh vừa qua một cơn bạo bệnh, tạm gọi bình phục với nghĩa từ nằm thiêm thiếp thành ra đi đứng được, người gầy hom hem, chỉ có đôi mắt là vẫn sáng tinh anh, nụ cười nhỏ nhẹ, thế mà vẫn ôm được cây đàn để hát "... những mê đắm rã rời... trong tuyệt vời ký ức..."
Đôi uyên ương Minh Hương-Đinh Việt Hùng say đắm niềm vui khi biết tiếng hát Khôi Nguyên Sinh Viên hồi năm 1975, bây giờ vừa tham dự cuộc thi "Tiếng Hát Mãi Xanh" và vừa đạt số điểm 99/100 để bước vào nhóm 9 thí sinh của vòng bán kết. Tiếng hát của Đinh Việt Hùng là tiếng hát của cảm xúc, cái trữ tình trong đó là cái trữ tình của hoài vọng và nuối tiếc khôn nguôi, cho nên ca khúc anh chọn để dự thi là ca khúc Nỗi Lòng, rất đúng với nỗi lòng chất chứa bấy nhiêu năm.
Lần này, ngồi bên nhau, Đinh Việt Hùng ôm đàn, tiếng hát như một dải lụa mềm, mênh mang và trìu mến khi hát Hương Xưa của Cung Tiến, đôi mắt nhìn mông lung và mê đắm gọi mời, "... Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa...."
Nhà báo Trần Nhật Vy làm tôi sửng sốt nhiều nhất. Vy đưa tặng tác phẩm" Saigon chốn chốn rong chơi" và cho biết đây là tác phẩm thứ 9 của chàng. Từ "Khúc Dạo Đầu", tập thơ đầu tay năm 1987, chàng thanh niên thanh mảnh với những bước chân lãng tử ngày nào đã lần lượt làm việc miệt mài cho các tác phẩm tiểu thuyết, biên khảo, ký sự... tạo một tên tuổi được nhiều người biết đến ở Saigon. 40 năm thật tuyệt vời cho những bước đi của chàng tuổi trẻ.
Nguyễn Công Tài, Đỗ Như Bình cũng vậy, những khuôn mặt trắng hồng thanh niên xưa đã từng trải phế hưng cuộc sống để ngày nay ngồi lại bên nhau với mắt sáng môi tươi tiếng hát hòa nhau trong từng ca khúc sinh hoạt ngày xưa.
Họa sĩ Trần Đạt lần đầu đến chơi, chàng Họa Sĩ được đưa vào kỷ lục Việt Nam với tài năng vừa hát vừa vẽ ký họa chân dung nhanh nhất. Không tốt nghiệp một trường đào tạo nào cả, nhưng Trần Đạt kể rằng mình biết vẽ trước khi biết chữ. Cuộc đời trôi từ môi trường này qua môi trường khác, từ mọi vị trí của mình, Trần Đạt đều đắm mình vào những nét đan thanh. Ký họa là nghệ thuật đặc biệt, bằng một nhạy cảm tinh tế, người vẽ bắt gặp tính cách của đối tượng qua một tia mắt, cái nhíu mày, độ cong vênh trên khuôn mặt để rồi ghi nhận được cái riêng tư kỳ lạ khác nhau cũa mỗi con người. Người ta gọi là vẽ được cái thần thái. Tôi thực sự nghĩ rằng Trần Đạt khi vẽ ký họa chân dung là khi ông lênh đênh vào một cõi khác, ở đó, cái tài hoa của người Họa Sĩ được phối hợp với cái gì khác cao hơn nữa như đang lên đồng, để rồi thể hiện trên tờ giấy đường nét xuất thần.
Hôm đó, vừa hát tình ca, vừa nhắm hờ đôi mắt, tay thoăn thoắt phác thảo, Trần Đạt ghi lại nét kiêu bạc của Bùi Công Bằng, vẻ hiền dịu của Hương Giang, chút u uẩn của Minh Hương, nỗi lòng trăm mối của Đinh Việt Hùng, tia tinh nghịch của Trần Nhật Vy và cả sự đắm đuối ôm đàn của Nguyễn Công Tài. Tôi không nói Trần Đạt vẽ ký họa chân dung giống hệt như hình chụp mà tôi nói, ký họa chân dung của Trần Đạt là những nét điểm xuyết cực kỳ tinh tế mà ai nhìn qua cũng thấy được cái rất riêng tư của mỗi con người.
Căn nhà nhỏ ở gần cuối con hẻm đường Nguyễn Tri Phương này đã ghi lại trong tôi biết bao điều kỷ niệm; và hôm nay ngày 17-9- 2016 lại ghi thêm dấu nhớ cho thời thanh niên rất quý, mà như một người bạn làm thơ đã ghi lại:
"Nơi đây từng có một thời
Bừng bừng nhạc dậy, lời lời thơ reo"
Hai câu thơ của Nguyễn Tri Thứ không phải ghi về căn nhà đó, mà ghi về một điểm khác. Nhưng với tôi, nơi nào có bạn bè, nơi đó có tình thân và nơi đó cũng là nơi Từng Có Một Thời.....
10.
Bữa cơm trưa ở Saigon Quán vào ngày 20.12.2015 không ngờ là lần cuối cùng tôi gặp Đinh Cường. Buổi trưa đó, khi cùng Phạm Cao Hoàng đưa Đinh Cường về nhà, ông không còn xuống xe đi từng bước ngang qua khoảng sân cỏ vào nhà nữa, mà từ bên hông nhà, Đinh Trường Giang đi nhanh ra đón ông, dìu ông đi từng bước chậm theo con dốc để vào nhà bằng lối sau. Nhìn dáng đi liêu xiêu của ông xuống con dốc nhỏ vào nhà, trước mặt là cánh rừng Natick mùa đông cây khô trụi lá, lòng tôi buồn hiu hắt.
26.12.2015, tôi cùng gia đình về Việt Nam, đem theo trong hành lý hai món quà Đinh Cường gửi về cho Hoàng Kim Oanh và Elena Trương, mang theo trong lòng mình lời dặn dò của Đinh Cường: "Ông đi cuối tháng giêng về nhe, giữa tháng hai ông đi với tôi về triển lãm tranh ở Saigon đó".
Mười ngày sau, khi đang ở Saigon, tôi bàng hoàng nhận được tin Đinh Cường qua đời.  Vậy là cái hẹn triển lãm tranh ở Vincom không làm được, vậy là khao khát có những buổi thảnh thơi ngồi quán cà phê nhìn qua nhà thờ Đức Bà không làm được, vậy là muốn "Tôi về đứng ngẩn ngơ" cũng không làm được... Tháng cuối năm giáp tết Nguyên Đán ở Saigon trời nắng như thiêu đốt, tôi đứng trên lầu cao nhìn dòng người như thác đổ di chuyển dưới đường mà mặt nhòe đi, thèm quá và nhớ quá cơn gió hắt hiu của khu rừng Natick. Anh Đinh Cường ơi, anh không về được Đơn Dương trước ngày vĩnh biệt thì tôi sẽ về, anh không về Lạc Lâm để "đứng ngẩn ngơ" thì tôi sẽ về, về như để nhớ đến anh, "người thi sĩ của hoài niệm".
Khoảng 15 năm trước, thời điểm những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khi đó Phở Xe Lửa còn sầm uất lắm. Anh Nguyễn Thế Toàn, chủ nhân của Phở Xe Lửa, với nụ cười ý nhị và sảng khoái đón bằng hữu khắp nơi ghé về ăn tô phở nhà thơm ngon và ly cà phê pha theo kiểu miền Nam Việt Nam đậm đặc. Cái bàn tròn nằm sát vách là nơi dành riêng cho các thân hữu, nơi bàn này, khách ghé tới là những người mà ông Toàn khẳng định là " bạn tôi" với giọng Thái Bình đặc sệt và kéo dài.  Khách ghé đây có thể đã no bụng vì đã ăn món gì đó từ nơi khác, cũng có thể chẳng uống một ly cà phê nữa, nhưng vẫn được ông Toàn nồng nhiệt pha một ấm trà nóng thân thiện mời chào, khác hẳn với những thực khách khi vào ngồi ở các bàn khác, vào là phải kêu món ăn, phải gọi nước uống. Ở bàn này, tôi đã gặp gỡ với rất nhiều những tên tuổi văn học nghệ thuật từ khắp nước Mỹ ghé về vùng Hoa Thịnh Đốn. Hầu như ai cũng nghĩ rằng về tới Hoa Thịnh Đốn mà chưa ghé lại Phở Xe Lửa thì chưa đủ. Không phải riêng nước Mỹ đâu, mà ở cái bàn này, tôi có dịp gặp rất nhiều tên tuổi từ Úc, Pháp, Hòa Lan, Đức, Bỉ, Đan Mạch và cả từ Việt Nam nữa. Chỗ ngồi đó là nơi gặp gỡ nhiều người, nhưng thường xuyên ghé tới mỗi ngày là bạn hữu trong vùng chúng tôi, bây giờ nhiều người không còn nữa như Giang Hữu Tuyên, Huyền Trân, Phan Nguyện,  Ngô Mạnh Thu, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Xuân Hoàng, Quỳnh Giao,  Lê Thiệp, Vũ Ánh...
Cũng từ góc bàn này, tôi nhìn thấy Đinh Cường lần đầu. Tranh và tên tuổi của Đinh Cường thì tôi nghe và yêu thích từ những năm còn ở tuổi mới lớn. Hồi đó, khi đang học những năm chót của bậc trung học, chúng tôi đã có nhiều lần bỏ lớp ra ngồi quán cà phê nghe nhạc Trịnh Công Sơn và chuyền tay nhau những tập nhạc hình vuông, nhạc Trịnh Công Sơn với tranh bìa và phụ bản của Đinh Cường. Khi lớn hơn chút nữa, bước vào đời lính và  làm thơ gửi đăng báo, có lần  cả bọn ngồi với nhau và nói đùa rằng chẳng cần làm thơ hay, chỉ  làm sao đạt được bốn điều sau đây thì sẽ nổi danh: có thơ in ra với An Tiêm xuất bản, Tạ Tỵ vẽ chân dung, Phạm Duy phổ nhạc và Đinh Cường vẽ bìa.
Họa sĩ Đinh Cường mà tôi gặp ở Phở Xe Lửa hồi đó là một người ít nói, cũng không phải là người hay cười, nhưng nhìn là có cảm tình vì tia mắt thân thiện và khuôn mặt tươi tắn. Mỗi tuần anh đều ghé Phở Xe Lửa một vài lần, có khi là đến để hẹn gặp một ai đó, có khi đến để ăn một tô phở nóng và trò chuyện thân mật với mọi người. Thường thì anh đi với một người bạn: nhà văn Phạm Thành Châu. Phạm Thành Châu hay nói đùa rằng: “Người ta gọi Đinh Cường là Đại Họa Gia, và gọi tôi là Tiểu Thuyết Gia, cho nên gọi ngắn gọn thì đây là ông Đại và tôi là ông Tiểu”.
Năm 2004, tôi dự định in tập thơ đầu tay. Tôi nói với Giang Hữu Tuyên là tôi muốn có một bức tranh của Đinh Cường để làm bìa, và nhờ Tuyên nói với anh Cường giùm. Tuyên ngạc nhiên hỏi sao ông không xin anh Cường. Tôi nói mới quen, chưa đủ thân tình, tôi sợ anh Cường từ chối. Tuyên lắc đầu và cho tôi biết rằng có những người làm thơ lạ hoắc từ tiểu bang khác mà Đinh Cường chưa hề quen, nhưng khi ngỏ ý xin bìa  Đinh Cường đều giúp nhiệt tình. Đinh Cường là vậy, anh yêu quý và trân trọng tất cả những người hoạt động về nghệ thuật.
Dù Giang Hữu Tuyên nói vậy nhưng tôi vẫn không tự tin nên nhờ Tuyên đưa tôi đến nhà Đinh Cường.
Đúng như Giang Hữu Tuyên nói, Đinh Cường vui vẻ nhận lời và đưa tôi một loạt tranh mới vẽ để tôi chọn. Tập thơ của tôi có tựa đề là LỜI GHI TRÊN ĐÁ. Đinh Cường đưa tôi một bức tranh màu xám trông giống như một vách đá dựng với một mặt trời vỡ đôi và khuôn mặt người màu đen trầm mặc. Ông lấy màu xanh dương vẽ thêm như một dòng nước biển, rồi ký tên, ghi tặng tôi bức tranh. Khi đưa tôi và Tuyên xuống tầng hầm, Đinh Cường nhẹ nhàng chỉ vào những bức tranh treo trên vách: tấm này vẽ Trịnh Công Sơn hồi năm 68, tấm kia là Bùi Giáng  hồi năm 70, tấm nọ ký ức với Nguyễn Đức Sơn năm 73..... đây là các số Sáng Tạo cũ, kia là tập san Văn ... những lưu trữ và quẩn quanh trong đời sống thường nhật của Đinh Cường là những kỷ niệm, những tình thân nồng nàn ông giữ lại từ bằng hữu. Trong lúc tôi và Tuyên chăm chú xem từ cái này qua cái nọ, Đinh Cường đã ngồi xuống bàn và nhanh chóng phác thảo chân dung tôi. Cầm trên tay bức tranh làm bìa và bức phác thảo chân dung, tôi run người vì cảm động. Tôi hiểu tấm lòng của người họa sĩ tài ba và tôi hiểu thêm cách đối nhân xử thế rất tinh tế của một đàn anh trong văn nghệ.
Sau lần gặp gỡ này, tôi có dịp gặp anh nhiều hơn, khi thì cà phê Starbucks, khi thì đi ăn tối cùng nhau.
Đinh Cường là một họa sĩ nổi tiếng từ nửa thế kỷ nay. Tranh của anh có một phong cách riêng, sang trọng và huyền ảo, khồng cần có chữ ký người yêu tranh vẫn có thể nhận ra nét vẽ của Đinh Cường. Tôi rất thích nhận xét của Đỗ Xuân Tê về tranh Đinh Cường:
 "Vẫn chiếc áo dài truyền thống décolleté, vẫn mái tóc nửa thề nửa thõng, ít khi cắt ngắn, vẫn đôi mắt hơi ướt đượm buồn, dù đứng, dù ngồi, dù nằm, dù tựa dù dựa vào nhau, trong quán cà phê hay ngoài công viên, bên bờ sông Hương hay trên sườn đồi Dran, giữa cảnh thu về miền Virginia hay cảnh tuyết rơi bên hồ vùng Đông Bắc, những phụ nữ trong từng tác phẩm vẫn thể hiện được những nét riêng mà tài tình ở chỗ qua ánh mắt, khóe miệng, vầng trán, ngấn cổ, vòng tay, bàn tay, ngón tay, bộ ngực, vòng vai tưởng chừng như cùng khuôn đúc nhưng vẫn tráng lên những nước men lạ làm cho người đàn bà trong tranh của Đinh Cường mang dấu ấn của một phụ nữ huyền thoại có thể là chỉ sáng tạo cho riêng anh mà sau này lại là của chung cho giới hâm mộ, nhưng độc đáo ở chỗ không ai có thể bắt chước trong sáng tác và cũng không thể lặp lại hoàn toàn bằng chính tác giả trong những tác phẩm sau."
Từ vài năm nay Đinh Cường có thói quen ghi nhật ký thơ hằng ngày... Thật ra, anh làm thơ rất sớm - ngay từ đầu những năm 60 anh đã có thơ đăng trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn.
Không phải chỉ trong những trang nhật ký thơ mà Đinh Cường viết xuống mỗi ngày, mà ngay trong trò chuyện, lúc nào cũng là những cảm xúc nối tiếp nhau với một trí nhớ tuyệt vời.  Lãng đãng trong Đinh Cường là những đồi thông bạt ngàn của Dran, Bảo Lộc với những khuôn mặt bạn bè và những kỷ niệm ở đó:
"luôn nhớ con đường chạy về Trại Hầm
Trại Mát - Đa Thọ - Cầu Đất - Trạm Hành
đến Dran, qua đèo Eo Gió xuống Sông Pha
ôi một thời suốt đêm ngồi nghe gió hú
suốt đêm chong ngọn đèn khuya
vẽ cho tới sáng, thời ấy còn đâu
sao chiều nay trong quán Le Blédo nhớ lại
như Nữu nhớ thời nhà binh ở Ban Mê Thuột 
Phạm Cao Hoàng nhớ thời dạy Trạm Hành
tôi nhớ Đơn Dương thời ham mê cô tịch
giữa núi rừng chỉ thấy trăng sao
chỉ có trăng sao là đáng kể, lấp lánh đôi mắt em*"
(Chiều thứ bảy ở quán Le Blédo)
______________________
(*)  ý thơ Thanh Tâm Tuyền
Dòng suy tưởng của Đinh Cường luôn luôn đưa anh về với ký ức, và là một ký ức thật đẹp, nối liền nhau từ hình ảnh này qua hình ảnh khác, từ đang ngồi vẽ một đàn chim bay, bất ngờ liên tưởng tới một người bạn cũ là Tô Mặc Giang, từ đó nhớ qua Diên Nghị, Kim Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Trịnh Công Sơn, Tạ Tỵ, Huy Phương...
Đinh Cường có một trí nhớ rất đặc biệt. Anh nhớ từng chi tiết của những câu chuyện cũ cách đây cả nửa thế kỷ. Có lần, trên xe anh hỏi tôi có coi chương trình Thúy Nga mới không, tôi nói có. Đinh Cường cười và nói với tôi rằng ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói sai một chi tiết nghệ thuật: bức tranh "Chúng ta đi mang theo quê hương" là một bức tranh đẹp, từ tác phẩm tới cái tên, và sau này cái tên của bức tranh đó được sử dụng cho một chương trình ca nhạc, bức tranh đó không phải của Nguyễn Gia Trí như lời ông Ngạn nói, mà là của Phạm Tăng, vẽ và làm bìa cho số xuân nhật báo Tự Do xuất bản tại Saigon năm 1956. 
Cái thú vị là những kỷ niệm nào của Đinh Cường cũng là những kỷ niệm đẹp, ngát thơm từ ký ức, là những chí tình bằng hữu cho nhau.
Tôi lên đến Đà Lạt lúc ba giờ khuya. nghỉ tạm ngoài phố rồi sáng hôm sau ghé Nguyễn Dương Quang. Khi tôi đến, Nguyễn Dương Quang vừa ngủ dậy, ân cần mời vào nhà. Nguyễn Dương Quang có dáng dấp của một hào sĩ giang hồ một thời ngang dọc.  Tôi gặp Nguyễn Dương Quang lần này là lần thứ ba nhưng biết về nhau thì nhiều lắm vì Quang là bạn thân của những người bạn thân của tôi. Nhớ đến Phạm Cao Hoàng khi nói về Nguyễn Dương Quang với bài thơ nổi tiếng "Đêm cuối năm viết cho Má" và mô tả đó là "một con người cương trực thẳng thắn, nhanh nhẹn, tháo vát, sống đàng hoàng, và đặc biệt chơi với bạn rất tốt".
Trò chuyện một lát, tôi cho Quang biết chỉ ghé thăm nhanh rồi tôi còn phải đi Đơn Dương.
- Đi Đơn Dương chi vậy, có người quen ở đó à?
- Không, chỉ là muốn đến thị trấn đó để nhớ về một người.
- Đinh Cường?
Tôi gật đầu. Quang cho biết thời gian Đinh Cường nằm xuống thì bên này ông cũng chịu một cái tang lớn, thân phụ của ông cũng vừa lìa trần. Là con trai duy nhất của dòng họ, tang lễ lại làm từ miền quê xa nên vợ chồng ông chạy tới chạy lui đuối sức.
Khi đó, chị Thái Hồng từ trong bước ra chào hỏi, tôi ồ lên vui vẻ, hỏi Nguyễn Dương Quang có phải đây là nguồn gốc của hai câu thơ:
"Vói tay cao hết sức mình
Níu cao nguyên xuống để nhìn thấy em." (1)
Quang cười, quay lại hỏi chị Hồng, "Anh Nữu muốn đi Đơn Dương thăm lại vùng đất thiêng của Đinh Cường, bà nghĩ coi chiều nay mình đi được không?"  Chị Hồng cười, "Ông hỏi vậy là ông cũng muốn đi phải không? Ông muốn đi thì mình cùng đi."
Quyết định của Nguyễn Dương Quang làm tôi bất ngờ. Tới thăm Quang và gửi Quang mấy cuốn thơ mà ông mới in bên Mỹ là xong. Nhưng ngồi nói chuyện mới biết thêm cái giao tình của ông với Đinh Cường đằm thắm hơn nhiều. Tuyển tập về Dran "Tự Tình Cùng Sương Khói" mà Nguyễn Dương Quang và Nguyễn Sông Ba làm vừa rồi chính là thực hiện ao ước của Đinh Cường. Cho nên cái ý tưởng đi Đơn Dương như một cách tưởng nhớ tới Đinh Cường làm  Quang quyết định tham gia chuyến đi. Quả là con người hào sảng, chí tình và hết lòng vì bạn. Người lái xe là con trai lớn của Nguyễn Dương Quang tên là Hòa. Hòa cao to, khuôn mặt góc cạnh và hiền, ít nói, nhưng cách cư xử tỏ ra người tế nhị, thương yêu Ba  Mẹ và quý trọng bạn bè của Ba Mẹ. Hòa chọn một lộ trình đi và về không giống nhau, nhằm giúp người phương xa có dịp nhìn Đơn Dương từ nhiều phía. Cám ơn Hòa.
Đơn Dương với tôi chẳng những xa mà còn lạ nữa. Chưa bao giờ đến Đơn Dương dù nghe nói thật nhiều.
Đơn Dương có tên từ năm 1958 khi thành lập tỉnh Tuyên Đức nhưng nhiều người vẫn quen gọi theo tên cũ là Dran. Dran là một thị trấn nhỏ nằm ven hồ Đa Nhim. Khi xe chạy quanh co trên đèo từ Đà Lạt xuống, Hòa dừng lại và chỉ cho chúng tôi nhìn xuống thung lũng, nơi đó xanh ngắt mặt hồ Đa Nhim bên cạnh là những dãy nhà  nằm uốn theo sườn đồi thoai thoải, phong cảnh như một bức tranh. Đẹp quá, chúng tôi xuống xe, đứng nhìn mê mải và nhớ:
Một mình ta và trời đất rộng
Ôi chiều lạnh lùng chiều Đơn Dương
Những trái su xanh trên giàn rẫy đó
Hãy ngả mũ chào một bầy két hoang
(Đinh Cường - Cho những trái su xanh)
Nhìn Dran từ trên cao, nhìn mê đắm không muốn rời đi.  Nguyễn Dương Quang nhắc tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm rồi đi, còn phải ghé qua Trạm Hành, Cầu Đất, Lạc Lâm, và cả con đường đi sâu vào Kado, nơi ngày xưa Đinh Cường và Trịnh Công Sơn một thời lang bạt. Chúng tôi lên xe chạy ngang qua nhà thờ Lạc Lâm, dừng lại để nhìn thấy ngọn đồi phía sau nhà thờ, nơi dựng cây thánh giá trắng đã in dấu nhiều lần trong tranh và cả trong thơ Đinh Cường nữa:
Đêm trở lại Dran phố chợ lên đèn
rừng thông đứng ngóng mây về che phủ
...
ngang qua Lạc Lâm một thời rẫy bái
đồi Golgotha thánh giá trắng trên cao
tháng mười một gió từng cơn lạnh
rời xanh đen ửng rạng mấy vì sao.
(Đinh Cường - Đêm trở lại Dran)
Quang chỉ cho tôi một khu nhà làm bằng gỗ và nhắc:
Ví dụ tôi đến căn nhà gỗ thông
ở Lạc Lâm tìm dấu tích xưa
không thấy bình trà đất nâu
mấy ly vàng ố, cái tàn thuốc
lâu ngày không đổ...
...
Ví dụ tôi trở lại không còn giàn su xanh
chiều Lạc Lâm mưa buốt tháng mười hai.
...
Ví dụ tôi về đứng ngẩn ngơ
mây núi buổi chiều bay xuống thấp
như tóc em khuôn mặt em buồn
lâu rồi chưa về lại Đơn Dương.
(Đinh Cường - Bài nhớ Lạc Lâm )
Tôi bước xuống xe và đi lên đồi, Nguyễn Dương Quang nhẹ nhàng kể về cuốn sách vừa thực hiện, tuyển tập thơ văn Tự Tình Cùng Sương Khói.
Dran cách Đà lạt 36 km, một thị trấn quận lỵ nhỏ, núi bao quanh đầy sương và đẹp. Hầu hết những người góp mặt trong tập sách này đều đã xa Dran, viết lại những cảm xúc chân thật về một thời xa xưa của mình, một thời phủ quanh mình sương khói của Dran... (2)
Đúng vậy. Có người xa và nhớ về, rồi cũng sẽ về, nhưng cũng có những người xa Dran, nhớ về Dran mà mãi mãi chẳng thể trở về. Tuần này là cái thất thứ ba của người Họa Sĩ đã sống ở Dran một thời nhưng mang theo Dran suốt đời, đã biến sương khói nơi đây thành màu sắc bất tử trong tranh và thơ của ông.
Tôi nhìn qua thấy mắt của Nguyễn Dương Quang rơm rớm lệ và khoảng trời phía sau ông ta cũng nhạt nhòa sũng nước.
Vì sao nhớ hoài về Đơn Dương
vì nơi ấy có phố rất buồn
nơi ấy có nhà bưu điện nhỏ
gửi bao nhiêu lá thư dễ thương...
...
Người ra gửi ấy nay không còn nữa
còn nghe những tiếng hát muôn trùng
còn đây xanh mướt rừng dương xỉ
dưới trăng mờ ôi trăng Đơn Dương
(Đinh Cường - Một lần về thăm lại nơi cũ)
Đứng ngơ ngẩn bên cạnh gốc thông già giữa núi đồi Dran, tôi gọi thầm tên người họa sĩ tài hoa ở rừng Natick.  Không cần phải ví dụ nữa đâu anh Đinh Cường ơi! Tôi tin rằng từ nơi xa tít tắp đó anh đang về trên miếu mạo đình đài rêu phong của Huế, anh đang về với ngôi trường mái đỏ của Thủ Dầu Một, anh đang về quanh sân của nhà thờ màu hồng ở Tân Định và chắc chắn đang về với rừng thông ngút ngàn sương khói, với mặt hồ xanh ngắt Đa Nhim, về với giàn su xanh, về với bầy két hoang sau vườn nhà gỗ, về với cổng nhà thờ có tháp cao Cầu Đất, về với nhà bưu điện đìu hiu Đơn Dương và về với muôn ngàn kỷ niệm bạn bè từng qua ở thị trấn Dran...
Mà có cần về nữa không khi toàn bộ núi đồi sương khói đó anh đã mang theo và thường xuyên thể hiện bằng trí nhớ trên biết bao tranh và thơ? Vĩnh biệt Đinh Cường là vĩnh biệt cái dáng đi chầm chậm và cặp mắt sáng ngời trên khuôn mặt hiền từ. Nhưng lại hiện thực trong tôi hình bóng một Đinh Cường của thời rực rỡ nhất khi tham gia Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, là hình ảnh cầm trên tay cái ống píp nhả khói vào không gian, là cái nón nỉ, khăn quàng sọc cam, có con két xanh, có hoa hồng đỏ, vầng trăng bạc trôi lênh đênh giữa núi đồi Dran. Nhắc lại mà sao thương nhớ quá!
Trời ngả về chiều. Chúng tôi còn nán lại uống tách cà phê trước chợ Dran. Anh Đinh Cường ơi! Từ núi đồi Dran tôi đang nhớ về anh và khu rừng Natick.
Nguyễn Minh Nữu
Tháng 2 /2016
___________________________
(1) Thơ Nguyễn Dương Quang.
(2) Lời mở đầu tuyển tập Tự Tình Cùng Sương Khói.

No comments:

Post a Comment