Pages

Thursday, February 8, 2018

Tham quan Bà Nà - Hội An



Ngày hôm nay 3-2-2018, sáng đi tham quan Bà Nà, chiều đi Hội An. Rời khỏi thành phố, xe chạy vào con đường dẫn đến Bà Nà, đường sá tốt hai bên trồng phượng vĩ và cây bằng lăng, phượng vĩ vào mùa nầy chưa có hoa, còn cây bằng lăng thì trụi lá xác xơ.

Vào đến nhà ga xây cất gần giống như chốn hoàng thành. Nó là phiên bản của Ngọ Môn ?


Trước khi tham quan khu du lịch Bà Nà, tưởng cũng cần tìm hiểu qua những tài liệu có trên mạng.

Núi Bà Nà toạ lạc 1 khu vực thuộc về dãy núi Trường Sơn nằm ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam. Trung tâm du lịch của Bà Nà nằm trên đỉnh Núi Chúa có độ cao 1489 m so với mực nước biển.

Nguồn gốc tên gọi Bà Nà, có người cho rằng khi người Pháp đặt chân đến vùng này thấy rất nhiều cây chuối nên gọi là núi Banane, lâu dần người Việt đọc chệch thành Bà Nà. Còn nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng chữ Bà Nà là tiếng Người Katu nghĩa là "núi của tôi". Một truyền thuyết khác cho rằng tên núi là tên viết tắt của Bà Ponagar hay bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Tiếp nối theo sự khám phá và xây dựng Đà Lạt, vào tháng 2 năm 1900, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cử đại úy Victor Adrien Debay thuộc Quân đội Pháp thám sát vùng núi lân cận khu vực Đà Nẵng - Huế để tìm kiếm thêm điểm nghỉ mát, dưỡng sức và chữa bệnh. Sau nhiều đợt thăm dò, đến tháng 4 năm 1901, đoàn thám hiểm của Debay đã tìm ra núi Chúa, tức Bà Nà, trên đỉnh địa hình khá bằng phẳng, khí hậu tương tự như Đà Lạt và chỉ cách thành phố Đà Nẵng về phía tây chừng 46 km.

Nhưng mãi đến năm 1912, khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định biến Bà Nà thành một khu bảo tồn lâm nghiệp thì việc nghiên cứu rặng núi này mới được đẩy mạnh.

Người Pháp tiến hành quy hoạch khu Bà Nà, có chính sách bảo vệ động thực vật, điều tra và nắm bắt dân cư chung quanh khu vực Bà Nà. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), người Pháp đẩy mạnh xây dựng khu nghỉ mát Bà Nà, hoàn tất con đường nối Bà Nà với đường thuộc địa số 1 (sau này là quốc lộ 1) trong năm 1919, tạo điều kiện dễ dàng cho những công sở, quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, kinh doanh ở Bà Nà. Vào tháng 5 năm 1919, luật sư Beisson trở thành người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ ở Bà Nà.  Tính đến 23-7-1921, tại Bà Nà đã có 39 lô đất được cấp phép xây dựng của 36 chủ đầu tư, phân bố trải đều theo cụm.

Lúc đầu, xe hơi chạy từ Đà Nẵng đến Bà Nà phải dừng ngang tại cây số 28 ở Phú Thượng; đoạn còn lại đi bằng kiệu ghế hoặc ngựa, mất khoảng 3-4 giờ mới đến khu nghỉ mát. Năm 1928, đoạn đường cuối cùng lên đỉnh Bà Nà hoàn tất, với hơn 15 km đường đất quanh co, uốn lượn. Lượng du khách đến Bà Nà trong thời gian đầu vẫn còn khá ít ỏi.

Đầu năm 1997, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định xây dựng lại Bà Nà thành một khu du lịch sinh thái có quy mô lớn với hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khu bảo tồn... Con đường từ chân núi lên đỉnh Bà Nà dài 15 km đã được rải nhựa, thuận tiện cho giao thông. Sau năm 2000, Bà Nà đã được đánh thức và tái tạo vị thế một thị trấn du lịch và nhanh chóng trở lại ngôi vị của một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất của thành phố Đà Nẵng.

Khu vực du lịch Bà Nà có những địa điểm tham quan như Linh Phong Thiền Tự, Chùa Linh Ứng, nhà thờ Saint Denis, khu tượng sáp, khu vui chơi giải trí Fantasy Park, nhà hàng buffet, nhà hàng Club, nhà hàng Doumer, khách sạn M. Gallery, khách sạn Mecury French Village, vườn hoa Le Jardin d’ Amour, hầm rượu Debay …


Trước tiên đi cáp treo, tưởng cũng nên biết về cáp treo Bà Nà

Công trình xây dựng trên tổng thể 30 ha do Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà tiến hành xây dựng vào năm 2007 với các hạng mục: nhà ga đi và đến nối từ An Lợi cho đến đỉnh Vọng Nguyệt, khu kỹ thuật, nhà điều hành, và các công trình phụ trợ. Tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng .

Toàn bộ tuyến cáp treo bao gồm 22 trụ, 94 cabin, công suất 1500 khách/giờ, vận tốc trung bình 6m/s

Ngày 25 - 3 - 2009, Cáp treo Bà Nà chính thức được khánh thành, lập 2 kỷ lục Guinness:

Cáp treo 1 dây dài nhất thế giới (Longest non - stop cable car): 5.801 m

Cáp treo có độ cao chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (The highest non - stop cable car): 1.368 m


Đoàn chúng tôi dùng ga Hội An đi một đoạn đường dài trên 5 km đến ga Marseille, từ đây di chuyển sang nhà ga Bordeaux gần đó để đi cáp treo đoạn kế khoảng 500m để đến ga Louvre, đây là trung tâm chính của chuyến tham quan, nào là khu vui chơi, nhà hàng, nhà thờ, chùa..

Đặc biệt hôm nay sương mù dày đặc, tầm nhìn chỉ khoảng 10 thước. Là Phật tử nên chúng tôi đi lễ Phật, viếng Linh Phong Thiền Tự trước tiên.




Linh Phong Thiền Tự (hay còn gọi với cái tên Chùa Bắc), ngôi chùa tiêu biểu cho kiến trúc chùa ở phía Bắc, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ Lim.


Tọa lạc ở hướng Đông Nam, Linh Phong Thiền Tự bao gồm Tiền đường, hậu cung và sân vườn. Trong khuôn viên chùa bài trí các tượng Phật và 18 vị La Hán gồm hai dãy: tả vu và hữu vu.

Đường ở trên Bà Nà lót đá, đường lên chùa gồm có nhiều chặng với những bậc thang cũng lát đá, trên đường đi nầy có Trú vũ trà quán, Linh Phong bảo tháp, nhà bia, tháp chuông, đền Lĩnh chúa linh tự và dẫn tới chùa chính Linh Phong Thiền Tự.



Trong chùa có nhiều tượng Phật, chư Bồ Tát phết vàng, trên đường đi có phát ra tiếng đọc kệ, như đọc Sấm giảng của Phật Giáo Hòa Hảo, vào trong chùa không thấy bóng dáng của vị Tăng, Ni nào cả. Được biết nơi đây có Hòa Thượng Thích Thiện Nguyện trụ trì, nhưng ngài không ở nơi đây.

Bảo tháp rất cao, không rõ bên trong có tôn thờ xá lợi Phật hay tượng Phật hoặc kinh sách.



Tôi không được biết thời tiết bao nhiêu độ, nhưng hai tay tôi bị tê cóng, tôi phải đút tay vào túi áo cho ấm.

Rời khỏi chùa, trở lại nơi sân rộng có biểu tượng của Sun World, tôi vào viếng nhà thờ, được biết nhà thờ nầy không có linh mục trú xứ.



Đặc biệt trong nhà thờ có một cái bàn nhỏ, có dây điện để cho khách tham quan có thể charge điện cho dụng cụ điện tử.


Chúng tôi rời nơi đây để đi viếng Linh Ứng Tự, tại đây có nhà ga Morin, nhưng chúng tôi trở lại nhà ga Louvre để đi cáp đến ga Bordeaux, tại ga nầy chúng tôi đi đến Chùa Linh Ứng để lễ Phật.

Chùa Linh Ứng

Được hoàn thành vào ngày 5 tháng 3 năm 2004, chùa có rất nhiều nét giống với Chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn), đặc biệt, ngôi chùa có một bức tượng Đức Bổn Sư cao 27m màu trắng. Chùa còn có Vườn Lộc Uyển - nơi đức Phật thuyết giáo lần đầu tiên cho các ông Kiều Trần Như gồm có 5 người.

Chùa Linh Ứng tọa lạc tại khu đất có địa thế đẹp, linh thiêng và thơ mộng ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển. Phía trước chùa có một cây thông rất đặc biệt, thông ba lá, là một giống cây thông quý có tên trong sách đỏ Việt Nam.


Cùng với Chùa Linh Ứng Ngũ Hành Sơn và Chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt Sơn Trà, ba ngôi chùa tạo thành thế chân kiềng vững chắc che chở cho thành phố Đà Nẵng. Câu “Tam linh tứ Núi chín Cầu , “Tam Linh”ở đây là chỉ ba ngôi chùa Linh Ứng linh thiêng này.


Thích Ca Phật đài

Ẩn hiện trong lớp sương khói mờ ảo của Chùa Linh Ứng Bà Nà là tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao 27m, thiền định trên tòa sen. Bên dưới là 8 bức phù điêu, tái hiện cuộc đời của Đức Phật Thích ca, người sáng lập ra đạo Phật.

Tượng được chạm khắc tinh tế, vào những ngày nắng ráo từ thành phố Đà Nẵng nhìn lên có thể nhìn thấy Đức Phật sừng sững giữa màu xanh hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh.

Tượng ở trước sân, giữa chùa và cổng tam quan, do sương mù dày đặc nên chụp ảnh cũng chỉ thấy lờ mờ qua màn sương.


Hầm Rượu Debay

Hầm rượu cổ Debay là công trình độc đáo do người Pháp xây dựng, được đào xuyên sâu trong lòng núi Bà Nà vào năm 1923. Đây là hầm rượu cổ có chiều dài 100m và luôn được giữ nhiệt độ lý tưởng từ 16 độ đến 20 độ C.


Du khách thăm quan sẽ có những trải nghiệm và khám phá mới lạ trong một không gian hầm rượu đậm chất Pháp khi lên tham quan Sun World Ba Na Hills.


Chúng tôi ra quầy bar, uống ly rượu chát giá 79,000 đồng, ly rượu có thêm trái cây xắt hột lựu giá 70,000 đồng, nghe nói đây là rượu chát đỏ của Úc, uống có nồng độ nhẹ hơn rượu chát đỏ trên phi cơ American Airlines hay Japan Airlines.

Sau đó chúng tôi đi xe điện từ ga Debay lên ga Morin, để tập trung với đoàn ở nhà thờ gần quảng trường Sun World


Trở lại thành phố Đà Nẵng, chúng tôi dùng cơm trưa, nghỉ ngơi cho đến 15 giờ mới đi Hội An. Trên đường đi, đoàn ghé tham quan làng đá mỹ nghệ non nước, nơi đây người ta tạc tượng từ đá nguyên khối, có rất nhiều tượng đá từ Phật cho đến Bồ tát, và thú vật như sư tử, ngựa …, tại đây cũng bán, những trang sức bằng đá quý, nhưng tôi nhận thấy tượng không sắc sảo cho lắm, có tượng Phật Thích Ca ngồi tĩnh tọa, họ tạc cằm chẻ, chắc muốn làm cho giống các cô ngày nay sữa sắc đẹp có cằm chẻ.


Vào bên trong, thấy có bảng ghi yêu cầu không chụp ảnh, cẩn thận bể bị đền tiền theo giá, làm cho tôi hết hứng thú đi xem, nên ra ngoài lên xe ngồi chờ khá lâu, vì có người mua sản phẩm tại đây.

Sau đó đoàn được đưa đến khu phố cổ Hội An. Khi đến đây, khu vực Hội An đã lên đèn, và đèn lồng giăng đầy đường, đặc trưng của Hội An ban đêm.


Trước đây nói tới Hội An là nói tới phố cổ. Tưởng cũng cần nên đọc lại tài liệu về phố cổ nầy:

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Tên gọi Hội An ngày nay được hình thành từ rất lâu trong lịch sử, nhưng thật khó có thể xác định chính xác thời điểm ra đời của nó. Theo tác giả Dương Văn An trong cuốn sách Ô Châu cận lục, vào năm 1553, huyện Điện Bàn có 66 xã, trong đó có các xã Hoài Phô, Cẩm Phô, Lai Nghi, nhưng chưa thấy cái tên Hội An được ghi lại. Dưới thời Lê, tấm bản đồ do đại thần Đỗ Bá vẽ in trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ có ghi lần đầu tiên các địa danh Hội An phố, Hội An đàm, Hội An kiều. Trên tấm bia Phổ Đà Linh Sơn Trung Phật tại động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn ghi tên những người góp tiền xây dựng chùa, tên làng Hội An được nhắc tới ba lần. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan, làng Minh Hương được thành lập bên cạnh làng Hội An đã có trước đó. Căn cứ vào văn bản của dinh trấn Quảng Nam thời Minh Mạng gửi trưởng bang Hoa kiều, Hội An phố gồm 6 làng: Hội An, Minh Hương, Cổ Trai, Đông An, Diêm Hộ, Hoa Phô. Nhà nghiên cứu người Pháp Albert Sallet cho rằng làng Hội An là làng quan trọng nhất trong năm làng tạo nên quần cư Hội An cổ, gồm Hội An, Cẩm Phô, Phong Niên, Minh Hương và An Thọ

Người phương Tây xưa kia gọi Hội An bằng cái tên Faifo. Xuất xứ của cái tên này ngày nay vẫn tồn tại nhiều giả thuyết. Trong cuốn Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes in tại Roma năm 1651, chữ Hoài phô được định nghĩa: một làng trong xứ Cochinchine mà người Nhật ở và gọi là Faifo. Một giả thuyết phổ biến cho rằng Faifo xuất phát từ tên Hội An phố, cái tên sử sách và địa chí Trung, Việt đều nhắc tới. Theo một thuyết khác, sông Thu Bồn trước kia có tên là sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là Hoài Phố, sau Hoài Phố biến thành Phai Phố, từ đó xuất hiện cái tên Faifo. Trong những thư từ, ghi chép của những giáo sĩ, học giả phương Tây, những cái tên Faifo, Faifoo, Fayfoo, Faiso, Facfo... từng xuất hiện nhiều lần. Alexandre de Rhodes trong bản đồ An Nam gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài ấn hành năm 1651 có ghi rõ tên Haifo. Về sau, trên bản đồ chính thức của chính quyền Đông Dương, người Pháp đều sử dụng tên Faifo để chỉ Hội An.

Với những giá trị nổi bật, tại kỳ họp lần thứ 23 vào ngày 4 tháng 12 năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí:

Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.

Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

Ngưi dân Hội An nhớ ơn Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997), sinh ngày mồng 2 tháng 7 năm 1944 tại thị trấn Pachol, huyện Parczewski, tỉnh Lubelszczyzna, Ba Lan. còn được biết tới tại Việt Nam với tên gọi thân mật kiến trúc sư Kazik là một kiến trúc sư, nhà bảo tồn người Ba Lan. Ông được biết tới qua những nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ tại Việt Nam như Hoàng thành Huế, Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn. Kiến trúc sư Kazik được coi là người có đóng góp lớn trong việc bảo tồn các di tích lịch sử tại Việt Nam và góp phần đưa các di tích này được ghi danh trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Ông gắn bó với Việt Nam suốt 17 năm, kiến trúc sư Kazik qua đời ngày 19 tháng 3 năm 1997 trong một khách sạn ở Huế do nhồi máu cơ tim khi vẫn đang tích cực tham gia trùng tu khu vực đại nội Huế. Di hài của ông sau đó được chuyển về Ba Lan. Để ghi nhớ ơn ông, người dân Hội An dựng bức tượng của ông trong khu phố cổ.


Chúng tôi được cô Nga làm hướng dẫn viên đi tham quan khu phố cổ, nơi đây được vào trong một căn nhà xưa, cách bày trí bàn ghế như xưa, ngang chừng 4 thước sâu chừng 12 thước được tham quan, sau đó là phần sinh hoạt của gia đình và căn gác không được tham quan.


Ngoài trước là một gian, xưa là hiệu thuốc bắc, nay không còn hành nghề, nhưng tủ thuốc với các hộc tủ vẫn còn, vào trong là phòng khách với một cái bàn và 2 ghế trường kỷ, kế là một gian với những chậu kiểng, gian kế là một chiếc giường ngủ, tiếp theo là phần sinh hoạt gia đình và có thang dẫn lên gác.

Kế đó tham quan một cửa hàng trầm hương, nơi đây nhân viên của hàng trình bày sơ về trầm hương.

Trầm hay trầm hương, trầm dó, dó bầu, dó núi (danh pháp khoa học: Aquilaria crassna) là một loài thực vật thuộc họ Trầm. Aquilaria crassna một nguồn cho gỗ trầm hương, một loại gỗ lõi có nhựa, dùng lấy hương và trầm. Chất nhựa tiết ra từ cây để đáp lại việc nhiễm một loài mốc ký sinh thuộc ngành Nấm túi.


Cây gỗ to, thường xanh, cao đến 15 - 20 m, có khi tới 30 m, đường kính 40 - 50 cm hay hơn. Vỏ màu nâu xám, nứt dọc, dễ bóc. Cành có lông, có màu nâu sẫm với các lỗ khí trên phần già. Chồi ngọn có lông màu vàng nhạt. Tán lá thưa. Lá hình trứng thuôn, bầu dục hay hình giáo dài, cỡ 8 - 9 cm x 3,5 - 5,5 cm, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới màu nhạt hơn và có lông mịn, chóp lá có mũi nhọn, gốc lá nhọn hoặc tù, mép nguyên, gần dai; gân bên 15 - 18 đôi mảnh, không đều, tận cùng thành mép dày và hơi cuộn lại; gân cấp 3 rất mảnh, rõ; cuống lá dài 4 - 5 mm, có lông nhẹ. Hoa nhỏ, mọc thành cụm hình tán ở nách lá gần đầu cành non, màu vàng nhạt; cuống hoa dài 0,6 - 1 cm, có lông mỏng. Đài hình chuông, nông, 5 thùy, có lông.

Vỏ cây có sợi thường dùng buộc, làm nguyên liệu giấy, làm dây. Gỗ nhẹ, có mùi thơm, không bền vì mối mọt, ít được dùng làm đồ gia dụng, nhưng đặc biệt khi cây gỗ bị nhiễm nấm Cryptosphaerica mangifera sẽ tạo thành Trầm, có mùi thơm đặc biệt. "Trầm" hay còn gọi là "Trầm hương", "Kỳ Nam" là một sản vật quý, dùng làm hương liệu hay chưng cất tinh dầu. "Trầm hương" còn được dùng làm thuốc an thần, chữa trị một số bệnh như ngộ gió, đau bụng, ỉa chảy, đau dạ dày, nôn mửa, hen suyễn, lao, trị rắn cắn.

Nơi đây cho xem những sản phẩm của trầm hương như hương trầm, những xâu chuổi đeo sẽ tiết ra mùi thơm …

Chùa cầu, Chiếc cầu làm bằng gỗ trên những trụ cầu bằng gạch đá, dài khoảng 18m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú. Cầu nầy do người Nhật Bổn xây cất, xưa một bên là khu người Nhật, một bên là khu người Hoa.


Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều, có nghĩa là cầu ở phương xa tới cũng có nghĩa là cầu nước ngoài.


Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu mỗi bên có 2 tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ, (có lẽ được xuất phát từ nghĩa cây cầu xây từ năm thân, xong năm tuất). Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa.


Con khỉ (Thân)

Gần cầu có chùa, nên ghép lại gọi là Chùa Cầu. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.


Con chó (Tuất)

Chúng tôi tham quan trên đường Trần Phú, nó là đoạn đường đặc trưng cho Phố cổ Hội An, nó còn giữ được nét cổ kính xưa của Hội An.

Ban đêm vài con đường  Hội An người ta treo đèn lồng, còn trong khu phố cỗ cũng có khách sạn, có quán cà-phê, bán đồ lưu niệm, quần áo …

Cũng có trụ sở Hội quán hay nhà Từ đường của họ Phan.


Sau khi tham quan phố cổ, chúng tôi dùng cơm ở nhà hàng, ăn Cao lâu là món ăn đặc biệt của Hội An, cũng như Mì quảng là món mì đặc biệt của người Quảng Nam.


Sau khi dùng cơm tối xong, chúng tôi trở lại thành phố Đà Nẵng, nhiều người muốn xem cảnh cầu Rông phun lửa và nước vào lúc 9 giờ mỗi đêm, và cầu quay vào lúc 12 giờ đêm. Nhà tôi và tôi không muốn khám phá Đà Nẵng vào ban đêm, nhất là nhà tôi vẫn chưa được khỏe, vì một ngày dầm mưa ở Huế.
 
Xin mời xem thêm hình ảnh tại:


866408022018



No comments:

Post a Comment