Pages

Saturday, February 24, 2018

Viếng chùa Vĩnh Tràng



Tôi có hẹn họp mặt với mấy người bạn đồng môn KTCT, tại quán ăn trên đường Đào Duy Từ, quận 10 Tp. HCM, trong đó có người bạn nghe tôi về, nên từ Cần Thơ lên tham dự, nhưng rất tiếc tôi phải đi đám tang chú vợ Bùi Thế Quân ở thị xã Mỹ Tho, vì nghĩ rằng các đồng môn còn có dịp gặp lại, nhưng đám tang không thể bỏ qua vì đời người chỉ có 1 lần thôi.


 Trước Tết, sau khi đi tảo mộ nhạc mẫu chúng tôi ở Tầm Vu, khi về ghé chợ Tân An thăm người bà con là cô Chín Anh từ California về, lại rủ nhau xuống Mỹ Tho thăm người bà con khác đó là chú Quân. Trong họ hàng bên nhà tôi, cô Chín Anh con bà thứ ba, chú Quân là con người thứ tám, nhà tôi là cháu nội bà thứ hai. Tối hôm qua tôi được điện thoại từ người chị thứ bảy của chú Quân, báo cho biết chú ấy vừa mới mất do đột quỵ, sau đó cô Chin Anh từ Cali cũng gọi về báo cho biết là chú Quân đã mất và trong Tết một chú khác, con ông thứ Chín cũng đã mất ở Trung tâm nuôi dưỡng người cao niên và khuyết tật tỉnh Long An.

Con rể tôi cũng có quen biết chú Quân qua những người bạn chơi cây cảnh và Phong lan, nhân đó con rể tôi đưa đi viếng tang, có cậu em vợ tôi đi cùng.

Sau khi viếng tang, chia buồn cùng thân quyến, chúng tôi kiếu từ ra về, nhân tiện ghé qua viếng chùa Vĩnh Tràng, là một ngôi chùa xưa, đôi khi đi xe về Miền Tây hay đi Bến Tre, xe có chạy ngang qua chùa, nhưng nhà tôi và tôi chưa có dịp viếng chùa, lễ Phật, nên nhân dịp nầy chúng tôi ghé qua, tham quan ngôi chùa xưa.
 

Chùa rất đẹp, được xây cất từ năm 1849 và 1907, có lẽ ngôi chánh điện và cổng ra vào được xây cất vào năm 1907 cho nên có nét tân kỳ ảnh hưởng phong cách nhà cửa phú hộ miền Nam xây cất theo Âu châu vào đầu thiên niên kỷ 20. Được biết chùa do ông bà Tri huyện Bùi Công Đạt đóng góp xây dựng. Nên ở hậu tổ có thờ tượng của ông.


Chùa có 2 cổng ra vào, một cổng tay trái đi thẳng vào bên trái chánh điện, cổng tay phải đi vào nhà Tổ có chữ Tịnh thổ huyền môn.


Lối đi ở cổng bên tay phải, bên tay trái có hồ sen, hòn giả sơn, qua khỏi đó có nhiều tháp của chư vị trụ trì và tăng chúng đã quá vãng. 


Phía trước chùa, ngăn cách bởi một con đường là một vườn hoa, có tôn trí tượng đức Phật A Di Đã cao 18 thước, ađạt trên bệ cao 6 thước, được xây dựng năm 2007.


Phía tay phải của chùa là công viên chùa Vĩnh Tràng, rộng 5,000 thước vuông, tôn tượng đức Di Lặc được khởi công xây dựng từ năm 2009, tượng được tôn trí trên bệ có chều dài 27 thước, rộng 18 thước, cao 20 thước, tượng đúc bê tông cốt thép nặng 250 tấn, mặt bằng phía dưới tượng là 1 trệt, một lầu, ầng trệt là phòng họp BTS Tỉng Giáo Hội và 4 phòng khách tăng, tầng lầu là Bố Tát Đường dành để tụng giới vào 14 và 29 âm lịch hàng tháng.


Trong khuôn viên, phía sau chùa có tôn tượng đức Phật nhập Niết bàn, được khởi công vào ngày 15-2-2012 và hoàn thành vào ngày 15-2-2013, khánh thành ngày 26-3-2013. Tượng có đế dài 35 thước ngang 18 thước, cao 7 thước, xây bằng xi măng cốt thép, thân tượng dài 32 thước, cao 10 thước, nặng 250 tấn. 


Trong chùa có nhiều tượng xưa bằng gỗ hoặc bằng đồng, Tượng đức Bổn sư tôn trí ở Chánh điện đơn giản và rất tôn nghiêm. Những cột kèo và bao lam bằng gỗ. Đây là một trong 3 ngôi chùa của Thiền Tông thuộc phái Lâm Tế là Giác Lâm  Sàigòn, Tây An Cổ Tự tại Núi Sam, Châu Đốc và Vĩnh Tràng Tự ở Mỹ Tho.

Sau khi lễ Phật, chúng tôi rời chùa, con rể tôi đi đến vườn lan ở vùng Cần Giuộc, để mua phong lan Dendrobium trồng cho khách hàng.


Dọc đường về Sàigòn, cũng như hôm Mồng 4 Tết, nhiều người về quê ăn Tết, nay trở lại thành phố, xe chạy thành đoàn tấp nập, xe chở đôi, chở ba, chở theo những thứ bao, túi trong đó có nông phẩm, gà, vịt là quà của gia đình, thân nhân cho mang về thành phố, gói ghém bao nhiêu tình cảm thân thương.


Tiếc, tôi đã bỏ lỡ một dịp gặp gở đồng môn, nhưng tôi có một ngày đi viếng chùa xưa, lễ Phật lớn và viếng một người đã qua đời, mà chúng tôi vừa mới thăm viếng trong năm. 

866425022018 



No comments:

Post a Comment