Phượng –
Dĩ là CHS Nguyễn Trường Tộ và Phan Đình Phùng về Việt Nam, muốn đi cho biết sông
nước Miền Tây, nên chúng tôi đưa đi vài nơi nhân chuyến tôi về Long Xuyên dự đám
giỗ thân mẫu của tôi.
Miền Tây
có nhiều nơi tham quan về thắng cảnh như vùng Bảy Núi, về chùa chiền như Tây An
Cổ tự, về địa điểm tâm linh như nhà thờ Tắc Sậy, miễu bà Chúa Xứ ở Núi Sam, về
Chợ nổi, về Đàn ca tài tử …
Ngày đầu
tiên, trên đường về quê tôi, đưa Phượng Dĩ đi ngang qua Chợ Sa Đéc, Chợ Long
Xuyên, Chợ Châu Đốc nơi đây có Bồ Đề Đạo Tràng là cây Bồ đề có nguồn gốc từ Bồ
Đề Đạo Tràng của Ấn Độ, do ông Hội Trưởng Theosophy quốc tế biếu cho ông Phạm
Ngọc Đa, ông nầy hiến tặng lại cho thành phố Châu Đốc, được ông Tỉnh Trưởng Đặng
Văn Lý là người mộ đạo, cấp đất công viên trồng cây Bồ đề nầy năm 1952.
Hôm sau,
ngày 29-11-2018, chúng tôi quyết định đi tham quan chợ nổi Cái Răng, trên đường
đi đến nhà thờ Tắc Sậy, thuộc huyện Giá rai, tỉnh Bạc Liêu, để viếng nơi thờ
phượng cha Trương Bửu Diệp, do Phượng Dĩ là người có đạo Thiên Chúa.
Gọi là Chợ
Nổi vì nơi ấy có nhiều ghe lớn chở Nông sản tụ tập lại để bán cho bạn hàng, mua
đi bán lại ở những chợ nhỏ. Những bạn hàng đi xuồng ghe đến mua rồi chở về chợ
làng, chợ nhỏ nhóm họp vào buổi sáng sớm, do vậy chợ nổi tấp nập bạn hàng vào
khoảng 4, 5 giờ sáng. Những chiếc ghe tụ tập lại thành chợ trên sông, bán hàng
chi, họ dùng cây sào dựng lên rồi treo lên đó sản phẩm ghe ấy bán, chẳng hạn họ
treo trái khóm (thơm), bó cải, trái bí, trái bắp (ngô)… Bạn hàng biết, ghe nào
bán hàng chi đến đó mà mua. Những người bán bánh trái như hủ tíu, mì, phở, xôi,
nước uống như cà phê, nước ngọt, bia…sẽ bán cho các ghe bán hàng và khách tham
quan, nhờ đó chợ nổi nhộn nhịp, đông vui nhất là vào dịp Tết có thêm hoa, kiểng.
Những chợ nổi có tiếng như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Long Xuyên…
Rất nhiều khách ngoại quốc tham quan chợ nổi.
Chúng tôi
muốn tham quan chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ, thuộc tỉnh Phong Dinh, nên
chúng tôi đi từ Bình Hòa huyện Châu Thành tỉnh An Giang, khởi hành vào lúc 4 giờ
45 sáng, chạy cho đến Cần Thơ khoảng 6 giờ, vì không biết nơi nào có bến đò ra
chợ nổi, nên cho xe chạy qua cầu Cái Răng bắt ngang sông Cần Thơ, phụ lưu hữu
ngạn sông Hậu Giang, xe xuống dốc cầu, định cho xe chạy ngược lại để ra sông,
nhưng xe vừa lấy tay lái để chạy ra bến sông Cần Thơ thì nhìn thấy bảng cấm, đồng
thời nhìn thấy có người ra dấu theo họ, chúng tôi biết đó là Cò dắt mối, nên lái
xe vào con hẻm theo Cò dẫn ra bãi đậu xe, sau khi đậu xe xong, Cò cho biết đậu
xe tại bãi giá 30 ngàn đồng, đi đò nguyên chuyến giá 350 ngàn đồng. Thế là chúng
tôi đồng ý theo Cò ra bến sông, thật ra, nếu không có Cò, và ở tại bến có lẽ sẽ
rẽ hơn. Chúng tôi tới bến, trong khi chờ đò máy cập bến để lên đò, không quên
chụp tấm ảnh lưu niệm ngôi chợ bên Cầu Cái Răng.
Thật ra,
bến đò cho thuê thuyền đi chợ nổi Cái Răng nằm ở phía bờ bên kia, nói khác hơn
là từ Thành phố Cần Thơ chạy xuống Cái Răng vừa gặp cầu Cái Răng thì quẹo tay
phải, chạy theo lộ DT 923 vào trong một đoạn ngắn là có bến cho thuê đò máy đi
tham quan chợ nổi Cái Răng, vào sâu hơn có làng Du Lịch Mỹ Khánh và Thiền Viện
Trúc Lâm Phương Nam. Chúng tôi chưa đi vào đây nên chưa rõ.
Sau khi
chúng tôi xuống đò, đò chạy dưới dạ cầu Cái Răng, chạy một doạn ngắn thì gặp những
chiếc ghe chở nông phẩm neo đậu gần nhau, trên ghe chở nào là bắp, bí rợ (bí đỏ),
khoai lang, nhiều nhất là khóm, trên mui ghe hay chỗ nào đó họ cắm cây sào, buộc
vào đó chùm bắp, trái bí, mấy củ khoai trong bao ni-lông.
Đò chạy một
vòng quanh các ghe chỡ hàng mất chừng 5, 7 phút, vài chiếc đò chỡ khách tham
quan cập vào một chiếc thuyền bán bún, đò chúng tôi định cập vào, người bán cho
biết đã hết bún, đò chúng tôi chạy đến một cửa hàng ven sông gần đó bán bún mắm,
chủ cửa hàng cho biết cũng đã hết, đò lại trở ra chỗ chợ nổi, có một chiếc thuyền
nhỏ có mui, thuyền nầy bán hủ tíu và mì, chúng tôi ăn tạm, lại có mấy chiếc
thuyền nhỏ khác chạy tới mời mua nước uống hoặc trái cây như xoài cát Hòa Lộc,
xoài riêng, mít, mảng cầu Xiêm, mảng cầu ta…
Sau khi điểm
tâm xong, anh lái đò đưa chúng tôi đi tham quan nơi lò làm bánh tráng, bún, kẹo…
Đặc biệt kẹo dừa họ bao ngoài thoạt nhìn như lớp giấy bóng mờ, nhưng người bán
giới thiệu đó là bánh tráng, ăn nguyên viên kẹo khỏi cần bóc lớp bao ngoài, tôi
ăn thử đúng như vậy.
Rời lò bánh
tráng, bún, kẹo chúng tôi được đưa tới lò cốm, nơi đây người ta rang nếp trong
một cái ống kim loại, đường kính chừng 2 tấc, dài độ 4 tất, có tay quay, đặt trên
lò lửa, sau khi đủ lửa hột nếp đã nở, người ta đem ra khỏi lò nướng, dùng cái
bao hứng rồi dùng búa đập lên cái chốt khóa miệng, ống kim loại hình trụ mở
bung ra, có tiếng nổ “bùm”, được gọi là bắp nổ, có lẽ vì trước kia dụng cụ đó làm
bắp nổ, sau đó người ta trộn thêm đường thắng rồi ép cho dính lại thành miếng cốm
nếp.
Chúng tôi
trở lại chỗ gửi xe, người giữ bãi xe giải thích cho cháu tôi biết chợ nổi có
quanh năm, bán nguyên ngày, nhưng tấp nập vào khoảng 4, 5 giờ sang. Cho nên muốn
đi tham quan lúc chợ đông đúc, ở xa như Sàigòn nên khởi hành từ 1 hay 2 giờ
khuya, đến Cần Thơ khoảng 4 hay 5 giờ sáng, kịp tham quan đúng lúc chợ nhóm đông
đúc hoặc buổi chiều đi xuống Tây Đô, tối đi dạo chơi, ngủ qua đêm tại đây, sáng
dậy sớm đi chợ nổi Cái Răng. Thành phố nầy cùng có xe Grab.
Rời Cái Răng,
chúng tôi đi về hướng Sóc Trăng, nhưng chạy đường tránh vào thành phố để đi Bạc
Liêu, cũng chạy đường tránh vào thành phố để đi tới huyện Giá Rai nằm trên tuyến
đường Bạc Liêu Cà Mau. Đến nhà thờ Tắc Sậy hình như chỉ còn cách Cà Mau chừng
35 km. Nói khác hơn là xe chạy thêm chừng 45 phút sẽ đến thị xã Cà Mau.
Vào sân
nhà thờ đậu xe xong, nhìn đồng hồ mới có 11:45. Vợ chồng Phượng Dĩ viếng nơi chôn
cất, nơi nhà lưu niệm cha Trương Bửu Diệp và ngôi thánh đường. Chúng tôi chỉ viếng
nơi lưu niệm, nơi nhà mồ mà thôi.
Nơi nhà lưu
niệm người ta ký vào sổ lưu niệm, người ta thành kính tưởng niệm cha Diệp, nơi đây
có đến 4, 5 tượng của người đặt ở trong nhà, ở ngoài hàng hiên.
Trong nhà
mồ, bước vào thấy ngay tượng cha ở đó, phía sau tượng cha là cái mộ, nhiều người
thành kính dâng hương, quỳ bên cạnh nấm mồ đọc kinh hay cầu nguyện, chắc rằng
nhiều người cầu nguyện đã đạt được như ý, cho nên họ đăng báo cảm tạ cha.
Sau đó chúng
tôi qua bên kia đường dùng cơm trưa, rồi trở về nhà gần 6 giờ mới về tới nhà tại
Vàm Nha, gần chợ Cần Đăng thuộc huyện Châu Thành tỉnh An Giang, kết thúc một ngày
tham quan chợ nổi Cái Rằng và Viếng nhà thờ cha Trương Bửu Diệp tại thánh đường
Tắc Sậy.
Chúng tôi
không có chi cầu nguyện, hơn nữa năm trước đã đi, năm nay muốn đưa Phượng Dĩ đi
viếng nơi thờ tự cha Trương Bửu Diệp, một địa điểm tâm linh có nhiều người lương
giáo rất tin tưởng cầu nguyện với cha.
Tôi xem ảnh,
phim về chợ nổi Long Xuyên, Cái Răng, Cái Bè thật ra không có chi đặc sắc, nếu
có là những người ở thành phố, có dịp ngồi ghe, ngồi thuyền di chuyển trên sông
nước mênh mông. Tôi thi đi ghe, đi xuồng từ nhỏ, từng theo mẹ, theo chị bơi xuồng
vài chục cây số trên sông Hậu Giang, từng kêu gọi ông Nược đua và có ông Nược đua
thật, tuy không thấy ông Nược nhưng thấy từng cột nước bằng bắp tay, phun lên
khỏi mặt nước cao chừng 2 thước, khi ở chỗ nầy, lúc ở chỗ kia theo hướng xuồng
bơi tới trước, nên biết có ông Nược trên sông Hậu Giang vào khoảng 60 năm về trước.
Đi tuy có
mệt để đưa Phượng Dĩ đi tham quan sông nước miền Tây, bù lại những khi chúng tôi
sang San Jose, California Phương Dĩ đưa đi đó, đi đây, lúc đón về nhà lúc tiễn
ra phi trường, gần nhau lúc nào cũng vui, “chén tạc chén thù” cho đến lúc chia
tay. Ôi ! …. sao mà buồn vậy !
Xem thêm hình ảnh tại:
Xem thêm hình ảnh tại:
866402122018
No comments:
Post a Comment