Pages

Tuesday, February 6, 2018

Tham quan Động Phong Nha và Động Thiên Đường



Sáng ngày hôm sau, là ngày 1-2-2018, Đoàn chúng tôi rời Thành phố Huế dùng con đường Trường Sơn Đông để đi tham quan động Phong Nha-Kẻ Bàng và động Thiên Đường, vì là đường xuyên rừng, hai bên xa xa lác đác có một vài căn nhà và người ta trồng cây cao-su, phần nhiều là cây bạch đàn, thỉnh thoảng có chỗ trồng dương xỉ, ở thân cây dương xỉ có vạt vỏ bề ngang chừng bàn tay dài theo thân cây chừng 1 thước, tôi đoán chừng họ lấy nhựa cây, nhưng không biết để làm chi. Đường sá rất tốt, nhưng buồn tẻ vì ít xe cộ, nhà cửa, chợ búa.

Dọc đường xe ngừng để viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Nơi đây chỉ có Hướng dẫn viên Phan Phước Đức Duy và tôi vào, Duy nhờ tôi đặt bó hoa và cắm 3 cây nhang cho những người đã nằm xuống, tôi làm và không muốn cho Duy biết rằng, tôi vốn là Trung Úy Quân lực VNCH, những người nằm đây với tôi là 2 chiến tuyến khác nhau, thôi thì thắp cho họ mấy nén nhang, vì cùng máu đỏ da vàng, tôi bảo vệ cho sự Tự do của miền Nam, còn họ chiến đấu cho Mỹ cút, Ngụy nhào mà Lê Duẫn đã nói: “Ta đánh là đánh cho Liên xô, Trung quốc và cả phe xã hội chủ nghia”.


Rời Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn, đoàn chúng tôi đến Sơn Trạch, Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, xuống bến thuyền để đi vào động Phong Nha, mọi người phải mặc áo phao, ngồi trên 3 chiếc đò máy.


Hai bên bờ sông nhà cửa khá nhiều, có nơi san sát nhau, có 1 tầng lầu và có cả nhà thờ, chứng tỏ đời sống người dân nơi đây không phải nghèo khó. Đò chạy hơn một khắc thì đến cửa động, vì là động có nước, nên đò tắt máy, phải chèo tay vào trong, đoạn nầy chỉ chèo đò chừng vài trăm thước, vào sâu hơn phải dùng âu thuyền


Động Phong Nha thuộc vùng núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng. Nằm ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cách thành phố Đồng Hới khoảng 45km về phía Tây Bắc. Động Phong Nha được coi là “Thiên Nam đệ nhất động” của Việt Nam.

Với chiều dài 7.729m, sâu 83m, cao 50m với rất nhiều nhánh hang phụ lớn nhỏ. Bao gồm cả hang Bi Kí, hang Tiên và hang Cung Đình. Đây là loại hình động nước chảy ngầm trong lòng núi với nhiều thạch nhũ. Tương truyền rằng, chính những mãng đá rũ xuống ở cửa hang đã góp phần tạo nên cái tên đầy thi vị “Phong Nha”, tức là “Gió luồn qua kẽ răng”.


Nhưng ý kiến khác lại cho rằng Phong Nha có nghĩa là tên ngôi làng gần đấy chớ không có nghĩa là gió và răng như vẫn thường được giải thích. Theo Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một làng miền núi ngày xưa (nay là thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Có ý kiến khác lại cho rằng tên gọi Phong Nha không phải xuất phát từ ý nghĩa răng và gió, mà từ hình ảnh những ngọn núi nằm thành từng dãy đều đặn như hình ảnh các quan đứng thành hàng trên sân chầu hay ở quan thự, người ta đã lấy chữ Phong Nha theo chữ Hán (chữ phong nghĩa là đỉnh núi, nha có nghĩa là quan lại) để đặt tên cho động Phong Nha.

Động Phong Nha còn có tên khác như Động Thầy Tiên, Núi Thầy, Động Troóc, Hang Trùa (Hang Chùa).

Phong Nha nổi tiếng với những khối đá độc đáo được đặt tên theo các hình dạng tự nhiên. Như “Sư tử”, “Kỳ lân”, “Vô chầu”, “Cung đình” hay “Tượng Phật”. Bên trong khoảng 1 km là hang Bi Kí, một nhánh phụ nằm sâu trong động Phong Nha cách cửa động khoảng 600m.

Các văn tự khắc trên vách đá bằng ngôn ngữ Chăm Pa cổ cho thấy động Phong Nha được người Chăm phát hiện từ thời xa xưa khi vùng đất này còn thuộc Vương quốc Chăm Pa.

Năm 1550, Dương Văn An là người đầu tiên viết về động Phong Nha. Động Phong Nha đã được chạm lên một trong Cửu Đỉnh đặt tại Đại Nội triều đại nhà Nguyễn ở Huế.

Năm 1824, động Phong Nha được vua Minh Mạng sắc phong là "Diệu ứng chi thần". Ngoài ra còn được các vua nhà Nguyễn phong tặng "Thần Hiển Linh".

Cuối thế kỷ 19, ông Léopold Michel Cadière, một linh mục người Pháp, thám hiểm động, khám phá các chữ viết của người Chăm và ông đã suy tôn Phong Nha "Đông Dương đệ nhất động". Tháng 7 năm 1924, nhà thám hiểm người Anh Barton sau khi khảo sát Phong Nha đã đánh giá rằng động Phong Nha có thể sánh ngang với các hang động nổi tiếng trên thế giới như động Padirac (Pháp), động sông Drach (Tây Ban Nha) về vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động.

Năm 1935, một người dân địa phương đã tình cờ phát hiện ra một động khô có cửa động nằm cách cửa động Phong Nha 1000 m, trên độ cao 200 m. Động này nằm trong khối núi đá vôi Kẻ Bàng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Đây là động có cảnh quan kỳ vĩ không kém động Phong Nha nhưng lại không có sông ngầm.

Năm 1937, Phòng du lịch của Khâm sứ Pháp (ở Huế) đã ấn hành một cuốn tập gấp giới thiệu du lịch ở Quảng Bình, trong đó có giới thiệu về động Phong Nha. Địa điểm du lịch này đã được xếp hạng nhì ở Đông Dương thuộc Pháp. Trước năm 1990, đã có nhiều cuộc thám hiểm hang động của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài nhưng chưa hé lộ nhiều về hệ thống hang động Phong Nha.

Năm 1990, lần đầu tiên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cùng với Hiệp hội nghiên cứu hang động Anh (British Cave Research Association) đã phối hợp khám phá và nghiên cứu hang động trong khu vực này một cách sâu rộng. Cuộc khám phá hang động lần đầu được tiến hành năm 1990 bởi một nhóm các chuyên gia về hang động của Hiệp hội nghiên cứu hang động Anh và Khoa Địa chất Địa hình của Đại học Tổng hợp Hà Nội, do Howard Limbert chỉ huy. Nhóm thám hiểm này đã hoàn tất nghiên cứu động Vòm.

Năm 1992, một nhóm gồm 12 nhà khoa học Anh và 6 giáo sư của Đại học Tổng hợp Hà Nội tiến hành cuộc thám hiểm thứ hai và đã hoàn tất thám hiểm 7.729 m thuộc động Phong Nha và 13.690 m thuộc động Vòm và các hang động lân cận.

Cuộc thám hiểm thứ 3 vào năm 1994 bao gồm 11 nhà khoa học Anh và 5 nhà khoa học Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Việc thám hiểm các hang động trong khu vực này là một công việc khó khăn và nguy hiểm. Các đoàn thám hiểm đã mất nhiều thời gian với những khó khăn như: hang động sắc nhọn dễ gây thương tích, lòng hang hẹp, các sông suối ngầm có thể dâng lên đột ngột làm bít cửa hang, lượng ô-xy trong nhiều khu hang động có thể không đủ.

Các kết quả thám hiểm, nghiên cứu này đã mang đến một sự hiểu biết toàn diện về hệ thống hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng và đã được làm cơ sở cho bảo vệ, quy hoạch và phát triển du lịch cũng như hoàn thiện hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Bên trong nhờ có đèn, nên thấy được thạch nhũ, có nơi thấy được vài giọt nước rơi, những giọt nước ấy, hàng trăm năm tạo nên thạch nhũ.



Khi đò quay trở ra gần tới cửa động, có đất đá nên du khách lên bờ đi bộ tham quan và đi ra khỏi cửa hang.


Ra khỏi động lại xuống đò đi trở về bến, rồi dùng cơm trưa tại Nhà hàng Phong Nha Quán Cô Phượng, đây là vùng quê, nhưng quán nầy nấu những món ăn chay khá ngon miệng, có chả giò, khoai tây chiên, một dĩa đầy đậu phộng rang, canh rau, gỏi và rau muống luộc.

Sau khi dùng bữa trưa, đoàn chúng tôi đi tham quan động Thiên Đường, do hướng dẫn viên giới thiệu, đường đi lên dốc, quý vị nào tuổi cao hay có vấn đề về tim mạch nên tự lượng sức mình mà đi. Nhà tôi bị dầm mưa trọn ngày qua, bị nhiễm lạnh đã không ăn được từ bữa cơm chiều hôm qua và trưa nay, nên không tham gia, ngồi lại ở xe.

Chúng tôi được đi xe điện 1 đoạn hơn 1 km, sau đó mới bắt đầu cuốc bộ trên con đường ngoằn ngoèo có độ dốc chừng 20-30 độ, tôi phải dừng chân nghỉ đôi lần, đến cửa động có nhà dừng chân, nơi đây có một cô thuyết minh về động cho chúng tôi biết khái quát.

Hang Thiên Đường hay Động Thiên Đường là một động tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đồng Hới 60 km về phía tây bắc. Hang động này nằm trong phân khu rừng phục hồi sinh thái, thuộc vùng lõi núi đá vôi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.


Động Thiên Đường được phát hiện năm 2005, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá từ năm 2005-2010 và năm 2010 họ công bố hang này có tổng chiều dài là 31,4 km, hang dài nhất châu Á. Do vẻ đẹp của nhũ đá và măng đá trong hang, họ đã đặt tên hang này là Thiên Đường. Theo đánh giá của Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh Quốc, hang động Thiên Đường còn to lớn và đẹp hơn cả động Phong Nha.


Động Thiên Đường là một động khô, không có sông ngầm chảy qua như động Phong Nha. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của các nhà khoa học, so với động Phong Nha thì động Thiên Đường có chiều dài và quy mô lớn hơn nhiều. Trong hang động Thiên Đường có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền đất trong động này là đất dẻo, khá bằng phẳng nên thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Nhiệt độ bên trong hang Thiên Đường luôn chênh lệch so với bên ngoài khoảng 16 °C.


Đường bộ đến hang động Thiên Đường từ đường mòn Hồ Chí Minh (nhánh tây) đoạn km 16, đi đến cửa động Thiên Ðường dài gần 5 km. Trước khi các cơ sở phục vụ du lịch được xây dựng, muốn đến động phải băng rừng và leo lên ngọn đồi nơi có cửa động. Động Thiên Đương đã được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư đường nối vào cửa động, bậc thang và đường bên trong động với chiều dài 1,1 km và đã đón khách tham quan từ ngày 3 tháng 9 năm 2010.

Sau khi đường đến cửa động được xây dựng và đưa vào khai thác du lịch, khách cần phải xuống xe đi bộ hoặc đi xe golf thêm 1,6 km đường bề mặt bê tông dưới tán rừng thì đến chân đồi để leo 524 bậc thang đá hoặc leo 570 mét đường dốc lên cửa động.


Từ cửa động, chúng ta sẽ đi thang gỗ quanh co xuống động có chừng 300 bậc thang, động gần như bằng phẳng, gần cửa hang là một khoảng rất rộng và cao, toàn bộ đường đi trong hang được làm bằng chiếc cầu gỗ, bề ngang rộng gần 2 thước, có lan can, thỉnh thoảng có những chỗ dừng chân lớn, nhỏ không đều, có cái chừng 12 thước vuông, có cái chừng 20 thước vuông, lối đi nầy dài 1,1 km, chấm dứt bằng một cái sân gỗ rộng chừng 30 thước vuông, nhưng chỗ sân rộng nhất là nơi gần cửa hang, như đã nói nơi đây hang rộng lớn và có vòm cao, diện tích sân nầy không dưới 100 thước vuông và được xây dựng cao hơn lối đi chừng 1 thước.


Thạch nhũ ở đây có măng và nhũ với những màu trắng hay vàng, hình dáng rất đẹp mắt, trong hang tuy có đèn chiếu vào thạch nhũ, nhưng ánh sáng mờ mờ, ảo ảo trên lối đi.


Lúc ra khỏi hang rồi, khi đi xuống tôi đi theo những bậc thang xây đá, một bên có tay vịn cho dễ đi và an toàn.

Đoàn chúng tôi trở về Đồng Hới, dùng cơm tối rồi mới nhận phòng ở khách sạn Mường Thanh Nhật Lệ. Khách sạn nằm ở ngay bờ biển, nhưng không có hàng quán chi cả.


Một ngày tham quan hang động, một động nước và một động khô, mỗi động có sắc thái riêng, nhưng động Thiên Đường, theo tôi đẹp hơn động Phong Nha, nhưng tham quan động Phong Nha nhàn nhã hơn, còn động Thiên Đường rất nhọc mệt cho người cao tuổi vì phải cuốc bộ lên dốc và phải dùng thang gần 300 bậc để lên xuống hang.


Xem thêm hình ảnh tại:


866407022018 



No comments:

Post a Comment