Pages

Friday, April 21, 2017

Nhân chuyện Bác sĩ David Dao



Tôi đến Mỹ từ tháng 4 năm 1991, và ở tại thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky từ ngày đó cho đến nay. Nói đến việc định cư tại Mỹ, tưởng cũng nên nhắc lại, trước 1975, tôi là sĩ quan Quân Cụ biệt phái về dạy học lại từ năm 1969, nên sau 30-4-1975, tôi phải đi học tập cải tạo, trình diện ngày 25-6-1975 tại trường Trung học Tabert, giữa đêm 26-6-1975 xe Molotova  bít bùng đưa lên phi trường Trảng Lớn học tập những bài học căn bản, sau đó giữa năm 1976 được chuyển trại lên rừng Kà-Tum để đi lao động thực tế, cho đến ngày 16-9-1977 được tạm tha cho về nguyên quán ở xã Phú Hòa, huyện Châu Thành tỉnh Long Xuyên, nay là quận Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Nhưng từ trong trại, nhiều anh em đã phần nào sáng mắt cho nên họ truyền tai nhau, làm gì thì làm ráng bám lấy Sàigòn, nơi đó dù sao cũng là tai mắt của Thế giới, cộng sản không dám quá tay. Tôi cũng không biết phải làm gì để được ở lại Sàigòn, nhưng nhạc gia tôi đã nhờ người em vợ là Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Thiện – ông là kiến trúc sư chính, thiết kế Thư Viện Quốc Gia trên nền cũ Khám Lớn Sàigòn, là anh em chú bác với ông Lê Quang Chánh, phó chủ tịch UBND Tp. HCM – ông Thiện gửi cho ông Lâm Tấn Lộc, chánh văn phòng Sở Lao Động, đưa tôi vào làm nhân viên Phòng Thanh Tra Sở Lao Động, nên tôi được ở Sàigòn sau 28 ngày từ trại cải tạo ra.

Năm 1982, tôi được bảo lãnh đi Pháp, nhưng sau đó anh tôi bảo tôi chuyển cảnh đi Mỹ năm 1984, năm 1988, chương trình ODP cho biết sẽ phỏng vấn tôi “một ngày gần đây”, nhưng đợi mãi đến năm 1990, chẳng thấy họ nói gì. Tháng 10 năm đó, tôi có chuyến đi chơi ở Đà Lạt, có thư giới thiệu với ông Võ Văn Toàn, nguyên Trưởng Ty Nông Nghiệp tỉnh Lâm Đồng, ông mời tôi vào nhà ông ngủ 1 đêm, tôi không cách từ chối. Vì cả 2 chúng tôi chưa quen biết nhau trước, nên đêm ấy ông Toàn gợi chuyện, bày ra xem bói, tôi mới nhờ ông xem coi vì sao tôi chưa được phỏng vấn ? Ông Toàn hỏi tuổi của tôi và nhà tôi rồi cho biết, tôi không có số đi ngoại quốc, nhưng nhà tôi có. Điểm nầy tôi tin ông Toàn nói đúng vì năm 1964, tôi đậu bằng Tú Tài toàn phần kỹ thuật, anh tôi từ Pháp bảo tôi lo hồ sơ đi Pháp, nửa chừng anh bảo thôi đừng đi, có người quen sẵn lòng cho tiền tôi đi, nhưng tôi từ  chối, những ngày cuối tháng 4 năm 1975, có người quen được cấp nhà trong kho 5 bên Khánh Hội, gọi tôi qua bàn chuyện, tôi hứa nhưng không qua gặp họ, rồi họ ra đi định cư ở Virginia.

Đêm ấy, ông Toàn chỉ dẫn tôi thảo đơn khiếu nại cho nhà tôi đứng đơn và ký tên, làm y theo lời ông Toàn dặn, vài tháng sau, gia đình tôi được phỏng vấn, được chấp thuận đi Mỹ ngay khi vào phỏng vấn, chỉ hỏi có muốn đi hay không từng người. Khi qua tới Mỹ, người làm hồ sơ của hội USCC cho biết là gia đình tôi được hưởng trợ cấp theo diện HO, tôi nghĩ lại mình đi học tập cải tạo chỉ có 2 năm 2 tháng 20 ngày. Nhiều người không tin, cho rằng dù thiếu vài ngày mới đủ 3 năm, cũng không được chấp thuận cho đi Mỹ.

Và từ khi đặt chân đến đây ngày 10-4-1991 đến nay, tôi vẫn ở tại đây, có biết Elizabethtown, cách nhà tôi chừng 20 miles, mấy năm trước tôi thường đi ngang qua đây, nhưng chưa tới đây lần nào vì không có ai quen, hình như có ít người Việt Nam, tôi có nghe có bác sĩ Việt Nam ở đó. Cho đến khi chuyện một người bị nhân viên công lực lôi kéo trên máy bay, rồi dần dần có tin đó là bác sĩ người Việt Nam, bác sĩ David Đào hay Đào Duy Anh, có người bạn gửi cho bài viết của bác sĩ Dương Minh Đường:

ĐÀO DUY ANH và TÔI
  
                                              BS Đào Duy Anh                    Bs  Dương Minh Đường

Tôi và Đào Duy Anh biết nhau từ khi bước chân đến thành phố Seattle trong chương trình bảo trợ của tiểu bang WA sau cuộc di tản 30 tháng 4 .Trước đó ĐDA học trên tôi một lớp , khóa 67-74 , nhưng tôi có nghe tiếng Anh qua các chương trình ca nhạc dân tộc của ban Bách Việt do Anh sáng lập , nghe Anh tốt nghiệp trường Quôc Gia Âm Nhạc trong lúc đi học YK . Tôi phải khâm phục đàn anh này sau lại thông minh quá có thể đeo đuổi 2 ngành học cùng lúc không phải dể , phải là người đam mê nghề nghiệp mới làm được .

ĐDA ngay từ khi đặt chân đến Seattle đã được nhận vào đại học UW dạy nhạc và cách xử dụng các nhạc cụ cổ truyền đàn tranh, đàn bầu ...cho các sinh viên Mỹ chưa hề nhìn thấy hay nghe nhạc dân ca VN . Tôi không hiểu khả năng sinh ngữ của ĐDA lúc đó giỏi đến cỡ nào để có thể giải thích cho các sinh viên hiểu và đờn theo , các nhạc cụ tìm đâu ra lúc mới chân ướt chân ráo ở xứ lạ . Vậy mà ĐDA làm được và ký contract dạy nhạc cho đến khi rời Seattle 1980 .

Vài tháng sau khi đến đây , UW có tổ chưc một lớp luyện thi ECFMG cho nhóm Bác Sĩ VN , nhỏ thôi độ 10 người ( Tôi , ĐDA, PĐLong Cơ & Lãm Thúy , BCTiet , PHChi , VXQuynh , NVMinh...) mỗi tuần chỉ học một lần độ vài giờ , căn bản là họ ôn lại các basic sciences chứ ko hẳn hòi khóa luyện thi nên mọi người coi như là một dịp gặp nhau hàn huyên trao đổi tin tưc làm sao trở lại ngành YK . ĐDA thì rất thoải mái với job mới nên hay nói về việc anh dạy sinh viên cách ngồi để xử dụng đàn tranh , mang các ngón tay khải đờn và cùng tập ca các bản đân ca giọng lơ lớ làm anh bật cười ...Rồi khi hưng chí thì trổi giọng hát lung tung từ dân ca qua vọng cổ khi buổi học chấm dứt đem lại vài giây phút vui vẻ cho mọi người quên bớt đi các căng thẳng trong cuộc sống khó khăn ban đầu .

Sang đầu năm 1976 , nhân dịp Tết Âm Lịch , tiểu bang đứng ra tổ chưc buổi văn nghệ mừng xuân đầu tiên cho dân tị nạn , hầu hết mọi người đều có mặt trong hội trường rạp Paramount to lớn hơn 3,000 chổ ngồi đều chật cưng , có cả Thống Đốc Evans đến tham dự . Chương trình thật phong phú có cả các ca sĩ từ Cali lên phụ diễn . Đêm hôm đó ĐDA là cây đinh của buổi văn nghệ, ra sân khấu nhiều lần trong chiếc áo dài khăn đống , tóc dài kiểu Beattle , giọng nói và lời ca trầm buồn qua các bản dân ca , vọng cổ hòa với tiếng đàn tranh , đàn bầu đã chinh phục trái tim của mọi người và nhiều người lớn tuổi bật khóc sướt mướt khi nghe anh ca các bản nhạc gợi nhớ quê hương . Đêm hôm đo tôi khâm phục ĐDA quá sưc , một bạn đồng nghiệp với tài năng văn nghệ làm vẻ vang giới YK . Từ đó danh tiếng anh nổi như cồn , gần như anh không thề nào vắng mặt trong các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng các dịp Tết , kỷ niệm 30 tháng 4 ..vv..

Tháng 3 , 1976 AMA đứng ra tổ chưc 4 lớp luyện thi ECFMG cho các bác sĩ tị nạn , nhóm BS ở Seattle đi xuống Loma Linda Uni học cùng các bác sĩ ở Cali, Oregon , tổng cộng độ 70 người trong 4 tháng để kịp kỳ thi tháng 7 . Vì họ chỉ đài thọ cho cá nhân BS thôi nên các bà vợ phải ở lại . Chắc vì sắp theo vần nên ĐDA và tôi đươc cho vào ở chung một phòng trong học xá bên Riverside campus , cách trường chánh độ 30 miles , mỗi sáng xe bus chở đi học chiều chở về .Đây có lẻ là thời gian sung sướng nhất trong giai đoạn đầu ở xứ lạ , cà đám được cắp sách đến trường mỗi ngày , đươc trả lương ăn ở dù nhỏ nhoi nhưng cũng dư chút đỉnh nhờ sống tiện tặn , khi lên xe hay vào trường nói tiếng Việt thoải mái ...tối ngày chỉ cắm đầu cắm cổ ráng ngốn chương trình luyện thi cấp tốc 4 tháng cho 7 năm học YK mà lại là tiếng ngoại quôc . mỗi ngày bị thảy cho các tập roneo dày cộm cộng thêm cuốn text book Harrison dòm thấy ớn nhưng đâu có lưa chọn nào khác . Nghĩ lại giới YK đươc ưu đãi nhiều so với các nghành khác bị bỏ bơ vơ đâu ai thèm lo . Lại nghĩ đến công lao ông Ira Singer và thầy Đào Hữu Anh đã tranh đấu cho mọi người có được ngày hôm nay . Thanks SIR with LOVE .

ĐDA lần nữa lại trổ một tài mà nhờ ở chung tôi mới biết , đó là tài nấu ăn . ĐDA lúc đó còn độc thân , ở Seattle thì mướn căn phòng ở riêng nên nấu ăn một mình . Không hiểu học ai mà cái gì cũng biết nấu . Trong campus của Seven Adventist họ ăn chay trường nên tụi này mua cái lò nhỏ để ở góc phòng chiều về nấu qua loa ăn no bụng còn học bài . Lúc đầu tôi và ĐDA chia nhau mỗi người thay phiên nhau nấu , tôi thì xưa nay chưa hề nấu ăn , trước khi xuống Cali nên bà xã soạn viết ra vài món dể nấu như Gà nấu đậu , hột gà chiên lạp xưởng , mì ly vv..Ăn hoài các món đó ĐDA chán quá bèn nói " Thôi mày rưa chén mỗi ngày để tao nấu cho , ăn các món mày nấu tao ngốn hết vô rồi Đường" ! Nghe xong tôi còn thích nữa , chiều về mệt tôi bắt nầu cơm điện rồi lăn ra ngủ chút xíu lấy lại sưc,trong khi ĐDA lụi cụi nấu nướng , thưc dậy đã có thịt kho , canh chua , gà xào chua mặn , cá kho vv... bày sẳn chỉ cần nhảy vô xưc phàn đã đời .. Cuối tuần gặp đám bạn Seattle , ĐDA còn trổ tài nấu phở , hủ tiếu nữa chứ , dù không đủ gia vị nhưng nghe mùi là thấy ngon không chổ chê . Ăn xong dĩ nhiên ĐDA không bao giở quên màn văn nghệ ca giúp vui mọi người xa quê hương và gia đình nhưng có dịp sống chung một khoảng thời gian ngắn ngủi mà tương đắc . Tôi thiệt khâm phục anh bạn này .

Một kỷ niệm nữa đáng nhớ mà bây giờ mới có dịp kể . Số là vì ở trong campus khá xa thành phố , cuối tuần mới có dịp đi chợ nhưng phải lấy bus cách xa vài miles , mua xong khệ nệ vác về . Tuy không mua nhiều -vì tiền đâu mà mua đủ thứ - chủ yếu là 2 thùng mì , vài vĩ hột gà, bánh mì , rau cải , thịt gà đông lạnh , xương heo vv chỉ xài đủ một tuần rồi tuần sau tính tiếp . Khí hậu ở Riverside nóng bưc vùng thung lũng , dù mùa xuân nhưng bắt đầu nóng dần , mỗi lần đi chợ là một cưc hình . Bốn thằng tụi tui : Tôi, Anh , Chí , Quỳnh mới bàn nhau kiếm mua một chiếc xe cũ độ $ 200 , 4 thằng hùn mỗi đứa $ 50 để cuối tuần đi chợ , hôm nào dậy trể xe bus thì chạy xe qua Loma Linda học, bữa nào về tối quá mà đề tài hơi chán thì lái xe về sớm học mấy bài trong tuần để làm quiz cuối tuần . Nghe có lý , Quỳnh tìm làm quen một anh thợ sưa xe Việt Nam rồi mua đươc chiêc xe sặc củ nình nhưng vừa túi tiền . Từ đó cuôc đời lên hương , 4 thằng có xe tàng tàng dạo phố , cuối tuần ra thành phố coi cine , ăn đồ Tàu cho đỡ cưc nấu ăn một ngày . Tôi còn nhớ lúc đó phim Exorcist mới ra xem lạnh xương sống . phim One flew over cuckoo's nest thấy Jack Nicholson diễn xuất tuyệt hay mặc dù không hiểu nhiều .

Có lần tụi này làm gan cuối tuần lái xe lên LA chơi cho biết , thấy thành phố huy hoàng ngoài sưc tưởng tượng thích quá . Thưa thắng xông lên , dịp Memorial Day trường nghỉ 3 ngày liên tiếp nên cả bọn bàn đi Las Vegas cách đó độ 400 miles , đi qua ngủ đêm trong xe hôm sau về . Nghe chữ Las Vegas thí ai mà không nổi máu cờ bạc , nhất là xe vừa đi LA về , Quỳnh còn khen xe cũ vậy mà máy còn tốt , mình chạy ban đêm cho mát máy hôm sau cũng về ban đêm , thứ hai ngày nghỉ đâu cần về gấp . Vài bạn nghe bàn chương trình đi Las Vegas cũng xin đi theo , cuối cùng trên xe có tới 7 mạng - thêm anh Kiệt & Bảo Trung bên Portland , NVMinh cùng ở Seattle tháp tùng . Ra đi thì nôn nưc lắm , lại chạy về đêm nên ĐDA nói để " Tao ca cho thằng Chí hay Quỳnh tỉnh ngủ lái xe " nên suốt dọc đường tha hồ ĐDA trổ tài ca hát hình như không bao giờ thấm mệt . Ai ngờ dọc đường xe bị nóng máy phải dừng nhiều lần cho máy nguội , vào các trạm xăng kéo máy lấy hên . Tôi trúng được ngay kỳ kéo đầu làm mọi người xúm lại đổi tiền nhưng tôi lấy chia từng người kéo máy chơi , còn dư mua tặng ĐDA một bao thuốc lá Salem . Cái này sao tôi lại nhớ hoài . Nhớ hôn Anh ?

Gần xong 4 tháng học thì ĐDA phải về lại Seattle sớm dạy học không ở lại đi ra LA thi ECFMG như mọi người . Trong trường Loma Linda có một muc sư Việt Nam nghe tiếng tăm văn nghệ của ĐDA nên ngỏ lời mời ĐDA chủ động trong đêm văn nghệ do ông tổ chưc để ghi ơn ban giảng huấn trường . Lúc đầu ĐDA không muốn lắm vì bận học thi mà phải đi về sớm nhưng cuối cùng nhận lời vì đây là dịp để giới thiệu văn hóa cổ truyền cho người ngoại quốc thấy . ĐDA phải gọi điện thoại về trường UW để trường gời các nhạc cụ đàn tranh , đàn bầu ...cộng thêm bộ áo dài khăn đống không thể thiếu cho đêm trình diễn . Xong rồi tập dượt cả tuần bỏ cà vụ học hành nhưng tôi thấy ĐDA hăng hái sốt sắng vô cùng . Buổi trình diễn thành công vượt bưc , được cả ban Giảng Huấn đứng lên vổ tay không dứt . Tôi thật khâm phục tinh thần phục vụ vô vị lợi của ĐDA đem tiếng thơm cho cả đám bác sĩ lưu vong đi học .

Về lại Seattle thì tôi ít có dịp gặp ĐDA , mỗi người có công ăn việc làm khác nhau và không còn các buổi sinh hoạt hàng tuần nữa . Tháng 6 , 1979 tôi được nhận vào đi Residency ở Chicago và có gọi báo cho ĐDA biết . Anh cũng đậu xong hết ECFMG và Flex nhưng còn kẹt cái contract ở trường UW thêm một năm nữa nên chúc tôi đi trước , có lẽ năm sau anh sẽ đi về miền Midwest vì dể được nhận Residency . Từ đó không nghe tin gì về ĐDA , nay mới biết ĐDA đi làm nhà tù ở Indianna rồi vào Residency ở Louisville, KT ; lúc đầu Internal medicine rồi thêm 2 năm fellowship ra thành chuyên khoa về Phổi Pulmunologist .

Khoảng năm 2000 thì phải , tôi nhận được cú điện thoại từ ĐDA hỏi thăm tình hình hành nghề của tôi ở Seattle . Anh muốn về lại Seattle vì ơn khí hậu khắc nghiệt ở Kentucky , kẹt vì anh có 5 đưa con còn đang học Trung & Đại học , có đưa đã được vào YK nên mọc rể ở đó khó đi . Tôi cho ĐDA địa chỉ bệnh viện nếu Anh muốn về làm bệnh viện trước rồi mở phòng mạch sau . Từ đó ĐDA biệt tăm luôn mặc dù lâu lâu tôi có vào YouTube coi các show nhạc ĐDA ca với các ca sĩ nhà nghể nổi danh dưới Cali , giọng vẩn còn trầm ấm nói năng nhò nhẹ , mái tóc Beattle ngày xưa nay đã cắt sát trông trẻ trung ra . Thầm phục ĐDA sau bao nhiêu năm vẫn hăng hái miệt mài phục vụ 2 lãnh vưc khó khăn trên đời .

Đầu tháng 4 năm nay tôi đi dự Medical convention ở San Diego , xong ghé lên Orange county thăm bạn ở Huntington Beach . Tình cờ gặp anh PXC cùng lớp ĐDA mới biết tuần sau lớp anh tổ chưc 50 năm Hội Ngộ ngày Nhập trường YK khóa 67-74 . Hôm sau nói chuyện với anh bạn khác cùng lớp ĐDA - LMĐ - thì anh xác nhận ĐDA sẽ có mặt cuối tuần nhưng chỉ tham gia một phần còn dành thì giờ trình diễn văn nghệ do Viện Việt Học -do thầy TNN sáng lập -rất typical con người ĐDA lúc nào cũng lo phục vụ nghệ thuật cộng đồng hơn vụ đi nghỉ hè ăn chơi giải trí . Xong đêm văn nghệ , 2 vợ chồng ĐDA bay về từ LA , đổi máy bay ờ Chicago , định hôm sau thư hai đi làm trở lại .

Rồi đầu tuần hình ảnh của một hành khách đi chuyến máy bay định mạng UA 3411 - 9 nút mà không hên - bị lôi sềnh sệch ra khỏi máy bay gây kinh hoàng toàn thế giới . Tôi xem rồi phê bình " It's disgusting và tiên đoán hãng UA sẽ phải chịu lời phê phán nặng nề có thể big lawsuit " .Hôm sau anh bạn cùng lớp cho biết người đó là ĐDA ! Lòng tôi chùng xuống bất động không nói nên lời chỉ nghĩ trong bụng ;" Trời ơi sao lại có chuyện thế này xảy ra cho một người hiền lành không bạo động , suốt đời chỉ lo phục vụ tha nhân không mệt mỏi mà bị vướng vào hoàn cảnh éo le như vậy " ? ĐDA đã mang tội gì mà bị lôi đi như một con thú hoàn toàn bất lưc trước sự chưng kiến của các hành khách trên máy bay mà chính họ cũng chỉ biết thảng thốt lên tiếng " What do you do to him " May nhờ có nhiều người lanh trí ghi nhận tất cà chi tiết vào cell phone để cả thế giới được chứng kiện sư dã man của các nhân viên cảnh sát phi trường ! Ai là người ra lệnh cho họ làm như vậy ? Ngạn ngữ Việt Nam có câu " Đừng làm những gì cho người khác nếu mình không muốn người khác làm diều đó đến mình "

Tôi còn nhớ năm 2012 , gia đình tôi có về thăm nhà qua hãng máy bay EVA . Một em bé Filipine ăn tối xong đau bụng . Phi hành đoàn gọi loa xem có ai là Bác Sĩ nhờ xem bệnh dùm . Tôi có đem theo ống nghe , BP cuff , thuốc men vv..nên lại khám bệnh , cho em uống vài viên TUMS thì độ 30 phút sau em nghe khỏe lăn ra ngủ ngon . Phi công cho cô chiêu đãi viên lại cám ơn và nhã nhặn mời 2 vợ chồng lên ngồi ghế First class để đền ơn . Họ săn sóc tử tế cả chuyến bay tứ thưc ăn thưc uống mệt nghỉ ! Gần đây tôi đọc cuốn sách của một BS Psychiatrist ờ UCLA có người yêu cũng là Psychiatrist bên England rồi anh bất ngờ qua đời vì bị heart attack ở tuổi 43 ! Bà BS đi qua dự đám tang và trên đường về ở phi trường nơi quầy máy bay British Airway , một nhân viên hỏi bà đi cho business hay holiday . Câu hỏi làm bà xúc động khóc như mưa và anh tự động upgrade cho bà ngồi hàng ghế first class cho nhiều tự do riêng hơn . Nhân viên trên máy bay cũng tiếp đãi bà một cách đặc biệt để khi ra khỏi máy bay bà quyết định " Since that day, whenever possible , I always fly British Airways . Each time , I'm reminded of the importance of small kindnesses " Đọc xong cảm động làm sao cho cách đối xử lẩn nhau thể hiện tình thương đồng loại , tình người dù xa lạ chưa hề biết nhau bao giờ .

Bây giờ tôi còn được biết thêm chi tiết là đầu năm 2016 , một bác sĩ giải phẩu Duc Pham , a Vietnamese American cầm đầu một ê kíp gỉai phẩu ở bệnh viện Northwestern , Chicago đã thành công trong việc ghép tim cho vị CEO của United Airlines - Mr Munoz - để ông ta có thể trở lại chưc vụ cũ làm việc sau 6 tháng . Hãy nhìn nhưng gì ông trả ơn lại một bác sĩ Vietnamse khác một năm sau đó . Có phải " Cưu vật vật trả ơn . Cưu nhơn nhơn trả oán " không ?

Hôm nay ngày lể Phục Sinh , toàn nhân loại chào đón Đưc Chúa Jesus sống lại cưu rỗi nhân loại ra khỏi bể khổ . Rồi 2 tuần nữa đây cộng đồng người Việt Tự Do Hải Ngoại lại kỷ niệm ngày 30 tháng 4 , ngày mà CS thế giới đã chà đạp nhân quyền xâm chiếm miền Nam VN gieo rắt tang thương lên trên quê hương 42 năm nay , đàn áp đày đọa trả thù quân dân cán chính như thú vật đưa lên lò sát sinh . Chạnh nghĩ về cảnh ĐDA bị đối xử như vậy , đầu óc tôi như ngây dại không lời nào có thể diễn tả được . Một con ngưa đau cả tàu không ăn cỏ mà ĐDA . Nhìn hình ảnh cháu Crystal ngày họp báo ở Chicago hôm thứ tư vừa rồi , gương mặt hốc hác tiều tụy thiếu ngủ nói không ra lời , tôi thông cảm vô cùng hoàn cảnh của đại gia đình ĐDA vô cùng . Cầu xin mọi người trong gia đình gắn gượng dìu nhau qua giai đoạn khó khăn này chờ ngày ra tòa phán xét công minh vì tôi tin tưởng tuyệt đối hệ thống luật pháp của xứ đứng đầu thế giới Tự Do này .

Chúc ĐDA và gia đình mọi điều may mắn
God bless your family ĐDA
God bless America

Lể Phục Sinh April 16 , 2017
Seattle WA
BS Dương Minh Đường .

TB : Nhờ anh PXC/LMĐ chuyển dùm bài này vào DĐ YK74 để ĐDA & gia đình đọc rồi tùy nghi xử dụng 
        Nhờ cô Nhuận đăng trên báo Viễn Đông và chuyển đến các báo Cali.

*
Qua bài viết đó, tôi muốn tìm hiểu thêm về tài nghệ của ông bác sĩ Đào Duy Anh, thấy có ảnh của ông trình diễn trên sân khấu với ca sĩ Nguyên Khang.


Trong chương trình “Come together – Utah – 2013” ông và ca sĩ Hoàng Oanh trình bày nhạc phẩm do ông sáng tác: “Tát nước đầu đình”. 



Trong chương trình nầy,  sáng tác khác “Cầu tre quê hương” ông trình bày với ca sĩ Hương Lan. 



Cũng trong chương trình nầy, lại một sáng tác khác “Cơn gió thoảng” do chính tác giả trình bày:



Còn một sáng tác “Sàigòn mưa cuối mùa” ông trình bày ở Viện Việt Học Califonia, nhân dịp sang đó kỷ niệm 50 năm khóa Y Khoa của ông đã tốt nghiệp năm 1974 tại Việt Nam. Vào ngày Thứ Bảy, ngày 8 tháng Tư từ 7:30 PM đến 10:30 PM tại Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học -  trong chương trình “Đêm nhạc Hát Cho Quê Hương Việt-Nam”, theo lời yêu cầu của cô Kim Anh,  ông đã trình diễn ngoài chương trình, do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đệm dương cầm, ngay sau lần trình diễn nầy, trên chuyến bay trở về Louisville, ông đã bị nạn.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát - Kim Anh - Bs Đào Duy Anh


Cũng nên nói thêm, xem youtube nầy, tôi vừa bị xúc động về ông, vừa bị tên tuổi nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đưa tôi trở về những ngày đau buồn nhất cuộc đời của mình. Đó là những ngày trong trại học tập cải tạo ở Trảng Lớn. Một hôm vào buổi sáng Nghiêm Phú Phát đã “cầm càng” cho anh em cải tạo hát “Như có bác Hồ ….” tại cái sân rộng trong khu gia binh của bản doanh hậu cứ Sư Đoàn 25 Bộ Binh biến cải thành sân tập họp của Tiểu Đoàn 2 cải tạo. Ngày đó Phát còn trẻ lắm, cũng như chúng tôi trạc tuổi 30, nay thì cầm chắc bảy bó rồi.

Tuổi già, chuyện hiện tại nhớ nhớ quên quên, nhưng chuyện xa xưa, từ chuyện nọ kéo theo chuyện kia buồn vui đời người cứ lần lượt hiện ra. Ai người L6T2 như Gs Võ Thế Hào, Trần Ngọc Giao, Trần Ngọc Tập, Bs Quốc, Trần Hữu Phụng, Phạm Tân Bình, Hà Văn Tài, Trần Đình Lân, Trần Ngọc Tân, Nguyễn Văn Thắng, Trần Mạnh Du …  chắc còn ghi nhớ.

866421042017



No comments:

Post a Comment