Hôm nay là
ngày thứ 5, ngày cuối cùng trong chuyến du lịch Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng 5 ngày,
4 đêm, mọi người được ngủ dậy trễ đến 9 giờ mới đi tham quan, nhưng khi xe đến đón
chúng tôi cũng đã hơn 10 giờ, vì phải đón một nhóm ở khách sạn khác.
Sáng nay
khi ăn sáng xong, còn thì giờ, chúng tôi chụp vài tấm ảnh ở khách sạn Minh Toàn
trên đường 2/9, một phần đoàn chúng tôi đã nghỉ qua 2 đêm tại khách sạn nầy, họ
chưng dọn những chậu hoa lan và mai để chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất.
Trước tiên
đoàn đi tham quan chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà, chùa lợp mái ngói tráng men
xanh, do người dân đóng góp xây dựng và do ông Nguyễn Bá Thanh hô hào, ủng hộ nên
người dân còn gọi là chùa ông Thanh.
Cũng như
các nơi khác, chúng tôi vào lễ Phật, hôm nay quý Tăng đang tụng kinh ầu siêu
hay cầu an cho một gia đình nào đó, buổi lễ tiến hành ở trước chánh điện, nhưng
ngay bậc thềm cuối cùng, có người quỳ đội sớ mặt quay về bàn lễ, lưng quay vào
chánh điện, có đến 4 vị tăng hành lễ và nhiều Phật tử mặc áo tràng dự lễ.
Sau khi lễ
Phật, chúng tôi ra sân chụp ảnh kỷ niệm, ngôi Chùa Linh Ứng nầy cũng khá lớn.
Rồi chúng tôi đi đến tượng
đài đức Quán Thế Âm. Tượng Quán Thế Âm được
xem là cao nhất Việt Nam 67m.Tượng đứng quay lưng vào núi mặt hướng ra biển,
một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lộ như rưới nước an bình cho
những ngư dân đang vươn khơi xa, mang theo bao lời cầu mong về một vụ mùa sóng yên
biển lặng và quốc thái dân an.
Công trình hoành tráng này do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu
khắc gia Châu Viết Thạnh thi công. Trên mão tượng Quán Thế Âm có tượng Phật Tổ
cao 2m. Có đường kính tòa sen của bệ tượng rộng 35m. Đường kính trong lòng
tượng rộng 17m, chiều cao có 17 tầng và mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21
tượng Phật với hình dáng vẻ mặt tư thế khác nhau gọi là "Phật trung hữu
Phật". Ngoài các cửa thông gió, tầng 17 trên cùng có cầu thang thông lên
đỉnh đầu tượng. Trước kia được đi lên tháp, ngày nay không được nữa.
Chúng tôi ra đây chụp vài tấm ảnh kỷ niệm rồi trở lại
bãi đậu xe chụp ảnh ngọn tháp của chùa, tháp cũng cao và đồ sộ, ngang ngửa với
ngọn tháp của Việt Nam Quốc Tự ở Sàigòn. Tôi không rõ có được leo lên tháp tham
quan không và bên trong tháp tôn trí những chi.
Rời khỏi
chùa Linh Ứng, đoàn chúng tôi đi trở lại thành phố, vào một cửa hàng thực phẩm
khô và vật lưu niệm để cho đoàn mua vài đặc sản miền Trung và vật kỷ niệm, sau
đó dùng cơm trưa ở nhà hàng Phố Biển. Sau khi dùng cơm, đoàn đi tham quan Ngũ
Hành Sơn nằm trên tuyến đường Đà Nẵng - Hội An, nay thuộc phường Hòa Hải, quận
Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn là tên chung của một danh lam thắng cảnh, gồm 6 ngọn
núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2 km2, gồm
Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (có 2 ngọn) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một
vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền.
Trong các
ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất. Núi cao 106 m, rộng 7 ha có 3 ngọn ở 3 tầng
giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây cũng là nơi có nhiều chùa và hang động nhất.
Ngọn cao
nhất của Thủy Sơn là 106 m ở phía tây bắc gọi là Thượng Thai, gồm có Vọng Giang
Đài, chùa Tam Thai, chùa Tam Tôn, chùa Từ Tâm, khu nhà Hành Cung, động Hoa
Nghiêm, động Huyền Không và động Linh Nham. Ngọn thấp hơn một chút ở phía Nam gọi
là Trung Thai gồm có Cổng Trời (Cổng Vân Căn Nguyệt Quật), động Vân Thông, động
Thiên Long, động Thiên Phước Địa. Ngọn phía đông thấp nhất gọi là Hạ Thai, gồm
có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi và động Tàng Chơn.
Sử sách
ghi, Thủy Sơn là ngọn núi được vua Minh Mạng đến viếng cảnh nhiều nhất, vào các
năm Minh Mạng thứ 6 (1825), 7 (1827), và 18(1837). Ngay lần đến vãn cảnh đầu
tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp lên núi, đó là lối lên chùa Tam
Thai và lối lên chùa Linh Ứng.
Đoàn được
đưa đến chỗ có thang máy để cho du khách có thể dùng thang máy đi lên chùa Linh
Ứng, tháp Xá Lợi, Vọng hải đài và động Vân thông…
Do không được biết trước, không
có xem sơ đồ nên nhà tôi và tôi đi thang máy rồi đi tới Vọng hải đài.
Nhưng tôi
không hiểu vì sao chúng tôi đi ngang qua Linh Ứng Tự mà lại bỏ qua không vào lễ
Phật, chỉ có chụp ảnh trước cổng chùa, thấy có ngọn tháp xá lợi. Thật là hối tiếc.
Sau khi
leo mấy chục bậc cấp, nhà tôi cảm thấy mệt nên không muốn đi thêm, do đó ngồi lại
bên đường với một cô trong đoàn.
Tôi đi
tham quan động Vân Thông, đi vào động nầy phải chui leo qua một cái lỗ nhỏ, cao
chừng 2 thước, vách đá rất trơn, tối âm u, có anh Sự dùng điện thoại rọi đèn
cho vợ anh leo lên, rồi anh rọi đèn và kéo tôi lên.
Tôi chụp ảnh
chị Sự chỉ vào lối đi, trên vách núi có khắc chữ Vân Thông Động, nghĩa là động
thông ra mây trời.
Đi được một
đoạn bằng phẳng, lại phải leo lên miệng hang, lần nầy có 2 thanh niên tiếp kéo
tôi lên.
Ra khỏi đây
là đỉnh của ngọn ngọn Trung Thai, anh Sự bảo tôi dơ tay lên làm người chiến thắng
lên đến đỉnh Trung Thai, nhiều người cũng làm như vậy.
Tôi chụp
một tấm ảnh anh chị Sự làm kỷ niệm, đây là đôi vợ chồng thích chụp ảnh, chắc chắn
họ chụp nhiều ảnh nhất cho nên luôn luôn lên xe trễ hơn mọi người, đôi khi làm khách
trong đoàn hơi khó chịu vì bắt họ phải ngồi chờ đợi trên xe.
Sau đó tôi đi xuống
núi theo con đường có những bậc thang cẩn đá và tay vịn, đây cũng là con đường dẫn lên đỉnh Trung Thai dành cho người lớn tuổi.
Động Vân Thông người ta vẫn quen gọi là "Đường lên trời" do
động nằm trên vách núi cao, lòng động hình ống, đỉnh động cao hơn miệng động chừng 40m và du khách phải chen người trèo lên, như
đã nói có đoạn rất tối, quanh co, ghồ ghề và chỉ đủ một người qua lọt, tạo cho
du khách cảm giác vất vả và kỳ bí khi lên trời.
Lên đến đỉnh động, du khách sẽ cảm nhận được rằng sự vất vả mệt
nhọc đã được đền đáp xứng đáng bởi giống như đã được lên "tới trời"
và được hít thở không khí thoáng đãng, mát mẻ và thoải sức ngắm nhìn những cảnh
đẹp nên thơ cùng với trời biển bao la bên dưới.
Tôi đi xuống tìm nhà tôi ngồi chờ bên lối đi, tôi định vào Linh Ưng
Tự lễ Phật, nhưng nhà tôi cho biết một số người đã đi xuống, họ dục nhà tôi đi
xuống vì đã trễ, nên chúng tôi vội vàng đi xuống cũng dùng thang máy.
Chúng tôi tìm bãi xe đậu để lên xe, lại chờ đợi vài người tới điểm
hẹn trễ, cuối cùng mọi người lên xe ra phi trường.
Tôi rất tiếc, lần nầy không có cơ hội chụp chung 1 tấm ảnh của đoàn
tham quan, chúng tôi đa số là Việt kiều Mỹ, Pháp, Úc trong đó lại có thân nhân
hay bạn là người Pháp và Úc sau những ngày vui chơi trở nên thân thiết với
nhau.
Một ngày tham quan Huế, hai ngày ở Đà Nẵng với tôi chỉ là “cưỡi
ngựa xem hoa”, nếu còn sức khỏe chắc phải trở lại Đà Nẵng để khám phá nhiều hơn,
còn Huế lần nầy tôi đến là lần thứ tư, sau hơn 50 năm mới trở lại, nhiều người
tôi đã đồng hành với họ, như anh Võ Đình Cường, bác Đỗ Văn Giu, anh Lê Cao Phan,
anh Cao Chánh Hựu, anh Ngô Mạnh Thu đã rời xa mọi người thương yêu.
Ở Huế cũng như Đà Nẵng rất
đông khách ngoại quốc, ở Huế trong Điện Thái Hòa, Thế Tổ Miếu hay chùa Linh Mụ
có rất nhiều khách du lịch Âu Châu tham quan, còn ở núi Bà Nà hay ở chùa Linh Ứng
ở bán đảo Sơn Trà thì hầu hết khách du lịch là người Trung Quốc, có người cho
biết trong đó cũng có người Nam Hàn, trước đây nhiều ngưỡi cho rằng Đà Nẵng rất
đông người Hoa, tôi chưa tin, bây giờ sự thực là vậy.
Lúc đứng tại băng tải chờ nhận hành lý ở phi trường Tân Sơn Nhất,
tôi cảm thấy rất buồn, vì nghĩ tới một chút nữa thôi, tôi sẽ xa mọi người, biết
có còn duyên gặp lại khi nào ?
Xem thêm hình ảnh tại:
866410012018
No comments:
Post a Comment