Nhiều năm
xa nhau, từ khi ra trường năm 1964 cho đến năm 2009, chúng tôi mới lại gặp
nhau. Vài năm sau đó, có lần gặp nhau, tôi rút túi lấy cây viết Parker đưa cho
hắn và thuận tay rút túi lấy cây bút của hắn. Hắn nói:
- Xin lỗi,
cây bút nầy của con gái tao, mua mừng sinh nhật cho tao, nên tao phải giữ nó,
tao sẽ mua cây bút khác cho mầy!
Sau đó vài
hôm, hắn chuyển cho tôi cây bút Staedtler của Đức, thân bút màu xanh ngọc, cái
dắt viết màu vàng và trên nắp có logo của hãng bút nầy.
Năm sau
trong lần họp mặt với anh em, hắn gỡ mắt kính đang đeo đưa cho tôi, nói:
- Mầy
mang cái kính nầy thử coi.
Tôi mang
kính vào, hắn lại nói:
- Mầy vào
trong toilette, nhìn vào gương xem thế nào ?
Tôi làm
theo ý hắn, vào phòng vệ sinh nhìn xem có họp với gương mặt mình hay không, tôi
trở lại chỗ ngồi, hắn hỏi ngay:
- Thế nào
? Có được không ?
Tôi vừa
tháo kính ra đưa cho hắn và trả lời:
- Trông cũng
được, nhưng không đọc được chữ !
Hắn đưa
tay ra đẩy tay tôi đang cầm kính, nói:
- Kính nầy
tao vừa mua chưa được 1 tuần, dĩ nhiên là kính hợp với mắt tao, mầy đến hiệu kính
đo mắt cho họ làm lại, mang kính để nhớ tao.
Chuyện chúng
tôi trao đổi bút, hắn cho tôi cái kính, mới đó mà đã 6, 7 năm trôi qua rồi. Cách
đây 2 năm về Việt Nam, nghe hắn bị viêm gan, đi Singapour chữa trị, chúng tôi đi
thăm, hắn cho biết kết quả tốt.
Năm trước,
anh em chúng tôi đi thăm, hắn có vẻ yếu, tiếp chúng tôi trong phòng làm việc, ngày
họp mặt Tất niên hàng năm hắn có đến dự, nhưng có vẻ thấm mệt nên về sớm, có người
nói hắn bị ung thư.
Năm nay,
nghe hắn phải đi cứu cấp, chúng tôi lại đến thăm, lần nầy trong phòng làm việc
của hắn biến thành phòng ngủ, hắn hứa sẽ cố gắng dự Tất niên với anh em chúng tôi,
nhưng hắn đã không có mặt. Anh em biết bệnh hắn đã nặng hơn, cho nên hắn cũng
quên góp phần tài trợ bữa tiệc Tất niên trong nhiều năm qua hắn đã làm.
Sau đó, có
tin hắn được đưa vào bệnh viện Đại học Y Dược Tp. HCM, nằm phòng cách ly, nên
chúng tôi muốn vào thăm cũng không được, chỉ nghe tin tức qua người tài xế nuôi
bệnh.
Đầu tháng
3 tôi trở về Mỹ thì đầu tháng 5 được tin hắn đã lìa đời, sau hơn 2 tháng nằm điều
trị ở bệnh viện.
Thời học
sinh, tôi học chung với hắn 2 năm Đệ nhị và Đệ Nhất, sau đó hắn du học ở Nhật,
còn tôi vào Sư Phạm Kỹ Thuật. Khi hắn về nước làm Phó Giám Đốc Vikyno ở khu công nghiệp Biên Hòa, vợ hắn cũng
là du học sinh ở Nhật. Hắn cất nhà cao cửa rộng ở xa lộ bên Thị Nghè.
Sau 1975,
hắn vượt biên bị bắt ở Bến Tre, người ta phát hiện hắn có tay nghề, đem hắn ra
tù, giúp cho nhà cầm quyền tỉnh về vấn đề công nghiệp. Đến thời đổi mới, Ủy ban
Nhân dân Tp. HCM, trao đổi kéo hắn trở lại Sàigòn, hắn làm ở xí nghiệp một thời
gian, rồi ra mở công ty cho thuê xe cơ giới, công ty đóng cọc nhồi để xây cầu,
nhà có lầu, nhà cao tầng.
Hắn cũng
giúp đỡ anh em đồng môn khi hoạn nạn, một số anh em khác tuy đã lớn tuổi, nhưng
cũng được hắn thu nhận vào, tùy theo khả năng người làm chuyên viên, kẻ làm bảo
vệ.
Thời còn đang
học, hắn đã mời một bà Mỹ, bà Le Blanche là Tùy viên Văn hóa Tòa Đại sứ Mỹ, vào
trường dạy đàm thoại trong lớp tôi, mỗi tuần 1 giờ.
Hắn cũng
can thiệp với ông Hiệu Trưởng Cao Thanh Đảnh cho mượn 1 lớp học vào buổi tối,
cho một anh Mỹ đen, quân nhân vào lớp đêm ấy, dạy Anh Văn cho chúng tôi.
Hắn với tôi thường đi qua rạp Ciné Hồng Bàng, tán tỉnh cô bán vé, cô ấy khá đẹp, nói năng dễ thương, còn nữa hắn và tôi thường đi dạo phố Lê Lợi ở Sàigòn với Hạc, con của Thanh Nghị Hoàng Trọng Quý, nhà ở đường Phạm Ngũ Lão, nhiều người đi qua rồi còn ngoái lại nhìn nét đẹp của Hạc, cho đến vài chục năm sau tôi mới biết Hạc là “bêđê” vì hắn đã có vợ con, sau khi định cư ở Pháp, Hạc là anh hay em của Hoàng Trọng Thụy, một xướng ngôn viên cho một đài truyền hình ở Cali.
Hắn mà tôi
đã dài dòng, đó là Huỳnh Hữu Lộc, Lộc đã yên giác ngàn thu, ngày 8 tháng 5 năm
2017, thọ 75 tuổi, sau khi vợ Lộc đã qua đời trước đó chừng 1 năm.
Những người
tôi biết đã từng học chung lớp Đệ nhất KTCT năm 1964 với Huỳnh Hữu Lộc như Huỳnh Ngọc Điệp, Hoàng Thanh, Ngô Phước
Tường, Vũ Duy Khiết, Hồ Ngọc Điển, Phan Thành Tưa, Nguyễn Minh Chiếu, Nguyễn
Quang Chúc, Nguyễn Văn Nghĩa…chắc mỗi người có mỗi kỷ niệm khác nhau với Lộc, Lộc đã đi rồi, để lại
cho chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp.
Từ trái: Á,
Lộc, Tông, Minh, Bửu, Chiếu
Lộc đứng thứ hai bên phải. Họp mặt KT Cao Thắng vào thập niên 1980 ở Gò Vấp
866414052017
No comments:
Post a Comment